Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐỌC "CHẠY TRỐN TÌNH YÊU"

Vũ Thảo Ngọc

NGÔN NGỮ TRUYỆN QUA TẬP “CHẠY TRỐN TÌNH YÊU” CỦA TÁC GIẢ PHẠM THỊ PHIN

     Tập sách có tên Chạy trốn tình yêu, là tập Truyện ngắn và ký của tác giả Phạm Thị Phin, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành quý 2 năm 2024.   Tác giả là hội viên Hội VHNT tỉnh, hiện sinh sống tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

   Tôi biết chị Phạm Thi Phin là người làm cùng ngành Than, biết chị thường xuyên có mặt trong các chương trình tiểu phẩm kịch ngắn ở cuộc thi An toàn lao động của ngành với vai trò là tác giả kịch bản và đạo diễn.

   Hóa ra chị là một cán bộ an toàn lâu năm ở mỏ than Hồng Thái, thuộc vùng than Uông Bí, nên các mảng miếng, các xung đột kịch để tạo điểm nhấn cho những tiểu phẩm ngắn ngủi gói gọn trong thời lượng 15 phút, hay 30 phút cho một tiểu phẩm diễn đòi hỏi người viết và đạo diễn phải giỏi cả hai nghề, nghề an toàn mỏ và nghề sân khấu. Dù chị không được học về nghề sân khấu, nhưng từ công việc đã tạo nên một nữ tác giả sân khấu rất có duyên với nghề tay trái này. Nhiều tiểu phẩm của chị đạt các giải Đặc biệt xuất sắc, Nhất, Nhì toàn quân cho các tiểu phẩm của Tổng Công ty Đông Bắc đi tham gia hội diễn toàn quân. Ở ngành Than cũng thế, nhiều tiểu phẩm của chị được biết đến là các giải Nhất, Nhì, được các đơn vị “nhờ” đến bàn tay đạo diễn vàng của chị mà có những tác phẩm như mong muốn…

    Và trở lại với nghề viết, chị đắm đuối với thơ, đã in thơ, đã cố gắng thể hiện tìm tòi thơ, cách tân thơ, rất nặng lòng với thơ mà chị như muốn trải lòng mình vào những câu thơ để cân bằng cuộc sống. Để giãi bày những tâm tư giấu kín và gửi vào những vần thơ cho cuộc sống bớt những ưu tư khi quan sát, bắt gặp đâu đó những cảnh đời thua thiệt hay hạnh phúc, thành đạt… Có lẽ từ góc nhìn đó, mà sau tập thơ thứ 4 thì tập sách thứ 5 ra đời chị chọn tên tập là Chạy trốn tình yêu- không là thơ mà là tập truyện ký gồm 10 bút ký ghi chép và 15 truyện ngắn.

biasua1

    Ở phần truyện ngắn, tác giả Phạm Thị Phin đã nhập vai khá nhuyễn trong các câu chuyện đời thường với những nhân vật đời thường, dung dị, không đao to, búa lớn. Là câu chuyện của những người thợ mỏ than, của những người sống quanh chị. Là những day dứt về thân phận người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đầy ám ảnh trong truyện ngắn Cây bồ kết sau nhà. Có thể nói là một thiên truyện ngắn chỉn chu cả về kết cấu và ngôn ngữ. Một truyện ngắn hay.

    Là một khoảnh khắc xót xa khi vòng quay xã hội giữa thời đại dịch covid- khi những viên đạn không bằng đồng mà chị gọi là Đạn giấy (truyện ngắn có tên Đạn giấy) đã khiến nhiều cán bộ nhà nước bị tước đi cuộc sống bình thường một cách tàn nhẫn mà chính họ vừa là người giăng bẫy và mắc bẫy!

    Là truyện viết về những người thợ mỏ lao động trong lò đứng trước sự sinh tử khi gặp sự cố bục lò trong truyện ngắn Nụ xuân, đề cập đến tình thợ mỏ dung dị và vô cùng thân thương của thế hệ thợ lò hôm nay là người dân tộc ít người từ vùng cao Tây Bắc đang đứng trong đội ngũ những người thợ mỏ ở Quảng Ninh. Nhưng hơn cả vẫn là câu chuyện mà tác giả lấy tên tập: Chạy trốn tình yêu. Ở truyện ngắn này, tôi cùng ngành mỏ với chị, nhưng tôi rất nể phục tác giả đã rất khéo dẫn dắt câu chuyện để độc giả cùng khóc, cùng cười với hoàn cảnh của những người thợ mỏ. Là ngôn ngữ nghề của người thợ lò rất đắc dụng. Là nhân vật Cúc phải nuốt nước mắt hy sinh tình yêu để nhân vật Bình trả nghĩa đã cứu mạng mình trong sự cố lò, nhận người yêu của bạn làm vợ để trả ân nghĩa cứu mạng của bạn cùng tổ thợ. Như tôi đã nói ở trên, tình huống truyện của chị rất nhiều tình huống của kịch, vì thế luôn khiến độc giả theo dõi câu chuyện thót tim, rồi vỡ òa khi các nút thắt câu chuyện được cởi một cách hợp lý, hợp tình. Với lối ngôn ngữ hoạt, nhiều từ ngữ chuyên môn ngành mỏ chị sử dụng rất hiệu quả cho từng tình tiết, và từ điều đó đã làm nên thành công của câu chuyện. Với Chạy trốn tình yêu là một bài ca đẹp về những người thợ mỏ, một bài ca nhân văn, tiết nghĩa được đề cao, được trân trọng. Nhưng để dựng nên một câu chuyện nhân văn như thế, người viết phải có sự từng trải, sống cùng với những điều nhân nghĩa đó…

    Phần truyện ngắn của tác giả tôi thấy chị đã thành công trong phương pháp viết, sử dụng ngôn ngữ hiện đại, đề cập đến các câu chuyện thời hiện đại, mạch truyện của chị mang tính kịch, tiết tấu nhanh nên độc giả tiếp nhận tác phẩm sẽ rất thích thú. Các vấn đề xã hội được tác giả đề cập mang tính thời sự nhật nhanh, tái hiện vào từng truyện như Ai lừa cô chứ, Chuyện tình người lính cứu hỏa, Đạn giấy, Thiền viện -chiều rơi…Vấn đề xã hội được tác giả lia ngòi bút trực diện như Đạn giấy hay Chuyện tình người lính cứu hỏa, nhưng vì chị hay sợ độc giả không hiểu nên nhiều tình tiết mang tính báo chí đưa vào truyện đã giảm phần văn học trong mỗi truyện. Vì sợ độc giả không hiểu cặn kẽ nên tác giả phải ghi chú rõ là đơn vị đó ở địa phương nào, cơ quan nào…những chi tiết của báo chí, là muốn độc giả tin rằng câu chuyện đó là thật thì với thể loại truyện ngắn hay tiểu thuyết là không cần thiết. Vì thế các chi tiết chứng minh là “thật” đó bị lẫn vào việc nhà văn phải hóa thân cùng nhân vật văn học, đó là phương pháp viết mà chị có thể bỏ qua như các truyện theo tôi chị viết rất thành công trong Chạy trốn tình yêu, Cây bồ kết sau nhà. Hoặc cách đặt tên truyện ngắn Thiền viện - chiều rơi, thì tôi tiếc cho cách đặt tên truyện này của chị, vẫn là sợ độc giả không hiểu nên chị cứ phải gọi rõ tên sự vật hiện tượng. Thực ra, tên truyện này cần đặt là Thiền viện cũng đủ, hoặc Chiều thiền viện thì độc giả vẫn tiếp nhận được thông tin mà nhà văn cần chuyển tải…

    Với thời lượng bài viết này, tôi chỉ xin nói về phần truyện ngắn của tác giả Phạm Thị Phin qua tập Chạy trốn tình yêu. Mong rằng tác phẩm chạy trốn tình yêu đến tay độc giả chị sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm hơn nữa. Chúc chị sẽ còn cống hiến cho độc giả những tác phẩm truyện ngắn sau và sẽ chinh phục bạn đọc bằng cách thể hiện ngôn ngữ, chi tiết đắt của truyện ngắn như ở tập sách  này.

    Phần bút ký, nữ tác giả Phạm Thị Phin đã lia nhanh đến nhiều vấn đề xã hội mà chị quan sát, là những bức tranh cuộc sống khác thông qua ngôn ngữ bút ký của chị, trong bài viết này, tôi chỉ xin mạn đàm phần truyện ngắn của chị. Và nếu nói tuổi của phụ nữ, như người phương Tây thì không nên, nhưng tôi thật sự thán phục chị - nữ nhà thơ, nhà văn, nhà viết tiểu phẩm đã xấp xỉ tuổi 70 nhưng năng lực văn chương của chị như …không cần “thương lượng với thời gan”. Xin chúc nữ tác giả U70 luôn bút lực dồi dào, vẫn xông xáo trên văn đàn.

                                                                     Hạ Long tháng 7/2024

V.T.N

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 80
Trong tuần: 651
Lượt truy cập: 439579
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.