Nguyễn Hiệp
ĐIỂM CỰC HẠN
(Giải KK cuộc thi Đề tài Công nhân Công đoàn)
Ngôi nhà gỗ bát giác mái chồng phía sau văn phòng Tổng Công ty L.X.E Viwan không có gì đặc biệt nhưng với kích thước vừa phải, hợp lý nó đã tạo được nét mỹ quan nổi bật trong khung cảnh những đường ngang dãy dọc vuông thành sắc cạnh xung quanh.
Sáng nay, ông Shin mời tôi món trà Thiết Quan Âm với lời giới thiệu đây là loại trà được trồng ở quê hương mình. Tôi nhận lời mời vì nghĩ đến công việc và vì tấm thịnh tình đó. Tôi đã đến đúng hẹn nhưng tôi nghĩ cả tôi và ông Shin thật khó tập trung cho cốc trà khi mà từng ấy sự kiện chấn động vừa xảy ra.
Tôi ngồi nhìn ông Shin pha trà mà đầu óc cứ mang máng nhớ giấc chiêm bao trước hôm đình công. Có lẽ nội dung của những giấc mơ trong giới hạn nội tâm của tôi đang được soi xét. Tôi cần một sự độ lượng với những gì mình chưa làm được cho những con người mình thương yêu, quý mến, hoặc tôi, chính tôi, phải quyết liệt hơn nữa, phải quyết đoán hơn nữa, sự lưỡng lự sẽ làm ta mãi mắc kẹt. Nỗi sợ hãi mơ hồ của mình chính là cơ hội quyền lực của kẻ khác chăng!?
Và tôi đến cuộc họp ngay sau đó với tâm thế mạnh mẽ, dứt khoát của một người biết nối kết từ giấc mơ đến hiện thực, nối kết những nguyện vọng, yêu cầu, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của một tập thể lớn từ "lẽ ra phải có" đến "buộc phải có".
...Trong tư thế ngồi thẳng lưng, ông Shin chậm rãi chế nước sôi ra một chiếc bình trung gian cho giảm bớt độ nhiệt rồi mới chế nước ấy vào bình lọc trà, sau thời gian tĩnh lặng, trà mới được chiết ra tống trà, rồi cốc uống, nâng cốc nhẹ nhàng đặt vào khay... Nhìn bộ trà cụ bằng ngọc quý giá xếp thẳng trước mặt ông và các thao tác chính xác của ông khiến tôi nghĩ ông Shin phải là một trà sư đỉnh cao trong các buổi trà địch quan trọng ở quê nhà.
Ông Shin bưng khay trà nhỏ trang trọng đặt trước mặt tôi và nói: “Mời trà!”. Tôi để ý thấy khuôn mặt, ánh mắt ông từ không biểu cảm điều gì dần sinh động, rạng rỡ hơn. Đợi ông nhấp xong ngụm đầu tiên tôi mới nâng ly trà vàng sánh đưa lên trước mũi và khen: “Thơm quá! Đúng là danh trà Thiết Quan Âm!”. Sau ngụm trà đầu, tôi ngập ngừng: “Có... nhiều dư vị của... trà xanh... Tôi muốn mượn dư vị có thật đó để níu kéo ông về thực tại của tổng công ty”.
Qua ánh mắt, tôi biết ông Shin hiểu sâu ý tôi qua lời ngập ngừng ấy nhưng ông vẫn thản nhiên cảm ơn, khen tôi khảnh trà, cảm nhận hương thơm tinh tế, thậm chí còn vui vẻ nói về Thiết Quan Âm và hương trà vào mùa thu đặc sắc nhất trong năm. Nói là nói vậy nhưng tôi biết cả ông và tôi đều có khả năng phân thân, một con người ngồi đây uống trà và một con người khác đang đuổi theo, nghiền ngẫm với bao nghĩ suy, tính toán.
Những năm gần đây, chiến lược sản xuất chip vi mạch và một số linh kiện điện tử khác cho các công ty bên ngoài của Tổng Công ty L.X.E Viwan đạt được thành công. Đơn hàng không chỉ từ các nhà thiết kế vi mạch Đài Loan (Trung Quốc), mà còn từ nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam. Sự nổi lên nhanh chóng của L.X.E Viwan - một công ty con của Đài Loan (Trung Quốc) tại quê hương tôi đã khuyến khích tập đoàn L.X.E Taiwan mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô lên đến chín phân xưởng, với sự tuyển dụng mới hơn ngàn công nhân.
Việc đầu tư nhiều tỉ Đài tệ để thiết lập các dây chuyền chế tạo mới là tín hiệu đáng mừng nhưng rồi cơn đại dịch COVID-19 ập đến, mọi việc dường như ngưng trệ đột ngột. Hai năm đằng đẵng trôi qua, L.X.E Viwan hoạt động trở lại bình thường nhờ lực lượng công nhân tự giác, nhiệt tình, tay nghề vững vàng, họ luôn xem công ty là ngôi nhà lớn của mình.
Sự “bình phục” nhanh chóng của L.X.E Viwan một phần cũng nhờ hệ thống tổ chức sản xuất, quản lý nhân sự rất bài bản, kỷ luật. Chín phân xưởng thật ra giờ đây đã đạt quy mô xưởng sản xuất hẳn hoi, mỗi phân xưởng có ít nhất là bốn dây chuyền, nhiều nhất là bảy dây chuyền. Giám đốc phân xưởng là người Đài Loan (Trung Quốc), hai phó giám đốc sản xuất và quản lý là người Việt. Các chuyền cũng vậy, chuyền trưởng luôn là người Đài Loan (Trung Quốc), chuyền phó là người Việt.
Đài Loan (Trung Quốc) chuyên làm kinh tế xuyên lục địa nên họ có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, họ luôn chặt chẽ và lạnh lùng, cài cắm một hệ thống kiểm tra chéo tinh vi. Tĩnh và sâu. Họ quản lý mọi khâu tự tin và kỹ lưỡng như khi đang tham dự bữa trà địch, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc họ. Thông thường mỗi một cốc trà mang theo một câu chuyện cũng như hương vị khác nhau, góp phần lan tỏa sự thư thái nhất có thể cho trà nhân.
Nhưng hôm nay, với cốc trà Thiết Quan Âm này, tôi biết ít nhiều ông Shin cũng đang đối mặt với vấn đề không dễ, nó buộc ông phải dứt khoát trong suy nghĩ khi phải đại diện Tập đoàn chỉ đạo và phê chuẩn cho một quyết định không như ý.
...Ông Shin vẫn chưa nhắc gì đến quyết định như lời hứa trước toàn thể công nhân khi kết thúc cuộc đình công vừa rồi. Đến cốc trà thứ ba này, tôi cũng đã thắng được những cơn nôn nóng khiến mình mất đi sự điềm tĩnh vốn có. Ông Shin vẫn đang say sưa giới thiệu về giống trà Thiết Quan Âm bẩm sinh vốn yếu đuối. Người ta thường nói “Thiết Quan Âm dễ uống nhưng không dễ trồng”. Trà đâm chồi cuối tháng ba nhưng đầu tháng năm mới bắt đầu thu hoạch búp trà...
Tôi nâng cốc trà nhưng biết rõ cuộc trà địch này khó trọn vẹn vì thú thật dù quen chuyện phân thân nhưng trong tình huống như thế chính tôi cũng khó tập trung cho một thú chơi an nhàn được. Từ sự thắng lợi của cuộc đình công đến việc thực hiện lời hứa của Tổng Giám đốc Lee, của Phó Chủ tịch Tập đoàn Shin vẫn còn một quãng cách thực thi cuối cùng thì làm sao tôi yên tâm mà thưởng trà trong tĩnh thức được.
...L.X.E Viwan nhanh chóng ổn định và ăn nên làm ra trở lại. Chưa tròn năm thì Tổng Giám đốc Lee đã bất chấp tất cả, lạnh lùng đưa ra hàng loạt quyết định cắt giảm vô lý, nó không phải là “phép thử”, là quyết định thật, ngay lập tức được áp dụng. Đời sống công nhân vốn thiếu trước hụt sau càng thêm điêu đứng. Đã có nhiều thư phản ảnh gửi thẳng về Tập đoàn L.X.E Taiwan. Vậy nên ông Shin - Phó Chủ tịch Tập đoàn đã đích thân bay đến Việt Nam triệu tập cuộc họp này.
***
- Điểm cực hạn... Điểm cực hạn... Biết điểm cực hạn là gì không hả? Đã chạm điểm cực hạn rồi, biết không? Mấy người có biết không vậy hả? Làm kinh tế mà không biết là sao?!... Tại sao để tới tình trạng này?... Hả?!... Hả?!... Hả?!...
Dáng người bệ vệ, đĩnh đạc, có vẻ cao nhân biết biến thiền thành tư duy cảm tri đột ngột biến mất, đôi môi mỏng dính của ông Shin - Phó Chủ tịch Tập đoàn run run, va lập cập vào nhau. Giọng nói của ông mạnh dần lên, gằn, giật, ngắt quãng. Ông dừng lại đưa hai tay lên trời một lúc lâu. Sau khi khẽ lắc đầu tỏ ý bất lực, ông Shin vừa ngồi xuống vừa buông mấy câu thều thào như hơi gió nghẹn: “Khủng hoảng, khủng hoảng... Thay đổi là tất yếu!... ba mươi vẫn chưa phải là Tết... Ai... ai... thử nói tôi nghe... một... giải pháp khác... đi!”.
Mười sáu cái miệng quanh bàn họp hình chữ U há hốc, những đôi mắt đứng tròng, không dám chớp, không dám cụp...
Ngoài sân Tổng công ty, hàng ngàn công nhân áo xanh ngồi chật kín. Trật tự. Một không khí căng thẳng bao trùm trong cái nắng như đổ lửa. Im lặng. Sự im lặng trước cơn bão. Tất cả những dự báo giờ đây đều đã muộn.
Hơn ai hết, tôi biết chỉ cần một lời nói không hợp tình hợp lý lúc này sẽ dẫn tới hậu quả khó lường. Điều quan trọng tôi cần bây giờ là quyền lợi hợp pháp của toàn bộ công nhân chứ không phải chuyện ai đi ai ở. Tôi hiểu cái cách né tránh vấn đề chính rất khôn ngoan, nếu không nói là cáo già của một người làm kinh tế lão luyện như Phó Chủ tịch Tập đoàn Shin. Nhưng dù sao đó cũng là thắng lợi bước đầu, ông ấy đã xác nhận thực trạng, để cho số đông công nhân bất ổn, bức xúc, đình công, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất là một thất bại không thể tha thứ của người đứng đầu công ty.
Xét cho cùng, điều tôi tha thiết mong muốn vẫn là tìm được tiếng nói chung của Ban Tổng Giám đốc, các Giám đốc và công nhân, trong đó quyền lợi, đời sống công nhân phải được quan tâm, bảo vệ thỏa đáng. Hai ngày trước, biết tin Phó Chủ tịch Shin từ Đài Loan (Trung Quốc) sang, tôi đã nghĩ ngay đây là cơ hội đấu tranh, cơ hội trình bày bức xúc và nguyện vọng của hàng ngàn công nhân vốn âm ỉ, vốn bị phớt lờ bởi tên Tổng Giám đốc Lee, kẻ duy ý chí đến mức bất nhân.
Tôi đã nhiều lần nói với hắn: Công nghệ có thể giải quyết những bài toán hiệu quả nhưng nếu ông không thật chú trọng đến con người thì có ngày tất cả sẽ bằng không. Lee đã hơn một lần phẩy tay, xổ toẹt vào mặt tôi: Vớ vẩn! “Shí shù hù shù”, ăn cây nào rào cây nấy đi, ai trả lương cho bà mà cứ lo chuyện bao đồng... Hắn đã độc địa buông một câu khiến tôi nhục nhã, tổn thương mãi đến giờ, “Qǐgài tǎo ròu zòng” (Ăn mày mà đòi xôi gấc hả con)?!
Hắn tưởng tôi không hiểu câu ẩn dụ đó nhưng tôi hiểu nên tôi đã đau thật sự, tôi đã mang lấy một vết thương trầm ngâm, có lẽ sẽ mang theo trong suốt cuộc đời mình. Và hôm nay, hắn đã phải trắng mắt ra!
Tôi là người phụ trách Công đoàn cơ sở lâu năm ở đây nên biết nhiều và nhạy hơn. Tôi vừa mở lời thăm dò là tất cả đã bùng vỡ, tôi biết ngay mà, những gì đang chực trào dâng từ cộng đồng ấy tôi đã mường tượng được, giờ thì như giọt nước tràn ly. Tôi đã nói với mọi người: Đây là dịp công nhân chúng ta phải xác định lại mục đích hai chữ “làm việc” - Làm việc cho chúng ta, cho xã hội hay làm việc để phục vụ lợi ích cho một nhóm người nào đó?
Tôi đã gõ và cửa đã mở. Những công nhân lâu nay được mệnh danh là “miệng hến” cũng đã thốt lên được tiếng lòng, đã bày tỏ được tâm tư, nỗi niềm và nguyện vọng.
Tổng Công ty L.X.E Viwan gồm nhiều công ty sản xuất linh kiện điện và điện tử nên trừ các bộ phận tạp vụ, đa phần công nhân đều học xong phổ thông cơ sở, phổ thông trung học hoặc tốt nghiệp đại học, nhìn ở góc độ nào đó thì tất cả họ đều là người có học. Những “công nhân - có học”, với nhiều kỹ sư tài giỏi mà phải sống thiếu thốn là điều không chấp nhận được. Do vậy mà trong mỗi con người ấy đều chất chứa, đầy ứ nỗi niềm. Họ tin tôi sẽ làm được gì đó cho họ nên tất cả thiệt lòng chia sẻ, tâm sự.
Nhớ lại hồi mới làm công tác công đoàn, thỉnh thoảng tôi cứ bị mắc mứu bởi cảm giác ấm ức, “Tôi đâu phải cái thùng rác đâu mà chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng đến tôi trút bầu tâm sự”, cứ nghĩ vậy là bực mình, mệt mỏi. Mãi sau này mới trưởng thành, tôi chủ động hỏi han, gợi ý, tiếp nhận tâm tư của mọi người và có những tư vấn tích cực để tháo gỡ hoặc ghi nhận như những vấn đề nan giải sẽ tự tìm cách giải quyết sau hoặc trình lên Liên đoàn Lao động.
Mới đó mà đã hơn mười năm, nghề dạy nghề, cũng còn nhiều điều phải học nhưng thiệt tình là tôi thấy mình cứng cáp hơn rõ ràng. Tôi thấy hạnh phúc khi được tin tưởng; mấy ngàn người tin tưởng mình là điều không dễ dàng gì, bởi mỗi con người đều có ranh giới tâm lý khác biệt; vậy nên mọi người mới gọi nghề công đoàn là nghề làm dâu trăm họ.
Và tôi đã mang đến cuộc họp này đôi gánh trách nhiệm khó khăn như thế trên đôi vai gầy gò của mình, trong trái tim ngập tràn thương cảm của mình và tất nhiên cả sự trưởng thành, bản lĩnh mà mình có được!
Giờ thì chuyện gì xảy ra sẽ phải xảy ra thôi! Công nhân ở tất cả các xưởng đều đã đình công, các phó xưởng sản xuất, các phó chuyền người Việt cũng đã có mặt, họ đã đáp lời kêu gọi của ban lãnh đạo Công đoàn, họ đang ùn ùn kéo đến mảnh sân trước văn phòng Tổng công ty. Họ đến và ngồi xuống, không băng-rôn, không cờ xí, hiền lành nhưng không nhịn nhục, im nhưng không yên.
Trong khi cuộc họp bất thường của Phó Chủ tịch Tập đoàn Shin với lãnh đạo Tổng công ty và đại diện chín phân xưởng, đại diện Công đoàn vẫn đang bế tắc. Sau khi trình bày xong thực trạng đời sống công nhân, phân tích những điều chưa thấu tình đạt lý trong việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động gần đây như cắt giảm tiền lương, thưởng và các quyền lợi khác của người lao động, không theo đúng thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết, cùng việc trình bản kiến nghị có hàng ngàn chữ ký, tôi đã nhận thấy ánh mắt đồng cảm, xót xa kín đáo nhưng rất bối rối của ông Shin.
Tôi đã trình bày hơn nửa tiếng đồng hồ với sự tỉnh táo nhất có thể, bởi những cảm xúc đớn đau, thương cảm cứ trào lên bóp nghẹt trái tim tôi khi nhắc đến đời sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau của công nhân, nhắc đến những mất mát nghiệt ngã thương tâm khi từng dãy nhà trọ vốn đông kín, chen chúc công nhân đã bị xóa sổ toàn bộ trong cơn đại dịch COVID-19 vừa qua.
“Vậy mà vừa tạm hết dịch những công nhân sống sót đã lục tục quay lại công ty, đã đùm túm gia đình từ làng về lại phố, đã khởi động lại những dây chuyền, những phân xưởng, đã không bỏ ca, đã làm thêm giờ... Công nhân chung thủy. Công nhân hết lòng. Công nhân giữ đúng chữ tín. Vậy sao người đứng đầu tổng công ty nỡ lòng nào ký liên tiếp những quyết định cắt giảm?!
Chỉ thấy cái lợi của mình mà không nghĩ đến người khác, chẳng phải đó là sự ích kỷ đến bất nhân sao, chẳng phải đó là sự thiển cận, vô tình, thờ ơ đến đáng trách sao?!”. Tôi đã dõng dạc đặt câu hỏi, đã dõng dạc phản biện, dõng dạc kiến nghị, thay mặt toàn thể công nhân nêu những đòi hỏi cần thiết, hợp pháp.
Tôi hiểu sức nặng ngàn cân phía sau bản yêu cầu xóa bỏ lệnh cắt giảm là cuộc đình công của hàng ngàn công nhân ngoài kia; từ trường của nó, ảnh hưởng của nó, không khí căng thẳng đến ngột ngạt của nó đã tạo được sức ép cần thiết. Là cán bộ Công đoàn thâm niên tôi hiểu rõ: Lời nói có sức nặng nhưng phải đi kèm với hành động quyết liệt.
Và rồi ông Shin đã xúc động, đã giận dữ, đã bùng nổ, đã nói nhiều đến điểm cực hạn và sự thay đổi. Có lẽ trong bàn họp hình chữ U này, ai cũng hiểu lời đó ám chỉ đến việc thay đổi nhân sự và người đầu tiên phải ra đi là ai thì mọi người ngồi đây đều biết. Cũng có thể đó là “chiêu xoa dịu kinh điển”, rồi đâu lại vào đấy nhưng chúng tôi quyết không dừng lại, chúng tôi không mắc bẫy, đâu chỉ mình tôi khởi xướng cuộc đình công, đây là giọt nước tràn ly, đây là nỗi bức xúc và ý nguyện của một tập thể lớn, của hàng ngàn con người trưởng thành, của hàng ngàn gia đình cần đời sống ổn định.
Tổng Giám đốc Lee vẫn hết qua qua lại lại trên đoạn hành lang phủ rợp bông giấy đỏ, mặt vẫn ngước ngước như bị một căn bệnh về xương cổ lâu năm không trị khỏi.
Nắng càng lúc càng gắt, đổ lửa xuống “tấm thảm xanh công nhân” đang hừng hực, thấy được cả những con sóng nhiệt lực đang duềnh lên từng đợt, trong suốt nhưng mạnh mẽ. Đây đó bắt đầu có những xôn xao, cựa quậy, dịch chuyển...
Ba tiếng "bán chuyên trách" và sự phụ thuộc đồng lương của Tổng công ty càng ngẫm càng thấy cay đắng. Và nữa, tôi sợ hai tiếng "nếu như", tôi đã bị những mường tượng, thậm chí thổi phồng thái quá sau hai tiếng đáng sợ ấy, chính cái bong bóng "nếu như" do tôi thổi lên đã quay lại hành hạ tôi. May mà giờ đây tôi đã thắng được chính mình trong cuộc đấu tranh gian nan này, kinh Phật gọi là "chiến thắng Phật", chiến thắng chính bản ngã dễ nhiễu loạn của mình, chiến thắng điều mà người đời ví von là "tâm viên ý mã".
Ngoài sân, nắng càng lúc càng thiêu đốt. Những chiếc áo xanh loang mồ hôi đã co rút lại trong đủ các tư thế ngồi, ranh giới từng cụm công nhân theo các phân xưởng bắt đầu hòa trộn. Nhiều tiếng la ó đã vang lên đây đó. Tổng Giám đốc Lee vẫn đi qua đi lại trên đoạn hành lang rợp bông giấy đỏ. Đột ngột Lee dừng lại quay mặt về phía công nhân và nói lớn:
- Thôi được rồi! Vấn đề an ninh việc làm và bảo đảm việc làm bền vững của công nhân lao động là những điều Ban Giám đốc biết rõ nhưng do đơn đặt hàng giảm xuống...
Mấy trăm người dưới sân đã đồng loạt bật dậy. Cái giọng cao đạo và những lời sáo rỗng của Lee đã đổ dầu vào lửa. Nhiều cánh tay đã đưa lên, tiếng la hét phản đối náo động, hàng mấy trăm người đã dấn lên sát bên Lee. Giờ đây, họ không nghe, không muốn nghe những lời hứa suông, những lời phân tích rườm rà, những lời mật ngọt giả trá.
Nhịp độ làm việc bình thường, thậm chí còn tăng nhanh nên không ai tin chuyện đơn đặt hàng giảm, công nhân không dễ lừa, không phải cứ nói sao tin vậy. Giờ đây, toàn thể công nhân đang cần câu trả lời thực tế, cắt giảm hoặc không cắt giảm, họ cần cái để sống hơn là ngôn từ.
Tổng Giám đốc Lee đã lùi sát vào tường, đứng phía sau hai hàng người bảo vệ và những giám đốc người Đài Loan, hắn vẫn ngước ngước nhưng lần này là để giấu che đôi môi thâm đen đang va lập cập vào nhau. Đám đông bước lên chầm chậm, lấn dần lên, lấn dần lên từng bước. "Phản đối!", "Phản đối cắt giảm!", "Phản đối cắt giảm!", "Phản đối!"...
Các thành viên trong cuộc họp, cả ông Shin, không ai bảo ai, tất cả đều nhào ra hành lang. Một kiểu phản ứng tự phát cấp thời, bất chấp nội quy hay bất cứ thứ kỷ cương nào. Khuôn mặt Lee vốn đanh sắt càng thêm sắt đanh lại, sạm lại như có một bức mặt nạ bằng kim loại vừa được gắn vào, hai mắt ti hí nhưng hực lên, ánh lên sắc lạnh, trong tích tắc đã nối kết bởi ánh sao băng lạnh giá từ bầu trời tối tăm nào đó.
Hắn dấn mạnh bước chân, dang hai cánh tay dạt mạnh hai hàng người phía trước, vẫn ngước mặt lên trời, xua tay liên tục, giọng ngắt quãng nhưng vẫn tỏ vẻ kẻ cả, bất cần:
- Được rồi! Được rồi!... Kiềm chế! Mọi người kiềm chế... Hãy chứng tỏ mình là con người văn minh đi! Mọi người về chỗ, tôi sẽ nói tiếp. Không về chỗ thì tôi sẽ mặc xác các người! "Hăoshì wúyuán, huàishì you fèn", ăn không có, khó đến thân, tôi hiểu chứ, hiểu chứ...
Tôi nói cho mấy người biết: Đất nước của các người có pháp luật, cơ quan hành pháp sẽ "nói chuyện" với các người nếu cố tình phạm pháp.
Đám đông hơi khựng lại. Không đợi lâu, mọi người chưa ổn định hẳn, hắn đã gằn giọng:
- Đã vậy thì lấy ý kiến trực tiếp của tập thể! Giờ, mọi người có hai lựa chọn, nếu số phản đối quá bán, tức hơn năm mươi phần trăm, tôi sẽ hủy bỏ việc cắt giảm, nếu kết quả không quá bán nghĩa là... những người phản đối buộc phải nghỉ việc từ hôm nay.
Im bặt ngay lập tức sau những rền động, sau những kích động khi nghe câu nói của hắn. Tổng Giám đốc Lee thầm nghĩ mình đã "tung chiêu" đúng ngay huyệt đạo của đám đông. Thừa thắng xông lên, hắn gằn lại từng tiếng lần nữa:
- Những - người - phản - đối - buộc - phải - nghỉ - việc - từ - hôm - nay... Hãy - suy - nghĩ - thật - kỹ! Ngay bây giờ, ai phản đối đứng dậy bước qua phần sân bên phải! Người nào chấp nhận, muốn tiếp tục làm việc đứng sang bên trái! Các giám đốc, các chuyền trưởng, các anh bảo vệ đếm tổng số những người có mặt và đếm, ghi tên rõ ràng... những người bước sang phải giúp tôi... Hãy dùng sơn trắng kéo một đường ranh giữa sân...
Phó Chủ tịch Tập đoàn Shin đơ người hết nhìn Tổng Giám đốc Lee lại quay sang nhìn đám đông lục tục ngồi xuống. Ông chưa biết đến kịch bản táo bạo và rất cân não này hay chính ông đích thân bay sang đây là để cố vấn trực tiếp cho Lee thực hiện kế hoạch đối phó mang tên "cây gậy sắt và nửa củ cà rốt" ?! Nếu vậy thì tôi thật sự thán phục cho những màn diễn sâu như thật của ông (!).
Tổng Giám đốc Lee ranh mãnh quay sang nhắc lại lời ông Shin: "Đã chạm điểm cực hạn! Buộc thế thôi!" thay cho việc trả lời câu hỏi từ ánh mắt của vị Phó Chủ tịch Tập đoàn. Không! Điểm cực hạn mà ông đề cập để dẫn đến sự thay đổi này không phải, hoàn toàn không phải... từ phía công nhân... họ không có lỗi...
Đám đông lại yên lặng. Ngột ngạt. Cái nắng như đổ lửa từ bầu trời không còn nghĩa lý gì nữa. Những con số phát ra từ những tốp giám đốc và nhân viên bảo vệ cứ vang vang, ngân ngân, rền rền khắp các góc sân. Đám đông bị "điểm huyệt" đã trùm phủ sự yên lặng rất đáng sợ.
Tôi lạnh người với trăm ngàn mũi dùi lên án quay ngược lại của đám đông mà mình vừa mường tượng. Sẽ có những người ân hận vì bước qua lằn ranh định mệnh đó hoặc ngược lại, cũng sẽ có người ân hận vì không dám bước qua lằn ranh định mệnh đó. Nếu như... nếu như... nếu như...
Đất nước tôi đã liên tiếp trải qua nhiều cuộc chiến tàn khốc nhưng sự phân tuyến rạch ròi trong lòng dân tộc, trong từng con người như một lợi thế quan trọng để giành chiến thắng. Còn bây giờ, chiến tranh lùi xa rồi! Trong thời hòa bình, thời xây dựng đất nước, tôi quá hiểu sự phân tuyến giữa con người chính trực và con người cơ hội đã trở nên phức tạp dường nào, những ám ảnh ám thị về tính cách dễ thay đổi của con người thời nay không thể dùng loại lăng kính cũ kỹ mà thấy được.
Tôi bình tĩnh quan sát sự nhốn nháo, rối loạn và những tiếng hét lạc giọng, bất lực của đám người bảo vệ, họ không có cách gì đếm chính xác một đám đông nháo nhào, bấn loạn, liên tục xáo trộn như thế! Tôi ý thức rõ ràng, giờ là lúc cần đến tiếng nói mạnh mẽ trực tiếp của tôi, người chịu trách nhiệm chính về công tác Công đoàn ở đây.
Tôi tiến lên đứng ngang hàng Tổng Giám đốc Lee và nói lớn: "Tôi xin mọi người trật tự! Chúng ta đồng lòng đình công và đến đây vì đã nhận ra sự bất công, vì cuộc sống bình ổn của chúng ta đã bị đe dọa bất ổn, vì bát cơm của con cái chúng ta, người thân chúng ta vừa bị tước mất.
Chúng ta có quyền bảo vệ chính mình. Chúng ta đấu tranh vì quyền lợi hợp pháp của mình. Đó là chính nghĩa, là lẽ phải, là sự sống còn. Tôi kêu gọi mọi người! Tôi kêu gọi tất cả mọi người! Tôi kêu gọi sự kiên định, quyết không nao núng từ phía anh chị em! Lúc này, ngay bây giờ, chúng ta quyết không lay chuyển, hãy mạnh mẽ thể hiện chính kiến của mình!
Tôi hứa sẽ luôn sát cánh cùng tất cả chúng ta, Liên đoàn Lao động sẽ luôn sát cánh cùng tất cả chúng ta, dù sự thể ra sao! Hơn lúc nào hết, đây là cơ hội chúng ta bày tỏ nguyện vọng, tình thương yêu đồng nghiệp và tinh thần đoàn kết của những người làm công ăn lương, của những người hết lòng hết sức cống hiến nhưng cũng tha thiết cần sự công bằng, minh bạch, hợp lẽ, hợp pháp...
Tổng Giám đốc Lee bước lên, phẩy tay cắt ngang, hắn liếc xéo tôi bằng ánh mắt lạnh lẽo nhưng run rẩy. Hắn đã sợ. Tôi biết rõ hắn đã sợ, đã bấn loạn. Hắn gằn giọng yêu cầu mọi người dồn qua hết bên trái vạch sơn trắng, chừa khoảng trống bên phải để ai phản đối thì đứng dậy bước sang, lần lượt từng hàng một chứ không nháo nhào như vừa rồi...
Trái tim tôi nhói lên từng đợt sóng vui mừng mỗi khi những con số đều đặn tăng dần. Hầu hết các chuyền trưởng, các phó phân xưởng sản xuất đều là đoàn viên Công đoàn nên họ đã làm gương, bước chân của họ nhấc cao dứt khoát. Và tôi cũng biết phía bên kia, lồng ngực của Tổng Giám đốc Lee cũng phập phồng theo từng tiếng hô to của những giám đốc, của những người bảo vệ.
Một cơn gió lốc cuốn bụi mù lừng lững xoáy vào sát rạt bên phải của những người công nhân. Tôi chợt nhớ cơn gió lốc trên đường vào khu nhà trọ chiều qua, nơi có cô gái điên dừng lại, tiếng khóc, tiếng cười vừa dứt, cô lại cất tiếng hát khe khẽ, giọng cô mượt mềm, xao xuyến, không có vẻ gì là đớn đau.
Điều gì đã khiến con người ta rơi vào cơn vô tri như thế?! Lời bài hát của người điên với cái vòng luẩn quẩn nghiệt ngã mà cô ấy tự nhiên phát ra có liên quan, có sự đồng nhất nào đó với đời sống của công nhân không?!
Đó là Huệ. Huệ đáng thương! Huệ ở căn phòng trọ được cho là buồn nhất khu chế xuất. Huệ ở cùng con gái nhỏ. Đó là công nhân trong Tổng Công ty L.X.E Viwan với thâm niên hơn 10 năm. Tốt nghiệp phổ thông nhưng gia đình khó khăn không vào đại học được, Huệ rời quê nhà lên đây làm công nhân và vài năm nay làm mẹ đơn thân... Và rồi dịch COVID-19 ập xuống, dãy nhà trọ bị phong tỏa, những bao xác lần lượt được đưa đi, người cuối cùng đi qua sợi dây đỏ là một phụ nữ trần truồng hai mắt dài dại, tay kéo lê một chiếc xe trẻ con hình chú vịt màu vàng nhạt, cũ kỹ...
***
Thời gian qua, tôi hiểu được đời sống của một công nhân là như thế nào. Đặc biệt tại nhưng dãy nhà trọ quanh khu chế xuất này, nơi mưu sinh của hàng ngàn công nhân từ khắp nơi trong nước đổ về. Bỏ lại quê hương sau lưng, những con người này bám trụ lại với thành phố, với những bộ đồng phục, với ca sáng, trưa, chiều.
Một công nhân nữa vừa bước qua phải lằn ranh trắng, là Nga ở phân xưởng chín. Nga ốm yếu, đôi mắt thâm quầng do làm ca đêm. Nga còn bị chứng tụt canxi nên thường xỉu bất chợt trong giờ làm. Tiền chi tiêu sinh hoạt và đóng tiền trọ của Nga vừa khít với số lương lãnh ra. Bao nhiêu năm làm công nhân, Nga chỉ biết công xưởng và phòng trọ mấy mét vuông...
Hai ba khối xanh chuyển động loang loáng. Tôi đã kịp nhận ra Tường, phân xưởng hai, một chàng trai tội nghiệp đang đau đớn vùng vẫy để thoát nạn tín dụng đen.
...1790... Tất cả dường như lặng đi vì đó là con số báo đúng năm mươi phần trăm số công nhân đang có mặt. Đúng phân nửa. Cân bằng. Cân bằng nghĩa là còn trong điểm cực hạn chưa được vượt qua, chưa có thay đổi nào thực sự diễn ra. Nếu dừng lại ở đó tức sẽ có 1790 gia đình rơi vào cơn khủng hoảng, túng bấn. Hai tiếng "nếu như" lại phình to choáng ngợp dòng sông suy nghĩ, lo lắng trong óc não tôi.
Tổng Giám đốc Lee quay phắt ra đứng nhìn chằm chằm xuống đám đông công nhân, hai mắt vằn đỏ tương phản với đôi môi thâm tái của hắn như dự báo một cuộc trả thù kẻ nào dám làm hắn mất mặt. Im lặng! Một không khí chết đơ chết cứng kéo dài. Gió cũng đứng lặng, chết lặng. Sóng nhiệt lực cũng thôi gợn, thôi duềnh.
Nhiều khuôn mặt rút sâu vào giữa hai đầu gối để né tránh ánh nhìn đe dọa của hắn. Nhiều ánh chớp sợ hãi của nhút nhát, của hoang mang, của hoảng hốt cực độ, của tình thái chùn chân, co rút, thu nhỏ đang loe lóe hiện ra khắp nơi trong những hàng người ngồi lại bên trái. Lồng ngực tôi căng cứng, một hơi hít sâu đã đột ngột dừng, hơi thở đột ngột ngưng trong sự chờ đợi khoảnh khắc diệu kỳ xảy ra, khoảnh khắc mà ông Shin gọi là vượt qua điểm cực hạn để tạo ra sự thay đổi.
... 1791!
Tất cả đã bật dậy. Những chiếc áo xanh, những mũ nón liên tục được nhiều nam công nhân cởi ra ném lên trời và lả tả rơi xuống như mưa, cơn mưa xanh, cơn mưa thắng lợi. Tiếng la hét mừng vui chiến thắng dậy vang
trời đất...
***
Tôi một lần nữa xác tín ông Shin chính là một trà sư, dù ở đây không có sự kết hợp âm nhạc, hội họa hay cắm hoa nhưng tôi đã mục sở thị những động tác pha trà chuẩn mực, không thiếu không thừa, từ đầu đến cuối trong làn hương trầm thoang thoảng. Và tôi hiểu ông đã chọn trà tịch trầm hương là hình thức trị liệu áp lực hiệu quả nhất lúc này. Tôi nhìn lại bộ trà cụ độc bản, tất cả đều được làm từ một thứ ngọc xanh trong suốt, chế tác tinh xảo và đoán đây có thể là bộ trà cụ bất ly thân của ông.
Sau khi nhận khay trà lần nữa, tôi dùng lời khen thay cho tiếng cảm ơn: “Thiết Quan Âm trà đúng là danh bất hư truyền!”. Ông Shin nhấp xong ngụm trà thì nở nụ cười tươi: “Cô thích là tốt quá rồi!”. Đoạn ông trầm giọng cho biết từ trưa qua đến giờ,
Tổng Giám đốc Lee cứ tự trách mình dại dột đã đưa gậy cho người ta đập mình và ông ấy đã tự nhốt trong phòng riêng, không gặp ai cả, không muốn gặp ai cả.
Tôi thấy ông Shin đưa tay chỉnh lửa và đóng bộ lư trầm, biết cuộc trà đến lúc chấm dứt, tôi đứng dậy trịnh trọng:
- Thưa ông! Vẫn biết rằng lời hứa danh dự là trên hết nhưng công nhân vẫn cần một bảo chứng cho việc xóa bỏ những quyết định cắt giảm vừa rồi...
- Tôi hiểu... Tôi hiểu nên đã chuẩn bị đây rồi... Ông đưa tay vào túi áo lấy ra một phong bì đưa cho tôi. Không ngần ngại xin phép được đọc tại chỗ vì tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của tờ giấy cam kết này... Đó là một tờ cam kết viết tay có chữ ký và dấu triện của ông Shin - Phó Chủ tịch Tập đoàn L.X.E Taiwan và có cả chữ ký, con dấu của Tổng Giám đốc Lee, đại diện cho Tổng Công ty L.X.E Viwan.
Ông Shin lịch sự đưa tôi xuống hết tam cấp rồi dừng lại khen tôi là một người làm công tác Công đoàn giỏi. Tôi vừa cúi đầu cảm ơn vừa nói với ông bằng chính câu thành ngữ của xứ Đài quê ông: Zuò dào lăo, xué dào lăo, làm đến già, học đến già. Việc học không có điểm dừng, học nữa, học mãi! Ông Shin tâm đắc lắm cứ cười mãi.
Ngôi nhà gỗ bát giác mái chồng phía sau văn phòng Tổng Công ty L.X.E Viwan không có gì đặc biệt nhưng với sự hợp lý mọi bề nó đã tạo được nét mỹ quan nổi bật. Là tôi thấy vậy!
Chân núi Tà Cú, tháng Giêng - Quý Mão
N.H