Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐẾN ĐĂK LĂK - HIỂU THÊM VỀ CÀ PHÊ

Cầm Sơn


ĐẾN ĐĂK LĂK – HIỂU THÊM VỀ CÀ PHÊ

 

     Nói đến tỉnh Đăk Lăk là người ta nghĩ ngay đến cây cà phê. Theo thống kê hiện nay toàn tỉnh có 213.000 ha trồng cây cà phê các loại. Với điều kiện tự nhiên phù hợp và do được chăm sóc tốt, nên sản lượng và chất lượng cà-phê Đắk Lắk ngày càng tăng. Niên vụ 2021-2022, năng suất đạt 26,3 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 526.000 tấn, tăng 17.800 tấn so với niên vụ trước.

  Trước kia, nó chỉ được trồng trong các đồn điền của người Pháp sau đó được mở rộng thành các nông trường. Thời Bao cấp, chỉ cần đem được vài chục kg xuống đồng bằng bán là đủ tiền xe và ăn chơi thoải mái vài ngày. Trước món lợi như vậy nhiều người đã mạnh dạn trồng trong vườn nhà, vườn rẫy và diện tích cà phê không bao lâu đã tăng đến chóng mặt.

   Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao. Từ đó, Buôn Ma Thuột được ví như một "thủ phủ cà phê". Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên cao nguyên đất đỏ bazan. Trong cơ cấu cây trồng ở Buôn Ma Thuột, có đủ các loài cà phê như: cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít nhưng được trồng rộng rãi nhất là cà phê vối. Hiện tại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được dùng chung cho cà phê Đắk Lắk.

  Cũng nhờ là “Thủ phủ cà phê” của cả nước mà Buôn Ma Thuột từ một “thị xã” ở một tỉnh lẻ xa xôi đã nâng tầm bay lên trở thành “thành phố”. Cứ hai năm một lần vào những năm số lẻ, Buôn Ma Thuột lại tổ chức “Lễ hội cà phê”. Năm 2023 là lễ hội lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 3, một lễ hội hoành tráng mang tầm “Điểm đến của cà phê thế giới”

  Chính vì vậy, khi đoàn nghệ sĩ của Hội Điện ảnh Việt Nam có chuyến công tác tại Đăk Lăk, được một ngày tự do tìm hiểu thì các thành viên trong đoàn không thể không chú ý đến cây cà phê. Đoàn được tách ra nhiều nhóm, mỗi nhóm đều có chương trình riêng. Nhóm chúng tôi gồm Nhà văn Nguyễn Trọng Văn, nhà thơ Cao Ngọc Thắng, các nghệ sĩ biên kịch Long Khánh, Thanh Nhã, Minh Nguyệt, Đào Phương Liên, đạo diễn Hùng Vĩ và tôi. Điểm đến đầu tiên là Làng cà phê của tập đoàn Trung Nguyên, tiếp nối là đi xe taxi đến Bảo tàng cà phê Trung Nguyên được một hướng dẫn viên của Bảo tàng tên là Nguyễn Văn Thành vừa lái xe điện đưa đoàn đi thăm thú các nơi vừa thuyết minh hướng dẫn hết trọn một buổi sáng ngày 05 tháng 6 năm 2023.

  Nhưng do nội dung chính đoạn phim này của chúng tôi là nói về cây cà phê nên tôi xin quay trở lại với chủ đề chính.

  Ở Đăk Lăk, thưởng thức cà phê đã trở thành một thói quen giống như ở Nga và Trung Đông người ta coi việc uống trà đen pha trong ấm Samovar như một bữa ăn. Ở Buôn Ma Thuột và các huyện trong tỉnh, đến đâu cũng thấy có nhiều quán cà phê to vật vã.

  Kiến thức hiểu biết của tôi về cây cà phê trước chuyến đi này chỉ dừng lại ở những tách cà phê có hương vị thơm ngon và chỉ biết đến tập đoàn Trung Nguyên cùng ca khúc “Ly cà phê Ban mê” của nhạc sĩ Nguyễn Cường do Y Moan hoặc Siu Black trình bày. Trong chuyến đi này tôi mới được biết hóa ra sản phẩm của cây cà phê không chỉ dừng lại ở cái thứ bột rang xay thơm ngất kia mà cây cà phê còn tạo ra được nhiều loại sản phẩm hữu ích khác chế tác từ gỗ cây, từ cùi quả, từ vỏ hạt, đồng thời cũng hiểu thêm về đặc tính của cây cà phê mà do đặc tính ấy giải thích vì sao trước đây có nhiều nông trường ở miền Bắc trồng cà phê đều thất bại.

screenshot_684

   Tại tầng cao thứ 18 Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê ngay sát Tượng đài Chiến thắng trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi gặp một doanh nhân trẻ tên là Lê Văn Vương quê ở Thanh Hóa – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công, có trụ sở tại 231 Y Wang phường Ea Tam thành phố Buôn Ma Thuột. Bắt đầu hoạt động từ năm 2012, đến năm 2015 thành lập công ty và đầu năm 2017 chuyển đổi từ cà phê vô cơ sang hữu cơ theo hình thức trồng và liên kết với bà con nông dân tại xã Eakao Thành Phố Buôn Ma Thuột và các hợp tác xã thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau 8 năm hình thành và hơn 13 năm hoạt động, công ty Vương Thành Công vinh dự đạt hạng OCOP 4 sao, danh hiệu doanh nghiệp vì sự phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn Việt Nam năm 2019, doanh nghiệp tiêu biểu năm 2020... Có chứng nhận ISO 22000:2018, chứng nhận cà phê hữu cơ số: 21.4125 - HC5, chứng nhận cà phê hữu cơ, Sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh - năm 2021… Hiện nay, về lĩnh vực thực phẩm, ngoài bột cà phê rang xay, Công ty Vương Thành Công còn có sản phẩm trà hoa cà phê.

  Để nâng tầm giá trị của cây cà phê, công ty có mối quan hệ khăng khít với các nhà khoa học, các doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất những sản phẩm mới như gỗ nhân tạo từ gỗ cây cà phê. Đặt ra ý tưởng chế tạo gỗ nhân tạo từ vỏ hạt cà phê và sản xuất nước uống, thức ăn gia súc từ vỏ quả cà phê.

  Với những hoạt động tiêu biểu, công ty Vương Thành Công đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và nhiều tổ chức báo chí, truyền thông sử dụng hình ảnh của công ty phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

  Tại đây, chúng tôi còn được gặp ông Nguyễn Văn Lạng – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và hiện nay nghỉ hưu đảm nhận chức Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lạng có con trai là một nhà biên kịch điện ảnh thành đạt tầm cỡ Quốc tế nên gặp các nghệ sĩ Điện ảnh ông rất cởi mở. Ông đã bỏ ra nhiều thời gian để trao đổi thông tin về cây cà phê với nhóm chúng tôi.

 Hiện ông Lạng cùng công ty Vương Thành Công có một dự án nghiên cứu, thử nghiệm tiến tới thành lập nhà máy chế biến gỗ nhân tạo từ gỗ và vỏ hạt cây cà phê đang trong giai đoạn thương thảo với phía đối tác là một doanh nghiệp của Hàn Quốc. Hy vọng lần sau quay trở lại Đăk Lăk, sẽ được tham quan nhà máy chế biến gỗ này.

                                                                               C.S


 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 40
Trong ngày: 373
Trong tuần: 1078
Lượt truy cập: 435805
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.