Dương Thiên Lý
BÊN BỜ SÔNG MĂNG
Thị Hồng thành đàn bà trên tảng đá bên bờ sông Măng vào một đêm giữa con trăng. Không hấp tấp và từng trải, bác sĩ Hải nhẹ nhàng mặc lại quần áo của mình và cho Thị Hồng rồi lí nhí nhưng giọng rất run sợ: “Ui ui, anh xin lỗi. Xin lỗi Thị Hồng… Anh không ngờ mình lại…. Bây giờ Hồng phạt gì anh cũng chịu, Hồng muốn gì Hải cũng chiều…”. “Bác sĩ Hải không có lỗi vớ… Hồng cho Hải mà. Chỉ có điều… nếu cái nước của bác sĩ Hải làm tổ trong bụng Hồng thì… Thì buộc Hồng phải về nhà nói với Mây deh bắt chồng, cưới bác sĩ Hải…...”. “Cưới anh? Hồng có yêu Hải đâu mà bắt chồng”. “Ai nói Hồng không yêu bác sĩ Hải. Hồng yêu Hải nhất cái này này…”, vừa nói Hồng vừa xoa xoa nốt ruồi son dưới cằm làm Vũ Hải giật mình. Vũ Hải đứng bật dậy với cái mũ cối chạy thoắt xuống sông Măng múc đầy mũ nước đem lên, giọng năn nỉ: “Em gột rửa hết thứ nước tội lỗi của anh đi. Anh cầu xin em đấy…”. Thị Hồng đón mũ nước, ngửa người ra cười khành khạch: “Nước sông Măng có thể gột rửa nhiều thứ dơ bẩn, nhưng thứ nước hạnh phúc, nước tình yêu mà bác sĩ Hải cho Hồng thì không sao gột rửa hết được…”.
***
- Trình đại úy, trạm gác ngoài cổng hiện đang giữ một Cộng quân chiêu hồi, nó khai là bác sĩ.
- Hả, Cộng quân chiêu hồi, là bác sĩ?
- Dạ! Chờ lệnh đại úy.
- Lệnh lọt gì, đưa ngay vào đây.
- Tuân lệnh đại úy.
- À này, thượng sĩ mời luôn đại úy Văn đến đây ngay nữa nha.
- Tuân lệnh đại úy!
Chờ cho tên thượng sĩ lên khỏi, đại úy Trần Hách với tay lấy cây thuốc Ru bi quân tiếp vụ giấu vào đám mùng mền ngổn ngang trên chiếc ghế bố góc hầm chỉ huy. “Đù má, sĩ quan gì bẩn như cẩu, keo như chó, ghiền thuốc vàng kẽ tay mà đến đâu cũng xài ké người khác; Mỗi lần có việc ngồi với thằng này, nó đốt của mình cả gói thuốc…” Vuốt lại mái tóc rẽ ngôi giữa rất điệu đà kiểu cách vốn không hợp với căn hầm dã chiến, đại úy Trần Hách kéo ghế ngồi chờ, sẵn sàng cho cuộc thẩm vấn hàng binh cùng đồng cấp.
- Người này khai là bác sĩ Cộng quân. Trí thức chiêu hồi, tôi và đại úy không đủ thẩm quyền thẩm vấn. Ý đại úy sao? Đại úy Đậu Văn quay qua Trần Hách hỏi, giọng không mấy thân thiện.
- Thì chuyển lên cấp trên…
- Đơn giản thế thôi hả?
- Sáng mai thay quân, ta gửi người này về trển… Thế cho nhẹ nợ!
*** Thực ra, trong lúc chờ đại úy Đậu Văn, Trần Hách đã tranh thủ thẩm vấn người khai là bác sĩ quân Giải phóng ra chiêu hồi. Trần Hách giật mình, móc túi lấy mục kỉnh đeo lên để tăng thị lực. Nhìn có nét gì đó quen quen, nhất là nốt ruồi son to bằng hạt đậu đỏ dưới cằm. Nghe nói giọng Bắc, Trần Hách độp luôn: “Ở ngoài kia, anh người đâu?”. “Báo cáo…”. “Quân lực Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận từ báo cáo. Ở đây, anh có thể xưng tôi, nhưng khi trình báo cấp trên như lúc này, phải thưa gửi đàng hoàng…”. “Dạ vâng ạ. Báo cáo…”. “Đấy, lại báo cáo rồi. Thôi, nói tóm lại, anh người tỉnh nào huyện nào ngoài Bắc Kỳ?” “Dạ, em ở Phát Diệm ạ…”. Trần Hách bật lửa hút thuốc, hỏi lại: “Bùi Chu Phát Diệm á?” “Dạ, vâng, em người Phát Diệm. Dạ, có chuyện gì không ạ?” “À không, không có chuyện gì…”. Nói thì nói vậy chứ trong lòng Trần Hách vừa lóe lên, không phải lóe lên mà một ký ức chợt ùa về. Xếp lại mớ ký ức hỗn độn, Trần Hách hỏi và biết người vừa chiêu hồi đang ngồi đối diện bằng tuổi với mình, tốt nghiệp Đại học Y vào đây phục vụ ở trạm xá dã chiến đã được hai mùa khô.
***
Móc gói Ru bi quân tiếp vụ dúi vào tay thượng sĩ Mùi, đại úy Trần Hách ghé tai nói nhỏ: “Bàn giao gã bác sĩ chiêu hồi xong, thượng sĩ tìm gặp bằng được thượng cấp và đưa trình thư này lên. Làm tốt, về sẽ có thưởng…”. “Dạ! Đại úy yên tâm.”
Suốt đêm qua đại úy Trần Hách ngồi lặng lẽ đốt thuốc và thảo bức thư tay trình cha sĩ quan tuyên úy.
Tay bác sĩ chiêu hồi khai sinh năm Ất Dậu, bằng tuổi, lại đồng hương Phát Diệm, mà nhìn mặt cứ thấy quen quen, nhất là nốt ruồi son dưới cằm. Khi sơ bộ thẩm vấn, Trần Hách tiếc không hỏi kỹ thêm xem Vũ Hải ở tổng nào, xã nào ngoài Phát Diệm… Chả nhẽ tay bác sĩ này con cụ Biện Nha. Dẫu không phải cùng thôn cùng xã thì cũng là đồng hương Phát Diệm với mình… Thôi cứ trình cha tuyên úy để ngài biện liệu.
“Trình cha! Người vừa chiêu hồi về với Quốc gia khai là bác sĩ quân y phục vụ tại trạm xá tiền phương (gần nơi trú quân của tiểu đoàn chúng con), tên là Vũ Hải, sinh năm 1945 (Ất Dậu) quê Phát Diệm. Sơ bộ thẩm vấn thì bác sĩ Vũ Hải đã có vợ ngoài Bắc nhưng vô đây mèo mỡ với một y tá người dân tộc Stieng dẫn đến việc cô ta mang bầu. Gia đình cô y tá muốn bắt Vũ Hải làm rể, làm chồng và có trách nhiệm với đứa trẻ trong bụng con gái mình. Sợ kỷ luật (nghe đâu tội mèo mỡ gái gú trong Cộng quân bị xử nghiêm lắm chứ không nhi nhoe qua quýt như lính Quốc gia mình), sợ bùa ngải của người dân tộc, Vũ Hải chiêu hồi. Có một chi tiết Vũ Hải khai báo con thấy cần trình lên cha tuyên úy. Đó là sau mỗi trận chiến, lính Cộng hòa bị thương dù nặng hay nhẹ bị chúng ta bỏ rơi đều được Cộng quân tiếp nhận cứu chữa. Vũ Hải khai đã nhiều lần trực tiếp băng bó, phẫu thuật nối ruột, vá gan cho lính Cộng hòa nhà mình. Trình cha! Đã hơn một trăm ngày nay tiểu đoàn chúng con tan nát với Cộng quân ở Chơn Thành Bình Long. Bảo rằng rừng sâu núi thẳm thì nó đi một nhẽ, đằng này đồng bằng, chỉ có đồn điền cao su với phu phen và người dân tộc bản địa, Stieng, Khờ me. Ngồi trên trực thăng thị sát trận địa về, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi sư trưởng sư 21 phải thốt lên “Mặt đất Tàu Ô bị bắn phá còn loang lổ ghê gớm hơn cả hình ảnh mặt trăng mà phi hành đoàn Hoa Kỳ chụp được. Tôi không hiểu sao Cộng sản lại sống được ở đó để rồi chặn đứng được tất cả các cuộc tiến công!” Trình cha! Thế trận này Cộng quân đang giành phần thắng, lính Quốc gia đang yếu thế mà tại sao còn có Cộng quân chiêu hồi… Đây là điều con băn khoăn mà trình lên cha để khi thẩm vấn cha dễ bề dự liệu. Còn nữa, nếu trí nhớ không đánh lừa con thì con nhận ra bác sĩ Vũ Hải (người vừa ra chiêu hồi) là con cụ Biện Nha ở xóm trên. Nếu đúng Vũ Hải con cụ Biện Nha thì con có một thỉnh cầu, vì tình nghĩa đồng hương, cha có thể xin cho anh ta về Tổng Y viện Cộng hòa…”.
***
Phòng mạch Nguyễn Thoải trên đường Cộng Hòa mấy hôm nay đóng cửa, treo lủng lẳng tấm biển: “Phòng khám Nguyễn Thoải có việc riêng xin nghỉ đến ngày…. Tháng… Xin lỗi quý khách!”
Phòng mạch tư có việc riêng nghỉ vài ngày, một tuần, nửa tháng, thậm chí hai tháng, đâu có thành vấn đề gì. Người đau ốm không đến đây khám, điều trị thì vô bệnh viện, đến những phòng mạch ở chỗ khác. Thời buổi kinh tế thị trường, bệnh viện có khám, điều trị dịch vụ, có giường, phòng Vip; và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì mọc lên như nấm sau mưa… Vậy nhưng hai ngày nay, nhà nghỉ Thanh An kế bên phòng mạch Nguyễn Thoải có hai người một già một trẻ thuê phòng chịu “chém” gần nửa triệu bạc một ngày đêm (tầng trệt) chỉ với một lý do, chờ bằng được phòng mạch mở lại.
Hai người thuê phòng ở nhà nghỉ Thanh An nghe nói là mẹ con. Người mẹ tóc xoăn, lúc nào cũng nhai trầu, răng đen, môi tím lịm, cụt tay phải đến nách, chân trái không rõ cụt đến đâu, nhưng chắc còn khớp gối nên bước đi vẫn mềm mại chứ không cứng nhắc. Còn anh con trai tuổi chừng mười chín đôi mươi, tóc loăn xoăn, răng trắng muốt nhưng phải cái ốm o.
Cậu bảo vệ nhà nghỉ thấy hoàn cảnh mẹ con người thuê phòng éo le, cũng thương tình mà chưa nghĩ ra giúp đỡ họ bằng cách nào. Nhìn tấm biển hiệu phòng mạch Nguyễn Thoải, như chợt nhớ cái gì đó rất quan trọng, cậu bảo vệ gọi anh con trai thuê phòng lại gần nói nhỏ:
- Phòng mạch Nguyễn Thoải có số điện thoại kìa, cậu thử gọi hỏi xem khi nào mở lại.
- Dạ! Em có điện thoại nhưng chưa đăng ký sim, nhà mạng đang khóa chiều gọi đi…
- Tiếc nhỉ. À, mà này, cậu bảo mẹ vào nói chuyện với cô tiếp tân nhà nghỉ, xin gọi một cuộc cho phòng mạch Nguyễn Thoải…
- Mẹ con em cũng đã tính thế… Nhưng cứ ngài ngại. Hay là em nhờ anh nói với chị tiếp tân giúp mẹ con được không ạ…
- Ừ thôi, để anh thử hỏi giúp mẹ con em.
Cậu bảo vệ nhà nghỉ vào nhỏ to với cô tiếp tân một lúc thì quay ra. Mẹ con cậu thanh niên nhìn cách hai người họ nói chuyện thì đoán chắc việc nhờ cậy đã được già nửa, nhưng vẫn hồi hộp chờ đợi “đặc ân”.
- Cô Thúy đã đồng ý cho gọi một cuộc, nhưng cổ bảo, muốn nói gì hỏi gì thì ghi ra giấy rồi cô sẽ hỏi giúp vì ca mê ra ghi được người lạ, khách nghỉ dùng điện thoại phòng tiếp tân thì rách việc…
Hai mẹ con cậu thanh niên thuê phòng ngẩn ngơ ra một lúc. Người mẹ lắc lư ống tay áo cụt rồi gật gật đầu bảo con trai lên phòng đem xuống cây viết và cuốn sổ khám bệnh. Thấy họ định xé cuốn sổ khám bệnh làm giấy viết, cô tiếp tân bỏ chỗ ngồi chạy nhanh ra tay cầm tờ giấy A4 còn mới đưa cho cậu thanh niên.
- Đừng xé sổ khám bệnh, giấy đây. Viết lẹ lên, nói gì, hỏi gì cứ ghi ra đây, tôi giúp.
Người mẹ nhả miếng bã trầu cẩn thận cho vô thùng rác góc cầu thang, dùng bàn tay còn lại nắm tay “ân nhân” lắc lấy lắc để, miệng lẩm bẩm:
- Cô cảm ơn thanh niên… Rồi quay qua con trai:
- Hiển, mẹ đọc con ghi nè…
- Dạ!
Đưa tờ giấy ghi nội dung hỏi phòng mạch với hy vọng là mười thì lúc cô tiếp tân ngán ngẩm ra thông báo kết quả mẹ con người thuê phòng nhà nghỉ thất vọng tăng gấp đôi:
- Lúc bắt máy, biết số gọi đến là nhà nghỉ, bác Thoải hỏi cuống lên sợ phòng mạch có chuyện gì bất trắc. Nhưng khi nghe có người hỏi bác sĩ Vũ Hải thì bác Thoải thờ ơ ngay tắp lự. Cuối cùng bác Thoải thông báo cụt lủn: “Bác sĩ Vũ Hải về quê giải quyết chuyện gia đình, cuối tháng mới vô….”
- …
Nhìn đồng hồ tay, cậu bảo vệ kéo cậu thanh niên lại góc cầu thang nói nhỏ:
- Em động viên mẹ, đầu tháng sau lên đây chắc chắn sẽ gặp được người cần gặp. Bác sĩ Vũ Hải làm cho phòng mạch này từ ngày đầu mới mở. Thi thoảng có khách bên kia về bác í vẫn đưa đến đây nghỉ nên anh biết bác Hải là người tốt.
- Dạ! Mẹ con em biết bác sĩ Vũ Hải là người tốt, giỏi chuyên môn và đối đãi với người bệnh đến đây khám điều trị rất tốt ạ.
- Sao chưa đến đây bao giờ mà mẹ con em biết rõ về bác sĩ Hải thế… Cậu bảo vệ nhà nghỉ nói với cậu thanh niên mà như đang tâm sự với chính mình, bởi những nhận định, đánh giá về người bác sĩ làm công cho phòng mạch Nguyễn Thoải, láng giềng hoàn toàn đúng; thậm chí ngoài đời có thể còn tốt hơn thế nữa.
Thấy con trai đứng nói chuyện với cậu bảo vệ nhà nghỉ người mẹ có vẻ sốt ruột, tập tễnh đi lại góp chuyện:
- Sở dĩ mẹ con cô ăn chực nằm chờ ở đây hai ngày nay cũng vì biết bác sĩ Vũ Hải giỏi chuyên môn lại có tấm lòng y đức…
- Nhưng… Con hỏi thật, mẹ con cô chưa đến đây, chưa khám, chữa bệnh ở đây…
- À, chuyện là thế này, đồng nghiệp cô, hàng xóm nhà cô, bác Hùng í, bác Hùng đã đến khám và điều trị ở đây rồi về mách. Thôi thì mình có bệnh, ai chỉ đâu thì biết đó. May ra, gặp thầy gặp thuốc, con trai cô mạnh giỏi như người ta thì phúc đức lắm.
Cô tiếp tân bận mải với khách người trả phòng người nhận phòng nhưng nãy giờ vẫn hóng chuyện, nhân lúc vắng, ra góp thêm:
- Cháu tưởng cô là thương binh thì vô bệnh viện Nhà nước mà khám, điều trị chứ…
- Ầy à… Người mẹ chậm rãi nhả bã trầu, tập tễnh đến thùng rác chân cầu thang bỏ vào nói giọng thật thà – Cô và em đều được chế độ hưởng Bảo hiểm Y tế 100%. Nhưng em nó đây lại…
Người mẹ đang nói chợt ngừng hẳn khi thấy con trai nháy mắt, đưa ngón tay lên miệng, một tín hiệu im lặng.
Chưa đến thời hạn trả phòng, mẹ con người thuê trọ ở nhà nghỉ được cô tiếp tân trả tiền tắc xi chở hai người ra bến xe Miền Đông.
- Cô cảm ơn hai thanh niên, các cháu tốt quá, chu đáo quá… Đầu tháng mẹ con cô lại lên và chắc chắn còn nhờ sự giúp đỡ của các cháu…
- Nếu không nghe cô í nói mẹ con là người Stieng thì chẳng ai biết, ngoài việc cô í ăn trầu, nhỉ.
- Em biết ngay bữa trước rồi nha. Bữa trước lúc vô thuê phòng, hai mẹ con họ nói với nhau. Mà, bây giờ, người dân tộc có khi còn sành điệu bằng mấy người Kinh chúng mình…
***
Ngồi phòng trong, Vũ Hải bỏ kính, dụi mắt nhìn hai người khách đang lúng túng xếp mấy giỏ xách lỉnh kỉnh những sầu riêng, bòong boong, dưa hấu.
- Con đã nói mẹ rồi, mang chi cho nhiều…
- Ừa, thì mẹ tính đem cây nhà lá vườn lên biếu mỗi người một chút ăn lấy thảo. Cái món sầu riêng này, bố con ở với mẹ trong rừng ngày chiến tranh cứ ước được một lần ăn thử…
- Mẹ cứ nói chuyện ngày xưa… Mà… liệu bố con, ông bác sĩ có nhận…
- Mẹ tin bố con sẽ nhận mẹ con mình! Bằng linh cảm người phụ nữ, mẹ tin chắc bố con sẽ nhận mẹ con mình.
Thực tình, vừa thấy mẹ con người phụ nữ vào, Vũ Hải đã muốn chạy ngay ra ôm chầm lấy họ. Khuôn mặt kia, ánh mắt kia, một bản sao không thể nào lẫn được…
- Thưa… bác và anh đến khám chi ạ?
- Em đây xin khám tổng quát, còn cô đến xin gặp bác sĩ Vũ Hải.
- Dạ! Khám tổng quát thì cũng phòng bác sĩ Vũ Hải đầu tiên. Bác đưa anh vô đi… Dạ, bác và anh cứ mang dép vô được ạ. Cô gái làm phòng “Tiếp nhận hồ sơ ban đầu” ở phòng mạch nhỏ nhẹ khi thấy người phụ nữ lúng lúng tháo dép chân trái.
Vị bác sĩ ngồi sau bàn máy vi tính vừa bỏ cái khẩu trang y tế ra thì người phụ nữ nhả vội miếng bã trầu nắm khư khư trong bàn tay phải còn lại rồi khuỵu xuống, miệng ú ớ ú ớ không ra khóc cũng không ra mếu làm anh con trai vội giang tay đỡ mẹ rồi đưa mắt cầu cứu vị bác sĩ.
Im lặng. Im lặng ghê sợ. Chỉ nghe tiếng tít tít rất nhỏ phát ra từ bàn máy vi tính phòng khám bác sĩ Vũ Hải.
***
9 giờ sáng. Họ ngồi đối diện nhau qua một cái bàn nhỏ. Cậu thanh niên tế nhị bê trái dừa xiêm sang bàn góc quán cà phê vắng khách. Giờ này quán cà phê nào ở đây cũng vắng vẻ.
- Anh Hải có nhớ đồng chí Hùng anh nuôi trạm xá ngày đó không?
- Hùng, anh nuôi ở trạm xá bên bờ sông Măng?
- Dạ, anh Hùng đó đó…
- …
- Mấy tháng trước, anh Hùng xuống đây khám, chữa căn bệnh quái ác không thở được về khẳng định với Hồng bác sĩ Vũ Hải ở phòng mạch Nguyễn Thoải và bác sĩ Vũ Hải ở trạm xá tiền phương sông Măng là một người.
- …
- Tháng rồi, anh về quê… Có chuyện chi không à?
- …
- Ngoài quê ông bà bố mẹ khỏe không. Chị…
- Buồn lắm Hồng ạ. Ngày ấy, giấy đánh về, tin ra đến quê quật ngã cả hai bố mẹ anh. Hai cụ cũng đã yếu sẵn rồi, giờ mang thêm cái tội với quê hương dòng tộc có con chiêu hồi phản lại Tổ quốc thì các cụ sao mà sống nổi…
- Thế còn…?
- Một tháng chịu hai cái tang bố mẹ chồng… Lại mang tiếng vợ một tên phản bội, có dẫu sắt đá cũng gục ngã, Huệ nghĩ quẩn, lần ra sông. Cũng may mùa cạn, lại gặp vợ chồng thuyền chài tốt bụng cứu giúp kịp thời. Sau cái đận đó, Huệ bỏ công tác rồi lên miền ngược với cô em gái…
- Thế bây giờ…
- Tháng trước Huệ nhắn qua bác Nguyễn Thoải gọi anh về giải quyết…
- Giải quyết chuyện gì, anh Hải?
- Cũng chẳng có gì phức tạp, cơ ngơi ngoài đó giờ chỉ còn sào đất ở, anh ký giấy cho Huệ muốn làm gì thì làm. Anh còn mặt mũi nào về ngôi nhà, mảnh đất ông cha đó nữa. Ngày anh bỏ trạm xá đi, gặp được người đồng hương, tuy không máu mủ ruột rà nhưng cùng làng cùng xã nên ít nhiều được nhờ vả. Anh Trần Hách nhờ vả cạy cục lo cho anh vào làm việc ở Y viện Cộng Hòa… Âu cũng là số kiếp. Ngày 30/4, thay vì di tản theo anh Hách, cha tuyên úy Thuấn, anh quyết định ở lại. Quân Giải phóng vào tiếp quản Y viện Cộng Hòa, anh là một trong những y bác sĩ ở đó được cho tiếp tục làm công việc chuyên môn của mình. Lại là cơ duyên, một sĩ quan quân Giải phóng bị thương nhận ra anh… Sau giải phóng, anh đi cải tạo mấy năm rồi lang bạt kỳ hồ đến khi nhận lời làm công cho bác Nguyễn Thoải, người cùng làng. Và giờ bằng xương bằng thịt ngồi trước mặt em đây…
- …
- Thế còn chuyện của Hồng, ngày đó…
- Hồng sinh thằng Hiển khi chỉ còn một tay, một chân cụt đến bắp vế. Tháng 6/1972 gia đình Hồng bị bom, bố mẹ, anh em nhà Hồng về Mường Trời bữa đó. Sau giải phóng, Hồng vừa nuôi con vừa làm trạm trưởng trạm y tế xã, mới nghỉ hưu mấy tháng nay… Bây giờ em quyết thế này, anh xin nghỉ việc ở đây, theo mẹ con em về sông Măng. Thị Hà, bác sĩ trạm xá xã ta nghỉ sinh em bé, mà có thể cổ xin chuyển lên chỗ chồng công tác ở đồn Biên phòng. Về đó, anh vẫn được làm chuyên môn mà, chỉ có điều, trước đây anh là chỉ huy của Hồng, giờ Hồng là lãnh đạo của anh, thế thôi.
- Ồ! Hồng vẫn theo lệ bắt chồng à?
- Con trai đã hai mươi tuổi bố mới phải đi làm rể, bác sĩ Hải còn không không chịu ư…
D.T.L