Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHIẾC Ô XANH QUÊ BẦM

Lê Hoài Nam
 
ĐỌC “CHIẾC Ô XANH QUÊ BẦM”
Tập thơ của Lan Lê – NXB Hội Nhà văn 2024
 
   Lan Lê - là bút danh của Lê Thị Kim Lan
   Lan Lê sinh ra và lớn lên trên quê Cha, Đất Tổ suốt chặng đường dài của tuổi thanh xuân đến khi nghỉ hưu gắn bó với sự nghiệp trồng người. Một cô giáo mẫu mực, giỏi nghề, được các thế hệ học sinh kính trọng, gần gũi, tin yêu. Các bạn đồng nghiệp quý mến bởi sự thân thiện, chân tình trong lối sống, sự nghiêm túc, trách nhiệm trong chuyên môn, tiên phong trong việc triển khai, hướng dẫn Giáo viên sử dụng Giáo án điện tử, từ những năm đầu CNTT mới đi vào trường học, từng đạt rất nhiều danh hiệu: 2 giải nhất giáo án điện tử Thành phố Việt Trì, nhiều giải GV giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua và kỉ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục.
     Có nội lực sáng tác văn chương, song phải đến khi nhận quyết định nghỉ hưu 2015 Lan Lê mới dành thời gian sáng tác thi ca. “Chiếc ô xanh quê Bầm” là tập thơ đầu tay của chị. Xem tên của tập thơ và mở những trang đầu sẽ nhận ra Lan Lê thật gắn bó và yêu quê hương “Đất Tổ”, xứ xở của “rừng cọ đồi chè”, của những điệu hát Xoan: Cứ xinh tươi giữa đời thường/ “Nhiễu điều” đã phủ “giá gương” thay lời/ Trao nhau tươi rói nụ cười/ Hân hoan Đất Tổ, tình người Văn Lang. (Về đây người nhé! Em mời), Và: Tinh hoa đất Bắc trời Nam/ In vào câu Ghẹo điệu Xoan hữu tình/ Cất lên nghiêng ngả mái đình/ Nghe Xoan thấy bóng hình mình trong ta… (Di sản quê mình).
   Phải là người yêu quê hương da diết, yêu con người thiết tha, Lan Lê mới có một tâm thế trân quý từng đường nét trên thân hình thiếu nữ, để sáng tác những câu thơ dễ thương như: Gót sen nhẹ bước phong trần/ Lưng ong vóc ngọc thanh tân thuở nào/ Dẫu là mưa nắng hư hao/ Gió sương đâu thể khuyết bào nét xinh/ Đoan trang thục nữ quê mình/ Mẹ Âu Cơ tạc dáng hình cho em/ Gửi lời qua miếng trầu têm/ Có tình Loan Phượng tiếng chim gọi bầy… (Thục nữ cùng điệu Xoan)lanle
   Trong tập, Lan Lê giới thiệu khá nhiều “đặc sản” Phú Thọ, nhưng không làm cho thơ nhuốm màu quảng bá hàng hóa, đó là thi ca thực sự: Trám bùi, cọ ỏm ấm lòng/ Canh chua rau sắn thầm mong đãi người/ Chè xanh thấm đượm hương đời/Chát thơm chắt lọc từ trời nắng mưa… (Chiếc ô xanh quê Bầm)
   Quê hương Đất Tổ, ngoài quần thể thờ các vua Hùng còn có rất nhiều chùa chiền, lăng tẩm. Một người phụ nữ có tâm hồn thi ca bẩm sinh, có một cái tâm hướng thiện như Lan Lê, không thể không tiếp nhận đạo Phật như một lẽ tự nhiên. Kinh Phật và thơ Thiền đã thấm khá sâu vào tâm thức tác giả: Hồn thanh tịnh nghe chiều buông vạt nắng/ Tiếng kinh cầu văng vẳng phía miền thương/ Trời say ngủ cõi miên trường tĩnh lặng/ Thức tỉnh say giữa hoang vắng vô thường/ Sen bừng nở vén màn đêm yên ắng/ Đoá hoa hiền trinh trắng tắm làn sương/ Trà ướp nhụy đượm hương thơm há chẳng.../ Dư vị đời thanh ngọt, đắng nào vương (Vị Đời)
Trong đạo Phật, chữ “Duyên” rất được phật tử quan tâm, bởi chữ ấy là đầu mối có thể dẫn dắt ta đi sâu hơn vào triết học Phật giáo. Tác giả Lan Lê diễn giải thành thơ chữ “Duyên” mà tôi tin những ai đọc tập thơ của chị không thể đọc vội, đọc lướt: "Nhân DUYÊN gieo tạo khởi cầu”/ Tuỳ DUYÊN lặng lẽ đối đầu khó khăn/ Tình DUYÊN mơ ước trăm năm/ Vô DUYÊN đâu kẻ ghé thăm mà chờ/ Hết DUYÊN hụt hẫng ngẩn ngơ/ Hữu DUYÊN tình gặp bến mơ kiếp người/ Trợ DUYÊN cứu độ giúp đời/ Bước qua sóng cả cập nơi yên bình/ Chữ DUYÊN không hẳn là tình... (Chữ Duyên)
     Phật giáo sinh ra ở phương đông. Chủ nghĩa hiện sinh khởi phát ở phương tây. Ấy thế mà gặp nhau như một cái duyên kỳ ngộ. Phật giáo thì sắc sắc không không, đi đến sự giải thoát. Hiện sinh thì xem nặng chủ nghĩa hư vô, ảo ảnh. Đọc các tiểu thuyết “Buồn nôn” của nhà văn Jean-Paul Sartre (giải Nô-ben văn chương, 1960), “Xa lạ” của nhà văn Albert Camus (giải Nô- ben văn chương, 1957) ta thấy rất rõ quan niệm triết học đó. Hai nhà văn này đều là công dân của nước cộng hòa Pháp, đa số người dân theo đạo Gia  - tô, nhưng đọc tác phẩm của họ, không hiểu sao tôi lại tin rằng họ đã từng nghiên cứu rất kỹ về đạo Phật. Có thể Lan Lê thấm nhuần đạo Phật nên thơ của chị cũng mang một chút hiện sinh: Nguyện cầu suốt kiếp, chúng sinh ghi lòng/ ...
    Hai nửa ươm màu nắng lung linh/ Hoàng hôn nối bình minh ảo ảnh/ Cuộc phiêu du diệu kỳ thần thánh/ Chợt thấy mình nhẹ cánh thiên di…(Ảo ảnh)
   Lan Lê sinh ra trong một gia đình có nền nếp. Trong những gia đình như thế thì ngôi nhà họ sống thường có không gian của đạo Phật. Nhờ có giáo lý Phật Pháp mà người ta rất coi trọng Gia đình, bởi họ hiểu Gia đình là một hạt nhân của Xã hội, hay nói cách khác, Gia đình là một Xã hội thu nhỏ. Lan Lê thấm thía cái điều cần thiết mệnh hệ này, chị viết: Chân tình nguyện gửi trao đi/ Cũng là nhận lại những gì tin yêu/ Gia đình chỉ có bấy nhiêu/ Nhưng là vũ trụ những điều thật riêng (Gia đình)
   Nói về gia đình, đầu tiên thường phải kể đến người Cha, một trụ cột chính, một điểm tựa tinh thần lớn cho mỗi thành viên. Không dẫm lên bước chân của rất nhiều người làm thơ ở xứ ta, cứ viết về người Cha thì thường kể lể về những công to việc lớn mà người Cha gánh vác, hy sinh vì con vì cháu bằng những việc làm cụ thể, đôi khi đao to búa lớn đến độ sáo mòn; Lan Lê viết ở tầng sâu hơn: Bao lần kìm suối lệ chan/ Bấy lần dâng ngọn sóng tràn từ Tâm/ Biển đời khúc cuộn đá ngầm/ Theo Cha quyết chí, lặng thầm bước đi...(Quà tặng Cha)
     Viết về người Mẹ, nhiều tác giả cũng hay theo lối mòn, nào là Mẹ còng lưng cấy lúa dưới nắng rát mưa dầm, nào là đòn gánh uốn cong trên đôi vai gầy, nào áo Mẹ bạc màu, thấm đẫm mồ hôi, nào là vì con mà hy sinh tuổi xuân của mình…vv…Lan Lê có cách nói khác, bằng cảm xúc từ chính người Mẹ của chị, ngay cả tiếng “Bầm” là cách gọi Mẹ của người Phú Thọ chị cũng giữ nguyên, mộc mạc hơn nhưng sâu xa hơn: Xa xăm khuất nẻo đi về/ Cô đơn xen giữa bộn bề bể dâu/ Cháy trời bao nỗi không màu/ Trải đời khó nhọc Bầm mau hoá già/ Cho con cái chữ làm quà/ Cho con da phấn, mặt hoa như người/ Cho con tươi rói nụ cười/ Tam tòng, tứ đức học Người từ đây! (Nhớ Bầm)
     Và cái hạt nhân để con người được sống làm con người với ý nghĩa đầy đủ của nó chính là tình yêu. Tôi thích bài “Một nửa”, bởi bài này có cái tứ thật vững, mô tả tâm lý của cô gái nông thôn miền Trung du vừa đi qua cái đận dậy thì để bước vào tình yêu còn nhiều vụng dại e ấp: Nửa vành nón lá che mây/ Nửa nghiêng gọi nắng hây hây má hồng/ Nửa khoe thục nữ lưng ong/ Nửa chùng chừng muốn mở lòng... lại thôi/ Nửa mơ cuối đất cùng trời/ Nửa thu mình lại thành người đoan trang/ Nửa hòng xé giậu qua sang/ Nửa e ngại giữ lệ làng nếp xưa / Nửa trời còn muốn buông mưa/ Nửa hong mây ấm, nửa đùa lá non/ Nửa tươi tốt nửa hao mòn/ Nhân gian thường ước nửa còn kín bưng. (Một nửa)
    Tôi nhận thấy, hầu như ai làm thơ cũng có những bài viết về thiên nhiên, bốn mùa, nhưng thường thì khi đến độ từng trải nhất định, thấm nhuần những quy luật của vũ trụ, phong thủy thì viết về đề tài này sẽ phiêu diêu hơn, thấm thía hơn. Lan Lê cũng thế, chị viết những bài thơ về bốn mùa khi tuổi đời đã trải, đã hứng đủ những gì thiên nhiên ban phát cũng như đầy đọa con người. Chi viết về mùa xuân ở độ giêng hai, lộc xuân phơi phới, nhìn lại mình lại có gì đó như nuối tiếc cho tuổi trẻ đã sắp đi qua: Vội vàng chi thế em Giêng?/ Mai Đào phai sắc, Xoan nghiêng tím chiều/ Đâu rồi hương bưởi thầm yêu/ Mang câu thơ ngỏ, lãng phiêu về trời…Hương Xuân dìu dặt đầu cành/ Lộc non ngút trải, mộng lành giêng hai/ Dấu in tuyệt diễm, trang đài/ Đoá hương ngát toả, đan cài vào tim… (Giêng em)
    Thời tiết khí hậu ở miền bắc Việt Nam chia ra bốn mùa rõ rệt và cũng có bốn tiết giao mùa: đó là cái khoảnh khắc chuyển từ Đông sang Xuân,  Xuân sang Hạ, Hạ sang Thu, Thu sang Đông. Các nhà thơ rất thích viết về cái khoảnh khắc chuyển mùa này. Lan Lê viết về cái thời điểm chuyển giao từ Xuân sang Hạ xứ Bắc thật khó quên: Rì rào gió níu bờ tre/ nồm nam hồ hởi cõng hè quá giang/ Cuốc kêu khắc khoải bên đàng/ Lập loè đom đóm xếp hàng chờ đêm…(Tình khúc giao mùa)
   Còn đây là những áng thơ viết về mùa Hạ tràn ngập màu sắc và âm thanh, rất ấn tượng: Nắng non trải nhẹ bờ đê/ Dường như ngái ngủ, tiếng ve ngập ngừng/ Phượng ươm màu lửa rưng rung/ Hồng lên lối nhỏ ai từng bước qua…Cuối Trời vạt nắng hoan ca/ Cuốc kêu gọi bạn Đa Đa chào hè/ Anh nghiêng tán cọ ô xoè/ Che em thay chiếc áo the sang mùa…Cháy chiều nỗi nhớ không màu/ Lặng thầm đếm giọt thưa mau lăn dài… (Hạ về miền ký ức)
   Trong những câu thơ vừa trích dẫn, theo ý tôi, đó là bài thơ hay nhất tập. Câu nào cũng hay bơi nó không nói toẹt ra theo trường phái “thơ như văn nói” hiện nay mà nó vừa tả thực vừa giầu tính biểu tượng, ẩn dụ, đánh thức khả năng suy tưởng của bạn đọc. Tôi đặc biệt chú ý tới hai câu “Anh nghiêng tán cọ ô xoè/ Che em thay chiếc áo the sang mùa…”. Hai câu này càng chứng tỏ rằng nhà thơ viết gì cũng bắt nguồn từ vốn sống thật, cảm xúc thật. “Tán cọ ô xòe” ở đây chỉ có ở quê hương tác giả. Tuy nó bình dân vậy nhưng nó có thể thay chiếc áo the trong lễ hội bởi chiếc ô tán cọ đã làm nên cái độc đáo, cái đẹp riêng của quê hương Phú Thọ. Phương pháp sáng tác này rất khác với rất nhiều “nhà thơ” đang viết ào ào hiện nay. Thơ của họ thường thiếu vốn sống thực tế, thiếu cảm xúc từ đáy sâu tâm hồn. Họ cứ ngồi một chỗ nghĩ ra một ý gì đó rồi viết. Thành quả là những bài thơ ám tả, nghĩa là viết bằng những mệnh đề đã có sẵn, bằng cảm quan của “người trần mắt thịt”: đã là biển thì phải có bờ cát, có sóng rì rào, quả chín thì phải mang màu đỏ, mưa thì phải mang màu xám…Nhưng họ đâu có biết rằng, trong con mắt của người sáng tạo nghệ thuật có thể nhìn thấy biển không hề có cát, có sóng “Ngày xưa biển không có cát như bây giờ/ Ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ…” (Chuyện tình của biển - Thanh Tùng), quả chín mà không phải màu đỏ, mưa có thể mang màu màu hồng (Mưa hồng - tên một bài hát của Trịnh Công Sơn). Sáng tạo nghệ thuật là thế. Người nghệ sĩ sẽ nhìn ra cái mà người bình thường không nhìn thấy, hoặc nhìn thấy mà không biết cái tầng sâu ẩn chìm trong cái vỏ ngôn ngữ.
     Lan Lê viết về mùa thu bắt đầu từ cái tháng bảy âm lịch, tháng Ngâu: Ngâu ơi! Ta thích dầm mưa/ Lối xưa giăng mắc ai đưa em về/ Lây phây đủ ướt câu thề/ Nhặt khoan từng giọt não nề chi em?/ Hình như gió cũng hờn ghen/ Lả lơi từng lọn, đua chen cợt đùa/ Nhẹ lay táo rụng sân chùa/ Nặng lòng thương quả cuối mùa... còn tươi… (Nhớ ngâu)
     Nói đến tháng Ngâu là nói đến Ngưu Lang - Chức Nữ, một chuyện tình tràn đầy hạnh phúc nhưng cũng tận cùng đớn đau, nói đến tình yêu và ly biệt, mà cũng có thể dẫn đến những bội ước, bạc tình, cho nên Lan Lê viết “ai đưa em về”, “đủ ướt câu thề”, “từng giọt não nề”, “gió cũng hờn ghen”, “đua chen cợt đùa”, “táo rụng sân chùa”, “thương quả táo cuối mùa…còn tươi” là đã có cái sự âu lo rất tế nhị, xa xôi, rất nữ tính về cái tháng đặc biệt này rồi đó.
     Và đây nữa, Lan Lê viết về cái tiết cuối thu, vừa thực vừa mơ, vừa hiện hữu vừa vô thường: Chút se lạnh sương giăng miền hư ảo/ Khói lam chiều vai áo hãy còn vương/ Bến sông xưa điểm hẹn giữa vô thường/ Bừng sắc tím yêu thương từ thuở ấy… (Đoản khúc Thu)
     Cổ nhân có lời dạy “Ngũ thập tri thiên mệnh” (Tuổi năm mưới đoán được mệnh trời), “Lục thập bất nhập đình trung” (tuổi sáu mươi từ chối những việc liên quan đến hàm tước chốn quan trường). Lan Lê đi qua cái ngưỡng “Ngũ thập” bước vào cái hệ “Lục thập”, với một tâm thế ung dung, tự tại của người đắc đạo: Nhẹ buông xả gánh nợ đời/ Tấm lòng rộng mở nói lời yêu thương/ Hoa tàn lưu chút thiên hương/ Con tim gói lại khỏi vương vấn người/ Khen chê lặng lẽ mỉm cười/ Thân tâm an lạc, nói lời êm tai/ Quên đi DANH- LỢI- SẮC- TÀI/ A Di Đà Phật Như Lai nhiệm màu…(Lục tuần)

screenshot_1646
     Cho dù cuộc đời sáu mươi năm không phải lúc nào cùng thuận lợi, bằng phẳng, không phảỉ không có những thua thiệt đớn đau, nhưng “biết được mệnh trời” để tạo được cho mình một tâm thế ung dung tự tại như thế không phải ai cũng làm được. Không những thế, Lan Lê còn để lại cho đời những giai phẩm thi ca. Thơ của chị không hề xoàng xĩnh, nhưng chị “tự sự” về việc này lại rất khiêm cung: Hành trang thiên hạ là vàng/ Với tôi vẻn vẹn vài trang gọi là/ Tặng cho bè bạn làm quà/ Giữ mình một chút hương hoa dâng đời/ Hành trang giản dị vậy thôi/ Nâng niu cất đáy giếng khơi tim mình/ Tặng ai lỡ khổ vì tình/ Tặng ai trong cuộc đăng trình lẻ loi/ Tặng cho đời, tặng cho tôi/ Tặng cho tất cả những người thân yêu. (Hành trang)
     Để kết thúc bài viết, tôi muốn nói với Lê Lan một đôi điều rất thành tâm rằng, thơ chị mạnh về tứ, về cảm xúc sáng tạo; đưa cuộc sống vào trong thơ một cách nhuần nhị; chị hoàn toàn có thể trở thành một Nhà Thơ chuyên nghiệp nếu gia tăng thêm cách hành văn mới lạ, vừa chân thực vừa huyền diệu, kì vĩ. Làm được thế chị sẽ tạo được một thương hiệu riêng tạc vào trí nhớ của bạn đọc.
 
                                                                                                  Hà Nội, tháng 8 năm 2021
                                                                                                                L.H.N
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 225
Trong tuần: 951
Lượt truy cập: 435577
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.