Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHUYẾN TÀU ĐÊM BA MƯƠI

Đỗ Bảo Châu

CHUYẾN TÀU ĐÊM BA MƯƠI

    Đồng rót hai chén rượu, đặt một chén trước mặt Thạch: - Nào, “ngài” đại úy! Ổn rồi chứ hả? Mà sao năm nào cậu cũng lấn bấn đúng vào dịp Tết? Năm nay lại đến tận tối giao thừa. Bây giờ chắc chỉ còn chuyến tàu “vét”. Hả? - Thì thế. Nhưng…cho nó vắng. - Lại tự an ủi mình. Này! Cục tiền là cả ứng lương tháng sau đấy. Để vào túi áo ngực. Không để túi áo da đâu nhé. À! Cái áo da “xịn”, ai cho thế? - Ông anh họ. Chuyến đi châu Âu… - Thôi! Cạn chén. Chúc lên đường gặp may. Và chúc đón giao thừa…ở nhà. Nhé! Đồng và Thạch cùng ngửa cổ, dốc cạn. Đồng đặt cái chén xuống: - Còn cặp bánh chưng cơ quan cho. Nhớ nhắc, không lại quên. Nào! Thêm chén nữa. Chúc Tết sớm. - Cậu ăn Tết ở cơ quan mấy năm rồi? - Ôi dào! Nó cũng quen. Thôi! Tranh thủ đi đi, không trễ. Nhỡ chuyến này, không khéo lại… - Nhỡ sao được. Đi nhé! À, cặp bánh chưng đâu?
* * *
   Khác hẳn mấy hôm trước, sân ga vắng teo. Những người ra ga lúc này, cũng không có bộ mặt hớt hải, cử chỉ vội vàng, đồ đạc lếch thếch. Ai cũng một túi xách hay ba-lô gọn gàng. Thái độ thư thái. Thôi thì đã đến lúc này, giờ này…Cái gì nhỡ cũng nhỡ cả rồi. Bây giờ chỉ có lên tàu. Rộng rãi đến ngỡ ngàng. Thì đã gọi là một chuyến tàu vét… Thạch lơ đễnh bước lên toa. Toa giữa. Cũng chỉ lác đác mấy người. Đã lên chuyến tàu này, cứ gọi là phải chấp nhận. Rất có thể đón giao thừa trên toa. Đón giao thừa khi con tàu đang chuyển bánh. Ờ! Có khi thế cũng hay. Về trễ sau giao thừa, vợ con cũng bất ngờ. Rồi một mâm cơm dọn ra lúc gần sáng. Đã bảo là chấp nhận mà. Thạch khẽ giật mình. Dòng ý nghĩ gián đoạn. Trước mắt anh, cái ghế đối diện, một cô gái vừa đến ngồi. Cô gái còn khá trẻ. Xinh xắn. Cái xinh xắn đáng yêu của một cô gái thôn quê. Có khi vùng sơn cước cũng nên. Nhưng Thạch chợt thấy một cái gì vướng gợn. Trời ơi! Rét thế này, rét đến thấu xương, thế mà cô gái chỉ phong phanh một cái áo khoác mỏng. Mà kìa! Môi tái mét. Cô ta ngồi co ro, vẫn không xua được cái rét tê tái. Con tàu rùng rùng chuyển bánh. Dường như cái rét lại tăng lên. Thạch cảm thấy như mình có lỗi. Anh mặc áo đơn áo kép. Đã thế lại thêm cái áo len. Và ngoài cùng là cái áo da mềm. Áo da Ý hẳn hoi. Ấy thế mà anh còn thấy hơi lành lạnh. Trong khi cô gái…Ơ hay! Anh có lỗi gì? Đâu có phải tại anh…
 - Anh ạ! Em chào anh! Thạch giật mình. Cô gái nhìn anh và chào. Anh mỉm cười, đáp lễ:
 - Em về quê à? Về quê hay về nhà?
- Dạ! Em…đi thăm u em. U…đang nằm ở bệnh viện đa khoa Vĩnh Yên. Cũng may là khỏi rồi.
Thạch sững người. Anh ngỡ mình nghe nhầm:
 - Khỏi rồi, sao không đón về? Hôm nay đã là ba mươi…
 - Dạ! Em cũng định là sẽ đón u về…
Thạch ngắt lời:
- Còn định gì nữa? Đón hôm nay đã là quá trễ. Có gì mà còn định?
   Con tàu lắc lư, hú một hồi còi dài. Một cơn gió bỗng lùa vào trong toa. Thạch khẽ rùng mình. Anh chợt cảm thấy như người bất nhẫn. Thạch đứng dậy, cởi cái áo khoác ngoài. Anh đưa cái áo cho cô gái, nói như ra lệnh:
- Mặc vào!
Cô gái ngỡ ngàng, không biết nói gì, đỡ lấy cái áo. Thạch gật đầu khích lệ. Cô gái khoác vội cái áo vào người, xuýt xoa theo một phản xạ tự nhiên:
 - Ôi! Ấm quá. Cái áo da ấm quá! – Rồi như sực tỉnh, cô gái nhìn Thạch – Anh ơi! Thế em lại làm anh bị rét. Thạch mỉm cười: - Không sao đâu. Tôi còn cái áo len cơ mà.
  Con tàu tăng tốc độ. Như một mũi khoan, xuyên màn đêm. Nó đang chạy đua với thời gian. Chắc cả nhân viên trên tàu, cũng không muốn đón giao thừa dọc đường. Không khí mỗi lúc một lạnh. Tất cả các toa tàu đều đóng kín mít cửa. Thạch ngồi co người lại. Chén rượu chia tay bỗng khiến Thạch cảm thấy buồn ngủ. Anh ngồi thu người, dựa vào thành tàu. Anh chợt ngó nhìn sang phía cô gái và cảm thấy hài lòng. Cô gái thu nhỏ người trong cái áo khoác da. Thạch che miệng ngáp. Anh hình dung lúc con tàu đến ga Chí Chủ…
 * * *
   Toa tàu nhộn nhịp hơn lúc bình thường. Tiếng loa lanh lảnh: “Quý khách xuống ga Vĩnh Yên, xin mời kiểm tra hành lý…” Thạch giật mình, choàng tỉnh. “Ga Vĩnh Yên. Ái chà! Mình thì còn lâu”. Chợt Thạch nhìn sang ghế đối diện, hốt hoảng. Ghế trống không. Vậy là cô gái…
   Cho đến lúc này, Thạch mới trở về trạng thái bình thường. Và nhờ thế, anh chợt nhận ra cô gái đã xuống ga. Phải rồi, cô ta nói mẹ nằm ở bệnh viện đa khoa Vĩnh Yên. Thạch sững người khi chợt nghĩ đến cái áo, đã cho cô gái mượn… Với bản năng, Thạch vùng dậy. Anh đi nhanh ra cửa toa. Đoàn người lác đác trên sân ga. Anh nhảy xuống, chạy ra phía cửa ga. Không thấy cô gái đâu cả. Đầu Thạch nóng bừng. Thì ra một cô gái, trông như con nhà lành. Như một thiếu nữ vùng sơn cước. Ai ngờ… Sao con bé đóng kịch khéo thế? Chắc hẳn nó đã “tăm” khi thấy Thạch khoác chiếc áo da “xịn”. Biết đâu nó giấu cái áo ấm đi, để giả bộ là người phong phanh, thiếu áo rét. Rồi lại chuyện bà mẹ nằm viện. Làm gì có chuyện nằm ở bệnh viện vào đêm ba mươi Tết? Thạch lao ra ngoài cổng ga. Đoàn người chen chúc nhau ra khỏi ga. Ai cũng muốn nhanh chóng để về nhà. Còn mấy tiếng nữa là đến giao thừa. Chỉ có Thạch là ngơ ngác đứng ở sân ga. “Sao thế nhỉ? Con bé đã lấy được cái áo, nó lại đứng đây cho mình tóm được chắc?” Thạch nghĩ vậy và bỗng giật nảy mình. Con tàu hét lên một hồi còi. Tiếng bánh xe nghiến vào đường ray. Vậy là Thạch không còn kịp lên tàu. Bây giờ, anh ở lại Vĩnh Yên làm gì?
 - Bác về đâu?
Thạch giật mình. Một anh xe ôm với cái xe máy “tã” đứng ngay trước mặt. Thạch xua tay:
 - Không! Không đi đâu cả.
- Em lấy rẻ thôi mà. Làm cuốc cuối cùng để còn kịp về đón giao thừa. Bác về đâu?   Thấy anh xe ôm nài nỉ, Thạch chợt nhớ đến cái bệnh viện đa khoa. Anh tặc lưỡi: “Đến bệnh viện…” Anh xe ôm mặt sáng bừng: “Em cũng đoán bác đến đón người nhà. Bác lên xe đi!”
 * * *bacubenhvien
 Ông bác sĩ dừng lại:
 - Anh vừa hỏi gì?
- Xin hỏi khoa tiêu hóa ở phòng nào?
- Tầng hai. À! Mà anh tìm ai? Bệnh nhân à?
- Vâng! Tôi tìm…
- Cứ lên tầng hai.
  Ông bác sĩ có vẻ vội. Bỏ đi. Mà Thạch thì cũng không biết tìm ai. Tần ngần một lúc, rồi anh lên tầng hai. Không hiểu sao anh linh cảm thấy cô gái đã không nói dối việc đi thăm mẹ ốm. Và anh vẫn hy vọng sẽ gặp cô ta. Nhưng để làm gì? Vì cái áo ư? Không phải vì chuyện mất cái áo. Không phải chuyện bị lừa. Mà chỉ vì tức. Ngần này tuổi đầu, vẫn còn bị một đứa trẻ ranh…Thật chẳng ra làm sao. Chỉ vì chuyện tức không đâu, tức vì người dưng, để lỡ chuyến đi. Lại sắp giao thừa. Bơ vơ nơi đất khách quê người. Đúng là hai cái ngu chập lại… Có tiếng lao xao ở cuối tầng hai làm Thạch chú ý. Anh bước nhanh đến gần. Tiếng một cô gái: “Bác sĩ ơi! Cháu đã phải bán cái áo rét…Cháu chỉ còn thiếu ít…” Tiếng một người đàn ông: “Gần một nửa tiền. Ít gì? Giá thiếu ít, bọn tôi và y tá, có thể giúp cháu được…Thôi! Cứ để bà nằm lại vậy. Cũng nhiều người nằm lại viện. Đón Tết ở viện…” Thạch sững người. Anh đã nhận ra tiếng cô gái. Vậy là chuyện đi đón mẹ, là thật. Và cô ta đã phải bán cái áo của anh. Bán rồi, cũng không đủ tiền thanh toán, để đưa mẹ về. Tự nhiên anh thấy mình nhỏ nhen. Vì một cái áo. Mà anh cũng không thể ngờ, sao còn lắm người lâm vào cảnh khổ đến thế. Cuộc đời anh, thì đã thấm tháp gì. Thạch đi nhanh vào phòng. Cô gái nhận ra anh, chợt sững người. Nhưng anh không để cho cô ta kịp phản ứng. Anh đến bên ông bác sĩ:
- Tôi…tôi đến nộp tiền cho bà ra viện.
Ông bác sĩ hơi ngỡ ngàng:
 - Anh là người nhà của bà? Bây giờ anh mới đến?
- Vâng! Tôi…tôi phải gặp ai?
- Anh xuống phòng kế toán. Mà khẩn trương lên. Ơ kìa! Cái cô bé. Theo bác ấy xuống phòng làm thủ tục. Sao còn đứng ngây ra thế?
* * *
- Anh ơi! Em chưa biết tên anh.
- Tên tôi là Thạch.
- Anh Thạch à! Em có tội với anh. Ra Tết, em sẽ đi chuộc cái áo. Anh đã không giận em…
Thạch tiến lại gần, nắm lấy tay cô gái:
- Nghe tôi nói đây. Em à! Quên chuyện cái áo đi. Quên cả chuyện bán cái áo đi. Bây giờ em phải đưa u em về nhà trước giao thừa. À này! Anh có cái bánh chưng, biếu bà. Thôi! Ra cổng viện, để anh tìm xe cho mà về. Thế bây giờ về đâu?
Cô gái lí nhí nói địa chỉ. Thạch gật đầu:
- Cứ ra ngoài đường cái. Anh sẽ vẫy xe cho hai mẹ con đi nhờ.
  Ba người cùng đứng bên vệ đường. Thạch nhìn thấy một cái xe con, biển xanh. Anh vẫy tay lia lịa… Chiếc xe dừng lại. Thạch chạy lên, hấp tấp:
 - Bà vừa ra viện. Cũng chưa khỏi hẳn. Nhưng hôm nay đã ba mươi rồi…
Cửa xe mở. Một người đàn ông dáng vẻ “sếp”, bước ra:
- Thôi! Không phải trình bày hoàn cảnh. Bà về đâu? Cô gái chạy lên, nói líu ríu. Người đàn ông gật đầu:
- Lên xe đi! Tôi sẽ đưa tới tận đầu làng.
  Hai mẹ con hấp tấp lên xe. Tiếng cửa đóng đánh sầm. Xe chuyển bánh. Bỗng Thạch sững người. Anh vừa sực nhớ, đã không hỏi tên cô gái…
                                                            Mùa đông năm Kỷ Hợi
                                                                           Đ.B.C
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 78
Trong tuần: 1156
Lượt truy cập: 436885
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.