Phạm Ngọc Chiểu
BIỂN HÁT TÌNH CA
Tự Mộ: Lời người ở lại
Tôi đã sống những ban mai như thế, những ban mai mở ra trên biển, mình tôi đứng nơi ngọn sóng đang tan nhìn ra biển cả hùng vĩ; tôi đứng đấy, căng mắt lục lọi nơi biển trời giao nhau, tận khi nào nhận ra bóng dáng con xuồng máy thân yêu đang tách khỏi chân mây lộng lẫy huyền ảo, đè sóng chạy vào hướng thẳng nơi tôi đứng; bấy giờ, tôi mới mỉm cười, thả cho gió nỗi bồi hồi trông đợi của tôi. Và, khi tôi nhận ra anh, vóc dáng mảnh mai đứng sững trước mũi xuồng, tóc dựng trong gió sớm, nụ cười mỗi lúc một rõ làm gương mặt anh sáng bừng; anh giơ cao chiếc mũ vẫy gọi tôi, tôi liền lao xuống nước, nhảy ngược chiều những ngọn sóng bạc đầu ra với chiếc xuồng, vừa chạy vừa gọi váng tên anh, cho đến khi tôi mệt mỏi và sung sướng níu lấy mũi xuồng đợi bàn tay giá lạnh và cứng cáp của anh âu yếm đón. Đối với tôi, chỉ khi đó ban mai mới chấm dứt, ngày mới mới mở ra, tôi mới trở về với công việc thường ngày của một nhân viên phục vụ trong khu nhà nghỉ mát các bạn đang nghỉ.
Vâng, tôi sẽ kể về những ban mai đó của đời tôi...
Loan đặt vội 8 phích nước sôi đầy ắp xuống cái ghế đá trước dãy nhà nghỉ, chẳng kịp gọi với lên tầng trên câu gọi quen thuộc thường ngày: “Các chú ơi, xuống lấy nước”. Cô ngoắt nhanh, thoăn thoắt bước trên con đường láng xi măng sạch sẽ, lổ đổ nắng. Rồi cô ù chạy. Và cô chững lại trước tiếng gọi mừng rỡ của một người lính:
- Loan!
Cô chớp chớp mắt, tựa như nắng làm cô lóa, chưa nhận ra ai.
- Loan, đây cơ mà! Lại đây!
Thực ra, cô nhận ra người lính ngay khi cô còn cách xa cổng, đã kín đáo quan sát anh, nhưng cô muốn thế. Anh hãy gọi câu nữa đi, rồi em...
- Ôi anh... anh Hải!...
Cùng với lời thốt gọi, cô nhảo lên mấy bước. Hai người chạy lại với nhau. Sự vui mừng làm cả hai cùng quên bẵng: trước mặt họ, hai cánh cổng sơn xanh chưa mở. Bốn bàn tay hồn nhiên ấp vào nhau, cùng níu vào những con song sắt, và bấy giờ họ mới nhận ra sự ngăn cách vô tình đó. Cả hai cười giòn, vội chạy vòng lại cửa lách đón nhau.
Họ đưa nhau lại chiếc ghế đá đặt ý tứ dưới gốc cây dừa già. Góc vườn bỗng ríu rít những câu hỏi và những câu trả lời của đôi trai gái:
- Anh Hải đi bộ đội rồi ư? Từ khi nào vậy?
- Khi nào à? Ngay sau bữa chia tay Loan và các bạn ở đây về cơ quan được dăm hôm...
- Nhanh thế á? Vậy là anh đi được đến ba tháng rồi còn gì?
- Ừ, đến hôm nay là vừa ba tháng, hai ngày.
- Sao không biên thư cho em?
- Cũng định viết, nhưng...
- Nhưng sao?
- Nhưng... À, thế Loan đã có giấy gọi của trường nào chưa?
- Chưa...
- Chắc là chưa đến lúc gọi thôi, đừng lo. Các cụ nhà Loan khoẻ cả không?
- Thầy mẹ em khoẻ.
- Các bác và các bạn ở đây?
- Cũng thế, khoẻ và vui. Thế anh?
- Mình ấy à? Thế này đây. Loan trông đã ra dáng anh lính chưa?
Cứ thế, họ trò chuyện. Chàng lính phàn nàn về chuyện vì thích biển quá nên đã cố nằn nèo anh cán bộ tuyển quân để anh ta cho mình vào bộ đội hải quân mà không được (vì anh ta chê Hải bơi kém); rồi kể nỗi vui mừng khi thấy đơn vị mình được điều về vùng này. Cô gái nghe, cứ lắc lắc đầu cười vui. Chợt cô nhớ ra sự sơ suất của mình:
- Chết, vui quá, em quên. Để em đi lấy nước anh uống.
- Thôi, nước nôi gì, mình phải về bây giờ. Ừ, đến giờ cậu A trưởng hẹn phải có mặt rồi. Thôi nào, chia tay. Khi nào rỗi, mình lại đến.
Cô gái kêu lên. Sao anh đi vội thế? Anh đi bộ? Đi bộ những mấy cây số? Hay anh chờ em tí teo, em mượn cái xe đạp đèo anh về? Nhưng anh lính gạt đi. Anh bảo, anh đi bộ quen rồi, đừng ngại. Loan đang phải làm việc, hình như đến giờ lấy nước sôi rồi. Loan cứ vào làm việc đi...
Họ chia tay nhau.
Cô gái tiễn anh lính ra đến đầu đường. Trong cái nắng chói chang của trời chiều, cô nhìn hút theo anh. Thỉnh thoảng, anh lính quay lại nhìn, lần nào anh cũng thấy cô giơ cao tay vẫy anh, cùng lời dặn với:
- Nhớ đến… anh Hải... nh... e... é...
*
* *
“Tôi đã gặp lại anh ấy như thế. Một sự gặp gỡ bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Nhưng là một sự bất ngờ vui, thích quá! Có lẽ do sự cởi mở hồn nhiên của anh, do câu chuyện anh kể, và do... gì nhỉ? Mà thôi, chỉ biết rằng gặp anh tôi thấy vui, và thấy anh đáng mến, đáng mến hơn hồi tôi quen anh...
Nhưng chuyện đang vui thì anh về. Tôi nhìn theo bóng dáng anh bước mải dưới rặng dừa, băng nhanh qua các khu nhà nghỉ của Tổng cục đường sắt, của bộ đội không quân. Qua bãi chiếu bóng thị trấn anh không dừng, chỉ nhìn nhanh bảng quảng cáo. Đến ngã tư, bỗng anh xoay hẳn người, nhìn ra biển. Lúc ấy, biển bắt đầu lộng gió. Triều đang lên. Bãi tắm đã thấp thoáng người. Anh đứng, mũ ôm trước ngực, nhìn đăm đắm ra sóng nước. Gió thổi dựng tóc anh, cái mái tóc sau này, mỗi ban mai ra chân sóng đón anh về, nó giúp tôi nhận ra anh ngay khi anh còn ngoài tầm sóng xa. Anh đứng như thế có đến dăm phút rồi quay nhìn tôi, giơ mũ vẫy, và sau đó bóng anh khuất nhanh theo ngả đường đi vào thị trấn Sầm Sơn.
Tôi quay gót, về với dãy nhà B quen thuộc của tôi. Nhưng thật tình, từ giờ phút đó, đầu óc tôi cứ nhớ lại những gì đã xảy ra ba tháng trước...
Phải rồi, gác 2, phòng 18. Phòng chót cùng phía tay phải của dãy nhà B đó. Ba tháng trước, anh ở đấy. Mười ngày. Mười ngày ngắn ngủi. Một đợt nghỉ bình thường như trăm ngàn đợt nghỉ của cán bộ công nhân. Mãi đến ngày thứ tư, tôi và anh mới nói với nhau những câu đầu tiên. Do những viên gạch hoa lát sàn đấy. Nó trơn quá, làm tôi ngã khi tôi gánh nước lên gác. Bao nhiêu cặp mắt xúm vào nhìn tôi, thương có, cười cợt có. Mặt nóng lên xấu hổ, tôi nén đau gắng gượng đứng dậy, móc lại dây xích, đặt đòn gánh vào vai, toan bước. Thì anh đến, đỡ lấy cái đòn gánh.
- Cô để tôi gánh đỡ cho.
Một giọng hơi trầm, rõ ràng âm sắc. Tôi chưa kịp nghĩ sao, nói sao, anh tiếp:
- Nước đổ gần hết rồi, để tôi đi lấy gánh khác.
Tôi giữ vội cái đòn gánh. Ấy chết, anh gánh đỡ đoạn hiên gác này thì được, chứ ra tận giếng gánh gánh khác...
- Buông ra đi, đừng ngại. Cô đang đau mà!
Anh quẩy đôi thùng, xuống thang. Được mấy bậc, bỗng anh ngoái nhìn lên:
- Lần sau, gánh nước cô đừng đi guốc. Trơn, dễ ngã lắm.
Tôi chỉ còn biết đứng tựa vào lan can, nhìn theo anh.
Anh ở đoàn khách nào, quê đâu? Tôi không biết. Từ bữa vào làm trong khu nhà nghỉ, này, những điều ấy có bao giờ tôi để ý. Để ý mà làm gì? Tôi đâu có là nhân viên chính thức của nhà nghỉ này. Tôi chỉ làm hợp đồng trong thời gian chờ báo kết quả thi đại học, vậy thì cốt sao làm tròn những việc bổn phận một nhân viên Nhà - Phòng phải làm là được. Sáng sáng, tôi quét tước hành lang và thu dọn những gian phòng vệ sinh. Ngày hai lần lấy nước uống cho khách vào bảy giờ ba mươi sáng và một giờ ba mươi chiều... Thế là xong. Nghĩa vụ giao tiếp giữa tôi và khách chỉ là: báo “các chú” đem phích ra và sau đó nhắc “các chú” lấy phích về phòng. Vậy thôi. Tôi đã cố làm tốt tất cả những việc ấy. Nhưng hễ xong việc, tôi rời ngay khỏi dãy nhà, không một phút nấn ná! Chính vì vậy, cho đến bữa ấy, tôi chưa hề trò chuyện, bắt quen với một người khách nghỉ nào. Theo tôi, cái việc ấy vô duyên lắm, chỉ tổ mất thì giờ. Khách đến mười ngày rồi khách đi, phần nhiều là đi mãi mãi, chẳng mấy khi trở lại nơi này nữa, hỏi cô bắt quen, cô thân để làm gì? Ấy là chưa nói, trong những đoàn khách đó, chả thiếu gì những vị tỏ ra xem thường cô, cũng chả hiếm những “ông” khách vớ va vớ vẩn, mồm mép thì dẻo quẹo, lời nói trơn tuột, con mắt các vị như sinh ra cốt chỉ để đánh ngang đánh dọc, trông mà phát sợ. Nói cho công bằng, khách đứng đắn là nhiều, là phần đa thôi, nhưng bởi nghĩ thế, nên tôi vẫn cứ vô tình với khách. Để bây giờ, tôi đang tần ngần đứng nhìn anh mà tự hỏi: anh tên gì, đoàn nào, quê đâu?, và nhăn môi tự trách mình sao mà vô ý.
Loáng sau, anh trao cho tôi gánh nước đầy tận cuối hành lang tầng gác. Rồi anh đi thẳng, hết chiều dài căn nhà, mới rẽ vào phòng. A! phòng 18, gác 2. Tôi lẩm nhẩm những con số đó. Nó sẽ giúp tôi hiểu về người khách trẻ, chứ sao.
Chẳng mất gì nhiều thì giờ, tôi đã biết về anh thế này: anh tên Hải, đoàn Hà Sơn Bình, cán bộ lương thực!
Chiều ấy, hết giờ phục vụ, như mọi ngày, tôi thay quần áo, khoác phao ra với biển. Việc đó đã thành nếp sinh hoạt thường ngày của tôi. Tôi sinh ra ở ven biển nên từ lâu rồi, biển và tôi đã là đôi bạn. Biển bên tôi khi sớm khi chiều. Gió biển mặn mòi và phóng túng có tước đi chút ít sự nuột nà, đen nhức mái tóc tôi, nhưng bù lại, biển cho tôi tầm nhìn khoáng đạt, cho tôi cái thú lội bơi, cho tôi sức khoẻ. Thời lăng xăng hôi cá hôi tôm, thời chiều chiều ra bãi gánh cá về cho mẹ, có chiều nào tôi không ùa ra giỡn cùng sóng nước. Bây giờ, tôi vẫn còn giữ nguyên niềm mê say ấy.
Và, tôi nhận ra anh, khi chân tôi vừa chấm vào chân sóng.
Cách tôi dăm tầng sóng bạc, Hải đang đứng, mặt hướng ra khơi, thích thú với những con sóng đang lớp lớp xô vào. Tò mò, tôi đứng ngắm anh, ngắm chàng trai miền rừng đang tắm biển. Anh đang ra xa dần. Nước đã ngang lưng, Nước lên ngang ngực. Tôi cố kìm tiếng cười. Eo ôi, sao mà anh lúng túng vậy. Mỗi cơn sóng từ xa xô tới, hai tay anh lại khuỳnh khuỳnh, như thể sắp sáp vào đánh nhau với ai, rồi mới rươn rướn người, nhảy. Hụt này, hụt! Biết ngay mà. Nhảy sớm quá, lại thiếu bình tĩnh, sao không bị sóng vùi? Anh cứ bị nước trùm kín, mấy giây sau mới hiện giữa sóng xanh. Tóc tai ướt sũng, anh vuốt nhanh mặt, đứng xoay nghiêng, lò cò nhảy để dỗ nước ra khỏi tai. Đợt sóng khác lại ập tới, và anh lại bị nước trùm. Chết ông này, chẳng có biết giờn sóng gì cả à? Kìa, lại bị sóng vùi rồi. Khổ, thế kia còn gì là cái thú của tắm biển nữa? Vậy mà gan, cứ loi choi tiến ra, cứ lò cò nhảy.
Tôi đi ra đón sóng.
- A... cô cũng tắm biển hả?
Nghe anh hỏi, tôi mới hay rằng mình đã lần ra đúng chỗ anh.
- Vâng!
- Này, sóng vào đấy - anh hét sang phía tôi - sóng to. Cẩn thận, kẻo nó vùi!
Tôi giấu nụ cười, lẳng chiếc phao sang anh:
- Cho anh mượn đấy.
- Ấy, cô cần hơn tôi chứ. Tôi chả lấy đâu.
Làm như không nghe rõ lời anh, tôi hướng ra khơi, sải cánh bơi. Nhẹ nhàng, thuần thục, tôi băng ra, rướn người đu mình lên đỉnh sóng rồi lại trườn nhẹ xuống, đón con sóng mới đang vào. Phút chốc, tôi bỏ anh và chiếc phao ở lại phía sau. Ra được đoạn xa, tôi quay lại vẫy anh. Tôi thấy anh thoáng chau mày, và sau đó anh quả quyết khoác phao, đạp sóng tiến ra. Tôi bơi đứng chờ anh. Sóng mỗi lúc một to và dồn dập. Anh hăm hở, vùng vẫy nhưng cũng là lúc anh càng bị sóng đánh dạt xuống phía nhà thờ. Có phao mà anh vẫn cứ liên tiếp bị sóng đánh lộn. Tôi thấy rõ anh đã mệt, nên quyết định quay vào với anh. Bảo anh lên bờ nghỉ đã, kẻo... Tắm biển thú vị thật nhưng có cái khó của nó. Người tắm phải yêu sóng nước, phải bạo dạn. Nhưng lại phải luôn tỉnh táo, biết chừng mực kia, không thì dễ xảy ra chuyện đáng tiếc đau lòng lắm.
- Anh Hải ơi, lên bờ nghỉ đi!
- Cô mệt rồi à?
Lời anh cứ như bị sóng lấp đi. Tôi nói nhanh:
- Vâng, em mệt rồi. Lên nghỉ tí đã. Nhá!
- Ừ, lên đi!
Ngồi trên mép nước, duỗi chân cho sóng vờn, tôi ngạc nhiên nghe anh thú nhận. Eo ôi, ra anh mới chỉ đang tập bơi. Thảo nào... Chết chết, vậy mà sao gan thế chứ.
- Cô Loan dạy tôi bơi với nhé?
- Em ạ?
- Ừ! Được không?
Quả tôi có hơi lưỡng lự nên chưa trả lời anh. Anh lại năn nỉ:
- Tôi thích bơi, thích giờn sóng biển quá. Nhưng, chưa biết cách. Thế nào, cô giúp tôi không?
- Vâ...âng... cũng được.
Anh không giấu nổi niềm vui, bật reo:
- Hay quá! Nhất rồi! Nào, bắt đầu luôn đi, cô Loan!
- Thôi, để chiều mai. Chiều mai anh ạ.
Anh tần ngần nhìn tôi, giọng phân vân:
- Chiều mai à? Sao phải chiều mai? Thôi, cũng được. Thế thì chiều nay giảng lý thuyết vậy, được không?
Lại đành phải nhận lời chứ còn biết làm sao. Anh chăm chú nghe tôi giảng giải như chăm chú nghe cô giáo giảng bài.
Chiều ấy, chúng tôi là những người rời bãi tắm sau cùng.
Và từ đấy, chiều chiều, anh đợi tôi cùng ra với biển...
Nếu cần kể thêm gì về tình bạn mới mẻ này, về người bạn trai đó, thì ấy là lần tôi dẫn Hải đi thăm cảnh bờ biển quê tôi.
Bữa ấy, sau cả nửa ngày mưa rớt bão, trời chiều bỗng tạnh ráo, trong sạch vô cùng. Biển trời như vừa được cọ rửa, óng lên màu lam biếc. Chúng tôi đi thẳng lên hòn Trống-Mái. Và chính tại đây, trước sự sắp xếp kỳ diệu của thiên nhiên, tôi được chứng kiến niềm mê say nghệ thuật của Hải. Đứng bên đôi chim đá lạ lùng đó, Hải như quên trời đất biển khơi, quên cả tôi nữa. Anh đứng lặng, rất lâu, và sau đó mới từ từ nghiêng ngó, bên này, rồi bên kia chùm đá lạ. Và, khẽ khàng từng bước, như sợ đôi chim giật mình bay mất, anh liệng quanh đôi chim, mắt không rời chúng.
- Loan ơi, lại mà xem này...
Chợt anh khẽ gọi tôi. Tôi chạy vội đến với anh. Anh hốt hoảng giơ tay ra hiệu:
- Se sẽ thôi. Đây, Loan đứng đây. Trông kìa, con chim mái đang ngoái nhìn ta đấy. Đúng không?
Tôi phải bụm miệng để khỏi bị anh mắng.
Giời ạ, tưởng gì...
- Tuyệt vời. Tuyệt đến thế là cùng!...
Anh khẽ thốt lên, khiến tôi cũng vội nghiêm trang lại. Chao ôi, quả là tôi chưa thấy ai yêu say bờ bãi quê tôi đến thế.
Nhá nhem tối ấy anh mới chịu rời đền Thánh Thiên, ra về...
Nhưng, đúng lúc chúng tôi hiểu nhau hơn, thân nhau hơn, thì anh hết đợt nghỉ.
Lần đầu tiên tôi ra tận xe tiễn một đoàn khách.
Lúc xe chuyển bánh, anh nhoài người nắm lấy tay tôi:
- Tạm biệt Loan nhé! Hẹn gặp lại. Nhất định chứ, nhất định chúng mình gặp lại nhau!...
Tôi vẫy chào anh mà thầm nghĩ: Ôi, sao mà anh có niềm tin đơn giản và hồn nhiên vậy? Chỉ mấy bữa nữa thôi mình có còn ở nơi này đâu? Đất nước rộng dài thế, biết khi nào gặp lại?
Ai ngờ, niềm tin của anh thành sự thật chiều nay...
*
* *
Từ bữa ấy, Loan thấy đời vui hơn.
Người ta nhận ra niềm vui trong tiếng chân cô bước. Gương mặt cô bây giờ suốt ngày tươi rói, có lẽ bởi đôi môi cắn chỉ lúc nào cũng như sắp cười, và còn bởi đôi mắt cô giờ đây biết đắm đuối ngắm màu hoa sắc lá dọc lối đi quen thuộc cô vẫn thường qua. Và, đôi mắt đó không còn nhìn xuống hay cố ý ngoảnh đi khi gặp khách nghỉ như trước nữa...
Bây giờ, Loan còn thích hát.
Nho nhỏ thôi, chỉ vừa đủ cho mình nghe, nhiều khi tiếng hát không cất thành lời, Loan hát trên đường gánh nước, hát trong lúc đi lấy nước sôi, hát cả trong lúc mài miệt đẩy trang lau nhà. Những bài hát về tình yêu. Những bài hát về biển.
Thêm một biến đổi nho nhỏ này nữa: Loan như quên, không còn xăm xắn với từng tờ lịch để đếm ngày đếm tháng, cũng như quên không còn bồn chồn ngóng đợi bác đưa thư khi sớm, khi chiều để cô biết kết quả thi cử, như ngày mới vào làm ở đây. Cô chỉ thấy nhớ, thấp thỏm không yên, nếu cách đến vài ba ngày, ngoài cánh cổng sơn màu lá mạ kia, không thấy người lính trẻ đứng chờ cô.
Nên chiều nay mới sinh chuyện. Cô như người vừa đánh rơi vật gì quý giá lắm, sau khi đọc xong tờ báo điểm của Ban tuyển sinh.
Loan đã trượt trong kỳ thi đại học rồi!
Cô gái ngồi bất động, nhìn như dán mắt vào những dòng chữ. Và cô thả rơi tờ giấy xuống chân mình. Từ từ, lặng lẽ, cô đứng lên, uể oải bước.
Loan định đi đâu? - Cô ra với biển!
Bãi tắm giờ này đã hết người. Bóng chiều đang thẫm trên bãi cát. Một mình cô gái đối mặt với biển khơi.
Gió biển lồng lộng thổi, hất tung mái tóc cô. Mặt biển đang cồn muôn ngàn con sóng bạc. Cô đứng nơi ngọn sóng đang tan, hai tay buông xuôi, nước mắt chảy ròng. Cô nghẹn ngào gọi biển:
- Biển ơi!...
Loan lảo đảo bước ra với sóng.
Chính lúc ấy, cô nghe ai đó gọi mình, tiếng gọi nhòa sau lưng cô:
- Loan!
Cô vẫn bước như không nghe thấy tiếng gọi. Một đợt sóng lừng lững tiến vào.
- Lo.. oa...an...! Đứng la... ạ...ại!...
Tiếng gọi gấp gáp hơn, gần gặn hơn. Nó vượt qua đầu cô đập vào những con sóng đang băm bổ lao vào, âm vang trên bãi vắng và trên nước triều.
- Lo...o...oa...an...!
Nhưng Loan vẫn tiến ra với sóng. Cô nhận ra con sóng bạc đang cồn dậy, dăng dăng. Một con sóng to hiếm thấy trong chiều biển lặng. Nó cuộn nhanh khoảng cách bãi bỡ. Dăm sải bơi nữa. Vài sải bơi nữa. Ai gọi tôi vậy? Gọi tôi làm gì? Không, tôi chẳng dừng đâu, tôi cần ra với biển. Con sóng gần sát rồi. Loan nhắm nghiền mắt lại. Trong tiếng “ầm!” nho nhỏ, mơ hồ, cô vẫn còn nghe tiếng gọi. Cùng lúc, cô thấy người mát lịm, chơi vơi. Rất nhanh, một sức mạnh vô hình nhấn cô dán mình xuống cát rồi lại nhấc bổng cô lên, đẩy cô đi vun vút, khiến cô không tài nào cưỡng được. Liền đó, cô thấy cổ tay mình nhói đau, và một sức mạnh khác kéo bật cô lên mặt nước:
- Cô làm trò gì thế này? Điên à?
Tiếng quát. Tiếng quát của người gọi cô khi nãy. Bây giờ Loan nhận ra người đó là ai rồi. Nhưng cô vẫn nhắm nghiền mắt, không nói. Lại tiếng quát của người đó:
- Đứng vững! Đứng cho vững, Loan! Sóng nữa, to lắm đấy...
Loan thấy mình lại bị nước trùm kín, nhưng cô không bị xô ngã nữa. Cô vuốt mắt theo bản năng và mở mắt nhìn người đang giữ mình. Và cô khóc òa:
- Anh Hải ơi!...
- Thôi, lên bờ đã. Đi, Loan!
Cô bước đi theo tay dìu của người lính trẻ. Anh đỡ cô ngồi lên mũi mảng đang nằm ghếch trên bờ cát. Bấy giờ, mắt người lính mới quắc lên, mày anh chau lại, cả gương mặt anh bừng bừng cơn giận:
- Hở, cô vừa làm cái trò gì thế, Loan? Cô định tự tử phải không? Sao mà tối thế? Người đâu có người tối dạ tối óc đến vậy? Tôi không thể hiểu được cô nữa đấy. Trượt một kỳ thi mà định buông xuôi cuộc đời là cái lý gì? Cô hèn vậy ư? Tôi nói thật đấy, cô hèn quá chừng!
Cô gái cúi gằm nhìn ngấn sóng đang ngấm vào cát mịn dưới chân mình. Nước từ tóc ròng chảy vào miệng cô, thấm vào lưỡi cô vị mặn chát.
Anh lính trẻ lại nói, sau mấy giây ngừng lời, như để ngẫm nghĩ gì đó:
- Học xong lớp 10, ai chẳng mơ được vào đại học. Không thế, thì học 10 làm gì? Nhưng cho rằng chỉ có được thế cuộc đời mới đáng sống thì đó là cái nhìn lầm lạc vô cùng, Loan ạ. Sao cô lại nhìn sự đời lầm đến vậy?
Cô gái rùng mình, không dám ngẩng lên. Nước mắt ấm nóng ròng trên má cô.
Nắng đã tắt hẳn trên mặt biển từ lâu rồi. Màu lam đang chuyển thành màu tro thẫm khắp biển trời.
- Thôi, về đi Loan, kẻo lạnh. Tối rồi...
Tiếng anh lính phào trong tiếng gió. Cô gái vẫn ngồi yên:
- Anh về trước đi, em chưa về bây giờ đâu...
Người lính lặng nhìn cô bạn, và như hiểu lòng bạn, anh ngồi ngay ngắn lại, không giục thêm nữa.
- Anh về đi, anh Hải. Đừng lo cho em. Kẻo...
- Chả kẻo gì cả. Tối nay thứ 7, chín rưỡi tôi mới phải có mặt. Tôi về, để Loan ngồi đây một mình sao?
Không ai nói gì sau câu hỏi ấy. Chỉ có tiếng gió và tiếng sóng ruổi trên cát vắng. Như thế khá lâu.
Rồi tiếng cô gái:
- Anh Hải... giận em lắm... phải không?
Tiếng chàng trai:
- Giận Loan ấy à? Làm thế, ai không giận?
Cô gái (giọng run run):
- Em xin lỗi anh...
Chàng trai bực dọc:
- Cái gì? Xin lỗi? Tôi cần gì cái xin lỗi ấy? Tôi muốn Loan biết tự chủ, biết vượt lên! Sao Loan không hứa điều ấy, lại đi xin lỗi?
- Vâng... Thì em hứa...
Một con sóng sáng ngời đổ xòa vào chân hai người, tan rất chậm vào cát. Chàng trai quả quyết đứng lên:
- Thôi nào, về, Loan đi. Muộn rồi.
- Vâng!
Họ lặng lẽ đi bên nhau trên bãi vắng. Gió vần vít bước chân họ. Đến chỗ rẽ về khu nhà nghỉ, chàng trai dừng lại.
- Loan về nhé. Dội vài gầu nước thôi, đừng trùng trình tắm táp mà cảm lạnh đấy. Nhớ chưa?
- Em nhớ...
Chàng trai bước dưới rặng dừa đang xào xạc gió, trong ánh điện hắt ra lấp loáng từ những ngôi nhà. Cô gái lặng nhìn theo.
Đêm ấy, Loan không hề chợp mắt.
*
* *
“... Tôi nằm nghe gió động các tầu dừa. Tiếng sóng dội vào đêm càng lúc càng nặng. Biển sắp động rồi. Tiếng biển buồn quá. Như thể tiếng lòng tôi!
Tôi nghĩ miên man về những ngày mai, về con đường rồi đây tôi bước. Trượt đại học rồi, tôi tính sao đây? Xin đi một trường trung cấp nào đấy? Điểm thi được có vậy, liệu trường nào gọi tôi? Phải rẽ ngang kiếm nghề gì đó? Xin vào làm hẳn trong nhà nghỉ này?
Trước mắt tôi ngổn ngang những câu hỏi mà tịnh không một câu trả lời. Tôi chợt nhớ đến anh, nghe tiếng anh nói. Cái giọng nghe dằn dỗi đến phát sợ: “Tôi cần gì cái xin lỗi? Tôi muốn cô biết tự chủ, biết vươn lên! Sao cô không hứa với tôi điều ấy mà lại đi xin lỗi?”. Gương mặt anh hiện ra cùng nỗi buồn giận không nén nổi, đến nỗi giữa đêm tối, chỉ mình tôi đang thao thức mà tôi cũng sợ hãi nhìn xuống phía cuối giường. Bất giác, nước mắt tôi ứa ra. Thì em đang tìm cách vượt lên đây, mà có được đâu. Sao anh chẳng khuyên em một lời anh Hải, lại đi nghĩ rằng em toan tự tử? Anh chẳng hiểu con gái vùng này. Chúng em là con gái vùng quê biển. Gái vùng biển chúng em chưa đứa nào non gan, yếu đuối đâu. Gái vùng biển, nói thật với anh, gớm lắm. Con cháu Bà Triệu mà anh. “ - Tôi muốn cưỡi con sóng mạnh, chém con cá Kình ngoài biển Đông...” Lời Bà Triệu xưa đấy, hẳn anh còn nhớ. Em sinh ra ở đất Sầm Sơn, em cũng thế chứ. Đúng là anh chưa hiểu em. Em mà lại đi tự tử? Đời nào! Buồn cười cho anh, chả hiểu gì người vùng biển. Có bao giờ người vùng biển ra biển tự tử đâu? Chiều, em làm thế vì em muốn ra chia sẻ cho biển nỗi buồn của em đấy chứ. Vậy mà anh mắng em. Mắng em suốt. Nhưng em chả giận anh đâu, em càng hiểu lòng anh hơn. Giá lúc này có anh ở đây để em được nghe một lời anh góp ý thì hay biết mấy...
Tôi cứ nằm chong mắt với trời đêm mà nói với tôi và nói với anh. Chả biết đêm đó, anh có mất ngủ như tôi? Tôi vẫn nghe nói có hiện tượng liên đới như thế giữa những người thân thiết. Có thật thế không nhỉ?
Khi trời phía biển đã tang tảng, khuôn cửa phòng tôi sáng dần lên, tôi mới mệt mỏi thiếp đi.
Xin đừng nghĩ rằng tình yêu giữa tôi và anh có từ đêm ấy. Đêm ấy, tôi có nghĩ nhiều đến anh nhưng mới chỉ là ý nghĩa về một người bạn, một người anh tốt và tin cậy. Vậy thôi. Vả, cho đến đêm ấy, anh có nói với tôi một lời nào về chuyện đó đâu...”
*
* *
Cô gái đã nói rất thật lòng. Điều cô vừa tâm sự, gần hai tháng sau mới đến với hai người.
Chiều ấy...
Cô gái và chàng lính trẻ thong dong chuyện trò dọc theo ngấn nước về phía nghè Độc Cước. Họ vừa từ phòng đăng ký kết hôn ra đây. Hai khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Lúc nắng đã nhạt nhòa mặt biển, hai người ngồi lại trên phiến đá xế dưới chân đền.
Trước mặt họ, thuyền mảng xã Vinh Quang đang theo nhau dong buồm vào vịnh. Trời đang thu nốt nắng trên biển. Hòn Mê xa xanh phía phải, chắn một góc trời.
Cô gái lên tiếng trước:
- Anh Hải ơi...
- Gì thế Loan?
- Em hỏi anh cái này...
- Hỏi đi. Chuyện gì vậy?
- Sang năm em nên thi vào trường nào’?
- Đại học thủy sản!
- Anh thích ngành thủy sản không?
- Có chứ, rất thích!
- Em tưởng anh...
- Tưởng sao?
- Tưởng anh chỉ thích ngành lâm nghiệp?
- Dĩ nhiên. Lâm nghiệp anh thích rồi. Vì đó là ngành gắn bó với đời anh, sẽ làm cho quê anh giàu lên, hết nghèo khổ đi mà.
- Tham thế?
Cô gái khúc khích cười. Anh lính bỏ cánh buồm đang chao trên sóng xa, ngoắt nhìn cô. Tiếng cười ngừng. Và giọng anh lính buồn phiền:
- Sao có thể gọi cái đó là tham? Tôi yêu rừng, giờ tôi yêu thêm biển nữa, ai có quyền cấm tôi được?
Cô gái bối rối liếc nhìn người con trai từ nay gắn bó với đời cô, là của cô! Anh đang đăm đắm nhìn ra khơi xa.
- Anh giận em đấy à?
Người con trai quay lại:
- Anh giận gì em đâu. Chẳng qua, anh nói thế để Loan hiểu anh hơn. Thôi nhé, chả bàn chuyện đó nữa. Chỉ mong Loan đừng khi nào nhãng quên việc ôn tập để thi vào đại học, và bằng mọi cách trang bị được cho mình có kiến thức đại học. Em đồng ý không?
- Vâng, em sẽ cố...
Họ thủ thỉ với nhau nhiều nữa, quên cả biển trời đang dần tối. Nhờ thế, cô gái biết thêm những điều trước nay anh chưa thổ lộ cùng cô. Cách đây gần mười năm anh đã tốt nghiệp lớp 10, nhưng vì hoàn cảnh gia đình anh không thể học tiếp lên đại học, đành tính chuyện rẽ ngang để tạo lập cuộc đời mình. Anh dạy bổ túc văn hóa. Anh đi công trường. Làm kế toán cho ngành thương nghiệp một thời gian, cuối cùng anh trụ lại công tác ở ngành lương thực. Gần mười năm trôi qua, chưa lúc nào anh gạt nỗi ước ao học xong đại học ra khỏi nếp nghĩ thường ngày. Cô nghe, lúc lúc lại nhìn anh ngạc nhiên và tràn đầy thương mến. Anh mảnh mai dung dị thế mà chí hướng đời bền vững quá!
Biển đang mờ đi, đang nhòa vào đêm. Sóng giăng giăng thành những đường sáng linh động, dồn đuổi nhau. Nghe dội lên tiếng hát trầm hùng của biển. Gió ào ạt từ ngoài khơi xô vào, dừng một giây vò rối tóc hai người, rồi bay lên rỡn đùa trên ngọn cây bàng đứng chênh vênh bên ghềnh đá.
Một làn sóng ngời ngời ùa tới, vỗ ầm dưới chân hai người. Lại một đợt con sóng nữa. Nước rào rào bắn toé vào họ. Cô gái hốt hoảng kêu:
- Ối, ướt. Ướt hết thôi, anh Hải!
Giọng chàng trai bình thản:
- Bình tĩnh, không sao đâu. Một đợt sóng cồn đấy thôi.
Nhưng lại có những đợt sóng cồn khác nữa vỗ vào ghềnh đá. Nước tới tấp ném lên chỗ họ ngồi, những hạt nước lạnh và sắc. Cô gái run rẩy:
- Lạnh quá! Về thôi, anh...
- Chưa về được đâu - giọng người con trai - nhìn thấy gì mà về lúc này? Vấp đá, què chân, có khi còn rơi xuống biển. Chờ trăng đã em ạ. Hôm nay bao nhiêu ta rồi, em?
- Dạ... hai mươi...
- Thế thì trăng sắp lên rồi. Hai mươi giấc tốt, đúng không?
- Vâng!
- Em ngồi xích vào trong đi, nước không bắn tới đâu, mau lên!
- Thế anh?
- Đừng lo cho anh. Quần áo lính, còn lâu mới ướt được.
Gió dịu. Sóng yên. Tiếng nói ngừng lại. Nhưng bỗng gió lại ào ào nổi sóng lại dào lên. Những luồng sáng cuồn cuộn xô vào.
Ầm...
Òa...
- Anh ngồi lui vào đi. Ướt hết đấy.
Tiếng cô gái hốt hoảng. Nhưng tiếng chàng trai vẫn tự tin, bình thản:
- Không sao! Em còn lạnh không?
- Dạ... C...o...ó. Em... lạnh... qu...u...á...
- Đây, em cầm tạm cái này mà quàng. Mảnh dù đấy, quàng vào đi.
- Thôi, em...
- Còn thôi gì? Cầm lấy này, Loan!
Không có tiếng trả lời. Trong đêm tối, những bàn tay tìm nhau.
Nhưng tối quá, không thấy, không thấy đâu cả.
Cô gái bỗng thấy gai gai người. Bàn tay cô vừa chạm vào bàn tay ai. Và, một bàn tay nữa lại vừa nắm nhẹ khuỷu tay cô. Những bàn tay ấm nóng. Vật gì mềm mềm choàng trên vai Loan? À, mảnh dù... Loan định với tay cầm, nhưng cô chợt thấy người bã ra, chân tay bải hoải. Một cảm giác làm cô thấy mình như sắp lên cơn sốt. Sóng đang êm bỗng reo lên. Tiếng reo mỗi lúc một nhiệt thành. Cùng lúc, Loan nghe mơ hồ một tiếng gọi. Tiếng gọi rất gần. Ngay sát bên tai. Ngay sát bên má. Trong khi Loan như đang mê đi. Ôi, vẫn tiếng gọi ấy. Tha thiết. Run rẩy. Bồi hồi...
- Loan ơi...
Mắt Loan nhắm từ bao giờ. Cô không trả lời. Không còn hơi sức đâu mà trả lời nữa.
- Loan ơi...
Vẫn tiếng gọi thân quen, tha thiết kia. Loan he hé mắt nhìn. Cô thấy hai đốm sáng. Đôi mắt? Hay hai vì sao? Không biết nữa. Chỉ biết rằng hai đốm sáng đang sà xuống. Thấp lắm. Gần lắm. Loan gặp lại cảm giác ngày đầu đi biển, thấy trời nước chao nghiêng, người nôn nao lử lả, và cô chới với tìm chỗ dựa.
Hai đốm sáng giờ đã sà thấp lắm. Thấy cả hơi thở của nó. Ấm áp, nồng nàn, đứt quãng, “Ối, chết!”. Loan kêu lên khe khẽ, tay cô quờ tìm chỗ víu. “Ngã, ngã mất! Ngã bây giờ này...” Người Loan như tan ra. Đúng lúc đó cô tìm được chỗ víu. Một chỗ víu ấm mềm, và tin cậy. Cô ghì chặt chỗ víu ấy, giọng ngạt đi:
- Ôi... kìa... Đừng... đừng... đừng...
Biển vẫn hát khúc tình ca muôn thuở. Sóng ngời hào quang vấn vít chân ghềnh. Gió vô tư bay nhảy trên cây. Còn trăng, nhân hậu và ý tứ, trăng khuất vào đâu đó giữa biển khơi.
- Loan ơi...
- Dạ... ạ...
Điệp khúc thầm thào trong đêm.
Giờ thì trăng đã lên. Trăng nhô lên ngoài khơi xa. Phút chốc biển hiện ra ngời ngợi, lóng lánh như thể vừa được láng một lớp thủy ngân dày. Biển trời lộng lẫy. Chàng trai đang ngồi yên, lặng lẽ ngắm trăng. Chợt anh nghiêng người gọi nhỏ:
- Loan!... dậy thôi em...
Cô gái đổi thế nằm, quờ tay kéo chéo dù che ngực.
- Dậy đi em! Anh bàn chuyện này...
- Anh nói đi... Em vẫn nghe đây mà.
Cô gái nằm yên, mệt mỏi, bâng khuâng. Chàng trai âu yếm nhìn cô nhưng ánh mắt anh rõ là đang có điều nghĩ ngợi. Điều nghĩ ngợi thốt thành lời:
- Loan... tha lỗi cho anh nhé...
Tiếng chàng trai nhòa vào gió. Cô gái vội ngồi lên đăm đắm nhìn anh. Bất chợt cô ngã đổ vào anh, hai tay cô tin cậy quàng lên vai người yêu, và giọng cô hậm hụi dưới cằm anh:
- Em chẳng tiếc gì anh cả. Em chỉ lo...
Chàng trai nhẹ vuốt mái tóc dài đang xổ nghiêng trước ngực mình:
- Em lo gì, Loan? Phải em lo rằng, anh...?
Cô gái đoán biết điều anh định nói. Cô vội lắc đầu:
- Không, anh đừng nghĩ thế. Em lo rằng… nhỡ ra... thì sang năm, em thi đại học làm sao?
Chàng trai thở dài, giọng anh trầm xuống:
- Thế nên anh xin lỗi em. Anh chỉ mong dù thế nào em cũng cố học lên đại học. Vậy mà...
- Em sẽ cố. Là em lo vậy thôi...
Lúc sau, bóng hai người sóng trên bờ cát. Họ đang trở về. Đến chỗ chia tay, người lính trẻ nói khẽ:
- Thôi, em về đi. Chúc em ngủ ngon!
- Còn anh?
- Đêm nay anh đi tuần biển.
- Khi nào anh về?
- Sớm mai.
- Sớm mai, em sẽ ra bờ cát đón anh.
- Đừng. Làm thế em mệt lắm. Không nên.
- Không, em sẽ ra đón anh!
Cô gái đã làm đúng như lời cô nói. Không phải một lần, hai lần mà suốt những tháng ngày họ gần nhau. Như cô đã tự kể ở phần đầu câu chuyện. Dù nắng, dù mưa, khi ban mai mở ra trên biển, cô vẫn ra nơi bờ cát đón đợi người lính trở về!
Đẹp vô ngần là tình yêu lứa đôi! Chẳng ngoa ngữ đâu khi ta hình dung trước mắt ta những ban-mai-tình-yêu như thế!
Vậy mà...
Dù bạn đọc có trách, người viết vẫn xin dừng câu chuyện ở một sớm mai này, không thể nào khác được:
... Loan đứng bất động, chôn chân nơi mép nước trong một cảm giác bàng hoàng. Trước mắt cô, biển trời đang rực lên màu lửa cháy. Ngỡ như có bàn tay nào đang đốt chân mây. Màu lửa rừng rực hắt lên những vầng mây cao nằm bừa bộn một góc trời, khiến chúng đỏ lựng lên, như bắt lửa. Chao ôi, một ban mai Loan chưa hề bao giờ thấy, một ban mai dữ dội đến kinh hoàng. Loan thấy gai người và thốt run bắn lên. Cô cố trấn tĩnh để gạt đi một sự liên tưởng mơ hồ giữa cái không bình thường của thiên nhiên đang phô bày trước mắt cô với việc riêng cô đang làm, sắp làm. Mắt cô căng tròn, cố lục lọi trong cái màu lửa cháy để tìm bóng dáng chiếc xuồng thân quen. Chẳng thấy nó đâu cả. Biển vẫn chưa thôi động, sóng vẫn cồn cào, giận dữ. Phải nó còn đang làm gì đó giữa chân mây? Phải nó bị những làn sóng lừng lững kia che khuất? Nhưng sao lâu quá vậy. Chả lẽ nó chạy chậm thế? Hay là...? Không, đừng có nghĩ vớ vẫn! Loan bực bội thầm gắt với chính mình và dụi nhanh đôi mắt để lại tiếp tục cái công việc lục lọi kia. Nhưng, nước mắt cứ theo nhau ứa ra làm mờ tầm nhìn của cô. Lại lau, lại dụi, lại nhìn. Tìm, và tìm. vẫn chẳng thấy chiếc xuồng đâu cả. Chỉ thấy màu lửa càng thêm dữ dội và mặt biển bị cày xới khiếp hơn.
Cô gái buông tiếng thở dài và cúi nhìn xuống. Hai giọt nước mắt to tròn rơi trên con sóng đang đổ xòa vào chân mình.
Đêm qua, Loan ngủ rất ngon. Đấy là điều giờ đây Loan đang tự trách mình. Chia tay người yêu về, Loan mắc màn đi ngủ ngay. Cô mỉm cười với cái đình màn trắng để nhớ lại những giây phút hai người vừa dùng dắng lúc chia tay. Rồi, cô nhắm mắt, buông mình vào giấc ngủ. Hình như, trong cái khoảnh khắc chập chờn trước khi đắm vào giấc say, cô còn nghe văng vẳng lời người yêu dặn dò:
“... Thế em nhé. Nhớ là yên tâm ngủ ngon, đừng lo nghĩ gì. Sớm mai anh về và chúng mình lại đèo nhau đi sắm tiếp đồ cưới. Cũng chẳng còn phải mua bán gì nhiều nữa, phải không em? Thuốc rồi chè coi như tạm ổn, chỉ còn phải mua thêm ít kẹo, đúng không? Cơm tiếp bạn xa thì đơn vị anh lo giúp. Ừ, em đừng phiền các bác, các bạn nhà nghỉ nữa nhé. Nhớ chưa?...
“Thôi em về đi. Anh ra ngay biển, không về chỗ đơn vị. Các bạn anh chờ ngoài đó rồi. Yên trí, biển trời đêm nay đẹp lắm. Sớm mai đừng phải đón anh nữa, kẻo mệt. Cứ ngủ, khi nào anh đánh thức hãy dậy...
Kìa, về, cho anh đi!”
Và Loan đã ngủ, say sưa, thanh thản, một giấc dài. Cho đến khi cô giật mình nghe súng nổ, giật mình nhận ra biển động. Cả hai thứ âm thanh không bình thường đó đều từ ngoài khơi vọng vào giường cô. Cô bật nhỏm dậy, nhìn chong ra phía biển. Và thức luôn cho đến khi trời rạng để chạy ra bờ biển. Lúc ấy là ba giờ mười...
Màu lửa trước mắt Loan đã nhạt dần đi. Nó đang chuyển sang màu gang đang sôi, như có lần Loan nhìn thấy trên phim. Nhưng cô chẳng còn tâm trí đâu mà theo dõi sự chuyển màu đó nữa. Cô chỉ nóng lòng tìm cho ra cái chấm đen quen thuộc di động thôi. A... nó kìa! Đúng rồi, chính nó! Cái chấm đen đang tách khỏi chân mây, tiến nhanh vào với bãi bờ, thẳng nơi Loan đứng. Hai bàn tay đặt nhẹ lên. ngực, Loan trút hơi thở, nhoẻn cười. Nụ cười đón nhận hai giọt nước mắt đang lăn nhanh xuống. Rồi, không kìm nén được nỗi bồn chồn, cô vung tay, nhảo ra với biển, đón xuồng.
Điệp khúc mọi ngày lại diễn ra. Loan mệt nhọc bíu vào mũi con xuồng đang bập bềnh trên sóng, hào hển thở, mắt khép hờ, chờ bàn tay người yêu đón lên. Một giây. Hai giây. Và...
Chị ơi...
Ơ, sao lại “Chị ơi!”? Ai gọi? Anh? Không phải, không phải tiếng anh! Vậy thì ai? Loan ngẩng vội lên. Trên mũi xuồng, một người lính trẻ măng, xa lạ, đang cúi xuống bối rối nhìn cô. Miệng anh khẽ gọi:
- Chị ơi!... Chị lên đi... em đỡ...
Loan thấy đôi chân mình bỗng rủn ra. Mặt cô thoắt trắng bệch. Giọng cô hoảng hốt:
- Anh Hải đâu? Anh Hải đâu? Kìa, sao anh không trả lời? Sao anh không nói? Giời ơi, hay là...?
Người lính càng lộ vẻ bối rối. Cố đu mình lên, Loan ngáo nghến tìm. Bấy giờ Loan mới nhìn thấy, phía sau người lính trẻ, một người lính đã đứng tuổi đang cẩn trọng từng bước tiến lại phía Loan. Ông nâng trên tay mình một người lính. Không, một thi thể! Đúng là một thi thể. Anh nằm trên tay đồng đội, ngửa mặt nhìn trời. Một vòng băng lớn quấn quanh đầu anh, loang lổ máu. Loan nhảo vội lại, và cô hộc lên một tiếng:
- Anh Hải! Giời ơi!...
Cả người cô đổ sụp xuống, tay chới với bíu lấy thi thể người chiến sĩ. Loáng thoáng tiếng trầm khán của người lính già trên đầu cô: “Bọn chúng nó... lũ biệt kích... định trốn chạy... anh ấy vòng chặn... Không đứa nào thoát... nhưng anh ấy... thì...”.
Trước khi ngất lịm đi trên tay những người lính, cô gái chợt thấy bụng mình nhói đau. Cái nhói đau lạ lẫm cô chưa thấy bao giờ. Mãi sau này, cô mới hiểu đó là cái đau gì. Một tiếng sấm đầu năm báo sự chuyển mùa - chính nó!
Vĩ thanh: Lời người đi xa
Các bạn vừa nghe xong chuyện vợ chồng tôi. Một chuyện tình yêu đôi lứa Một chuyện tình yêu biển. Vâng, đúng thế. Chúng tôi đến với nhau và yêu nhau, bởi chúng tôi cùng yêu biển. Và ngược lại. Đó là sự thật, và đó cũng chính là lý do khiến vợ tôi kể lại chuyện riêng này.
Tôi, một người trong chuyện này đã đi xa, xa lắm, chỉ xin nói thêm điều này cùng các bạn:
Bây giờ, Loan của tôi đã là một kỹ sư thủy sản, công tác ở cảng, cách nhà nghỉ đây dăm cây số. Tôi rất mừng thấy vợ con tôi khoẻ, được mọi người ân cần giúp đỡ, và Loan công tác ngày một tốt hơn.
Chiều thứ bảy nào Loan cũng đèo con về nhà nghỉ này. Cả nhà nghỉ nhiệt tình đón vợ con tôi. Lần nào cũng vậy, Loan được đưa con lên nghỉ ở dãy nhà B, gác 2, phòng 18. Và, sáng hôm sau, khi ban mai vừa rạng trên khuôn cửa sổ, Loan đánh thức con để hai mẹ con chạy ra với biển đón bình minh lên. Thằng con tôi rướn người trên tay mẹ, hướng ra chân mây rực rỡ, vừa reo vừa đòi:
- Mẹ... đẹp quá, cho con ra kia đi...
Khi đó, lần nào cũng như lần nào, Loan của tôi dụi nhanh hai giọt nước mắt vào lưng con, rồi Loan mỉm cười, nâng con lên cao. Hai mẹ con tiến ra đón sóng...
Sần Sơn, 21 tháng 8
Hà Đông, 28 tháng 8 năm 1981
P.N.C