Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ

Bùi Văn Phẩm
 
ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ
 
Kính thưa các tác giả thơ, các bạn yêu thơ!
Thú thực ai mà đàm luận về vấn đề này thì quả thật hơi “bạo gan”. Bởi lẽ: Vấn đề đặt ra quá rộng và như tôi đã biết có rất nhiều cuộc hội thảo ở tầm cỡ quốc gia về vấn đề này. Cho nên trong văn cảnh hôm nay, tôi chỉ được xin đóng góp đôi lời về vấn đề này, trong cách hiểu, cách cảm của cá nhân mình.

   Trước hết nói về định nghĩa thơ, thì từ trong nước hay ở nước ngoài đều đã đưa ra những định nghĩa khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau: Ngay trong định nghĩa của hai nhà thơ lớn nước ta cũng khác nhau:
Tố Hữu thì định nghĩa “Thơ là tiếng nói đồng tình, đồng ý tiếng nói đồng chí”, còn Chế Lan Viên lại định nghĩa “Thơ là lơ mơ”. Nghe ra ai nói cũng có lý của nó: Nhưng có thể gói gọn lại là: “Thơ là tiếng nói của cảm xúc, những điều đẹp nhất chỉ có thể, nhờ thơ nói hộ”.

   Hiện nay chúng ta vui mừng với trào lưu thơ phát triển khá mạnh, khá rộng, nhưng cũng đáng lo với sự cào bằng của thơ làm cho người đọc không còn có “kháng thể” về thơ.
Tôi vẫn thường xuyên đọc và suy ngẫm các bài thơ thường xuất hiện trên báo chí, tạp chí từ Trung ương đến địa phương (tất nhiên chỉ có một vài tờ báo) thấy thơ hiện nay xuất hiện các hình thức thơ:
- Thơ truyền thống (chủ yếu là lục bát).
- Thơ cách tân
- Thơ văn xuôi
- Thơ vừa cách tân vừa truyền thống
- Thơ kén chọn người đọc
- Thơ đánh đố người đọc… và một số loại thơ, hình thức thơ khác. Rồi người ta còn đổi mới và cách tân cả cách trình bày thơ. Tất cả mọi cái đó miễn là có thơ hay vẫn được đón nhận một cách chân thành và ý vị.

   Vậy thơ hay là thơ như thế nào? Các nhà lý luận, học giả thơ đã tham luận về vấn đề này quá nhiều rồi. Nếu không có thơ hay thì người ta mở ra các cuộc thi thơ làm gì? Nói theo dân gian: trước khi làm mình phải biết mình làm cái gì thì mới làm được. Hơn nữa thơ hay, thơ hiện đại luôn đòi hỏi nhà thơ có tri thức, kể cả tri thức lý luận, xác định theo lối thực tiễn thì thơ hay phải có công thức 3T (Tình - Từ và Tứ).

* Tình: Tức là nhà thơ phải có tình cảm mãnh liệt, chân thật và sâu sắc đối với đối tượng chữ tình, phải có rung động (cảm xúc, đột xuất cao trào, bức xúc để tự “bức bách” mình phải động thủ thành thơ với trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.
* Từ: Tức là ngôn ngữ thơ. Thơ là nghệ thuật bậc cao của ngôn từ, ngôn ngữ thơ phải mới, phải sáng tạo, không lặp lại người khác (cái khó nhất làm thơ có lẽ ở chỗ này).
* Tứ: Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trìu tượng nên rất khó diễn giải. Tứ được hiểu như một phương thức nào đó để liên kết các ý trong bài thơ. Cả ba “T” tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ.
Tuy nhiên tính nhạc cũng rất cần có trong thơ: tính nhạc được hiểu qua 4 yếu tố đó là âm, thanh, vần, nhịp của thơ. Phải cân đối nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp và nhất là nhịp (tiết tấu, thiếu nó văn bản không thành thơ.
  Đúng như các bậc hiền triết đã tổng kết: “Võ nhân luyện kiếm, văn nhân luyện từ” tức là văn nhân luyện cho ngôn ngữ thông thường trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Đây là một việc làm khó, chẳng thế mà người xưa đã tổng kết.
Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ mộc.
Nguyên chế tác con chữ được xếp đầu trong 4 nghề của thiên hạ.

Kính thưa các bạn!
  Hiện nay số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản cũng nhiều hơn: Ở mức cấp số nhân. Nhưng người đọc thơ lại giảm đi, giảm chưa từng có. Trong chúng ta ngồi đây chắc đã được nghe câu thơ:
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ
   Nghĩ cũng tủi cho phận làm thơ, vì những tập đọc được thì đang ngạt thở dưới ba bốn chục tập xoàng che lấp ở phía trên. Đã thế lại không một chỉ dẫn nào của giới xuất bản hay phát hành giúp cho bạn đọc cách tìm ra nó.
Việc dễ dãi trong kiểm duyệt, in ấn thơ hiện nay làm cho chúng ta nản lòng. Tôi đã được đọc một số tập thơ do Nhà xuất bản hội Nhà văn cấp phép. Quả đáng thất vọng - Hình như họ không cần đến chất lượng thơ. Cứ không nói xấu chế độ, không phản bác người này, người nọ - cứ có tiền là họ in: Một năm in mấy chục nghìn tập thơ - cái mục tiêu của họ bây giờ là doanh thu chứ không phải chất lượng thơ. Cơ quan quản lý văn hóa - cơ quan quản lý chất lượng các bài thơ, các tập thơ còn dễ dãi như vậy thì bạn đọc quay lưng lại với thơ có lẽ cũng là đương nhiên.

   Tóm lại chúng ta đã quá dễ dãi trong việc quản lý, định hướng hoạt động cho các câu lạc bộ thơ. Quá dễ dãi trong việc in ấn, xuất bản, phổ biến tác phẩm thơ ra với công chúng, sự dễ dãi này khiến cho thơ, bị tầm thường hóa ra bị bạn đọc quay lưng. Ngoài nguyên nhân do chúng ta quần chúng hóa thơ ca còn có nguyên nhân khách quan đó là xã hội hiện đại đang chạy theo giá trị vật chất, dần quên đi vẻ đẹp tâm hồn cũng như điều cốt lõi để làm nên vẻ đẹp tâm hồn trong đó có thơ ca.
Thưa các bạn! Dù sao chúng ta cũng thấy được giá trị của thơ ca đối với dân tộc. Một dân tộc yêu thơ ca chứng tỏ dân tộc đó yêu hòa bình và bác ái. Chúng ta tự hào Hội Nhà văn đã có sáng kiến: Lấy ngày Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu) là ngày thơ Việt Nam. Chúng ta đã tổ chức thành công ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Ở các cấp độ khác nhau và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Chúng ta tự hào đội ngũ văn nghệ sỹ, chi hội thơ chiếm đông nhất trong các chi hội, trong đó các Hội huyện hàng năm cũng giới thiệu và kết nạp nhiều hội viên mới. Tôi cũng được đọc một số tạp chí của các tỉnh bạn có thể chủ quan nhận định chất lượng thơ của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ có chất lượng khá so với các tỉnh, thành. Còn riêng Tạp chí các huyện, có thể ngang bằng hay gần bằng các Tạp chí cấp tỉnh (Lời nhà thơ Trần Nhuận Minh) khi đọc Tạp chí Văn nghệ Lâm Thao - Số tỉnh có các Hội VHNT cấp huyện như chúng ta không nhiều. Và hôm nay, tôi mạo muội xin trích dẫn một số câu thơ mà riêng tôi cho là hay, đổi mới của các văn nghệ sỹ Phú Thọ.
   Năm 2009, tác giả Xuân Thu: nguyên là Tổng Biên tập, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ tặng tôi tập thơ “Khúc đồng dao”. Tôi có đọc và mạnh dạn viết đôi điều cảm nhận khi đọc “Khúc đồng dao”, may mắn cho tôi: Bài viết được Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam đăng tải số tháng 5/2009. Tôi xin trích một đoạn trong bài viết: “Thơ Xuân Thu càng đọc càng thấy như tác giả bước ra từ dân ca - ca dao của đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt là thơ lục bát của anh. Có lẽ phụ mẫu của tác giả cũng là người thuộc nhiều dân ca - ca dao nên lúc bé Xuân Thu đã được ngấm vào máu những lời ru mặn mà ấy.
Tôi cũng đồng tình với lời thú nhận của tác giả “Tôi là một kẻ đa tình”. Đúng! Trời cho cái vóc dáng, hình hài khôi ngô, tuấn tú lại pha chút phong tình nên “bao nhiêu ánh mắt buộc vào đời tôi” là phải… Và cũng bởi đa tình nên nhiều khi trong cuộc sống thường nhật đến cả “người tình trăm năm” cũng phải ghen:
“Đêm qua thức viết thơ tình
Lời yêu cháy bỏng lung linh một thời
Sáng ra bản thảo đâu rồi
Sao em ghen với cả người trong thơ”
Thế giới thơ Xuân Thu đa chiều, nhiều hình ảnh gần gũi với nội tâm đôi khi còn là sự liên tưởng giàu cảm xúc. Khả năng sử dụng ngôn ngữ tài hoa, nét tả cảnh, tả người đến sự thông minh độc đáo. Chỉ bằng hai câu thơ mà tác giả vẽ nêu một bức tranh tả người hết sức cụ thể mà ấn tượng. Có lẽ nhiều họa sỹ phải tốn nhiều bút lực mới có được bức tranh thơ này:
       Nón mê te tướp gió bay
Chân run chiếc gậy ăn mày xẩm xơ
(Người mẹ ăn mày)
Khó ai có thể tìm được từ nào đắt hơn từ “te tướp”, “xẩm xơ” của tác giả:
Và tôi cũng phải thú nhận với độc giả, tôi chỉ là người “ngoại đạo” với lý luận phê bình. Song ít nhất những bài thơ hay những câu thơ hay mình phải ghi chép lại: Để học tập, để chiêm nghiệm: Sau đây tôi xin trích dẫn một số câu thơ mà tôi cho là rất “tài hoa” của các nhà thơ, tác giả thơ tỉnh ta mà tôi thâu lượng được:
Với nhà thơ Kim Dũng: người có bề dày trong sáng tác đã để lại cho độc giả, nhiều bài thơ hay: Tôi thích bài thơ “Chiều sông Thao”, trong đó có câu:
Phố Hiến kiêu kỳ
Câu thơ xanh đáy hồn thiếu phụ
Nét nhạc Trịnh mưa bay tình tứ
Chiều sông Thao lữ khách mỉm cười
Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải: người gặt hái nhiều trong các cuộc thi thơ. Với tôi: Bài thơ “Giá trị của thời” có những câu mà tôi rất tâm đắc.
Vẫn là quả thị ngày xưa
Mà cô tấm của bây giờ ở đâu
Nếu không có cô Thị Màu
Tôi tin chú tiểu ăn trầu chẳng say
Còn nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa với cách chọn từ độc đáo trong bài “Ngẫu hứng cao nguyên đá” có những câu thơ gây ấn tượng trong tôi:
Ô xòe ươm ướm tay
Áo mới ươm ướm ngực
Ngỏn nghẻn nụ cười trao lần thứ nhất
Làm chân ai quên về
Nhà thơ Lan Thanh trong bài “Khất thực”, tôi rất thích các câu thơ:
Lời cầu xin lấm bụi
Tiếng hát nghẹn mời
Cơn đói xô ngang chiều
Phố vẫn dửng dưng phố
Nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên trong bài “Đêm Xoan Ghẹo”, tôi rất thích những câu:
Giọng ca vắt ra từ đá
Từ vỏ cây
Từ đôi vú tóp tép bao kiếp mẹ hao gầy
Từ chân đất của cha bao đời lưng trần thợ mộc
Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc với bài “Lại nhớ về sâm cầm Hồ Tây” có những câu thơ làm day dứt lòng người:
Tiếng chim thảng thốt ngày nào
Tôi mua rồi thả chúng vào hư không
Dây cương buông lỏng ngựa hồng
Sâm cầm mây trăng bay vòng Hồ Tây
Còn các tác giả thơ của tỉnh ta: Tôi đặc biệt ấn tượng với tác giả Giang Châu với bài thơ làng Sỏi:
Nỗi vất vả ém vào giọng nói
Vào chân trần tất bật bước quê
Tác giả Phạm Việt Đức nghe tiếng chuông mà liên tưởng đến tài hoa:
Tiếng chuông rơi như giọt nước trong hồ
Giao thoa thông điệp
Như cây thêm nhựa để sống tiếp
Như khi đau khổ được vỗ về
Anh Đàm Tuất và Đỗ Văn Từ là hai tác giả thơ lớn tuổi trong hội. Hai anh đã đóng góp cho Tạp chí nhiều bài thơ, câu thơ hay. Tôi rất thích bài “Mùa ổi” của tác giả Đỗ Văn Từ trong đó có những câu mà khi ta liên tưởng lại thời ấu thơ của mình thấy đúng trăm phần trăm.
Chưa rụng rốn
Tôi cũng xanh như ổi
Muối, ớt trong cặp học trò
Vết bấm móng tay chồng chéo
Anh Đàm Tuất trong bài “Vô tình” đã để lại những câu thơ rất “nhân tình thế thái”:
Con đường xưa bỗng dài ra
Bàn chân mình bước không qua đời mình
Thời gian lặng lẽ vô tình
Có hay lộc biếc đằm mình trong sương
Còn rất… rất nhiều những bài thơ hay, những câu thơ hay.

    Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được trích dẫn một số nhà thơ, tácg giả thơ luôn có những bài thơ hay, câu thơ hay mà tôi đã nâng niu lưu bút vào sổ tay của mình.

   Tóm lại: Bàn về thơ tôi tin sẽ không có hồi kết, song theo các cụ túc nho để lại: Văn là đẹp - Chương là sáng - Văn chương là sáng đẹp, là phép biến thông thiên hạ, là tinh anh của hình thể núi sông, là khám phá tận cùng tâm trạng. Nhưng cảm nhận văn chương cũng giống như người đời nhìn con cá chép, ai bảo nó là thức ăn thì sắt khúc ra mà kho, ai bảo nó là nguồn lợi thì đem thả nó trong ao cho nó sinh sôi nảy nở, ai bảo nó là thơ thì cho nó nhả ngọc để hóa rồng cất cánh mà bay. Phát hiện và sử dụng thơ hay có phải đúng như vậy không?

   Để kết thúc bài viết này, tôi xin nêu một kết luận của một nhà thơ tại hội thảo thơ quốc gia:
Thơ là gì? Tôi chưa bao giờ dám tin là mình trả lời câu hỏi này cho ra nhẽ trong khuôn lời gọn gàng. Cuộc đời đã tạo ra thơ, ra gạo, ra rượu và cả súng đạn, bom với chiến hạm… Người ta có lý do để yêu quý cái này và không thích cái kia, đó là sự thường. Tôi chưa biết và chưa gặp một ai thù ghét thơ, bỉ báng thơ mà nên người. Chẳng qua là họ chưa gặp được thơ hay, như chưa có điều kiện để làm bạn với người tử tế và khôn ngoan. Vâng! Thưa các bạn! Vậy tất cả chúng ta ngồi đây đều là người tử tế và khôn ngoan.
                                                                                      Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
                                                                                                            B.V.P

 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 159
Trong tuần: 1182
Lượt truy cập: 436326
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.