Lê Văn Sự
HUYỀN THOẠI ĐỐN SƠN
( Trường ca )
Chương I
Quê Hương
Có một làng quê hiền hòa
neo giữa đôi bờ Bái Giang, sông Mã.
khi xuân về nước xanh màu lá
mùa lũ nước dâng như ngựa tung bờm.
tiếng huầy dô, đò dọc, đò ngang
người trên bờ mồ hôi đẫm ướt.
ngô lúa vẫn lên xanh ngút ngát
bời người dân tần tảo siêng làm.
hạt gạo làm ra xay, giã giần, sàng
nuôi quê hương nuôi người đi đánh giặc.
ngày tám tháng ba, đông ken gió bấc
làng lớn theo đất nước thăng trầm..
Hà Lãng quê tôi
như bao làng quê đất Việt
vùng đất địa linh
cứ thế đi lên
từng sinh ra Vương hầu, Khanh tướng.
Hào khí Đông A, một thời danh tiếng
thấm vào từng hạt phù sa.
tiếng “ Sát that” là tráng ca
của tình yêu quê hương đất nước.
Vùng Hà Lãng vua Trần cấp đất
đén Đốn Sơn lập trại, luyện quân
dòng dõi Lê Hoàn bao đời tôi trung.
giết giặc Nguyên- Mông giữ yên bờ cõi.
Đêm Hà Lãng đông ken trăng dọi
sông Mã lững lờ, lấp lánh ánh sao
thái ấp Vua phong xanh mướt núi đồi
trong tư dinh họ Trần, đón đợi
khi tiếng gà chuyển canh giục gọi
có người phụ nữ chuyển cơn đau
nỗi đau sinh nở lần đầu.
Đêm bỗng sáng bừng lên đến lạ
rồi mây đen vần vũ
lóe ánh sao băng rạch sáng Ngân Hà
tiếng trẻ khóc vang ấm nhà
khỏe khoắn ngân lên như hát
xua màn đêm, gọi bình minh lên
mây tan , trăng cuối tháng mờ dần
rạng đông mặt trời vọng tiếng chim ngân
đón chào hài nhi đất Việt..
Chú bé họ Trần
trán rộng, tóc đen
đôi mắt sáng đượm buồn
khóc chào đời như thế !
trời đất vui niềm vui dâu bể.
Lễ đặt tên
Nén nhang cháy xoắn thành vòng
Lung linh làn khói thơm nồng mùi hương
Trần Vi Nhân, cáo tổ tông*
Lễ đặt tên , tỏ nỗi lòng cháu con.
Tư dinh gia phả , bìa son
Khẽ khàng trang mở chữ còn nguyên sơ.
Mấy trăm năm đến bây giờ
Tự hào nguồn cội dòng Lê một thời.
Thăng trầm biến cải đầy vơi
Lê Phụ Trần đã giúp đời- bình Nguyên.
Chương Dương, Hàm Tử...lưu truyền
Nối đời khanh tướng khắp miền nhớ tên.
Trước án thư, tay bút nghiên
Nét đưa trên giấy ghi tên Lạc Hồng.
Rưng rưng ánh nến chập chờn
Trong không gian sáng màu son, đất lành
Mực nho thơm cả câu vần
Khát Chân tên chữ, họ Trần xứng danh.
Mẹ vui giữa sáng trời Thanh
Bố mong con lớn rạng danh Lê- Trần.
Chương II Đông A cuối Trần
Lịch sử vẫn thương Lý Chiêu Hoàng
đã mất chồng
còn mất cả non sông Đại Việt.
chuyện rất thực quá trình dựng nước.
Nhà Lý chuyển giao ngôi báu cho Nhà Trần
nối chí ông cha giữ yên nước Việt.
ba lần thắng Nguyên – Mông oanh liệt
‘ Sát thát” lời thề đanh thép
lưu truyền non nước ngàn năm
hội nghị Diên Hồng
bài học lòng dân không bao giờ cũ
*Theo sử sách Trần Vi Nhân là Thân phụ Trần Khát Chân
những trận đánh Chương Dương Hàm tử,
Thăng Long, Vạn Kiếp.Bạch Đằng Giang...
Cứ chói ngời trang sử nước Nam
những nhân vật triều Trần
mãi mãi đi vào sử sách
Quốc mẫu Trần Thị Dung, Thái sư Trần Thủ Độ
những Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn Vương
từ Yết Kiêu đến chàng trai Trần Quốc Toản...
câu nói lừng danh của Trần Bình Trọng
- Ta thà làm quĩ nước Nam...
cứ lấp lánh trong trang sử ký.
Những tướng Nguyên – Mông
kỳ tài,cưỡi ngựa. bắn cung
từng nhiều nơi,thảo phạt
từ Châu Âu, Ba Tư, đất trời Trung Quốc...
đều thất bại trước nước non Đại Việt
Những Toa Đô, Lý Hằng, Lya Quản...
bị đầu rơi chiến trận trời Nam
những Ô Mã Nhi, Sầm Tiếp, Sâm Đoàn...
trước quân Trần, khoanh tay chị trói
Thái tử Thoát Hoan kinh hồn líu lưỡi
chui ống đồng về nước còn run.
Đại Việt lòng dân trên dưới đồng tâm
Từ vua Trần Thái Tông đến Thái tử An
gần hai trăm năm thái bình thịnh trị
dân an cư xanh đồng. ngô lúa..
hoa trái thơm hương, tiếng trẻ vui làng.
Có vương triều nào giữ mãi vinh quang
khi đất nước sạch bóng thù xâm lược.
Thời phong kiến bao giờ giữ được
cán cân cuổi Triều công lý xô nghiêng.
Vua và quan lo cuộc sống riêng
chỉ biết ăn chơi rượu chè, mĩ nữ.
để rồi Dương Nhật Lễ
cướp ngôi thay thế Nhà Trần
cội rễ cha là kép hát đêm đêm
Quan nình thần dưới, trên
chỉ lo toan chiếm đoạt
tiêu hao quốc khố Vương triều
Ngự y Châu Canh xiểm nịnh bao nhiêu
bắt cóc trẻ con lấy mật
dâng cho Vua làm toa rượu thuốc
tiếng khóc tìm người nháo nhác thành đô
đất , trời chẳng dung tha.
bảy loạn thần ngày càng tha hóa
những Bùi Canh và Tâm Đức Ngưu
đến Nguyễn Thành Lương, Đoàn Nhữ Cầu
một lũ mọt sâu Bùi Khoan, Mai Thọ Đức
triều chính trong cơn bĩ cực
làng quê dân chúng kêu oan
Chu Vân An dâng Thất trảm gian thần
mong cứu Vương triều ‘ Đông a “ trở lại.
Vua Dụ Tông làm ngơ , không đoái
Cởi mũ từ quan ông xin về quê
tránh xa chốn quan trường bê bối
bầu trời Nam tìm đâu, Vua sáng
người hiền như ánh sao thu.
Quan ngoại lai thao túng ngày đêm
Vương triều Trân xô lệch
dẫu Hồ Quí Lý tìm đường cải cách
dễ gì có được lòng dân.
phía Bắc quân Minh rập rình
mạn Nam , Chiêm Thành quậy phá.
Vua Trần Duệ Tôn không nghe can gián
ỷ sức mình, cậy mạnh, kiêu căng
mười hai vạn binh tiến thẳng về Nam
hòng dẹp họa Chiêm Thành chốc lát
để một sớm mùa xuân nắng nhạt
quân Trần không có đường lui
Thị Nại bốn bên lửa khói ngút trời *
thành Chà Bàn quân Chiêm phục sẳn
như lưỡi câu dụ cá cắn mồi
sáng lòa gươm, giáo binh đao
một rừng mũi tên như mưa rào
nhằm thẳng quân Trần xuyên tới..
phía trước cụt đường
phía sau đá lấp
quân Trần không kịp trở tay
tiếng kêu la thê thảm tới trời.
Vua Trần Duệ Tôn trúng tên tử nạn
tướng Đồ Lễ,Nguyễn Nạp Hòa
cùng Hành Khiển Phạm Huyền Linh...
theo Vua Duệ Tôn trở thành sương khói
mười hai vạn binh hóa thành sông núi
nỗi đau oằn trang sử ngàn năm
mất mát này bài học khôn cầm
trong non nước ngàn đời đất Việt..
Vua Chế Bồng Nga được đà đốc thét
đưa quân ra Thăng Long
quấy dân lành, bắt mĩ nữ về Nam...
Cậu bé Trần Khát Chân
trên quê hương Hà Lãng
năm tháng lớn lên
như cây xanh tỏa bóng cuối Trần
với lòng trung vằng vặc ánh trăng
sức học- Thiên tư- cốt cách nhân văn
đậu Thái học sinh, hai mươi tuổi xuân.
hai mốt tuổi “ Tam công trật nội hầu”..
gương mặt sáng ngời trong hàng võ tướng.
Chương III
Tiếng súng trên sông Hải Triều
Sau máu đổ Thị Nại- Qui Nhơn
Trận Chà Bàn thành nỗi đau ám ảnh.
Thế lực Nhà Trần như con thuyền neo sóng
Chênh chao quyện lực Vương triều.
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông
như ngồi trên lửa bỏng
chập chờn, giấc ngủ không yên
nghe tiếng kêu đầy nỗi oan khiên
cứ trách móc dội về phương Bắc.
nhiều làng quê trời Nam xơ xác
khi, giặc Chiêm tràn qua
nhiều tướng lĩnh , nông nô Nhà Trần
chuyển nghề, làm trộm cướp.
đâu hào khí ‘ Đông A” “ Sát thát”
tiếng đồng thanh “ Hội nghị Diên Hồng” ?.
Quân Chiêm vào Thăng Long
Thượng hoàng nghĩ gì khi dời đô tránh nạn
chọn Đình Bảng làm nơi trú tạm
phải chăng sai lầm nhường ngôi cho Trần Kính (Duệ Tôn)
để ngày đêm thương nhớ đất Thăng Long
căm giận vua Chiêm vào cửa Đại An
cướp của cải săn lùng gái đẹp.
Phải củng cố Vương triều
mấy đời ông cha dựng nghệp
Thượng hoàng sai ,mô lính, tuyển quân
Bổ vào số quân thời vua Duệ Tôn
giao Hồ Quí Ly ngày đêm luyện tập .
Bầu trời nước Nam nhuốm màu u uất
Vua Phế Đế u mê
kinh đô vẫn thăng trầm dâu bể
cuộc sống thị thành như thời loạn thế
thái ấp,đồng quê lũ lụt trền miên.
bức tranh nhà Trần nổi nênh
bậc tôi trung, mùa thu lá rụng
chỉ là quan chức ngoại lai
Hồ Quí ly ngày đêm thao túng
Tôi bồi hồi ngược trang sử ký
hiểu thêm thời vua Trần Minh Tông
đã là vua , mĩ nữ cung tần
kể đến cả Tam cung, Lục viện...
Có hai người phi Trần Minh Tông yêu mến
Đôn Từ phi và Minh Từ phi
là hai cô của Hồ Quí Ly
nên đưa cháu mình vào hàng Tôn thất
được nhiều đặc ân, đặc cách
trở thành Phò mã đương triều
kết duyên cùng công chúa Huy Ninh
em gái Trần Minh Tông thục hiền hương sắc.
nhờ cần mẫn thông minh mưu lược
leo lên chức trọng quyền cao
hàm Thái sư tột đỉnh vương triêu
đứng sau vua điều hành đất nước.
Năm 1378 vua Chế Bồng Nga
lại vượt sông Đại Hoàng
hùng hổ tiến vào Thăng Long
sau vài trận giao tranh
quân Trần thất bại
Vua Phế Đé bị phế truất
Trận Thuận Tôn lên ngôi
kết duyên cùng con gái Thaí sư
Hồ Quí ly trở thành nhạc phụ
.
Năm 1379 Chế Bồng Nga vượt sông
tiến vào quậy đất trời Thanh Hóa
Thượng hoạng Nghệ Tông ngồi không nóng chỗ
Hồ Quí Ly đượ giao cầm quân
thế giặc mạnh, quân đông
Chế Bồng Nga đốc quân vây hảm
quân Trần bị bốn bề tiến đánh
Hồ Quí Ly vội rút quân về
trước nỗi lo, triều thần ngơ ngác.
Bến Bình Than một chiều nắng gắt
Trần Khát Chân quì lạy xin đi
nước mắt rơi thương cảm chia ly
trước Thượng hoàng Trần Nghệ Tông
Trần Khát Chân nguyện mang về chiến thắng
Trần Nghẹ Tông nỗi lòng canh cánh
giao binh phù , hàm Đô Tướng quân
mong Trần Khát Chân giải phông kinh thành
cứu dân tộc khỏi cơn hiểm họa
Nhận ủy thác trên vai gánh nặng
đại quân rời Thăng Long
Trần Khát Chân thị sát sông Hoàng Giang
nơi quân Chiêm tiến ra từ Thanh Hóa
biết địa thế khó bài binh dụng võ
Trần khát Chân cho rút quân về
bô trí quân tình trên sông
ngã ba giáp ranh sông Hải Triều và Nhị Hà đợi giặc.
Sông Hải Triều một đêm trăng nhạt
Trần Khát Chân nghĩ tới sóng Bạch Đằng
vốn dòng dõi Lê- Trần
ông tin trận chiến cuối cùng này sẽ thắng
hai bên bờ sông phơ phất cỏ lau may
súng thần công chỉa nòng đợi địch
các mũi khác sẳn sang xuất kích
đợi quân Chiêm vào thế trận phục binh.
...Chuyện kể rằng một lần vào Thăng Long
quân Chiêm bắt về rất nhiều mĩ nữ
có người con gái đẹp như Thiên sứ
vầng trăng sắc nước đất đô thành
nàng là Thanh Mai tuổi độ tròn trăng
vua Chế Bồng Nga xem như báu vật
luôn giữ bên mình như tì thiếp
sớm hôm hầu rượu, bưng trà.
Vào một đêm trăng ngà
lấp lánh mặt sông màu mật
đêm về khuya, gió về phơ phất
thuyền rồng vua Chiêm vẫn sáng đèn
Chế Bồng Nga ngồi nghĩ kê tiến quân
sóng vỗ mạn thuyền ì oạp
bỗng nghe vọng duới đuôi thuyền, gấp gáp
thì thào nỉ non không yên
bước ra ngoài trời Chế Bồng Nga thất kinh
Thanh Mai khỏa thân dưới vầng trăng bạc
Ba Lậu Khê tì tướng tâm phúc
đang giở trò đồi bại dưới trăng
tột đỉnh cơn giận bốc lên
vua Chiêm rút gươm khỏi vỏ
lịch sử đến giờ vẫn là câu đố
khi Chế Bồng Nga tra đốc kiếm quay vào
mặc Thanh Mai sương gió ngoài trời
thương thân phận khóc trong tiếng nấc
Hình ảnh Chủ nhân rút gươm sáng rực
thành nỗi lo tướng mọn tôi đòi
nghĩ khó toàn tính mạng dài lâu
Ba Lậu Khê rơi thuyền cho quân Trần bắt.
trước Trần Khát Chân oai phong lẫm liệt
Ba Lậu Khê quì gối xin hàng
mong góp phần nhỏ mọn dâng công
chỉ điểm thuyền vua Chiêm màu xanh trên sông nước.
Trần Khát Chân vội vàng triệu tập
các tướng bàn cơ mật lập công
tất cả súng hỏa công
đợi sẳn sàng nhả đạn
không quên cho đặc tình do thám
điều tra sự thể lời khai
hai bên bờ sông quân binh triển khai
rừng cỏ lau ngút tầm che mắt địch.
Khi đòan thuyền Chiêm rơi vào nơi phục kích
hiệu lệnh nổi lên
tất cả nhằm thuyền vua Chiêm khai hỏa.
Sông Hải Triều mịt mù khói lửa
đội hình quân Chiêm rối loạn tiếng thất thanh:
thuyền vua Chiêm trúng đạn tan tành
Chế Bồng Nga ,tử nạn...
binh sĩ nhà Trần từ bốn hướng
gươm giáo vung lên lóe sáng một vùng
quân thú phút chốc tan hoang
nước sông đỏ như Bạch Đằng Giang thuở trước
tướng La Ngai hồn siêu phách lạc
nhặt tàn quân rút chạy về Nam
con vua chiêm là Chế Na Đà Nan
cùng Chế Sơn Nô đầu hàng Đại Viêt
đầu Chế Bồng Nga bị chặt
minh chứng báo công chiến thắng huy hoàng.
Chương IV
Tiếng hát trên bến Bình Than.
Nửa đêm về sáng tháng giêng
Mùa xuân đến ánh trăng ngiêng non ngàn
Hải triều sóng vỗ mênh mang
Nước non vang khúc khải hoàn trong đêm.
Bến Bình Than , giấc ngủ êm
Nghệ Tông trằn trọc nỗi niềm quân cơ.
Bỗng nghe vang tiếng reo hò
Tin thắng trận hay trong mơ báo về ?.
Thượng Hoàng nữa tỉnh , nữa mê
Phát hiệu lệnh gọi bốn bề đuốc lên
Bạt ngàn đuốc sáng hơn đèn
Xung quanh cấm vệ, hai hàng võ, văn.
Thượng Hoàng ngồi, mắt xa xăm
Trần Khát Chân dẫn đại quân tiến vào
Áo vương thuốc súng chiến bào
Uy nghi hùng dũng , thương đao sáng lòa.
Bến sông hát khúc tráng ca
Âm vang , hào khí, vang xa , hào hùng
Tung hô ; vạn tuế ! Thượng Hoàng
Nghe như đất chuyển ngân vang tới trời.
Bến sông còn đẫm sương rơi
Dân tinh kéo đến muôn lời tung hô.
Hiến dâng rượu , thịt , xôi vò
Lòng rưng rưng hết âu lo Chiêm Thành.
Khát Chân quỳ lạy dâng lên
Chiến công một chiếc hộp đen khảm ngà.
Thượng Hoàng sai mở nắp ra
Chiếc đầu lâu Chế Bồng Nga máu bầm.
Nghệ Tông thương cảm thì thầm:
Bình Than lặng phắc gió vần, lặn trăng.
Ta và ngươi đã mấy năm
Liên miên chiến trận bao lần thắng thua
Hôm nay ngươi đã thấm chưa ?
Trở thành bại tướng mới vừa lòng sao
Hiển nhiên đâu phải chiêm bao
Gặp nhau đây biết làm sao bây giờ?
Chuyện gặp ngươi chẳng tình cờ
Như sông Tự Thủy trắng bờ cỏ lau *
(*Sông Tự Thủy nơi Hạng Vũ thua Lưu Bang và tự sát)
Lưu Bang- Hạng Vũ đó sao?
Cũng là Thiên mệnh ứng vào ngươi thôi
Đại Việt ta vốn thương đời
Lệnh cho an táng mộ rồi đề bia...
Sau đại thắng Chiêm Thành
Thượng Hoàng nghị triều luận công ban thưởng.
từ binh lính đến văn quan, võ tướng
theo sổ luận công cấp bổng lộc, phẩm hàm
đô tướng Trần Khát Chân
người có công đầu làm nên chiến thắng
giúp nước Nam bình yên gió lặng
Nghệ Tông gia phong chức Thượng Tướng quân
phẩm hàm Long Hổ Vệ...uy phong.
cấp bổng lộc Hoàng Mai thái ấp.
Những binh, tướng Chiêm đầu hàng dung nạp
bổ xung quân dưới trướng nhà Trân
không quên nhắc sử quan
ghi trận Hải Triều vào trang sử ký
lấy lại uy danh nước non Đại Việt.
Trước Thái Thượng Hoàng Trần Khát Chân lạy khóc :
Ơn lộc Vua không tiếc máu xương
quyết xứng danh dòng dõi Trung Quân
nguyện một lòng đáp đền non nước...
Chương V
Huyền Thoại Đốn Sơn
..Một sáng cuối năm Thăng Long
gió bấc thổi, lá vàng rơi khắp phố
đất kinh đô, ven hồ liễu rũ
cờ tang trắng trời tiễn đưa Trần Nghệ tông
quyền bính Vương triều Trần
một tay Thái sư Hồ Quý ly chèo lái.
Dẫu dẹp Chiêm Thành giữ yên bờ cõi
phía Bắc Nhà Minh rình rập nhìn sang
là nhạc phụ vua Trần Thuận Tông
Hồ Quý Ly lo tìm kế sách
mở khoa thi chọn người mưu lược
chính sách Hạn nô, chính sách Hạn điền
qui định gia đinh, giảm bỗng lộc Nhà Trần
tra lại sổ đinh, bổ xung quân lính
nuôi mộng lớn ngôi chí tôn Đại Việt
củng cố quyền uy vây cánh bên mình...
Một sớm tháng giêng, Đinh sửu niên ( 1397 )
Đỗ Tĩnh Thượng thư về An Tôn đo đạc
đá từ muôn nơi tấp nập
đá xẻ, đá xây, đá đứng, đá nằm
máu đỏ rơi chảy vào kẻ đá
ngón tay người vùi trong kẻ đá
cửa Đông thành đá đổ
vùi lấp Trần Cống Sinh
nàng Bình Khương nguyện chết giải oan khiên
đập đầu chết theo chồng lỏm đá
ba vạn dân phu ngày đêm vật vả
ba tháng thành xây xong.
. Tòa thành đá ba bề núi non
hướng Tây- Nam , dòng sông Mã lượn
bốn cửa thành nhìn ra bốn hướng
Ngọ môn lâu nhìn về Đốn Sơn
con đường lát đá từ cửa Nam
chạy thắng về chân núi Đún
tướng Trần Khát Chân – đốc công xây dựng
như mũi tên xuyên thẳng vào thành.
dãy Đốn Sơn tựa một dây cung.
Tháng ba mùa xuân Mậu dần ( 1398 )
Hồ Quí Ly ép Vua dời đô về Thanh Hóa
bỏ vùng châu thổ
bỏ đất Thăng Long mãnh đất Tiên Rồng
rời xa đất Vương tôn , Quí tôc.
về lại đất quê sông Mã “ dô Huầy “
đêm ngày nuôi giấc mộng Đế Vương.
Đặt chân đến xứ Thanh
vội ép Vua Trần Thuận Tôn
nhường ngôi cho con là Trần Phế Đế
tìm nơi cửa Phật tu hành
để rồi một sớm nắng hanh
từ biệt thế gian về miền oan khuất
trên cổ còn vòng dây thít chặt
bởi bàn tay tham vọng Vương quyền
quán Ngoc Thanh tiếng khóc nỉ non...*
Con trai Thuận Tôn là Thái tử An
lên ngôi Vua mới tròn ba tuổi
tuổi nghịch đất- chỉ là đứa trẻ
Lễ Đăng Quang không biết lạy chào
thì hiểu gì triều chính, binh đao
mặc ông ngoại Hồ Quí Ly điều hành nắm giữ.
*Quán Ngọc Thanh – Hà Trung nơi Vua Trần Thuận Tôn bị giết
Để tăng quyền hành, cát cứ
Hồ Quí ly đã tự phong mình
chức quyền cao :Khâm Đức liệt Đại vương
vào ra trong cung kiệu phủ lộng vàng .
Nhà Trần- những tướng Trung Quân
Long Hổ vệ Lưỡng thượng Tướng quân Trần Khát Chân
tướng Phạm Tổ Thu, Trần Nguyên Hàng
Trụ quốc Trần Nhật Đôn...
dòng dõi mấy đời khanh tướng
phò tá Nhà Trần,diệt Nguyên, bình Chiêm
đều đồng tâm khôi phục triều cương
loại Hồ Quí ly bình yên xã tắc
có phải mệnh nhà Trần sắp hết?
để lại nỗi đau lịch sử muôn đời
Lễ Minh Thề máu chảy, đầu rơi...
...Chuyện kể rằng đầu hạ nắng oi
hoa gạo đỏ trời như máu ứa
nhằm khôi phục quền uy , Chúa tễ
Hồ Quí Ly tổ chức Lễ Minh Thề.
Tư dinh Trần Khát Chân tấp nập người ra vào
như báo chuyện động trời sắp đến
Đốn Sơn xanh màu xanh sấm động
cờ ngũ sắc bay như đưa tang
khoãnh khắc rộ lên, khoảnh khắc im lìm
giáo thương sáng lòa, âm khí.
Lễ Minh Thề, do nhà Trần chủ thể
Thiên tử con trời ngồi ngôi chí cao
để võ, văn tuyên thệ
Vua Trần Phế Đẻ chỉ là đứa trẻ
ông ngoại Hồ Quí ly thay vua chủ Lễ
đến Đốn Sơn nhận lời tuyên thệ.
Hồ Quí Ly rời cung Nhân Thọ
Bố tri quân cấm vệ đi theo
ngoài mậc áo quan, trong áo giáp
ngồi kiệu lính khiêng phủ lộng vàng
tùy theo thứ bậc võ , văn
đến chân Đốn Sơn
vào tư dinh Trần Khát Chân chờ Lễ
trước ngai yên vị
thứ bậc hai bên chức tước , phẩm hàm
chén rượu dâng lên
Phạm Ngưu Tất, Phạm Tổ Thu...xin múa gươm chào đón
các đường gươm sắc lẹm
cứ như nhát nắng sát thương
Trần Khát Chân vội đưa mắt nhìn
cái nhìn thành nỗi đau lịch sử.
Hồ Quí Ly xô bàn bật dậy
cho quân cấm vệ ùa vào
các tướng buông gươm kêu trời
tất cả đẻ rồi, chịu trói
những gông kìm thít lại
những người liên quan, họ hàng,quen thân
gần bốn trăm sinh linh
thành nạn nhân Hồ Quí Ly khép tội .
ngày hai mươi (20 )trở thành đại nạn
nỗi đau Nhà Trần để lại,
máu đẫm ngàn năm trang sử không khô
cả đất trời sấm động, sóng xô
trẻ con bị dìm xuống nước
sông Mã một vùng sóng nấc
bong bóng nổi lên sôi sùng sục
những người mẹ mất con
tiếng kêu la cháy họng một vùng
nữ nhi bắt làm tỳ thiếp
trai đinh, tướng lĩnh áp lên đồi
tiếng gươm khua động cả đất trời
Đốn Sơn một ngày máu phun đỏ đất
tiếng đầu rơi , tiếng la, tiếng hét
vạt cỏ mềm nhàu nhĩ máu tươi
đất lún xuống bởi lưỡi gươm oan nghiệt.
Lịch sử kể rằng khi bị hành quyết
tướng Trần Khát Chân yêu cầu
đưa mình lên đỉnh Đốn Sơn
thương mệnh nhà Trần
ông ngữa nhìn trời gào to ba tiếng
âm vang chuyển rung như tiếng sấm
đầu rơi, sắc mật vẫn hồng hào
ruồi nhặng rời xa thân xác nằm phơi
ba ngày trôi qua không con nào dám đậu..
( Huyền thoại kể rằng, khi bị chém
ông nhặt đầu đặt trên cổ mình
rồi vội vã ra doi thúc ngựa
tiếng hí vang , xa hẳn pháp trường
xuống chân núi Đốn Sơn
ông hỏi bà hàng nước
nắng tháng tư chảy theo vết lắp
- Người chặt đầu còn cưỡi ngựa được không?
rưng rưng thương xot cõi lòng
bà nhìn ông :
- Chưa bao giờ thấy
Có phải Ngài được Trời nâng dậy
làm sao có chuyện lạ đời...
bà nói xong, bỗng chiếc đầu rơi.
Chú ngựa chiến mất người chủ Soái
lao ra dòng sông Mã
hóa thành doi cát trên sông
( mấy trăm năm gò Cổ Ngựa nghẹn dòng...)
Gần bốn trăm người chung một mồ chôn
tiếng oan khiên dội vào lòng đất
từ đó Đún Sơn gọi là núi Đốn
bởi người ngã như cây bị chặt
lần lượt tan vào hư không
trời bỗng nổi dông sấm chớp đùng đùng
mưa dội xuống ngày đêm tầm tả
rửa sạch vết đau trang sử cuối Trần.
...Hai sáu năm sau, dân gian kể rằng
Vào một sáng tháng năm Ất tỵ ( 1425 )
có người đến đây từ kinh đô Nhà Lý
tay gậy song đầu đội nón lá
tự xưng là Thầy phong thủy
hỏi thăm già làng, bàn chuyện giúp dân
mọi người đưa ông đến chân Đốn Sơn
nơi Trần Khát Chân rơi đầu, ngã ngựa
Thầy phong thủy ngắm nhìn địa thế
ngắm trời mây, cây cỏ , núi đồi
Thầy chỉ đầu mũi gậy vào nơi
Lưỡng thượng Tướng quân Trần Khát Chân yên nghỉ
khuyên bảo dân xây đền , hành lễ
Ngài rất linh sẽ giúp dân lành
phía trước là Tiền đường
phía sau Trung đường là hậu cung
dưới lòng đất sâu Ngài đang ngủ yên
được gọi là “ Thượng sàng hạ mộ”
Trung đường nhớ lập thêm bài vị
thờ những Tướng quân chết trong lễ Minh Thề
hai bên đền dựng nhà dãi vũ
trông cây xanh tỏa bóng mát đền
trời hạn kéo dài thì nhớ đừng quên
tổ chức lập đàn “ Cầu vũ “
Ngài sẽ giúp mưa hòa gió thuận
mùa màng tốt tươi cây lá đơm chồi..
bỗng nghe lạnh, một làn gió nổi
Thầy phong thủy đã biến đâu ?
như cơn bão thốc vào lòng ngươi
âm ỉ lan nhau , trong làng, trong xóm
chuyện kỳ lạ lòng người bộn rộn
càng không quên lời Thầy
mọi người đồng tâm nhất trí
chung tay xây dưng ngôi đền
bởi rất tin câu chuyện có Thần
các già dục cháu con
bát tay ngay không quản
dẫu nắng, mưa, hoàng hôn, sương giáng
người góp công, góp của dựng đền...
..
Chương VI
Lòng Ngưỡng Vọng
Nhân dân tôi vốn rất công minh
yêu nước siêng năng, cần cù, lam lũ
cấy lúa trên đồng nắng mưa bão tố
hạt gạo làm ra nuôi sống con người
ai vì dân , dân nhớ suốt đời
kẻ bạc ác dân tình nguyền rũa
giặc đến nhà gái trai lớn bé
đứng lên cứu mình không tiếc máu xương.
Trong tiếng thơm tín ngưỡng Việt Nam
những Thần Tản Viên giúp dân ngăn lũ
giữ cho đồng xanh mùa , tốt vụ
lúa lên hương ngút ngát mùa vàng...
cậu bé làng Sóc Sơn
phút chốc lớn lên nhổ tre đánh giặc
lũ giặc Ân tan tác
ngựa hí vang đưa Gióng về trời
Mẫu Liễu Hạnh giúp đời
dẫu qui y cửa Phật
lòng vẫn hướng về người dân chân đất
Người là hiện thân bình đẳng , tự do
đã về chốn Bồng lai
vẫn đi mây về gió
diệt kẻ ác giúp người khốn khó
Đức- Ân để khắp trời Nam
Chử Đồng Tử , Trời ban
là hiện thân giàu có
cho tình thương đồng loại
cho tình yêu đằm thắm lứa đôi
“ Tứ Bất Tử “ trong dân sống mãi muôn đời.
Tám trăm năm qua rồi
Trần Quốc Tuấn người đời ngưỡng vọng
coi nhẹ riêng mình, chăm lo Triều chính
lưỡi gươm “ Sát Thát “ lừng danh
dân suy tôn gọi; Đức Thánh Trần.
Long Hổ vệ Lưỡng thương Tướng quân Trần Khát Chân
dòng dõi Lê Hoàn phò Trần giữ nước
văn võ uy phong, mưu lược
giết giặc Chiêm cứu họa cho dân
suốt đời trung Quân- lòng người nhớ mãi
khi trời hạn đồng khô nắng cháy
ruộng đồng nứt nẻ chân chim
dần “ Cầu mưa” trời nỗi cơn dông
nước trút xuống cánh đồng xanh lại
mùa vàng bội thu màu xanh cây trái
bình minh lên, tiếng chim hót ca
.Dân nhớ ơn ông khắp nơi thôn dã
lập đền thờ hương khói quang năm
các triều Vua phông : Thượng Thượng Đẳng Thần
sắc phong Thành Hoàng nhiều làng thờ phung
dân Đại Việt phong ông là Thánh
Thánh lưỡng Trần Khát Chân.
Đâu chỉ tháng tư ngày hai mươi bốn
Lễ hội đền ông từ ngày hai ba
đọc chúc văn, múa chèo chải, hát ca
nhắc về chiến công sông Hải Triều thưở trước
trong hậu cung lập nên chiếu hát
thuở bình sinh ông yêu thích ca trù
(..Chuyện kể rằng hằng năm
trên bến sông cận chùa Phú Lĩnh
khi mùa xuân đến
phường ca công các làng trong Tổng Hội về đây lập chiếu hát ca trù
những ca nương như ánh trăng ngà
hát ngân theo tiếng đàn, nhịp phách
giọng như nhung “ Hồng Hồng- Tuyết Tuyết”*...
làm ngã nghiêng bao lãng tử phong trần.
Trần Khát Chân dù bận việc quân
vẫn không quên đến bến sông nghe hát ...)
Đời ngưỡng vọng, ông vì non nước
Đưa tên ông đặt tên phố, tên đường...
Hôm nay tôi đến thăm đền
Dẫu chưa đến ngày Lễ hội
chiều tháng tư, rất nhiều Bản hội
từ muôn nơi về hành Lễ, dâng hương
tôi nghe trong mắt lá rì rầm
cây Di sản sáu trăm năm tuổi
Trước cổng đền gặp ngay câu đối :
“ Hoàng Mai biệt miếu tương thiên cổ
Xích trủy hoang thành đối thử sơn”
(Hoàng Mai miều thờ Trần Khát Chân truyền đời mãi
Cướp ngôi Ấu chúa thành nhà Hồ tan hoang,
nhìn về Đốn Sơn có đền thờ Trần Khát Chân)
Vào tiền đường thắp hương
Tôi đọc hai câu đối :
Gian hùng phách hổ hoa lâu kiếm
Chính khí linh truyền thạch lộ cung
(Lầu hoa gươm biếc, gian hùng bay phách lạc
Đường đá cung reo,chính khí còn truyền mãi tiếng thơm)
Mới biết hôm nay thời bốn chấm không (4.0)
trong lòng dân Ông mãi trường tồn...
Vĩ thanh.
Tôi sinh ra trên Vĩnh Lộc quê hương
Đã từng một thời là Vĩnh Ninh, Vĩnh phúc
Một vùng đất Địa linh Nhân kiệt
Có thành Tây Đô có núi Đốn Sơn.
Thành nhà Hồ - Di sản nhân gian.
Dưới chân Đốn Sơn
Đền Trần Khát Chân bốn mùa hương khói.
Tuổi thơ tôi lớn lên trong lời ông kể
Tuổi thơ tôi lớn lên qua lời mẹ ru
Thương Trần Khát Chân,
Chết vẫn hiển linh giúp đỡ dân lành
Chuyện Hồ Quí Ly tàn sát lễ Minh thề
Giết Vua, thoán ngôi cháu ngoại
Để Mẫu hậu Thanh Ngâu ngày đêm điên dại
Khóc thương chồng , vật vả nhớ con
Dẫu đổi ngai vàng, chuyện tất nhiên
Trong quá trình đi lên dựng nước...
Đến hôm nay tôi không quên được
Lời mẹ ru trên võng trưa hè:
Những người bạc ác ranh ma
Mình làm, mình chịu ai mà, ai thương
Những người anh dũng trung lương
Sống vì dân được dân thương muôn đời.
Tôi lớn lên thời đạn lửa, bom rơi
Đầu đội mũ rơm đến lớp
Trang sử nhà trường, chúng tôi học được
Thương đất Mẹ nghèo, bốn ngàn năm không yên
Chiến tranh liên miên chỉ khổ dân lành
Dẫu hôm nay lịch sử công bằng
Hiểu Hồ Quí Ly, một nhà cải cách
Nhưng tham vọng độc tài, tàn ác
Thành tan hoang, không được lòng dân
Để nỗi đau vàng vọt núi Thiên Cầm *
Nếu hôm nay, người đời hỏi ông
Là đấng Quân Vương
Không tuẩn tiết, chịu khoanh tay về Bắc quốc ?.
Để anh hùng di hận nghìn thu **
Nhưng triều Hồ để lại cho dân
Tòa thành đá như Kỳ quan nhân loại
Trần Khát Chân dòng Lê Hoàn lừng lẫy
Sống Trung- Quân, chết vì muôn dân
Từng diệt quân Chiêm cứu họa xâm lăng
Đến cái chết trở thành huyền thoại.
Khi đồng khô, nắng cháy
Dân ‘ Cầu mưa” Trời đổ mưa rào
Đồng ruộng lên xanh ngô lúa tốt tươi
Dân ngưỡng vọng ông
Suy tôn là Thánh Lưỡng
Sáu trăm năm thăng trầm dâu bể
Trong lòng dân ông luôn mãi thế
Cứ long lanh như ánh trăng rằm
Làng quê Việt Nam miền núi, đồng bằng
Xây đền ông , thờ vọng...
* Núi Thiên Cầm Hà Tỉnh nơi Hồ Quí Ly bị giặc Minh bắt
** Ý thơ Nguyễn Tãi nói về Hồ Quí Ly.
Vĩnh Lộc quê tôi mãnh đất anh hùng
Mãnh đất Cần Vương một thời sống mãi.
Hơn chín mươi năm nghe lời Đảng dạy
Trên đường đổi mới mọi người chung tay
Xứng với non sông đất nước Rồng bay.
Người dân biết ơn các Đức cao, dày
Những bậc Tiền nhân làm nên đất nước.
Hàng năm
Đất quê Thanh,
Con cháu thập phương
Tìm về Đốn Sơn
Tưng bừng Lễ hôi
Sân đền cờ hoa, ngập tràn nắng mới
Tiếng đọc Chúc văn sang sảng sơn hà
Múa bơi thuyền chèo chải vang xa
Ngợi ca chiến công sông Hải triều thuở trước
Ngưỡng vọng ông lẫy lừng trận mạc
Tấm lòng Ái quốc Trung Quân
Đốn Sơn tiếng hát mây vờn
Mái chèo khua ngỡ sóng dồn trên sông
Lời ca ơn Đức của ông
Là lời con Lạc, cháu Hồng Việt Nam
Đức Thánh Lưỡng- Trần Khát Chân
Ngàn năm sử sách lưu danh không mờ...
Vĩnh Lộc tháng 4-2020.