Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BỜ RÀO KHÔNG THEN

Nguyễn Tùng Minh

BỜ RÀO KHÔNG THEN

       Mới đi làm công trình xây dựng ở thành phố về được mươi hôm thì Dục đã điện đến cho Tính nói là vừa nhận công trình của một đại gia, được giá nên bảo Tính thu xếp công việc để cùng  đi làm. Thấy thế Thủy vợ Tính vội giở việc ra bàn với chồng, cuối năm nay không đi làm thuê nữa mà tập trung vào việc trồng rừng ở Suối Ông. Thấy việc làm ở thành phố đang thuận lợi, chẳng mấy khi có việc tốt, ngày công lại cao, bỏ thì tiếc nên nghe vợ nói thế Tính khăng khăng không chịu, biết tính chồng, Thủy phải nói giọng dằn dỗi:

- Ông đi làm thuê quanh năm, ông có ở nhà đâu mà biết dân làng thay đổi thế nào?.  Đấy như cái nhà Mảnh Chanh ấy, người ta mới trồng rừng vài năm thôi mà mở mày mở mặt ung dung hẳn lên.

- Nhưng tôi có biết trồng rừng nó thế nào đâu!  Tôi đi xây kiếm tiền thuê người làm rừng là được chứ gì?

- Không nhưng nhị gì cả, ông cứ vào trang trại nhà ông Mảnh mà xem họ làm, mình cũng có đất ở đấy mà bỏ hoang cho cỏ mọc ông thấy thế mà yên được à?

     Thấy vợ cương quyết, ừ thì việc lên xem thì cứ xem, có làm hay không còn tùy. Nghĩ vậy, Tính xoa dịu:

- Để mai tôi vào xem sao rồi sẽ tính!

     Hôm sau Tính lên trang trại nhà Mảnh Chanh xem hư thực ra làm sao mà Thủy cứ giãy nảy lên đòi trồng rừng cho bằng được. Mảnh và Tính cùng được giao đất lâm nghiệp 50 năm ở dãy đồi ven Suối Ông. Năm ngoái Mảnh trồng cây keo tai tượng đến giờ đã khép tán, nay chỉ việc trông coi chờ đến ngày thu hoạch. Thế mà hơn hai chục ha đất nhà Tính ngay ngoài đầu trổ chỉ vì mải đi làm thuê kiếm tiền nên vẫn để cỏ lau lách mọc ngập đầu, trông như miếng mụn vá sần sùi trên tấm áo cánh mượt như nhung, thấy mà xót xa hổ thẹn…raorung

    Đứng bên ngoài nhà, Tính đã đánh tiếng thật to:

- Có nhà không? Ông Mảnh ơi!

    Nghe có tiếng người gọi, Mảnh đang lúi húi nhặt trứng ngoài chuồng gà. Ngoảnh ra thấy Tính đến thăm thì mừng rỡ chạy ra trên tay vẫn còn bưng rổ trứng, Mảnh mời khách vào trại uống nước và dẫn đi thăm mô hình trang trại. Rừng cây keo trồng hồi đầu năm ngoái tính tháng mới chỉ được năm rưỡi mà giờ  đã  khép tán xanh rợp. Những cây keo mập mạp bằng cổ tay cao chừng 3 mét, đều tăm tắp. Dưới gốc keo cỏ đã lụi quang tênh, lộ lớp đất mùn màu mỡ, nhẵn vết chân gà. Làn gió từ suối Ông thổi về, giữa tiết trời tháng tám mà không khí mát mẻ, dễ chịu như đang xuân. Bìa rừng nhìn ra suối Ông là khu vực vườn rau và chuồng trại chăn nuôi rộng tới bốn năm trăm mét vuông. Bên trên là nhà ở trông coi trang trại.

     Gà chạy bộ líu ríu trước sân và tản mát kiếm ăn trong rừng, dãy chuồng lợn được chia thành ba lứa to nhỏ tới bốn năm chục con. Thấy cảnh thanh bình, no ấm Tính đã mê. Mảnh nói với Tính:

- Ông vào trồng rừng đi, rồi lên làm trang trại với nhau cho vui!

      Chỉ sau vài năm mà cơ ngơi của Mảnh phát triển nhanh trông thấy, kinh tế ổn định lâu dài. Tính tham khảo thêm về cách làm, Mảnh cũng không giấu giếm:

- Lúc đầu trồng rừng tôi cũng lo lắm, tập trung cả nhà làm sớm làm tối, nhưng vẫn phải thuê thêm người làm mới kịp thời vụ đấy ông ạ. “Nhất thì, nhì thục” trồng rừng cũng như làm ruộng, thời vụ rất quan trọng. Ơn giời năm ấy trồng rừng xong được mưa, cây bén rễ nên cũng thuận.

       Ngừng một lúc, Mảnh nói tiếp:

 - Vất vả mất năm đầu, mình chăm tốt cây nhanh khép tán, như ông thấy đấy giờ chỉ việc nằm khểnh chờ đến ngày thu hoạch. Tôi thấy không có gì dễ như trồng rừng!

        Cứ như Mảnh nói thì trồng rừng cũng không khó, cái lão này thế mà khéo tính toán! Cứ nguyên khoản trứng gà bán đi đã đủ điều kiện quay lại đầu tư cho chăn nuôi. Đất rừng rộng dưới tán cây, mối dế và côn trùng là nguồn thức ăn tự nhiên nên đàn gà con nào con nấy mượt lông béo tốt. Rồi vài tháng một lứa lợn xuất chuồng lại có món tiền cục…

     Từ bữa lên thăm trang trại nhà Mảnh về, Tính chuyển hướng không đi xây nữa mà cùng gia đình tập trung vào việc trồng rừng. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Vợ chồng Tính lao vào làm, Mảnh thấy Tính vào làm trại, có thêm bạn cùng làm ăn nên xăng xái giúp đỡ chia sẻ lao động đến làm thuê cho Tính, mọi việc về khâu chuẩn bị đất cũng đã tạm ổn, chỉ còn chờ mưa xuống đủ độ ẩm là trồng cây.

     Thấy chồng nhiệt tình với công việc nhà Tính, Chanh tỏ thái độ không hài lòng:

- Ông chỉ được cái việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng, việc nhà mình cũng nhiều, đã xong đâu mà vội thả người làm cho nhà nó. Đón được lao động đâu có phải dễ

     Thấy vợ nói thế Mảnh ôn tồn:

- Thì nhà ông ấy mới lên làm rừng còn bỡ ngỡ, hàng xóm láng giềng giúp nhau lúc này mới quý!

    Khi thấy nhà Tính bỏ đất hoang, Chanh mấy lần xúi chồng hỏi mua đất nhà Tính, nhưng Mảnh chưa kịp hỏi thì nhà Tính đã vào trồng rừng, rồi cũng làm trang trại, nên Chanh  càng tỏ ra bực tức, lên giọng đóc đách:

- Ông lấy cái quý ấy ra mà ăn chắc, gớm không có gái này đưa đi đón về chắc đã có lao động đấy phỏng?

    Mảnh rất bực, thực lòng Mảnh rất muốn Tính vào cùng làm trang trại cho có bạn, còn vợ thì cứ ra chiều hậm hực. Nhưng để cơm lành canh ngọt nên nín nhịn.

    Còn Tính, trong Khi phát thực bì, dọn trà đã có ý chọn được những cây cột bằng loại gỗ chắc và cứng để riêng ra chuẩn bị cho việc làm lán trại. Trong thời gian đợi mưa để trồng rừng, Tính đã dựng lên một cái nhà sàn ba gian dã chiến chôn dông nhưng chắc chắn, lợp cỏ gianh, vách nứa đan nong đôi kín trên bền dưới.

    Từ mẫu hình trang trại của nhà Mảnh lại sẵn có kinh nghiệm xây dựng nên trại nhà Tính bố trí có phần hợp lý, quy củ.  

    Ăn tết xong, mưa xuân ấm áp, thấy đất đã đủ ẩm, Tính tập trung vào việc trồng rừng. Vốn quen ăn cơm thiên hạ nên Tính rất hiểu tâm lý người làm thuê, sẵn quen biết với nhóm lao động do Mảnh nhường cho dạo phát thực bì nên Tính nhờ là họ đến làm không kỳ kèo gì cả, chưa hết tháng giêng thì rừng cũng trồng xong.

   Hoàn thành việc trồng rừng, vợ chồng Tính làm bữa liên hoan thịnh soạn để thanh toán tiền công cho lao động, hôm ấy Tính mời cả vợ chồng con cái nhà Mảnh sang trại liên hoan. Chanh lấy lý do trông nhà không tới. Xuân, đứa con gái lớn của vợ chồng Mảnh đến từ sớm cùng tham gia chế biến món ăn  với mẹ con bà Thủy, Thấy con bé Xuân với thằng Toán chơi thân với nhau, bà Thủy mừng lắm nên kệ cho hai đứa bảo nhau làm cơm…

   Trồng rừng xong, hai bố con ông Tính tập trung xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đắp đập đặt máy điện nước để lấy điện thắp sáng và chạy cái ty vi Sam sung tiện thể làm thêm một cái cọn để lấy nước về sinh hoạt, ý định sau này đào ao thả cá, còn bà Thủy lo chăm bón vườn rau, mùa nào thức ấy sinh hoạt ở trại cũng tiện lợi như ở nhà, gần gũi với thiên nhiên mát mẻ nên tuy vất vả nhưng người khỏe ra.

     Cuối năm ấy, ông Mảnh dắt thêm năm con bò sinh sản về nuôi, không mất nhiều công sức mà cứ nghĩ thêm được việc gì là có thêm thu nhập ở việc đó. Rừng đã khép tán nên chăn thả tại chỗ rất tiện lợi, cuộc sống ở trang trại thật bình yên và thanh thản…

    Qua mấy ngày mưa, chiều nay ông Tính đi một vòng thăm rừng thì ôi thôi, cả một khoảng rộng rừng cây đang thời kỳ bén rễ, mở lá bị bò dẫm nát không thể cứu vãn nổi . Xót của ông Tính than vãn với vợ rồi sang trại nhà ông Mảnh, trước khi đi Thủy sợ Tính nóng nảy, nên dặn chồng.

- Đúng là bò nó vào quần nát như thế thì xót thật, nhưng không phải là người có chủ ý nên ông sang đấy chủ yếu là nhắc để bác ấy bảo các cháu trông coi cho cẩn thận, đừng nóng nảy mà mất hết tình cảm

       Thấy có bạn đến chơi, ông Mảnh đon đả mời vào uống nước, đang khi nóng giận không bình tĩnh được, ông Tính đứng ngoài sân trách móc:

- Ông chăn nuôi thế nào cũng phải nghĩ cho người khác nữa chứ? Ông ra mà xem đàn bò nhà ông dẫm hỏng hết cây nhà tôi rồi.

     Ông Mảnh giật mình, đứng lên đi ra ngoài:

- Thôi chết, tôi vẫn thả trong rừng nhà tôi, có sao đâu?  thế có hư hại nhiều không ông

-  Ông nói sao? Cây nhà ông nó lớn thành rừng rồi thì không làm sao, đằng này rừng nhà tôi mới trồng bén rễ đang phát triển tốt, ông trông coi như thế bằng hại tôi rồi!

   Bà Chanh đang gội đầu ở góc sân, nghe thế bèn đứng phắt dậy, đùng đùng quăng mớ tóc ra phía sau lưng, văng cả nước xà phòng vào người ông Mảnh. Lúc này bà Chanh lộ rõ khuôn mặt bé choắt, đôi mắt sâu long lên sòng sọc sau cặp lông mày sâu róm chờm vào hai hố mắt, cái hàm răng vẩu, thưa và trắng nhởn, nhọn ra khí thế đằng đằng lên giọng nói lớn:

- Ông nghĩ rằng chúng tôi không có ý thức thì rừng nhà ông được như thế chắc! Có rừng thì phải rào nó lại, tôi ngày trước mới trồng rừng thì ở đây còn là bãi thả trâu bò của cả làng đấy, có được như bây giờ không dễ đâu!

     Ông Mảnh thấy vợ nói thế, chối tai nên xẵng giọng:

- Thôi bà đừng có mà tham gia!

 Nói rồi quay lại vỗ vai Tính

 -  Mai hết mưa tôi với ông cùng đi dặm lại ông ạ!

     Tính đã thấy nguôi nguôi, thì vẫn giọng bà Chanh chẹn họng:

- Không dặm duội gì hết, ông chỉ được cái hới mưng, việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng!

     Bà Thủy đi sau theo chồng đứng khuất dưới gốc cây keo, theo dõi mọi biến động thấy bà Chanh nói năng kiểu chợ búa, không biết điều nên ra mặt và lên tiếng:

- Cái nhà bà này hay nhỉ!  Bò nhà bà nó phá rừng nhà tôi, ông Tính mới chỉ nhắc ông bà bảo các cháu chăn dắt cho cẩn thận, đã không biết sai lại còn nỏ mồm!

     Đến nước này bà Chanh chẳng cần phải giữ ý gì nữa:

- Mày bảo ai nỏ mồm…

     Ông Mảnh thấy sự việc trở nên to tát, rất ái ngại với vợ chồng ông Tính nên kéo bà Chanh lại. Lúc này không biết có phải vì nước xà phòng hay không mà mặt ông Mảnh méo xệch, chìa hai tay ra phân bua:

- Cái bà này, thì người ta chỉ nhắc nhở rút kinh nghiệm để cùng bảo vệ cho nhau chứ có gì đâu!

      Bà Chanh thấy chồng đứng về phía vợ chồng nhà Tính, thì càng sôi lên sùng sục:

- Ông… ông là đồ nhu nhược, trâu bò của làng phá rừng nhà ông, ông có mở mồm ra được câu nào không?

    Ông Tính thấy vậy, giận đến tím tái mặt mày, nhưng hạng người này có nói lý lẽ cũng bằng thừa nên quay ra kéo vợ về.

    Sáng hôm sau, mấy bố con ông Tính đi mua cây về dặm lại, mất mấy ngày mới xong, rồi nhắc nhau để ý không cho bò nhà Mảnh vào phá. Nắng lên, sẵn cây cọc dạo phát cải tạo vẫn còn bỏ rải rác ở trên rừng, ông Tính bảo với Toán:

- Hai bố con đi kiếm cây cọc về để rào rừng, không cứ đà này khéo mà mất ăn con ạ!

    Toán không muốn bố làm thế, khác nào cắt đứt tình hàng xóm nên nó nói:

- Thôi bố ạ, bên nhà bác Mảnh không cố ý, nhà bác ấy đã cho người chăn dắt cẩn thận, con có thấy bò xuống rừng nhà mình nữa đâu.

    Ông Tính cũng không muốn thế, nhưng thái độ và câu nói của bà Chanh cứ văng vẳng bên tai, ức không thể chịu nổi, đã để bò phá của nhà người ta lại chả biết điều. Mà cái ông Mảnh ấy cũng thế, sợ vợ như sợ cọp, nó láo mà không dám ho he một tiếng. Từ hôm ấy cũng tịnh không bén mảng nói với nhau một câu cho phải đạo, người thế không thể chơi được.

      Toán mặc kệ không chịu đi lấy cây cọc, ông Tính phát bực tuyên bố:

- Mày yêu con Xuân rồi phỏng, tao cấm!

     Nói rồi ông đem dao đi kiếm cây cọc về rào phần rừng tiếp giáp với nhà ông Mảnh.

  Cả hai nhà vốn có chung một con đường mòn, qua rừng nhà Tính mới đến trại nhà Mảnh, từ hôm Tính rào rừng thì rào luôn cả đường, nhưng vẫn làm một cái cây có cành choãi ngang đẽo bậc làm thành cái thang vắt qua hai bên bờ rào, muốn qua rào thì phải trèo qua thang. Vợ Mảnh thấy thế, nói với chồng:

- Ông đã mở mắt ra chưa? Nó rào thế không phải rào trâu bò đâu, mà nó rào người đấy!

     Nói rồi bà Chanh lôi ông Mảnh dậy vác cuốc cùng mình mở con đường xuống suối Ông, qua bên kia suối cũng có đường mòn về bản. Từ đấy trong một góc núi có hai trang trại nhưng mỗi nhà một lối đi riêng không qua lại với nhau nữa. Chiếc thang ông Tính làm để nhảng qua rào chỉ có hai đứa trẻ là thằng Toán và con Xuân vắng người lớn trộm qua lại, còn chẳng ai đụng đến!

   Thời gian cứ thế trôi, kinh tế trang trại của cả hai nhà đều phát triển ngày một khang trang sung túc, trên đầu mỗi người cũng đã điểm nhiều sợi bạc. Ông Mảnh từ ngày sảy ra to tiếng với nhà Tính thì trở nên ít nói, ngại tiếp xúc giáp mặt. Còn bà Chanh thì luôn có thái độ dòm ngó, mọi hoạt động thay đổi bên nhà Tính đều không lọt qua mắt bà, những lúc ấy bà lại lôi ông chồng ra để dày vò. Ở với nhau mãi cũng thành quen nên Mảnh bỏ ngoài tai, muốn nói gì thì nói.

     Về phía ông Tính, nhiều hôm nằm nghĩ lại thực tình khi rào rừng cũng chỉ nghĩ là rào cho bò khỏi phá, “Thương nhau rào rậu cho kỹ” để mỗi lần vì con của lại sinh ra mất đoàn kết, làm ăn mất vui chứ không nghĩ sẽ mất hết tình làng nghĩa xóm như thế. Bà Chanh nóng tính mất khôn, chứ nghĩ lại không có nhà Mảnh thì chưa chắc Tính đã nghĩ đến trồng rừng làm trại. Khi mới vào trại, nhà Mảnh cũng giúp đỡ tận tình, mình còn đang lúng túng tìm người làm thì họ cũng nhường hẳn lao động cho mình mới kịp thời vụ… giá như mỗi người biết nói với nhau một câu cho khéo thì đâu đến nỗi…

   Năm sau, ông Tính mở đường vào trại, đào được ao thả cá, đã bàn với vợ  tổ chức liên hoan mời một số anh em ngoài xóm đến chia vui, cũng nhân dịp này làm lành với nhà Mảnh. Thấy chồng bàn vậy, bà Thủy đồng tình ngay:

- Nên thế, ông ạ!

    Nghĩ sao làm vậy, chiều mát lần đầu tiên Tính nhảng lên cái thang để qua rào sang nhà Mảnh, ông Mảnh đang mài dao ngoài bể nước, thấy Tính đến thì mừng rỡ đứng dậy, lau tay vào vạt áo lúng túng nói:

- Ông sang chơi… vào nhà đi…

     Bà Chanh đang lúi húi nhặt rau trong bếp, nghe tiếng người ngước lên thấy ông Tính, bèn quay mớ rau vào phía trong, ngồi xây lưng ra ngoài

      Khi cả hai đã ngồi vào bàn, Mảnh rót nước ra chén rồi nói:  

- Nhà tôi quen dùng nước vối, không có nước chè, ông uống tạm.

- Vâng –  Tính nhấp một ngụm nước, rồi nói – hôm nay tôi sang, cũng là để làm lành với ông bà, chuyện ngày xưa có gì không phải ta xí xóa bỏ qua. Ông đừng cố chấp, ngày mai tôi làm bữa cơm liên hoan mời anh em ngoài xóm vào chơi, ông bà sang uống rượu tiếp khách giùm tôi.

    Mảnh vui ra mặt:

- Ông đã có ý như vậy, tôi thật sự vui mừng, cũng định có dịp để sang nói lại với ông bà cùng thông cảm cho nhau.

    Rồi ông ngoảnh lại phía đằng bếp, gọi bà Chanh

- Mẹ cái Xuân đâu, bác Tính sang chơi mời vợ chồng mình mai lại uống rượu đấy!

     Bà Chanh vờ như không nghe thấy rồi lỉnh theo lối cửa sau ra vườn. Đợi đến khi ông Tính về khuất qua phía bên kia rào mới trở vào bếp lầm lũi ngồi nấu cơm.

     Chiều tối, trong bữa cơm ông Mảnh nhắc lại việc nhà Tính đến chơi và mời sang uống rượu liên hoan. Bà Chanh cắt ngang lời:

- Ngày mai ông ở nhà cho tôi, không có rượu chè liên hoan liên hẩu gì hết!

     Ông Mảnh ngớ người ra, cái Xuân thấy thế lựa lời phân tích:

- Mẹ cứ giữ khư khư cố chấp mãi làm gì, chín bỏ làm mười vui lên mà sống chứ, cả dãy núi này chỉ có hai nhà sống với nhau mà mỗi nhà một phách, người ta đã có tình sang chơi, mẹ vẫn cứ khăng khăng, rồi dân làng họ sẽ nghĩ thế nào? chúng con buồn lắm…

   Đang ăn cơm, bà Chanh ném đôi đũa xuống mâm:

- Con này láo, trẻ con biết gì mà nói, trứng đòi khôn hơn vịt, hả?

    Cái Xuân bỏ dở bát cơm, chạy ra hòn đá ngoài bờ suối ngồi bo hai tay lên gối gục đầu tấm tức. Ông Mảnh và nốt miếng cơm dở trong bát rồi cũng lẳng lặng đi nằm…

   Trong bữa liên hoan nhà ông Tính không có mặt người nhà ông Mảnh, khách thấy thế họ kéo nhau sang nhà Mảnh chơi, vừa lấy cớ thăm cơ ngơi trang trại, nhưng cũng là để thăm dò ý tứ về sự vắng mặt hôm nay. Chuyện giữa hai nhà ngoài làng không hề biết, bà Chanh một mình tiếp khách còn ông Mảnh buông màn nằm trong giường quấn chiếc vỏ chăn giả ốm.

   Từ việc ốm giả rồi ông ốm thật, mấy ngày hễ cứ ăn là lại nôn ra, người xọp đi trông thấy, phải đưa đi nhập viện. Khi ra viện ông ở hẳn nhà, không vào trại nữa, mặc kệ cho mẹ con bà Chanh với mọi công việc ở đấy. Ông Mảnh không vào trại thì bà Chanh cũng lơ là vì rừng đã sắp đến kỳ khai thác, lợn nuôi ít đi, đàn bò gần hai chục con nhưng cũng chẳng phải chăn dắt, sáng thả ra tối về chuồng…

       Ít tháng sau, lúc bấy giờ đang vào mùa hè, bà Chanh gọi chồng lên trại để chuẩn bị cho việc khai thác. Bà dự định phải tranh thủ thời gian để khai thác xong còn kịp trồng lại rừng.

    Ông gọi cánh sơn tràng lên, nhưng vì đường kéo gỗ phải vượt qua suối, kéo ngược một đoạn mới ra đến bãi cho ô tô vào bốc nên tiền công cho một mét khối gỗ phải được 500 ngàn trên một mét khối họ mới có người làm. Qua tham khảo mấy nhóm thợ thì cũng không thể kém hơn, họ gợi ý với ông Mảnh sang nói với ông Tính cho kéo nhờ qua rừng, vừa xuôi dốc dễ làm, được thế chỉ 200 ngàn tiền công cho một mét khối gỗ đã làm được. Lại sẵn đường ông Tính mở lên trại, bất quá trả cho ông Tính mỗi xe 100 ngàn tiền đường thì ông sẽ giảm được tối đa tiền công khai thác và tiền mở đường…

    Ông Mảnh trả lời ậm ừ cho qua chuyện chứ mặt mũi nào mà mở mồm nói với ông Tính bây giờ… Vì ngại phải thanh minh cái lý do không nhờ đường nhà ông Tính với mọi người, mà cứ thế thì tiền công quá lớn, nên thôi không thuê người khai thác nữa, lúc này ông mới dở chuyện cũ ra nói với vợ:

- Bà đã nghe hết cả rồi đấy!  giờ thì nó đè lên lưng chưa?

     Rồi ông bàn với vợ mua trâu kéo về tự khai thác lấy, quá lắm thì nửa năm cũng xong, tuy hơi muộn nhưng vẫn còn trong vụ trồng lại rừng. Nghe thế bà Chanh thấy cũng phải, nên chấp thuận

    Cả nhà Mảnh bốn người tập trung vào việc khai thác, công việc được phân công cụ thể cho từng người, bà Chanh và con Xuân thì chặt cành, lột vỏ còn ông Mảnh và thằng Thu vừa học xong cấp ba, lêu têu chưa có việc làm thì thay nhau người ngả cây, người điều khiển trâu kéo.

     Những ngày đầu khai thác ở dưới thấp, gần nên việc cũng thoáng. Tuy vậy, ông Mảnh luôn cung cúc theo lời bà Chanh, bảo sao làm vậy chứ đã biết điều khiển con trâu kéo gỗ thế nào đâu, lúng túng mãi mới móc được cái nhôi vào gỗ cho trâu kéo. Con trâu tưởng phải kéo nặng như chủ cũ của nó thường làm nên dướn cổ nhoai mình thấy chủ hô là kéo. Cây gỗ được nó kéo như bay trên mây, va vào đá, va vào cây lốc cốc, lênh kênh ào ào như tiếng sấm ngay đít, nó càng hoảng càng cong đuôi lên mà chạy…khi mệt lử nó quay ngoắt vào đoạn đường rẽ, cây theo đà lao thẳng vít cổ trâu. May mà ông Mảnh vừa chạy theo sau vừa quát trâu họ… họ… đứt cả hơi, rồi cũng xuống tới nơi, thấy cổ con trâu bị treo trên cái vạy, hai chân trước đung đưa trên không, ông Mảnh phải lấy dao chặt dây ướng cổ mới thoát chết. Cả người và trâu mệt lử phải nghỉ mấy ngày mới hoàn hồn, lại sức. Làm thế này, một mét khối gỗ xuống đến bãi có thuê ông cả triệu ông cũng không dám nhận!

      Thấy bên nhà ông Mảnh làm một buổi, nghỉ mấy buổi thì thằng Toán len lén đi theo đường suối lên để làm giúp, vừa mắc dây chão cho trâu, nó vừa giảng giải cho thằng Thu biết cách làm, phải hiểu tính con trâu, trông nó to, khỏe thế kia, nó đã từng kéo gỗ trên rừng mỗi cây cả khối, nặng chịch, nên một chuyến nó kéo phải chụm cả chục cây nặng nó mới vừa sức, sẽ ngoan ngoãn chỉ kéo chứ không chạy nữa. Toán nói với thằng Thu:

  • Để anh điều khiển trâu một chuyến làm mẫu, sau rồi em cứ thế mà làm!

      Thoáng nghe thấy bóng thằng Toán, bà Chanh sầm sầm đi xuống, đuổi về:

-  Việc nhà tao, mày sang đây làm gì?

      Thằng Thu vừa mở miệng, thì bà trợn mắt, chỉ mặt không cho nói, Toán lủi thủi ra về, vọt qua cái thang mất hút…

      Tháng tám, trời trong xanh không một gợn mây, thế mà ngả chiều cơn mưa ùn ùn kéo đến, ông Mảnh vội vã dắt trâu xuống để kéo gỗ ven suối lên bờ, kéo được một lát thì trời đổ mưa, mưa như trút nước. Tiếc của ông Mảnh làm cố kẻo lũ xuống thì công cốc, chẳng được bao lâu thì lũ thật, lũ cuồn cuộn, cuốn phăng số gỗ còn lại ven suối, vun vút lao đi, một cây gỗ dài lũ cuốn gạt ngang vào chân ông Mảnh, vì bất ngờ mất thăng bằng ông ngã lăn xuống suối, cũng may ông Mảnh còn kịp vớ được ngọn cây giang buông từ cành cây ven suối xuống, cả người và giang vật vờ dạt vào hòn đá to giữa dòng suối, ông cố gắng leo lên được hòn đá. Bà Chanh thấy ông Mảnh bị ngã xuống suối thì chạy lên kêu thất thanh:

- Cứu, cứu, chúng mày đâu… có ai ở đấy không!... Cứu cứu!!!…

       Bên nhà ông Tính nghe tiếng bà Chanh kêu cứu, cả hai bố con cứ thế đội mưa chạy ra bờ suối, thấy ông mảnh hai tay vẫn nắm chắc ngọn giang, đứng run lập cập, chơ vơ trên hòn đá giữa dòng nước lũ đã mấp mé chờm qua. Lúc này thằng Thu, con Xuân cũng kịp từ trên đồi xuống, sẵn con dao, ông Tính bảo với Thu cắt cái chạc trâu rồi ông buộc thật chắc vào gốc cây vầu còn tươi vừa được ông dỡ ra từ bờ rào vườn, đầu có dây của cây vầu được đưa ra cho ông Mảnh tóm lấy buộc đầu dây còn lại vào người, hai tay bấu chặt vào cây vầu, trong bờ cả bốn người tập trung lấy hết sức bình sinh kéo ông Mảnh vào bờ…

    Thoát chết, lên đến bờ ông Mảnh ngoái nhìn lại chỗ hòn đá ông đứng khi nãy đã chìm sâu dưới dòng nước lũ hung dữ, hai chân ông run lập cập khụy xuống, không đứng vững được nữa. Ông Tính bất giác ôm lấy ông Mảnh khóc hu hu như một đứa trẻ. Còn bà Chanh khi gọi được người thì từ đấy ngồi bệt xuống đất, thất thần như người mất hồn. Xuýt nữa mất chồng, bàng hoàng tột độ, mất giọng không còn nói ra tiếng, trong lòng bừng tỉnh và hối hận…

   Ông Tính nói với ông Mảnh, nhưng cũng là để nói với tất cả mọi người:

- Chỉ vì một cái sự cỏn con không đáng chấp mà xuýt nữa tôi mất ông hàng xóm, từ ngày mai ông kéo gỗ qua rừng nhà tôi ra đường cho tiện, ông nhé!

    Thằng Toán thấy thế thì ôm lấy hai ông già trong lòng trào dâng niềm vui sướng, rồi nó xốc ông Mảnh lên vai cõng chạy bon bon về trại. Con Xuân dìu mẹ về trong khi bà Chanh đầu tóc rũ dượi, nấc lên vì hối hận, những giọt nước mắt muộn màng lăn dài trên đôi má tái nhợt, trông bà lúc này thật hiền lành, chất phác…

                                                                            N.T.M

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 31
Trong tuần: 1180
Lượt truy cập: 436143
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.