Lê Vạn Quỳnh
CUỐI ĐƯỜNG KHUẤT GIÓ
Cái hồi đang thích lập ngôn, tôi đã có một câu nói mà ngay sau đó trở thành đầu đề đàm tiếu của bạn bè, đồng nghiệp. Bây giờ mỗi lúc nghĩ lại, mặt cứ ngượng chín, chỉ muốn độn thổ tắp lự. Vâng! Tôi đã từng lập ngôn: “Tiền đối với tôi chưa bao giờ là cái thứ nhất nhưng cũng không bao giờ là cái thứ hai”. Vạ miệng. Tiếng ẩm ương để đời. Vài lần đã cầu thị thưa với mọi người, câu nói đó của tôi là rất lẩn thẩn, rất nhắng nhít bốc đồng, hãy đại xá mở lượng hải hà bỏ qua, coi như chưa bao giờ có nó. Vậy mà chiều nay, Đô, người bạn thân nhất của tôi vừa bước vào nhà làm khách đã tếu táo hỏi: “Độ này tiền là thứ mấy, giáo Viễn?”. Nếu như vài năm trước, hẳn tôi đã nổi nóng với cậu ta nhưng nay nghe câu tếu táo đó thì tôi cảm thấy xấu hổ, thứ xấu hổ có pha sám hối, ngượng ngùng nên đành im lặng. Xem ra Đô vẫn cứ cười ruồi nhìn nhìn như muốn có lời đáp nên tôi đành nói: “Tiền là thứ với bạc!”. Đô: “Bạc trong trường hợp nào? Bạc nén hay bạc tình bạc nghĩa?”. Tôi giật mình nghi ngờ nhìn Đô hỏi: “Sao Đô truy tớ ghê thế? Có kẻ nào đã lợi dụng chuyện tiền bạc nói xấu, bôi nhọ tớ à?”. Đô cười ngất: “Thanh kiểm tra giáo Viễn cho vui tí thôi, chứ đứa nào đụng đến ông, tôi đấm bỏ mẹ liền”.
Câu nói khẩu khí võ biền của Đô khiến tôi phì cười, vì Đô nhỏ con, người gầy, vai nhô có cạnh trong cái áo cộc tay hai túi mác Inđô (Indonesia) rằn ri rộng thênh, sức vóc không đủ để dám chạy xe máy ra đường. Đô chơi với tôi đã lâu, tính tình cậu ta hài hước, rất lợi khẩu báng bổ nói tỉ, nói móc nhưng luôn hết lòng vì bạn bè, và cái đầu thông minh của hắn đúng là đấm bỏ mẹ nhiều anh vóc dáng cao lớn kềnh càng nhiễu sự ta đây. Tôi khui chai rượu Bàu đá đãi Đô, Đô lại hỏi tỉ: “Rượu này có bạc có vô tình không?”. “Yên tâm, đây là rượu tình nghĩa thứ thiệt, nào ta trăm phần trăm đi!”
Đô và tôi uống thêm li nữa rồi hắn nhìn chằm chằm bằng ánh mắt đầy nghi ngờ thóc mách hỏi tôi: “Hình như giáo Viễn đang trăn trở điều gì mất ăn mất ngủ phải không?”. Tôi chối. Đô tiếp tục truy: “Nhìn cậu thấy đang có sự dữ lắm nhưng mới là tự giằng xé tâm tư thôi chứ chưa đến mức phải che chắn ngoại lực. Không qua được mặt thằng Đô này đâu!”.
Biết là không thể qua được mặt thằng bạn ma xó nghĩa hiệp nên tôi đành phải thú.
*
Cách đây hai tháng tôi làm chủ tịch một hội đồng thi tuyển năng khiếu. Nói là hội đồng để cho ra vẻ khâu oai thôi chứ thực ra chỉ là một nhóm chấm thi ba người. Nhóm làm việc theo quy chế hội đồng có nhiệm vụ chấm điểm tốt nghiệp hệ Cao đẳng cho các sinh viên chuyên khoa Mỹ thuật tạo hình để các em học lên hệ Đại học. Tôi còn nghe phong thanh có tin, khóa tốt nghiệp mới này, sinh viên nào đỗ thủ khoa sẽ được cấp học bổng gửi lên một học viện Mỹ thuật nổi tiếng tại Hà Nội đào tạo chiều sâu, sau một năm dự bị, nếu giỏi, có ngoại ngữ tốt sẽ được đi du học bằng ngân sách nhà nước tại Pháp hoặc Nga. Buổi tối trước ngày chấm thi, một cán bộ của văn phòng trường tên là Si đến nhà riêng của tôi biếu túi quà có chai rượu Tây, nói là rượu xách tay, người anh ruột ông ta mang từ nước ngoài về. Tôi biết ông Si là thủ túc tâm phúc của ông hiệu trưởng và có con trai đang là sinh viên được tôi hướng dẫn tốt nghiệp. Cứ nghĩ đó là sự tạ công đèn thầy của phụ huynh nên tôi nhận quà và cảm ơn lại. Mặc dù hơn tôi đến nửa giáp nhưng vị phụ huynh tên Si, một lời thưa, hai lời dạ, xưng em ngọt xớt và luôn hết lời khen tôi dạy giỏi, có nhiều học trò thành đạt. Ông ta rất lấy làm may mắn được gửi gắm đứa con trai đầu nhờ tôi khai tâm. Ông Si về được một lúc thì một vị yếu nhân trong ban giám hiệu điện thoại cho tôi, nói là với tình nghĩa đồng nghiệp cùng trường, tôi nên cố gắng bằng mọi cách giúp trường hợp con trai ông Si đỗ thủ khoa về môn thi “Sáng tác tranh tượng”, môn chủ đạo để khẳng định sinh viên có khả năng về nghệ thuât tạo hình hay không. Tôi chỉ chừng mực đáp, sẽ lưu tâm và ngay sau đó cảnh giác mở túi quà có chai rượu Tây ra xem. Tôi giật bắn mình vì thấy cái phong bì dầy có in logo của một ngân hàng thương hiệu. Lại càng choáng hơn khi mở ra toàn thấy đô la. Tôi đếm chúng mà cứ lẩy bẩy run. Tất cả là hai mươi tờ, loại 100 USD! Sửng sốt đến mức sợ hãi, tôi vội giở cuốn danh bạ nội bộ tìm số, điện thoại cho vị phụ huynh vừa tặng quà. Vị khách có tên Si một mực nói, công thầy như núi cao bể lớn, chút thịnh tình đó có thấm thía vào đâu. Rồi ông còn bật mí đang ngồi hầu chuyện vị yếu nhân trong ban giám hiệu đã dẫn lối ông đến với tôi...
Đã nhiều lần làm chủ tịch hội đồng kiểu này, bao giờ vào cuộc tôi cũng nói câu xã giao với các thành viên, mục tiêu cao nhất phải tìm cho ra ít nhất năm sinh viên có năng khiếu thực sự tốp đầu để giữ uy tín cho hội đồng, các trường hợp kiến thức và năng khiếu tầm tầm, nếu có chiếu cố theo diện gửi gắp thì chỉ được xếp sau thứ mười. Nhưng lần này, tôi ngượng miệng vì đã trót ngậm hai ngàn đô rồi nên không thể nói ra được câu đó mà phi lộ bằng cách chúc mọi người sức khỏe, sáng suốt và mãn nguyện trong mấy ngày chấm thi.
Thời gian làm việc của hội đồng là hai ngày. Buổi sáng ngày chấm đầu tiên tương đối suôn sẻ nhưng chưa chọn được sinh viên nào vào khung tốp năm người. Sang buổi chiều chất lượng các tranh tượng có tốt hơn và có hai trường hợp bị bàn luận nhiều đến mức tranh cãi, khó đi đến nhất trí cao. Đó là sinh viên Sự, con trai vị phụ huynh đã tặng quà tôi và Hàn cũng là một sinh viên được tôi hướng dẫn tốt nghiệp. Công bằng mà nói hai bài thi đều có yếu tố sáng tạo nhưng phác thảo cụm tượng Đón ngày mới của sinh viên Hàn có cách thể hiện độc đáo, gợi mở hơn bức tranh tĩnh vật Thiếu nữ chờ trăng lên của Sự. Song, qua cách phát biểu thẩm định, tôi thấy thầy Kế dạy môn Lịch sử Mỹ thuật tạo hình đánh giá bài của Hàn thấp hơn hẳn bài của Sự đến mấy bậc, chưa kể, theo thầy, trong bài còn có yếu tố ngông ngạo làm hàng, ngược lại thầy Văn dạy môn Lý luận Hội họa hậu hiện đại coi bức tranh của sinh viên Sự chỉ có chất lượng trung bình khá nếu có chiếu cố thì phải xếp chót top 10 hoặc ở đầu nhóm từ 10 đến 15. Thầy Văn khẳng định, phác thảo cụm tượng của em Hàn mới mẻ trong cấu trúc chủ đề, phong cách nghệ thuật có yếu tố ảo diệu cuốn hút thể hiện cậu ta có năng lực tưởng tượng, đó là bài thi tốt nhất trong ngày chấm đầu tiên. Tranh luận gay go. Cứ như cách bảo vệ quyết liệt của thầy Kế, tôi ngầm hiểu, chắc phụ huynh em Sự cũng đã có lời với thầy cùng với món quà ngang ngửa như món quà tôi đã được biếu. Tôi phát biểu với tư cách là giáo viên hướng dẫn tốt nghiệp, đánh giá cả hai bài thi đều có ưu điểm và nhược điểm rồi đưa ra cách giải quyết cho điểm bằng việc bỏ phiếu kín để đảm bảo tính khách quan về thẩm định năng khiếu của hai sinh viên, Sự và Hàn. Mọi người có vẻ đồng ý. Một quy chế bỏ phiếu kín được cả ba người thông qua ngay. Theo đó, mỗi người viết điểm số vào tờ giấy, ký tên để tỏ rõ vai trò trách nhiệm. Cô thư ký hội đồng thi kiểm phiếu và báo cáo kết quả trước cả ba người. Thầy Kế nhận phiếu đi ra gần cửa sổ viết rồi quay vào bỏ luôn. Tôi thấy thầy Văn đăm chiêu suy nghĩ một lúc lâu rồi mới cho điểm và bỏ phiếu. Tôi là người bỏ phiếu cuối cùng. Cô thư thư ký kiểm và báo cáo, sinh viên Sự được 27 điểm (10; 9 và 8), sinh viên Hàn được 25,5 điểm (9,5; 8,5 và 7,5). Kết thúc hai ngày chấm thi, không có kết quả nào vượt được mốc 27 và 25,5 nên Sự và Hàn, người đỗ Thủ khoa, người đỗ Á khoa của lớp năng khiếu. Tất cả hội đồng chấm thi đều nhất trí kỳ chấm thi đã được một kết quả mong muốn và khách quan. Bản thân thầy Văn cũng vỗ tay sau khi tôi kết luận và đọc biên bản. Lúc công bố điểm thi cho các sinh viên tốt nghiệp, khi nêu danh sinh viên Sự đỗ ngôi Thủ khoa, trong phòng bật lên mấy tiếng huýt sáo nhưng rồi cũng có một tràng vỗ tay không ngắn, không dài.
Buổi liên hoan sau đó như thông lệ diễn ra ở nhà hàng nổi trên một hồ sen lớn ở ngoại vi thành phố tỉnh lỵ. Chúc tụng. Ca hát. Phát biểu nồng ấm lời tri ân của các trò đối với thầy cô trong khóa học Cao đẳng...
Lúc chia tay, có hai nữ sinh là Liên Ánh và Ngọc Kim cứ muốn được tháp tùng tôi về tận nhà. Hai em này đỗ thứ tư và thứ năm, chắc chắn được chọn vào học trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật trong tỉnh. Dọc đường, sau những ríu rít về niềm vui được tốt nghiệp và ân nghĩa thầy trò, bỗng cô Liên Ánh hỏi tôi: “Thưa thầy chúng em nghe nói, trong chấm thi tốt nghiệp, thầy hướng dẫn bao giờ cũng bảo vệ sinh viên được mình dẫn dắt hơn thầy phản biện phải không ạ?”. Tôi chợt ớn gáy nhưng nói luôn, thông thường là thế và ngoặc thêm mấy từ, cũng còn phụ thuộc vào gu của từng người. Hai cô liền chuyển sang đề tài khác, rất muốn sau này khi học lên tiếp vẫn còn nhận được sự dạy dỗ bằng kiến thức và tài liệu của tôi. Tất nhiên là tôi oke và chúc các em thành đạt trong tương lai.
Chia tay hai nữ sinh ở cổng, tôi vừa vào đến phòng khách thì có điện thoại của ông Si, phụ huynh em Sự gọi đến nhiệt liệt cảm ơn tôi đã giúp đỡ con trai ông hết lòng, đạt ngôi thủ khoa. Tôi nói câu xã giao, đó là thực lực năng khiếu của em Sự, tôi và hội đồng chỉ khách quan ghi nhận kết quả tốt đẹp mà thôi. Ông Si mời tôi và thầy Kế chiều hôm sau, ngày nghỉ cuối tuần đi liên hoan ngoài thị xã nghỉ mát nhưng tôi từ chối.
Cúp máy xong, câu hỏi của nữ sinh Liên Ánh khiến tôi hoang hoải hoài nghi. Tôi bấm máy gọi cho Liên Ánh hỏi dò. Cô gái này đã kể khá chi tiết, chả biết do từ đâu ra mà dư luận trong sinh viên của lớp tốt nghiệp đã biết tôi cho em Hàn điểm 8,5, trong khi đó thầy Văn phản biện lại cho đến 9,5 điểm. Hóa ra tôi đã không bảo vệ sinh viên hướng dẫn của mình mà còn đánh tụt đến một điểm so với thầy phản biện. Liên Ánh cho biết thế nhưng liền trấn an tôi, dư luận bao giờ cũng chỉ là dư luận mà thôi, còn cô và các bạn trong lớp tốt nghiệp chẳng bao giờ tin có chuyện đó. Tôi xấu hổ nhưng cũng phải nói câu thể diện, tôi đã làm việc khách quan, tình cảm của tôi dành cho lớp năng khiếu, ai cũng như ai. Liên Ánh khẳng định, điều đó tất cả sinh viên trong lớp tôi chủ nhiệm đều đã cảm nhận được, Liên Ánh còn nói thêm, cô và phần đông sinh viên trong trường luôn thần tượng tôi. Rồi cô xúc động hát: Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh. Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi...
Xấu hổ! Chưa bao giờ tôi xấu hổ trước câu hát của học trò khen tặng mình và giới mình đến thế. Tôi xấu hổ vì đã đánh mất lương tâm. Đúng là tôi đã cho em Hàn điểm 8,5 và cứ nghĩ thầy Văn, một người nổi tiếng chặt chẽ cũng chỉ cho em Hàn chừng ấy, bởi ai được điểm 9 của thầy Văn là phải cực giỏi giang, độc đáo. Tôi buộc trí não mình phải nhớ lại bức phác thảo cụm tượng Đón ngày mới của em Hàn, không những thế, tôi còn lục bài thuyết trình báo cáo tốt nghiệp của sinh viên Hàn trong tập bài của cả lớp mà tôi đã cẩn thận lưu trữ, đọc lại. Đúng là tác phẩm của Hàn có yếu tố mới mẻ, hàm chứa nhiều thông điệp, còn ngôn ngữ Mỹ thuật tạo hình thì mới cá tính, mới đời làm sao. Tôi xấu hổ! Tôi là một người thầy không những đánh mất lương tâm mà còn đánh mất cả tư cách làm người, làm thầy. Nén bạc hai ngàn đô và cú phôn của vị yếu nhân trong trường đã đâm toạc tờ giấy hồng điều bấy lâu nay phủ bọc ngôi vị thầy giáo chủ nhiệm, thầy giáo hướng dẫn khai tâm, thầy giáo - chủ tịch hội đồng giám khảo các kỳ thi năng khiếu là tôi. Đêm đó tôi đã không ngủ dù hai ngày chấm thi căng thẳng và bữa liên hoan phải luôn quá chén với sự chúc tụng của các đồng nghiệp, của các học trò sinh viên tốt nghiệp. Mất ngủ, trăn trở và tôi đâm giận ai đó trong hội đồng đã đưa tin này ra ngoài. Ai? Đương nhiên là không phải tôi! Ai? Kẻ đó đã vi phạm quy ước đã thỏa thuận nội bộ trước khi bỏ phiếu kín trường hợp khẳng định kết quả bài thi của em Sự và em Hàn. Ai? Càng đặt câu hỏi, tôi càng thấy ấm ức.
Sáng hôm sau, dù mất trắng một đêm không chợp mắt, tôi vẫn giữ thói quen tập thể dục, tắm táp và ăn sáng. Định sau đó, uống mấy viên an thần, đặt tất cả hoài nghi và sám hối cùng bực tức vào đáy đôi giầy và ngủ bù một giấc như cách nói của người Đức thì em Hàn và phụ huynh đến.
Lúc mở cổng, tôi hơi lo nhưng thấy phụ huynh em Hàn có vẻ mặt đầy thiện cảm và nói năng cung kính phép tắc, còn em thì cười tươi trầm trồ khen những khóm hoa sen hàm tiếu trong cái bể cạn kê ở sân nên tôi tạm yên lòng mời hai người vào nhà. Phụ huynh em Hàn là chuyên viên văn hóa nghệ thuật dân gian của một phòng văn hóa cấp huyện đã hưu. Ông rất lấy làm xúc động tặng tôi một chữ thư pháp, là chữ TÂM, tự dạng quốc ngữ, nét chữ thực tài hoa do chính ông thủ bút và một chai rượu Bàu đá ông mua trong đợt đi hội thảo chuyên đề Văn học dân gian toàn quốc tại đền thờ đức Hoàng đế Quang Trung ở huyện Tây Sơn, Bình Định. Ông rủ rỉ rành rọt nói lời cảm ơn tôi đã dìu dắt con trai ông có được thành tích thi tốt nghiệp môn năng khiếu đỗ thứ nhì của lớp. Cậu Hàn tặng tôi cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn nổi tiếng người Ý, Ermondo De Amicis cùng với dòng chữ đề tặng chân phương: “Suốt đời con không quên công lao dạy dỗ của thầy. Con mãi mãi là học trò của thầy. Kỷ niệm kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật. Con, Hàn”...
Đô dừng câu chuyện của tôi bằng cách cầm chai rượu Bàu đá lên hỏi: “Đây chính là chai rượu tình nghĩa phải không?”. Tôi gật đầu. Đô rót thêm vào chén cho cả hai, ghé mũi hít nhẹ vào miệng lọ sứ mầu men ngọc xanh lam, khen hương vị khó lẫn rồi nói kiểu xuê xoa: “Dù sao thì cái cậu sinh viên tên Hàn ấy cũng đã đỗ Á khoa. Viễn đã không để lọt nhân tài là được rồi. Lương tâm thức tỉnh và sám hối đến thế cũng đáng mặt quân tử, chứ nhiều thằng mồm thì vẫn ăn phằm phặp mà mặt cứ nghếnh lên ra vẻ ta đây đạo mạo thanh liêm bố tướng. Tớ đã có lần văng vào mặt một thằng kiểu đó khiến hắn phải trí trá mượn một câu ca dao trại ra để tự thú nhận bản tướng: “Người ta quân tử nhất ngôn. Em đây quân tử sờ l... hai tay, bác ạ”. Thôi, ta cạn li chuyển sang câu chuyện khác cho đỡ nặng nề!”. “Không, vẫn chưa hết, chưa hết đâu. Cái thứ mà Đô nói là giằng xé nội tâm mới chỉ là mào đầu! Giờ mới là lúc nhọc. Nhọc và nhục nữa!”. “Thế kia ư?”. Tôi gật đầu và tiếp câu chuyện: “Ông Học viện Mỹ thuật trên Hà Nội năm nay đổi món, ông ấy cho bốn chuyên gia nghệ thuật tạo hình hàng đầu xuống phúc khảo top năm sinh viên đỗ đầu, kết quả là cậu Hàn đỗ cao nhất, cậu Sự rơi xuống chót bảng. Thế có ôi và nhục cho cái hội đồng ba người của tớ không chứ?”. Đô nói chen: “Có thể gu trên đó chênh với gu của các ông?”. Suýt nữa thì tôi gật đầu nhưng kịp dừng lại, đầu óc trở nên bấn loạn. Tôi phải thú nhận là hội đồng của học viện chấm tương đối chuẩn, ba sinh viên điểm số đứng sau cậu Hàn hợp với sự đánh giá của chúng tôi, họ đã được đôn lên một bậc do cậu Sự bị hạ xuống vị trí cuối cùng. Đô nói vuốt đuôi như an ủi tôi: “Thế là hội đồng trường tỉnh của các cậu trình độ cũng ngang ngửa hội đồng học viện Mỹ thuật trung ương!”. Tôi lắc đầu: “Ngang với ngửa cái nỗi gì? Nhầm ngôi Thủ khoa là vứt, đã thế lại nhầm đến năm bậc, giá cậu Sự được cái ngôi Á khoa thì cũng còn có bát nước cặn rửa nhục!”. Đô đi thẳng vào vấn đề, chẳng hề kiêng nể gì: “Nó hỏng từ khi cậu nhận hai ngàn và cú điện thoại của yếu nhân kia. Thôi, sám hối được như thế cũng đáng tầm cao thanh thản rồi. Cứ đổ tất cho thời buổi, hàng trăm thằng trước ta đã làm thế, sau ta sẽ còn hơn trăm thằng khác nữa là ok viết hoa và vô can!”. “Không vô can được!”. “Sao, vẫn day dứt đến thế kia à?”. “Đòi lại tiền!”. “Đã tiêu pha gì chưa?”. “Vẫn còn nghiêm, có bóc ra xem nhưng đã dán lại nguyên đai, nguyên kiện!”. “Thế thì trả béng cho xong rồi Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé!”. “Trả cũng khó vì liên quan đến người khác!”. “Ai?”. Đáp lại Đô, tôi kể, người liên quan là thầy Kế, dạy môn Lịch sử Mỹ thuật, thành viên hội đồng. Thầy Kế được hối một ngàn rưỡi đô nhưng đã tiêu xoẳn cho một việc cần kíp, không có để trả lại, thầy hết sức phẫn nộ với thói lật lọng của phụ huynh cậu Sự... Đô ngăn tôi lại, hỏi: “Hội đồng của các cậu đã cho sinh viên Sự đỗ Thủ khoa, thế là đã cưa đứt đục suốt, ăn bánh trả tiền, có lý gì mà phụ huynh cậu ta đòi lại?”. Tôi đáp: “Lý cùn! Ông ta bảo, tôi đã không đi đến cùng. Lẽ ra khi Học viện Mỹ thuật trên Hà Nội xuống chấm phúc khảo, tôi phải bám chặt, phải hoa tiêu kịp thời từng công đoạn để ông ta chạy... Nhưng cùn nhất là ông ta đòi mình phải hoàn tại văn phòng của mình ở trường mới điên chứ”. “Đúng là lý cùn!- Đô bực tức thốt lên và nói tiếp - Gã chơi lý cùn thì cậu cũng phải cùn cho tớ...”
Phụ huynh em Sự lại gọi điện đến đòi hoàn chỗ hai ngàn. Vẫn như lần trước, tôi mời ông đến lấy tại nhà tôi, còn ông ta thì muốn tôi giao tại phòng làm việc của tôi ở trường. Ông ta còn nói thêm, hôm nay ngày nghỉ không có ai đến trường đâu mà tôi phải sợ.
Tôi đáp, tôi không hề sợ bất cứ điều gì, tiền ông ta tự mang đến nhà tôi, giờ muốn lấy lại thì cũng phải đến nhà tôi mà lấy. Ông ta nói lời căng thẳng, tôi cũng căng thẳng đáp lại một cách dứt khoát, là sẽ đem hai ngàn đó đến nhà vị yếu nhân từng gọi phôn nhờ chuyển. Ông ta cuống lên vội rối rít xin lỗi và thẽ thọt đề nghị tôi: “Vâng, thầy chủ nhiệm bận thì chiếu cố cho em được nhận hoàn tại nhà cũng là rất may mắn đấy ạ. Dạ! Em xin đến ngay!”. Tôi tắt máy. Kể lại cho Đô nội dung cuộc đàm thoại vừa rồi. Đô cười bảo, thế là con cáo đã liều mình chui vào cũi sắt rồi, không sợ.
Chuông cổng reo. Tôi định đi ra thì Đô nói nhỏ: “Chắc là kẻ nhiễu sự đến đấy! Tớ tạm tránh để cậu tự nhiên xử lý. Có khó khăn bế tắc là tớ sẽ ra ứng cứu ngay”. Tôi gật đầu đi ra, đúng là ông Si sau đó đến thật. Chắc ông ta đứng gần chỗ nhà tôi gọi điện, chứ không thể nào từ trường mà đến nhanh như thế được.
Ông Si thớ lợ hỏi thăm sức khỏe tôi, hỏi xong thì khen tôi dạo này khỏe ra một cách bất ngờ, đặc biêt là nước da rất sáng. Tôi gượng cười nói lời cảm ơn và mời ông ta vào nhà. Nhìn thấy chai Bàu đá, ông Si nức nở khen, cầm hẳn lên gật gù ngắm nghía. Tôi mở ngăn kéo lấy cái phong bì có logo ngân hàng thương hiệu ra. Ông khách bất đắc dĩ vừa nhìn thấy tia mắt đã phụt lóe như lưỡi con dao sắc ngọt chém vạt vào nước. Tôi đưa cái bì tiền cho ông Si và yêu cầu đếm lại. Ông Si ngó kỹ các góc phong bì hỏi: “Dạ thưa, thầy chưa mở ạ?”. “Mở rồi, đếm rồi thì hôm trước mới gọi ngay cho bác chứ. Tôi chưa dùng vào việc gì cả nên dán lại như cũ!”. “Quí hóa quá, thầy giáo thật là thanh liêm. Thôi, thầy thứ cho cho em việc đếm lại, tin nhau là chính thầy ạ!”. “Càng tin càng phải đếm lại!”. “Thôi mà thầy, em đang chút việc bận phải đi gấp ạ.”. “Bận cũng không mất mấy nỗi, bác phải đếm lại”. “Thầy giáo cương quá hay thầy lắp camera quay.?”.
“Đúng, có camera là tôi đây!”. Đô chợt xuất hiện, tay cầm theo tờ giấy trắng và cái bút bi. Đô hất hàm lạnh lùng nói tiếp với ông khách đang đòi hoàn tiền: “Lần trước ông mang tiền đi hối lộ, lần này đi đòi hoàn của hối lộ, việc trước xấu một, lần này xấu mười, lần trước là bản tính chui lủi đắc lợi, lần này là ngông nghênh tráo trở phản phúc giữa thanh thiên bạch nhật. Xấu. Đểu trên cỡ lưu manh hạng siêu. Vì thế muốn được hoàn tiền phải đếm và ghi rõ tên tuổi ngày giờ hoàn vào tờ giấy này. Nếu không thế hậu họa sẽ khôn lường!”. Ông khách tái mặt lắp bắp: “Ông này là ai? Thầy chủ nhiệm chơi em đau quá!”. Tôi chưa kịp nói thì Đô dồn tiếp: “Ông nói câu nào là đổ lỗi cho người khác câu đó. Mở phong bì, đếm tiền và viết các yêu cầu vừa rồi vào đây!”. Ông khách hoàn toàn mất hết thần sắc, ông ngồi như khụy xuống và lóng ngóng mở phong bì. Ông ta nghé mắt, tay đếm qua loa miệng nói đủ nhưng Đô liền nghiêm giọng: “Chuyện tiền nong không được cẩu thả, ông hãy lấy hết ra đếm kỹ từng tờ!”. Cách nói và ánh mắt sắc lạnh của Đô nhìn ông Si khiến ông ta bị át hết cả vía vung. Tôi cũng thấy rờn rợn. Đúng là con người ta hơn nhau ở chí khí. Cái chí khí đang phát tiết của Đô khiến cậu ta áp đảo chí mạng tinh thần ông Si. Tôi thấy thương hại định nói câu xuê xoa nhưng Đô liền giục gấp: “Ông nói đang bận thì khẩn trương kẻo nhỡ việc! Khẩn trương!”. Lần này thì ông khách đếm cẩn thận từng tờ, thậm chí có lúc nghi ngờ ông ta miết tay vào mặt đô la như thể kiểm chứng thật rởm. Sau đó, ông dồn tiền vào phong bì như cũ rồi nhăn nhở cười như lúc mới đến, xin lui nhưng Đô chìa tờ giấy và cây bút bắt ông ta ghi đầy đủ các yêu cầu, ký và viết rõ họ tên. Làm xong công việc bị o ép đó và còn phải chờ cho tôi đọc xong, chờ cho Đô thanh kiểm tra lại, ông ta mới hằm hằm hỏi Đô: “Ông là ai mà ác ôn thế hả?”. “Là dân! Bây giờ thì dân mời chủ nhà tiễn khách gấp!”.
Để ông khách bất đắc dĩ không bị bẽ bàng thêm, tôi đi nhanh ra ngoài, ông ta vội bám theo, nói thêm vài câu nhạt phèo đầu lưỡi rồi dắt xe biến ra đường. Tôi như người quẳng được gánh nặng xú uế ở chỗ đường cuối gió, quay vào nhà, hai tay nắm vào cái vai gầy nhô xương, khen dân Đô: “Ông đã đấm bỏ mẹ giúp tôi một gã xỏ lá. Nói thật, nhìn cách ông áp đảo gã, tôi mới thấy hết cái chí khí hào kiệt hiếm có của ông! Cám ơn, cám ơn!”.
Đô phẩy tay như bảo tôi dừng ngay kiểu nói ơn huệ sáo bã lại. Rồi hắn rủ tôi ra chùa ở sát hồ sen ngoại vi hóng mát gió nồm và thưởng trà sen với sư cụ trụ trì.
Dọc đường tôi có điện thoại của thầy Kế gọi, thầy Kế bức xúc bảo, gã Si đã đến đòi hoàn tiền nhưng thầy đuổi thẳng và chấp nhận cuộc đấu tay bo, nếu như gã còn gây sự tiếp. Thầy Kế đề nghị tôi đồng minh cùng chiến tuyến với thầy. Tôi đành ậm ừ để thầy Kế yên lòng tích mưu hun đúc chí khí cho cuộc tay bo và dấu nhẹm chuyện tôi đã hoàn hai ngàn cho gã Si. Không biết nghe thủng cuộc đàm thoại được đến đâu mà Đô cười ngất vỗ vai tôi, bảo: “Hóa ra giáo Viễn có lý, tiền không là cái thứ nhất nhưng cũng không bao giờ là cái thứ hai. Nghe lằng nhằng phát ứ lỗ tai nhưng mà minh triết ra phết! Hay! Hay!”.
L.V.Q
Người gửi / điện thoại