Nguyễn Thanh Tùng
BỨC TRANH TÂY HỒ TRONG “GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI” CỦA NHÀ THƠ PHẠM THI PHƯƠNG THẢO!
Đọc Giọt giọt đêm Hà Nội, của của nữ sỹ Phạm Thi Phương Thảo- NXB- Hội NV- 2024, Trường ca của chị đã dẫn dụ tôi về với Hồ Tây để nghe tiếng sóng vỗ từ ngàn năm trước (Chương IV- từ khúc 17) và Ngắm “Giấc Sen chạm gót Tây Hồ” (Chương 9, từ khúc 50).
Để cảm nhận được bức tranh Tây Hồ trong Giọt giọt đêm Hà nội, ta không chỉ bằng mắt nhìn mà ta hãy để từng giọt giọt thấm vào mọi giác quan, thấm vào từng tế bào trong cơ thể. Đầu tiên phải kể đến giọt âm thanh “Nghe chuông Trấn Quốc Thả mềm nắng sớm
Tiếng mõ đẫm sương Tây Hồ
…Nghe sóng từ ngàn năm về trước
Dâm Đàm âm u tiếng nước reo”
Mới chỉ nghe thôi mà địa tầng văn hoá đầu tiên của Đại Việt đã hiển hiện trong ta vọng ngân từ chiếu dời đô và định vị bởi hai tù “Trấn Quốc”. Tai đã nghe, mắt đã thấy, Mắt ta thấy gì? “Cổ Ngư, Trúc Bạch lãng đãng khói sương
Sóng từ mặt hồ hát khúc vô thường…”
Phải chăng làng cổ Yên Hoa ra đời từ lãng đãng sương khói trên mặt Hồ Tây từ ngàn xưa để lại. Bức tranh về Hồ tây không thể không có
“Những hàng cây lốm đốm nắng xanh
Lộc vừng xanh xoã tóc đỏ ven hồ
Nghi Tàm cổ thương về hoa và lúa”
Bức hoạ Tây Hồ không thể thiếu đi niềm suy tư từ trong sâu thẳm như những nếp nhấn trong bức tranh sơn mài “Giọt giọt đêm”: Những bước chân xưa đi về làng cổ
Suốt một vòng hồ xôn xao gió hát
Mái chùa uốn cong cũ kĩ như mơ
Hà Nội bay lên sông Hồng bát ngát
…. Suốt một vòng hồ Tây tôi chưa đi hết tôi
Thương bao phận người nước mắt vẫn rơi”
Ta cảm nhận được tính nhân văn trong từng câu chữ của Phương Thảo, Nhịp thơ trong trường ca lúc thì thong dong như dòng sông Nhị Hà vẫn mải miết trôi xuôi, lúc thì nhịp thơ như tắc nghẽn xót xa cho Dâm Đàm Xác Cáo chẳng cùng xuôi bến với dòng mẹ sông Cái mà ở lại với bao ẩn khuất chôn dưới đáy hồ, nỗi oan khuất xót xa…để cho “Hà Nội hào hoa xót xa gan ruột
Đắng cay nhọc nhằn từ bấy đến giờ”
Bức tranh Tây Hồ với nền tảng Văn hoá vững trãi của Thủ đô văn hiến của người Việt bất khuất kiên cường nhân hậu bao dung. Đi một vòng Hồ Tây ta chạm nơi hồn cốt của cha ông bằng những đền đài miếu mạo, Ta thành kính chiêm bái nơi Thờ Mẫu linh thiêng, Phủ Tây Hồ nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam. Điểm nhấn của Hồ Tây sừng sững ngôi chùa cổ kính, ngôi chùa như một bông sen hồng vươn lên từ bùn đất Hồ Tây , Chùa Kim Liên.
“Bao ý nghĩ trôi ngược miền cổ sử
Thăng Long xưa bao kiếp thăng trầm
Từ Nghi Tàm đầm sen nghe thì thào sen hát
Một bông sen cuối cùng như ngọn đuốc cháy lên”
Sen Tây Hồ cháy lên từ đó đến giờ, Tây Hồ không chỉ có “thơm hương nếp xôi xưa” mà Tây Hồ còn bởi
“Hồn Sen thơm trên đất bùn áo mỏng
Một đoá sen hồng ngơ ngẩn tiếc xưa”.
Vậy là Phương Thảo đã phác hoạ Hồ Tây bằng bức tranh Sơn mài với gam trầm cổ kính, lãng đãng mơ màng, ngan ngát hương đưa, lao xao nắng/ để mặt hồ run rẩy lắc lư, âm thanh trong veo “ Trấn Quốc lặng im một tiếng chuông chiều” . Với tính cách của một nàng thơ xinh đẹp, năng động, tâm hồn trong sáng, tình yêu với con người với thiên nhiên của Phạm Thi Phương Thảo, không thể không có những hình ảnh của nhân vật trữ tình nhún nhẩy đáng yêu
“Tóc em bay cong dốc Cổ Ngư
Heo may về chợt mùa thu thay áo
Cây trút lá vàng đâu phải đã thu”.
Tôi yêu bức tranh Tây Hồ của Phương Thảo, với những nét bút độc đáo khơi dậy tầng văn hoá cổ kính của Hà Nội. Nền văn hoá ấy theo thời gian đang hiện hữu ngay cùng chúng ta, không phải trong giấc mơ mà trong đời sống hàng ngày, ám ảnh khôn nguôi, phải chăng “Giấc sen chạm gót Tây Hồ” (Chương 9 khúc 50 của trường ca).
Vẫn là Phương Thảo đấy thôi mà sao tôi thấy chị như một con người khác, Phương Thảo hiện đại, Phương thảo phiêu như đúng con người năng động của chị, nhịp thơ ngắn như hơi thở gấp gáp nói về loài sen
Vũ nữ/ Chân dài/ Dáng cao/Xập xoà /váy lá! / Gập mình/ Cúi chào/Mùi hương/ Bay xa… Rồi nhấn thêm một chút “Gió lưng ong/ Thân vút cong/Mùa vừa sen/ Ngày vừa em!... Mùa vừa lên/ Ngày tàn đêm”. Tính nhạc trong thơ như ngân nga khúc vui hạnh phúc. Cách miêu tả của Phương Thảo cũng thoáng, rất phiêu nhưng cũng rất hiện thực, tác giả không những có óc quan sát tinh tế mà độ cảm nhận sâu lắng
“Sen tuột khỏi bùn đêm
Bước ra khỏi giấc mơ em
Âm thầm sinh nở
Quên mình từng nhị vàng bông trắng lá xanh!”
Trong không gian thơ mộng của sen, nhân vật trữ tình hoá thân thành hoạ sỹ , hoạ sỹ với bức tranh sen đủ hương sắc tình yêu. Nhân vật trữ tình hoá thành thi sỹ với những cặp lục bát mềm mại đễ thươn
” Sen đợi người thả câu thơ
Xập xoè lá biếc ơ hờ bung biêng
Sen thơm mùa ấy gió thiêng
Người về rượu đắng, buốt niềm yêu thương
Đêm xanh, nở đoá vô thường
Sen bần bật gió, nõn nường đoá trăng”
Trong sâu thẳm người Thơ, người phụ nữ chạnh buồn cho nhân tình thế thái, cho những cuộc chia ly đôi lứa bên Hồ Tây trong mọi triều đại để gửi một thông điệp về cái giá phải trả cho danh hiệu Thành phố vì hoà bình và gửi gắm lòng tri ân của người cầm bút có trái tim nhân hậu:
Người đi lẳng lặng khói trời
Hồ tây sóng vỗ bời bời dấu chân
Sen thơm, mắt biếc, âm thầm
Người về thương bóng mình chầm chậm rơi
Sen đau võng cuống bên đời
Thương mùa đứt gãy, than trời, thấu chăng
Ơi người chinh chiến bao năm
Cho trăn trở rách cho lành thịt da”
Tác giả Phạm Thi Phương Thảo đã cho nhân vật trữ tình của mình dọc dài theo trường ca giọt giọt đêm Hà Nội với rất nhiều cung bậc cảm xúc, bằng tứ thơ đa dạng phong phú. Riêng tôi, tôi lắng lại bên Hồ Tây để ngắm bức tranh Sen, loài hoa xuyên thế kỷ, loài hoa chứa đựng các tầng Văn hoá của người Việt. Hy vọng một ngày nào đó được cùng ngồi bên đầm Trị thưởng trà Sen. Hy vọng một ngày nào đó Sen trở thành Quốc Hoa, trong đó có bàn tay đống góp của nữ sỹ Phạm Thi Phương Thảo. Chúc chị dồi dào bút lực, dồi dào tình yêu cuộc sống để có nhiều tác phẩm cống hiến cho cuộc đời.
Hà Nội tháng 10/2024
N.T.T