Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BẰNG GIANG

Bằng Giang
 
MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ PHẦN VĂN XUÔI
TRONG TÁC PHẨM TUYỂN CHỌN, TẬP IV
 
   Phần văn xuôi Tuyển tập IV có 15 tác giả gửi tác phẩm, trong đó phê bình tiểu luận có Đào Ngọc Chung giới thiệu tập thơ “Thu xanh” của Kim Sinh; Đăng Bảy giới thiệu tập truyện ngắn “Là anh” của Phạm Minh Tân; Nguyễn Thị Thiện bình bài thơ “Đôi bạn” của Nguyễn Thị Hạnh Mai.
Văn xuôi (ký sự và truyện ngắn): Đắc Hữu với ký sự “Hành sự vạn lý lộ”; Thế Đức với truyện ngắn "Miền đất hứa"; Hồng Huyên "Hạnh phúc người lái đò"; Cầm Sơn "Hoa đỗ quyên màu đỏ"; Trịnh Văn Túc "Khoảng cách"; Trần Hồng Tiến "Sắp ngày cưới con"; Trần Phúc Dương "Sương gió dặm trường"; Nguyễn Minh Thắng "Tình yêu không có tuổi"; Bằng Giang "Ngày về"; Lê Tự "Cô Thơm".
screenshot_488

       Phần phê bình tiểu luận, mặc dù số bài không nhiều nhưng mỗi tác giả là một phong cách. Mỗi người một góc nhìn, một cảm nhận khác nhau nhưng đều có cái nhìn tổng thể, tìm ra cái hay, phần ý nghĩa của mỗi sáng tác và quan trọng là, lời bình đã khiến cho độc giả muốn tìm ngay tác phẩm để đọc. 
        Nguyễn Thị Thiện đầy nữ tính, gần gũi, giọng bình, lối bình riêng, mềm mại. Bài thơ Đôi bạn của nhà thơ Hạnh Mai là tác phẩm đặc sắc, tứ thơ độc đáo, được nhìn dưới nhãn quan của Nguyễn Thị Thiện, càng hấp dẫn và thấy rõ hơn giá trị nhân văn của tác phẩm. Đặc biệt là việc lựa chọn tác phẩm để bình của Nguyễn Thị Thiện rất tinh, thể hiện một người chịu đọc, chọn lọc, tích trữ tư liệu và vốn văn chương phong phú.
        Đăng Bảy thể hiện là một người sắc sảo, chỉ chưa đầy 1200 từ nhưng bài bình - giới thiệu về tập truyện ngắn “Là anh” của Phạm Minh Tân rất sắc, đọc bài bình là độc giả muốn tìm tác phẩm để đọc.
       Đào Ngọc Chung giới thiệu tập thơ "Thu xanh" của tác giả Kim Sim, với tiêu đề “Một hồn thơ thanh khiết, thánh thiện trong “Thu xanh". Người bình đã chọn được điểm tựa, chỗ đứng chắc chắn, để từ đó chiêm nghiệm 72 bài thơ trong tập; phân tích, mổ xẻ "bệnh viện tâm hồn" chuyên chữa lành vết thương trong tim, mà người khám bệnh, chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc có tên "Nghị lực" và "Niềm tin" chính là tác giả - một bệnh nhân ung thư ngày mỗi ngày đấu tranh giành giật từng phút giây để sống, nhưng ca từ ấm áp yêu thương, tràn đầy năng lượng…
Đây là một bài bình sâu sắc, kỹ lưỡng, giọng bình dạt dào thi cảm.
 
Phần văn xuôi: Hồng Huyên là gương mặt mới của tuyển tập. Truyện của chị giống như một lời tự sự về tình yêu; và nghĩ thế nào, chị bộc bạch luôn như vậy, cho nên có những đoạn văn không được sắp xếp, ngôn từ không chau chuốt, đôi khi kể lể, lặp lại ý, lặp lại câu từ.
  Truyện về đề tài hậu chiến tranh, kể về một người lính từng có giấy báo tử, người vợ sau nhiều năm đằng đẵng chờ đợi, rồi cũng tìm hạnh phúc với người đàn ông khác. Người cựu binh vừa là thương binh nặng, vừa là nạn nhân chất độc da cam trở về, mang theo nỗi buồn chiến tranh, đã lấy việc chèo đò đưa học sinh qua lại ở bến sông quê làm niềm vui. Trong một lần về thăm quê, người vợ cũ tình cờ nhận ra chồng mình khi được anh đưa sang sông, từ đó, tình yêu lẫn tình thương trong lòng chị trỗi dậy, khiến chị trăn trở, day dứt bởi ý thức mình đã phản bội, đã có hạnh phúc riêng với chồng con, nên muốn gặp mà không thể gặp. Và chị đã ngấm ngầm giúp đỡ anh. Khi chồng mất, được các con ủng hộ, chị trở về với anh như một duyên phận cuộc đời… Kết truyện có hậu, nhân văn, cho người ta cảm giác ấm áp, mãn nguyện.
 Cũng là truyện về đề tài hậu chiến tranh, truyện Cô Thơm của Lê Tự cuốn hút người đọc ngay từ đầu ở chất giọng nửa bỡn cợt, nửa bí hiểm trong lối dẫn chuyện. Văn phong có lúc phóng túng, đẩy đưa, cuốn hút người đọc vào câu chuyện; có lúc dừng lại cật vấn, khiến người ta hoài nghi, thăm dò, hướng vào câu chuyện theo kiểu gợi, đọc gần hết truyện mới biết nguyên nhân vì sao cậu khg lấy vợ. Đó là vì chiến tranh đã làm tổn thương cơ thể và triệt tiêu hạnh phúc của người đàn ông. Một thương binh giấu trong lòng nỗi đau khổ bằng vỏ bọc của sự bất cần bên ngoài, rồi có lúc bật khóc: "Lúc này, nước mắt của người đàn ông mới chảy, "đôi mắt đỏ sọng, mồm há hốc, khg phát thành lời, nước mắt nhòa hết mặt. Cậu đau đớn bên trong, hình như có một chùm gai bồ kết đang kéo trong tim gan phèo phổi... Đàn ông khóc thấy kinh thật”. Văn phong đó của Lê Tự, tưởng là dửng dưng, nhưng lại là cách mà anh lấy đi nước mắt và sự đồng cảm của người đọc. Tuy nhiên, ngôn ngữ đời thường, đôi khi trần trụi, nhất là cách anh nhấn đi nhấn lại nhiều chi tiết nhạy cảm với giọng điệu bỡn cợt, mai mỉa…  đối với nhân vật Hưởng, một người cậu ruột là thương binh nặng, mang nặng nỗi đau chiến tranh, có lúc chưa phù hợp…
       Nếu trong Tuyển II, Thế Đức có truyện ngắn lịch sử (dựng bối cảnh lịch sử thời Nguyễn - Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh…), thì lần này, “Miền đất hứa” của anh về đề tài rất đời thường, thời sự và hấp dẫn: Một tụ điểm chờ việc ở thành phố nhưng đúng nghĩa là chợ người, với những mối quan hệ chủ - tớ; vợ chồng - người làm thuê - người tìm việc… tất cả vì mưu sinh, cùng tìm đến. Những ông chủ như lão Thới, lão Ước làm mưa làm gió ở chợ, bản chất bóc lột, lưu manh, đê tiện… một bên là những người lao động nghèo nhưng nhân cách trong sạch, không bị đồng tiền làm mờ nhân phẩm. Điển hình là  vợ chồng Nụ - Thi, mang theo hy  vọng ra thành phố  kiếm tiền nuôi con ăn học, nhưng rồi cả hai, sau những chuỗi ngày tủi khổ, chịu đựng, đã may mắn thoát khỏi chợ người giữ trọn phẩm hạnh trở về quê…
       Truyện ký "Sương gió dặm trường" của Trần Phúc Dương, tác phẩm đạt giải Nhì trong cuộc thi viết về đề tài phòng chống tội phạm ma túy do Bộ công an, là truyện dày dặn, hấp dẫn cho thấy sự cuộc chiến gay cấn, phức tạp, cần lòng dũng cảm, mưu lược trong cuộc chiến chống tội phạm của các chiến sỹ công an.        
       Truyện ngắn “Sắp ngày cưới con” của Trần Hồng Tiến là câu chuyện đầy nhân văn, chứa chan tình cảm của bậc sinh thành chăm lo cho hạnh phúc lứa đôi của con cái mình. Truyện hay ở bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ dung dị, văn phong mạch lạc, thể hiện tư duy sắc sảo, thật khâm phục nhà thơ nhà văn Trần Hồng Tiến khi ông đã ở tuổi ngoài chín mươi. 
       Trịnh Văn Túc lôi cuốn người đọc ở cốt truyện với nhiều tình tiết bất ngờ. Truyện ngắn “Khoảng cách”, dù tác giả đã giới thiệu viết theo lời kể của một cựu chiến binh về một người thực – trung tá Vũ Bầu, nhưng bố cục, cách dựng truyện logic, hấp dẫn.
      Tình yêu không tuổi của nhà văn Nguyễn Minh Thắng, khôi hài nhưng thâm thúy, sâu cay. Một ông cố ngoài tám mươi, găp buổi trời se duyên, mặc sự dèm pha, chê cười đã hỏi cưới cô gái đã có bầu trước, kém cố đến sáu mươi tuổi… Văn phong, ngữ điệu, câu thoại rất hóm hỉnh, bố cục chặt chẽ, tư duy vẫn sắc sảo của một cây bút lão làng.
       Nhà văn Cầm Sơn thể hiện sự già dặn của mình trong “Hoa đỗ quyên màu đỏ”. Một chuyện tình trong sáng và lãng mạn của chàng trai người dân tộc Mường với cô gái Dao kết thúc bằng sự quyên sinh để bảo vệ tình yêu của mình trước kẻ thù. Nhưng người đọc không thấy ở đây sự bi quan, bế tắc, mà cảm nhận được sự hy sinh cao cả và huyền diệu của đôi trai gái… Đây là truyện về đề tài lịch sử, hấp dẫn…
   Có thể nói, cùng với phần thơ dày dặn, phần văn xuôi trong Tuyển chọn IV có đủ truyện ngắn, bút ký, phê bình văn học, mang đến sự phong phú thể tài, đa dạng phong cách, tạo nên một Tuyển chọn không kém phần hấp dẫn so với ba tập tuyển chọn trước. Chứng tỏ, các nhà văn, nhà thơ giàu năng lượng để sáng tạo, tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm giá trị./.
                                                                                        B.G

      
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 157
Trong tuần: 679
Lượt truy cập: 439788
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.