Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI

Hồ Bá Thược

 “GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI”
của tác giả Phan Vĩnh Điển

          Tôi nhận được cú điện thoại của tác giả Phan Vĩnh Điển, anh nói nhờ tôi viết 1 bài để tham luận toạ đàm quyển sách “Giấc mơ đổi đời” của anh vào dịp tới. Chắc hẳn là hôm nay rồi. Tôi với anh cùng sinh hoạt Chị Hội 3 nhà văn. Năm 2023 đi trại viết Trường Sơn 2 của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, đã biết anh, từng ngủ 1 nhà, ăn cùng một mâm và đỏ mặt khi nhấm nháp một chút rượu hội viên mang đến dự trại. Ngoài ra tôi với anh đã từng là người lính. Anh chiến đấu ở tây Trường Sơn. Còn tôi ở bên đông Trường sơn. Dạo ấy tôi tham gia mở đường 20 từ Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm. Còn anh bên Tây Trường Sơn Đoàn 559. Thế là cả hai chung nhau một con đường, như nhiều người vẫn hay nói “Chung nhau một chiến hào”.

       Vì những lý do đó, tôi vui vẻ nhận lời và anh gửi cho tôi cuốn sách như đã nói. Nhận sách rồi, tôi thực sự bối rối. Thú thật với các anh, các chị, tôi không phải là nhà nghiên cứu phê bình văn học, chỉ là người viết mấy năm nay thôi. Còn đọc hạn chế lắm, từ trước tới nay, đọc xong một tác phẩm của ai đó, tôi không dám nhận xét, đánh giá, khen chê…  nhất là trước nhiều người, trước công luận. Có chăng cũng chỉ để trong lòng. Nếu sách hay thì đọc tiếp. Sách không hay dừng lại, dẫu cho không được thoải mái lắm, vì sách cho, sách biếu mà không đọc tôi rất áy náy. Có một anh bạn tặng tôi cuốn sách “TÌM HIỂU LINH VẬT, PHẨM VÂT PHONG THUỶ tập I và tập II dày 1216 trang. Tập thơ CÕI NGƯỜI” của thi sĩ Hoàng Cát tặng có độ dày 1000 trang. Anh bạn hỏi “đã đọc sách của tôi chưa”. Tôi thú thật mới được hơn 40 trang”. Ang cười” thế là tốt rồi. Nếu đọc được 15 – 20 trang đã là tốt, thời buổi bây giờ mấy ai đọc sách, Cơm áo, gạo tiền, danh vọng, và nhiều thứ khác chi phối, lấy đâu thời gian…Không biết anh bạn nói với tôi có thực lòng hay không, hay là để cho tôi dỡ áy náy khi không đọc nổi quyển sách.

       Nhiều người bảo về hưu là “tỉ phú thời gian” nhưng tôi lại rất “nghèo thời gian” vì tham gia nhiều Hội nhóm. Còn nữa tuổi tác, sức khoẻ, tâm lý ngại đọc, đến nỗi sách tôi viết ra ít khi đọc lại, thậm chí quên luôn nội dung đầu sách đã viết, không nhớ tên nhân vật.

        Nhận được sách “Giấc mơ đổi đời” của Phan Vĩnh Điển, tôi đọc một lèo hết trơn. Có thể coi đây là một kỷ lục, nhưng tôi nghĩ đây là sự tôn trọng, ít nhất cũng hiểu một phần về sách “Giấc mơ đổi đời” của anh?

        Sách của anh dày 240 trang; 15 truyện ngắn, 8 tản văn và 25 chuyện vui. Anh dành 5 truyện ngắn đề tài về người lính, thời anh ở bên tây Trường Sơn, Còn lai 10 truyện ngắn viết về đề tài xã hội, chủ yếu vùng đất nơi anh sinh ra bên giòng Sông Hồng. Tôi đi sâu tìm hiểu truyện ngắn: “Nợ đời” mà Ban tổ chức chỉ định danh.

         Ông Đức là nhân vật chính trong tác phẩm “Nợ Đời” của tác giả Phan Vĩnh Điển, mô tả đó là một gia đình khá đặc biệt. Cha đi theo cách mạng, mẹ ở nhà chăm sóc 7 đứa con mà con gái đầu mới chỉ 10 tuổi. Sự vất vả, khó khăn khiến mẹ ông mất sớm khi đứa út còn ẵm ngửa. May thay, có hai người con (trong đó có ông Đức) được quân đội cho vào học Trường thiếu sinh quân. Ông được sang TRung Quốc học ở Quế Lâm, tiếp tục được sang Liên Xô đào tạo thành Phi công chiến đấu. Anh của ông cũng được sang Cộng hoà Dân chủ Đức đào tạo kỹ sư cơ khí tài năng. Các anh chị em khác của ông cũng đều khá giả. Nhìn chung gia đình của nhân vật so với mặt bằng xã hội trong thời chiến tranh có thể nói rất thành đạtgiacmodedoi

   Riêng ông Đức là người lính chiến đấu rất anh dũng trên hai mặt trận: Một là phi công MIG 17 bắn rơi 1 máy bay F105 (thần sấm). Không may máy bay của ông bị bắn cháy, nhảy dù, bị thương gãy hai cổ tay, gãy 2 ống chân. Mặt trận thứ 2 là ông được chuyển về đơn vị tên lửa ở Trường Sơn, bắn rơi được máy bay AC130 nhưng lại bị thương gãy cánh tray trái, bị thương vào đầu. Tất nhiên rồi, sức khoẻ của ông rất yếu vì cả hai mặt trận ông đều dính chấn thương rất nặng. Gần như “tứ chi” của ông bị gãy, thậm chí cánh tay của ông gãy đến 2 lần, Người ta cho về mất sức, đáng lẽ phải vào trại thương binh chăm sóc. Nhưng buồn cho ông, khen thưởng không, thương binh cũng không, chỉ được trợ cấp một chút kinh phí ít ỏi. Ra quân về nhà xin đi làm bảo vệ.

   Còn một nỗi đau khác mà tác giả cho là “Nợ Đời” bởi con trai nghiện hút hít phải vào trại cai nghiện, con gái ham chơi, đua đòi cho đi bán quần áo. Không được như kỳ vọng, ông cho rằng con cái là “Nợ Đời”, là “Nợ đồng lần” không tìm ra lối thoát, tự than thân, trách phận, vì xa nhà không dạy được con để xảy ra nông nỗi này

  Phải công nhận tác giả Phan Vĩnh Điển trong một truyện ngắn thôi, nhưng sự quan sát của anh rất rộng, từ con người, sự việc, cho đến hành động. Sự sinh động, đến mức có cảm giác anh là một phi công thực thụ, thông minh, quả cảm chiến đấu trong vòng vây của máy bay, Thần Sấm, Con Ma. Anh bắn rơi một máy bay và trả giá cho chiến công đó, máy bay của anh bị cháy, nhảy dù anh bị thương rất nặng. Còn khi anh về đơn vị tên lửa, cùng đồng đội bắn rơi được máy bay AC130 loại máy bay rất hiện đại trinh sát điển tử và tia hồng ngoại kiêm luôn máy bay chiến đấu, được trang bị pháo 20 và 40 ly, tiếp dầu trên không có thể bay lượn cả đêm mà không sợ pháo phòng không, không sợ hết dầu. AC130 được cải tiến từ máy bay vận tải C130 chuyên đi thả pháo sáng canh trời suốt đêm ở Trường sơn

  Dạo đó, Quân chủng Phòng không không quân ước ao bắn hạ được 1 máy bay AC130 lấy mẫu vật để nghiên cứu. Cuối cùng Đường 20 Quyết Thắng bắn được duy nhất 1 chiếc. Rất tiếc Phan Vĩnh Điển không biết được cụ thể đơn vị bắn rơi chiếc máy bay này, nếu không, truyện ngắn của anh sẽ thú vị hơn. Tôi xin bật mí một chút về vụ này. Tháng 12/ 1970 lần đầu tiên Tiểu đoàn tên lửa 84, thuộc trung đoàn 238, sư đoàn 367 vượt Trường Sơn đưa tên lửa sang Lào, mục đích săn tìm B52 và AC130.Tiểu đoàn 84 tên lửa bắn được 2 chiếc B52, thấy mất tín hiệu trên màn hình Radda cho là bắn hạ, nhưng không được cấp trên công nhận. Tuy vậy Bộ Tư lệnh 559 khen thưởng. Từ đó B52 khiếp sợ không dám bén mảng tới Chà Là. Tại Lùm Bùm d84 tên lửa bắn hạ được 1 chiếc AC130, nhưng không lấy được xác máy bay.

  Không biết nhân vật chính của chúng ta, có sự hiện diện trong tiểu đoàn 84, tên lửa hay không, nhưng sau này Tiểu đoàn được phong tặng Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, nhân vật của chúng ta có được thơm lây? Nếu biết được sự kiện này, chắc hẳn tác giả Phan Vĩnh Điển sẽ gắn cho anh này huân chương chiến công hạng nhất ấy chứ.

   Còn nữa, đọc xong truyện ngắn Nợ Đời, tôi đoán có thể Phan Vĩnh Điển dụng ý muốn làm phép so sánh: người chiến sĩ trong chiến đấu rất anh dũng, không tiếc máu xương, nhưng khi ra quân, về cuộc sống đời thường, sức khoẻ không còn, đời sống khó khăn, nỗi buồn con cái… Tác giả dùng hiện tượng tương phản này nói lên sự bất công, chế độ đãi ngộ không công bằng, tệ hơn nữa con cái hư hỏng là do  mình vắng nhà, không dạy được con.

   Tuy nhiên đọc xong “Nợ đời”, tôi còn có đôi chút lấn cấn về tính chân thực của tác phẩm. Một tác phẩm mà hư cấu, “bịa” 100% thì tác phẩm đó không thuyết phục được người đọc. Trên nền tảng câu chuyện có thật, hư cấu thêm cho nhân vật sinh động hơn, tư tưởng và phong cách nhà văn nhuần nhuyễn hơn, chắc chắn tác phẩm đó sinh động, hấp dẫn và hay hơn, có giá trị hơn.

    Ở “Nợ đời” chuyện một gia đình có 7 người con, con đầu mới 10 tuổi. Không lẽ, người phụ nữ sinh đẻ cứ hơn một năm lại đẻ thêm một con, trong khi ông bố xa nhà, công tác mãi chiến khu. Chắc hẳn đàn con nheo nhóc, đói khát, yếu đau, thiếu người chăm sóc vì mẹ mất sớm. Vậy mà vẫn có 2 người ra nước ngoài học tập, người cao to như tây, các anh em khác của nhân vật cũng đều thành đạt, làm ăn khá giả…Tính chân thực ở đây cũng nên bàn thêm.

  Dù lên án sự bất công, nhưng tôi nghĩ, tác giả cũng nên hướng cho nhân vật mang tính nhân văn hơn. Sự thua thiệt trong chiến đấu (bị thương nặng nhiều lần), Nhưng khi ra quân, sự thua thiệt càng rõ nét hơn: về mất sức, lương bổng không có, đi làm bảo vệ, nhà nghèo, con cái hư hỏng…khiến người đọc bức bối, không tìm ra lối thoát. Cuối cùng nhân vật trong truyện, thủ tiêu ý chí chí. Không nghĩ rằng con cái hư hỏng do tiêu cực xã hội, không có chuyện “Nợ đời” càng không phải “nợ đồng lần”. Điều dễ thấy nhất cách viết dường như chỉ liệt kê sự việc, liệt kê con người, liệt kê hành động mà không có chút hư cấu nào, đặc biệt thiếu vắng văn chương trong truyện ngắn. Phần này xin được các nhà văn đàn anh chỉ giáo thêm.

Thưa các nhà văn, thưa tác giả cuốn “Giấc mơ đổi đời” trên đây là vài suy nghĩ thiển cận của tôi, không biết đúng sai thế nào, nhưng cũng mạnh dạn đôi lời để buổi toạ đàm đạt kết quả mong muốn. Qua buổi toạ đàm tác phẩm của Phan Vĩnh Điển, bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều, tiếp thu mọi phát biểu của các nhà văn để các phẩm của mình sau này chất lượng tốt hơn.

                                                                                               H.B.T


 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 46
Trong ngày: 88
Trong tuần: 546
Lượt truy cập: 496733
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông