Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐỌC LƯƠNG KY

Bùi Việt Thắng

ĐỌC VĂN LƯƠNG KY                                                                                         

   1.Nếu thống kê đầy đủ, tính đến năm 2018, Lương Ky đã sở hữu tất cả 6 tác phẩm văn xuôi (đấy là chưa kể hai tập thơ và một tập truyện thiếu nhi): Bông sen bằng sắt (truyện ngắn), Đất dưới chân mình (tiểu thuyết), Tóc thề (truyện ngắn), Hồn đá (truyện vừa), Chiếu giang (truyện ngắn chọn lọc), và Người đá (tiểu thuyết). Có người bạn văn chương hỏi tôi, vậy sở trường của Lương Ky? Cũng thật khó trả lời trong một câu ngắn gọn. Thôi thì, biết đến đâu về cây bút này, tôi cứ viết ra như thế để chia sẻ với bạn đọc.

  Truyện ngắn và tiểu thuyết Lương Ky, theo tôi, có cái biệt sắc: Là một  bảng pha màu của miền rừng (ông sinh ở Yên Bái), cái nhãn quan rộng rãi nhờ những năm tháng du học Liên – Xô (trước đây), cái tinh tường của dân “Kẻ chợ” (sống lâu ở đất kinh kỳ) cái tính toán chính xác, bền chắc của nghề nghiệp (kỹ sư cơ khí/ cử nhân kinh tế), nên nguồn văn viết ra không dễ tập trung hẳn vào một vùng miền /không gian sinh tồn – văn hóa cụ thể nào. Ông, như tôi biết, chịu khó thực hành cái phương châm “đọc - đi - viết” (theo cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân) được coi là cốt tử với người làm nghề chữ/ viết văn.img_9292

     2- Lương Ky thường riêng thích viết về cái gì - tuy không là quyết định - nhưng cũng là một điều đáng quan tâm trước hết? Nói thế là vì, đang có một xu hướng đào bới quá vãng theo chiều cật vấn (như về Cải cách ruông đất, về những sai lầm không tránh khỏi trong cơn trở dạ của đời sống ngày càng trở nên phức tạp hơn, dữ dội hơn,...), về  bản năng gốc của con người (đời sống tình dục, những trạng thái loạn luân, vô luân,...),... Ông nghiêng viết những chuyện có vẻ như “muôn năm cũ”, nhưng đọc kỹ và ngẫm ngợi lại thấy muôn thuở. Một ví dụ, truyện ngắn Tóc thề (đã đăng báo Văn nghệ). Đây là 1 trong 30 “cái” được chọn in vào tập  truyện ngắn Chiếu giang (NXB Văn học, 2018). Ai đó nói quậy rằng thời nay làm gì còn có tóc thề, tóc thề đã gió thôi bay từ tám đời rồi. Cốt truyện cũng giản dị: Chị Mai sang tiểu cho người chồng đã hy sinh. Ký ức bỗng tràn về như thác lũ. Ngày Hoàng ra đi chị cắt mớ tóc thề trao tặng anh như một kỷ vật thiêng liêng “Nhúm tóc mai vớ vẩn thế mà như bùa mê thuốc lú của người dân tộc. Nó làm chàng trai hầu như chỉ nghĩ tới một người con gái suốt những ngày gian lao nơi chốt biên thùy”. Hoàng là người lính khoác quân phục phù hiệu xanh lính biên phòng. Họ trở thành vợ chồng của nhau trong những ngày náo động biên cương “Đêm tân hôn anh cuốn lọn tóc mát rượi của vợ mấy vòng quanh cổ mình như chiếc khăn quàng thần tiên đưa anh vào bồng bềnh hạnh phúc”. Nhưng người lính đã không còn sống được đến đầu bạc răng long với người vợ yêu dấu cùng mái tóc dài “ Khi người ta mở nắp áo quan cho nhìn mặt anh lần cuối, bất thình lình Mai hất hai người bạn giữ mình bên cạnh, thọc vội tay lấy cái kéo đưa lên sau gáy. Tay túm tóc, tay cắt thật nhanh cả lọn tóc. Mai đặt mớ tóc dày chẹt tay xuống bên thi thể chồng rồi rũ xuống chết giấc”. Tuyết, con gái của họ, chỉ biết duy nhất một điều - bố mình là liệt sỹ. Có những bí mật mà con người ta mang theo suốt đời “Chị Mai vuốt mái tóc dài óng ả sực nức mùi thơm thứ dầu gội tân thời của con. Mắt đỏ hoe, chị thở dài, lẩm bẩm: - Mái tóc con gái...Mẹ sẽ nói với con tất cả..Lúc nào mẹ thấy nên”. Câu chuyện một phút mềm yếu, nghiêng ngả của chị với ông thủ trường già cũ, được chôn cất tận đáy lòng. Có nên nói ra hay không sự thật, tùy lương tâm của người vợ, người mẹ. Nhưng cánh cửa cửa bí mật đã được hé mở khi trong cuốn nhật ký để lại của người chồng có viết “M ơi! Anh hiểu, con người bằng xương bằng thịt mà em. Anh biết M muốn tạ lỗi (anh không nói em có tội mà nói là có lỗi thôi) bằng cách trừng phạt mình. Mong em hãy tĩnh tâm. Mỗi lần thấy lòng yếu mềm em hãy đưa tay lên vuốt mái tóc thay anh”. Đơn cử một truyện như thế để thấy Lương Ky là cây bút truyền thống – tụng ca từ bi bác ái, đề cao tha thứ rộng lượng, trụ vững với chữ nhân, chữ nghĩa hơn chữ tình. Với thế hệ U70 như chúng tôi, lối viết của Lương Ky chạm được sâu vào tâm cảm, mỹ cảm. Và càng thấy rõ hơn  chỉ có tình thương mới cứu rỗi được thế giới, con người (trong khi đó có văn hào thế giới thì minh định “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” !?). Phải nói thêm, như phần đầu bài viết đã nhắc, truyện của Lương Ky có cái chất miền núi vô tư lự như cảnh vợ chồng già nghịch ngợm tắm táp (trong Lối về), cái cách đến với nhau của người trẻ tuổi miền sơn cước “Họ mê nhau ngay từ phút vô tình gặp nhau trên công trường và bám riết nhau ở lớp bình dân học vụ buổi tối. Họ đến với nhau như con nai, con hươu của núi rừng khi mùa xuân về” (Dư âm Ất Dậu); cái cảnh trí núi rừng nguyên sơ đáng đằm mình vào mà vùng vẫy, hít thở “Suối Cả vẫn tuôn nước bốn mùa, dù khi trong khi đục. Cây lộc vừng đổ lá vàng lá đỏ, trút đi rồi lại trồi nụ. Hoa lộc vừng khi trổ từng chùm buông dài, khi rơi vợi biết bao nhiêu những nụ hoa nâu vàng, nâu đỏ rắc chạt lối đi”. Trong khung cảnh đó có chàng trai Trần Giáp “Trẻ măng trong bộ quần áo lính bạc màu, mũ cối. Ba lô lộn miết cái xe đạp bết bùn đất từ lâm trường bộ về đội Suối Cả theo phân công công tác (...). Khúc hát sôi động của Bài ca người thợ rừng quen thuộc làm cho mấy cô gái đứng lại nghe” (Lộc vừng). Không khí, quang cảnh, tâm thế, hành động hồ hởi, lạc quan yêu đời ấy của con người những năm đã  xa khiến bây giờ đọc lại cứ thấy nuối tiếc cái dĩ vãng đẹp đến nao lòng. Bao giờ cho đến tháng mười (!?).

   Truyện ngắn của Lương Ky đa phần như thế. Ai đó nói, chỉ toàn chuyện “xưa rồi Diễm ơi!”. Riêng tôi, không nghĩ thế. Tôi nghĩ, đó là tinh thần “khảo cổ học” cái đẹp đang bị con người thời kỹ trị quên lãng một cách vô tình hay cố tình, đôi khi cũng không giải thích được.

    3- Nhưng có lẽ, tạo nên độ dày của văn Lương Ky là hai cuốn tiểu thuyết chắc nịch chất liệu đời sống Đất dưới chân mình (2005) và Người đá (2018). Nếu nói truyện ngắn hiển thị cái duyên văn trong cách cảm, cách nghĩ, cách viết thì tiểu thuyết là một “phân khúc” khác trong văn xuôi Lương Ky. Nếu truyện ngắn thể hiện phương châm “bám lấy thắt lưng địch mà đánh” như trong chiến tranh chúng ta đã thực hành, thì trong tiểu thuyết, thấy Lương Ky đã sẵn sàng “ém quân”, “mai phục”, chờ thời cơ xung trận, ra quân là thắng. Ở đây tôi muốn nói đến sự tích lũy vốn sống và kinh nghiệm viết văn của tác giả. Được in cách nay 13 năm, tiểu thuyết Đất dưới chân mình có được cái ý tứ khá thâm hậu “hãy trước hết nhìn xuống mảnh đất mình đang đứng rồi hãy ngước lên cao vọng trời xanh”. Con người ta sống bằng những cái “hiện sinh” – tươi nguyên, gần gũi, ích lợi, thiết thực, bơn bớt những ảo tưởng. Nhân vật tiểu thuyết, vì thế mạnh về hành động, ít triết lý (vì không khéo thì rơi vào “triết lý vặt”). Nhưng gọn hơn, cô đúc hơn, như một “quả đấm thép” lại nhờ vào cuốn tiểu thuyết thứ hai có tựa Người đá. Trong cuốn này Lương Ky vận dụng (một cách vô thức hay có ý thức) phép nghịch dị (grotesque) khi viết. Tuy nhiên tác giả không phải là người phát kiến mà là người vận dụng sáng tạo. Nhân vật Tư Vạn, có thể nói, được khắc chạm khá nổi hình, khối bởi cái éo le, trắc trở, trái khoáy của một số  phận, hay là một kiếp người đầy những bể khổ (đời) và dây oan (tình). Nếu đã có một mẫu người “sống trong cát chết vùi trong cát” (trong thơ Tố Hữu), thì Lương Ky lại chế tác ra một kiểu người “sống trong đá chết vùi trong đá”. Một bên là con người bình thường nhưng vĩ đại. Một bên là con người khác thường nhưng thân quen, đẹp đẽ, đáng yêu. Một bên là con người xả thân cho lý tưởng chính trị. Một bên là con người tuẫn tiết cho nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật cần có truyền nhân để gìn giữ và phát huy. Nhân vật Thành đóng vai trò này thông qua những đam mê sáng tạo của mình. Từ căn cứ này, riêng tôi thấy, với Người đá, văn xuôi Lương Ky thực sự được nâng cấp nghệ thuật khi nó chớm đặt chân, bắt đầu chạm tới phạm trù văn hóa (được coi là căn đế, căn cơ của văn chương đích thực).

     4- Nhưng đọc văn Lương Ky, tôi đồng thời cũng nhận ra những sơ hở không tránh khỏi, dẫu tác giả cũng trải trường văn trận bút. Trong truyện ngắn, tác giả ham kể chuyện hơn đầu tư công sức lập “tứ”. Nghĩa là ông thích thú đi tìm những cốt truyện mới/ lạ để tạo hấp lực với độc giả (Bộ hài cốt ba chân, chẳng hạn). Có thể khi đọc thấy “hay hay, lạ lạ” vì những cắc cớ, éo le của đời người. Nhưng dễ tuột khỏi trí nhớ nếu không có tứ. Truyện ngắn hay và sống lâu trong ký ức độc giả là nhờ tứ ( kiểu như Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê,...). Kể cả tiểu thuyết, Lương Ky vẫn dường như bị dẫn dụ bởi “chuyện”. Như đã nói ở trên, tuy đã khơi mào được tứ hay, nhưng triển khai thì cứ như người giàu thay ô tô. Nghĩa là chưa tận dụng tối đa công năng và tiện nghi của một phương tiện hiện đại. Lương Ky là người thích tốc độ trong viết văn (nhưng trong thực tế thì đi xe máy rất chậm). Ông chú ý đến nhịp điệu văn xuôi (rythme) khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Đọc Lương Ky không bị sốt ruột, không bị câu giờ, ít vòng vo tam quốc. Đó là lối viết theo phép tỉnh lược, tối giản (nhưng trong đời thì ông nói rất dài). Cái câu “văn là người” tôi e rằng không vận vào được trường hợp Lương Ky (!?).

     Định đề “văn chương là nghệ thuật ngôn từ” lúc nào cũng không sai. Mới đây, khi đọc Người đá, tôi có nhận xét nhanh “ lời văn không thống nhất” (khi thì tác giả viết như người Nam bộ, khi thì như Bắc bộ, khi thì trung tính,...), nên chưa tạo nên “giọng điệu” (được coi là hạt nhân của phong cách). Tôi nghĩ, ở phương diện này tác giả chưa  thực sự làm chủ ngôn ngữ văn chương (vì đi đến vùng miền nào ông cũng thấy cái hay cái đẹp của lời ăn tiếng nói vùng đó, rồi thì cả nể nên đưa vào văn mình). Đọc văn xuôi, theo tôi, ngoài sự hấp dẫn của câu chuyện được kể, còn phải làm ta mê đắm đến từng chữ, tuy không đến mức thôi/xao (!?). Nhưng mà đành lòng vậy cầm lòng vậy khi đọc một tác giả bất kỳ. Thôi thì có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, như cổ nhân nói chí lý./.

                                                                                            Hà Nội, 11-2018

                                                                                              B.V.T

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 54
Trong ngày: 476
Trong tuần: 1157
Lượt truy cập: 436056
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.