Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BẾN LÁ

Lương Ky
 
BẾN LÁ
 
   Kim Ngân lơ đễnh thả từng bước chân trên đoạn đường xuống bến sông. Với Kim Ngân, chẳng có gì xa lạ dù lối đi có ngoằn nghèo, khấp khểnh, cũ kỹ. Dần dần hạ độ dốc rồi như chui tụt vào mép nước đầy những đám lục bình. Những cây sung già với bộ rễ bùng nhùng bám bờ sông và bám cả xuống nước. Trên lớp rễ còn in hằn vệt nước khi cao khi thấp khi triều dâng lên, hạ xuống… Vài chiếc xuồng máy, ghe gỗ neo dây vào những gốc sung hay những rễ sung lớn… luôn bập bềnh trên sóng tạt vô bờ… Một đoạn bờ sông hõm sâu ấy tạo nên cái bến mà tên tự xưa tới giờ vẫn là Bến Lá.
 
   Bến Lá. Sông Đồng Nai ở khúc cuối xuôi về hướng Sài Gòn rộng mênh mông, lững lờ con nước. Hun hút tầm nhìn sang phía bờ bên kia. Những ghe gỗ hay xuồng cô le… đưa khách đan xen đi lại thường gặp và lách tránh những Xà lan, tàu hàng lầm lũi ngược xuôi… Cả những đám lục bình nở đầy hoa tím ngắt thường bập bềnh trôi…
 
   Kim Ngân là một cô gái từ An Giang đến kiếm công ăn việc làm ở Bến Lá theo mách bảo của mấy người quen cùng quê. Công việc thường ngày của Kim Ngân là phụ việc tạp nham cho một gia đình gần Bến Lá. Bán hàng lặt vặt, căng võng cho khách xuống bến nằm khểnh sau khi túm năm, tụ ba ngồi nhậu bên những bộ bàn ghế tầm vông ọp ẹp với những đồ nhậu dân dã, tôm cá nướng, lươn om, ốc luộc, canh chua cá lóc… Mấy vị khách tạp nham đủ nghề trên phố thường dạt xuống Bến Lá, với Kim Ngân dần dần thành quen. Họ có chọc ghẹo đưa đẩy tán tỉnh, Kim Ngân cũng thấy bình thường.
edbc9ldd
 
   Kim Ngân đã vô tình gặp một ông già trên lối đi vào nơi cô đang làm. Kim Ngân chưa hỏi gì, đã nghe ông lão nói: “Tui, tên Huỳnh… Huỳnh thẹo…Người bến Lá luôn à…”. “- Dạ!” Kim Ngân chỉ biết đáp lại vậy thôi. Kim Ngân ngẩn người bắt gặp cái nhìn như xói vào mặt mình. Mặt Kim Ngân như bị đốt nóng lên, khi nghe giọng nói khàn khàn, đùng đục rất khó lọt tai của ông lão:
  • À… ờ! Mà tui hỏi khi không phải. Bé là con nhà ai zậy? Từ đâu đến đây? Sao nhìn mặt bé quá giống con Quỳnh nhà tui.
  • Giống quá dậy – Ông lão nói và sán lại gần hơn, nhìn chằm chặp hơn vào đôi tai, cái cằm tròn trịa của Kim Ngân…
  • Dạ! – Kim Ngân thảng thốt – Ông bảo ai cơ ạ? – Là… Quỳnh nào cơ ạ?
  • À, không! Là ông bảo đứa con gái đổ đốn lăng loàn nhà ông ngày trước… Nó tên “Quỳnh”… Nó “lặn” một mạch đi đâu đó, từ cái ngày nó khóc thút thít, nói vào tai tui “ – Con chửa rồi ba ơi!”… Tui đang lúc bỡ ngỡ say xỉn đã quát nó, đuổi nó ra khỏi cái lều của mình… “ – Cút đi ngay! Cút đi đâu thì đi cho khuất mắt tao…”
 
   Nó đã đi, không còn dám ngoảnh lại… Chưa đầy một tuần sau khi nó đã đi thì Sài Gòn giải phóng. Cái hồi 30/4/1975 ấy… Khi bà Gái, vợ ông Huỳnh đi chợ về, hỏi con Quỳnh đâu? Ông Huỳnh mới giật mình, tỉnh hẳn rượu, ú ớ: “ – Nó đâu đó mà… Con bà, bà không biết dạy… Chả chồng con gì nữa nó bảo nó chửa đấy…” Bà Gái gào lên: - Ông nói cái gì? Là nó ở đâu? Nhảy sông, nhảy bến thì sao?
 
   Lão Huỳnh tỉnh hẳn, giờ thì lão mới thấy lo, mới ân hận. Lão biết, con Quỳnh nó giống tính lão mà… Ai mà rủa, lăng mạ… Lão cũng quay mặt bỏ đi… Mấy ngày sau, cũng vẫn biệt vô âm tín, đến khi ông bà nghe được một ai đó ở Bến Lá bảo, con Quỳnh nhà ông bà đã nhờ một ông lái đò bến Lá đưa nó ra giữa sông, gặp một cái Xà lan chở gỗ,  rồi nhảy đại lên bám theo…
 
   Những ngày sắp giải phóng, khu vực gần bến Lá gần như loạn… Kẻ xuôi sông, kẻ ngược sông. Biết đâu mà tìm, biết đâu mà dò hỏi nữa…
 
   Ông bà Huỳnh mới sực nhớ câu chuyện xảy ra tầm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1975. Lão Huỳnh đưa tay lên trán, vẻ nhiều suy ngẫm, lão bảo: “ Ai mà biết, cái hồi năm 1975 ấy nó ra sao? Chỉ biết là, vùng này có nhiều kẻ lén lút đi đêm về hôm, thậm thụt dạt vào Bến Lá này. - Một hôm, tờ mờ sáng, bà Gái ra bến nước, leo lên con thuyền gỗ. Một đám bèo tây lùng nhùng dạt tới. Đám lục bình đầy hoa lúc như trồi lên, lúc như chìm xuống, dập dềnh. Bà Gái khoả chân xuống bờ nước… Bỗng bà Gái giật mình khi thấy khóm lục bình có một bàn tay khoát khoát lên. Và một khuôn mặt người lọ lem lấp ló hiện ra.
 
Bà Gái lạnh toát người, hét toáng:
  • Ôi trời… Vi Xi…
Bà Gái ngã người ra sau làm con ghe chòng chành:
  • Gì zậy? Gì zậy? – Lão Huỳnh vừa từ bờ chạy xuống.
 
   Sau lớp hoa lục bình và đám lá, một người thò đầu lên. Cái đầu được chụp mũ bó sát tóc và cái mặt chát bùn đất cũng hiện ra. Nhìn rõ nhất chỉ là hàm răng trăng trắng. Hình như khuôn mặt ấy đang cười.
 
  Bà Gái, sau giây phút ú ớ đã gào to hơn: - Ôi giời… Vi Xi…
  • Bà bình tĩnh đi nào! – lão chồng bà gái có vẻ tỉnh táo hơn – bình tĩnh, xem thế nào?
  • Tui đây! – từ đám bèo vang lên một giọng nói đủ nghe – Tui đây mà!
  • Tui là thế nào? Là ai? Là cái gì? – Lão Huỳnh nói lại
  • Dạ! Tui…
  Lão chồng bà Gái lùi lại vài bước gần bờ hơn, dù chưa hiểu mô tê gì, được cái lão bình tĩnh. Nhưng bà Gái mặt tái xanh lại gào lên: - Ới ới! - Lão Huỳnh lao tới bên bà, kéo cái ghe át vào mình rồi đưa tay lên bịt miệng bà.
 
  Ông Huỳnh ra hiệu cho người trong đám lục bình tiến lại gần chỗ ông bà.
  • Dạ! Tui là quân giải phóng đây mà!
  • Rồi! Lẹ lên, không trời sáng ngay bây giờ đấy. Trên đường đám dân vệ nó biết thì nguy to.
  Ông Huỳnh kéo tay chú quân giải phóng nọ chạy vội vào khu vườn chuối sau nhà mình. Lão vạch đám cành cây, lá chuối… rồi đẩy chú quân giải phóng chui tọt vào một cái hầm. Lão che lại phía ngoài, vứt đám lá chuối, cành cây vô xung quanh trông như góc xó chả có ai qua lại.
 
   Tới gần tối ngày đó, chú quân giải phóng mới nghe tiếng sột soạt, có bước chân người đi tới vạch lá cây nhìn vào cái hầm.
Tiếng “e hèm” nhè nhẹ và một giọng nói nhỏ không phải tiếng ông bà vọng vào:
  • Chú giải phóng ơi! Chú mặc tạm quần áo, ăn tạm cơm, rồi cứ ở yên đấy nhé! Ba má con biểu chú không được đi bây giờ đâu đấy. Rồi ba má con tính.
Đặt cái bọc lôm côm gần cửa hầm, rồi không nghe thấy gì nữa.
Chú quân giải phóng đành chấp nhận mọi việc.
 
  Lại phải tới tờ mờ sáng hôm sau chú quân giải phóng mới lại nghe tiếng sột soạt. Lần này thì đích thân lão Huỳnh ghé. Lão lại đưa một cái bọc chắc là đồ ăn và một chai nước. Lão nói nhỏ, khá khó nghe, nhưng chú quân giải phóng cũng tạm hiểu: “ – Đù má! Không rõ có chuyện gì trên đường, lối xuống Bến Lá từ hồi hôm dân vệ, đám lính… săn lùng dữ lắm. Nghe biểu, đâu từ cao nguyên Trung Phần, từ mạn Ninh Thuận, Bình Thuận đến Long Khánh có biến động lớn, đánh nhau dữ lắm. Có lẽ chú chưa đi đâu và làm gì được. Cứ nằm tạm đó rồi tính…”
 
   Chú quân giải phóng chỉ còn biết nghe lão nói. Tuy nhiên, vì chưa biết lão Huỳnh là người thế nào, chú quân giải phóng ghì chặt con dao găm thế thủ. Rồi chú quân giải phóng đưa lại cho lão một cái bọc chừng vài kí, nói vọng ra: “ - Dạ! Cám ơn cụ nhé! Tui cũng còn một ít lương thảo để trụ lại khu vực này làm nhiệm vụ. Còn đây là một cặp mai gầm bự, tui đành phải giết chúng hồi đêm. Cụ cầm dề làm mồi nhậu được đó! Tui nghe ngóng tình hình rồi cũng tính việc của tui…”.
 
  Nghe giọng chú quân giải phóng, tuy không rõ mặt lão Huỳnh nhận biết chắc chú này phải là lính đặc công nước chứ chả đùa. Có lẽ là người miền Tây với giọng nói khá nặng, tầm tuổi dưới 30.
 
   Sáng đó, lão Huỳnh đã gom được đám dân vệ khu Bến Lá, với cặp mai gầm tươi bự nọ làm bữa lai rai. Nhân thể lão Huỳnh còn hù doạ cho mọi người để không ai dám bén mảng ra góc vườn nhà lão. Lão còn nạt cả bà Gái và cô con gái phải giữ mồm giữ miệng. Nhưng lão rỉ tai mẹ con bà rằng chỉ có lão hoặc cùng lắm là con Quỳnh được bén mảng ra góc vườn khi lão cần.
 
   Chú quân giải phóng nọ lại cứ lọ mọ với nhiệm vụ của mình ở khu Bến Lá đến những chiếc cầu bắc qua sông Đồng Nai cho cả đường bộ và đường ray, cái bến đò, bến phà… ai mà biết công việc quân giải phóng! Chú quân giải phóng lấy đêm làm chính, lấy lặn ngụp trong đám lục bình mà đi ngược đi xuôi. Có lúc phải bám vào ghe vào xuồng của dân, bám vào xà lan, con phà… Có lẽ có cả tốp chứ không chỉ mình chú, nhưng làm nhiệm vụ gì thì chỉ riêng quân giải phóng người ta biết, rồi chú lại lần về ém mình trong góc vườn nhà lão Huỳnh. Lão Huỳnh lại vẫn cứ lầm lụi bao che cho chú quân giải phóng trong đêm tối. Cô con gái lão vẫn được lão tin tưởng giao cái việc đưa cơm. Bà Gái thì tuyệt nhiên lão không giao việc gì ở góc vườn nhà. Nhưng bà Gái vẫn cứ thọc mạch qua con Quỳnh về cái chú quân giải phóng ấy. Bà đã nghe con Quỳnh bảo: “ – Cái chú quân giải phóng đó dễ thương lắm nha! Chú biểu quê miền Tây, tận An Giang… chú trẻ thôi à, tầm 25, 26 tuổi…”
 
   Những trận đánh ác liệt ở hướng cửa ngõ Sài Gòn từ phía Đồng Nai những ngày sắp giải phóng rất dữ dội vào phức tạp cả trên bộ, trên sông. Chú quân giải phóng vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện ở khu Bến Lá. Lão Huỳnh và cả nhà lão vẫn bám chắc Bến Lá và chẳng đi đâu. Lão Huỳnh và cô con gái vẫn bí mật che chở cho chú quân giải phóng ở góc vườn.
 
  Nhưng vào những đêm cuối tháng 3, khi lão Huỳnh và cô con gái ra vườn “tiếp tế” cho chú quân giải phóng thì không thấy hình bóng chú ấy đâu… Chú quân giải phóng không để lại dấu vết gì, không câu dặn dò trò chuyện gì với lão Huỳnh. Chẳng biết chú ấy có nói gì với cô con gái lão không?
 
   Những ngày sau 30/4 đầy hừng hực không khí chiến thắng, khu Bến Lá cũng rộn rịch người qua lại. Chừng mươi ngày sau 30/4, lão Huỳnh thẹo và cô con gái, kể cả bà Gái cứ nắc nỏm xem có tin tức gì về chú quân giải phóng kia không. Nhưng vẫn chỉ lặng im, biệt âm vô tín…
 
  Rồi một hôm… lão Huỳnh thẹo bỗng nhớ lại cái ngày con Quỳnh nước mắt lã chã nói với lão là nó có chửa thật… Và lão đã điên tiết mắng mỏ con gái. Con Quỳnh đã vùng vằng rồi một gióng đi ra phía Bến Lá…
 
~*~
 
   Lão Huỳnh thẹo đứng đó, mắt trân trân vào khuôn mặt dịu dàng, tròn trịa, tươi hồng của Kim Ngân. Kim Ngân đứng như trời trồng khi nghe lão Huỳnh thẹo nhắc đi nhắc lại cái tên Quỳnh nào đó mà lão cứ khăng khăng bảo sao con trông giống hệt con Quỳnh nhà lão hồi mới giải phóng…
 
    Kim Ngân bỗng giật mình nhớ lại má của Kim Ngân cũng vô tình mang cái tên Quỳnh – Võ Thu Quỳnh. Người con gái dạt từ Xà Lan về quê An Giang ngày nào, tìm gặp người thân của chú quân giải phóng đã cho cô địa chỉ quê quán. Người con gái trẻ mới có chửa lao vào kiếm sống, xin làm thuê làm mướn cho người nhà của chú quân giải phóng. Gia đình ấy cũng không hề biết cô tên Quỳnh kia từ đâu tới, nhưng họ thương hại người con gái nết na chịu thương chịu khó và kín miệng kia. Rồi thì cũng đến lúc cô Quỳnh sinh nở. Cô đặt tên con là Kim Ngân, mang họ Võ của mình…
 
   Người đàn bà có số phận không may mắn ấy đã phải ra đi khi tuổi vừa ngoài bốn chục sau những ngày tháng lam lũ làm ăn. Trước khi mất ít hôm, người đàn bà đơn côi bên căn nhà lợp lá dừa cạnh bờ con lạch đã nói lại cho con gái Kim Ngân của mình về một nơi xa xôi bên sông Đồng Nai có cái tên Bến Lá…
 
   Kim Ngân đã lặn lội tìm đến Bến Lá đây. Việc gì cũng làm, Kim Ngân chỉ muốn được có mặt ở nơi này như thể muốn để má cô yên lòng nơi chín suối.
 
  Kim Ngân đã mời ông Huỳnh thẹo ngồi vào một bàn nước. Đến lượt Kim Ngân nhìn lão Huỳnh thẹo như thôi miên.
 
  • Ông ơi! – Kim Ngân rớm lệ nhẹ nhàng cất lời – Vô tình má con cũng tên là Quỳnh. Má con biểu, bà ngoại con có cái tên là Gái, người Bến Lá này. Nhưng ông ngoại thì má con không nói gì đến nên con không rõ… Con biết ông là người thổ cư Bến Lá, không chừng giúp con lần tìm ra người thân. Má Quỳnh của con mất rồi. Khi còn sống má con cứ ao ước có ngày nào đó được quay về Bến Lá…
 
                                                  Viết tại TP Biên Hoà T12/2023
                                                                   L.K
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 94
Trong tuần: 621
Lượt truy cập: 446103
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.