Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

GẶP MẶT DU XUÂN

Cầm Sơn

 GẶP MẶT ĐẦU XUÂN HỘI ĐỒNG HƯƠNG THANH SƠN TẠI HÀ NỘI

   Sau mấy năm dịch bệnh hầu như không có hoạt động gì, Ngày 12 tháng 02 năm 2023, Hội Đồng hương huyện Thanh Sơn tại Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt du xuân đầu năm viếng thăm chùa Tam Chúc.

  Chiếc xe 45 chỗ ngồi do anh Quang tài trợ chở 21 hội viên xuất phát từ 19B Ngọc Hà hồi 7h00 chạy dọc theo Quốc lộ số 1 rồi qua Cầu Giẽ chạy về thị trấn Ba Sao huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam là nơi có ngôi chùa quy mô lớn nhất thế giới tọa lạc – Chùa Tam Chúc.

  Cảm nghĩ đầu tiên là hôm nay sẽ được trải nghiệm thực tế cảnh tượng chen chúc trong một biển người trùng điệp. Bởi ngày nghỉ đầu xuân, người người các nơi đổ xô nhau đi lễ chùa cầu tài cầu lộc. Trời nắng ấm nhưng may còn có gió nên cũng đỡ ngột ngạt. Từ bãi đỗ xe phải đi qua một cầu phao để vào khu vực mua vé, ở đầu cầu phao có một nhân viên bảo vệ chặn người yêu cầu đi đường vòng quanh hồ bởi cầu phao đang quá tải. Vào nhà chờ đợi mua vé mất khoảng nửa tiếng đồng hồ rồi cả đoàn theo dòng người đi ra bến thuyền để vượt hồ sang khu vực chùa chính bắt đầu lúc 9h15. Đứng chen chúc trong đám đông để ra bến thuyền mà cũng chẳng cần phải bước bởi động lực đã có dòng người ép mình di chuyển. đoạn đường chỉ khoảng hai trăm mét nhưng thời gian di chuyển mất khoảng 45 phút. 10h00 mới đến được bến thuyền nhưng do quá đông, thuyền không đáp ứng được nên đoàn chúng tôi và nhiều đoàn người khác đã bị nhân viên điều phối chuyển sang khu nhà nhà chờ đi xe điện vào chùa.

  Quần thể ngôi chùa Tam Chúc theo giới thiệu rộng khoảng trên dưới 500ha có rất nhiều điện thờ. Đương nhiên là thờ những vị Thiền sư, Cao tăng nổi tiếng rồi, còn cụ thể là thờ những ai thì tôi là người không theo tôn giáo nào, thuộc loại người vô thần nên không có nhu cầu tìm hiểu bởi đối với tôi là đi một lần để biết, để đánh dấu bước chân mình đã đến nơi đó, dù sao thì cũng là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của Quốc gia. Còn trong những người tới đây, phần lớn là người đi chùa cầu lộc, cầu tài, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi. Có cụ già còn phải để con cháu cõng cũng vẫn tham gia. Rất nhiều đoàn mang lễ vật đi cúng khấn rất cẩn thận, sau đó họ lại ngồi la liệt nhiều nơi trong sàn nhà để bày đủ các thứ đã cúng lễ ra thụ lộc. Chả biết thánh thần, Trời Phật phù hộ độ trì thế nào nhưng thôi thì cứ có đức tin, tin tưởng rằng đầu năm nay mình đã đến chùa cúng dường thành kính thì làm ăn trong năm nhất định sẽ phát đạt, hanh thông. Cứ nghĩ thế là yên tâm để làm ăn và từ sự yên tâm ấy sẽ tạo điều kiện để người ta thành công là có thật.

  Sau khi tham khảo thêm trên mạng, tôi được biết không chỉ hôm nay mà có rất nhiều ngày nơi đây người đổ về có hôm lên tới trên 50.000 người trong ngày. Ngay cả khi đang trong tâm dịch năm 2021 người ta vẫn cứ đổ về rất đông. Chả biết Quốc thái, dân an được đến đâu nhưng một điều chắc chắn là Hội Phật giáo Việt Nam cùng những người tham gia đầu tư, quản lý ngôi chùa đã có một khoản thu siêu khủng. Như đoàn Đồng hương Thanh Sơn hôm nay chỉ đóng góp vào khoản thu của ngôi chùa mỗi người một tấm vé di chuyển hạng bét 200K thì với số lượng vào ngày cao điểm chỉ tính riêng doanh thu bán vé loại hạng bét thì tập đoàn chùa này đã có doanh thu 10 tỷ đồng, trừ chi phí tính rất cao cũng chỉ mất 50k cho một người thì lợi nhuận tính riêng cho dịch vụ di chuyển đã lên đến 7,5 tỷ đồng/ngày. Chưa kể còn biết bao nhiêu loại dịch vụ khác nữa.

  Việc thờ cúng tâm linh trời phật, thần thánh, những người có công lao với đất nước, dân tộc là điều anh linh, cũng là một nét văn hóa cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Nhưng nó phải được giữ gìn một cách trong sáng với bản sắc của dân tộc. Những ngôi chùa xưa kia của các bậc Thiền sư xây dựng rất bình thường trên núi cao thậm chí là rất nhỏ như ở Yên Tử thời vua Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà ngày nay người ta đã làm lại bằng đồng gọi là Chùa Đồng chỉ nhằm giáo hóa nhân sinh theo điều thiện tránh điều ác. Còn những ngôi chủa khủng ngày nay chủ yếu là để thu về lợi nhuận khủng nên riêng tôi, mặc dù rất tôn kính các đấng Đại sư đang được chiêm bái trong các ngôi đại điện, hoàn toàn không dám động tới thanh danh của các ngài đề mang tội “Phỉ báng thánh thần” nhưng tôi thấy sự linh thiêng của nó không còn nữa, nó đã bị những người làm kinh doanh biến hình tượng cao quý của các đấng anh linh thành lợi ích kinh tế. Vậy nên, nơi đây chỉ là một địa chỉ du lịch đơn thuần là kinh doanh thu lợi nhuận. Bởi vậy, phải coi nó là đối tượng kinh doanh của một tập đoàn kinh tế và phải thực thi các nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước bình đẳng với những tập đoàn kinh doanh ở các lĩnh vực kinh tế khác kể cả trong Tập đoàn này có nhiều nhà sư trọc đầu đáng kính thì các nhà sư ấy trong vai trò này cũng là các doanh nhân bình đẳng như những doanh nhân có mái tóc xanh khác mà ta có thể gọi đó là những ông “Sư doanh nhân”. Vậy tức cảnh mấy câu rằng:

Lên chùa cầu lộc cầu tài
Lộc, tài chưa thấy mắt, tai hoa ù
Biển người trùng điệp mịt mù
Nhà chùa hỉ hả...ta thu bộn tiền.

  Quần thể Chùa Tam Chúc là một danh lam thắng cảnh tầm cỡ Quốc gia ở tỉnh Ninh Bình, điều đó không cần bàn cãi gì nhiều. Tôi cũng rất kính phục những người đầu tư xây dựng nơi đây đã có đóng góp cho đất nước một địa chỉ thắng cảnh nổi tiếng và nộp những khoản thuế không nhỏ vào Ngân sách. Chỉ muốn ngỏ lời xin một điều cần tiếp tục cải cách các dịch vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tốt hơn. Tôi nói ví dụ như chuyến đi của chúng tôi, lẽ ra lúc đi bằng thuyền có ghé qua hòn đảo có ngôi đình Tam Chúc nhưng vì quá đông nên lại bị chuyển hướng sang đi bằng xe điện. Và như vậy là mất luôn chương trình vào thăm ngôi đình nằm ở hòn đảo giữa hồ. Và phải làm sao không để không còn cái tên mà một số người khôi hài gọi là quần thề “Chùa Chen Chúc”.

  Đoàn Đồng Hương Thanh Sơn rời bến xe của khu du lịch Chùa Tam Chúc vào đúng giữa trưa, xe chạy về thị trấn Ba Sao huyện Kim Bảng dùng bữa cơm trưa ở một Nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn từ dê do Bùi Quốc Vương tài trợ. Tại đây, Chủ tịch Hội Đồng hương ông Cường đã phát lì xì chúc mừng năm mới cho tất cả hội viên và gửi quà mừng thọ các hội viên có độ tuổi 75, 80, 85 trong mấy năm qua do dịch bệnh Covid không thực hiện được. Ông Cường có tuyên bố sẽ thay đổi một số nhân sự trong Ban Liên lạc và cụ thể là ông xin nghỉ và đã thống nhất bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội cho ông Phê. Có điều trong chuyến đi này ông Phê không có mặt nên cá nhân tôi cũng chưa biết ông Phê là ai.

 Cuộc gặp mặt đầu xuân Quý Mão năm 2023 của Hội đồng hương Thanh Sơn tại Hà nội đã trọn vẹn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hứa hẹn một năm mới có những hoạt động sôi nổi, vui vẻ hơn dưới sự chỉ đạo của Ban liên lạc mới!

                                                                                  C.S


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 413
Trong tuần: 1105
Lượt truy cập: 435873
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.