Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HỒN MƯỜNG TRONG CHIẾC KHĂN DUYÊN

Phạm Bá Khiêm

HỒN MƯỜNG TRONG CHIẾC KHĂN DUYÊN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Trang phục truyền thống Mường không cầu kỳ như váy áo của dân tộc Dao, cũng không rực rỡ hoa văn như dân tộc Mông, nhưng váy áo Mường lại thể hiện được nét duyên dáng, tinh tế và dường như ẩn chứa sự dịu dàng kín đáo của người phụ nữ Mường. Chiếc khăn đội đầu - Khăn duyên minh chứng cho sự thủy chung của người phụ nữ là một trong những nét đặc trưng của bản sắc văn hoá dân tộc Mường. 

Khăn đội đầu là nét đẹp văn hóa của con người, vừa che gió, chắn bụi, vừa giữ ấm...đồng thời còn là sự khoe sắc, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa tinh tế của bàn tay thiếu nữ các dân tộc Việt Nam. Trong một số trường hợp cụ thể khăn đội đầu còn phản ánh nét văn hóa tâm linh, phong tục, là sự biết ơn, tri ân công đức; niềm tiếc thương, tình yêu chung thủy...

Có nhiều loại khăn cho cả nam và nữ, có loại chỉ giành cho nam giới và cũng có loại chỉ giành cho nữ giới. Mỗi loại khăn có kích thước, hình dáng, chất liệu, màu sắc khác nhau…Tuy nhiên cũng có khi khăn cùng chất liệu vải, cùng màu, cùng hình thức sử dụng nhưng ý nghĩa văn hóa của nó lại khác nhau.khanduyen1

Chiêc khăn duyên đội đầu của người phụ nữ Mường là một dải vải trắng không viền, rộng chừng 15cm, dài khoảng 50 - 60 cm, vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc, không chỉ giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết và những bất trắc ở núi rừng mà còn gắn với nhiều sinh hoạt cộng đồng mang một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Huyền tích dân tộc Mường kể về chiếc khăn cũng rất lãng mạn, nó là vật chứng cho tình yêu vĩnh cửu: Rằng xưa kia ở Mường nọ có một chàng trai nghèo nhưng khoẻ mạnh, tốt bụng, dũng cảm, thông minh hơn người. Chàng tên là Khỏe, được nàng Út Dô xinh đẹp, con của nhà Lang Mường đem lòng yêu mến. Cảm kích trước tình cảm của cô con gái nhà Lang đã không chê mình nghèo khổ nên hai người cùng tỏ tình thắm thiết với nhau.

Biết được chuyện này, quan Lang Mường đã ra sức ngăn cấm. Nhưng kể từ khi bị ngăn cấm, Út Dô suốt ngày ủ rũ, chẳng chịu nói cười, cũng chẳng đi đâu ra khỏi nhà.

Cùng thời gian này, trên vùng rừng do nhà Lang cai quản có một con hổ vằn rất hung dữ. Nó thường xuyên xuống bản bắt người và gia súc. Quan Lang đã bao lần sai những tay thợ săn giỏi đem lưới và cung tên lên rừng vây bắt hổ nhưng không những chẳng giết được nó mà có người còn bị hổ ăn thịt. Quan Lang liền nghĩ kế nói với chàng trai nghèo kia, nếu lên núi giết được hổ dữ thì sẽ gả nàng Út cho chàng.

Thương dân bản bị con hổ hung dữ hãm hại, chàng trai đã nhận lời lên núi giết hổ. Nhưng oái oăm thay khi giết được hổ dữ thì quan Lang kia lại bội ước với chàng. Buồn chán cho tình yêu không thành, chàng trai nghèo nhờ người gửi tặng Út Dô chiếc khăn màu trắng như muốn cảm ơn tình yêu trong sáng của nàng, rồi chàng bỏ đi đến một Mường xa nào đó, đến nay cũng không còn ai biết nữa.

Nhận được chiếc khăn, nàng Út vô cùng đau khổ trước tình yêu tan vỡ với chàng Khỏe. Nàng trốn khỏi nhà, men theo dòng suối, ngược lên đỉnh núi nơi chàng Khỏe giết chết con hổ dữ. Nàng ngồi bên vách đá khóc thương chàng, thương cho phận mình là con gái nhà Lang mà tình yêu bị giam hãm, cấm đoán. Nàng lấy chiếc khăn của chàng gửi tặng quấn lên đầu rồi gieo mình xuống vực sâu tuẫn tiết.

Quan Lang thấy nàng Út bỏ nhà ra đi vội vàng hô hoán dân làng tỏa đi khắp nơi tìm kiếm. Khi dân làng đi dọc theo con suối lên tới nơi chàng Khỏe giết hổ thì bỗng phát hiện ra một loài hoa lạ trắng toát nở đầy hai bên suối. Linh tính tâm linh đã mách bảo rằng nàng Út Dô không còn nữa và chính những bông hoa trắng kia là hiện thân biến hóa của nàng.

Thương tiếc một cuộc tình thủy chung, trong trắng của nàng Út và chàng Khỏe, dân Mường đã đặt tên cho loài cây hoa trắng này là cây “tắc peo” (nghĩa là “rau beo / rau hổ”) và đội trên đầu chiếc khăn vải màu trắng như nàng Út. Họ hái rau beo về ăn hàng ngày để tưởng nhớ đến chàng trai nghèo dũng cảm giết hổ cứu dân làng. Họ đội chiếc khăn bằng vải trắng lên đầu để tưởng nhớ đến mối tình thuỷ chung, trắng trong không phân biệt danh phận giàu nghèo giữa nàng Út với chàng Khỏe.

Kể từ ngày đó, chiếc khăn vải đội đầu màu trắng đã trở thành phong tục, luôn gắn bó với mái tóc của người phụ nữ Mường từ tuổi thanh xuân đến lúc thành bà, thành mế. Chiếc khăn ấy không chỉ tượng trưng cho mối tình tuyệt vọng của chàng Khỏe và nàng Út Dô mà màu trắng của chiếc khăn ấy cũng như màu trắng của những bông hoa mọc bên bờ suối kia là biểu tượng cho sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường./.

Tục dùng khăn vải màu trắng đội đầu của đồng bào Mường Phú Thọ là một tục lệ đẹp, thiết thực, biểu hiện tấm lòng trân trọng mối tình chung thủy của con người trong cuộc sống cồng đồng và sự đoàn kết giữa người với người trong bản Mường tươi đẹp. Chiêc khăn duyên màu trắng này đã thấm đẫm hồn cốt văn hóa của người phụ nữ Mường đáng được trân trọng và lưu giữ./.

                                                                          Tháng 4 / 2024

                                                                                P.B.K

 

 

 

  

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 322
Trong tuần: 1784
Lượt truy cập: 403862

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.