Cha nhìn sao Bánh Lái* Kính tặng hai cụ Phạm Văn My, Nguyễn Thị Bích, thôn Đông Hạ, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định - thân phụ, thân mẫu Liệt sĩ Phm Gia Thiều - Thuyền phó tàu HQ. 604, Lữ đoàn Hải quân 125, hy sinh trong trận chiến đấu giữ đảo Gạc Ma, ngày 14-3-1988. Di ảnh Liệt sĩ Phạm Gia Thiều (1959-1988) In vào lòng cha vào nỗi nhớ kẽo cà cánh võng trời vồng lên biển sáng trước hiên nhà chòm sao Bánh Lái kề ngọn cau xa lắc tầm nhìn Con tàu công binh Hải quân trong niềm thương yêu của mẹ lửa đã tắt trên ca-bin trong hầm máy sáu mươi ba chàng trai quả cảm bên Thuyền trưởng Anh hùng Vũ Phi Trừ trận chiến giữ đảo sáng mười Bốn tháng Ba hai mươi chín mùa biển sôi sóng đổ máu đỏ thềm san hô Gạc Ma Cha lắng nghe rì rầm đêm biển thở mường tượng con về lâng lâng dải mũ sân nhà hoa sao trời cao bước chân người sĩ quan Hải quân bậc thềm quấn quít các em reo: “Mẹ ơi! Anh Thiều về đây!” mái tóc mẹ đã thành con sóng bạc mắt mẹ bao lần hoen giọt biển chờ mong Thượng úy Phạm Gia Thiều! Cha thầm gọi tên con buổi sáng rập rình một bầy hải tặc lộ mặt kẻ xâm lăng pháo hạm dàn hàng cha nghe Trường Sa vang vọng: “Chúng con tựa vào ngực biển, cha ơi cờ Tổ quốc thêm một lần thấm máu khói lửa boong tàu trăm dặm biển gầm sôi...” Cha nghe con lần cuối cùng thưa mẹ: “Con xin mẹ không phiền lòng, mẹ ơi mẹ của con từng tiễn cha ra trận chấp nhận hy sinh khi Tổ quốc cần Các em Đào, Hường, Anh thương nhớ hãy thay anh chăm sóc mẹ, cha già Bè bạn nữa, những người tôi yêu quí trái tim tôi một nửa ở quê mình trong câu hát ngực con tàu rời bến trong vòng tay cởi mở nắng sông Hồng sân trường cũ mùa bằng lăng mực tím mái tóc buông dài, lời hẹn còn nguyên…” Phạm Gia Thiều trưởng nam! Con về đó... trên ban thờ gia tộc nỗi nhớ đặt lên vai cha - hồi ức Bộ đội vượt sông Ninh đêm tập kích công đồn sao Bánh Lái với lập lòe đom đóm ngã ba Vô Tình du kích hẹn đầu thôn Mẹ sinh con năm đại ngàn trở dạ Cha đi... con đường xẻ dọc Trường Sơn thượng nguồn Bến Hải giao quân pháo sáng nhập nhòa bom vướng nổ mái dầm nặng nước xiết triền sông Bé mũ tai bèo xuyên rừng Lộc Ninh... Ngày trở về, con ơi! Cha có một chàng trai ra đầu ngõ đỡ ba lô trường con học tựa cánh cung Đông Bắc Bái Tử Long mây sóng Vân Đồn một chàng trai mắt ngời trăm dặm biển con lên đường cờ sao chen bến Cảng Cha tiễn con đi bến xuân quê câu đối đỏ cánh mai vàng tráng khúc Bạch Đằng dào dạt khuôn ngực trẻ thay đồng đội lái tàu thẳng hướng Trường Sa... ----------- (*) Sao Bắc Đẩu còn có tên dân gian là sao Bánh Lái, theo cách gọi của những người đi biển Việt Nam. Đà Nẵng mình em đứng nhớ Tưởng nhớ Liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy, quê thôn Phú Ninh, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, công binh Hải quân tàu HQ.604,Hy sinh trong trận chiến đấu giữ đảo Gạc Ma, ngày 14-3-1988. Di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy (1968-1988) Hoa thắm miệt vườn Đà Nẵng gửi Trường Sa theo tàu tuần dương biển đảo con tàu kéo hừng đông biển mở để lại em cùng núi nhớ Sơn Trà Để lại em - Duyên của anh hai mươi chín mùa xuân đưa tiễn mái tóc tương tư hơi ấm vòng tay anh mùa bông bưởi miệt vườn trinh trắng hẹn nhau đôi lần anh đâu chỉ xây lâu đài trên cát sáng bãi Mỹ Khê dàn sóng thêu ren em và biển nâng niu bàn tay sần chai anh - người lính dầm mình xây biển đảo xây kè đá cột cờ Tổ quốc giữa cuồng phong tố lốc trùng khơi Anh Thủy... anh Thủy ơi... anh và biển với em hòa giọng tàu cập bến bờ - bờ tung hoa sóng sóng choàng vai anh sang vai em anh và biển là tình yêu thứ nhất biển và em trong trái tim anh kỳ nghỉ phép vô Sài Gòn tìm em mùa bông điệp Thảo Cầm Viên còn đó anh hẹn đưa em về làng dệt Phú Ninh con đường gạch đỏ tơ vàng nghiêng ngó bến sông quê cây cầu đá phẳng lì thềm hiên gắng đợi thương quá mẹ già vào ra mong mỏi chuyện hai ta chưa kịp ước mơ này! Anh ơi, giờ mẹ không còn anh không về nữa Anh cùng đồng đội cuốc, xẻng, xà-beng, đại liên, sắt đá B.40 sàn thép boong tàu trong tầm pháo giặc kia quỷ quyệt cờ Tổ quốc một vòng ôm lẫm liệt hóa tượng đài sừng sững Gạc Ma... Ngày giỗ trận tháng Ba Lữ đoàn Anh hùng gặp mặt em về dâng biển vòng hoa - vòng nguyệt quế tình yêu Thủy - Duyên (1) còn đây nhé biển trời chứng giám Anh ơi, thương nhau biết nói sao cùng thương anh lắng sóng xanh vùng biển xa... --------- (1) Chị D., quê Sài Gòn, người yêu của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Biết tin anh hy sinh tại Gạc Ma, một thời gian sau, chị đã lập gia đình. Chị vẫn giữ quan hệ với gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Tên “Duyên” trong bài thơ là tên được viết thay tên thật của chị. Chuyện tình yêu giữa hai người do bà Nguyễn Thị Tươi, em dâu liệt sĩ, chủ gia đình ở Phú Ninh kể lại. Thư nhà (1) Tưởng nhớ Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Kiên, quê thôn Đồng Quỹ, xã NamTiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, công binh Hải quân tàu HQ.604, hy sinh trong trận chiến đấu giữ đảo Gạc Ma, ngày 14-3-1988. Di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Kiên (1968-1988) trên ban thờ thân phụ thân mẫu (bên phải) Mẹ ơi, con viết thư này Tết xa quê, bút trong tay biển kề Anh em đồng đội sẻ chia Với bao thương mến gửi về lời thăm Mẹ thương con, mẹ tảo tần Thay cha gánh hết gian truân cửa nhà Đồng gần cho đến chợ xa Những năm bom dội mưa sa bão dồn Mẹ chăm cả mấy chúng con Lớn cao lộc ngộc - con còn trẻ thơ! Quê nhà đất học từ xưa Trường làng trường huyện trông chờ, mẹ lo Đơn tình nguyện tuổi học trò (2) Phải đâu lưu bút hẹn hò cùng ai Mẹ ru con chí làm trai Tiễn con sông Ngọc nẻo dài tóc sương Con đi... biển đảo quê hương Bạch Đằng, Nam Triệu trùng dương dạt dào Cam Ranh, Đà Nẵng sóng xao Hùng binh Bắc Hải thuở nào buồm giương Thiêng liêng mộ gió hàng dương Hoàng Sa đó... chí quật cường còn đây Trường Sa nam bắc đông tây Biển trời Tổ quốc những ngày bão giông Con đi ngày ngóng đêm mong Thư về xin mẹ yên lòng, mẹ ơi Xóm làng, đầm ấm vui tươi Các anh các chị, những nơi bạn bè Vì con hôm sớm đi về Nao nao câu hát tình quê hội làng Thư con kính gửi mấy hàng Trước giờ ra đảo mênh mang biển trào Màu mây dải mũ trời cao Trăng chưa khuất, mặt trời dào dạt lên Trường Sa đây chốn trận tiền Tàu con rẽ sóng cập miền Gạc Ma Mẹ ơi, đây bức thư nhà Ngày mai, thay đứa con xa ngẩng đầu Bao la tình mẹ biển sâu Cho con cùng với hạm tàu nhổ neo... ------ (1)Hai bức thư của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Kiên gửi mẹ cùng các anh chị, trước ngày ra đảo Gạc Ma , được gia đình ông bà Nguyễn Thế Cương, Đỗ Thị Phương - anh trai, chị dâu liệt sĩ lưu giữ cùng với di ảnh liệt sĩ trên ban thờ gia tộc ở quê nhà. (2) Theo tư liệu của địa phương và lời kể của gia đình, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Kiên viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1986, anh được biên chế vào đơn vị Hải quân vùng I trước khi về Lữ đoàn Công binh Hải quân 125, tàu HQ.604. P.T.T |
Người gửi / điện thoại