Cầm Sơn
VỀ BÀI THƠ “ĐỢI” CỦA NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG
Khoảng những năm trước, sau 2010 không nhớ rõ năm nào vì đã lâu, tôi được Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ - Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng gọi ra gặp gỡ giao lưu với nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà thơ Bằng Việt ở Trường Đại học Dự bị Trung ương ngoài Việt Trì. Hôm ấy chúng tôi được nhà thơ Vũ Quần Phương cho nghe câu chuyện bếp núc về bài thơ “Đợi”. Ông kể:
Nhà thơ Thanh Tịnh vào năm 1951 ra Việt Bắc dự một cuộc họp của giới Văn nghệ nhưng sau cuộc họp ông được giữ lại làm việc ở cơ quan Trung ương. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông về quê thì người vợ ông đã là vợ một viên Đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa chế độ cũ. Vậy là ông chỉ còn làm được một động tác là ký vào một tờ giấy bảo lãnh cho chồng mới của vợ cũ được tại ngoại không phải đi vào trại tập trung rồi lại khoác ba lô ra miền Bắc công tác. Nhà thơ Thanh Tịnh đã ở độc thân trong một căn phòng tập thể của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến cuối đời. Bạn bè văn chương đã từng có những câu đối đặt ra về nhà thơ Thanh Tịnh như sau: vế đối: “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ. Nhiều nhà thế sao không nhà ở” vế đối này khó chưa ai có thể đối cho hoàn chỉnh. Có một câu tàm tạm được coi ổn một chút là: “Cửa đi, cửa sổ, cửa tủ, cửa bàn. Lắm cửa nhưng vẫn thiếu cửa đời”. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Đứng một ngày trên cầu thì trông xung quanh trở thành quen thuộc hết còn nhà thơ Thanh Tịnh có người bạn quen thân cả đời bỗng dưng trở thành người lạ”
Nhân chuyện trên nhà thơ Vũ Quần Phương viết bài thơ “Đợi” là để tặng cho nhà thơ Thanh Tịnh.
ĐỢI
Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.
V.Q.P
Sau này nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc bài thơ thì có đổi cụm từ “Anh đứng trên cầu đợi em” thành “Em đứng trên cầu đợi anh” để phổ cập hóa bài thơ cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, người phụ nữ đợi người yêu ra trận.
C.S
(C.S)
Người gửi / điện thoại