Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BỘ QUẦN ÁO TẾT

Trần Đắc Hiển Khánh

BỘ QUẦN ÁO TẾT
          
   Ra giêng này Hà sẽ tổ chức lễ thành hôn.Rất nhiều việc phải lo liệu. Nào chọn mẫu in thiệp mời, chọn nhà hàng, chọn món ăn bữa tiệc đãi khách...nhiều nhiều lắm. Còn một việc Hà đã đánh “dấu sao” trong “lập trình”: Sắm cho ông nội bộ đồ thiệt đẹp, lịch sự. Vẫn biết bây giờ có đám tiệc, người ta đến tiệm thuê đồ, đủ kiểu, đủ loại chẳng thiếu thứ gì. Nhưng Hà nghĩ thầm trong bụng, không “bật mí” với ai: Bộ đồ đó ông nội sẽ mặc khi nằm xuống mãi mãi. Đồ đẹp, lại có hơi thở cuộc sống mang theo, hẳn nội sẽ ấm lòng.
          Ông nội vẫn bảo Hà: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Thả ra mình trần, ai cũng như ai”. Ấy vậy nhưng “Y phục phải xứng kỳ đức”.Hà thấy, ở nhà nội chỉ vận bộ đồ tàng tàng. Ra đường có tươm tất đôi chút, quần áo phẳng phiu, giản dị mà lịch sự. Chả ai biết ông là cán bộ cấp cao về hưu.
          Sau nhiều lần vận động, thuyết phục Hà mới chở được ông nội đi may đồ.
          Tiệm may Thu Hường ở cuối phố. Hà với bạn gái thường vô đây đặt may quần áo. Tiệm may khiêm nhường nhưng khang trang. Tủ đồ lớn sáng choang treo toàn áo quần hàng “xịn”. Chủ tiệm là người phụ nữ đứng tuổi. Ông Hải thoáng nhìn người đàn bà dáng vẻ trầm lặng, có ánh mắt buồn buồn, cái nhìn sâu lắng. Ông chợt thấy hình như quen quen. Cả hai người đều có vẻ ngập ngợ, cố nhớ ra điều gì.
          Hà nói cười vui vẻ, vừa thân thuộc, vừa trân trọng:
          -Cô may cho nội con một bộ comle thiệt ưng ý…nội làm chủ hôn đám cưới con đó.
            - Chúc mừng ông. Chúc cháu hạnh phúc! -Bà nói rồi mỉm cười nhìn ông khách: “Xin ông cho số đo”. Bà để cuốn sổ, cây viết lên bàn, tay cầm cây thước đo…thuần thục, chuyên nghiệp lắm. Đo xong, bà nhíu mày vẻ bần thần, nghĩ ngợi. Miệng bà lẩm nhẩm những con số vừa đo, cử chỉ ngập ngừng, tay run run ghi vào sổ. Bà nhìn nhanh ông khách như muốn nói điều gì, lại thôi.
          Hà nói khẩn khoản:
- Cô may giùm cháu, càng sớm càng tốt.
Một thoáng lúng túng, giọng bà lạc hẳn đi:
          - Yên trí. Công việc cuối năm nhiều, nhưng cô cũng làm xong trước Tết.
 - Dạ, con cám ơn cô!
   Hai ông cháu ra về rồi, bà chủ chủ tiệm may vẫn đứng sững giữa nhà nhìn theo. Cây thước  vải trên tay rơi tuột xuống nền nhà bà vẫn không hay. Bà ngoái ra tận cửa nhìn theo hai ông cháu hòa vào dòng xe cộ tấp nập trên đường. Quái lạ, sao lại có người có tỷ lệ số đo giống ảnh đến thế? Trong nghề, đây là “số đo vàng”, rất ít gặp.Tuy vòng bụng ông khách bây giờ có dôi ra mấy phân, nhưng các chỉ số khác thì vẫn “tỷ số” ấy. Mình đã may không biết bao nhiêu bộ đồ số đo này cho ảnh. Cũng số đo này, ngày ấy mình đã đo và cắt bộ đồ cho một người khách bất đắc dĩ. Bà vẫn nhớ người ấy có vết thẹo ở cổ tay bên phải.
 
*
   Trên đường về. Một thước Fim quay chậm tua trước mặt ông Hải.
   Trận đánh tàu trên sông năm ấy vào dịp cuối năm.Tổ ba người của ông phục ở mé sông từ chiều. Quần áo gói gọn trong bọc nilon giắt lên chạc ba cây bần. Rồi họ ngụp lặn dưới sông như những con nhái.
   Cuộc ra quân hôm ấy như một trò chơi ú tim. Sau khi phát hỏa, chiếc tàu đi đầu bốc cháy, nó khựng lại. Hai chiếc đi sau dừng lại rồi chia ra hai phía, quần đảo trên sông.
Nước triều lên cao. Bọc áo quần gởi gốc cây bần trôi mất tiêu, kiếm hoài không thấy. Cả ba bò vào bờ. Mỗi người chỉ có cái quần xà lỏn trên mình, giống như con cá thòi lòi choài trên cát. Màn đêm với cây cỏ che chở cho họ. Bò được lên đến bờ, cả ba nằm duỗi thẳng cẳng, thở. Chả lẽ cứ trần như nhộng thế này. Làm sao có quần áo mặc để tìm đến liên lạc với cơ sở đây? Cả ba nhớn nhác nhìn quanh. Bốn bề vắng hoe. Tàu trên sông vẫn soi quét đèn pha loang loáng từ mặt sông lên bờ.may-may-gia-dinh-nen-mua-loai-brother-hay-singer-thi-tot-hon-6
    Nhìn xéo mé sông, họ thấy một bãi đất trống, nổi lên những cồn đất, gò đống. Có lẽ là bãi tha ma.“Vào bãi chết ẩn nấp là chắc sống”, Hải nói nhỏ rồi nhoài người đi trước. Bò đến bên một ngôi mộ xây, cả ba dựa lưng vào vách mộ, thở. Cùng nhìn nhau, cười mếu máo. Làm sao có mảnh vải che thân bây giờ. Liên lạc với đằng mình sao đây? Bây giờ là đêm tối. Ban ngày ban mặt thì che chắn bằng gì? Chưa biết tìm cách nào…Bỗng thấy một bóng người từ trong xóm đi ra. Người ấy lặng lẽ đến bên một ngôi mộ đắp đất. Cả ba bấm nhau, nín thở quan sát. Người phụ nữ đứng bên ngôi mộ lầm rầm khấn vái. Chị ta cắm nhang lên ngôi mộ đất còn mới, vái liền mấy vái. Chị đứng lặng như cây gỗ. Rồi đôi vai rung lên, tiếng khóc bật ra rấm rứt, nghẹn ứ. Nghe ai oán, não nề. Hải khom người, nói nhỏ: “Phải gặp người này”. Hải rón rén bước nhẹ đến chỗ người đàn bà đang khóc. Biết trước chị sẽ rất sợ, Hải nói nhẹ nhàng: “Chị đừng sợ…chúng tôi gặp nạn…nhờ chị giúp, chị an tâm”. Tuy vậy chị vẫn hốt hoảng, run bắn người lên. Hai chân khuỵu xuống. Ngã vật, hai tay bất giác xoãi ra ôm lấy ngôi mộ. Hải luống cuống, nhắc lại lời nhờ chị giúp đỡ. Nghe giọng Hải khẩn khoản, chân thành chị bình tâm đôi chút nhưng người chị vẫn run lên bần bật. Chị lặng lẽ nhìn từ đầu đến chân anh, vẻ nghi ngờ. Người hay ma giữa tha ma vậy? Sao giữa đêm khuya lại có người trần trùng trục van xin cứu giúp? Kìa, lại hai bóng người nữa đang đến gần. Hai người cũng giọng nhẹ nhàng, năn nỉ: “ Chúng tôi không phải kẻ xấu đâu, chị đừng sợ. Chúng tôi nhờ chị giúp đỡ”.
   Cả ba người đàn ông đều có dáng vẻ ý tứ che thân thể mình. Lời nói, cử chỉ đều tỏ ra nhã nhặn, thân thiện. Chị ngơ ngác nhìn hết người này đến người khác rồi từ từ đứng lên. Chị thấy họ rất ngượng ngập. Nếu là kẻ xấu thì chỉ một người cũng “nuốt chửng” chị rồi.Và chính họ lại tỏ ra sợ chị chớ hổng phải chị sợ họ. Hải nói khẽ mà rành rẽ:
-Thú thiệt với chị, chúng tôi là quân Giải phóng…đánh trận trên sông, mất hết áo quần…
Nghe vậy, chị sững lại, nhíu mày suy nghĩ. “Chả lẽ những người này với chồng mình là kẻ thù của nhau, từng đối địch…?”
-Chị có thể cho chúng tôi mượn mấy bộ đồ che tạm. Cám ơn chị trước!
Chị bình tâm đôi chút, dụt dè chỉ tay về phía trong:
-Nhà tôi ở đầu ấp Xẻo Me kia. Nếu các anh cần, vô đó có gì mặc nấy.
  Cả ba lặng lẽ đi theo chị. Ngôi nhà chị yên ả giữa khu vườn um tùm cây cối. Chị chỉ tay ra vườn:
-Giếng nước ở ngoải. Các anh ra rửa ráy.Tôi vô kiếm đồ.
  Một lát chị đưa ra giỏ đồ.“Các anh xem những thứ này có mặc tạm được không”. Hai Sơn nhanh nhảu: “Cám ơn chị!” Rồi quơ lấy chiếc quần, chiếc áo mặc vội vàng. Út Cải cũng nhanh nhẹn mặc một bộ rộng thùng thình. Còn cái quần màu đen, Hải vội xỏ chân vô, kéo cạp quần lên nhưng ngắc ngứ mãi, không sao kéo lên được. Hai ống quần ngay đơ, lưng lửng bắp chân, coi thiệt ngộ. Hải mắc cười quá, nói: “Quần đàn bà”. Hải vơ tấm vải khăn còn lại trong bọc quấn ngang bụng. Trông càng ngộ. Y hệt chú Tễu trên sân khấu. Chị chủ nhà cố nhịn cười, tay che miệng, nói: “Thôi che tạm. Anh để tôi may cho bộ đồ mới”. Hai người ngượng ngập trong bộ đồ vừa mặc rồi ý tứ lùi ra ngoài. Chị chủ nhà cầm cây thước vải, nói với Hải: “Anh để tôi lấy số đo”. Thì ra chị là thợ may. Chị nói như phân bua: “Bữa nay sắp Tết, đồ may cho khách tôi giao hết rồi. Mấy thứ đồ đàn ông trong nhà…tôi mới đốt xong. Chị ngập ngừng như nói lỡ lời, rồi nín thinh. Hải buột miệng hỏi: “Sao lại đốt?”. Chị bất đắc dĩ trả lời: “Đồ của chồng tôi…ảnh mới mất…”. Hải đứng sững, muốn nói một lời an ủi nhưng chả biết nói sao. “Anh nhà còn trẻ mà”. Chị vẫn nín thinh như không nghe Hải nói gì.“Chắc hồi nãy chị vừa thăm mộ ảnh?” Hải nghĩ thầm, không muốn chạm đến nỗi buồn của chị…
   Chị cầm cây thước kéo đo vai, tay, cổ, vòng ngực, vòng bụng…cho Hải rất cẩn thận. Chị lẩm nhẩm trong miệng những con số vừa đo. Tay chị bỗng sững lại trên trang giấy. Hình như chị bủn rủn tay chân, đứng ngây ra...bất động. “Số đo của người này giống hệt số đo của chồng mình”. Chị thuộc nằm lòng số đo này rồi. Chị đứng lặng, chùng chình gõ gõ cây viết chì lên bàn. Sao những con số vô hồn này lại có sự giống nhau đặc biệt vậy? Cứ như hai người là một. Chị biết có những cặp song sinh vẫn không cùng số đo…Chị khẽ đưa tay quệt nước mắt. Hải nhìn chị ái ngại. Chắc hẳn chị còn đang buồn lắm. Người vợ trẻ đẹp vậy mà chồng lại mới mất! Người chết là hết. Nỗi buồn đau người sống phải chịu.
    Đêm ấy chị thức cắt may một bộ đồ mà chị thuộc lòng số đo. Chị nhớ từng tấc từng ly bộ đồ kiểu này.Vừa làm, chị vừa nghĩ ngợi mông lung. Một bộ đồ bất đắc dĩ, một ông khách thiệt kỳ cục. Chị thầm nhắc tên chồng…Kích thước này em nhớ nằm lòng. Anh không còn. Mấy bộ đồ đẹp của anh em đều chôn theo, cái cũ rách thì đốt hết. Giá như bộ đồ này em may cho anh để đón Tết này, ha anh. Chị cảm thấy một thoáng yêu thương, tức giận dội vào lòng mình…
   Tiếng máy may đều đều gõ vào nỗi thao thức của chị.
   Đêm ấy ba người đàn ông xin nằm đậu ở ngoài hàng hiên. Hải nhận thức canh cho hai người ngủ. Qua khung cửa sổ, anh nhìn rõ chị chủ nhà ngồi bên máy may. Chị có khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài ngang lưng. Ánh mắt lấp lóa dưới ánh đèn. Vành khăn tang trên đầu làm mái tóc chị gọn lại. Chị ngồi cặm cụi, miệt mài dồn hết tâm trí vào công việc. Dù thức, Hải vẫn không dám động cựa mạnh, sợ làm động đến sự yên tĩnh của chị. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, nhìn khuôn mặt chị như thực, như mơ. Hình ảnh ấy ghim mãi trong trí nhớ anh.
   Trời tảng sáng. Chị chủ nhà đứng lên khỏi bàn máy may. Chị cầm bộ đồ vừa may đến bên Hải: “Anh mặc vô…xem có vừa không”. Hải cầm bộ đồ, tay run run cảm động. Anh lùi ra phía cuối hành lang mặc bộ đồ mới. Anh cười nói như reo: “Đẹp quá! Cảm phiền chị thức suốt đêm”.  Chị nói: “Bộ đồ kiểu này tôi may nhiều rồi, thành quen nên cũng lẹ”. Hải hỏi lại: “ Vậy cũng có người khách giống tôi may đồ kiểu này ở tiệm chị?”. Câu hỏi làm chị không sao trả lời được. Chị quay mặt đi, dấu vẻ mặt buồn rượi.
  Vừa thức dậy, Hai Sơn ngỡ ngàng: “Ủa, bộ đồ đẹp quá ta!”. Út Cải lại gần Hải, vuốt ve ngắm nghía: “Đồ hàng hiệu mới toanh ha!”. Hải cười hể hả: “Vậy là tau có bộ đồ mới đón Tết, hên hơn tụi bay...”
  Mấy ngày Tết, lính tráng đôi bên có dịp xả hơi đôi chút. Hải mặc bộ đồ mới đi chúc Tết đồng đội và gia đình cơ sở. Hào hứng như ngày bé ở nhà mặc đồ mới mẹ may đón Tết.  Ai cũng khen bộ đồ may khéo quá.
 
 
*
   Phải thăm dò mãi, ông Hải mới biết bà chủ tiệm may Thu Hường là người ở ấp Xẻo Me, sau ngày giải phóng mới chuyển về đây. Ông tự thấy mình có lỗi, không sớm gặp ân nhân để tạ ơn….Cũng chả trách được. Ông xa vùng này hàng mấy chục năm, ngày nghỉ hưu mới về đây sống bên con cháu. Mãi đến hôm đi thử bộ comle, ông Hải mới biết, chồng chị là lính Việt Nam cộng hòa. Đêm hôm ba người lính Giải phóng các ông  đi đánh tàu trên sông bò vào bãi tha ma. Gặp chị ra thắp nhang mộ chồng. Bà kể, lúc ấy ảnh mới mất hơn một tháng. Chờ lúc trời tối mới ra thăm mộ ảnh. Một lính Quốc gia, chết trận, nhờ người thân mới xin được xác về chôn tại quê. Tội nghiệp, lúc hạ huyệt cũng phải chờ đến đêm khuya.Tất cả đều dấu kín, tránh sự dòm ngó. Làm lễ cúng ảnh cũng kín đáo, kỳ lắm. Ảnh đẹp trai nhất vùng. Vô may quần áo, thấy số đo chuẩn, “tỷ lệ vàng”, mê quá…Thành vợ thành chồng. Ai ngờ chết vùi chết dập. Chết rồi mà phải lén lút thắp nhang…
   Ông Hải ngồi lặng đi. Lại nhớ cái đêm ba người trần như nhộng ở trong nhà chị. Không biết lúc ấy trước mắt chị, những người lính quân Giải phóng có phải là kẻ thù, là những người “phía bên kia” đã giết chồng chị? Hay chị nghĩ người chồng lính Việt Nam cộng hòa vừa mới mất và họ đều là những con người đáng thương, đáng yêu…Vì vậy, các anh và người lính chồng chị đều nhận được sự yêu thương đùm bọc trong tình người.
  Vì đâu có lúc lại phân chia một cách cực đoan như vậy? Cả hai người đều ngồi lặng đi, soi vào ký ức xa mờ. Tự hỏi, vì sao cùng đổ máu, cùng chết vùi chết dập như vậy?
Ông Hải nhìn bà chủ tiệm may với cái nhìn thấu cảm và tri ân sâu sắc.
 
  Sáng mùng một Tết. Ông Hải mặc bộ comle mới may. Đứng trước gương ngắm nghía vẻ ưng ý lắm. Ông đưa tay lên khuy áo. Bàn tay ngập ngừng như muốn mở ra hay cài lại ký ức xa mờ...
 
Từ nhà trong chạy ra, cháu Hà reo lên rối rít:
-Chu cha! Nội mặc bộ đồ mới, ngó trẻ ra hơn chục tuổi.
Ông Hải chợt nhớ bộ đồ bà ba mặc Tết năm ấy và chiếc quần đàn bà mặc hở rốn, ống lưng  lứng đầu gối. Ông bảo Hà:
-Hôm nay ông mặc bộ đồ mới này đến chúc mừng năm mới bà chủ tiệm may Thu Hường, ha cháu.
-Dạ! Dạ! Tới giờ xuất hành chưa, con chở nội đi liền.
Những bông mai trước hiên nhà vàng rực như những nụ cười tươi tắn mừng hai ông cháu.
                                                               T.Đ.H.K
 
 


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 90
Trong tuần: 751
Lượt truy cập: 440016
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.