Đỗ Ngọc Yên
BÀI THƠ TẶNG BẠN
“Trời đã cho đến tuổi chúng mình
Chẳng có gì trên đời là lạ nữa
Mắt ta nhìn bằng cái nhìn bóc vỏ
Đọc hết thương yêu, đọc hết lọc lừa
Tuổi chúng mình cái tuổi vô vi
Bất thình lình bùng lên như lửa
Ấy là phút trời xanh kia rạn vỡ
Dại khờ chi không cháy hết mình
Trời chẳng thể lừa ta cái lẽ tử sinh
Đã dám sống thì không thể chết
Ta xin lấy trái tim này đặt cọc
Đổi cho đời lấy một phts thăng hoa.”
NGUYỄN QUANG HÀ
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
Thơ tặng bạn mà không tặng một người nào cụ thể, thì hẳn là tặng bạn thơ. Tặng bạn đấy mà cũng là tặng mình đấy. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được điều đó khi lần đầu chót dan díu với thơ. Lối này trong cổ thi phương Đông được gọi là tự bạch, cảm hoài. Dù nói về cảnh hay về tình, về mình hay về người thì âm hưởng của bài thơ vẫn toát lên một điều gì đó vừa chung cho tất cả, mà như chỉ cho riêng mình. BÀI THƠ TẶNG BẠN của Nguyễn Quang Hà cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.
Đề tài, ngôn ngữ và tứ thơ cũng là chuyện con người, chuyện cuộc đời muôn thuở vậy thôi. Nhưng đạt được ý thơ mới và sâu thì nào đâu có dễ. Phải là những người từng nếm trải đủ mọi dư vị của cuộc đời hoặc có lòng thành trắc ẩn, muốn sẻ chia cùng tri âm, tri kỷ, nhưng lại không thể nói ra một cách dễ dàng và thường nhật, thì đành mượn thơ mà nói vậy. Người đọc chỉ có thể cảm nhận được âm hưởng chung của cả bài thơ, chứ không thể bằng những thước đo duy lý mà cắt nghĩa ngọn ngành từng câu từng chữ. Bởi lẽ thể thơ này ý tưởng thường nằm ngoài và vượt lên trên những con chữ hữu hình. Chính nó đã đẩy lùi cái vỏ vật chất của cảm xúc và tư duy - ngôn ngữ - về phía sau, thuộc bình diện thứ hai của cấu trúc thơ. Hay nói đúng hơn ngôn ngữ ở đây chỉ còn là những cái móc hữu hình treo những linh nghiệm cá nhân vô hình về lẽ đời và lòng người.
Thế nhưng cũng nhờ những con chữ ấy mà người đọc mới có thể đón nhận được những thông điệp vô ngôn từ phía chủ thể sáng tạo. Và đến lúc bắt gặp sự loé sáng của mạch thơ thì cũng chính là lúc khiến ta phải đắm mình trong suy ngẫm về những điều thực hư, mà trước đây còn mãi nặng nợ với áo cơm và công danh chưa một lần nghĩ tới:
“Mắt ta nhìn bằng cái nhìn bóc vỏ
Đọc hết yêu thương, đọc hết lọc lừa”
Chỉ khi ở vào cái tuổi vô vi rồi, tức là đã lội qua chín nguồn sông, trèo qua mười ngọn núi và có thể nhìn thấu tận lòng người, thì ta mới chợt nhận ra rằng túi áo giá cơm hay công danh phú quí cũng chỉ là những chuyện phù du của kiếp người mà thôi.
Nhưng vốn dĩ con người luôn tự mâu thuẫn với chính mình. Và đặc tính đó càng thể hiện rõ ở các nghệ sỹ. Đã ý thức được rằng mình ở vào cái tuổi vô vi, tức là không bận tâm đến điều gì nữa, vậy mà vẫn giật mình rồi bỗng bùng lên như ngọn lửa gặp cơn gió thuận chiều. Trong cơn thảng thốt ấy thi sỹ chợt phát hiện ra trời xanh trên đầu mình đang rạn vỡ, hay đúng hơn là chỉ đến lúc ấy thì nhà thơ mới như một người lính tiên phong xung trận. Anh ta sẵn sàng thiêu cháy mình đi cho một hoài bão mới:
“Ấy là lúc trời xanh kia rạn vỡ
Dại khờ chi không cháy hết mình”
Thông thường thì đến một độ tuổi nào đó người ta dễ tự bằng lòng với những gì mình đã có. Nhưng với nhà thơ thì không phải như vậy. Ngay cả khi họ cùng hơi kiệt sức thì ham muốn sáng tạo vẫn là cái mà họ không thể từ bỏ được. Nó dựng họ dậy, bắt phải sống và phải viết. Chính điều đó đã biến họ thành những người trẻ mãi không già. Cái khác giữa nhà thơ và những người bình thường chính là ở chỗ bao giờ nhà thơ cũng luôn nhìn về phía trước, luôn hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Phải chăng đấy là mạch suối ngầm bất tận đem đến cho họ nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ vơi cạn?
Hoá ra cái tuổi vô vi chỉ là một thước đo thế tục. Còn nhu cầu và cảm hứng sáng tạo mới là thước đo đích thực đối với nhà thơ. Đã ở vào cái tuổi hiểu hết ngọn nguồn lạch sông rồi mà nhà thơ vẫn không thể nào lãng quên thiên sứ của mình là sáng tạo. Và nếu vì nhu cầu sáng tạo thì anh ta sẵn sàng đem cả trái tim mình ra đặt cược, hay nói đúng hơn là đổi cả mạng sống của mình cho sự thăng hoa nghệ thuật.
“Ta xin lấy trái tim này đặt cọc
Đổi cho đời lấy một phút thăng hoa”
Với 12 câu trong BÀI THƠ TẶNG BẠN, Nguyễn Quang Hà đã tiến gần đến chân lý giản đơn là thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung, không hề có tuổi và cũng vì thế mà nó trở nên bất tử trước mọi thử thách của thời gian, cũng như phong ba bão táp của cuộc đời. Liệu đấy có phải là điều mà Nguyễn Quang Hà muốn nhắn gửi và sẻ chia cùng thi hữu./.
Đ.N.Y