Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
1234
2345
4567
3456
5678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

ĐẠI HỘI CỤM 1

ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ XI KHU VỰC CÁC TỈNH PHÍA BẮC (CỤM I)

   Ngày 21 tháng 12 năm 2024, tại thành phố Thái Nguyên, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1) để tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đại hội đã góp ý báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới của Hội Nhà văn Việt Nam và bầu đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc dự kiến tổ chức vào tháng 4-2025.

  Bà Dương Dương Hảo – Chánh Văn phòng Hội đảm nhận cương vị MC dẫn chương trình.

 Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội gồm các nhà văn: Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Việt Trung (Thái Nguyên) Hà Lâm Kỳ (Yên Bái) và Vũ Quốc Khánh (Phú Thọ). Thư ký đoàn gồm các nhà văn Hồng Cư và Hoàng Chiến Thắng.

 Chúng tôi xin tường thuật giản lược hình ảnh Đại hội này!

 Mở đầu nhà thơ Lê Va – Trưởng Ban Kiểm tra tư cách hội viên đọc bản Báo cáo Kiểm tra

Tiếp nối Nhà văn Vũ Quốc Khánh thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo dự thảo Đại hội XI của Ban sạn tháo Hội Nhà văn.

 Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2020-2025, văn học Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển động theo chiều hướng đa dạng hơn, quyết liệt hơn và chủ động hơn. Sự đa dạng không chỉ dừng lại ở nội dung mà trong cả hình thức biểu đạt. Điều nhận ra trước tiên là các nhà văn không nề hà, lảng tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào.

Văn học đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống.

Văn học cũng tập trung đề cao, tôn vinh những giá trị nhân văn, tinh thần dân chủ, lòng tự tôn và tự tin dân tộc. Những tác phẩm sáng tác đã chú trọng nhiều hơn đến chức năng phản biện, cảnh tỉnh trước sự biến chuyển đa chiều của xã hội, chỉ ra những nguy cơ đối với tâm hồn, phẩm giá con người. Cùng mạch tiếp nối về đề tài lịch sử, 5 năm qua, sự xuất hiện của thể loại hồi ức, hồi ký và ký ức chiến tranh có thể coi là hiện tượng đáng lưu tâm…

Hệ thống giải hàng năm của Hội đã được bổ sung thêm giải văn học thiếu nhi và giải thưởng tác giả trẻ. Hội cũng đã mở rộng giao lưu quốc tế, ký kết hợp tác, đẩy mạnh dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới; tổ chức hội nghị và lễ tôn vinh nhà văn lão thành; triển khai dự án sách miễn phí, đưa gần 10 vạn sách đến với trẻ em vùng sâu, miền núi….

Đồng thời, các cơ quan cấp 2 của Hội là Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Bảo tàng Văn học Việt Nam, NXB Hội nhà văn, Vanvn.vn, Trung tâm Bảo vệ tác quyền… có nhiều đổi mới trong hoạt động, bắt kịp xu hướng thời đại, giới thiệu tác phẩm của hội viên.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế còn tồn tại để khắc phục trong nhiệm kỳ mới: Chưa có nhiều tác phẩm thực sự tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội; việc phát hiện và tôn vinh tác phẩm giá trị đôi lúc còn chưa kịp thời; các cơ quan cấp 2 của Hội còn lúng túng trong quy hoạch nhân sự, kéo dài nhiều năm…

 

Phát biểu chào mừng đại hội, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đánh giá cao những đóng góp của các nhà văn Việt Nam tại khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung và các nhà văn Thái Nguyên nói riêng. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thái Nguyên luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật. Đến với Thái Nguyên dịp này hy vọng các nhà văn sẽ có những trải nghiệm thú vị đối với mảnh đất tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, thân thiện…

Trong phần thảo luận có ý kiến phát biểu của các nhà văn: Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thúy Quỳnh; Hà Phạm Phú; Hoàng Quảng Uyên và Đỗ Thị Tấc.

Các ý kiến đề cập một số nội dung: Tăng cường công tác lý luận phê bình để định hướng thẩm mỹ cho độc giả; đẩy mạnh quan hệ quốc tế; việc quảng bá tác phẩm văn học ra quốc tế cần có sự quản lý, tăng cường quảng bá những tác phẩm có chất lượng; Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm đầu tư sáng tác cho hội viên, cần có kế hoạch tổ chức đi thực tế sáng tác đồng đều cho hội viên các vùng miền; Đội ngũ nhà văn Việt Nam cần thêm những người viết văn trẻ, có kế hoạch bồi dưỡng, thu hút các cây bút trẻ; việc tổ chức sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Hội tinh gọn, hiệu quả…

  Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hoan nghênh những ý kiến chân thành, trung thực góp ý cho Ban Chấp hành Hội và cá nhân Chủ tịch nhiệm kỳ qua cũng như nhiệm kỳ tới hoạt động ngày càng tốt hơn vì lợi ích của hội viên. Ông cũng cho biết, tiến tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI, trang Vanvn.vn đã mở diễn đàn “Ý kiến hội viên” cho các nhà văn hội viên cả nước đóng góp ý kiến. Lãnh đạo Hội không viết thay các nhà văn, mà trong khả năng chỉ có thể kết nối, tạo điều kiện, tiếp thêm động lực sáng tác. Văn chương là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đến tầm cao mới, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới…

   Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI và bầu 42 đại biểu tham dự Đại Hội Nhà văn toàn quốc lần thứ XI.

  (Nguồn theo tin tức của BL/VanVn.vn)


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 101
Trong tuần: 903
Lượt truy cập: 460198
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.