Phạm Bá Khiêm
CHUYỆN RẮN NĂM TỴ TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT
Năm Giáp Thìn đi, năm Ất Tỵ đến. Con Rồng đang “bàn giao” cả không gian bầu trời và thời gian tháng ngày trên mặt đất cho con Rắn. Nhâm nhi chén rượu đầu xuân cùng mạn đàm về chuyện Rắn năm Tỵ trong văn hóa của người Việt.
1- Tục thờ Rắn
Rắn là loài vật gây cảm giác sợ hãi và kính nể. Rắn sống ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh. Rắn có đủ các màu sắc, kích cỡ, có thể sống được ở hầu hết các môi trường tự nhiên, từ trên núi cao đến biển sâu, từ sa mạc đến rừng rậm, trên cây hay dưới đất. Tuy không có chân nhưng khả năng di chuyển của rắn rất nhanh mà không gây ra tiếng động. Rắn có thể di chuyển nhiều tư thế: bò ngang, thẳng, nửa dưới đất nửa thẳng đứng.
Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Rắn là hình tượng khá quen thuộc trong đời sống văn hóa và có sức ám ảnh mạnh mẽ, phổ biến nhất của người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt với ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, hình tượng rắn đã được đồng hóa với sông nước, thủy thần. Trong quá trình phát triển của lịch sử, tín ngưỡng thờ Rắn đã được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng điều kiện mới, người ta rất tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước, dẫn đến tục thờ rắn đại diện cho thủy thần. Trong văn hóa Việt, rắn không chỉ là loài động vật bình thường mà còn trở thành một biểu tượng tâm linh. Không chỉ xem rắn với tư cách là thần, hình ảnh của rắn thực sự mang màu sắc phong kiến, đồng nhất với hình ảnh của vương quyền khi nó gắn liền với hình ảnh của rồng. Rắn là con vật có thật trong tự nhiên song nó là hình mẫu khởi thủy của rồng. Ở lĩnh vực mỹ thuật, tạo hình, rồng bắt nguồn từ rắn, trong đó Rồng Lý Trần là một con rắn dài, quấn làm nhiều khúc, đầu không sừng, không râu. Rồng Đại Việt là loại Rồng lai Rắn, mình tròn trịa và thanh tú, với nhiều khúc uốn lượn nhịp nhàng, là loài có vẩy, ở nước và cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, vốn là cái nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công mùa màng của người dân trồng lúa nước.
2- Những năm Tỵ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
- Năm Tân Tỵ (981): Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám hại; Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối nghiệp họ Đinh. Lợi dụng khi vua còn nhỏ, nhà Tống lăm le khởi binh Nam tiến thôn tính Đại Cồ Việt. Trước họa ngoại xâm, tháng 7 năm Canh Thìn (980) Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều đình đã tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế để củng cố lòng dân kháng chiến chống xâm lược Tống.
Tháng 2 năm Tân Tỵ (981), quân Tống tràn sang nước ta. Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ đến Tây Kết; Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng”. Vua Lê Đại Hành tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Thương đoạn Chi Lăng. Lại sai người trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo lơ là, bắt được y rồi đem chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin quân thuỷ thua trận bèn rút chạy. Lê Đại Hành đem quân đánh đuổi, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng; bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Nhà Tống hoảng sợ phải ra lệnh bãi binh. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ nhất hoàn toàn thắng lợi.
- Năm Đinh Tỵ (1077): Nhà Tống cử đạo quân hùng hậu do các tướng giỏi Quách Quì, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào nước ta. Quân dân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của tướng quân Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến sông Cầu chặn địch. Ngày 18/1/1077, trên sông Như Nguyệt (nơi có phòng tuyến của quân ta) đã vang vọng bài thơ Nam quốc sơn hà:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Do bị thiệt hại nặng nề mà không phá vỡ được phòng tuyến của ta, quân Tống phải chấp nhận hòa đàm với ta và rút quân về nước. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ hai của quân dân Đại Việt đã kết thúc thắng lợi.
- Năm Kỷ Tỵ (1149): Vân Ðồn, hay đồn mây, có tên chữ là Vân sơn; thuộc làng Vân (nay thuộc xã Quan Lạn nằm trong tuyến đảo ngoài Vân Hải, tỉnh Quảng Ninh). Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên thời Tiền Lê đã lập đồn Vân trấn giữ vùng biển Đông Bắc của quốc gia Đại Cồ Việt.
Đời nhà Lý, vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), nhận thấy vị trí không chỉ là tiền đồn của đất nước trong quan hệ lãnh hải với phương Bắc, mà Vân Đồn còn có một vị trí thuận cho giao thương, buôn bán, tiện cho thuyền bè qua lại, neo đậu; cho thành lập trang Vân Đồn. Sách Việt sử cương mục tiết yếu của Đỗ Xuân Bảng thời Nguyễn, chép: “Kỷ Tỵ, Đại Định năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, đặt trang Vân Đồn (nay là tổng Vân Hải, huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên). Bấy giờ thuyền buôn các nước Trảo Oa (tức nước Chà Và, còn có tên là Hạ Cảng – tức đảo Java), Xiêm La (ở phía Nam Gia Định, tức hai nước Xiêm La và La Giải, thời Minh đổi thành Xiêm La) tụ tập nhiều ở Hải Đông liền dựng trang ở hải đảo cho họ cư trú”. Từ đây, Vân Đồn trở thành thương cảng lớn ở phía Bắc đất nước suốt thời Lý, Trần và Lê sơ. Tháng 2, thuyền buôn 3 nước: Trảo Oa, Lọ Lạc và Xiêm La vào Hải Đông (vùng biển Quảng Ninh) xin được ở lại buôn bán. Vua Lý đồng ý cho họ ở lại ngoài đảo và thiết lập trang Vân Đồn để tiện việc mua bán thông thương bằng đường biển với thuyền buôn các nước.
- Năm Đinh Tỵ (1257): Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, vào tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), 3 vạn quân kỵ, bộ binh Mông Cổ cùng nhiều tướng giỏi do Ngột Lương Hợp Thai sau khi thôn tính nước Đại Lý (thuộc Vân Nam, Trung Hoa) chia làm 2 đạo tràn vào nước ta theo đường sông Thao. Vua Trần Thái Tông tự mình cầm quân chống giặc. Nhưng thế giặc mạnh như tằm ăn rỗi, quân nhà Trần phải rút lui. Cả nước thực hiện “vườn không nhà trống”, tiến hành chiến tranh du kích tiêu hao địch. Để củng cố niềm tin đánh giặc, vua Trần Thái Tông nhận được câu trả lời quả quyết của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Chỉ trong một thời gian ngắn, ngày 24 tháng Chạp, vua Trần phản công, đánh tan giặc ở Đông Bộ Đầu (khu vực Long Biên- Hà Nội) thu phục kinh thành. Giặc Nguyên Mông phải tháo chạy về nước.
- Năm Quý Tỵ (1473): Tháng Giêng, vua Lê Thánh Tông, thân hành cày ruộng “Tịch điền”. Tập tục này do vua Lê Đại Hành khởi xướng từ gần 500 năm trước, nhân dịp xuân mới hằng năm nhằm động viên nông gia cày cấy. Tháng 2 âm lịch, vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm uống rượu để hạn chế nạn các quan chè chén say sưa, bỏ bê công việc.
- Năm Ất Tỵ (1785): Trước thế mạnh của phong trào Tây Sơn do “Tây Sơn tam kiệt” lãnh đạo, chúa Nguyễn Ánh đã cầu cứu người Xiêm sang giúp để lấy lại nước. Tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), hơn 5 vạn thủy quân Xiêm đổ bộ lên đất Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Với lực lượng đông đảo, khí thế đang hăng, quân Xiêm giành được ưu thế trên chiến trường Gia Định.
Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài khoảng 6 km, rộng chừng vài km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cỏ rậm rạp và có nhiều kênh rạch được nhà Tây Sơn chọn làm nơi quyết định số phận quân xâm lược. Hạ tuần tháng Giêng năm Ất Tỵ (1785), quân Xiêm rơi vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn đã bị tiêu diệt gọn. Bộ phận tàn quân còn lại phải tháo chạy lên bờ, trốn sang đất Chân Lạp để tìm đường về nước.
Từ sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn ngày càng mạnh để mở rộng ra đến Phú Xuân, Bắc Hà, tạo điều kiện thống nhất đất nước sau này.
- Năm Kỷ Tỵ (1929): Phong trào cách mạng ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng đã phát triển lên một cao trào mới. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng - đã có vai trò tích cực thúc đẩy cách mạng phát triển. Sau Đại hội tháng 5/1929 của Hội, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929); An Nam Cộng sản Đảng (tháng 7/1929); Đông Dương Cộng sản liên đoàn (tháng 9/1929), là cơ sở tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời một năm sau đó (ngày 3/2/1930).
- Năm Tân Tỵ (1941): Ngày 8-2-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba nước ngoài, đã trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Cột mốc 108 và núi rừng biên giới Việt - Trung là những chứng nhân đầu tiên chứng kiến bước chân của Người. Cuộc hành trình dài 3 thập kỷ - anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã trở thành lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - là một cuộc hành trình đầy gian truân, thử thách, song cũng đầy ắp những câu chuyện đẹp như những huyền thoại.
Ngày 25/10, Mặt trận Việt Minh ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh đã xây dựng lực lượng quần chúng, tổ chức các đoàn thể cứu quốc ở cả nông thôn, thành thị, có hệ thống từ trung ương đến cơ sở. Nhiều tổ chức yêu nước đã tham gia làm thành viên Mặt trận Việt minh. Tất cả đều chung mục đích: đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành tự do, độc lập cho nhân dân. Mặt trận Việt Minh là nhân tố quan trọng góp phần vào cuộc thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
- Năm Ất Tỵ (1965): Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc thực hiện chuyển hướng xây dựng kinh tế, chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ. Năm Ất tỵ 1965, cả nước bước vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những phong trào yêu nước sôi nổi đã được phát động thu hút hang vạn, hàng triệu người tham gia; đó là phong trào: “Ba sẵn sàng” và phong trào “Ba đảm đang”. Nó cũng đã mở đầu cho một ý chí, một quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam.
- Năm Đinh Tỵ (1977): Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hiệp Quốc.
- Năm Tân Tỵ (2001): Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9 mở đầu cho thế kỷ XXI, hứa hẹn những tầm cao mới, những thành tựu mới. Đại hội kế thừa và phát triển thành quả của các đại hội trước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế tri thức nhằm phát huy nội lực và tăng cường hội nhập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3- Những văn sĩ tuối rắn nổi tiếng ở Việt Nam
- Nhà nho Cao Bá Quát
Cao Bá Quát là một danh sĩ đời vua Tự Đức. Sinh năm Kỷ Tỵ 1809, mất năm Giáp Dần 1854. Quê làng Phú Thị huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).
Năm 1831, ông 22 tuổi, đậu Á nguyên trường thi Hà Nội nhưng thi hội 2 năm đều bị đánh hỏng, ông không thi nữa, ngao du non nước. Năm 1841 quan đầu tỉnh Bắc Ninh đề cử ông với triều đình, ông được triệu vào kinh sung chức Hành tẩu bộ Lễ. Ít lâu, được cử chấm thi ở trường Hương - Thừa Thiên Huế.
Ông và bạn đồng hội là Phan Nhạ dùng khói đèn sửa một ít quyển văn hay mà phạm húy, để cứu vớt thí sinh giỏi. Việc phát giác, bị khép tội khi quân nhưng vua Thiệu Trị giảm tội cho ông, chỉ cách chức và phát phối vào Quảng Nam rồi đi sứ ở các nước. Năm 1854, ông phải đổi lên Sơn Tây, làm Giáo thọ ở phủ Quốc Oai. Buồn chán, phẫn chí, ông bỏ quan theo làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình. Việc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt rồi bị hành quyết cùng với hai con là Cao Bá Phùng và Cao Bá Phong. Ông để lại cho đời bộ sách "Chu thần chi tập".
- Nhà viết kịch Đào Tấn
Đào Tấn sinh năm Ất Tỵ 1845, mất năm Đinh Mùi 1907. Ông quê ở làng Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lúc nhỏ ông là học trò của cụ tú Nguyễn Diêu, tác giả của nhiều vở tuồng có tiếng. Chịu ảnh hưởng của thầy học nên ông đã tập viết tuồng từ thuở còn bé.
Năm 22 tuổi, ông đậu cử nhân; 4 năm sau ông làm Hiệu thư ở Huế, chuyên soạn các vở tuồng theo lệnh vua Tự Đức. Năm 1874, ông được bổ làm Tri phủ Quảng Trạch, sau thăng Thừa chỉ, Thị độc, rồi Phủ doãn tỉnh Thừa thiên. Khi vua Tự Đức mất (năm 1883), ông cáo quan về nhà, nhưng sau đó lại ra làm quan dưới triều Đồng Khánh. Năm 1889, ông được bổ làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), rồi lần lượt làm Thượng thư bộ Công, bộ Binh, bộ Hình.
Năm 1902, vì mâu thuẫn với tên việt gian Nguyễn Thân, Thượng thư bộ Lại, một kẻ thân Pháp, ông xin về hưu. Ông nổi tiếng thanh liêm, công minh, đuợc hầu hết sĩ phu trọng vọng, lại giỏi văn chương, thích soạn tuồng hát. Ông mất năm 1907, thọ 62 tuổi.
- Nhà văn Nguyễn Bá Học
Nguyễn Bá Học sinh năm Đinh Tỵ (1857), là nhà văn, quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội).
Ông theo đuổi nghiệp văn chương bằng việc viết truyện ngắn, chính luận và chọn dịch các bài Hán văn, Pháp văn đăng ở Tạp chí Nam Phong, Tạp chí Đông Dương. Ông được giới văn học đánh giá là một trong hai cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng Quốc ngữ trong văn học Việt Nam. Ông đã viết 7 truyện ngắn đăng trên Tạp chí Nam Phong. Ông là tác giả của câu nói nổi tiếng: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông".
- Nhạc sĩ Tống Hữu Định
Tống Hữu Định sinh năm Kỷ Tỵ 1869, mất năm Nhâm Thân 1932; là người khởi xướng bộ môn ca kịch cải lương; quê ở làng Long Châu, tỉnh Vĩnh Long.
Ông nổi tiếng là người hào hoa, say mê âm nhạc dân tộc. Chính ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu hát "ca ra bộ" (năm 1914) - tiền thân của nghệ thuật hát cải lương sau này. Trong lịch sử bộ môn hát cải lương Nam bộ, các nhà nghiên cứu đã dành cho ông một chỗ đứng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của bộ môn này.
- Nhà thơ Thâm Tâm
Nhà thơ Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh năm Đinh Tỵ 1917 ở thị xã Hải Dương. Năm 1938, ông vẽ tranh và sáng tác văn học. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ, Phổ thông bán nguyệt san.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia văn hóa Cứu quốc, ở trong Ban biên tập Báo Tiên Phong (1945-1946); sau đó ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân (sau là Báo Quân đội Nhân dân).
Trong số các tác phẩm của ông, “Tống biệt hành” là một thi phẩm nổi tiếng với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện hào khí yêu nước rất cao. Ông mất năm Canh Dần 1950
- Nhà văn Nam Cao
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, sinh năm Đinh Tỵ 1917, mất năm Tân Mão 1951 tại làng Đại Hoàng, Cao Đà, huyện Nam Song nay là xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học tư, sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết xã hội. Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động tích cực ở quê ông. Năm 1946 nhập đoàn quân Nam tiến vào miền nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc.
Ngày 30/11/1951 ông hy sinh tại bốt Hoàng Đan, Gia Viễn, Ninh Bình trên đường đi công tác vào vùng địch. Các tác phẩm chính của ông đã được xuất bản: Chí phèo, Sống mòn, Đôi mắt, truyện ngắn Nam Cao....
Điểm qua vài nét về rắn trong văn hóa của người Việt để thấy được yếu tố tích cực mà con người đã và đang trông chờ ở nó. Năm Ất Tỵ, theo truyền thống của cha ông, con rắn sẽ đem tới hạnh phúc cho muôn nhà và nó cũng sẽ là rắn độc với những kẻ tham nhũng, quan liêu sống xa ngã bởi “viên đạn bọc đường”, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn./.
Tháng 12 / 2024
P.B.K