CÂY BÚT PHÊ BÌNH ĐA NĂNG
VŨ NHO
NHÀ VĂN NHÀ GIÁO NGUYỄN THỊ THIỆN
Trong gần chục năm trở lại đây, nhà giáo - nhà văn Nguyễn Thị Thiện nổi lên trên văn đàn như một chuyên gia bình thơ. Các bài viết của chị đăng tải nhiều tờ báo, cả trung ương và địa phương. Không phải là nhà báo, nhưng Nguyễn Thị Thiện cộng tác với nhiều tờ báo lớn như Phụ Nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Văn Nghệ, Giáo dục và Thời đại, Văn nghệ Công an, Văn học và Tuổi trẻ, Thời báo Văn học Nghệ thuật, Tạp chí Lí luận và phê bình Văn học Nghệ thuật. Chị đã in các tập bình thơ với con số kỉ lục. Chín tập bình thơ : Trang thơ trang đời (2017), Tình quê tình người, tập 1 (2018), Tình quê tình người, tập 2 (2019), Thơ dâng Mẹ (2020), Quê hương Việt Nam (2020) , Tình Cha con (2021), Nơi biên cương tổ quốc (2022), Tiếng lòng nơi đầu sóng (2023), Thơm hương lục bát (2023). Gọi Nguyễn Thị Thiện là cây bút đa năng vì chị không chỉ bình thơ, viết báo, chị đã in một tập truyện ngắn, một tập phê bình tiểu luận và 2 tập bình văn có tên Hái dọc đường Văn, tập 1, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2022, và Hái dọc đường Văn, tập 2, Nxb Hội Nhà Văn, 2024. Bài viết này chúng tôi ghi nhận những cố gắng của cây bút phê bình đa năng trong lĩnh vực bình văn, bình thơ chủ yếu qua tập “Hái dọc đường Văn”, tập 2.
Tập sách này khác các tập “Thơ chọn và bình” théo chủ đề mà tác giả đã in bởi bình thơ lấy đơn vị bài thơ để bình giá. Còn trong sách “Hái dọc đường Văn”, cũng có bài bình thơ, nhưng chủ yếu là tiểu luận về thơ, về các vấn đề mang tính tổng hợp. Tuy nhiên tính chất khác biệt chỉ là tương đối.
Là người đam mê và thơ văn, bao giờ Nguyễn Thị Thiện cũng tìm ra những nét độc đáo, khác biệt của đối tượng để biểu dương, khẳng định. Đây chính là biểu hiện của sự nhạy bén, sắc sảo của người viết phê bình. Chúng tôi đã từng nói đến khả năng “rút tít” bài viết khá chuẩn của Nguyễn Thị Thiện khi bình thơ. Khi viết phê bình văn xuôi, tác giả vẫn phát huy được ưu điểm đó. Chọn ra những điều cốt lõi nhất, đặc sắc nhất của đối tượng để ghi nhận và khẳng định đóng góp của mỗi tác giả.
Như khi viết về nhà thơ thiếu nhi Lê Hồng Thiện, chị khẳng định: “Lê Hồng Thiện không chỉ là nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, rất tươi trẻ, mà còn là một cây bút phê bình có cách nhìn và lối viết riêng khá tinh tế” (tr. 23). Về tiểu thuyết “Lính tăng” của Nguyễn Bắc Sơn, sau khi chỉ ra những ưu, nhược điểm của cuốn sách, Nguyễn Thị Thiện đánh giá khá tinh: “Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn hoàn toàn xứng đáng là áng sử thi, bản anh hùng ca về đề tài chiến tranh cách mạng, làm sáng thêm phẩm chất cao đẹp của người lính tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế nói riêng và người chiến sĩ thời chiến tranh chống Mĩ nói chung trong văn học Việt Nam đương đại” (tr. 20 -21). Đánh giá trường ca “Cám ơn người sông Mêkong” của Lê Tuấn Lộc, người viết đã khẳng định đầy tự tin rằng đó là “Cuốn sách vạm vỡ đầy tâm huyết; Thiên trường ca nhiều sáng tạo độc đáo; Cuốn sách để đời của nhà thơ” ( tr. 74 – 84). Cảm nhận tập tiểu luận phê bình của cây bút nữ Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Thị Thiện khái quát: “Thồ tình yêu đến cuộc chợ phiên vẫn là sự hội tụ tâm và tầm của một cây bút phê bình giàu bản lĩnh. Ở đó, nhà văn gửi gắm nhiều tâm huyết, trân trọng cùng sự đánh giá khách quan. Tập sách cho thấy Lê Thị Bích Hồng đã tự thể hiện một phong cách riêng rõ nét trong phê bình, nghiên cứu văn học” (tr. 141). Bàn về phim “Nhà bà Nữ”, người viết khẳng định những mặt được của bộ phim, đồng thời chỉ ra nhưng điều chưa được để nhà làm phim lưu ý:“Cách xưng hô giữa các nhân vật trong phim còn gây phản cảm với người xem, rất nhiều lần mày/ tao cho dù đó là xưng hô giữa mẹ/con, vợ/ chồng, bà /cháu hay giữa bạn bè cùng trang lứa […]. Mặt khác, tính cường điệu hài hước có phần thái quá trong diễn xuất của một vài nhân vật, rõ nhất là bà Nữ và anh con rể Phú Nhuận khiến người xem có cảm giác nhân vật quá lên gân, giảm đi tính chân thực […] suy nghĩ và độc thoại của Ngọc Nhi song đôi đoạn tính logic chưa cao. Mặt khác, sự chuyển biến tính cách đột ngột đến 180 độ của bà Nữ “qua nhiều tháng sau” để rồi kết bộ phim bằng cảnh đám cưới vui vẻ với ông tổ trưởng dân phố có phần khiên cưỡng” (tr.105 -106).
Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định chính xác của tác giả trên. Cá nhân, tôi thật sự khâm phục sức làm việc của đồng nghiệp, coi chị là một cây bút phê bình đa năng giàu thành tựu! Tôi cũng ngạc nhiên là tiểu ban Lý luận phê bình của Hội nhà Văn Việt Nam sao lại không hoặc chưa để ý đến trường hợp Nguyễn Thị Thiện?
Hà Nội, 31/5/2024
Người gửi / điện thoại