Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ANH KHÔNG BƯỚC NỔI QUA TÀ ÁO EM

Trần Vân Hạc

ANH KHÔNG BƯỚC NỔI QUA TÀ ÁO EM

  “Anh và em” là một trong nhiều bài lục bát hay của nhà thơ Nguyễn Thị Mai – (Hội phụ nữ Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam). Đây là bài thơ mà người đọc muốn đọc nhiều lần, không chỉ vì những nét đẹp phải chiêm ngưỡng dưới nhiều góc độ mới thấy, để rồi phải suy ngẫm về vị trí của mình trong gia đình và xã hội, mà còn bởi nhà thơ đã rất tài tình trong việc khai thác cái mệnh đề tưởng chừng như muôn thuở: Anh – Em; ước mơ và thực tại; vị trí, tính cách của Anh và Em, cùng sự cảm nhận tinh tế của Em về Anh qua trải nghiệm cuộc sống, cũng như sự tự khẳng định giá trị về giới của Em.

Anh và em
Anh là một chấm buồm xa
Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng
Anh là cỏ biếc một vùng
Non xanh đến nỗi ngập ngừng bước chân
Anh là lãng đãng phù vân
Mải mê với những xa gần, thấp cao
Em là vệt sóng trong ao
Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình
Là viên ngói cũ đầu đình
Vô tư mưa xối, vô tình mây qua
Dù anh biển rộng trời xa
Cũng không bước nổi qua tà áo em
                               (Thơ Nguyễn Thị Mai)
screenshot_1126
                        Nhà văn Trần Vân Hạc

   Anh hiện lên 4 lần trong bài thơ với những chi tiết nghệ thuật độc đáo, trong khi Em chỉ xuất hiện thấp thoáng hai lần. Em ở đây khiêm nhường chăng? Hay từ xưa xã hội vẫn đề cao vai trò của người đàn ông hơn? Mở đầu bài thơ, câu lục là sự khẳng định về Anh: “Anh là một chấm buồm xa”. Tại sao lại là “một chấm buồm xa”? Anh luôn lớn lao trong Em với chí tang bồng trượng phu, với: “Gươm đàn một gánh, non sông một chèo” – (Truyện Kiều), bởi vậy em luôn bồn chồn với tâm trạng khó nắm bắt. Bởi có khi chỉ vài giây sau “chấm buồm” ấy sẽ vuột ra khỏi tầm mắt và tầm tay của Em. Để rồi câu bát chợt vỡ òa một cảm giác bất định: “Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng”. Câu thơ ẩn chưa một tâm trạng không yên ổn, lo lắng khi không làm chủ, không nắm được trong tay và sở hữu được tình yêu. Cái cảm giác bất ổn ấy được đẩy lên một cung bậc cao hơn với hình ảnh: “Anh là cỏ biếc… ” đến nỗi Em phải: “Ngập ngừng bước chân”. Tình yêu vốn mong manh dễ vỡ như thế đấy, người ta luôn muốn đi tới tận cùng nhưng lại e ngại làm mất đi những khát khao và hy vọng!
    Cái chính là Em ở đây đã hiểu về Anh chỉ như một áng mây dễ lạc lối, dễ tan biến trước mỗi cơn gió nhẹ với những: “xa gần, thấp cao”. Người đàn ông vốn như vậy đấy, đôi khi “mải vui quên hết lời em dặn dò”, câu thơ không hàm ý trách cứ nhưng sao mà xa xót đến như vậy, Em hiểu về Anh nên làm chủ được mình, Anh là thế đấy! Có phải vậy chăng mà khi nói về mình, Em chỉ khiêm nhường tự nhận: “Em là vệt sóng trong ao/ Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình/ Là viên ngói cũ đầu đình/ Vô tư mưa xối, vô tình mây qua”. “Ao” đâu phải là nơi sóng dậy, và Em chỉ nhận là “vệt sóng” hiền lành có thể lặng đi bất cứ lúc nào, ao nhà nhỏ bé tĩnh tại đối lập với buồm xa nơi chân trời góc biển. Cái hay, cái tài của tác giả gửi vào ý thơ nhẹ nhàng như thế đấy nhưng sóng ở đây không phải là “vệt sóng”vô tri, vô vị mà “vệt sóng”ấy lại đầy ắp những khát khao rất phụ nữ cho chồng, con, gia đình, dòng tộc, cho cộng đồng và quê hương đất nước: “Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình”. Cho nên cái “nhỏ nhoi” lại vô cùng lớn lao nhưng lặn vào trong, tự giấu mình một cách tự nguyện và chân thành nên không mấy ai nhận biết được. Thậm chí Em còn tự nhận: “Là viên ngói cũ đầu đình/ Vô tư mưa xối, vô tình mây qua”. Cái “viên ngói cũ đầu đình” ấy sao mà cao quí đến thế, ai muốn chiêm ngưỡng cũng phải ngước nhìn. Bởi đình làng trong tâm thức người Việt vốn là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân, ai được là “viên ngói cũ” đã là hạnh phúc lắm rồi, bởi “viên ngói cũ” ấy khi đã trải: “mưa xối, mây qua” sẽ sống mãi với thời gian trong lòng người và rất đáng tôn thờ. Em tuy là viên ngói cũ đấy nhưng là ngói đầu đình, tưởng chừng không có gì quan thiết nhưng rất linh thiêng, đố ai dám lấy ngói đầu đình (dù đã cũ) về mà lợp riêng cho nhà mình. Hình tượng thơ ấy như một thông điệp đầy ẩn ý về giá trị của người phụ nữ trong cuộc sống. Và tình yêu phải chăng cũng là một tôn giáo, tôn giáo có nhiều tín đồ sùng kính, tôn thờ và cũng không ít người chà đạp nhất thế giới?
    Xuyên suốt bài thơ là lời tự bạch của Em, có gì đó như bi quan, hờn ghen, yếm thế… thì cặp lục bát kết bài thơ chợt lóe sáng đến bất ngờ: người phụ nữ khiêm nhường bỗng hiện lên đẹp tuyệt vời giữa đời và trong trái tim người đọc: “Dù anh biển rộng trời xa/ Cũng không bước nổi qua tà áo em”. Tứ thơ được đẩy lên tột đỉnh cao trào và có tính khái quát, làm cho ai cũng hiểu cái qui luật của muôn đời. Hình tượng thơ “tà áo em” thật là độc đáo. Cái tà áo mỏng mảnh, mềm mại dịu dàng tha thướt mà có sức níu giữ khôn cùng. Đó chính là sự tự ý thức về vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Cặp từ: “Dù”, “cũng” sao mà tinh tế và sâu sắc đến thế, bởi nó khẳng định vị trí của Em trong Anh và trong gia đình, xã hội. Hình tượng thơ: “Tà áo” chuyên chở một thông điệp: Anh là cánh buồm lộng gió đại dương, dù có muôn dặm hải hồ nhưng rồi con thuyền Anh vẫn cứ trở về bến Em. Câu thơ làm cho các đấng mày râu phải giật mình, cái giật mình đầy nhân bản, bởi cái ý tại ngôn ngoại ấy đánh trúng vào bản chất của giới. Nói như đại văn hào Mác-xim go-rơ-ki: “Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ, anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu”.
     Bài thơ có tới 5 từ “là” như một sự khẳng định các mặt đối lập nhưng xét về tổng thể lại rất đồng nhất: Anh – Em làm nên thế giới này. Để rồi khi anh nhận ra mình, nhận ra chân giá trị của Em, Anh càng trân trọng Em hơn. Em không cao ngạo đâu. Chỉ có ai đã trải qua những thăng trầm, sóng gió của cuộc sống gia đình mới hiểu được điều này.
      Bài thơ tự nhiên như hơi thở của mỗi con người và cuộc sống, đầy chất trữ tình, dư ba, ám ảnh nhưng cũng mở ra những suy tư trăn trở khôn nguôi, gieo vào lòng ta những tin yêu vào con người và tình yêu đôi lứa. Cuộc sống này đẹp lên bội phần vì có Em và có Anh, có tình yêu của chúng mình!
Anh có nhận ra không?
                                                                                   T.V.H


 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 128
Trong tuần: 1187
Lượt truy cập: 436254
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.