Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐÊM TRI TÔN

Nông Văn Kim
 
ĐÊM TRI TÔN NGHE TIẾNG HÁT GIÃ HAI            
 
        Thư từ Cao Bằng.  Kính gửi bác Hồng Kiên, nhà báo
         Kính thưa bác, cháu là: Nông Hồng Hiếu...Cháu ở... 
         Cháu cùng bà, bố, mẹ và em cháu xin gửi ngàn lần lời cám ơn đến Bác, về bút ký “Đêm Tri Tôn nghe tiếng hát Giã Hai” của bác đăng trên trang văn nghệ cuối tuần của báo tỉnh. Bài báo không ghi rõ nơi phát sinh sự kiện, tên họ những con người trong cuộc...Nhưng chỉ một tháng sau, có người đã đem số báo đó đến gia đình cháu. Phải nói cả nhà bàng hoàng về phát hiện này... Bác Thành không thể hiểu được hoàn cảnh gia đình cháu sau khi bác ra đi đâu. Bố cháu về, cháu đã có trong bụng mẹ hai tháng.  Biết chuyện, bố cháu không hề trách mẹ cháu và ông bà, mà hiểu đó là hệ quả của chiến tranh, chỉ băn khoăn, giá như từ ngày ấy, được gặp bác Thành (như trong câu chuyện bác viết) để nói lời dứt khoát với nhau sẽ không để lại mấy chục năm trời hai bên trăn trở vì một món nợ đời chưa trả được cho nhau.
     Thưa bác, cháu sinh ra, ông bà cho đặt tên là Hiếu, có lẽ để nhắc cháu nhớ nghĩa vụ với cả hai người cha. Bố cháu khi trở về, gầy xanh vì sốt rét rừng, hơn năm sau mới có da có thịt. Mẹ Duyên cháu sinh em hai lần đều dị dạng, chưa đủ hình hài một con người. Đi tận Hà Nội khám, bác sĩ kết luận: Bố cháu bị nhiễm chất độc da cam nặng, không thể sinh con lành lặn được nữa. Cả nhà câm lặng, xót xa cả năm trời. Để có anh, có em bố mẹ đón một bé gái sơ sinh từ bệnh viện về nuôi. Ơn trời, em gái cháu khỏe mạnh, học giỏi, nay là bác sĩ khoa nhi tại bệnh viện tỉnh (nơi cách đây mấy chục năm em được sinh ra và may mắn được bố mẹ nuôi tiếp nhận nuôi nấng thành người). Ông cháu mất vào tuổi 87, vẫn minh mẫn đến già, ông đã dặn cháu, nhà mình số phận hiếm hoi, nhưng luôn được trời thương, dẫu không cùng máu mủ nhưng hai anh em cháu đều khỏe mạnh, ngoan, học hành thành đạt có hiếu với ông bà, cha mẹ. Chỉ còn một nỗi băn khoăn, làm sao tìm được tung tích của bác Thành, người kỹ sư nông nghiệp có đức, có tài được đào tạo bài bản, bác Thành đang ở đâu, hiện nay sống ra sao, nếu có khó khăn trong cuộc sống hãy đón bác về phụng dưỡng tuổi già đúng nghĩa một bố đẻ thực thụ.  Cháu đã liên lạc được với bố Thành, bố cháu quyết, tết này sẽ đón bố Thành ra ăn tết tại xứ hoa đào, nơi vẫn lưu giữ làn điệu Giã Hai nổi tiêng từ thời ông cha...Làn điệu đó đã đưa bác tìm ra bố Thành cháu.
       Tuần sau cháu và bố sẽ vào Nam.
giahai2
       Tôi thở phào nhẹ nhõm, bất giác thốt lên tiếng “Ha...ha…”, bật đứng dậy, khuỳnh hai tay, quay mấy vòng như một cầu thủ bóng đá vừa ghi bàn vào lưới đối phương. Đó là thành quả của một trong những chuyến đi vào Nam dài ngày.
       Trong dịp tham gia trại sáng tác Vũng Tàu năm ấy, tôi đã dành thời gian bốn ngày đi về một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Theo những địa chỉ đã nằm trong cuốn sổ tay nghiệp vụ của nghề làm văn, như hồ sơ liệt sĩ, những nhân vật liên quan đến đề tài cần tìm...Đêm ấy, Hồ Thanh, một bạn văn người bản địa đã đưa tôi về Tri Tôn, một thị xã sầm uất đặc trưng của đồng bằng miền Tây Nam bộ. Anh nói:
   -Tối nay tôi sẽ đưa ông đến một nơi đặc biệt, gặp một nhân vật đặc biệt.
        Hai mươi mốt giờ, phố xã đã bớt tấp nập, các quán ăn đã vãn bữa tối. Chỉ còn những điểm sáng đèn, đó là nơi tụ tập vui chơi ca hát, hoặc những nơi bạn bè dốc bầu tâm sự. Ngồi sau xe Hồ Thanh với tâm trạng có phần hồi hộp, xem lẫn tò mò. Xe tấp vào một điểm sang đèn, ngoài sân nhiều xe máy đỗ dưới khoảnh sân sáng tối của ánh đèn rọi xuống qua tán cây. Tôi bằng hoàng nghe được một giọng ca, giọng ca của một người đã có tuổi nhưng biểu hiện còn sung sức, một điệu hát rất quen thuộc với vùng miền Đông Cao Bằng.
        Slíp hả hai tốc
        Slíp hốc hai khoen
        Slíp chết kin mè pết, hăn nả hai
       (Ngày rằm, trăng lặn
       Mười sáu trăng treo
       Mười bảy ăn hết con vịt trăng lên)
 
      Đó là làn điệu Giã Hai. Sao lại có người hát được bài ấy tại nơi này? Tôi bèn lấy hơi, xướng một câu tiếp theo:
        Chứ hai ...a…slíp hả, nhằng hăn nả..á..
       Chứ nỉ nọng…a… quá tâừ hăn...a…hà..há..hà, á hà..hạ..hà...
       (nhớ trăng, ngày rằm còn gặp lại
        Nhớ bạn biết tìm đâu).
      Tiếng hát bỗng im bặt, một tiếng thảng thốt cất lên:
     - Hả, dú coóc phạ tâừ mà (ở góc trời nào về) Tôi vui mừng chạy vào nắm tay người vừa hát:
     - Dú Việt Bắc boong hây khẩu mà (ở Việt Bắc của chúng ta vào).   Ông ta gọi với vào trong:
       - Hồng Ngân ơi! Có bạn anh ở lận ngoải Việt Bắc vô đây. Chị phụ nữ còn khá trẻ, dong dỏng cao, mặc áo bà ba phong cách Nam Bô bắt tay tôi nhỏ nhẹ:
        - Em chào anh, gặp ảnh ở ngoải vô, ảnh Thành mừng lắm đó.
        Thế là tan cuộc hát, chủ khách hân hoan, rôm rả câu chuyên đón mừng vị khách từ góc trời xa đi đến. Hồ Thanh ghé tai tôi:
      - Ông thấy tôi nói đúng không. Tôi buột miệng:
      - Đúng đến nỗi hơn cả tưởng tượng.
       Mãi đến 12 giờ đêm, để Hồ Thanh cùng các bạn khách về trước. Chúng tôi mới có dịp dành cho nhau. Trước mặt tôi là một người đàn ông tuổi trên sáu mươi, gương mặt phong trần, bước đi hơi khập khiễng, giọng nói còn tròn âm tiết của người hay sli lượn. Tôi đổi giọng xưng hô.
         - Tôi là Kiên, Bế Hồng Kiên anh à, trước làm kỹ sư Nông nghiệp, sau đó làm công tác Tuyên truyền bên Đảng đến khi về hưu, giờ viết văn, viết báo. Ánh mắt người đàn ông sáng lên:
        -  Hả, anh là nhà văn, nhà báo à. Tôi đưa thẻ hội viên cho anh ta xem:
        -  Tôi ở Hội VHNT tỉnh, đang tham gia trại sáng tác VHNT tại Vũng Tàu.
        -  Thế ư! Vậy ra anh cũng là kỹ sư nông nghiệp, lại làm báo, làm văn, có nhiều chuyện cho nhà văn đấy, anh cố thu xếp lại ở đây lâu lâu một chút. Chắc anh muốn hiểu: Hoàn cảnh nào đã đưa tôi vào tận đây, mà không ở Đăk Lăk hay Bình Phước nơi đồng bào ta vào khá đông? Tôi chỉ biết gật đầu.
-  Tôi tên là Nông Văn Thành, sinh ra và lớn lên ở một huyện miền Tây Cao Bằng. Cũng là kỹ sư nông nghiệp, chuyện ngành giống, cây trồng. Đi lính năm 1972, đúng ra tôi không nằm trong thành phần tổng động viên đợt ấy vì có anh trai đang chiến đấu ở bên Lào, tôi đi lính trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trước 1975 tôi đã đóng quân, tham gia mấy trận chiến đấu ở đây, bị thương, rồi chuyển công tác sang ngành Nông nghiệp.
      -  Anh đã về thăm quê lần nào chưa. Sau mấy phút đắn đo:
 - Quê tôi chỉ còn họ hàng, còn anh em ruột vào đây hết rồi, anh và cô em
ruột đang sống ở Bình Phước, tôi cũng đã mấy lần đến thăm, mấy anh em ở ngoài vào cuộc sống đều ổn cả. Chỉ còn mình tôi, còn một món nợ trong lòng!         
 - Cái hoàn cảnh đặc biệt, khiến anh nhập ngũ, có thể chia sẻ với tôi được không.
 - Ngoài anh ra, tôi còn nói với ai được, chuyện riêng của mình ai có thể giúp được.    
       Ra trường, tôi đến Lũng Khăm một xã có dân cư chủ yếu là dân tộc Nùng ở Miền Đông của tỉnh Cao Bằng, với tấm bằng kỹ sư giống cây trồng, Từ ngày đầu, tôi đã ba cùng ngay nhà ông Khầu là Phó chủ nhiệm HTX phụ trách kỹ thuật và kế hoạch. Sau tám tháng, theo đề nghị của ông, HTX giao chức Phó chủ nhiệm cho tôi, thay cho ông vì đã lớn tuổi, không có bằng cấp, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhà, khi tôi đến đã có Duyên, con dâu nhà ông Khầu, là vợ liệt sĩ, chồng cô đã hy sinh cách đấy hơn hai năm, lúc tôi đến, gia đình vừa làm lễ mãn tang. Ngày ấy, Duyên làm tổ trưởng tổ kỹ thuật, người con gái trẻ, đẹp mười sáu tuổi lấy chồng, mười bảy tuổi đã góa bụa. Duyên không trở về nhà mẹ đẻ như mọi người thường làm vậy, mà tình nguyện ở nhà chồng, tình nguyện “không được làm dâu thì làm con”, gánh trên vai gánh nặng gia đình và tập thể Hợp Tác Xã, già trẻ trong thôn ai ai cũng thương và cảm phục. Tôi cùng Duyên sống trong cùng một nhà, được ông bà Khầu quí như hai đứa con đẻ, những việc lớn, nặng nhọc tôi gánh cho em, ngược lại có chút quà từ chùm quả rừng đến tấm bánh Duyên đều dành cho tôi, vô tình hai đứa không rời nhau. Có người nói nửa đùa nửa thật, anh Thành làm con bác Khầu đi, tôi vô tư “tôi vẫn làm con bác đấy thôi”, Cộng đồng xã viên trong HTX sống trong gian khổ, thiếu đói nhưng rất sôi nổi, trong các xã đều có phong trào toàn dân ca hát. Lũng Khăm có đội hát Giã Hai, được truyền đời từ các cụ, Duyên và tôi hay hát tích Phạm Tử - Ngọc Hoa, (từa tựa như hát bội trong này). Hát Giã Hai đã nghe một lần là muốn nghe mãi, đã nghe hát một lần là không quên được.
     Công việc của tổ kỹ thuật thời ấy là tìm cây giống cho trồng vụ đông. Do vùng cao khí hậu hai mùa rõ rệt, mùa đông rất rét không có cây nào sống nổi, nên ruộng đất chỉ làm một vụ, thả rông một vụ. Nhiệm vụ chính trị là phải tìm ra cây trồng cho vụ Đông Xuân. Chúng tôi đã hoàn thành việc trồng thử cây lúa mì vụ đông, nhưng năng xuất không cao khó có thể đưa vào đại trà. Đúng lúc tỉnh cho nhập thử giống Mạch Mao từ Trung Quốc về, giống Mạch Mao cấy vào sau Kinh trập có thể sống được, nhưng cái khó nhất là làm sao có mạ để cấy vào dịp ấy, để khắc phục, phải ngâm ủ, gieo mạ vào sau Lập xuân mười ngày, để có thóc mầm, đã có sáng kiến xây lò thúc mầm, đó là “căn phòng” kín trát vách và trần bằng đát bùn và rơm rạ, hình vuông mỗi cạnh 1,4m (nghĩa là đủ một người đứng vào được). Đáy dưới thiết kế một lò đốt bằng củi lấy nhiệt kiểu bếp Hoàng Cầm. Chúng tôi cùng tổ kỹ thuật thay nhau túc trực ngày đêm, đo nhiệt độ, đốt lò cho phù hợp. Tôi phụ trách chính nên trực gần như 24/24 giờ, các thành viên khác được thay nhau ca trực, Duyên xung phong thay các bạn trực ca đêm. Thế rồi, những đêm vắng, lạnh, nhưng khi vào lò 38-40 độ C phải cởi áo ấm để ngoài, chật chội, va chạm cơ thể tôi và Duyên đã không kìm lòng được. Tôi 25 tuổi, ngờ nghệch chưa hề biết yêu, Duyên mới 19 tuổi đã góa chồng. Bề ngoài hai chúng tôi cố giữ khoảng cách nhưng không dấu được ai, ông Khầu hay thức khuya, bên ấm chè đặc, trầm tư, bà Khầu hay dấu đi cái nhìn là lạ. Một tối ông Khầu cùng bí thư chi bộ HTX gọi tôi ra gặp riêng. Sau một hồi đắn đo, bí thư vào đề chuyện tôi và Duyên. Tôi đã thú thực mọi điều. Ông nói, về luật Pháp Duyên là vợ liệt sĩ, đã báo tử, có quyền lấy chồng, còn anh là trai tơ, là kỹ sư có bằng cấp, tương lai còn rộng mở, anh có thực lòng lấy cháu Duyên làm vợ không. Tôi trả lời, riêng tôi đã quyết, còn gia đình có chút băn khoăn, do sĩ diện “trai tơ lấy gái góa”. Nhưng trường hợp Duyên, tôi tự cảm thấy có trách nhiệm bù đắp cho sự mất mát của Duyên do chiến tranh. Ba người cùng nắm tay nhau:
 -   Vậy là vui rồi:  anh Thành họ Nông, sẽ làm lễ nhận làm con ông Khầu cũng họ Nông, Duyên vẫn là con dâu họ Nông, hầy “Khẩu slan bá mà đổng vớ” (gạo đổ từ sàng xuống nia nhé). Trong ánh sáng nhập nhòa của ánh đèn dầu tôi thấy một dòng lệ ứa ra trên khóe mắt ông Khầu. Tôi cũng thấy cay cay nơi sống mũi. Hai tháng sau, ông Khầu chuẩn bị cùng họ hàng thân thiết mang lễ đến gia đình tôi, bàn chuyện xin nhận tôi làm con. Duyên hốt hoảng, nói khẽ vào tai tôi “Hai tháng nay, em...Không thấy rồi, làm thế nào hả anh?”. Cũng chiều hôm ấy, cậu Hoàn bạn thân tôi đang phụ trách công tác chính sách trên huyện đội, hớt hải gọi tôi lên báo: Khang, chồng Duyên, còn sống, đã trở về, mấy ngày nữa sẽ đến nhà, cậu hãy chuẩn bị phương án xử lý sao cho tránh được những việc đáng tiếc. Tôi hoang mang, trong mừng, vui, lo lắng lẫn lộn. Mừng cho Duyên, cho Khang, ông bà Khầu nhưng lo và buồn cho cái phận chớ trêu của tôi. Mọi việc càng khó khăn vì trong Duyên, giọt máu của tôi đã hình thành. Khang có tha thứ cho tôi và Duyên không. Đành rằng xét về lý tôi không có tội. Một chi tiết nữa làm tôi càng cảm thấy thương Duyên và Khang hơn. Lần đầu tiên quan hệ xác thịt trong cái lò xấy chật hẹp ấy, phát hiện ra Duyên vẫn còn trinh. Sau khi gặng hỏi, em nói thật, rất nhiều việc diễn ra trong mấy ngày bận rộn làm lễ cưới, sau ngày lại mặt, Khang lên đường ngay, hai đưa chưa một lần nào thực hiện được sự va chạm xác thịt. Trời ơi, hóa ra, em mang tiếng gái góa, nhưng là “Mải Bjoóc” (tức là “góa hoa”, mang tiếng lấy chồng nhưng vẫn còn trinh). Sau một đêm suy nghĩ tôi quyết tâm ra đi. Gửi lại cậu Hoàn, sổ sách ghi chép theo dõi các công việc kỹ thuật, một tháng lương nhờ đưa cho Duyên. Gửi lời xin lỗi ông bà Khầu, để tránh những rầy rà, tôi cắt hết mọi liên hệ chỉ còn một mối duy nhất là cậu Hoàn. Tôi để lại một lời ghi trong giấy cho cậu Hoàn như một lời di chúc: “Nếu Khang không nhận vợ và con, Hoàn đưa giấy này về gặp bố mẹ tôi, theo địa chỉ này…Sau chiến tranh, dẫu tôi có trở về hay không, bố mẹ hãy cưu mang, đấy lá giọt máu của tôi để lại”. Nếu theo khả năng ngược lại, Khang nhận vợ và cả con coi như không có tờ di chúc này. Tôi lên ty Nông nghiệp xung phong nhập ngũ, đúng đợt, bảy ngày sau tôi lên đường. Lẫn cấn ba tháng sau, đơn vị ổn định, tôi mới có địa chỉ, gửi thư cho cậu Hoàn, được trả lời: “Mọi việc ổn, sau mấy ngày đầu giận dỗi, qua khuyên bảo, động viên của gia đình, của đoàn thể, sau khi vạch mặt chỉ tên mấy kẻ xúc xiểm, thọc gậy bánh xe, bàn phá ra, Khang đã nghe ra. Chợ phiên vừa rồi đã thấy hai vợ chồng đèo nhau đi chợ” tôi lên đường vào Nam với tâm trạng có nhiều phần thảnh thơi. Ánh lên một niềm tin, Khang - Duyên sẽ có cuộc sống hạnh phúc, con tôi sẽ được nuôi nấng. chăm sóc trong vòng tay cha mẹ.
       Sáu tháng sau, tôi lại gửi thư về, được người bạn ở huyện đội báo tin dữ “Hoàn đã đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn ô tô” Vậy là đường dây duy nhất đã bị đứt, tôi hoàn toàn bị mất liên lạc từ đó.
 
  • Rồi anh vào trong này, cuộc sống hiện nay của anh ra sao?
   -  Do là người dân tộc thiểu số nên anh em thường được phân công vào Tây Nguyên, tôi thuộc số ít vào vùng dân tộc Khơme, còn lại sang Lào. Trong một lần gặp thám báo phục kích tôi bị thương ở chân, phải ém xuống sình lầy, đơn vị tan tác mỗi người một nơi. Tôi được một ông già dân tộc Khơme đi chăn bò gặp, ông đã cõng tôi về chăm sóc rồi báo cho đơn vị đên nhận, ông đã nhận tôi làm con nuôi. Ông có cô con gái là Hồng Ngân, mấy năm trước là Văn công Giải phóng khu 9, gặp trận càn bị mất tích, có người bảo đã hy sinh. Năm 1975, giải phóng Sài Gòn, Côn Đảo vùng lên tự Giải Phóng, con gái ông nằm trong bảy trăm nữ tù chính trị được đón về đất liền trong đợt đầu tiên. Khi về đến nhà tiều tụy như một tàu lá úa, tôi đã dành cả đợt nghỉ phép vể với ông cùng chăm sóc cô ấy. Ông phán:
     - Thằng Thành chẳng cần đi đâu, nếu không chê hãy ở với tía, với con Ngân đây. Thế là tôi trở thành con rể ông.  Mấy năm trời chung sống, chúng tôi vẫn không có con, hậu quả của những năm tù đầy ở Côn Đảo bị tra tấn dã man, Hồng Ngân đã mất khả năng sinh sản. Nghe lời ông già khuyên, tôi nhận lần lượt hai đứa con nuôi từ trại trẻ mồ côi trong chiến tranh. Chúng được chăm sóc tốt, lớn lên khỏe mạnh ngoan ngoãn, được học hành chu đáo. Nhưng rồi, đến ngày tôi phát hiện chúng lén xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, dần dần nhận ra chúng là những đứa con hiểu thảo, biết nghĩ về cội nguồn, tôi có công nuôi dạy nhưng không có quền che dấu quá khứ của chúng. Thế là tôi cho chúng tham gia, tôi cũng cố tìm kiếm những thông tin lên quan giúp cho chúng. Hai năm sau, qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã có bố mẹ đẻ tìm ra được chúng, thằng lớn có bố là Trung tá Quân y, năm 1975 di tản từ Đà Nẵng vào Sài Gòn vợ ông đã để con trai bị thất lạc. Nó đã sang Mỹ với bố mẹ, Ông Trung Tá khi sang Việt Nam đón con đã mua tặng tôi cơ ngơi này. Tôi không nhận, nhưng ông ta bảo:
      - Do để mất con, vợ tôi đã mắc vào chứng trầm cảm, nhiều khi như một cái bóng vô hồn, nay tìm được con như người đã chết đi sống lại. Ông đã nuôi con tôi khôn lớn, dạy dỗ nên người, “công sinh không bằng công dưỡng”. Dẫu đánh đổi cả gia tài cũng đáng mà ông. Vả lại cũng là nơi để cha con tôi và mẹ nó lấy chỗ đi lại khi về quê
      Ổng đã làm toàn bộ hồ sơ cơ sở đứng tên tôi. Đứa con gái làm chủ một cơ sở kinh doanh khá lớn cũng đã tìm thấy mẹ, ở ngay thành phố Hồ Chí Minh, một hai tháng lại kéo cả nhà về đây. Ông bảo đời tôi đáng buồn không, nuôi con nhưng mất con, con đẻ của mình cũng không dám tìm về xem nó sống ra sao. Cuối đời, thành ra cô đơn. Bác và các cháu ở Bình Phước khuyên tôi về trên đó để có anh, có em. Nhưng, tôi quá nặng nợ với nơi này, với tía, với Hồng Ngân, với các con tôi, dẫu ở bên Mỹ hay Sài Gòn đều cần có nơi để tìm về. Nhà tôi đây trở thành nhà tình nghĩa với đầy đủ ý nghĩa của nó, trở thành nơi bạn bè yêu văn nghệ tụ tập ca hát, riêng tôi làn điệu Giã Hai đã đi vào tâm cốt. Một đời bươn trải, đọng lại trên những bài ca không quên.
    - Câu chuyện của ông rất hay, rất nhân văn, tôi sẽ viết bài này cho Tạp chí. Ông nhăn mặt xua, xua tay tỏ vẻ không nên - Tôi trấn an:
     - Ông yên tâm đi, tôi sẽ không ghi tên đúng nơi xuất xứ câu chuyện này. Để câu chuyện này là chuyện chung của dân tộc ta, đất nước ta đã đã chịu nhiều mất mát, hy sinh cho Độc lập Tự do và Thống nhất đất nước.
 
                                                                                      N.V.K
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 87
Trong tuần: 1160
Lượt truy cập: 436896
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.