Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

GIẢN DỊ MỘT CÁCH SÂU SẮC

 Đặng Huy Giang

  GIẢN DỊ MỘT CÁCH SÂU SẮC
(Nhân đọc bài thơ "Vành tang núi" của Trịnh Công Lộc)
 
VÀNH TANG NÚI
 
Chưa thấy ở đâu
Đạn bắn vào đến nỗi
Đá chín thành vôi
Thanh Thuỷ “ Lò vôi thế kỷ”
 
Chưa ở đâu
Khoanh núi kia nhỏ hẹp thế này
Một dãy núi bản xa
           chênh vênh hai bờ ranh giới
Đá núi lô nhô,đèo đọt
Lối mòn gầy gộc lắt leo
Sương sớm tan mau
Nắng chiều vội tắt
Giấc ngủ dài hơn trăm quăng dao
Dài hơn điểm cao 1509
Dài hơn Thanh Tân,Thanh Thuỷ …
 
Chẳng ai nghĩ đến ngày súng nổ
Đạn réo qua đầu, còn ngỡ
Khi pháo đạn gầm lên dội lửa
24 tiếng / mỗi ngày ,
                  mỗi giây không nghỉ
30 ngày / mỗi tháng không ngơi
Mới rõ hết sự tình
Núi - không thể hất đi !
 
Không ai nghĩ
 mười năm
thành đối đầu chiến địa
Đá vụn sống lưng.
                     Thấy đá, không thấy cỏ
                     Thấy máu,không thấy người
 
Thanh thuỷ “ Lò vôi thế kỷ”
Vôi - vành tang núi
Trắng lên trời !
 
                 Tháng 7/ 2016
                 Trịnh Công Lộc

img_5770loc
 
     Lời bình của Đặng Huy Giang: 
                   
     Có một lần Festival thơ Quốc tế diễn ra ở Quảng Ninh, tôi và một số nhà thơ nữa có dịp đến “đại bản doanh” của Trịnh Công Lộc. Thời điểm ấy, ông đang tại chức, là Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh. Ông hào hứng bật băng cho chúng tôi nghe ca khúc “Mộ gió” (nhạc: Vũ Thiết, lời: Trịnh Công Lộc) vừa mới “ra lò” không lâu. Chúng tôi thực sự xúc động. Riêng tôi nghe xong mà lặng người đi. Riêng hai câu: Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào buốt nhói Hoàng Sa đã gần như đóng đinh vào trí não của tôi.

      Rồi cũng chẳng lâu la gì. Cuối năm 2011, bài thơ “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc ăn giải kép: Giải nhì về thơ và giải nhì về ca khúc (cùng với nhạc sĩ Vũ Thiết) trong cuộc thi thơ và nhạc toàn quốc mang tên “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ Việt nam cùng báo Vietnamnet tổ chức. Riêng giải nhì về ca khúc không có giải nhất và cái tên “Mộ gió” được đổi thành “Khúc tráng ca biển” cho an toàn, bớt bi lụy.

      Chi tiết thơ trên cho thấy: Trịnh Công Lộc là người luôn duy cảm, luôn nặng lòng (có lúc còn yếu lòng) trước cái tâm trong sáng và thơ ông luôn được viết ra từ gan ruột.

      Trịnh Công Lộc nói kỹ càng hơn: “Mộ gió có cả một nghìn năm trước. Đấy là những ngôi mộ tượng trưng được hình thành sau những lễ chiêu hồn dành cho những người đi biển không về. Đến thời Gia Long (1802 đến 1836), mới có mộ gió ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đã tìm được những tư liệu và hình ảnh về mộ gió từ lịch sử. Cảm hứng từ lịch sử và những chuyển đi biển đảo, nhất là những lần ngủ trên  sóng cận kề biên giới Tổ quốc trên biển, đã tạo thi hứng và chất liệu để tôi hoàn thành “Mộ gió”. Thật tình, tôi chỉ là người có công xới xáo lại thôi”.

     Nhưng có lẽ điều đáng nói vào thời điểm sau 2011, sau khi “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc ra đời và được tôn vinh ngay lập tức, nhiều bài thơ, nhiều bản nhạc, áng văn đã được đưa hình tượng mộ gió vào, nhiều người cũng thường xuyên nói về mộ gió, nhất là từ điểm biển Đông có nhiều biến động đến bây giờ.

   Như vậy, Trịnh Công Lộc và “Mộ gió” đã tạo ra hiệu ứng xã hội và tạo nên một “hội chứng mộ gió”.
   Vẫn cái mạch cảm xúc ấy, Trịnh Công Lộc lại có phát hiện đầy suy ngẫm, mới mẻ và thiêng liêng qua “Đỉnh núi” từ trong tâm cảm:

Mỗi tấc đất
                  đã bao nhiêu máu
Thắm lên từng vách núi, ngọn cây
Mỗi đỉnh núi
                     một bàn thờ Tổ quốc
Ngát linh hương nghi ngút trời mây!

     Đến “Vành tang núi”, chất một mất một còn của cuộc “đối đầu chiến địa” được Trịnh Công Lộc khai thác triệt để. Có cảm giác: Đạn không chỉ bắn vào núi ở Vị Xuyên, bắn vào lãnh thổ Việt Nam, mà còn bắn vào lòng ông.

     Bài thơ được triển khai hết sức tự nhiên và có chất tự sự ở khổ đầu: Chưa thấy ở đâu/ Đạn bắn vào đến nỗi/ Đá chín thành vôi/ Thanh Thủy “Lò vôi thế kỷ”. Và đạn bắn nhiều đến nỗi Đá núi lô nhô, đèo đọt/ Lối mòn gầy gộc, lắt leo/ Sương sớm tan mau/ Nắng chiều tắt vội…Ở khổ thơ thứ hai, chất thâu tóm, đúc rút bắt đầu xuất hiện ở hai câu ở dạng khẳng định – trải nghiệm: Mới rõ hết sự tình/ Núi không thể hất đi.

    Không có ai có thể đau đớn như Trịnh Công Lộc khi hình dung ra một sự hoang tàn, đổ nát và mất mát đến tận cùng ngỡ không thể đến tận cùng hơn. Rồi hậu quả tất yếu là Đá vụn sống lưng/ Thấy đá không thấy cỏ/ Thấy máu không thấy người.

    Đến Thấy máu không thấy người, mạch thơ trở nên dồn nén để giải tỏa thành một tứ thơ độc đáo, khác lạ và hoàn chỉnh:

Thanh Thủy “Lò vôi thế kỷ”
Vôi – vành tang núi
Trắng lên trời!

      Màu trắng của vôi đã trở thành “vành tang núi” hay: Đến núi cũng để tang, là một liên tưởng và cũng là một phát hiện. Nhưng “vành tang núi” còn được nối dài đến mức “trắng lên trời”, thì thử hỏi có sự mất mát, hy sinh nào còn có thể nhức nhối và lớn lao hơn?

    Đọc “Mộ gió”, “Đỉnh núi”, đặc biệt là “Vành tang núi”, tôi càng thấm nhuần hơn câu nói của triết gia, nhà thông thái người Ấn Độ Krishnamurti (1815 – 1986): “Văn chương chính là cuộc sống, không phải ngôn từ”.

    Sau chót, xin được nói thêm: “Mộ gió”“Đỉnh núi” đã được một số nhạc sĩ có tiếng phổ nhạc thành những ca khúc và đã được xếp thứ hạng cao trong giải thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lâu nay, thơ được sử dụng làm ca từ thường đơn giản, có vần vè. Đó là trường hợp thứ nhất. Bên cạnh đó, vẫn có những bài thơ được sử dụng làm ca từ lại giản dị một cách sâu sắc và sâu sắc một cách giản dị. Đó là trường hợp thứ hai.
    Thơ của Trịnh Công Lộc thuộc trường hợp thứ hai.

                                                                                                        Đ.H.G
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 207
Trong tuần: 1182
Lượt truy cập: 436387
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.