Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

BÀ ĐEN - MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP

Cầm Sơn
 
BÀ ĐEN – MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP
 
  Thứ bảy - Ngày 22 tháng 03 năm 2025, một số du khách ghép gồm 25 thành viên là người từ nhiều vùng miền Tổ quốc tập hợp thành một đoàn do Công ty Du lịch Bình Minh hướng dẫn đi tham quan du lịch lên núi Bà Đen thuộc Tây Ninh.
    Đoàn xuất phát hồi 6h20p từ trụ sở Công ty Du lịch Bình Minh có địa chỉ tại 156 đường Lê Lai, phường Bến Thành quận 1 thành phố Hồ Chí Minh trên chiếc xe mang biển số 50F.012.64 do bác tài Phan Quang Thái điều khiển dưới sự điều hành, chỉ dẫn của hướng dẫn viên Nguyễn Tiến Dũng.
   Xe chạy theo hướng Quốc lộ số 22 qua huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi thuộc thành phố Hồ Chí Minh thì đến Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh. Xe dừng cho đoàn xuống ăn sáng thưởng thức món bánh canh, bánh tráng đặc sản của tỉnh Tây Ninh tại Nhà hàng Hoàng Minh II.
  Nhắc đến Tây Ninh, không thể không kể đến hai đặc sản trứ danh của vùng đất Trảng Bàng: bánh canh và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Bánh canh Trảng Bàng là một món ăn tinh túy với sợi bánh làm từ bột gạo, dẻo dai nhưng không bở, khác hẳn với bánh canh bột lọc của miền Trung. Nước dùng được ninh từ xương heo, trong veo nhưng đậm đà, béo ngậy mà không ngấy. Món ăn này thường được ăn kèm với thịt heo luộc, chả, hành phi, và rau sống tươi ngon.
Đặc biệt, rau sống ăn kèm bánh canh Trảng Bàng rất đa dạng, gồm nhiều loại rau thơm, rau rừng đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh, góp phần làm tăng hương vị của món ăn.
  Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng nổi tiếng nhờ phương pháp làm thủ công độc đáo. Bánh được nướng sơ trên lửa than rồi đem phơi sương vào ban đêm, giúp bánh có độ mềm dẻo tự nhiên. Khi ăn, bánh không cần nhúng nước mà vẫn dẻo dai, dễ cuốn.
   Món bánh tráng này thường được dùng để cuốn với thịt luộc, rau sống và chấm nước mắm chua ngọt, tạo nên hương vị hài hòa, thơm ngon khó cưỡng.
   Bánh canh và bánh tráng Trảng Bàng không chỉ là niềm tự hào của người dân Tây Ninh mà còn là những món đặc sản níu chân du khách khi ghé thăm vùng đất này.
     Sau khi ăn sáng, đoàn lên xe tiếp tục nhằm hướng thành phố Tây Ninh, xe đưa đoàn đến chân núi Bà Đen hồi 10h00. Trước khi lên cáp treo, các thành viên đoàn từng tốp, từng gia đình tranh thủ ghi hình tại khu vực bãi đón tiếp của Khu du lịch và chụp ảnh lưu niệm cả đoàn trước cổng nhà ga cáp treo.
  Núi Bà Đen thuộc địa phận xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 11km về phía Đông Bắc. Với độ cao lên đến 986m, ngọn núi này được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ”. Khu du lịch Núi Bà Đen nằm trên núi Bà Đen. Nơi đây được du khách yêu thích bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hữu tình. Khu du lịch còn hấp dẫn du khách bởi một không gian văn hóa tâm linh, quần thể kiến trúc chùa chiền, miếu điện và quần thể hang động độc đáo. Tất cả trải từ chân núi, lên sườn núi và đến tận đỉnh núi.
   Từ ga đi cáp treo sẽ có hai luồng di chuyển lên núi Bà Đen - một luồng di chuyển lên khu vực chùa Bà, một luồng di chuyển lên đỉnh núi. Đoàn chia thành hai nhóm, một nhóm lên thẳng đỉnh núi có hướng dẫn viên Nguyễn Tiến Dũng cùng đi, nhóm còn lại trong đó có vợ chồng tôi vì là số ít nên phải đi tự tìm hiểu theo hướng lên chùa rồi mới lại tiếp tục lên cáp treo đi lên đỉnh núi. Tại khu vực chùa Bà có 5 điểm thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát - biểu tượng tâm linh tại Nam bộ, chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân Nam bộ gửi gắm ước nguyện về sức khỏe, tài lộc, sự may mắn. Hệ thống chùa gồm: chùa Long Châu Phước Trung, Linh Sơn Tiên Thạch Tự với điện Bà kế bên, chùa Hòa Đồng, chùa Hang và chùa Quan Âm. Tại đây, chúng tôi chỉ có thời gian chiêm bái Linh Sơn Tiên Thạch Tự - được biết là ngôi chùa cổ nhất tại núi Bà Đen với tuổi đời 300 năm. Trước sân chùa là tượng Phật Bà Quan Âm khoác áo trắng, tay cầm bình nước cam lộ. Ngay bên cạnh chùa là điện Bà được dựng lên từ một mái hang đá, chính điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu mặt đen. Cũng ngay trước khuôn viên chùa là đại hồng chung, nơi rất nhiều người dân chọn ngồi dưới chuông để tĩnh tâm, nghe tiếng chuông và nguyện cầu giữa không gian thanh tịnh của chùa. Sau khi chiêm bái nhanh tại khu vực Chùa Bà, chúng tôi lại lên cáp treo để di chuyển lên đỉnh núi.
  Giữa không gian rộng lớn của đỉnh núi mây phủ, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á hiện lên uy nghi với khuôn mặt hiền từ, tay trái cầm bình cam lộ biểu trưng cho sự ban phát phước lành, tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn, tượng trưng cho sự phù hộ độ trì cho chúng sinh. Bức tượng được đúc từ 170 tấn đồng đỏ cao 72 mét.
  Ban công “săn” mây với cột mốc 986m điểm check-in cực hot. Công trình này được thiết kế dạng chiếc mâm hình tròn với cột mốc 986m ở chính giữa. Đây là địa điểm “săn” mây, ngắm cảnh, đón bình minh hay ngắm hoàng hôn vô cùng lý tưởng.
  Từ quảng trường rộng lớn, ta có thể phóng tầm mắt nhìn ra toàn cảnh đồng bằng trù phú ẩn hiện giữa biển mây. Cũng từ đây, tâm hồn ta sẽ lạc vào miền đất Phật an yên với khung cảnh thiền định và những lối đi bạt ngàn hoa bung nở suốt bốn mùa.
  Ngay dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là một trung tâm triển lãm Phật giáo 4 tầng rộng lớn. Tại tầng 1, có phòng chiếu phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính Phật giáo trên màn hình mái vòm có đường kính 20m ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Tại tầng 2, có 16 thiết bị trình chiếu 3D hologram hiện đại, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam. Cũng ngay tại đây, du khách còn có thể tham quan gian phòng đặc biệt của các trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện). Tầng 3 là không gian trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật được phóng tác theo nguyên bản đặc biệt nổi tiếng của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…Tầng 4 là nơi lưu giữ Xá lợi Phật Thích Ca do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014. Với các Phật tử, được chiêm bái ngọc xá lợi Đức Phật là một phước báu hiếm có. Tại khu giảng pháp dưới lòng đất, du khách sẽ chiêm bái cụm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ vàng, trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m vươn thẳng lên giữa đĩa nước lớn nhất tại quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Là được biết qua giới thiệu của hướng dẫn viên trên đỉnh núi chứ chúng tôi chỉ đi lướt qua không có nhiều thời gian để xem chi tiết.
  Chúng tôi đi tiếp xuống khu vực tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, ở đây cứ cách ít phút lại có một màn nhạc nước và nước được chảy từ trên cao qua nhiều bậc đá xuống chân tượng làm cho bầu không khí trên núi đã mát lại càng thêm mát mẻ.
  Gặp một du khách am hiểu vì đã đến khu du lịch này nhiều lần nói rằng: “Nếu đi vào ban đêm thì khung cảnh sẽ thấy đẹp hơn nhiều vì cảnh vật cứ lung linh, huyền diệu dưới ánh sáng đèn không khác gì chốn Bồng Lai Tiên cảnh. Nếu vào đếm ngày thứ bảy sẽ được chứng kiến cảnh tượng “Dâng đăng”. Dâng đăng là nghi thức văn hóa tâm linh đặc trưng tại đỉnh núi Bà Đen. Ngay từ khoảng 4-5 giờ chiều, hàng ngàn du khách đã tập trung tại quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, nhận những ngọn đăng hoàn toàn miễn phí từ nhân viên khu du lịch Sun World Ba Den Mountain. Bút và bàn viết được chuẩn bị sẵn để du khách tự tay ráp đèn đăng và viết lời nguyện ước. Nghi thức dâng đăng sẽ diễn ra khi trời ngả tối, nơi hàng ngàn người xếp hàng nghiêm cẩn dưới quảng trường, tâm tĩnh tại trước ánh sáng lung linh của các ngọn đăng, cùng nguyện cầu bình an, may mắn, tạo nên một không gian vô cùng huyền ảo trên đỉnh thiêng.”
  Không hẳn như vậy vì theo tôi nghĩ, ừ thì ban đêm nó lung linh huyền diệu thế nhưng ban ngày dưới ánh nắng trời rực rỡ thì rất phù hợp cho những tay máy thao tác và các đệ tử sống ảo chụp hình. Đặc biệt là các cô, các bà tha hồ bung lụa tạo dáng check-in tung lên mạng, được bạn bè, con cháu rối rít khen em, chị, cô, bà nội hoặc bà ngọai vẫn xinh tươi lắm làm cho các cô các bà phổng mũi bay lên tận mây xanh và rồi lại muốn tiếp tục có mặt ở những lần sau.
 Mặc dù nắng chói chang như vậy nhưng vì ở một độ cao lớn nên không khí vẫn mát mẻ rất dễ chịu. Khu du lịch Núi Bà Đen xứng đáng được ví như “Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ”
img_4437
  Khoảng 12h30 đoàn đi cáp treo xuống núi. Hôm nay gặp một sự cố là toàn bộ Khu du lịch bị mất điện, tuyến cáp treo tạm ngừng hoạt động khỏang mươi phút, không may cho đoàn là vẫn còn một gia đình chưa kịp lên cabin cáp treo nên đoàn phải đợi chờ tuyến cáp treo có điện hoạt động trở lại, nhập đủ các thành viên của đoàn mới được lên xe quay về địa điểm dùng cơm trưa. Đoàn dùng cơm trưa tại một nhà vườn rộng lớn cách Khu du lịch Núi Bà khoảng 10 phút xe chạy, đó là nhà hàng Phương Linh Garden có địa chỉ tại 134D Bời Lời, khu phố Ninh Phú, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Đây không chỉ là một nhà hàng phục vụ ăn uống mà nó còn là một địa chỉ dừng chân tuyệt vời với không gian vườn tược, hồ bơi rộng lớn lên đến 3ha, cũng là một điểm đến lý tưởng cho những người ưa sống ảo. Tiếp nối, xe tạm dừng cho đoàn ghé vào thăm một cửa hàng bán các sản vật Đặc sản của Tây Ninh như bánh canh, bánh tráng, mắm, muối các loại.
 Đoàn tiếp tục di chuyển đến Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - Tòa Thánh Tây Ninh có địa chỉ tại Đường Phạm Hộ Pháp, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
  Tòa Thánh Tây Ninh còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc khác là Đền Thánh. Công trình này nằm ở khu vực trung tâm thị trấn Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 6km. Tòa thánh Tây Ninh là một công trình tiêu biểu của Đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài có tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ. Đạo ra đời năm 1926 tại Tây Ninh, do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức sáng lập, chủ yếu phổ biến ở khu vực miền Nam. Điểm đặc trưng của tín ngưỡng này là chọn lọc và kết hợp giáo lý của những tôn giáo khác, hướng con người tu dưỡng bản thân, tu luyện thiện tính trong đời sống hàng ngày. Và điều này cũng thể hiện qua kiến trúc của Tòa Thánh Tây Ninh khi kết hợp phong cách của nhiều tôn giáo trên thế giới. Về cơ bản thì Tòa Thánh Tây Ninh được tạo nên từ sự kết hợp nhiều nét kiến trúc độc đáo đến từ những công trình đặc trưng của các tôn giáo phổ biến trên thế giới. Đây đồng thời cũng là tôn chỉ của Đạo Cao Đài, chính là: Qui nguyên Tam Giáo, Phục Nhứt Ngũ Chi. Có thể hiểu là hành trình tìm về nguồn cội của ba tôn giáo: Khổng Giáo, Đạo Giáo và Phật giáo. Đồng thời cũng thống nhất năm chi nhánh của Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo.
  Tòa thánh Tây Ninh bắt đầu được đào móng và khởi công vào năm 1931, sau 5 năm thành lập đạo Cao Đài. Nhóm nhân sĩ đầu tiên của đạo đã tìm tới khu rừng rộng 50 ha ở làng Long Thành, thuộc huyện Hòa Thành để xây Tòa thánh như là tổ đình của đạo. Nơi xây dựng Tòa Thánh được quan niệm là long mạch, nằm trên 6 mạch nước ngầm hội tụ (gọi là "lục long phò ấn") nhằm bảo vệ long mạch, trấn yểm giúp người dân, đất nước yên bình. Tòa Thánh Tây Ninh được xây dựng trong 5 năm thì hoàn thành với kinh phí do giáo dân đóng góp.
Tòa Thánh Tây Ninh là công trình sở hữu lối kiến trúc độc đáo, phối hợp hài hòa giữa đất trời và con người. Tòa Thánh này vừa là biểu tượng cho văn hóa, tín ngưỡng của mảnh đất Tây Ninh, vừa là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, cúng bái của người dân đạo Cao Đài.
 Tổng diện tích của Tòa Thánh Tây Ninh lên đến 12km2. Khuôn viên bên ngoài được bao bọc bởi hệ thống hàng rào, đảm bảo sự uy nghiêm cho công trình tôn giáo này. Bên cạnh đó, trong khuôn viên Tòa Thánh còn có các công trình nhỏ với thiết kế ấn tượng như đền thờ Phật mẫu, Bửu tháp. Hai phần tháp có độ cao 36m, đây cũng là biểu tượng nổi bật nhất của Tòa Thánh. Dù được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt tre những vẫn rất bền bỉ, chắc chắn. Ngoài ra còn có Trường học, trường Mầm non cũng được xây dựng trong khuôn viên. 
  Chiều dài của Tòa Thánh khoảng 100m, thiết kế với 12 cửa. Phần cửa lớn nhất được gọi là cửa Chánh Môn. Mỗi cửa của công trình tôn giáo này đều được chạm khắc một cách tinh tế với những hình tứ linh và hoa sen. Cửa Chánh Môn thì được trang trí đặc biệt hơn với hình tượng long tranh châu. 
  Bước vào không gian bên trong Tòa Thánh Tây Ninh, bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước thiết kế kiến trúc độc đáo tại đây. Ở trần nhà và những bức tường là các họa tiết chạm khắc vô cùng tinh tế, thể hiện sự tận tâm và tài hoa của những tín đồ đạo Cao Đài đã góp phần xây nên công trình này.
Hai hàng cột phía trong Tòa Thánh được chạm trổ những hình rồng, phượng, sử dụng màu sơn rực rỡ, nổi bật. Còn phần nền của công trình thì chia làm 9 cấp, còn được gọi là “cửu phẩm thần tiên”. Mỗi bậc này là biểu tượng cho một cấp phẩm mà con người có thể đạt được. Ở giữa Tòa Thánh là một quả cầu lớn. Đây là hình tượng đại diện cho vũ trụ bao la và thế giới quan của đạo Cao Đài. Đây cũng là background được rất nhiều bạn check-in khi có dịp đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh. Bên cạnh đó, hình Thiên Nhãn cũng là chi tiết rất đáng chú ý. Thiên Nhãn là một con mắt phía trái khổng lồ, chạm khắc tinh xảo, được xem là biểu tượng cho sự minh tuệ và hào quang của đạo Cao Đài.
Khuôn viên bên trong Tòa Thánh còn có Nghinh Phong Đài và Bát Quái Đài. Nghinh Phong Đài là phần nóc phía trước còn Bát Quái Đài là nóc phía sau. Đây là hai chi tiết rất độc đáo của công trình tâm linh nổi tiếng này. 
 Ngoài ra phía trước cửa Chánh Môn là một Quảng trường rộng lớn, khi xe chạy vòng quanh Quảng trường, chúng tôi thấy có rất nhiều khỉ to có, nhỏ có từng gia đình khỉ chạy từ phía những cánh rừng qua đường sang quảng trường. Được biết chúng được nhân dân và ngành Kiểm lâm bảo vệ tốt nên tha hồ sinh xôi nảy nở.
    Rời Tòa Thành Tây Ninh, xe tiếp tục chạy theo Quốc lộ 22 theo hướng đường quay về thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có rất nhiều ghế ngồi được bày dưới những thửa ruộng mới gặt chỉ còn lại gốc dạ. Không hiểu là dân vùng này họ làm gì. Khi xe dừng hỏi thì được biết đấy là của những người bán hàng giải khát bày ghế để giữ chỗ ngồi để chờ khách xem thả diều vào buổi chiều.
  Xe đưa đoàn đến thăm ngôi chùa Thiền Lâm (Thiền Lâm Tự - 寺林禅)còn được gọi là Chùa Gò KénChùa Gò Kén Cách trung tâm thành phố Tây Ninh 8km, tọa lạc trên quốc lộ 22B thuộc xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành. Giữa màu xanh bạt ngàn, mênh mông của đồng ruộng và cây cối, Chùa được xây dựng trên gò đất cao với diện tích lên đến 6000 mét vuông. Chùa Gò Kén là một trong những công trình tôn giáo được khởi công sớm nhất tại tỉnh Tây Ninh. Năm 1904, hòa thượng Thích Trí Lượng xây dựng ngôi chùa bằng những vật liệu góp nhặt từ tre và nứa để tạo thành một nơi luyện tập tu hành, nuôi dưỡng tinh thần. Năm 1914, đệ tử đầu tiên của trụ trì Thích Trí Lượng là Thích Trì Phong quyết định xây lại am tranh ngày nào thành một ngôi chùa khang trang, hoàn thiện theo bản thiết kế được gửi về từ Paris.
  Công trình sửa đổi được hoàn thành sau 12 năm, bấy giờ gọi là Thiền Lâm tự. Tuy nhiên, do tên gọi “Thiền Lâm” quá phổ biến nên người dân địa phương thường sử dụng cái tên khác gần gũi hơn là chùa Gò Kén. Nguồn gốc của tên gọi này xuất phát từ việc ngôi chùa vốn xây dựng trên một gò đất cao, xung quanh mọc nhiều dây kén – MỘT loại dây leo hiếm gặp, có quả màu đỏ, vị chua ngọt lạ miệng.
  Gò Kén vẫn được xem là danh xưng chính thức đến tận ngày nay dù quanh chùa không còn mọc loài dây leo này nữa. Do bom đạn chiến tranh tàn phá, năm 1970, công trình được trùng tu. Sau cùng đến năm 2007, Đại Đức Thích Thiện đã đứng ra kêu gọi quyên góp và xây dựng lại chùa với một diện mạo khang trang và uy nghiêm có đến ngày nay.
   Chùa Gò Kén có diện tích 450m2 với tổng thể được lợp bằng mái ngói móc, cửa chính hình mái vòm và mở ở vách đầu hồi, ngôi chùa khơi gợi trí tưởng tượng đến hình ảnh của một nhà thờ Cơ Đốc giáo nằm gọn giữa không gian nào là tượng Phật, nào là đình đài trang nghiêm. Sự đặc biệt này biến chuyến vãng cảnh chùa Gò Kén thành một trải nghiệm vừa thân quen, vừa mới lạ nếu so sánh với nhiều điểm du lịch tâm linh khác. Trước sân chùa, hình ảnh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền dưới tán cây bồ đề xanh mát đem đến cho du khách cảm giác an yên và thanh tịnh. Mặt khác, bức tượng cao 25m khắc họa Quán Thế Âm Bồ Tát cưỡi rồng được đặt trang trọng trên tòa sen trắng giữa hồ và tượng Phật Niết bàn thiêng liêng dài 25m đã trở thành những cảnh quan hiếm có, không chỉ thu hút nhiều Phật tử đến viếng bái mà còn kích thích trí tò mò của du khách gần xa. Đặc biệt Chùa còn có một hành lang dài đặt 108 Trụ Kinh luân bằng đồng liên tục xoay theo chiều ngược lại kim đồng hồ, mỗi trục mang một ý nghĩa riêng, người vào chiêm bái chùa có thể đi vòng quang hành lang đặt tay đẩy các trục theo chiều quay để cầu an, cầu may mắn, phát đạt.
  Rời chủa Gò Kén, đoàn được xe đưa trả lại điểm xuất phát tại đường Lê Lai, kết thúc một ngày du hý tham quan một vài điểm nổi trội của tỉnh Tây Ninh, để lại trong lòng mỗi người những ấn tượng và những kỷ niệm đẹp về một ngày rực rỡ nắng vàng                                                                                              
                                                                                        C.S
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 115
Trong tuần: 748
Lượt truy cập: 485999
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.