MẤY GHI NHẬN CUỐN “ĐÔNG ANH THƠ CHỌN” TẬP 1
Vũ Nho
Đông Anh thơ chọn tập 1 gồm có 31 tác giả với tổng số 81 bài thơ. Đa số các tác gia được chọn 3 bài, có ít người được chọn 2 bài, hai tác giả chỉ được chọn 1 bài. Lại nữa, hầu hết các tác giả đã có thơ in thành tập. Người nhiều thì 8 tập, người ít hơn thì 1 đến bốn, năm tập. Có người chưa in tập nào nhưng có hàng trăm bài thơ. Ai cũng có thơ in ở các báo Trung ương và địa phương. Như vậy người viết của Đông Anh trong tập này đã có nhiều thành tựu.
Đôi ngũ các tác giả có người sinh trưởng ở Đông Anh, nhưng phần lớn ở các miền quê khác, tụ về Đông Anh đất lành. Các anh chị đã từng đi lính, làm nhiều công việc khác nhau : giáo viên nghỉ hưu, hiệu trưởng, công an, bộ đội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, Đại sứ, Giám đốc, Tổng giám đốc,… Thật đa ngành nghề,… Nhưng có một nét chung là đều say đắm thơ ca!
Các bài thơ được chọn cũng rất nhiều đề tài, chủ đề khác nhau. Làng quê, Ngõ quê, Chợ quê, người mẹ, nhớ bạn chiến trường, tình cảm đồng hương, Vẻ đẹp Đông Anh, mùa hoa,…xa hơn là Sa Pa, Sa Vỹ, Đất Mũi Cà Mau,…
Cái công việc vất vả, tỉ mẩn, khó khăn “so bó đũa chọn cột cờ” ấy do nhà thơ Khang Sao Sáng, Chi Hội trưởng chi hội Đông Anh, người đã in đến 8 tập thơ riêng, đoạt nhiều giải thưởng thơ cấp Thành phố và Trung ương đảm nhận. Thật đáng trân trọng!
Trong các bài thơ ca ngợi quê hương, người viết có thể nhớ về quê cũ khi mình đã định cư ở quê mới Đông Anh. Hoặc về quê mới Đông Anh. Đó là tâm trạng của Nguyễn Thanh Hà khi viết về Làng Phương quê mới:
Về quê – em nhé làng Phương/ Lại nghe tình khúc dậy hương tơ lòng
Nắng lên xanh bãi, xanh đồng/ Nay làng hóa phố bên sông gọi mời
Cũng là cảm xúc và tâm trạng của Nguyễn Thu Hằng khi viết về “hương quê”:
Bốn mùa như mở hội xuân/ Về quê xin gói một phần hương quê.
Tác giả Phạm Văn Hiển thì viết mình có hai miền quê, quê Cửa Lò và quê Đông Anh. Và hân hoan giới thiệu miền quê mới:
Về Đông Anh hôm nay/ Lòng ta bao mê say/ Những trang vàng lịch sử
Đang viết lên từng ngày […]
Về Đông Anh thăm cánh đồng bát ngát/ Và ghé thăm khu di tích Cổ Loa
Để say lòng ngắm những sắc hoa/ Sắc đỏ vườn đào, vàng tươi ruộng quất
Ta thấy mùa xuân về, thấy sức sống một vùng quê
(Về Đông Anh hôm nay)
Nguyễn Mạnh Dưỡng ca ngợi miền quê Đông Anh qua hình ảnh đất lành chim đậu:
Miền đất đầy ấm áp/Chim câu ơi!/ Quê ta chưa giàu đẹp
Nhưng đình chùa vươn cao nét rồng bay/ Điểm chuông rồi, xa xưa cũng về đây/ Như ta thấy / Miền đất này chim đậu/ ( Chim câu đậu trên mái chùa)
Tạ Xuân Đại ca ngợi người làng cổ ngoại thành:
Người ngoại thành quen dầu dãi nắng mưa/Dầm bão, đội dông làm nên hạt gạo
Rau muống ngoi ao biếu nhau lòng thảo/Sân gạch Bát Tràng, chum gội nắng tương ngon/ ( Làng cổ)
Những hình ảnh mái đình, con ngõ, vườn đào, ruộng quất, cây gạo rất cụ thể, sinh động tươi tắn, nhưng cũng có những hình ảnh đẹp, gợi cảm, mơ hồ trong thơ Nguyễn Thị Phương Anh:
Mơ hồ…/ Vi vu nhịp gió/Rì rào điệu cây/Đồng vọng khúc du ca
Cánh đồng nâu trải mờ xa/Con sông trắng nhớ đò cập bến
Hoàng hôn để rơi chút nắng/ Soi áng mây lành neo đậu núi xa
Mảnh trăng non lấp ló hiên nhà/ (Lang thang)
Cùng với quê hương là người mẹ thân thương. Hình ảnh mẹ được nhiều người viết thành công trong nhiều bài thơ.
Nguyễn Văn Song có bài thơ hay “ Một đời áo nâu”:
Một đời mẹ mặc sáo nâu/ Bao nhiêu áo cũng một màu đất đai
Rách lành kể những hôm mai/ Áo hay đời mẹ sờn phai mỗi ngày
Áo nâu bạc, áo nâu gầy/ Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa
Lắng nghe sợi vải ngày xưa/ Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi
Bao nhiêu nước mắt mẹ rơi
Khang Sao Sáng có những câu thơ rất gợi:
Phận cỏ long đong sống đời mưa nắng/Mẹ cấy mồ hôi
Bùn nảy thóc vàng […]/ Nén nhang đỏ giữa đồng lấp loáng
Cháy lòng con… vọng tiếng mẹ về/ (Nhớ mẹ)
Nguyễn Hữu Thắng mơ thấy mẹ ru như thuở nào:
Bỗng nghe tiếng võng đầu hè/ Kẽo cà kẽo kẹt, mẹ về ru tôi
Thoảng như bậu cửa mẹ ngồi/ Hương trầu thơm tỏa, bồi hồi năm nao
(Mẹ ơi)
Nguyễn Thị Tuyết có bài “ Mẹ tôi”. Bà mẹ giản dị với hành trang đơn giản, nhỏ bé:
Mẹ tôi khăn vấn áo nâu/ Hành trang một cối giã trầu mang theo.
Trần Thị Tửu về lại chốn xưa hình dung bóng mẹ:
Liêu xiêu bóng mẹ một mình sớm trưa/ Lưng còng con tép con cua/
Vai gầy gánh cả nắng mưa nhọc nhằn
Ngoài bài “ Một đời áo nâu” Nguyễn Văn Song còn có những câu thơ ấn tượng về mẹ:
Mẹ ta quần mảnh áo nâu/ Đêm khuya cặm cụi ngòi khâu dưới đèn
Tiếng chim cuốc cuốc ưu phiền/Ngón gầy khâu mãi chẳng liền năm canh/ (Tiếng cuốc nửa đêm)
Ta về một giại hiên thềm/Dáng cha hút thuốc trăng đêm đổ dài
Mẹ ngồi khâu áo rách vai/Hình như miếng vá đã vài lần thay
(Ta về mót chút nhà quê)
Mỗi thi nhân quan tâm một khía cạnh cuộc đời, khi tập hợp lại thành ra như một bó hoa đa sắc.
Nguyễn Khả Hùng ca ngợi hoa bèo loại hoa bình thường ít người để ý:
Những cánh hoa bèo giản dị đơn sơ/ Cũng cho cuộc đời này dệt đẹp những ước mơ/ (Hoa bèo)
Bùi Thị Hoa Hà nhớ mùa hoa tháng Tư:
Rẽ xuân bừng hạ tháng Tư/Vườn thơm loa kèn e ấp/Thời gian đi qua/Xanh mùa đất thức/ Cây gạo sân đình lửa đã thắp hoa/(Tháng Tư nỗi nhớ)
Và bày tỏ tình cảm mạnh mẽ, thẳng thắn khi người ấy sao không nhận biết:
Khi xa nhau em thấy nhớ vô cùng/Nhịp rời rạc nay trở thành rạo rực
Đón bình minh xanh và hoàng hôn lửa/ Vắng xa này…anh có biết không anh?/ (Anh có biết không)
Lê Thị Liễu thì nhẹ nhàng, dịu dàng “ Nhớ về kỉ niệm”:
Nhớ về kỉ niệm ngày xưa/ Em tròn mười tám anh vừa đôi mươi
Thương nhau chẳng dám ngỏ lời/ Nhờ hương hoa bưởi…ngát trời yêu thương
Lại Duy Bến suy tư, an nhiên khi “Ngoảnh lại”:
Lâu không gặp bạn là nhớ/Viếng người mới mất ngậm ngùi
Một thời vào sinh ra tử/Vẫn còn nhớ nhau là vui/ (Ngoảnh lại)
Cũng tinh thần bạn bè ấy, Hà Tân có niềm an ủi khi gặp bạn một thời quân ngũ:
Bạn hưởng lương hưu hàng tháng/Mình lương vợ theo mùa […]
Bạn thương mình cảnh ngộ/Gặp lắm điều không hay
Rượu chia buồn lên núi/ Mặc thế thời vần xoay
Ngả lưng đi đỡ mỏi/Rượu trăng sóng sánh đầy/ (Gặp bạn)
Ngô Anh Quỹ thì băn khoăn, suy tư về Ngõ khúc và Cổng Chùa, khi làng được “bê tông hóa”:
Ngõ giờ bê tông hóa/ Ao mọc lên nhà, vườn xanh hẹp lại
Tường xây cao, vắng bóng râm bụt cúc tần
Đêm tối trời / Nhớ ánh lập lòe đom đóm cầu ao […]
Ông bà, tổ tiên/Bao lớp người sinh ra từ ngõ/Sống đi trên ngõ
Chết đi trên ngõ/Tôi tìm lại những dấu chân/Ngõ vẫn ngần ấy khúc quanh/
( Ngõ khúc)
Cổng Chùa đường bê tông ra ngoài làng/ Hai bên nhà san sát
Ruộng sâu, ao sâu cũng mất/ Cổng Chùa chỉ còn cái tên
Cựa quậy trong đầu lớp tuổi xưa nay hiếm/ ( Cồng Chùa)
Nguyễn Công Lôi ca ngợi “Chợ quê” thì Nguyễn Đăng Thuyết đầy cảm thương cho những số phận bán sức lao động nơi “Chợ người” :
Chợ gì / Chẳng thịt chẳng rau/Đầu đường góc phố một màu áo quê
Tám phương lũ lượt kéo về/ Bán thân gán sức nặng nề tới khuya
Khang Sao Sáng cũng một tinh thần thương cảm ấy, những hướng về “những chú chim”, những em nhỏ lang thang bán báo, đánh giày:
Trang giấy trắng nhòe đi/Tôi viết được gì
Bên mặt hồ xanh biếc/ (Những chú chim bên hồ Thiền Quang)
Có thể nói rằng tuy chưa đầy đủ và toàn diện, nhưng “Thơ chọn Đông Anh” là tập thơ phản ánh tình cảm mến yêu, tự hào, trăn trở, suy tư của những người công dân Đông Anh, một miền quê giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống văn chương, đang cùng đất nước chuyển mình, giàu đẹp!
Tin rằng những tập tiếp theo, bạn đọc sẽ gặp gỡ nhiều cây bút sáng tác Đông Anh giàu thành tựu.
Hà nội, 11/6/2024
Người gửi / điện thoại