Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KIẾN CON

Minh Châu
NHÀ THƠ NGUYỄN TÙNG MINH VỚI TẬP THƠ VIẾT CHO THIẾU NHI: KIẾN CON
    Nhắc đến Nguyễn Tùng Minh là nhắc đến một cây bút khá tiêu biểu của hội văn học nghệ thuật Thanh Sơn nói riêng, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ nói chung. Đọc thơ Nguyễn Tùng Minh ta cảm nhận được một tâm hồn khỏe khoắn, nhạy cảm và linh hoạt ở nhiều phương diện của đời sống đương đại. Nguyễn Tùng minh thành công ở nhiều mảng đền tài khác nhau, ở mảng nào ông cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người đọc. Vẫn biết ấn tượng ở mỗi bài với mỗi người có sự tỏ mờ khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì: thơ Nguyễn Tùng Minh không nặng về triết lý, không cầu kỳ, không tạo bởi nhiều hàm ngôn kinh viện, cũng không hề bay bổng quá xa xôi. Luôn dung dị đời thường mà không thô thiển gần gũi rõ ràng mà không kém phần lấp lánh thăng hoa.
   Góp phần làm nên vẻ đẹp của thơ Nguyễn Tùng Minh, một phần quan trọng phải kể đến là tập thơ viết cho thiếu nhi gần đây nhất của ông: tập thơ Kiến con do nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành. Chính mảng đề tài này đã làm cho nghiệp thơ của ông thêm giầu có và hồn thơ của ông thêm tươi trẻ đậm đà. Từ tập thơ này ông thực sự là nhà thơ dành cho tuổi thơ – vì tuổi thơ. Thơ thiếu nhi của ông tuyệt nhiên không có vẻ gì của việc “cưa sừng làm nghé”. Ngay cả những câu thơ dường như nũng nịu chưa thật rõ nghĩa cũng là cái non nớt của tuổi thơ mà ông học được; đồng cảm và sẻ chia…
  Thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ theo giọng điệu đồng dao và kết cấu theo thể ngụ ngôn được ông vận dụng, thể hiện một cách thuần thục. Ở đó có sự đồng vọng lan tỏa phù hợp với tâm hồn và suy tưởng hồn nhiên của trẻ thơ. Ông đã trao cho tuổi thơ chiếc vương miện của sự hồn nhiên thánh thiện và tuổi thơ cũng dành cho ông niềm tin yêu trìu mến.
   Đọc thơ thiếu nhi của ông có lúc tôi cũng giật mình vì tôi cũng từng có một tuổi thơ tươi đẹp ở chính quê mình. Dẫu tuổi thơ ở thế hệ chúng tôi không có điều kiện như các cháu bây giờ, thời đại ấy nó thế chứ tôi không hề tị lạnh so bì gì với các cháu hôm nay. Xin tác giả và các bạn cảm phiền cho… Mải bươn trải giữa dòng đời mà nhiều khi quên bẵng tuổi thơ của mình. Giờ đây còn gì sung sướng bằng được ngắm “ đàn các cờ tung tăng đi học, nghe một chú cuốc gọi loa thông báo, ngắm ông giáo sư chuồn chuồn đeo cặp kính bự bên huyền ảo hồ sen dưới mặt trời hồng..” còn gì hồi hộp bằng được đi “Xem xiếc” để thấy “Chú hề lùn, mũi to, má đỏ đi xe đạp một bánh trên tít hút mãi cao” được cùng “các bạn nhỏ hò reo vang dậy sân đình” này đây “con đom đóm chúa” trên tay bố đi làm bảo vệ những buổi trời tối ra công trường, được thấy chú trâu bự có cặp sừng tông đơ đang ung dung xén vạt cỏ gà xòa tóc, được ngồi trong bụng máy bay bay vút trên mấy tầng mây, được xem ông làm chiếc cọn nước, khi cùng ông ra dòng suối dựng lên mà cứ thế nó quay đều đưa nước về đồng ruộng, được tung tăng chân sáo đến trường trong bừng nắng quê hương, được chơi với bóng mình, được ngắm vầng trăng tươi sáng treo lung linh giữa căn nhà của mình và không như đám mây lang thang khắp nơi, bêu đầu ngoài nắng, không biết nghe lời, được cùng nắng tung tăng múa đèn đêm hội trung thu.. được ngắm gà mẹ vừa nhanh chân bới rác tìm mồi vừa đếm đàn con nhỏ, được cùng bé Hiếu ngồi tập vẽ bên hàng cây xanh, được chơi hú òa, được cùng đàn kiến tha mồi về kho và chuyển trứng tránh mùa bão lũ, đặc biệt hơn nữa là được ngồi xếp chữ cùng chị trong nhà, học mà chơi, chơi mà học…
  Còn nhiều, nhiều lắm những hình ảnh thơ, ý thơ mà Nguyễn Tùng Minh gợi cho chúng ta về những rung cảm và nhận thức hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ trong cuộc sống vui vầy.
  Có thể nói 55 bài thơ trong tập Kiến Con là 55 trạng huống nhận thức của trẻ thơ về thế giới quanh mình. Nó là cả một thế giới sinh linh, sự việc, đồng thoại, đồng vọng đang vây quanh chúng ta, tin yêu, chờ đợi sự chở che, nuôi dưỡng. Chất nhân văn cũng bắt đầu từ đó mà lan tỏa. Bởi sự giáo dục, động viên, khích lệ trẻ thơ bằng những bài thơ về sự cụ thể, gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ là điều quan trọng nhất.
  Vẫn biết trong khoảng thời gian không thực sự dài lâu cho quá trình thai nghén để tạo ra tập thơ thì nhà thơ Nguyễn Tùng Minh dù có thiện chí, có nhiệt tình hóa thân đến mấy cũng khó mà tránh khỏi những hạn chế trước thực tế vô cùng phong phú của thế giới trẻ thơ; ví như sự tham ý, tham bài đã làm cho đó đây trong tập thơ này gây sự gò bó, chênh vần. và có ý thơ đời thường vượt khỏi tuổi suy nghĩ của trẻ thơ. “Em đã lên lớp một/ Anh vào cấp hai rồi/ Anh rất là hiểu biết/ Em ngưỡng mộ quá thôi…” Nhưng dù thế thì tập Kiến Con vẫn mãi sứng đáng là người bạn thân quý, đồng hành của tuổi thơ và là niềm chia sẻ của mỗi chúng ta.
                                                                                                                                   M.C
31
ÔNG VÀ CHÁU
Cháu vào học lớp một
Cũng đã nửa tháng rồi
Hôm nay là chủ nhật
Mẹ đưa cháu về chơi…
Lên lớp một có khác
Cháu trông đĩnh đạc ra
Không khóc nhè như trước
Lon ton theo đòi quà
Ngồi chơi trò tập đọc
Giảng giải cho ông nghe
Trăng tròn kề trăng khuyết
Phát âm là chữ a…
Cháu tập làm cô giáo
Say sưa bài học vần
Tiếng đồng hồ điểm báo
Nắng vui đùa ngoài sân…
ÔNG MẶT TRỜI
Ông mặt trời lấy nước
Mắt thường chẳng thấy đâu
Nước bốc hơi không mầu
Đựng trong túi mây bạc…
Thấy nơi nào khao khát
Thi thoảng ông đến chơi
Tưới xanh núi xanh đồi
Cho muôn loài sự sống
Nhà trời cao và rộng
Nhiều khi cũng hung tàn
Bão táp mưa ngập tràn
Tưới nắng như đổ lửabia_kien_con1
Để ông đừng giận nữa
Hãy chăm chút màu xanh
Giữ môi trường trong lành
Là ông hiền lắm đấy…
CÚN CON
Sáng bé đi đến trường
Cún trông theo ngơ ngác
Bé còn phải đi học
Chiều về kể cún nghe
Đến lớp vui lắm nhé
Được học tập múa ca
Những điểm mười như hoa
Phiếu bé ngoan đỏ thắm
Bé về cún mừng lắm
Ngoe nguẩy đuôi từ xa
Quên cả phép lịch sự
Ôm chân bé đòi quà…
Bé đi học thôi mà
Chưa làm ra kẹo bánh
Có điểm mười lấp lánh
Bé tặng cho cún đây
ĐOM ĐÓM CHÚA
Ai thả chiếc đĩa ngọc
Lên trời cao cao cao
Ai dệt hoa lấp lánh
Xanh xanh những vì sao…
Đêm về con đom đóm
Thắp đèn đi tuần tra
Để nơi nơi yên giấc
Từ bản đến đồng xa
Bố đi làm bảo vệ
Tối đến ra công trường
Chiếc đèn pin sáng thế
Đom đóm chúa yêu thương…
BỐNG VÀ GẤU BÔNG
Mẹ thổi cơm trong bếp
Chị Nhi sún học bài
Bống cùng gấu bông chơi
Ô ăn quan trên ghế
Bạn Bống đi trước nhé
Vòng đầu, được ăn ngay
Lượt gấu, Bống đi thay…
Ăn ô quan...sướng thế…
Vang căn phòng nhỏ bé
Bống vui lắm lắm cơ
Bạn gấu bông hiền khô
Long lanh tròn đôi mắt…
ĐÀN GÀ CON
Liếp chiếp, liếp chiếp
Ríu ra ríu ran
Một đàn gà con
Sáng nay xuống ổ
Cục bông vàng nhỏ
Theo mẹ kiếm mồi
Mải ngắm đất trời
Cái gì cũng lạ
Cỏ cây hoa lá
Rực rỡ muôn màu
Mẹ gà giục mau
Đều chân kẻo lạc…
KIẾN CON
Không gian ngột ngạt
Trời cuồn cuộn mây
Ầm ầm sấm chớp
Ào ào lá bay…
Trên thân cây khế
Đàn kiến tí ti
Đường mòn nhỏ bé
Như đoàn quân đi…
Kiến đi chống bão
Chuyến trứng vào kho
Chắn che thành lũy
Phòng lúc mưa to…
Bé cùng anh Tý
Dọn củi, cất ngô
Mẹ về thấy thế
Hoan hô…hoan hô!
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 33
Trong tuần: 1156
Lượt truy cập: 437100
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.