Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BẾN NƯỚC BẢN SON

Nguyễn Hiền Lương

BẾN NƯỚC BẢN SON

  Chiều ấy, lúc đi dọc theo suối Thia tìm cảnh để chụp ảnh, khi vừa ló đầu ra khỏi một trảng đá lớn ven suối, tôi giật thót mình, thảng thốt, vội ngoắt lại, ngồi nấp vào trảng đá, nín thở ghé mắt nhìn. Trước mặt, một cô gái Thái đang tắm suối, chỉ cách tôi chưa đầy hai chục mét. Cô gái trong tư thế ngồi, nước ngập tới eo, váy được cuốn gọn trên đầu, lưng quay lại phía tôi, hai tay vốc từng vốc nước suối lên tưới vào khuôn ngực trần của mình một cách thích thú. Nước suối trong văn vắt đến mức thấy rõ những viên đá trứng màu trắng xám dưới đáy suối, thấy cả phần thân cô gái ngập trong nước. Mắt tôi hoa lên như say nắng, người nóng bừng bừng rồi ngợp thở, lâng lâng…

  Chắc là cô gái mới đi nương về, cái xoỏng chất đầy rau cải xanh vẫn để ngay trên bờ suối. Tôi luống cuống đưa máy ảnh lên, bắt hình cô gái vào lỗ ngắm, chỉnh jump, lấy nét, bấm một kiểu thử, rồi xem lại ảnh trên màn hình. Cả mảng lưng trần lồ lộ, trắng muốt, mịn màng. Không nhìn thấy mặt nhưng tôi chắc cô gái còn rất trẻ. Tôi lại dán mắt vào máy ảnh chờ đợi một tư thế khác của cô. 5 phút…rồi 8 phút… Bỗng có đàn chim ở đâu bay về đậu trên lùm tre bờ bên, chúng ríu rít, lách chách chuyền cành. Cô gái xoay người, đứng hẳn dậy nhìn sang đàn chim, tay vẫn vốc nước lên ngực. Đàn chim vẫn lách chách chuyền cành, hình như chúng đã quá quen thuộc những cảnh này. Tôi vội bấm máy. 1 kiểu, 2 kiểu, 3 kiểu… Đàn chim có lẽ nghe thấy tiếng bấm máy nên vội bay vù đi. Còn cô gái vẫn không hay biết gì, cô xoay và dướn người lên nhìn hút theo đàn chim tỏ vẻ tiếc nuối. Lúc này, cô đã ở vị trí đối diện với tôi. Cả khuôn mặt và bộ ngực. Tôi không kịp ngắm nhìn kỹ, cũng không kịp chỉnh jump, chỉ bấm máy liên hồi, cũng không biết là đã chụp tới bao nhiêu file ảnh. Phải làm sao để ghi được vẻ đẹp mà có thể tôi chỉ bắt gặp một lần trong đời. Tôi muốn thời gian ngừng trôi. Khi cô gái từ từ đứng dậy, phần thân dưới nổi dần lên khỏi mặt nước thì chiếc váy cũng được thả dần xuống theo. Tôi thẫn thờ đưa máy xuống. Lặng im. Cô gái mặc áo, sửa váy rồi đeo xoỏng, lên khỏi bến, theo đường đồng về bản. Đợi cô đi một quãng khá xa tôi mới đứng dậy bám theo. Cô đi vào một ngôi nhà sàn ven đồi, ẩn trong những lùm cây um tùm. Định hình được vị trí ngôi nhà ấy, tôi quay ra thị trấn Nghĩa Tâm tìm vào nhà anh bạn nghỉ. Công việc đầu tiên của tôi là sao chép những file ảnh vừa chụp sang Láptop. 76 file cả thảy. Đêm ấy tôi gần như thức trắng, mê mải với những hình ảnh cô gái tắm suối. Càng nhìn càng thấy mê hồn. Một vẻ đẹp vừa dân dã, khoẻ khoắn của thiếu nữ miền rừng lại vừa nõn nà, ngà ngọc của tiên nữ, không có một điểm nào khiếm khuyết. Thật khó diễn đạt vẻ đẹp ấy bằng từ ngữ một cách rành rọt, tường minh. Chỉ thấy cảm giác khi nhìn nó, ở tôi có một sự thăng hoa, hưng phấn, ngây ngất đến đỉnh điểm. Phải chăng vì đó là vẻ đẹp tự nhiên của người con gái mà chỉ có tạo hoá mới sáng tạo được, sự sáng tạo ấy lại không hề mang tính vụ lợi. Còn nữa, phải chăng là một nhiếp ảnh gia, tôi đã cảm nhận vẻ đẹp ấy vừa bằng con mắt nhà nghề, vừa bằng một tâm hồn đắm say và một trái tim nhậy cảm với cái đẹp của người nghệ sỹ.

   Hôm sau, tôi quyết định trở lại bản Son, tìm vào nhà cô gái. Tôi suy tính tới nhiều cách để giải thích cho sự xuất hiện của mình và tìm cách làm quen. Cuối cùng vẫn phải lựa chọn phương án tiếp cận là nói thật, xin nghỉ nhờ để chụp ảnh, còn mọi việc sẽ liệu sau. Lúc tôi đến chỉ có ông bố cô gái ở nhà. Đã thủ sẵn một can rượu ngon từ thị trấn, tôi đưa biếu ông. Thấy có rượu ông già mang thịt trâu sấy trên gác bếp xuống làm đồ nhắm. Hai bác cháu nhâm nhi hết nửa bầu rượu thì mẹ con cô gái đi làm cỏ lúa về. Tôi cố giữ vẻ bình thản, chỉ chào hỏi xã giao, nhưng quả thật không có thể dửng dưng, thờ ơ với vẻ đẹp của cô. Nước da trắng hồng, khuôn mặt thanh tú, vóc dáng thon cao đã hút hồn tôi. Cô hồn nhiên nở nụ cười tươi tắn và chào tôi bằng tiếng Kinh hơi lơ lớ, nhưng giọng lại trong và thanh nghe ngồ ngộ. Ông bố bảo tôi, đấy là cô con gái út, tên là Sao, nó mới 17, nghỉ học rồi, bố đang kén rể đấy. Hai anh, hai chị nó đều đã lập gia đình, ra ở riêng, ở nhà không có người làm. Con gái Thái bản Son chỉ cần học hết lớp 5, lớp 6 là đủ rồi, về lấy chồng thôi. Khi đã có vẻ thân mật, gần gũi rồi tôi mới trình bày ý định của mình và đưa cả thẻ nhà báo ra làm tin. Tôi cũng đưa cho mẹ Sao ít tiền nhờ bà nấu cơm cho ăn cùng. Cuối cùng là xin phép ông bà cho Sao dẫn tôi đi chụp ảnh, tôi sẽ trả tiền công cho Sao 50.000đ một buổi. Ba người trao đổi gì đó với nhau bằng tiếng Thái, tôi không biết nhưng nhìn nét mặt họ tươi tỉnh, má Sao còn ửng hồng lên và khẽ mỉm cười, tôi biết là họ đã đồng ý. Tôi nghĩ là 50.000đ trả công cho một buổi làm mẫu của Sao cũng xứng đáng thôi và rút tiền định ứng trước thì ông bố Sao ngăn lại và nói: “Cho em nó đi giúp cháu mày thôi, không lấy tiền đâu, cháu mày cứ chụp, chụp xong làm cho bố một cái thật to, bố treo ở nhà là được rồi. Người Thái ta quý khách đến nhà lắm mà”.

   Chiều, tôi bảo mẹ Sao cho em mặc bộ trang phục Thái truyền thống. Hai mẹ con Sao vào buồng sửa soạn. Khoảng nửa tiếng sau, Sao bước ra. Tôi lại lần nữa sững sờ với vẻ đẹp của Sao. Mỗi lần Sao xuất hiện lại có một nét đẹp mới. Dáng người Sao đã thon, cao, đôi chân khá dài, nay lại mặc vào chiếc áo cỏm trắng, cổ tròn, bó sát thân vừa đủ ôm khít bộ ngực gái dậy thì mẩy căng, hàng “mắk pém”(1) bằng bạc hình con bướm khẽ rung theo nhịp thở. Gấu áo cỏm chỉ chấm ngang đến cạp váy. Váy là kiểu váy ống, kín mép, cũng bó sát lấy mông, nổi hẳn lên những đường cong săn căng tuổi 17. Chiếc thắt lưng màu nõn chuối, 2 đầu nối thêm 2 mẩu vải đỏ, thắt chặt lấy cạp váy làm cho cái eo của Sao đã thon lại càng thon hơn. “Eo kíu manh pho”(2) đấy- mẹ Sao vừa chỉnh lại sợi dây xà tích đeo trễ bên hông cho Sao vừa nói. Đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui xen lẫn sự hãnh diện. Rồi mẹ đội cho Sao chiếc khăn piêu thêu đầy những họa tiết, hoa văn, 4 góc ở 2 đầu khăn còn đính 4 cút piêu, hình bông hoa cách điệu. Một đầu khăn mẹ vắt lên đỉnh đầu cho rủ xuống trán Sao, một đầu khăn mẹ thả sau lưng che kín gáy làm nổi lên khuôn mặt rất Thái của Sao. Tôi có cảm nhận con gái Thái rất biết khoe cơ thể nhất là vùng ngực, eo, mông bằng trang phục. Lúc đi Sao còn đeo theo cái xoỏng đan bằng tre, nan đã lên nước nhẵn bóng.

   Tôi bảo Sao dẫn vào rừng Ban. Lúc này đang là mùa Ban nở rộ. Nhìn vào cây Ban tuyệt nhiên không thấy một cái lá nào, chỉ toàn hoa là hoa. Hoa chen nhau nở trên những cành cây khẳng khiu tưởng như đã khô chết. Những cánh hoa trắng muốt như đan dệt vào nhau. Nhìn lâu mới thấy vài búp hoa hình thoi thon nuột nà, lấp ló. Ngắt một bông ban đặt lên lòng bàn tay tôi không chỉ nhìn rõ màu trắng của cánh hoa có những đường gân tim tím, màu hồng hồng của nhị hoa mà còn cảm thấy dường như có cả một chút gì đó như là mây, là gió, là nắng của đại ngàn và vời vợi như ánh mắt Sao. Tôi mê mẩn trong rừng ban và lại mê mải bấm máy. ảnh nào cũng có Sao và hoa Ban. Khi thì Sao đang vít một cành Ban đầy hoa che lên bầu ngực. Khi thì Sao ngồi dưới gốc Ban, mắt vời vợi nhìn về xa xăm. Khi thì Sao thoăn thoắt hái những búp Ban cho vào cái xoỏng đeo ngang hông. Nhìn một cô gái Thái trẻ đẹp như Sao trong rừng Ban mới cảm nhận thấy cái đẹp trinh trắng của rừng Ban, cũng như cái đẹp nguyên sơ của cô gái Thái. Nó gắn với nhau như một duyên tiền định. Phải chăng vì thế mà người Thái tưởng tượng ra nguồn gốc hoa Ban là từ máu thịt của người con gái Thái. Sự tưởng tượng của họ thật diệu kỳ nhưng cũng thật bi thương. Không biết cô gái Thái trong câu chuyện cổ kia xinh đẹp biết nhường nào mà cả kẻ giàu lẫn người nghèo đều muốn lấy làm vợ. Chỉ thương cô gái, trốn chạy nhà giàu tìm đến người yêu nghèo khó của mình thì lại không gặp được chàng, nàng vắt chiếc khăn Piêu của mình lên cầu thang nhà chàng như một sự kí thác số phận rồi chạy qua hết núi này đến núi khác, gọi chàng đến khản cả giọng, đến kiệt sức tàn hơi rồi gục xuống, hóa thành hoa Ban.

   Tôi đang như kẻ mộng du lạc trong câu chuyện cổ, chợt bừng thức khi nghe tiếng Sao gọi. Sao đã hái được đầy một xoỏng búp Ban để mang về làm nộm. Chúng tôi trở về nhà khi chiều vừa tắt nắng. Sao rủ tôi cùng xuống bến nước với em. Trước mặt, phía trên, phía dưới đã có những tốp chị em gái bản đang tắm, nói cười rôm rả. Họ thản nhiên tắm, không tỏ vẻ ngượng ngùng gì. Họ vẫy tay, cất tiếng í ới gọi Sao, tôi không hiểu nhưng đoán là họ trêu đùa Sao đã “bắt” được một anh chàng Kinh đẹp trai, vì tôi thấy mặt Sao đỏ lên. Chao ôi, cả một đoàn người tắm suối khoả trần lồ lộ. Nó nguyên sơ, hoang dã, trần gian mà lại lung linh như những thiên thần. Phải chăng con gái Thái đẹp là vì họ đã uống và tắm nước của suối Thia từ tấm bé? Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn một cảnh tắm như thế lại không phải vụng trộm, lén lút gì. Tôi rất muốn có được tấm ảnh này nhưng lại không dám chụp vì sợ nếu giơ máy lên chụp, sẽ bị họ xua đuổi, sẽ coi là một kẻ tục tĩu. Chắc họ tỏ ra thân thiện với tôi là vì xem tôi cùng Sao xuống bến nước cũng là để làm cái công việc sinh hoạt thường nhật như họ chứ không phải để nhìn ngắm.

  Cơm tối xong, tôi muốn đi nghỉ sớm. Tôi hỏi bố Sao về chỗ nghỉ của mình. Bố chỉ cho tôi chỗ nhưng lại thấy Sao vào đó tung chăn đắp lên mình. Tôi ngạc nhiên nhưng không dám hỏi. Chừng 15 phút sau, Sao ra giục tôi: “Chăn ấm rồi, anh vào ngủ đi”. Tôi bối rối, ngồi im. Thấy thế, bố Sao bảo tôi đó là tục đón khách quí của người Thái. Trời rét, chăn đệm mới trải ra còn lạnh nên trước khi khách nằm, gia chủ cho con gái mình vào nằm trước để có hơi ấm của người. Đúng là chăn Thái, đệm Thái, cộng với bữa tối tôi đã uống nhiệt tình với bố Sao nên vừa đặt mình là ngủ say ngay.nguyen-hien-luong-vanvn

  Hôm sau tôi lại xin phép bố mẹ Sao, cho em dẫn tôi ra suối Thia chụp ảnh. Mẹ bảo Sao, tiện thể vớt về ít rêu để mẹ làm món rêu nướng đãi tôi. Mẹ còn bảo tôi, ở suối Thia này đâu cũng có rêu, nhưng chỉ có rêu suối bản Son mới mịn và xanh, đưa tay xuống vớt thấy mát cả tay, mới là rêu ngon. Lúc ra đến bến nước, tôi hỏi vì sao rêu suối bản Son lại ngon hơn nơi khác. Sao bảo vì suối ở đây nước trong, chảy đều, lòng suối lại toàn đá cuội. Sao còn bảo, nếu ở chỗ nào nước chảy chậm thì sợi rêu bị dính bùn, cỏ cũng bám vào, rêu bị úa vàng và mủn, còn chỗ nước chảy nhanh quá thì sợi rêu bị rách, lại cứng và thô, ăn không ngon. Rồi Sao dẫn tôi xuống bến nước, chỉ cho tôi cách vớt rêu. Chúng tôi đi vớt dọc theo suối, khi đã được đẫy tay, Sao đặt rêu lên một mô đá nổi trên lòng suối, rồi lại đi vớt tiếp. Qua một đoạn suối dài chúng tôi mới quay lại thu rêu mang về bến nước để đập rửa. Sao đặt từng mớ rêu lên trảng đá to bằng cái mâm, phẳng và mịn, rồi dùng chày gỗ đập nhẹ từ trái sang phải, rồi lại từ phải sang trái, đập đủ ba đợt. Tôi cũng bắt chước làm theo, đập xong mớ nào lại đưa cho Sao rửa. Rửa xong, Sao xếp rêu vào xoỏng, rồi kẹp xoỏng giữa hai đầu gối, để cho xoỏng ngập đủ nước, dùng hai tay rũ cho rêu bung ra. Hai bàn tay Sao cứ thoăn thoắt mà lại rất mềm mại rũ từng mớ rêu, những sợi rêu mỏng manh dập dờn, lả lướt, nhún nhẩy trong nước mà không bị đứt một sợi nào. Tôi nhìn Sao rũ rêu đến không chán mắt. Tôi cảm thấy ở Sao không phải chỉ có vẻ đẹp của thân thể thiếu nữ miền rừng mà còn lung linh, tiềm ẩn một cái gì đó trong tâm hồn mà tôi mới chỉ cảm được chứ chưa gọi tên ra được.

  Chúng tôi về nhà thì đã gần trưa. Mẹ Sao khen hai anh em vớt được nhiều lại toàn rêu ngon. Mẹ xé rêu thật nhỏ, thái củ sả, củ hẹ, lá răm, lá húng, đập hạt dổi đã nướng thơm rắc đều vào rêu rồi nêm muối làm món rêu nướng. Mẹ bảo, rêu nướng cũng có 3 món. Món “cay pho” là lấy lá dong gói rêu thành từng gói nhỏ, kẹp gói rêu vào cặp tre tươi để nướng. Khi nướng phải đặt cặp rêu sát với than, như thế thì rêu mới ngon. Món “cay pỉnh”, lại gói rêu bằng lá lốt, rồi mới kẹp vào thanh tre nướng giòn. Món “tau lam” lại cho rêu vào ống nứa bánh tẻ, còn tươi để nướng. Ngoài ra còn có món “kinh tau” là rêu tươi nấu với nước xương hầm thì ngon tuyệt, món “tau nửng chụp”, lấy rêu non cho vào chõ đồ chín rồi trộn với gia vị thành nộm. Rêu vừa là món ăn dân giã thường ngày nhưng trong mâm rượu hứa hôn của người Thái nhất thiết phải có món rêu. Lần đầu tiên được thưởng thức món rêu nướng, thấy có một cảm giác rất lạ, tôi nhai chầm chậm để lắng xem cái hương vị đặc biệt ấy thấm vào mình như thế nào.

  Hôm sau, biết bố Sao định sửa lại cái máng lần dẫn nước về nhà, tôi xin được đi làm cùng ông. Bố Sao đưa cho tôi bộ quần áo chàm của ông và chiếc bao dao. Trong phút chốc, tôi đã trở thành một chàng trai Thái từ đầu tới chân. Tôi rất thích thú. Còn Sao thì cứ tủm tỉm cười. Làm cả ngày mới chữa xong cái máng lần, dài chừng non nửa cây số. Tối ấy mẹ Sao đãi cả nhà món “pa pỉnh tộp”(3). Mẹ bảo: “Cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú” (4). Cá thơm, rượu ngon, không khí lại thân tình, tôi đã cao hứng nói rằng Sao nên ra thành phố làm việc. Em có thể làm người mẫu, hoặc đại loại là một công việc gì đó liên quan tới quảng cáo hay tiếp thị, hay bán hàng, bởi em đẹp, lại duyên dáng, chăm hiền nên rất có sức thu hút khách hàng. Tôi đã vẽ ra một viễn cảnh rất đẹp và trong tầm tay của Sao nếu em ra thành phố. Xem ra Sao có vẻ rất thích, ánh mắt em có lúc nhìn tôi không chớp, còn bố mẹ Sao thì không ngớt lời cảm ơn và cậy nhờ tôi giúp để cho Sao đổi đời. Tối ấy, ông bà cho hai anh em đến nhà trưởng bản tập xoè. Lúc về, chúng tôi ngồi lại bến nước hồi lâu trong màn trăng bàng bạc, nhìn vệt nước chảy len lỏi qua những trảng đá loang loáng ánh trăng, nghe tiếng nước róc rách đều đều như nhịp thở. Xa xa có tiếng Pí thiu(5) dìu dặt loang xa theo dòng suối. Sao bảo, đó là tiếng Pí gọi bạn đêm khuya. Các cô gái Thái chỉ nghe tiếng Pí mà nhận ra người yêu của mình. Tôi hỏi Sao đã có ai gọi bằng tiếng Pí chưa? Em không nói mà chỉ khe khẽ ngả đầu vào vai tôi tin cậy.

  Sau chuyến đi ấy, tôi có hẳn một bộ ảnh về Sao. Tôi gửi bộ ảnh đi dự Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực. Trong bộ ảnh ấy, có 5 bức được treo, riêng bức ảnh Sao đang tắm, tôi đã chụp lén ở bến nước, tôi đặt tên là “Ngọc suối” đoạt Huy chương Vàng, được chọn đi Liên hoan ảnh toàn quốc cũng đoạt Vàng. Thậm chí nó còn được chọn đi Liên hoan ảnh quốc tế tại Pháp, được in trong bộ ảnh giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhờ có bức ảnh ấy mà tôi đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tên tuổi tôi bỗng nổi lên như cồn. Tôi sung sướng với sự thành công của mình, tôi vui mừng vì thấy rằng mình đã giới thiệu, đã quảng bá được vẻ của con người và một mỹ tục của người Thái. Rồi tôi bận rộn với việc đi tham dự các cuộc triển lãm và nhận giải thưởng, trả lời phỏng vấn của các nhà báo, rồi nữa là các bữa tiệc mời bạn bè ăn khao giải thưởng. Cứ thế diễn ra tới hàng tháng trời. Vừa xong cái vụ giải thưởng thì tiếp theo là được mời đi dự Trại sáng tác của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh, và bao nhiêu công việc thường nhật mưu sinh khác, làm tôi quên đi lời hứa với Sao và cứ lần nữa mãi, hơn một năm sau tôi mới trở lại bản Son.

  Tôi đến nhà Sao, nhà vắng tanh. Ngồi đợi chừng gần một tiếng thì thấy bố Sao về. Hình như ông vừa uống rượu ở đâu, bước đi thấy loạng choạng nhưng vừa nhìn thấy tôi ông đã bảo ngay:

– Sao cháu mày bây giờ mới lên, con Sao đi rồi.

  Tôi vội hỏi là Sao đi đâu. Bố Sao đáp gọn lỏn: “Nó đi Hà Nội. Đi 3 tháng rồi”. Rồi ông kể, sau khi tôi đi được vài tháng thì có nhiều người đến chụp ảnh con gái bản Son lắm. Họ cho nhiều tiền, tặng cả gương lược, son phấn để con gái ra suối tắm, vào cả trong rừng, lên tận Thác Mơ cho họ chụp ảnh. Trong số đó có hai vợ chồng một anh chụp ảnh, tên là Đùng ở tít Hà Nội. Hai vợ chồng anh ấy cũng nghỉ ở nhà ông. Chị vợ bảo nếu Sao muốn về Hà Nội, chị sẽ tìm việc làm cho. Người như Sao mà về Hà Nội thì vừa làm vừa chơi một tháng cũng được 5 triệu đồng. “Năm triệu là bằng nhà bố trồng lúa, trồng ngô cả năm, là mua được con trâu đến tuổi vực cày rồi, vậy là bố cho nó đi. Nó cũng đã đợi mày mãi để mày đón ra thị xã, xin việc cho nó làm mà có thấy mày lên đâu.” – bố Sao bảo thế, như một sự trách cứ. Tôi không dám nói điều gì, chỉ hỏi, Sao có gọi điện về không, có gửi tiền về không. Bố Sao bảo nó gửi tiền rồi, gửi 5 triệu, bố đã mua được cái tivi to kia kìa, còn gọi gọi điện thì không, bố làm gì có cái máy để nghe. Nhưng nó có viết thư về, bảo là bố mế cứ yên tâm, công việc nó làm cũng nhàn thôi mà lại kiếm được nhiều tiền, nó bảo đến Tết nó sẽ về chơi rồi lại đi.

   Tôi lặng người. Một cảm giác tiếc nuối như lỡ tay đánh rơi một cái bình sứ, đến khi vỡ rồi mới biết nó quý hiếm. Bỗng bố Sao hỏi: “Cháu mày thấy nó đi làm thế có tốt không”. Tôi bối rối và luống cuống, khẽ cúi đầu để tránh cái nhìn của ông. Bỗng như vừa nhớ ra điều gì, bố Sao reo lên khoe với tôi: “à, anh Đùng có ghi cái địa chỉ đây này, anh ấy bảo bố mế có muốn xuống thăm Sao thì cứ đến chỗ này”. Tôi cầm tờ giấy lên đọc, thấy đề cả số ngõ, số nhà, tên phố của một quận ở trung tâm thành phố, bèn ghi lại và gửi trả mảnh giấy cho bố Sao. Lòng thấy nặng trĩu và tê tái. Cái giá của một cô gái đẹp nhất bản Son chỉ là một mảnh giấy viết tay nguyệch ngoạc này ư? Bố Sao mời tôi ở lại ăn cơm nhưng tôi nghĩ sẽ không thể nuốt nổi. Tôi dặn ông là khi nào Sao về thì ông ra anh bạn tôi ngoài thị trấn Nghĩa Tâm, nhờ anh báo tin để tôi vào gặp Sao hỏi xem công việc làm ăn của Sao thế nào.

  Lúc ra gặp anh bạn tôi mới biết rõ nguồn cơn. Thì ra sau cái đận bức ảnh chụp Sao của tôi đoạt giải Vàng, được treo triển lãm nhiều nơi, được đăng báo, được phát trên cả tivi, bản Son trở thành địa chỉ tìm đến của các tay máy suốt từ Bắc chí Nam. Họ gọi bản Son dân dã, rừng rú, heo hút, yên ả là “Miền gái xinh”. Tốp này chưa về, tốp kia đã đến săn ảnh. Bản Son trở nên tấp nập, nhiều dịch vụ cũng ăn theo từ đấy. Các cô gái Thái bản Son trở thành người mẫu đắt khách, rồi theo các lời mồi chài, hứa hẹn, săn đón, họ rủ nhau đi làm ăn xa cả, chứ không phải chỉ có riêng Sao. “Ông thấy đấy, bản bây giờ làm gì có con gái trẻ ở nhà. Chả biết là đi những đâu, chỉ Tết mới về, ăn mặc đẹp, mua sắm nhiều đồ đạc. Bản Son thay đổi hẳn, đài đóm, ti vi, xe máy, quần áo mốt mới nhiều hẳn lên”. – anh bạn tôi bảo vậy.

  Trở về thành phố, tôi thấy mình như người mắc lỗi nên quyết định đi Hà Nội ngay, đến cái địa chỉ kia xem nó hư thực thế nào. Và tôi đã chết điếng người khi đến nơi. Đó là một cái nhà nghỉ và ở đó không hề có vợ chồng Đùng. Tôi lang thang ở Hà Nội cả tuần tìm kiếm nhưng bất lực, đành phải nhờ mấy người bạn trong giới nhiếp ảnh ở Hà Nội dò hỏi xem có tay máy nào tên là Đùng không. Tôi đưa cả ảnh Sao để họ tìm giúp. Nhưng đã gần một năm rồi mà không tin tức gì. Tuần trước, một người bạn gọi cho tôi, nói có thấy một cô gái trẻ giống Sao lắm, ôm eo một người đàn ông lớn tuổi từ một nhà nghỉ đi ra. Anh ta chưa kịp tiếp cận thì họ đã dìu nhau lên xe taxi. Vào hỏi thì bà chủ bảo cô gái ấy tên là Hương Lan. Còn tay bảo vệ thì vừa cười cười vừa nhay nháy cặp mắt đầy ma mãnh. “Con gái quê bây giờ ra thành phố, nhất là làm ở các nhà nghỉ chẳng cô nào còn giữ cái tên quê mùa đâu ông ạ”. Câu nói ấy của anh bạn qua điện thoại cứ văng vẳng hành hạ tôi. Khiến tôi phải vào ngay bản Son, xem Sao có gửi thư hay nhắn tin về nhà không. Sao vẫn chưa về thăm nhà, cũng không có thư, chỉ gửi tiền đều hơn. Tôi không dám nói cho bố mẹ Sao biết về chuyến đi Hà Nội của mình. Biết nói thế nào? Nói sự thật để họ phải lo lắng, đau buồn hay nói dối cho họ yên lòng? Nhưng thật là day dứt. Nỗi day dứt của một kẻ phạm tội khi phải giấu diếm họ điều mà tôi đã biết. Cái tội đã chụp lén ảnh Sao tắm đem đi dự thi đã đành, lại còn cái tội trong lúc cao hứng đã vẽ ra một tương lai và những giá trị ảo, làm cho Sao mê mẩn đến nỗi bỏ cái bản Son máu thịt của mình mà đi nơi phồn hoa, đất khách, quê người xa lạ. Tôi đã sung sướng, hạnh phúc, hả hê bao nhiêu khi gặt hái được những thành công trên con đường nghệ thuật nhờ chụp được bức ảnh Sao thì lại dằn vặt, dày vò, ân hận và đau đớn bấy nhiêu khi chính nó lại là nguyên cớ dẫn đến sự bỏ nhà ra đi để tìm “miền đất hứa” của Sao, và nếu cô gái ở cái nhà nghỉ kia đúng là Sao thì đó còn là sự đổ vỡ. Đổ vỡ vì cái đẹp mà mình tôn thờ, quảng bá đã không được cảm nhận đúng với ý nghĩa của nó. Đổ vỡ còn vì chính cái đẹp cũng đang tự đánh mất mình vì những nghiệt ngã, thực dụng của đời sống.

   Tôi bần thần một mình ra bến nước. Nước cạn, bến vắng đến đìu hiu. Tôi thẫn thờ nhìn dòng nước chảy – dòng nước đã được người Thái gọi đó là “N­ước mắt đôi bạn tình”. Sao ở cái xứ Thái này, sự tích nào cũng gắn với bi kịch của tình yêu đến thế? ở đâu, thân thể chàng trai đã hoá thành trăm ngàn mảnh đá nằm trong lòng n­ước? ở đâu, mái tóc dài mượt của cô gái, mỗi sợi bám vào một hòn đá biến thành sợi rêu óng ả, lấp lánh d­ưới nắng, đung đưa tựa như­ vạn bàn tay vẫy gọi? Mờ nhoè trong mắt tôi chỉ là những hòn đá to nhỏ ngổn ngang, lổn nhổn khắp lòng suối bám đầy những búi rêu úa vàng. Trảng đá mà tôi đã dùng đập rêu khi xưa bạc thếch, trên mặt nó những sợi rêu khô đét bám chặt. Làm thế nào đây để tìm được Sao? Để em trở về với bản Son, để cái bến nước này lại rộn rã tiếng cười con gái khi chiều về như nó đã có từ bao đời.

                                                          N.H.L

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 52
Trong tuần: 1153
Lượt truy cập: 437151
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.