Nguyễn Trần Bé
HAI PHÍA CỔNG SẮT
Đến lúc đi làm Thuỳ mới biết bánh trước xe máy của mình bị thủng săm. Xem đồng hồ biết không kịp dắt xe ra hiệu vá, cô đành đi bộ. Cũng may, từ nhà Thuỳ đến trường khá gần, đi tắt chỉ già nửa cây số. Trước khi đi, Thuỳ gọi chồng, lúc ấy vẫn còn đang say giấc:
- Anh ơi! Lúc nữa dậy vá hộ em chiếc săm xe nhá!
Không thấy tiếng đáp lại. Chắc hôm qua anh ấy đi công việc về khuya nên chưa dậy. Thôi kệ, trưa mình về đem đi vá cũng được. Thuỳ nghĩ thế rồi xách cặp vội vã đi theo lối tắt.
Tiếng trống trường làm Thuỳ giật mình. Cô lật đật bước vào lớp học, ngón chân cái vấp phải cạnh cửa đau điếng. Chẳng hiểu sao hôm nay Thuỳ cứ thấy trong lòng thấp thỏm, bất an, khiến cô giảng bài rời rạc, vô hồn. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành sắp xảy ra. Và điều chẳng lành ấy xảy ra thật. Một người hàng xóm đến lớp tìm cô, báo tin ở nhà đang có chuyện. Thuỳ vội bỏ giở tiết giảng chạy về. Cô đổ sụp xuống khi trông thấy Bốn, chồng cô, bị công an còng tay áp giải lên xe hòm của cảnh sát. Thoáng chốc, Thuỳ thấy mình bị úp trong một chiếc vung đen khổng lồ, ngột ngạt, bức bách, lẫn lộn những âm thanh hỗn tạp. Cô cố gắng giãy đạp và cuối cùng cũng thoát ra được khỏi “cái vung đen” kinh khủng ấy.
Người đầu tiên Thuỳ trông thấy khi tỉnh dậy sau cơn choáng lịm là Pha, em gái kết nghĩa của vợ chồng cô. Gương mặt xinh đẹp của Pha đọng đầy nỗi âu lo.
Thuỳ hỏi Pha trong sự hoang mang tột độ. Giọng cô như bị lưỡi hái cắt vụn:
- Có - chuyện - gì - thế - em? Sao - anh - Bốn - nhà - chị - lại - bị - bắt?
- Anh ấy buôn bán trái phép thuốc mìn. Công an đến khám nhà, thu tang vật mang đi rồi. Chuyến này thì no tù!
- Anh ấy - buôn lậu - thuốc mìn - hồi nào? Sao chị - không biết?
- Chị suốt ngày đi trường, biết làm sao được! - Pha nói vẻ trách móc.
- Bây giờ - thì phải - làm sao - hả em?
- Phải chạy cho anh ấy ra chứ còn làm sao nữa! Anh ấy bị ho ra máu mà phải vào trại thì sống làm sao nổi!
Thuỳ run bần bật như lên cơn sốt khi nghe Pha nói Bốn bị ho ra máu. Cô túm lấy vạt áo Pha, hỏi tới tấp:
- Anh Bốn bị ho ra máu lúc nào? Bị lâu chưa mà sao chị không biết?
- Anh ấy bị từ hồi giữa hè, khi chị cùng các giáo viên nhà trường đi nghỉ mát ở Đồ Sơn. Anh ấy uống thuốc cũng đỡ rồi nên không nói cho chị biết. Giờ vào trại, bệnh tái phát thì chắc là chết thôi!
Thuỳ tái mặt. Cô ôm ngực ngắc ngoải. Lát sau cô nói với Pha, giọng cầu cứu, như thể người đứt hơi:
- Em ơi! Có - cách nào - cứu - anh Bốn - không - hả em? Chạy - cũng được, -bằng - giá nào - cũng được, - miễn là - phải cứu - lấy - anh ấy. Em giúp - chị nhá!
Pha chưa kịp nói gì đã thấy Tỵ, em trai Bốn, bước vào. Tỵ nói vẻ tỉnh khô:
- Khó đấy chị ạ! Buôn lậu hàng nóng thì chỉ có mà mọt gông!
- Chị thấy - chú - quen biết - nhiều - bạn bè - và giỏi - định liệu - lắm - cơ mà. Chú - cố gắng - giúp anh - chị đi. Chị xin - chú đấy!
Tỵ nhìn chị dâu vẻ ái ngại. Lưỡng lự mãi anh ta mới nói:
- Có điều này em nghĩ không biết có nên nói với chị không?
- Chuyện gì - hả chú?
- Em thấy khó nói quá!
- Chú - cứ nói - đi. Khó mấy - chị - cũng nghe,- miễn là - cứu được - anh Bốn!
Ngập ngừng một lát, Tỵ ra hiệu cho Pha ra ngoài, ghé miệng vào tai Thuỳ nói nhỏ. Nghe Tỵ nói, Thuỳ liên tục thay đổi tâm trạng, từ sự hốt hoảng ban đầu chuyển sang bàng hoàng, đờ đẫn, hi vọng, hổ thẹn và cuối cùng là sự bất an. Cô mếu máo nói với Tỵ:
- Việc này mà lộ ra thì anh chị biết chui đầu, giấu mặt vào đâu? Cả anh và chị đều bị đi tù thì ai nuôi các cháu của chú?
- Em tính kỹ rồi, chị khỏi phải lo!
Nghe Tỵ nói chắc, Thuỳ cũng thấy yên tâm phần nào. Nhưng cảm giác hổ thẹn và bất an thì không hề giảm đi, khiến cho gương mặt đoan trang của Thuỳ hết nóng phừng phừng lại tái nhợt. Người cô run lẩy bẩy. Thuỳ cảm thấy mình không có đủ can đảm để thực hiện được kế hoạch của Tỵ. Đôi mắt cô bỗng nhoà đi. Chính trong lúc ấy, hình ảnh Bốn gầy gò nằm trong nhà đá, tay ôm ngực quằn quại với những cơn ho không dứt và chiếc miệng đầy máu tươi hiện ngay trước mặt, khiến lòng Thuỳ tái tê. Sức mạnh ở đâu bỗng dồn vào đôi chân thon thả của Thuỳ. Cô mạnh bước về phía trụ sở công an huyện. Bầu trời đang quang đãng bỗng nhiên sầm tối. Mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến, che lấp dần những tia nắng cuối ngày. Những chiếc lá khô từ hàng cây ven đường cuốn theo gió, lượn lờ vương trên mái tóc rối tung của Thuỳ, lả tả rơi xuống dưới chân cô…
*
Nằm trong trại tạm giam công an huyện, giữa những bức tường đá xám ngoét và lạnh lẽo, Bốn cứ nghĩ mãi về mấy chữ “Tôi không biết gì cả” viết trên lòng bàn tay Tỵ giơ trước mặt gã lúc gã bị giải lên xe cảnh sát. Mấy chữ ấy cứ chập chờn, chập chờn trước mắt Bốn như chơi trò ú tim. Bốn nghĩ, thằng Tỵ viết và giơ mấy chữ ấy cho mình xem chắc chắn là nó muốn ngầm nói với mình điều gì. Nhưng là điều gì mới được chứ? Tang chứng, vật chứng rành rành như thế thì chối tội sao được. Mình mà không biết gì thì trong nhà mình phải có người biết chứ. Ai là người biết nữa đây, ngoài mình và nó? Chẳng lẽ thằng Tỵ nhận thay tội cho mình? Không. Nó không bao giờ làm thế. Nếu dám làm thế nó đã không sai mình đem những thùng hàng chết người ấy về cất giấu trong buồng nhà mình. Nhưng nhất định thằng Tỵ đã nghĩ ra cách cứu mình, vì nó là đứa ma mãnh, đa mưu. Bốn ngẫm nghĩ rất lâu, miệng cứ lẩm bẩm cụm từ “Tôi không biết gì cả” giống như đọc thần chú.
*
Trung uý Sơn nhìn chăm chăm vào gương mặt bơ phờ, hoảng loạn, nhưng vẫn đọng nét xinh đẹp, quyến rũ đang cúi gằm của Thuỳ. Căn phòng im lặng đến nỗi nghe rõ cả tiếng tằng tặc của đôi thạch sùng đang đùa dỡn nhau trên vách.
- Nhìn thần sắc và nghe những lời tự thú của chị tôi không tin chị là người liên quan trong vụ buôn lậu này. Chị hãy nói thật đi! Ngoài anh Bốn chồng chị thì còn những ai nữa?
- Không, không, không. Không phải anh ấy đâu! Anh Bốn nhà tôi bị ho ra máu, ăn còn chả được nói gì đến buôn lậu! Tất cả là tại tôi. Là tại tôi tất cả. Tôi mới là kẻ có tội. Chú hãy tin tôi!
Thuỳ nói như một cái máy. Và cô khóc. Hai bờ vai gầy rung lên bần bật. Bên tai cô văng vẳng tiếng của người em chồng: “Chị cứ khai báo như những lời em dặn thì trước sau công an họ cũng sẽ tin chị. Chỉ có như vậy anh Bốn mới được tha. Anh bệnh nặng như thế, nếu ở trong tù thì chẳng sống được đâu! Chị phải nhận tội thay cho anh ấy thôi. Chị cứ yên tâm, chúng em ở ngoài sẽ tìm cách chạy tội cho chị”.
Lời “tự thú” mà Tỵ dựng lên cho Thuỳ rất đơn giản: “Đúng hôm anh Bốn chồng tôi đi vắng, có một người tự xưng là bạn của anh Bốn, chở đến nhà tôi gửi một thùng hàng đóng kín, khá nặng. Vì là bạn của chồng nên tôi không tiện hỏi là hàng gì. Tôi cũng chưa kịp hỏi tên thì anh ta đã vội vã đi ngay, hẹn mấy ngày sau sẽ quay lại lấy hàng. Tôi chỉ chỗ cho anh ta cất hàng trong buồng, rồi quên bẵng đi không nói với chồng. Khi công an đến khám nhà và bắt anh Bốn thì tôi mới biết thùng hàng đó là thuốc mìn!”. Chẳng hiểu sao chỉ nghe có một lần mà Thuỳ đã thuộc lòng lời khai này để khai báo với cơ quan công an.
Nhìn Thuỳ run run ký vào tờ biên bản, Trung uý Sơn khẽ lắc đầu.
*
“Tôi không biết gì cả. Hoàn toàn không biết gì!”. Khi bị hỏi cung, Bốn chỉ nói đúng bấy nhiêu từ. Công an hỏi bất kỳ điều gì gã cũng chỉ trả lời có vậy.
Đối chiếu lời khai của Bốn và lời thú tội của Thuỳ, các điều tra viên của cơ quan công an huyện thấy khá trùng khớp và hợp lý, liền đổi hướng điều tra. Bốn được tạm tha nhưng Thuỳ lại bị tạm giam để tiếp tục làm rõ.
Bốn về tới nhà khi hai đứa con nhỏ đang ngồi gặm mì tôm. Mặt đứa nào cũng lấm lem, nhoèn nhoẹt nước mắt, nước mũi. Nhìn thấy Bốn cả hai đứa cùng ào ra ôm lấy chân bố. Thằng Tít hỏi trong nước mắt:
- Bố ơi! Bao giờ thì mẹ được về?
Thằng Mít líu lô hỏi theo anh:
- Mẹ đi đâu được về?
Bốn bế thốc hai con trên tay. Gã quay mặt lau vội những giọt nước mắt. Giọng gã tắc nghẹn:
- Mẹ các con sắp về rồi. Bây giờ bố tắm rửa cho hai đứa, rồi bố con mình đi ăn phở ở quán bà Thơm. Ăn xong bố đưa các con về bà ngoại.
*
Từ nhà mẹ vợ trở ra đường, Bốn nhìn thấy Tỵ đang ngồi trong quán cà phê của Pha ở gần ngã ba. Gã dựng xe, chồm thẳng vào quán, hỏi giật giọng:
- Chú Tỵ! Thế này là thế nào?
- Anh hỏi thế nào là thế nào? Nếu không có cái thế nào ấy thì giờ này liệu anh có được đứng ở đây để hỏi tôi thế này là thế nào không?
Bốn hạ giọng:
- Nhưng Thuỳ có biết gì đâu! Việc này chỉ có tôi với chú và cô Pha…
- Thì chính chị ấy không biết gì nên chúng ta mới thoát nạn. Hy sinh một người để cứu lấy cả đường dây anh thấy đằng nào hơn? Anh yên tâm đi, tôi sẽ tìm cách cứu chị ấy ra nay mai.
- Liệu có cứu được không? Tôi cứ thấy tồi tội cho Thuỳ!
Pha nhìn Bốn bằng đôi mắt đong đưa:
- Anh lại thương vợ rồi à? Thế sao những lúc ôm ấp em anh cứ khăng khăng là đã chán ngấy chị ấy?
- Đấy là hai chuyện khác nhau.
*
Thuỳ bị Toà tuyên phạt ba năm tù giam vì tội “tàng trữ trái phép thuốc nổ” và “tiếp tay cho tội phạm”. Cô thản nhiên tiếp nhận án phạt như một sự tự nguyện.
Trong những ngày thụ án Thuỳ mới cảm nhận hết được mọi sự cực khổ. Khổ nhất là nỗi nhớ con và bị mất nghề dạy học. Đối với Thuỳ, một người mẹ trẻ, một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, một người yêu thích nghề dạy học đến độ máu thịt, thì việc phải xa các con, phải chia tay với trường lớp và học sinh là cú sốc ghê gớm, một sự đau khổ không có giới hạn! Nhưng những cực khổ ấy của Thuỳ hình như vơi đi khi cô nghĩ hành động của mình đã giúp cho chồng thoát khỏi án phạt, được ở nhà dưỡng bệnh, chăm nom các con. Thuỳ nghĩ, sự trái khoáy này, nỗi oan này do chính mình tạo ra thì mình phải tự gánh chịu. Thôi, mình hãy cứ cải tạo thật tốt để được giảm án. Ba năm là khoảng thời gian thật dài trong tù, nhưng cũng sẽ mau qua đi khi ta có niềm tin. Niềm tin ấy đã xoá đi mọi khúc mắc, buồn tủi trong lòng khi Thuỳ nhận ra rằng, đã rất lâu rồi chẳng thấy Bốn vào thăm. “Chắc anh ấy ốm và bận trông nom các con”. Thuỳ luôn tự an ủi như vậy. Nhưng cô không biết được một điều, ở nhà Bốn đã gửi con cho bà ngoại rồi cùng Tỵ và Pha kéo nhau về Quảng Ninh làm ăn.
*
Sau hơn bảy trăm ngày thụ án, Thuỳ được quản giáo báo tin cô có tên trong danh sách các tù nhân được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá vào dịp Tết Độc lập. Thuỳ hét lên. Và cô khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Rồi cô cười. Cười như chưa bao giờ được cười… Cách đây ít hôm, Thuỳ cũng đã từng hét lên, và khóc, và cười như vậy khi nghe đứa em cậu vào thăm nuôi báo tin có người bắt gặp Bốn ăn ở với Pha như vợ chồng, tận bên Móng Cái. Trời ơi! Con Pha! Đứa con gái có gương mặt và dáng dấp giống như người mẫu, từng luôn miệng chị chị em em ngọt sớt với Thuỳ, đã có lúc Thuỳ coi nó như em gái! Vậy mà…
Đêm ấy Thuỳ lên cơn sốt. Toàn thân cô nóng như hòn than, mồ hôi đầm đìa, nhưng đo thân nhiệt vẫn bình thường. Nửa đêm Thuỳ hết sốt. Cô thấy trong người rất thoải mái, nhẹ nhõm, nhưng không thể nào ngủ được. Bỗng có tiếng kẹt cửa, rất khẽ. Thuỳ nhìn ra. Cô giật thót người khi thấy Bốn từ ngoài cửa lẻn vào, bò đến nằm bên cạnh mình. Anh mặc quần đùi, cởi trần, thân hình vạm vỡ, săn chắc chứ không ốm o, gầy còm như cô vẫn hình dung. Bàn tay Bốn vội vã lần cởi cúc áo nơi ngực Thuỳ. Cô nghe rõ hơi thở và tiếng Bốn thì thầm bên tai: “Anh nhớ em không thể chịu được, nhón lẻn vào đây với em! Mình yêu nhau, em nhá!”. Người Thuỳ run lên. Cô cố ghìm giọng, hổn hển nói với chồng: “Anh khỏi ho ra máu chưa? Các con có khoẻ, có ngoan, có nhớ mẹ không? Mà anh vào đây bằng cách nào vậy? Sao anh liều thế? Này, không làm chuyện đó ở đây được đâu. Em nằm chung với mấy chị cơ mà. Bọn họ tỉnh ngủ lắm. Anh về đi!”. Bốn chồm lên người Thuỳ, nói trong hơi thở hào hển: “Kệ họ. Anh ngủ với vợ anh chứ có ngủ với người khác đâu mà sợ. Tối đen như mực thế này họ có thức cũng chẳng nhìn thấy gì đâu!”. Thuỳ an ủi chồng: “Cố nhịn đi anh. Mấy hôm nữa em được ra tù, lúc ấy vợ chồng mình tha hồ mà yêu đương. Anh nhá!”
Trong bóng tối mịt mùng, Thuỳ vẫn nhìn rất rõ gương mặt của Bốn. Những nét thân quen cứ nhạt dần, nhạt dần và thay vào đó là vẻ mặt xa lạ, vô hồn. Bốn buồn bã ngồi dậy, nói với Thuỳ, giọng lạc hẳn: “Anh về đây! Từ hôm nay em hãy quên anh đi!”. Bốn lách cửa lẻn ra. Sau khe cửa hẹp, Thuỳ nhìn thấy bóng Pha thấp thoáng bên ngoài. Cô chồm dậy lao theo hai người. Trán Thuỳ húc phải cánh cửa buồng giam đánh “rầm”.
*
Bốc xong số hàng lên thùng xe lạnh, Bốn trở về khách sạn toan rủ Pha đi ăn đêm. Đến cửa phòng Pha, gã nghe thấy tiếng rên tình rất to và rõ. Cái tiếng rên quen thuộc mỗi khi Pha cùng Bốn tình tự. Bốn đạp cửa xông vào. Trước mặt gã là thằng Tỵ và con Pha. Hai đứa đang nhồng nhộng quấn lấy nhau như hai con mãng xà tinh.
Bốn ôm mặt hét:
- Đồ mất dạy. Đồ lộn ổ! Tao thật không ngờ!
Tiếng thằng Tỵ, hấp hổm theo nhịp chày giã lồng:
- Anh cứ… đứng đấy… mà xem… chúng tôi… “chiến đấu”!
Bốn hực lên. Gã lao như một con mèo hoang ra khỏi cửa. Đuổi theo sau lưng gã là tiếng cười khinh khích của Pha.
Bốn càng cố gắng xoá đi hình ảnh thằng Tỵ và con Pha trần trụi quấn lấy nhau quằn quại thì cái hình ảnh ấy lại cứ hiện lên càng lúc càng rõ, chẳng khác nào chiếc đinh sắt chòng chọc trước mắt khiến gã không tài nào ngủ được. Bốn kéo mền chăn che ngang đôi mắt đang nhắm nghiền, nhưng cái hình ảnh chết tiệt kia vẫn cứ hiện lên rõ mồn một như thể trêu ngươi. Bốn vùng dậy mở tủ lạnh lấy chai rượu mạnh ngửa cổ tu ừng ực. Gã vứt chiếc vỏ chai vào gậm giường. Mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Gã chạy vào nhà tắm lấy chai thuốc xịt phòng bóp loạn xạ, mồm lẩm bẩm: “Mẹ tiên sư cái khách sạn này. Ba sao, bốn sao gì mà tanh thế không biết!”. Gã nằm lăn ra nền gạch hoa, gối đầu lên chai thuốc xịt phòng. Khi giấc ngủ đang sà sà đến thì Bốn nhìn thấy Thuỳ. Thuỳ nhẹ nhàng đến bên gã, nói như ru: “Anh khó ngủ à? Để em gối đầu tay cho anh ngủ nhá! Vắng em, anh buồn lắm phải không?”. Bốn sung sướng chồm dậy ôm lấy vợ, miệng kêu khe khẽ: “Ôi! Thuỳ. Thuỳ. Anh nhớ em quá!”. Thuỳ đẩy bật Bốn ra, mắt long lên sòng sọc: “Thuỳ gì mà Thuỳ. Vẫn thương nhớ vợ lắm hả? Nhìn kỹ lại đi!”. Bốn dụi mắt. Hoá ra là Pha. Gã nghiến răng ken két: “Hứ. Cô còn vác mặt vào đây làm gì? Đồ trơ trẽn!”. Pha nguýt: “Tôi tưởng anh cắn lưỡi chết, đến xem thế nào! Còn giận à? Thế thì bai nhé!”. Bốn bậm môi, hằn học nhìn theo cặp mông ngúng ngẩy, nẩy tanh tách của Pha.
- Anh hậm hực cái gì? Sau chuyến hàng này tôi sẽ thiết kế cho anh con khác, ngon hơn con Pha nhiều. Con Pha là bồ của anh cũng là phỏm của tôi. Anh với tôi đổi nhau chơi có sao? Anh tưởng nó chỉ lên giường với anh và tôi thôi à? Với nó cứ chỗ nào có tiền là nó ngả bàn đèn. Trời sinh ra nó để làm việc đó, anh hiểu không? - Trong ca bin xe lạnh, Tỵ nói với Bốn như nói với quân hầu.
- Nhưng anh đã vì nó mà bội tình, bội nghĩa với Thuỳ.
- Hứ. Đến giờ này mà anh còn nói đến tình nghĩa được sao? Vứt mẹ nó cái tình nghĩa ấy đi! Hay là anh về nhận tội rồi đi tù thay cho vợ?
Chiếc xe lạnh bị chặn trên đường số 5. Trung uý Sơn cùng các chiến sĩ cảnh sát liên tỉnh tóm gọn hàng tạ thuốc mìn đựng trong thùng lạnh. Bốn và Tỵ chung nhau một chiếc còng số 8. Lướt qua mặt hai người là con Pha đang cười cười trên ca bin một chiếc xe tải chạy cùng chiều. Thằng Tỵ cắn môi bật máu.
Trung uý Sơn nói với Bốn, giọng sắc lạnh:
- Lần này thì không ai có thể nhận tội thay cho ngươi nữa đâu. Đồ lưu manh!
*
Thuỳ được ra tù sớm một năm theo lệnh ân xá của Chủ tịch nước. Khi cô bước chân ra khỏi cánh cổng sắt cũng là lúc chiếc xe hòm chở đến những phạm nhân mới. Khi các phạm nhân xuống xe bước qua cánh cổng sắt, Thuỳ nhận thấy một người trong số họ có nét quen quen. Cô hốt hoảng chạy theo, gọi toáng:
- Anh Bốn! Có phải anh Bốn đấy không?
Một người trong nhóm phạm nhân nghe tiếng gọi chợt khựng lại. Thuỳ chưa kịp nhìn rõ mặt thì anh ta đã lẩn nhanh vào giữa đám người.
Cánh cổng sắt trại giam đóng lại trước mắt Thuỳ./.
N.T.B