Lời BBT:
Nhân tuần lễ “Vu Lan báo hiếu”, BBT xin trân trọng giới thiệu một ghi chép của nhà văn Cầm Sơn tường thuật chuyến ông sang Cambodia tìm và đưa mộ cha ông về quê ở huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Và cũng muốn nhắn gửi đến độc giả yêu mên “Văn nghệ Công nhân” gửi bài viết theo chủ đề trong tuần lễ Vu Lan này!
Cầm Sơn
HÀNH TRÌNH SANG CAMBODIA TÌM CHA
(Ghi chép)
Cha tôi tham gia Việt minh khi đang làm ký ga xe lửa Gia Lâm. Năm 1942 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông đã từng trải qua các chức vụ: Huyện đội trưởng, Chủ tịch UB hành chính kháng chiến huyện, Phó bí thư huyện ủy huyện Văn Lâm Hưng Yên. Không rõ vì lý do gì, ông theo chuyến tàu mộ phu cao su vào miền Nam năm 1953. Khi ấy tôi mới được 8 tháng tuổi. Lúc mới vào ông làm giáo học. Do ông nói tiếng Pháp thành thạo nên sau đó làm thư ký cho một chủ đồn điền cao su người Pháp ở Xa Kát, Hớn Quản tỉnh Bình Long. Ông vẫn thường gửi bưu thiếp về cho mẹ tôi nhưng sau năm 1958 thì không còn liên lạc được nữa. Giải phóng năm 1975 cũng mất tích luôn. Mãi đến năm 1998 mẹ tôi nhân chuyến vào miền Nam dự đám cưới đứa con chị tôi, bà lần theo địa chỉ bưu thiếp đi tìm cha tôi. Việc bà tìm ra bà Ba và mấy đứa em tôi hiện đang ở Lộc Ninh, Bình Phước là cả một câu chuyện đầy kịch tính và cảm động (sẽ có dịp tôi kể với bạn bè). Nhưng khi tìm được thì cha tôi đã chết do sốt rét từ hồi tháng 10 năm 1972 tại Cambodia. Bà Ba là người theo đạo công giáo nên không đưa mộ cha tôi về. Chính vì vậy mới có cuộc hành trình này của tôi. Hành trình này là lần thứ tư trong chuỗi hành trình tìm cha tôi. Hai lần trước do các em theo yêu cầu của mẹ tôi sang Cambodia khảo sát. Lần thứ ba do mẹ tôi chỉ đạo cùng bà Ba và các em tôi đồng thời có mời nhà sư Phước Ấn đi trợ giúp, song đều không đạt được kết quả. Tôi nhận quyết định nghỉ hưu ngày 01 tháng 7 thì ngày 02 tháng 7 vợ chồng tôi lên đường sang Cambodia tìm cha, đấy là việc làm đầu tiên khi thời gian hoàn toàn là sở hữu của mình mà tôi đã có dự định từ lâu.
Vợ chồng tôi xuất phát từ thị trấn Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ vào hồi 6h45p ngày 02 tháng 7 năm 2010, đi theo hướng Việt Trì, qua cầu Đuống. Đón nhà sư Phước Ấn ở chùa Bồ Đề. Hòa thượng Thích Phước Ấn có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Long, cháu ruột liệt sỹ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Thầy vào chùa từ khi 10 tuổi, thuở còn sinh viên là biệt động thành Sài Gòn. Hiện nay thầy là phó chủ tịch hội Phật Giáo tỉnh Đồng Nai. Đêm ấy chúng tôi nghỉ lại thị trấn Tân Kỳ (Hà Tĩnh). Ở đây, chúng tôi có chụp bức hình kỷ niệm ở cột mốc cây số không đường mòn Hồ Chí Minh, điểm đầu của con đường máu lửa huyền thoại và oanh liệt một thời. 6 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi lại đi tiếp, nghỉ ăn cơm trưa tại khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng. Quán ăn chật cứng người, bến sông Son nhộn nhịp thuyền đò đưa đón khách du lịch thăm quan. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung. Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi vào viếng mộ các liệt sỹ Vĩnh Phú ở nghĩa trang Trường Sơn. Lần trước, khi đi cùng đoàn văn nghệ sỹ tỉnh Phú Thọ vào Huế dự hội thảo VHNT năm vùng kinh đô xưa và nay đoàn cũng đã vào viếng và tôi tình cờ tìm thấy mộ ông bạn từ thời còn học phổ thông nên lần này tôi có ý đi qua để viếng ông bạn, mặc dù thầy Phước Ấn nói là sẽ bị xa hơn khoảng 80 cây số so với đường rẽ sang Khe Sanh. Tôi mua một bó hoa Huệ và hương vào nghĩa trang khu Vĩnh Phú, sau khi thắp hương ở đài tưởng niệm chung, tôi mang bó hoa Huệ vào thắp hương mộ ông bạn. Thắp hương xong tôi nói với bạn tôi:" Tĩnh ơi! Hãy yên nghỉ, anh không bao giờ chết trong lòng bạn bè, hôm nay đi qua đây thắp hương cho anh rồi tôi lại phải đi ngay. Tôi đi tìm mộ bố ở tận bên nước bạn Cam Pu Chia, lần này là lần thứ tư. Xin anh linh khôn thiêng giúp chúng tôi chóng hoàn thành nhiệm vụ. Cúi chào anh, cầu mong hương hồn anh siêu thoát cùng đồng đội, những người anh hùng đang an nghỉ giữa đại ngàn Trường Sơn rợp bóng, vợ chồng tôi phải đi đây!".
Xe chúng tôi chạy qua các khu vực bản làng đồng bào Vân Kiều, họ ở trong những ngôi nhà vừa nhỏ vừa thấp thậm chí còn chẳng có vách che, đồ đạc trong nhà hầu như không có thứ gì, thế nhưng lại có nhiều xe máy và chảo thu tín hiệu Tivi. Con sông Ba Lòng chảy dọc đường đi, mùa khô, dòng sông chỉ là một dải nước nhỏ đỏ ngầu chảy ngoằn ngòeo giữa lô nhô nhăn nhở đá. Nó đỏ đục là do dân đi đãi vàng, có bãi tới cả hàng trăm người đãi. Sự huỷ hoại môi trường đến khủng khiếp, những bãi đất bị đào bới nham nhở trông như bãi chiến trường mới sau một trận ném bom. Tối, chúng tôi nghỉ ở thị trấn A Lưới, nơi xảy ra những trận chiến ác liệt đã đi vào lịch sử của thời chiến tranh chống Mỹ.
Sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Đường Hồ Chí Minh xuyên qua đại ngàn Trường Sơn thâm u, vách núi dựng đứng. Để mở con đường này quả thật là tốn kém, liên tục nhiều nơi đất lở đá xô, xe đi lại rất ít nhưng gặp nhiều các đội sửa đường. Có lẽ vùng A Lưới là đỉnh cao nhất của Trường Sơn. Xe chúng tôi từ Đông Trường Sơn xuyên sang Tây Trường Sơn. Núi non hiểm trở trùng điệp và hùng vĩ, có đi trên đỉnh Trường Sơn mới thấy sự hy sinh gian khổ của bộ đội đường dây 559, mới cảm nhận được tầm vóc lớn lao của cuộc chiến tranh vệ quốc thống nhất non sông. Buổi trưa dừng ăn cơm ở thị trấn Khâm Đức. Ở đây, chúng tôi được thưởng thức món rau Lủi luộc. Loại rau này ăn rất mát, có vị chua chua mơ hồ thoang thoảng mùi thơm của trái xoài non, theo chủ quán nói thì rau lủi chỉ ở vùng này mới có, rau được lấy từ rừng, vẫn là một loài hoang dại, chắc chắn nó đã góp phần cho những bữa ăn của bộ đội, thanh niên xung phong thời kỳ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tôi hỏi chủ quán sao không đưa về trồng trong vườn nhà, chủ quán bảo thì cứ hái cái có sẵn trong rừng cũng đủ phục vụ khách rồi. Tôi cứ băn khoăn mãi, giá mà thứ rau này được chú ý phát triển nuôi trồng để trở thành một loại hàng hoá thì hay biết mấy. Buổi chiều, xe chúng tôi qua đèo Lò So để tới Kon Tum. Mãi đến 19 giờ 30 phút chúng tôi mới đến Buôn Hồ. Ở đây, gặp vợ chồng nhà Lý Thu săn đón thầy Phước Ấn, chả là thầy đã từng tìm được cho họ mộ ba người thân. Ăn cơm xong thì đã 21 giờ. Khách sạn ở thị trấn Buôn Hồ giá dịch vụ một trăm ngàn đồng một giường, phòng to rộng, tiện nghi không kém gì khách sạn 3 sao.
Sáng ngày mùng 5 tháng 7, Lý đến khách sạn đón thầy Phước Ấn, đoàn chúng tôi trả phòng đi ăn sáng. Ăn xong quay lại nhà Lý đón thầy thì thầy do mải nói chuyện với gia đình nên chưa kịp ăn gì. Dù vậy xe vẫn phải đi. Ở Đắk Min có chú Cảnh là cán bộ ở công ty tôi trước kia gọi điện liên tục để được đón chúng tôi vào chơi nhà. Là cán bộ hàm đội trưởng nhưng Cảnh bảo: “Cứ là doanh nghiệp Quốc doanh mãi, em có phấn đấu được lên bằng hàm bác thì cũng vẫn cứ nghèo. Em còn trẻ, em muốn xây dựng cuộc sống theo ý của em”. Thế là Cảnh xin nghỉ một lần mang vợ con vào Nam lập nghiệp. Xe chạy qua cầu 14 là sang đất tỉnh Đăk Nông, chạy thêm khoảng 40 cây số nữa thì gặp Cảnh đứng đợi ở ven đường. Cảnh có một chiếc xe Foeket tự lái đi trước dẫn xe chúng tôi vào nhà, nhà Cảnh cách đường 14 khoảng 2 km. Cảnh có trên 15 ha cao su và hồ tiêu, vợ Cảnh còn buôn bán bất động sản nên gia cảnh rất khá. Theo Cảnh thì mỗi một ha vườn ở đây có giá từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Mặc dù mới có 9giờ 30 nhưng đoàn chúng tôi vẫn phải ăn cơm với bố con Cảnh. Vợ Cảnh đưa con ra Bắc gọi về trách bác Sơn không báo trước để lui chuyến đi lại ở nhà tiếp bác. Trên nóc tủ còn thấy giấy khen của hội chữ thập đỏ xã Đăk N,DRót khen vợ Cảnh, thế là rất mừng cho vợ chồng Cảnh, làm ăn khá giả, quan hệ xã hội tốt, xây dựng được một nếp sống có văn hóa, bền vững. Xem ra phần đa những người từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp do chịu khó, chịu khổ nên đều khá giả. Chia tay với bố con Cảnh, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường.
Từ đây vào, đường bằng phẳng, hai bên trồng toàn cao su. Đến dốc Cây Chanh thuộc tỉnh Bình Phước thì dừng xe tạm nghỉ, quán nước dưới tán cao su được bố trí rất nhiều võng cho khách. Chúng tôi mua 3 quả mít Tố lai chỉ mất 15 ngàn đồng, bổ ra bóc cái lõi là múi bám theo, ăn như mít mật nhưng rất thơm, quả là một lòai đặc sản quý. Không biết đã có người nào nghĩ đến chuyện đầu tư trồng loại mít này với quy mô lớn để phát triển thành một loại hàng hoá có thương hiệu mạnh, riêng có của vùng đất mà không nơi nào có thể cạnh tranh được hay chưa?
Xe chạy trên đường 13 to rộng mênh mông, đến thị trấn phố huyện Bình Long thì rẽ sang đường đi Tây Ninh. Từ đây đến Kà Tum, cao su hai bên đương khép tán vào nhau như một mái vòm che mát con đường thẳng tắp như kẻ chỉ. Đoàn chúng tôi đến Kà Tum lúc 17 giờ 30. Ăn cơm tối tại nhà chị Hoàng Thị Tơ, sau đó chạy 15 cây số ra thị trấn phố huyện Tân Biên tìm nhà nghỉ.
Sáng ngày 06 tháng 7, đoàn chúng tôi lên đường sang Cambodia. Địa danh cần đến của chúng tôi là phum (ấp) Thơ Mây, thường cắt (xã) Cà Chay, grốc (huyện) Mi Mốt tỉnh Công Pông Chàm. Thuê 8 chiếc xe ôm chở người và dụng cụ, những người chạy xe ôm này cũng là người làm nhiệm vụ đào tìm. Mỗi một xe như thế phải trả 350 ngàn đồng mỗi ngày. Trạm biên phòng 819 không cho sáu người chúng tôi là người từ tỉnh khác qua. Nguyên tắc ở đây là chỉ cho người hai xã giáp biên qua lại. Người sỹ quan trực ban gọi điện cho chỉ huy xin ý kiến mãi không được, đến khi gặp được thì sếp bảo phải có giấy bảo lãnh được chính quyền xã sở tại xác nhận. Thế là lại phải quay về xã để xin thủ tục. Chờ đợi mãi rồi thì cũng được qua. Xem đồng hồ thấy kim chỉ 9 giờ 35 phút.
Nơi chúng tôi đến là một vạt đồi cao su. Chủ vườn, một ông già cỡ ngoài sáu mươi tuổi nhưng khỏe mạnh, ông rất sởi lởi và vui vẻ khi chúng tôi đề nghị cho tìm mộ trên vạt rừng của ông. Nhờ những người Miên sở tại, chúng tôi tìm được cái giếng hình vuông bằng bê tông- vật duy nhất làm mốc chuẩn. Từ đây sẽ xác định các vị trí khác theo trí nhớ của bà Ba và các em tôi, nhà sư Phước Ấn chỉ vị trí cần tìm. Một cháu trong đoàn tên gọi là Đen để được quả trứng trên đầu đũa, sau đó nhiều người khác cũng để được. Đào bới hết buổi sáng chả tìm được gì. Cho thấy việc cắm đũa đặt trứng chỉ là trạng thái cân bằng không bền, đặt khéo thì được chứ không phải hiện tượng tâm linh huyền bí gì cả.
Buổi chiều, nhà sư gọi tôi yêu cầu điều người xuống phía chân đồi đào vì ông nói đã nhìn thấy em gái tôi đứng đó. Đào đến 15 giờ chiều vẫn chẳng thấy gì. Trời phía Tây Nam sấm chớp đì đùng, tôi cho mọi người nghỉ ra về, sợ rằng trời mưa xuống thì sẽ không ra được khỏi rừng cao su vì đường sẽ trơn trượt, xe máy không thể đi được. Về tới nhà chị Tơ còn sớm. Nhà sư cùng chị Tơ ra nhà chùa gặp sư trụ trì chùa người Miên. Nhà sư Miên bầy cho sư Phước Ấn một số thủ tục theo phong tục của người Miên, chúng tôi gửi nhà sư Miên một ít tiền nhờ nhà sư đến tối sẽ làm lễ bằng tiếng Miên. Kết thúc ngày đầu sang Cambodia tìm mộ bố. Phải nói rằng tôi thật sự thất vọng. Trong cái rừng cao su mênh mông bao la như thế, thời gian đã xoá hết mọi dấu tích, hỏi rằng bố mình nằm ở chỗ nào?
Ngày thứ hai, xe chở tôi và chị Tơ thì đi vào ấp đến nhà ông chủ tịch phum. Chủ tịch phum Thơ Lây là một người trung niên khoảng 40 tuổi tên là Lon. Sau khi nghe chị Tơ trao đổi, Lon rút điện thoại gọi cho tà (ông) Thơ Lây là chủ vườn cao su nhờ ông giúp đỡ. Tôi biếu chủ tịch Lon gói quà, ông vui vẻ nhận và thái độ rất thiện cảm. Lần này Thầy Phước Ấn yêu cầu dùng thước dây và la bàn đo khoảng cách cẩn thận. Vị trí xác định ngày hôm nay cách vị trí ngày hôm qua có tới 100 mét. Sau khi làm lễ, chúng tôi bắt đầu cho đào. Buổi sáng, chúng tôi chỉ đào hai vị trí rồi nghỉ. Mọi người xuống bìa rừng đi ăn cơm. Thầy Phước Ấn bảo ông không ăn, cứ kệ ông ngồi Thiền một mình trên đỉnh đồi để ông tĩnh tâm. Khoảng một giờ sau thầy xuống núi và nói đã tìm ra mộ. Vị trí thầy chỉ là một khoảng đất nằm chính giữa hai hàng cao su, khoảng đất này hơi trũng xuống như hình một cái huyệt. Linh cảm giác quan thứ sáu của con người đã mách bảo tôi đúng đấy là mộ bố mình rồi.
12h35p chúng tôi bắt đầu đào. 12h57p cháu Đen phát hiện đất chuyển sang mầu xám.13h07p cái thuốn của ông Bảy Thương kéo lên được một mẩu mầu đen dài khoảng 2cm, bóp thấy chẩy nước và khi xé ra thì xác định đấy là một mẩu tre. Lại nói về cây thuốn của ông Bảy - Trung tá Huỳnh Thương, chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Đông. Ông có cây thuốn bằng thanh sắt 12 li được đánh hai cái ngạnh ở đầu, hai cái ngạnh này có thể kéo từ dưới đất lên những vật mà người tìm kiếm cần nghiên cứu. Với cái thuốn này, ông đã cùng bạn bè tìm được 477 hài cốt của đồng đội.
Những người trong đoàn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hài cốt nên bắt đầu từ đây, việc tìm kiếm được tiến hành rất thận trọng, đất được hớt lên từng lớp rất mỏng để kiểm tra. 13h15p chúng tôi phát hiện ra một mảnh sắt rỉ. Mảnh hài cốt đầu tiên chúng tôi tìm được là một cái răng hàm, cái răng này lại nằm ở hướng phía dưới, như vậy thì mộ sẽ là đặt đầu xuống phía chân đồi, điều này có vẻ hơi ngược. Nhưng theo cô em tôi giải thích thì đúng là như vậy vì khi chôn bố tôi gia đình hướng đầu quay về phía núi Bà Đen, đấy là Tổ quốc Việt Nam. Tôi ngước mắt nhìn sang phía Đông Nam, thấy ngọn núi Bà Đen sừng sững, uy nghiêm hiện trên nền trời xanh mờ phía xa xa.
Sau đó chúng tôi nhặt được rất nhiều những mảnh xương đã vón cục tròn tròn. Các cháu nhỏ người Miên cũng nhẩy vào tìm nhặt giúp chúng tôi, chúng nhặt được một vốc to so với bàn tay của chúng những mẩu xương vụn. Di vật chúng tôi thu lượm được ngoài hài cốt ra còn có: những mảnh tre đen, những mảnh sắt gỉ, những mẩu ni nông vụn. Đến đây, chúng tôi đã khẳng định chính xác là mộ bố tôi. Khi bố tôi mất, Người được khâm liệm bằng một mảnh vải mưa, quấn bên ngoài là hai mảnh tôn có mấy thanh tre đặt dọc theo thi hài bó lại. Vị trí theo lời bà mẹ kế tôi nói tính từ cái giếng bê tông vuông đi về phía Bắc 20 mét, quay sang phía Đông chừng 400 mét là nhà ở. Khi ông chết, được khiêng chéo về phía Tây Tây Bắc khoảng 70 mét, chôn cạnh mấy bụi tre non. Theo lời cô em tôi thì nhà ở phía bên trên một rặng tre, và rặng tre thì đến nay vẫn còn. Như vậy vị trí ngôi nhà bố tôi ở là ranh giới giữa vườn cao su và vườn điều. Chỉ có một yếu tố khác là nócách cái giếng có 300 mét chứ không phải 400 mét như bà mẹ kế tôi nói. Điều đó cũng dễ hiểu, vì chạy loạn chiến tranh, ở đó có 7 tháng, khi ấy còn là rừng rậm, khoảng cách chỉ là áng khoảng làm sao cho chính xác được. Người đầu tiên tôi gọi điện thông báo là mẹ tôi, tôi vốn cứng rắn nhưng khi sóng bắt được liên lạc thì tôi không nói được mà chỉ khóc, và đầu dây bên kia mẹ tôi cũng khóc, có lẽ không cần nói mẹ tôi cũng đã đã biết được tin mừng. Có thể phải đến 2 phút sau tôi mới nói được những lời cần nói. Tôi không dám gọi cho người thân nữa vì sợ rằng lại khóc. Chị Tơ và chị Hoa là người phiên dịch nói thạo tiếng Miên giới thiệu một người đàn bà Miên và bảo chính bà này đã dắt tay thầy Phước Ấn chỉ ngội mộ. Lý do là mỗi lần đi làm qua đây bà đều thấy có một cái cọc gỗ giống như gốc cây chết rung rinh, bà nói rằng nó không phải là một cái gốc cây chết mà là một cái cọc đánh dấu mộ chôn người. Chúng tôi nhổ thử thì thấy đúng là một cái cọc được chôn xuống chứ không phải cái gốc cây và còn phát hiện thêm lúc đào bới cũng có mấy khúc gỗ giống cái cọc này nằm dưói đất nữa. Thì ra chủ rẫy sau này có chôn 4 cái cọc xung quanh mộ để đánh dấu, nay còn một cái vẫn còn cao đến hơn một mét. Trung tá Huỳnh Thương bảo đây là một loại gỗ có vị đắng, mối mọt không động đến được nên nó mới tồn tại được lâu như thế. Đến lúc tìm ra mới thấy thật đơn giản. Và theo bà Em Khòn (người đàn bà chỉ mộ) thì phía trên đỉnh đồi này chỉ có một ngôi mộ, còn những ngôi mộ khác đều được chôn ở phía dưới chân đồi. Điều đó càng khẳng định ngôi mộ chúng tôi tìm được chính xác là mộ bố tôi. Sau khi khâm liệm bố tôi xong, thầy Phước Ấn cho đào thêm một hố tìm cô em tôi nhưng không thấy gì, Trời đã về chiều, chúng tôi lại phải quay về Việt Nam. Trung tá Huỳnh Thương bảo đưa bố tôi về nhà ông vì nhà ông vẫn thường để hài cốt đồng đội, không kiêng kỵ gì. Nhưng tôi thấy áy náy và quyết định đưa bố tôi về chùa thầy Phước Ấn ở Đồng Nai. Cô Chang em tôi tỏ ý không vừa lòng và có ý trách tôi là chỉ lo tìm bố không quan tâm gì đến chị cô. Tôi không có thời gian giải thích, mặc cô em vùng vằng tôi cùng thầy Phước Ấn lên xe chạy thẳng về Đồng Nai. Gửi bố tôi vào chùa xong chúng tôi quay ngay lại Kà Tum, sau khi qua cầu Sài Gòn thì bị đi lạc loanh quanh mất một đoạn và đến 2 giờ sáng mới đến Kà Tum, vào nhà chị Tơ ngủ tạm. Sáng ngày 08 tháng 7 chúng tôi lại lên đường sang Cambodia tìm cô em gái, lúc này Chang mới hiểu và vui vẻ lên đường. Chị Hoa là người có vườn chuối ngày xưa nơi chôn em gái tôi đã khẳng định vị trí trùng khớp với thầy Phước Ấn. Nhưng có một người Miên nói rằng anh ta đã từng thuốn củ mài kéo lên được cả vải ni lon và xương người dịch vào phía trong khoảng 5 mét. Buổi sáng, chúng tôi đào được 5 hố rồi nghỉ ăn cơm. Hai cô em tôi là Chang và Giang thì hoang mang chỉ địa điểm lung tung lúc chỗ này, lúc chỗ kia do khi ấy các cô còn nhỏ vả lại thời gian đã quá lâu nên trí nhớ mông lung không rõ ràng. Buổi chiều chúng tôi lại tiếp tục đào. Thầy Phước Ấn gọi điện sang vẫn khẳng định là mộ em tôi chỉ ở quanh gốc cây mít. Thầy yêu cầu đào một hố liền với cái hố đào hôm qua nhưng lùi vào phía trong, vẫn không thấy gì. Thầy lại gọi sang bảo chờ thầy ít phút để thầy tịnh tâm coi lại. Sau khoảng 10 phút thầy gọi sang bảo đào thêm một hố liền với hố vừa đào nhưng dịch lên phía trên. Thầy bảo đào xong hố ấy là về được đấy. Đó là lần đào thứ mười trong ngày. Mấy người vui vẻ trong đoàn tán rằng: “Thầy chỉ được cái nói đúng, đúng là đào thêm cái hố này nữa thì chúng tôi cũng bắt buộc phải về”. Vì đã hơn 15 giờ chiều. Không ai tin là bên dưới có mộ vì lớp đất trên mặt rất cứng. Thầy Phước Ấn gọi sang cũng nói là đất cứng nhưng cứ đào đi, chắc chắn là chỉ đào thêm lần này nữa là sẽ về được. Đúng y như lời thấy nói, đến độ sâu khoảng 60 phân thì gặp lớp đất đổi màu đen, theo kinh nghiệm của ông Bảy và các thợ đào thì chính xác đây là hài cốt. Do đã 38 năm lại khi chết cô em tôi mới có 14 tuổi nên xương cốt không còn, chỉ còn lại lớp đất màu đen này thôi. Từ trước đến nay tôi vẫn nghi ngờ và không mấy tin vào những câu chuyện kể về các nhà ngoại cảm, tôi cho rằng người đời cứ thêu dệt ra cho nó li kỳ vậy thôi. Qua diễn biến của hành trình tìm mộ bố tôi lần này, thực sự tôi tin rằng sức mạnh tâm linh chỉ dẫn và khả năng ngoại cảm của con người là có thật. Thầy Phước Ấn là một trong những người có khả năng ấy.
Ngay tối ngày mồng 08 tháng 7, chúng tôi rời Kà Tum đưa hài cốt cô Hà - em gái tôi về Lộc Ninh. Đêm đó, anh em chúng tôi mặc dù rất mệt nhưng do hưng phấn tinh thần nên chạm chén liên tục.
Ngày mùng 09 tháng 7, xe chúng tôi đến Xa Kát rẽ vào thăm nhà bà Ba Bách. Chồng Bà Ba Bách tên là Trần Xuân Phùng, cùng làm việc với bố tôi ở Xa Kát trước đây. Ông là người từ Hải Dương vào, ngoài Hải Dương cũng đã có vợ con. Người con trai lớn của ông ngoài miền Bắc tên là Trần Anh Quế, từng đảm nhận chức Bí thư huyện ủy huyện Cẩm Giàng, nghỉ hưu năm 2006. Bà Ba Bách và các con bà vui mừng đón tiếp chúng tôi, bà hồ hởi và coi tôi như con cái trong nhà, bà kể chuyện về Ký Phong (bố tôi), về hoạt động của chồng bà, về năm 1972 sở cao su nằm giữa hai làn đạn, ông Phong và ông Phùng vận động và lãnh đạo công nhân cao su không chạy về Sài Gòn theo “Chánh phủ Quốc gia” mà chạy sang Cambodia là vùng của Quân Giải phóng miền Nam, bà nói nhiều và rất say sưa, xem ra trước đây bố tôi cũng được nhiều người trong đồn điền cao su Xa Kát yêu mến. Tôi nhìn lên tường nhà, thấy treo rất nhiều huân chương của ông Phùng. Ông Phùng vốn dĩ cũng là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương được cử từ ngoài miền Bắc vào lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng trong giới công nhân cao su. Cháu Lâm bay từ Bắc vào để cùng chú Thành thay phiên nhau lái xe đưa bố tôi về. Chúng tôi quyết định nghỉ một ngày mùng 10 tháng 7 lấy sức trước khi khởi hành. Sư Phước Ấn dẫn chúng tôi đi lên chơi miệt vườn Lái Thiêu. Trong chuyến đi này, chúng tôi được đến thăm khu tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Sau này có một thời ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thủ trưởng ngành của tôi, ông là một ông tướng vừa đánh giặc giỏi, vừa làm thơ hay, từng có những câu thơ nổi tiếng:
Ai về Bắc, ta theo với Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ai dám bảo quân đội chỉ là những kẻ võ biền?
Trong buổi giao du thăm thú này, vợ chồng tôi còn may mắn mỗi người được ban phát một viên Xá Lợi của Đại Đức Mục Kiền Liên Bồ Tát khi vào thăm ngôi chùa Hoàng Ân Cổ Tự. Mục Kiền Liên là vị Bồ Tát nổi danh hiếu nghĩa với cha mẹ. Theo thầy Phước Ấn thì được nhận Xá Lợi là một điều vô cùng vinh dự, ngay cả trong giới nhà sư có người tu hành cả đời cũng vẫn không có duyên thụ nhận. Phải chăng chuyến đi tìm cha của vợ chồng tôi lần này đã được cao xanh nhà Phật từ bi giúp đỡ?
Ngày 11 tháng 7, sau khi sư Phước Ấn cúng cơm cho cha tôi, nhà chùa chiêu đãi chúng tôi mỗi người một bát phở chay. Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm rồi khởi hành lên đường đưa cha tôi về quê hương miền Bắc. Xe chạy qua khu vưc Phong Nha Kẻ Bàng thì bị trạm chặn đường kiểm soát. Vợ tôi bảo là chở hài cốt thế là anh cán bộ Kiểm Lâm kéo ngay valie cho chúng tôi đi không cần có ai phải xuống xe. Đến đoạn giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa lại bị cảnh sát giao thông chặn kiểm tra xe. Cháu Lâm xuống xe và được người sỹ quan cho biết là mắc hai lỗi: chạy quá tốc độ và dẵm vạch. Cháu Lâm bảo là chở hài cốt cần đi nhanh cho kịp giờ, người cảnh sát hỏi thế chở hài cốt thì rượu đâu, giấy tờ đâu? Nhưng sau đó anh ta cũng cho xe đi ngay. Chắc chẳng có ai lại dại gì mà giữ xe chở hài cốt. Về đến ngã ba Ba La thì bị tắc đường do nước ngập. Cả Hà Nội nước ngập nhiều nơi do mới có một trận mưa to hồi sáng. Thủ đô một ngàn năm văn hiến chưa thoát khỏi cảnh ngập lụt, việc cải tạo hệ thống tiêu thoát nước còn là cả một bài toán chứa nhiều ẩn số.
Chúng tôi về đến làng vào chiều ngày 13 tháng 7 năm 2010. Ở đây, người nhà, con cháu đã đón đông đủ. Có hai ni sư là đệ tử của sư Phước Ấn cũng được mời đến làm lễ cho cha tôi. Hai ni sư này một người tên là Chúc Tiến một người tên là Tuệ Trí đều vừa tốt nghiệp Đại học Phật giáo Sóc Sơn ra. Một cái lán được dựng tạm cạnh nghĩa trang làm nơi cho các nhà sư làm thủ tục đưa hài cốt cha tôi nhập mộ.
Lúc mới vào Nam, năm 1953 còn được viết bằng thư chưa phải dùng bưu thiếp, trong một lá thư ông có gửi kèm mấy câu thơ cho mẹ tôi:
Phiêu lưu đã mấy thu rồi
Mộng hồn còn vướng cảnh đời hoang liêu
Đây miền sơn cước đìu hiu
Đây miền đất đỏ một chiều sương rơi
Đời ta phiêu bạt lắm rồi
Hôm nay dừng bước xa xôi chốn này
Xạc xào ngọn gió heo may
Xui lòng ta nhớ những ngày thu xưa
Ra đi giữa một chiều mưa
Bạn lòng rơi lệ tiễn đưa dặm ngàn.
Ông còn nhắc đến đoạn lời của một bài hát do nhạc sỹ Hoàng Giác sáng tác: "Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm, nhớ phút chia ly ngại ngùng lúc ra đi, luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh...". Đó cũng là nguyện vọng của những người vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà phải tha hương viễn xứ.
Thế là sau 57 năm lưu lạc, cha tôi đã được chúng tôi đưa về quê hương, chỉ có điều khi đi ông còn là một thanh niên to khỏe đẹp trai, còn khi trở về thì đã là người thiên cổ. Bất giác tôi nhớ lại câu ca dao và xin sửa lại hai từ cuối của câu tám như sau:
Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai trẻ khi về khói hương.
Tháng 7 năm 2010
C.S