Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CÂU CHUYỆN BÌNH THƠ

CÂU CHUYỆN BÌNH THƠ

      v_nho_tc_bch_kim               

VŨ NHO

Chuyện thứ hai

RẤT NỂ NHÀ THƠ XUÂN DIỆU

Không rõ tôi đọc bài Xuân Diệu tổng kết cuộc thi thơ năm nào. Nhưng tôi ấn tượng mãi về sự tinh thế của ông Hoàng thơ tình. Hai ví dụ  nhà thơ Xuân Diệu góp ý tôi nhớ mãi.

          Một nhà thơ viết về hương hồi hay hương thảo quả với cô thiếu  nữ miền núi:

  • Hương ngát thơm nồng nếp váy xanh

Nhà thơ Xuân Diệu phê rằng chữ “nồng” rất thô! Váy áo phụ nữ mà “nồng mùi” thì chẳng  có gì hay cả! Ông đề nghị chữa:

  • Hương ngát thơm vào nếp váy xanh

Cũng là thơm thôi, nhưng “nồng” thì dở, còn “vào” thì ổn!

Cũng trong bài nhận xét ấy, có nhà thơ cũng khá có tên tuổi viết:

          Nón che chung trời mưa lổ đổ

          Đôi môi hương sấu chín dịu chua

Nhà thơ Xuân Diệu phê rằng, nói mồm, môi chua là nói đến người ốm! Cho nên chữ “chua”  dù được giảm nhẹ “dịu chua” nhưng vẫn còn thô. Ông đề nghị bỏ bớt đi! Mà quả nhiên bỏ đi, câu thơ hay hẳn lên:

          Nón che chung trời mưa lổ đổ

          Đôi môi hương sấu chín

Rất đẹp và rất gợi  cặp môi của người bạn gái!

Thì ra thơ nói đủ hết, thật hết lại không hay bằng nói thiếu!

 

Chuyện thứ ba

MÀU CỦA BÔNG HOA

Khi còn là sinh viên khoa Văn tôi đã để ý đến câu chuyện “màu hoa” trong bài ca dao:

          Trèo lên cây bưởi hái hoa

          Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

          Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

          Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay

Các bậc tiền bối khả kính đã bàn về nụ tầm xuân, hoa tầm xuân.

Lúc ấy các nhà nghiên cứu chỉ bàn xung quanh bốn câu thôi, và tôi nhớ chỗ mắc mớ nhất mà họ tranh cãi đó là câu "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc". Người bình thứ nhất thì cho rằng chắc là do chép nhầm, phải hiểu chữ "xanh" ấy vốn là chữ "ánh" hoặc chữ "cánh" thì mới hợp lý bởi vì không thể có "bông hoa màu xanh, lại xanh biếc". Nó có thể có ánh biếc khi nó là màu tím, màu vàng hay màu hồng... Rồi Lãng Bạc lại bàn lại và muốn đổi chữ "nở" thành ra chữ "nảy" vì hoa tầm xuân chỉ có màu trắng hay hồng nhạt. Vậy chỉ có nụ tầm xuân mới nảy ra còn non tơ nên có thể xanh biếc (?) Nói tóm lại mọi người đều đem so sánh bông hoa tầm xuân ở ngoài đời với bông hoa kì lạ "xanh biếc" ở trong ca dao và muốn sửa lại từ ngữ cho nó "hợp lí".

Tôi dù non lí lẽ  nhưng  đủ tỉnh táo để cho rằng  các vị tiền bối khả kính  đã quên mất đây là bông hoa tầm xuân nghệ thuật, bông hoa lí tưởng, bông hoa đặc biệt nở trong con mắt của người si tình.  Với anh ta, cô gái kia cũng như bông hoa này  là « một, là riêng, là thứ nhất » có một trên đời mà thôi. Thử ngẫm xem nếu bông hoa này cũng có màu như các bông tầm xuân khác, nghĩa là nó khá phổ biến, thì làm gì phải thốt lên câu "anh tiếc lắm thay".

Tôi giữ tinh thần đó cho đến khi bình  cả bài ca dao có tên «Cuộc gặp muộn mằn».

Điều quan trọng nhất là khi anh tìm ra cô, phát hiện được cô như là "Điểm đỏ giữa muôn xanh" (Xuân Diệu) thì đã quá muộn màng. Anh chỉ có thể đứt ruột đứt gan mà thốt lên lời tiếc nuối. Sự tiếc nuối càng có ý nghĩa lớn vì cô gái là bông hoa xanh biếc. Bông hoa hiếm hoi tưởng như không có thật trên đời !

Cái màu xanh biếc tưởng như là bất hợp lí, không thể nào phù hợp với hoa tầm xuân hóa ra lại có lí trong tâm trí chàng trai công phu tìm kiếm !

ruong_thang_co_gai

 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 50
Trong tuần: 563
Lượt truy cập: 423194
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.