Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ÁM ẢNH PÁ LAU

Nguyễn Hiền Lương
 
ÁM ẢNH PÁ LAU
 
    Sau 32 năm, tôi mới trở lại Trạm Tấu cùng đoàn văn nghệ sỹ của tỉnh đi thực tế sáng tác. Cảnh vật thay đổi nhiều quá. Thị trấn đã có nhà cao tầng san sát, xen lẫn là cửa hàng tạp hóa, mỹ phẩm, quán ăn, phòng hát karaoke, tiệm làm đầu, nhà nghỉ…Tôi không tìm nổi một dấu vết xưa cũ nào ngoài con suối Nậm Tung, lòng suối ngổn ngang những khối đá lớn, khiến dòng nước bị chặn lại vỡ thành muôn hạt ngọc long lanh bởi nắng chiều chiếu xiên từ đỉnh Tà Chì Nhù xuống lòng suối. Sau khi lấy tư liệu đủ để viết vài bài ký về chủ đề nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân Trạm Tấu, tôi tranh thủ đi tìm một người quen cũ là giáo viên Trạm Tấu đã lâu không có tin tức gì. Rẽ vào Trường Xà Hồ bên đường, tôi hỏi thăm về cô giáo Hằng, từng làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Pá Lau. Ai cũng lắc đầu không biết. Có người còn nói chắc nịch:
- Cả Phòng Giáo dục Trạm Tấu này, không có ai làm hiệu trưởng tên là Hằng cả chú ạ.
Hồi lâu, có một cô giáo như sực nhớ:
- Cháu nhớ mang máng, hình như có một người tên Hằng, nhưng không phải là giáo viên mà là nhân viên nhà bếp ở Trường Dân tộc nội trú thì phải. Mà hình như bà ấy cũng đã nghỉ hưu lâu rồi, không biết có còn ở Trạm Tấu không.- Cô giáo trẻ còn phân bua- Chú hỏi người làm hiệu trưởng cách đây 32 năm, mà chúng cháu toàn giáo viên trẻ, người ở Trạm Tấu nhiều nhất cũng mới được 15 năm là cùng thì làm sao biết được ạ. Thế hệ giáo viên Trạm Tấu cách đây 32 năm, giờ nghỉ hưu, chuyển vùng hết rồi. Muốn biết chính xác, chú phải lên gặp cán bộ tổ chức phòng giáo dục, may ra họ biết. Mà bây giờ đã muộn, lại là thứ 7, chắc họ về nhà hết rồi.
  Có lẽ thấy khuôn mặt tôi đầy vẻ thất vọng quá chăng, khiến cô giáo trẻ động lòng cảm thông mà bảo tôi:
- Hay chú cho cháu số điện thoại, cháu sẽ dò hỏi giúp, có được tin tức về cô Hằng, cháu sẽ báo cho chú.  
Vì sáng sau cả đoàn sẽ lên đường trở về Yên Bái, không còn thời gian để tìm Hằng nên tôi đành nhờ cô giáo trẻ dò hỏi giúp. Tôi còn dặn đi dặn lại cố giúp tôi, nếu xin được số điện thoại của cô giáo Hằng thì càng tốt.
Chia tay các thầy cô giáo trẻ, trên đường về nhà nghỉ, bao nhiêu kỷ niệm cũ với Trạm Tấu, với cô giáo Hằng từ 32 năm trước bỗng ùa về, lấp đầy lòng tôi. Ấy là vào năm 1990, khi đó tôi đang là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm, được giao làm một đề tài khoa học về “Dạy học Tiếng Việt bậc Tiểu học cho học sinh dân tộc Mông tỉnh Yên Bái”. Công việc đầu tiên của tôi là đi khảo sát vốn tiếng Việt của học sinh tiểu học dân tộc Mông; việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp tại các gia đình và cộng đồng người Mông; các phương pháp dạy học Tiếng Việt đang sử dụng trong dạy học Tiếng Việt bậc tiểu học cho học sinh dân tộc Mông. Thời gian khảo sát dự kiến khoảng 10 ngày. Tôi chọn đi Trạm Tấu, một huyện gần 100% dân số là người Mông, cũng là huyện khó khăn nhất tỉnh. Các điểm trường tại thôn, bản đều khó khăn ở diện “5 không”: Không đường, không điện, không trạm xá, không chợ, không sóng điện thoại.
   Từ Nghĩa Lộ vào Trạm Tấu, tôi phaỉ thuê xe ôm, với giá 70 ngàn đồng mà lương tháng chỉ có mấy trăm ngàn. Lên đến thị trấn đã trưa, nghĩ vào Phòng Giáo dục bây giờ cũng không báo cơm kịp nên đi tìm cái gì ăn tạm. Nhưng cả phố huyện không một quán nào còn đồ ăn. Mì tôm cũng không có. Đành nhịn đói, vào Phòng Giáo dục đặt vấn đề xin khảo sát. Biết mục đích, yêu cầu, thời gian làm việc của tôi, lãnh đạo phòng bố trí cho tôi đi Pá Lau. Bởi Trường Pá Lau mới có một cô giáo về quê nghỉ đẻ nên có thể mượn phòng của cô để tôi nghỉ. Cô giáo hiệu trưởng Pá Lau vừa giỏi tiếng Mông, nhiệt tình trong công việc, lại có thể nấu cơm cho tôi ăn. Sáng hôm sau, đích thân thầy Thạch, Phó Phòng Giáo dục dẫn tôi đi Pá Lau. Thầy đổ đầy hai bình tông nước để uống dọc đường, xách theo túi cá mắm chừng 2 cân để làm quà cho giáo viên trên bản. Khi lên đường, thầy Thạch đưa cho tôi chiếc áo mưa, bảo:
- Đường đi toàn đường mòn chỉ đặt vừa bàn chân, cây cỏ hai bên lấn ra cả mặt đường. Buổi sáng, sương đọng trên lá nhiều lắm, thầy quàng ni nông vào không thì ướt hết quần áo.
Sau ba tiếng hết lên dốc lại xuống dốc, khoảng 11h trưa, thì thấy một bản Mông có chừng khoảng 2 chục nóc nhà. Thầy Thạch chỉ vào ngôi nhà dài nhất bản bảo:
- Kia là điểm trường Pá Lau đấy. Xã Pá Lau có năm bản: Pá Lau, Giao Chú, Giao Lau, Háng Tây, Tàng Ghênh. Mỗi bản có một điểm trường lẻ, chỉ có một giáo viên. Điểm trường chính, ở Pá Lau có hai giáo viên, trong đó có cô Hằng vừa dạy vừa làm hiệu trưởng.
   Đến nơi, một phụ nữ áng chừng ngoài bốn mươi, khuôn mặt chữ điền, nước da đen giòn, màu da của phụ nữ miền biển, vóc dáng khỏe mạnh, không thuộc loại quá xinh nhưng không thể nói là không có nhan sắc. Cô đang quãi ngô cho đàn gà ăn, thấy chúng tôi liền reo lên, hồ hởi, mời vào phòng. Thầy Thạch giới thiệu:
- Đây là cô giáo Hằng, hiệu trưởng Trường Pá Lau. Giới thiệu với cô Hằng, đây là thầy Hiền, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, sẽ ở trường ít ngày để khảo sát ngôn ngữ, làm đề tài khoa học, mong cô giáo giúp đỡ.
Nghe vậy, cô Hằng reo lên:
- Ôi! Thế thì vui quá ạ. Ở những điểm trường heo hút như chúng em có khách đến là vui như tết. Hai thầy ngồi nghỉ nhé, em đi nấu cơm kẻo muộn ạ.
Trong lúc Hằng và thầy Thạch làm cơm, tôi tranh thủ quan sát ngôi trường. Trường được làm ở thẻo đất giữa bản, xung quanh là những ngôi nhà gỗ lợp ván thông của đồng bào. Cả trường chỉ có một ngôi nhà 4 gian, cột chôn, thưng vách nứa, mái cũng lợp bằng phên nứa. Hai gian đầu là phòng ở và làm việc của giáo viên, hai gian cuối là lớp học.
Nửa tiếng sau đã có cơm. Tuy không có sự chuẩn bị trước, lại đã muộn nhưng bữa cơm vẫn có món thịt gà đen luộc, rau cải mèo xào lòng gà, canh khoai sọ, cùng món cá mắm nướng than và một chai rượu bản. Thời bao cấp, có được bữa cơm như thế là sang lắm rồi. Cô giáo Hằng vui lắm, xởi lởi gắp thịt gà cho tôi và thầy Thạch, còn cô chỉ ăn cá mắm. Tôi hỏi, sao cô giáo không ăn thịt gà mà chỉ ăn cá mắm? Cô Hằng bảo: Ở trên bản, cá mắm còn quí, hiếm hơn thịt gà thầy ạ, vả lại quê em ở biển, lâu rồi chưa về quê, ăn cá mắm có hương vị biển cho đỡ nhớ quê.
Ăn xong, thầy Thạch phải quay về huyện ngay kẻo tối, trước khi đi còn dặn:
- Tôi giao thầy Hiền cho cô Hằng đấy nhé. Nhớ chăm sóc thầy cẩn thận và giúp thầy hoàn thành công việc.
Cô giáo Hằng cười vui vẻ, nói:
- Vâng, thầy yên tâm, em xin hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.- Rồi Hằng quay sang tôi, bảo- Thầy nghỉ phòng em nhé. Em sang phòng cô Thanh, vì cô Thanh về quê gần tháng rồi, sợ chăn chiếu ẩm mốc, thầy không ngủ được. Thầy cứ nghỉ cả chiều đi, tối mới đến nhà đồng bào được, ngày họ đi nương hết ạ.
Buổi chiều, thấy Hằng loay hoay buộc lại mấy tấm vách lớp học bị gió làm bung xuống đất, tôi liền vùng dậy cùng làm với Hằng. Vừa làm, vừa trò chuyện, thân mật. Mới biết quê Hằng ở Hải Hậu, Nam Định, tốt nghiệp sư phạm, không xin được việc ở quê, cô xung phong lên Trạm Tấu dạy học đã gần 20 năm. Vì không có ai đỡ đầu, lại son rỗi, cô toàn được phân dạy ở các xã xa nhất. Hết Tà Si Láng, Phình Hồ, Túc Đán lại đến Pá Lau. Mấy lần làm đơn xin xuống trường vùng thấp Hát Lừu, Xà Hồ nhưng chưa có chỗ trống; còn xin chuyển vùng về quê thì càng mù mịt. Cô bảo:5496_6-2
- Em cũng chán, chả buồn xin nữa, đành gắn bó với trường bản cho đến khi nghỉ hưu vậy. Ở với người Mông lâu rồi, quen cả hơi người Mông, nói tiếng Mông nhiều hơn tiếng Việt cũng quen rồi.
Thú thực, tôi không biết an ủi, động viên Hằng thế nào cho phải nên đành im lặng. Buổi tối Hằng dẫn tôi tới nhà ông trưởng bản Giàng A Súa, vừa khảo sát vừa nhờ trưởng bản nói với bà con về công việc của tôi. Nhà trưởng bản đang ăn cơm. Tôi thấy trên cái mâm đóng bằng gỗ, đã lên màu đen xỉn chỉ có nồi canh rau cải lõng bõng nước và một bát măng ớt. Sáu người ngồi quanh mâm, mỗi người cầm một cái muôi gỗ, vừa xúc cơm, vừa xúc canh. Đợi trưởng bản ăn cơm xong, Hằng nói với ông một tràng dài bằng tiếng Mông. Thấy trưởng bản gật đầu liên tục, tôi cũng yên tâm. Rồi Hằng quay sang bảo tôi:
- Em nói với trưởng bản rồi đấy, ngay mai trưởng bản sẽ nói với bà con; còn bây giờ thầy hỏi gì thì hỏi, chỗ nào trưởng bản không hiểu em sẽ dịch sang tiếng Mông nhưng thầy đừng nói cao siêu quá em không dịch nổi.
Nhìn trưởng bản, thật khó đoán tuổi nhưng tôi vẫn gọi ông là bác và xưng cháu, rồi ấy tờ phiếu khảo sát đã chuẩn bị sẵn, bảo ông đọc rồi điền câu trả lời vào các câu hỏi của phiếu. Trưởng liền bản lắc đầu bảo:
- Mình không biết viết cái chữ đâu, chỉ biết mỗi cái chữ ký của mình thôi. Cán bộ cứ hỏi đi, mình nói cho mà ghi.
Vậy là tôi vừa hỏi, vừa ghi vào phiếu: Tổng số thành viên trong gia đình: 6 người. Số người biết nói tiếng Việt: 4 người. (Ghi chú: Người không biết nói tiếng Việt là mẹ và vợ trưởng bản cùng cô con gái lớn đã lấy chồng, ở riêng). Số người biết viết chữ Việt: 3 người. (Ghi chú: Trưởng bản và cô con gái thứ hai, đang học lớp 4 thì lấy chồng, hiện đang ở cùng nhà, cô con gái út 14 tuổi, đang học lớp 3). Giao tiếp hàng ngày hoàn toàn bằng tiếng Mông; chữ Việt ít sử dụng. Điền xong, đưa cho trưởng bản ký.
Lúc tôi chào ra về, trưởng bản cầm tay tôi thân mật:
- Bản mình chỉ có đàn ông với trẻ con được đi học là nói được tiếng Kinh thôi, cán bộ à. Ở nhà toàn nói với nhau bằng tiếng Mông, không nói tiếng Kinh đâu. Cán bộ vào nhà dân phải đi cùng cô giáo Hằng đấy, cô giáo Hằng nói tiếng Mông như người Mông mình à. Cán bộ chưa có vợ thì lấy cô giáo Hằng đi. Nó tốt lắm đấy.
Bà vợ trưởng bản cũng nói với tôi một tràng dài tiếng Mông, nhưng tôi không hiểu gì nên chẳng dám gật mà cũng không dám lắc đầu. Thấy tôi cứ đứng đần mặt, Hằng phì cười rồi nói lại với bà bằng tiếng Mông. Hằng nói xong, cả nhà trưởng bản phá lên cười, làm tôi càng đần mặt.  Ra đường, tôi hỏi Hằng:
- Ban nãy em nói gì mà cả nhà trưởng bản cười to thế?
Hằng bảo:
- À, vợ trưởng bản bảo thầy, “Cán bộ về, ngày mai cán bộ lại nhà mình chơi nhé”. Em thấy thầy không trả lời, sợ họ nghĩ thầy khinh nên em bảo là thầy bị nặng tai, nghe không rõ.
   Chả biết Hằng nói thế không, nhưng tôi cũng phải phì cười, rồi cảm ơn Hằng đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Đêm ấy, chúng tôi đến được ba nhà, thì mọi người đã đóng cửa đi ngủ hết. Sáng hôm sau, tôi dự giờ dạy của Hằng. Vì có một cô giáo nghỉ đẻ, không có giáo viên tăng cường nên Hằng phải dạy lớp ghép 4 trình độ 1, 2, 3, 4. Cả lớp có 17 em, trong đó, lớp 1 có 7 em; lớp 2 có 5 em; lớp 3 có 3 em; lớp 4 có 2 em. Riêng lớp 3 và lớp 4 không có học sinh nữ. Để dạy được lớp ghép 4 trình độ, Hằng phải xoay như chong chóng; vừa hướng dẫn xong cho lớp này lại phải chạy ngay sang lớp khác hướng dẫn, hết mở cuốn sách giáo khoa này lại mở cuốn sách giáo khoa khác, hết nhắc nhở em này lại nhắc nhở em khác, hết nói tiếng Việt lại đến nói tiếng Mông, cứ như đánh vật, cả buổi dạy không lúc nào ngồi mà con chữ chưa chịu chui vào đầu bọn trẻ. Nhìn Hằng dạy, tôi nghĩ tất cả những thầy, cô giáo cắm bản như thế này phải được phong danh hiệu Nhà giáo Uu tú mới xứng đáng.
 
   Buổi chiều, Hằng không lên lớp nhưng liên tục có người đến trường tìm. Người thì hỏi con ốm thế này thì uống thuốc gì? Cô giáo có thuốc không cho em xin. Người thì bảo, con bò nhà em đau bụng từ tối qua mà vẫn không đẻ được, giờ làm thế nào hả cô giáo? Người thì nhờ cô giáo viết hộ cái đơn xin vay tiền ngân hàng. Người thì đến vay cô giáo 50 nghìn, để trả lễ cho thầy cúng. Hôm nào bán được lợn sẽ trả cô giáo. Có người còn địu cả con đến khóc lóc: Cô giáo ơi, thằng Lở chồng em nó chỉ ở nhà hút thuốc phiện, không chịu đi làm, em giấu bàn đèn, bị nó đánh tím cả mặt, nó còn định đốt nhà. Nhờ cô giáo đến khuyên can thằng Lở giúp em với, không thì em chết mất. Thế là Hằng lại tất tưởi theo chị ta về nhà. Tôi chỉ còn biết nhìn theo Hằng, lắc đầu ngán ngẩm. Buổi tối, dẫn tôi xuống nhà dân, Hằng lại phải giải thích bằng tiếng Mông mãi mà có người vẫn ngơ ngơ không hiểu. Bao nhiêu phiếu khảo sát tôi đã chuẩn bị kĩ lưỡng thành ra đều do tôi với Hằng ghi cả.
   Làm việc ở Pá Lau đã được tám ngày, tôi cũng đã khảo sát gần hết bản, chỉ cần làm một ngày nữa là xong. Chiều ấy, trưởng bản bắn được con Sơn Dương, ông xẻ một tảng thịt chừng hơn 1kg mang cho Hằng. Hằng đem cân thịt làm thành hai món, món xào lẫn rau cải Mèo và món ướp thịt với giềng mẻ, mắm tôm rồi đem nướng trên than. Hằng bảo:
- Em đãi thầy một món theo cách nấu của người Mông và một món theo cách làm người Kinh ạ.
Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn thịt Sơn Dương, cảm giác vừa ngon vừa là lạ, lại thêm món rượu ngô sủi tăm nên càng hưng phấn. Hằng cũng rất vui, rượu ra trò, chén nào cũng “màn hình phẳng” 100%, rồi dốc ngược chén đặt trên lòng bàn tay chứng tỏ không còn sót giọt rượu nào. Chúng tôi đánh bay hết cân thịt Sơn Dương và một chai rượu ngô. Ăn xong, tôi cố lần vào gường, rồi thiếp đi trong cơn say. Đến khi tiếng chân ngựa của nhà dân bên cạnh đá vào vách gỗ tàu ngựa lộc cộc, tôi mới bừng tỉnh. Không biết đã mấy giờ? Không gian im ắng lắm, chỉ có tiếng chân ngựa gõ liên hồi vào vách gỗ. Tôi quờ tay tìm bình nước, nhưng bình không còn giọt nước nào. Cảm giác khát càng giầy vò nhưng tôi không dám gọi Hằng, sợ làm phiền cô ấy. Bỗng tôi nghe thấy có tiếng soàn soạt, soàn soạt đều đều ngoài sân. Không rõ là tiếng gì, liền vén màn nhìn qua khe vách. Trăng khuya pha sương đùng đục nhưng vẫn thấy rõ Hằng đang hí húi đưa tay đều đều và từ đó phát ra những tiếng kêu soàn soạt rất lạ. Hằng chưa ngủ! Hằng đang làm gì vậy? Tôi vục dậy, rón rén ra sân. Thì ra Hằng đang ngồi xát những củ dong giềng vào cái nạo sắt để thành những sợi dong nhỏ.
Tôi lên tiếng:
- Khuya rồi, sao em chưa đi ngủ? Em nạo củ dong giềng làm gì vậy?
Hằng giật mình, ngẩng đầu nhìn tôi trân trân rồi mới nói:
- Em không ngủ được. Cứ khi nào không ngủ được em lại dậy nạo củ dong giềng, phơi khô, đóng bao làm thức ăn cho lợn.
- Dong giềng em trồng à?
- Không, của đồng bào gùi đến bảo mua hộ. Không mua họ cũng cứ để đấy, vậy là phải mua giúp bà con. Khuya rồi, thầy cứ đi ngủ đi, kệ em.
- Nhà còn nước uống không em?
- Dạ còn. Ban nãy em em quên rót vào phích, chắc nguội rồi. Để em đun lại.
- Khỏi cần, uống nước nguội càng tốt.
- Thầy cứ vào phòng đi, em mang nước vào cho.
Tôi vào phòng. Lát sau, Hằng đưa bình nước vào. Tôi uống một hơi gần hết ca nước. Định nằm nhưng Hằng vẫn ngồi ở cuối gường. Tôi giục Hằng về phòng nghỉ nhưng em vẫn ngồi im, không nói gì. Bỗng nhiên Hằng bật khóc. Tôi vừa quay lại thì Hằng quàng tay ôm chầm lấy tôi, giọng thổn thức:
- Thầy…thầy… cho em ở đây được không? Em…em  sợ một mình lắm rồi.
Tôi khẽ dỗ:
- Em về phòng bên đi, hai phòng sát cạnh nhau, sợ gì.
- Nhưng em…em… em muốn…
- Em muốn gì cơ?
- Thầy…em muốn…muốn có… Thầy biết đấy, em làm sao xin chuyển vùng được…
Tôi chưa hiểu ý Hằng nói thì em lại tức tưởi:
- Mà tuổi em bây giờ sắp không sinh được con rồi. Em chỉ cần có một đứa con, rồi ở đây cho đến khi nghỉ hưu cũng được mà khó quá…
Tôi yên lặng một lát rỗi khẽ nói:
- Rồi! Tôi về ngoài thị xã, xem có ai phù hợp, tôi…tôi sẽ làm mối cho em.
Bỗng Hằng ngẩng hẳn mặt lên, nhìn tôi trân trân, giọng cũng khác thường:
- Thầy động viên, nói cho qua chuyện làm gì. Bao nhiêu người nói thế với em rồi, không vẫn hoàn không. Ai dại gì đâm đầu lên cái bản Mèo xa lắc, xa lơ này, lấy một người đàn bà luống tuổi như em làm vợ, để rồi đóng đô ở đây hay dám bỏ tiền ra chạy cho em về? Chả bao giờ có chuyện ấy đâu. Em không ảo tưởng nữa, em chỉ cần có một đứa con, rồi làm mẹ đơn thân, ở đây đến khi về hưu.
Tôi đã lờ mờ hiểu điều Hằng nói, nhưng cũng chưa biết nói với em thế nào, thì Hằng đã nắm cổ tay tôi, giọng đầy thổn thức:
- Thầy…thầy ơi!…thầy giúp em với!
Tôi giật mình, thảng thốt, chưa bao giờ gặp phải tình huống thế này, song cũng không dám phũ phàng gỡ tay Hằng ra, đành ngồi im. Tiếng chân ngựa gõ vào vách gỗ ngày càng dồn dập hơn. Có lẽ trời sắp sáng. Bỗng Hằng đứng phắc dậy, ghì chặt tôi hơn, phả hơi thở nóng hổi vào mặt tôi:
- Thầy ơi! Em cầu xin thầy đấy…Dẫu sao thầy cũng là một người đàn ông, còn em cũng là một người đàn bà thôi. Người đàn bà chỉ cần có một đứa con để gắn bó với bản Mông này. Chả lẽ khát khao ấy lại là tội lỗi ư?
Tôi run run:
- Nhưng… nhưng, em hiểu cho tôi, tôi… tôi đã có gia đình…
- Em xin thề với thầy, em…em sẽ không làm gì ảnh hưởng tới gia đình thầy, thầy …thầy cũng không phải ràng buộc, không phải có trách nhiệm gì…Thầy ơi!
   Nói rồi, Hằng càng ghì tôi hơn. Sức vóc và sự khát khao của người đàn bà thật mãnh liệt. Khiến người tôi bỗng nóng ran, con tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực, toàn thân căng cứng rồi run rẩy như lên cơn sốt. Đúng. Hằng đã nói đúng. Dù có làm gì chăng nữa thì tôi cũng là một thằng đàn ông và Hằng cũng là một người đàn bà. Người đàn bà tuy đã trung tuổi nhưng còn trinh tiết, vòng một, vòng ba vẫn nở nang, cở thể săn chắc, hơi thở nồng nàn như dán chặt vào tôi. Bàn tay Hằng cầm tay tôi đặt lên ngực em. Tôi cũng xiết chặt cơ thể Hằng theo phản xạ tự nhiên, không thể cưỡng nổi. Bàn tay tôi đã định luồn vào trong áo Hằng. Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu như một tia chớp làm tay tôi khựng lại. Hồi lâu, tôi ghé sát miệng vào tai Hằng, thì thầm:
- Hằng ơi! Tôi rất hiểu và thương em. Nhưng phải nói thật với em. Tôi từng là bộ đội chống Mỹ, chiến đấu ở vùng địch rải chất độc màu da cam nên bị phơi nhiễm chất độc nặng lắm. Đứa con thứ hai của tôi bị tật nguyền, không thành người. Nên nếu em có con với tôi, đứa trẻ có xác xuất nhiễm rất cao. Lúc ấy càng khổ cho em. Tôi giữ là giữ cho em. Mong em hiểu. Em…Em hãy đợi…
Tôi chưa nói hết câu, Hằng đã lả người đi, nói như đứt hơi:
- Thật thế ư? Vậy thì, thương…thương thầy quá, thầy cũng bất hạnh…
Tôi vỗ nhè nhẹ vào vai Hằng, dỗ dành:
- Để tôi đưa em về phòng bên nghỉ nhé.
Hằng buông tôi ra, vùng vằng:
- Thầy cứ nghỉ đi. Mặc em.
Nói rồi Hằng đi ra sân, đến bên lu nước, múc một gáo nước lạnh vỗ vào mặt mình rồi tiếp tục ngồi nạo củ dong giềng. Tiếng soàn soạt, soàn soạt nhanh hơn, mau hơn. Hình như Hằng đang trút tất cả sự thất vọng vào bàn tay cầm xát những củ dong giềng trên chiếc nạo sắt. Tôi nằm trong gường cũng không sao ngủ được. Cứ như vậy, một người ngồi nạo củ dong ngoài sân, một người nằm trong gường không chợp mắt cho tới sáng. Tôi uể oải vục dậy, đi đánh răng, rửa mặt, không dám hỏi gì Hằng. Hằng nấu ăn sáng xong, gọi tôi vào ăn, còn em ra dọn dẹp lớp học. Hình như Hằng cũng tránh mặt tôi. Buổi sáng ấy, tôi vẫn lên dự giờ dạy của Hằng nhưng không dám nhìn thẳng vào Hằng. Hằng đứng trên bục giảng mà mặt cúi gằm, tay luống cuống khi viết bảng, nói vấp liên tục. Không thể tiếp tục buổi dạy, Hằng phải cho học sinh nghỉ sớm. Tôi nhận thấy cả hai đều mất tự nhiên, khó xử, có ở lại cũng không làm được việc, vả lại kết quả khảo sát cũng đã đủ để rút ra kết luận nên ăn cơm xong, tôi nói với Hằng, công việc đã xong; chiều nay tôi ra huyện, để sáng mai về thị xã. Biên soạn xong tài liệu tôi sẽ trở lại Pá Lau để tổ chức dạy thí điểm. Hằng cúi đầu, khẽ nói sẽ nhận dạy thí điểm cho tôi. Khi tôi về, em vẫn tiễn tôi đến đầu bản. Sau khi gửi tôi đi cùng mấy người dân bản có việc xuống huyện để tôi khỏi lạc đường, Hằng mới trở lại trường.
Tôi ra huyện rồi trở về thị xã như một cuộc chạy trốn. Ba tháng sau, biên soạn xong tài liệu, tôi chọn dạy thí điểm ở Mù Cang Chải, chứ không lên Trạm Tấu. Đề tài thành công, tôi được đề bạt làm Trưởng khoa; sau này cũng nhờ nó mà tôi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Tôi cũng trở thành nhà văn chuyên viết về mảng ký. Những chuyến đi thực tế trước đây, chỉ sau mấy ngày là tôi đã hoàn thành bài viết. Còn lần này, mỗi lần định viết là lại mất cảm hứng, không viết nổi. Mấy tháng sau, tôi nhận được điện thoại của cô giáo trẻ Trường Xà Hồ. Cô chào tôi, hồ hởi nói:
- Cháu đã tìm ra cô Hằng của chú rồi. Cô ấy đúng là từng làm hiệu trưởng Pá Lau. Hóa ra lại chính bà Hằng nấu cơm ở Trường Dân tộc nội trú huyện…
Tôi vội ngắt lời cô giáo trẻ:
- Sao đang làm hiệu trưởng, cô ấy lại phải đi nấu cơm hả cháu?
- Chuyện dài lắm chú ạ. - Cô giáo trẻ ngập ngừng chút rồi mới nói tiếp- Đại thể là cô Hằng quan hệ bất chính, có con với một ông thợ xẻ từ dưới xuôi lên Trạm Tấu xẻ gỗ thuê. Vì ghen ăn tức ở, cánh thợ xẻ gọi điện về quê tố với bà vợ ông ta. Bà vợ nổi cơn nghen, mò lên tận Pá Lau đánh ghen, làm nhục cô Hằng trước mặt dân bản. Phòng Giáo dục thấy cô Hằng không còn đủ uy tín để dạy học, liền thi hành kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức hiệu trưởng và điều về nấu cơm ở trường nội trú. Cô Hằng cắn răng chấp nhận mọi hình thức kỷ luật, hứa không liên lạc với ông thợ xẻ, chỉ xin được giữ cái thai để sinh. Rồi cô cũng sinh được một bé trai, nhưng trận đòn ghen của vợ ông thợ xẻ, cùng với những đau xót, tủi nhục khiến cô Hằng sinh non, đứa trẻ sinh ra cũng bị chứng tự kỷ. Số tiền cô Hằng dành dụm được suốt bao nhiêu năm dạy học dồn hết cả vào chữa chạy cho thằng bé, vậy mà cũng chẳng cải thiện được là bao. Nhưng cô Hằng vẫn không nguôi hy vọng thằng bé sẽ khỏi bệnh. Khi được nghỉ hưu, cô Hằng bỏ tất cả để đi chữa bệnh cho con. Cả năm nay cô không về Trạm Tấu, nên cũng không rõ cô đang ở đâu.
 
   Tôi thở dài rồi lặng người đi khi cuộc điện thoại của cô giáo trẻ kết thúc. Chưa bao giờ tôi lại thấy lòng mình buồn đến như thế, trống rỗng đến như thế. Hình ảnh Hằng trong đêm trăng mờ ngồi nạo củ dong giềng trên sân trường Pá Lau. Hình ảnh đôi mắt Hằng đẫm nước khi nói lời cầu khẩn tôi. Hình ảnh Hằng thẫn thờ như muốn sụp đổ khi nghe tôi nói bị nhiễm chất độc màu da cam. Có lẽ lúc đó, Hằng tin điều tôi nói là sự thật. Có thể Hằng còn thương tôi, còn cho là tôi nhân văn và cao thượng. Nhưng thực ra đó chỉ là một lời nói dối, khoác áo nhân văn. Tôi không hề bị nhiễm chất độc da cảm. Quả là, lúc Hằng cầu khẩn, tôi đã động lòng. Nhưng chính lúc ấy trong đầu tôi lại lóe lên ý nghĩ, mình đang có một gia đình hạnh phúc; mình là một ông thầy; mình là một đảng viên, mình đang có cơ hội thăng tiến, chuyện mà vỡ lở, vợ con, sinh viên, đồng nghiệp và nhất là cấp trên sẽ nhìn mình thế nào? Cháy nhà thì lòi mặt chuột. Nói gì thì nói, trong mắt mọi người mình cũng chỉ là một thằng hủ hóa. Thế thì mất hết. Kiếm củi ba năm, thiêu một giờ. Tiêu tan hết công lao gìn giữ chắt chiu lý tưởng, đạo đức, phẩm giá bao nhiêu năm trời vì lời cầu khẩn của một người đàn bà như thế có đáng không? Lại còn nhục nữa. Phải làm sao giải thoát được tình thế oái ăm này mà không làm tổn thương Hằng. Chỉ một thoáng, tôi đã kịp bịa ra cái lý do hợp tình, hợp lý để Hằng không trách cứ vào đâu được. Lại còn được khoác cái áo cao thượng và nhân văn nữa chứ. Lúc đó tôi đã tự khen mình thông minh, xử lý tình huống tuyệt vời. Nhưng bản chất thì chỉ là một cú lừa ngoại mục. Rồi nữa, sau đó tôi không trở lại Pá Lau dạy thí điểm như đã hứa trước lúc chia tay Hằng. Điều đó cũng có khác gì một cuộc chạy trốn hèn hạ. Tôi biết, không phải là Hằng không có lòng tự trọng khi khẩn cầu tôi. Nhưng Hằng đã dũng cảm vượt qua mọi sự sỹ diện hão, vượt qua cả nỗi lo sợ những đố kị, khinh miệt của người đời để dám sống thật, để mong được một lần làm cái thiên chức trời phú cho người phụ nữ. Vậy mà tôi đã không cảm thông lại còn lừa dối Hằng. Càng nghĩ về việc đó, tôi càng thấy như người có lỗi, như một một kẻ vô tâm, vô cảm. Hoàn cảnh của Hằng giờ đây càng làm tôi ân hận. Nhưng sự ân hận đến bao nhiêu chăng nữa phỏng có ích gì, khi cả tuổi thanh xuân của Hằng đã mất; khi bao tháng ngày Hằng phải sống trong cô đơn, không biết đến một nụ hôn nồng cháy của tình yêu, không biết đến thế nào là một gia đình để gieo chữ cho bao đứa trẻ người Mông thoát khỏi sự tăm tối. Vậy mà giờ đây có mấy ai biết tới, nhớ tới Hằng đâu. Cả tôi nữa, cũng chỉ khi lên Trạm Tấu thực tế sáng tác mới nhân thể tìm em.
   Hằng ơi! Mẹ con em đang ở đâu? Nếu có kiếp sau, em có làm cô giáo vùng cao nữa không? Còn tôi, Pá Lau, đã trở thành nỗi ám ảnh chắc là sẽ theo tôi đến hết cuộc đời.  
                                                           Tháng 7/ 2022
                                                                 N.H.L
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 24
Trong tuần: 1152
Lượt truy cập: 436827
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.