Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐÊM ĐÔ THỊ

Hoàng Anh Linh

ĐÊM ĐÔ THỊ

   Thanh vừa tan ca về. Anh mệt nhoài trườn chiếc xe Wave đã cũ vào một con hẻm. Con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho một người ngồi trên xe máy ra vào. Ngày mưa, nước đọng thành từng vũng nhỏ. Thanh lặng lẽ len chiếc xe qua lối hẹp thật khéo nhưng một vài tia nước bẩn vẫn bắn lên gấu quần. Hai bên vách tường xám xịt đều dán chi chít những tờ quảng cáo. Hôm nay có một tờ giấy mới vừa được dán. Thanh nhìn lướt qua thấy dòng chữ “cho vay”. Qua khỏi đoạn hẻm là một dãy nhà trọ thấp lè tè, tối tăm ẩn nép ở phía sau một chiếc cổng sắt đã rỉ lúc nào cũng khép. Trên cổng có vài dây tigon vắt qua, đong đưa từng chùm hoa gầy nhẳng, nhạt màu 

   Thanh bước xuống mở cổng. Chiếc cổng rít lên âm thanh kít kít. Thanh rón rén dắt xe vào để một góc trong sân. Từ một căn phòng ở cuối dãy, giọng bà chủ trọ ồm ồm vang lên, phổi bò :

- Để xe gọn lại cho người sau vào đấy. Nhắc mãi! 

- Vâng!

- Nhớ khóa xe cẩn thận vào. Mà này chuẩn bị đóng tiền nhà đi đấy. Cuối tháng rồi!

   Không cần ai trả lời, từ căn phòng ấy rột roẹt vang lên tiếng Radio. Ngày nào cũng vậy, hễ nghe tiếng mở cổng, bà chủ trọ ấy lại quát lên vài câu như một thói quen. Và lần nào nghe bà nhắc đến tiền, tất cả mọi người đều im ắng như vừa biến mất thật nhanh khỏi đó. Chiều mưa, nom chỗ này lại càng buồn tẻ. Dãy trọ có tám phòng và cũng có đủ chuyện ở trên đời. Mùi khói thuốc lá của gã đầu trọc xăm trổ lúc nào cũng làm bà cụ kế bên ho sặc sụa. Mùi nước la hán quả ngai ngái của một cô gái trẻ, tiếng than vãn thở dài của một anh chàng chạy xe công nghệ vừa bị bom hàng và một giọng hát nghêu ngao chua loét của ai khiến Thanh cảm thấy ngột ngạt. Anh lướt qua vài căn phòng đóng kín, khẽ khịt mũi. Bên ngoài một đợt mưa nữa vừa trút xuống. Những bọng mây đen nặng nề đan kín cả bầu trời.

   Thanh bước vào. Thằng bé con lẫm chẫm trờ tới ôm chầm lấy cha mình như đã đợi từ lâu lắm. Mai, vợ Thanh nhìn theo nhoẻn cười. Thanh vác thằng bé lên vai, hôn vào cái má trẻ con mềm mại và thơm tho của nó, nhẹ nhàng hỏi:

- Hôm nay đi học có vui không con?

   Thằng bé gật đầu cười khúc khích. Thanh dường như đã quên hết những mệt nhọc ở bên ngoài. Mai lui cui dọn cơm. Thanh bước vào nhà tắm, bộ quần áo Mai đã soạn sẵn cho anh treo trên móc. Nhà tắm cũng chỉ vừa một người và vỏn vẹn một cái thau quần áo. Thanh chìm vào làn nước mát lạnh, muốn gột rửa hết những âu lo bụi bặm của một ngày. Cái vòi sen cũ sắp sửa gãy ngang. Thanh nghĩ cuối tuần anh sẽ dành một buổi để sửa lại những thứ lặt vặt trong phòng

   Mai gắp cho chồng miếng thịt gà cuối cùng trên mâm. Mai bảo cô chẳng thích gà công nghiệp, thịt cứ bở. Mai lùa nhanh miếng cơm còn lại trong chén. Cô luôn ăn nhanh và xong trước. Thanh biết Mai nhường miếng gà cho mình. Ăn xong, Mai nhanh nhảu rửa chén. Thanh nhìn ra bên ngoài, trời vẫn mưa. Thằng bé con lại đi đến ôm chầm lấy cổ cha mình. Thanh chơi với nó một hồi

   Lát sau thằng bé ngủ. Lúc này vợ chồng Thanh mới xem như kết thúc một ngày. Đứng cả ngày trong phòng lạnh khiến người Thanh nhức nhối. Mai biết ý nên ngồi cạnh bóp vai thật lâu cho Thanh. Cách một lớp áo mỏng mà Thanh cảm nhận tay Mai khô ráp sần sùi. Cả ngày cô cũng vục đầu vào máy may. Thanh cầm tay Mai nắn cho giãn gân cốt. Buổi chiều tan ca trước, Mai đi đón con rồi về giặt giũ cơm nước trong nhà. Mai không trang điểm và không quần áo tinh tươm như những cô gái làm chung. Từ ngày có con, Mai lôi thôi lắm

   Thanh cưới Mai năm 25 tuổi. Khu công nghiệp Bình Dương rộng mênh mông, xưởng may của Mai và công ty của Thanh cách xa nhau nhưng lại vô tình chạm mặt nhau ở cổng. Mai làm giày, Thanh làm thủy sản. Thanh ít nói và hiền. Mỗi ngày thấy Mai, Thanh chỉ biết hỏi han vài câu rồi lại im im ngượng ngùng nhìn nhau. Mai có làn da trắng và gương mặt có duyên. Thanh thì chỉ là một thanh niên bình thường, dong dỏng cao, da rám nắng vì từ nhỏ lang thang suốt ngoài ruộng đồng. Khi Mai sinh thằng bé con kháu khỉnh, hàng ngày vợ chồng đi làm, thằng bé gửi cho một nhà trẻ với mức phí một tháng một triệu rưỡi. Buổi chiều ai tan ca về trước thì đón con. Thanh tan làm thì đi học thêm nghề sửa điện lạnh. Thỉnh thoảng có nhà nào đó cần sửa tủ lạnh, máy lạnh, dù xa đến mấy Thanh cũng chạy đến sửa để kiếm thêm chút tiền.

   Thanh nằm suy nghĩ vẩn vơ. Tiếng ngáy của Mai vang lên đều đều nho nhỏ. Mới hơn 30, Mai nom già hơn những cô gái đồng trang lứa. Má cô hóp vào, mắt cũng trũng sâu bắt đầu xuất hiện dấu chân chim. Những người làm chung với Mai cứ tiếc rẻ. Với nhan sắc của Mai năm đó, ông quản đốc giàu có cũng từng để ý Mai. Vậy mà...Thanh chỉ được cái chăm chỉ hiền lành thôi chứ Thanh nghèo túng. Lâu lắm Mai không mua quần áo mới. Mai tiết kiệm được chút nào hay chút ấy. Nhà hai vợ chồng ở quê không có điều kiện, lễ tết, giỗ chạp, hiếu hỉ... Đồng lương công nhân có khi nào đẻ ra thêm. Thỉnh thoảng Thanh chở cô đi mua sắm nhưng Mai tần ngần nhìn giá tiền lại thôi. Mai nghe lời bàn tán thì bỏ qua chứ không để tâm gì. Nào ai chỉ yêu vì tiền

   Thanh tự nói mình là thợ đụng, đụng gì cũng làm. Nhiều ngày anh về rất trễ, trên người đầy bụi bặm và vết dầu máy. Mỗi cuối tuần rảnh việc, Thanh đều chở Mai và con trai trên con xe Wave cà tàng đi dạo phố. Cả hai dạo phố theo đúng nghĩa đen chứ không tiêu pha gì. Đi ngang nơi bán đồ chơi trẻ con, Thanh mua cho thằng bé vài món đồ chơi nhỏ. Hai bên đường nhiều quán ăn tỏa mùi thơm phưng phức. Cả hai ở thành phố này đã nhiều năm nhưng chưa lần nào Thanh dắt Mai vào. Lần nào Thanh có ý bảo, Mai cũng gạt đi. Mai cứ nói về một ngày xa xôi nào đó, khi ổn định, Thanh phải dẫn cô vào nhà hàng để ăn những món ngon nhất. Thanh gật đầu. Cả gia đình trôi trên phố xá tấp nập rồi lại quay về căn phòng nhỏ tù túng

   Sáng nay khi vừa dắt xe ra khỏi cổng, Thanh thấy bà chủ trọ đang lui cui dán giấy gì đó trên bức tường. Khi thấy dòng chữ “Bán đất”. Thanh bỗng giật mình. Bà chủ trọ khó tính độc thân đã hơn 60 tuổi, đeo cặp kính lão lúc nào cũng trễ xuống mũi. Thấy hai vợ chồng Mai đứng ngây người, bà hất hàm bảo:

- Có tiền không? Sáu trăm mét vuông. Chỉ ba trăm ! 

- Ở đâu thế cô?

- Gần khu công nghiệp Dầu Tiếng

   Thanh và Mai nhìn nhau. Bà chủ trọ trả lời qua loa rồi bước vào khép cửa. Bà thừa biết vợ chồng anh chẳng có tiền. Và cái xóm trọ đủ thứ loại người của bà cũng chẳng ai có tiền. Cái cửa sắt già nua mục rỉ như muốn bảo nhẹ tay thôi tôi đã già rồi, cứ kêu lên từng tiếng kêu kít kít. Cả hai cũng thôi không hỏi nữa. Cả ngày hôm đó, trong đầu vợ chồng Thanh cứ lởn vởn chuyện đất đai. Ai mà chẳng có mơ ước nhà cao cửa rộng. Nhưng tiền đâu mà mua. Đồng lương eo hẹp chính là thực tại. 300 triệu vợ chồng anh làm sao có. Nghĩ nhiều quá rồi lại bần thần như kẻ mất hồn. Đã từng vợ chồng Thanh cũng nghĩ tới việc sẽ mua một mảnh đất để dành nhưng khi tính toán tiền bạc lại thôi. Bỗng dưng hôm nay bà chủ trọ đã khiến khao khát ngày nào trỗi dậy. Buổi chiều Mai tan ca trước. Cô bạn thân cùng đường hay chở Mai về cũng ngạc nhiên khi hôm nay không thấy Mai nói chuyện sốt sắng như mọi ngày. Đến nhà trẻ, thằng bé đã ngồi đợi Mai từ bao giờ. Tiếng bi bô của nó khiến Mai tỉnh lại. Cô ôm con mình vào lòng, lại cười vui với nó đến khi về tới đầu con hẻm nhỏ.

   Gần đây dãy trọ có vài người thanh niên chuyển tới, phức tạp hơn. Ngoài những mùi và âm thanh quen thuộc nay có thêm tiếng hò hét nhậu nhẹt ở phía bên kia vách tường. Thanh dễ ngủ nhưng bị thức giấc bởi tiếng thở dài của Mai. Thanh vuốt nhẹ tóc Mai, mái tóc rối khô cằn, xơ xác. Bao giờ gia đình mình mới thoát được cảnh ở trọ này hở anh? Mai thì thầm một câu nhẹ như hơi thở. Chiều nay hai vợ chồng vì tò mò đã chở nhau đi xem mảnh đất ấy. Tuy hơi xa nhưng Mai ưng lắm. Giá như mua được thì tốt quá. Sau này khi khấm khá hơn, vợ chồng cô sẽ xây một căn nhà nhỏ. Chỉ cần đủ ở thôi không dám mộng mơ nhiều. Khi dừng lại ngã tư đèn đỏ, Mai vô tình nhìn vào ngôi nhà bên đường. Một gia đình đang quây quần hạnh phúc. Người cha chuẩn bị chở con mình đi học. Người mẹ vội vã chạy ra đưa phần đồ ăn cho hai cha con. Căn nhà của họ đã cũ rồi và khá nhỏ, nằm lọt thỏm một bên tòa nhà cao bốn tầng. Nhưng không hiểu sao khi nhìn vào Mai thấy nó ấm cúng và đẹp quá. Cô khẽ khều Thanh. Thanh ngoái nhìn vào ngôi nhà nhỏ, tự dưng trong lòng anh cũng có một cái gì đó vừa lao qua rất nhẹ. Tiếng còi xe vang lên thúc giục, đèn đã chuyển xanh từ lâu. Thanh giật mình như vừa trải qua một cơn mơ ngắn ngủi.

   Thanh nhẩm tính. Bao năm đi làm vợ chồng Thanh chỉ mới tích cóp được hơn trăm triệu. Họ hàng và gia đình cả hai cũng nghèo, không vay mượn được. Nhà đông anh em không có nhiều đất canh tác, vùng tỉnh lẻ cũng hiếm có việc làm nên vợ chồng Mai chỉ có đường trụ lại ở đây. Mỗi tháng gửi vài triệu lo việc gia đình, tiền sữa, tiền nhà trẻ cho con, tiền ăn, tiền phòng, tất tần tật chẳng dư nhiều. Không biết dành dụm đến khi nào. Mà đến khi có được thì giá đất đã không còn như cũ nữa rồi. Hay là đi vay ngân hàng? Nhưng vay rồi mỗi tháng trả bao nhiêu, trả đến bao giờ. Vợ chồng anh học ít, chẳng biết tính những cái lãi suất cao xa. Đêm khuya ngột ngạt. Hai vợ chồng loay hoay mãi không ngủ được. Đất và nhà là khát khao của hàng nghìn công nhân ly hương đang bám trụ ở vùng này, đâu chỉ riêng của vợ chồng Thanh. Trong giấc mơ chập chờn, Thanh thấy mình có một ngôi nhà mới và Mai đứng ở cổng vui vẻ chờ anh tan ca.

   Hôm sau, Thanh đánh liều gọi vào số điện thoại trên mảnh giấy ai đó dán vội trên bức tường. Đó là số của một nhân viên ngân hàng. Anh được tư vấn kỹ càng cách thức vay thế chấp chính mảnh đất mình mua và những giấy tờ liên quan. Công đoàn công ty cũng nhiệt tình hứa sẽ giúp anh xác nhận giấy tờ cần thiết. Chưa đâu vào đâu nhưng Thanh mừng quá. Cả ngày anh cứ khấp khởi, tim đập thình thịch như muốn rơi ra khỏi lồng ngực. Buổi chiều hôm đó đoạn đường như dài hơn. Dừng đèn đỏ vài chục giây mà cả hai cứ đứng ngồi không yên. Thanh nghĩ khi về nhà Thanh sẽ lập tức đặt vấn đề với bà chủ trọ. Chắc bà ấy sẽ đồng ý thôi em nhỉ. Thanh cứ hỏi Mai câu ấy suốt quãng đường về.

  Nhưng lúc về đến nhà, chẳng còn thấy mảnh giấy rao bán đất đâu nữa. Bà chủ trọ đứng ở sân, vẫn với bộ mặt cau có nhắc nhở một vài người chậm trễ đóng tiền phòng. Khi Thanh hỏi, bà không có vẻ ngạc nhiên chỉ cộc lốc trả lời đã nhận tiền cọc của một người đàn bà. Vậy là trong tích tắc, ý định vừa mới nhen nhóm đã lụi tàn. Thanh thất thiểu dắt xe vào sân. Mai buồn buồn dẫn con trai vào tắm rửa, Thanh nằm bệt xuống sàn nhà, buồn hiu hắt. Hay là đi tìm một mảnh đất khác. Thanh thoáng buồn. Nhưng đâu phải cứ muốn tìm là tìm.

   Nửa đêm, tiếng hô hoán làm mọi người giật mình thức giấc. Vợ chồng anh bật dậy mở cửa chạy ra ngoài. Bà chủ trọ đang nằm sõng soài và co giật, dấu hiệu đột quỵ. Thanh vội vã dạt mọi người ra, anh từng học cách sơ cứu. Một người khác cũng vừa gọi xe cấp cứu. Sau một lúc bà chủ trọ thở đều hơn, không còn co giật nữa. Xóm trọ như náo loạn. Thanh và người đàn ông xăm trổ cùng lên xe đưa bà đến bệnh viện. Tự nhiên lúc này, cái xóm trọ vốn hay càu nhàu, cọc cằn bỗng xích lại gần nhau cùng lo lắng cho bà chủ khó tính trước đó hay giục họ đóng tiền nhà như chạy giặc. Mọi người quây quần ở sân, đợi đến khi trời sáng mới nghe tin báo về. Bà chủ trọ may mắn qua khỏi nguy hiểm nhưng phải nằm viện một thời gian. Những tiếng thở phào vang lên nhẹ nhõm. Những người trong khu nhà trọ lại lục đục tất tả chuẩn bị đi làm. Một ngày mới lại bắt đầu.

   Xuất viện về, bà chủ trọ hiền lành hơn. Khu nhà trọ không còn tiếng quát tháo và tiếng thúc giục về tiền. Bà tìm vợ chồng Thanh. Đột nhiên người phụ nữ kia không mua đất nữa nên nếu vợ chồng Thanh muốn mua, bà sẽ bán. Có bao nhiêu đưa trước, còn lại trả góp cho bà theo từng tháng, trong vòng ba năm trả hết là được. Bà sống một mình nên cũng chưa cần nhiều tiền. Bà nợ Thanh một ân tình. Vợ chồng Thanh nghe mừng mừng tủi tủi. Thanh chở Mai ra ngân hàng rút số tiền dành dụm. Mai run run cầm một trăm ba mươi triệu. Số tiền hai vợ chồng Mai nhịn ăn nhịn mặc tiết kiệm từ hồi mới cưới tới giờ. Còn một trăm bảy mươi triệu nữa. Ba năm, vị chi mỗi năm gần sáu mươi triệu, mỗi tháng gần năm triệu. Lúc theo bà chủ trọ đi làm giấy tờ, Mai tự cấu vào tay mình xem là thực hay mơ. Không ngờ có một ngày vợ chồng Mai lại mua được mảnh đất mơ ước của đời mình.

   Từ ngày mua đất, vợ chồng Thanh hì hục làm nhiều hơn trước. Mảnh đất vừa là động lực cũng vừa là áp lực lớn lao. Một ngày Thanh về nhà, ngạc nhiên nhìn mấy kiện hàng to tướng được bọc trong bao nilon màu đen để đầy gian phòng. Mai vui vẻ thông báo với anh từ mai cô sẽ bán hàng ở chợ đêm. Dù đã bàn bạc từ trước nhưng Thanh cũng không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng. Mai không còn tới xưởng mà xin nhận hàng về nhà làm. Mỗi ngày Mai cặm cụi bên chiếc máy may luôn phát ra những tiếng rè rè. Xong việc Mai vệ sinh cơm nước, đi đón thằng bé con rồi ra bán vài tiếng ở chợ đêm. Bà chủ trọ thương hứa sẽ trông dùm thằng bé một lúc đến khi Thanh về. Mai soạn từ trong đống kiện hàng ra cơ man quần áo người lớn, quần áo trẻ con...Mai có vẻ kỳ vọng lắm. Nhìn hình bóng gầy gò khắc khổ của Mai, Thanh thương cô. Bất chợt Thanh đi nhanh ra cổng. Anh nhìn xuyên qua đoạn hẻm nhỏ hẹp chỉ một người len qua vừa, bên ngoài kia là đường lớn. Những căn nhà mặt tiền cao rộng vẫn phát ra ánh sáng lung linh. Sau lưng anh, dãy trọ vẫn rục rịch tiếng càu nhàu, mùi khói thuốc, mùi nước la hán quả và tiếng karaoke chói tai phát ra từ một căn phòng ẩm mốc... Nhưng anh tin rằng, ngày mai của vợ chồng anh sẽ tươi sáng như những gì lấp lánh ngoài kia.

  Mai lọt thỏm giữa chợ đêm. Ánh sáng phát ra từ những ngọn đèn chữ U chiếu sáng cả một quãng phố. Ở chợ đêm toàn những người như Mai. Ban ngày họ làm việc gì không rõ nhưng ban đêm đều tụ họp bán tất cả mọi thứ trên đời. Mai trải một tấm manh mỏng sạch xuống vỉa hè, bày ra những loại áo quần giá rẻ. Chợ đêm đông đúc. Từng nhóm người vây lấy Mai chọn lấy những bộ quần áo đủ màu. Cầm những đồng tiền đầu tiên trong tay, mắt Mai rưng rưng. Từ nay cô lại có thêm một nguồn thu nhập, có thêm chút hi vọng để bồi đắp vào mơ ước của mình. Trong lúc đó, Thanh cũng đang lúi húi sửa chiếc máy lạnh đầy bụi cũ mèm trong một chung cư. Mồ hôi trên trán anh đổ ròng ròng nhưng anh lại nở nụ cười mãn nguyện. Từng dòng người vẫn thay nhau ghé lại chọn mua đồ. Mai cẩn thận cất những đồng tiền vừa bán được vào túi mình. Cho đến khi chợ đêm đã vãn, những ngọn đèn chữ U vẫn cứ sáng lóa chờ đợi những người khách cuối cùng

   Hai vợ chồng chạy song song trên đường phố. Mai chở thằng bé con. Thanh và mớ quần áo lỉnh kỉnh còn sót lại cùng chất lên con xe nom cồng kềnh và quá khổ. Trên đường về, Mai luyên thuyên nói chuyện. Cô kể về những người khách, kể những chuyện huyên náo ở chợ đêm. Chưa khi nào Thanh thấy Mai vui đến thế. Anh say sưa nghe tiếng Mai hồ hởi. Thằng bé con cũng đang ôm lưng mẹ và lắng nghe những lời nó chưa hiểu gì. Đường đêm vắng vẻ. Những cơn gió ở đâu lùa qua mang theo hơi sương. Đêm không còn dài. Những ngôi sao trên trời bỗng như lấp lánh, chiếu rọi xuống con phố nhỏ có hai vợ chồng đang chạy bon bon, ấp ủ trong tim mơ ước lớn lao giữa đêm đô thị.

                                                                                          H.A.L

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 75
Trong tuần: 754
Lượt truy cập: 440000
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.