Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

VỀ TRƯỜNG CA "GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI"...

VỀ TẬP TRƯỜNG CA “GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI” CỦA PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

             Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024

                                    Vũ Nho

v_nho_nguyn_kh

Cây bút nữ Phạm Thị Phương Thảo có sức viết và sức in thật đáng nể. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018, thế mà đến nay  2024 chị đã có 12 tập thơ, 6 tập bút kí, tản văn, 2 tập thơ thiếu nhi, 1 tập thơ song ngữ Anh – Việt và 4 tập trường ca.

            Viết trường ca, Phạm Thị Phương Thảo công bố vào những thời điểm rất kịp thời, có ý nghĩa thời sự quan trọng, vì thế công chúng nhiệt tình đón nhận.

Bản trường ca đầu tiên “ Tiếng vọng nơi cửa sông”   2019 viết về người nông dân Đoàn Văn Vươn với vụ cưỡng chế đầm tôm xôn xao dư luận cả nước hồi đó.

Trường ca “ Sự sống và lòng biết ơn” 2021 viết về cuộc chiến chống đại dịch cô vít, công bố kịp thời cùng với các bản nhạc, các bài thơ, các mẩu chuyện ca ngợi những tấm gương dũng cảm “chống dịch như chống giặc”, cổ vũ động viên nhau chiến thắng dịch bệnh.

Trường ca “ Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” 2023, kỉ niệm 130 năm hình thành và phát triển Đà Lạt thành phố Ngàn hoa.

Và giờ đây, 2024 là trường ca “ Giọt giọt đêm Hà Nội” bản trường ca chào mừng 70 năm giải phóng thủ đô ( 1954 – 2024).

            Viết trường ca không phải là viết một bài thơ dài, càng không phải là xâu chuỗi những bài thơ lẻ. Viết trường ca đòi hỏi tác giả phải có đầu óc tổ chức, có vốn sống dày dặn, có khả nặng trình bày, thể hiện ý tưởng bằng thơ ca dồi dào, phong phú.

            Bốn trường ca đã xuất bản cho thấy năng lực tổ chức của tác giả. Trường ca đầu tiên được viết theo chương. Trường ca “ Sự sống và lòng biết ơn” viết theo khúc thơ có nhan đề gồm 45 khúc. Trường ca “ Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” được tổ chức theo chương, gồm 36 chương. Trường ca “ Giọt giọt đêm Hà Nội” được tổ chức, ngoài phần mở đầu gồm 12 chương. Chương đầu tiên là Sông Hồng kể chuyện, qua mười chương nội dung đến chương 12 “Một đời sông là một vạn kiếp người”.

            Trường ca đầu tiên viết theo lối cổ điển. Đó là có nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm. Người nông dân, chàng trai Đoàn Văn Vươn với quyết tâm làm giàu cho mình, cho quê hương.

            Trường ca thứ hai“ Sự sống và lòng biết ơn” gồm những khúc ca được kết nối bởi nhân vật trữ tình “Nàng”.

            Trường ca thứ ba “ Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” được kết cẩu theo chương. “Nàng” là người yêu Đà Lạt,  là nàng thơ của Đà Lạt, là bóng dáng của người viết. Nàng đóng vai dẫn dụ người đọc , hướng dẫn, thuyết phục người đọc  yêu Đà Lạt mộng mơ.

Trường ca thứ tư “ Giọt giọt đêm Hà Nội” được tổ chức theo chương ( 12 chương) kết hợp với khúc. Trong chương có khúc, khúc có tên gọi riêng kết hợp với khúc không tên. Cả thẩy 81 khúc thơ. Ở đây  nhân vật trữ tình gắn kết không phải là “Nàng” như hai tập trước. Đó là nhân vật xưng  EM (  Em lắng nghe/ Chiếc là vàng rơi thật khẽ;   Em sẽ kể tiếp anh nghe…)  ,  xưng TÔI ( Rợp xanh tôi bằng gấc mơ vòm lá;  Tôi dắt con chó nhỏ xuốn bè chạy lụt; Hà Nội của tôi trong những năm tám mươi,… ) xưng TA ( Hà Nội trong ta, Hà Nội còn trong anh;  Đêm Hà Nội trong ta, trong ta; Về đây ta say/ Tiếng đàn đáy mênh mang nhịp phách…) Cách xưng hô ấy luân chuyển, đan xen nhau qua các chương, các mục.

            Điều đó cho thấy nhà thơ linh hoạt trong việc  xây dựng kết cấu cho mỗi trường ca.

Với trường ca“ Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt”, tác giả lấy những đặc điểm nổi bật của Đà Lạt để tạo cảm hứng cho mình và cho bạn đọc. Đó là xứ sở của Ngàn hoa, Ngàn sương, Ngàn Thông, Ngàn mưa, Ngàn mơ,…Ngàn yêu, Ngàn thương, Ngàn nhớ,…

            Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt thần tiên, Đà Lạt lớn lao, hùng vĩ…

            Còn với Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, người viết lại chọn “giọt”, một đơn vị nhỏ bé để đong đếm: Giọt đêm, Giọt ca trù, Giọt phố, Giọt buồn, Giọt say,  Giọt ai oán, Giọt  xuân, Giọt hoa, Giọt phù sa, Giọt sương, Giọt môi,  Giọt Thu,…Một loạt những từ Giọt giọt :  Giọt giọt đêm, Giọt giọt ca trù, Giọt giọt phố đêm, Giọt giọt buồn, Giọt giọt say đắm, Giọt giọt đêm nồng, Giọt giọt phù sa, Giọt giọt sương, Giọt giọt hồn kĩ nữ, Giọt giọt dương cầm, Giọt giọt xuân, Giọt giọt hoa gạo,…

            Nhan đề của bản trường ca, tác giả đặt là “ Giọt giọt đêm Hà Nội”. Tại sao  lại là giọt giọt, tại sao lại là đêm? Phải chăng từ giọt giọt nhỏ bé, trong màn đêm lặng lẽ, êm đềm, huyền ảo,  trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã tạo nên một Thăng Long Hà Nội lớn lao, thiêng liêng cho muôn đời?

            Viết về Hà Nội là một thách thức lớn với mỗi người nghệ sĩ. Vì Hà Nội quá lớn lao, Hà Nội quá thẳm sâu, Hà Nội với bao nhiêu trầm tích Lịch sử, Văn hóa, Kiến trúc, Hội họa, Âm nhạc,…Viết những gì để Hà Nội chính là Hà Nội của hôm nay và của nghìn năm trước?

            Tác giả trường ca đã chọn lựa một số nét quan trong nhất của Hà Nội. Đó là Sông Hồng, Hồ Tây, Phố  ( Hà thành thơm nắng phố hoa,  Mắt mắt phố nhìn tôi,  Mùa mùa trôi qua phố),  Cây xanh và Những năm 80 khi đất nước chưa đổi mới. Về văn hóa, người viết chọn  ca trù và dương cầm ( Giọt giọt ca trù, giọt giọt dương cầm). Đó là một cách lựa chọn phù hợp với tạng, với sở trường và với những gì người viết đam mê.

            Trong trường ca này, không hiếm những mục, những khổ thơ đẹp, lung linh, như là những bài thơ độc lập.

             Dáng dịu hiền phảng phất phong sương

            Giọt giọt đêm Hà Nội vấn vương

             Thoảng đâu đây thơm mùi hoa sữa

             Mái tóc đêm đổ dài

             Chảy xanh ngắt bờ vai Hà Nội

                              Hà Nội giọt đêm tan chảy

           

            Lộng lẫy và kiêu sa

Cúc thắp lửa như sinh ra để cháy

Thu gọi nắng lên xanh

Bên những nụ cười thơm nắng mới

Thu muộn màng thắp sáng một đóa em

  1. Cúc thắp lửa gọi thu

Gió viết trên lá sen

Rưng rung nét Tây Hồ […]

Gió lưng ong

Thân vút cong

Mùa vừa sen

Ngày vừa em…[…]

Hà Nội của chúng mình

 Những ngọn bút gió viết xanh trên lá… […]

Cuộn chặt đến tức hương
            Sen vẫn lặng lẽ thơm

Ngào ngạt đêm cùng gió

Sen anh nhiên, trắng trong, thuần khiết…

               Chương  IX. Giấc sen chạm gót Tây Hồ

Hầu như các thể thơ quen thuộc đều có mặt. Có lục bát, lục bát ngắt dòng, thơ ba chữ, thơ năm chữ,  thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ 1,2,3,…

            Có thể thấy rằng người viết  đã khá chắc tay khi tổ chức kết hợp giữa chương và mục. Tuy nhiên, có thể coi là xộc xệch chăng, hay ngại vì đã quá nhiều sen trong chương 9  “ Giấc sen chạm gót Tây Hồ”, nên ba khúc về Sen:  73. Độc ẩm sen, 74. Sen đã nở trong hiếc bình gốm cũ, 75. Triết lí Sen  lại  được đặt một cách “chơ vơ “ vào chương 11. “Mắt đêm mở ra ánh sáng”.

            Ở  khúc số 69. Khúc tháng Tư. Tác giả trở về với tháng Tư Hà Nội. Nhưng bỗng đột nhiên đưa nỗi nhớ Phú Yên với 3 khổ thơ “ lạc” về từ một xứ sở chả mấy liên quan. Đành rằng tháng Tư  năm ấy, tác giả tham gia trại viết cho thiếu nhi do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Phú Yên. Đành rằng ở trại viết đó tác giả đã có nhiều hoạt động tích cực, ấn tượng. Nhưng nếu như tiết chế cảm xúc thì Khúc tháng Tư không nên có 3 khổ thơ này!

            Nghe cụ đa già kể chuyện xưa, mà chả có chuyện gì, ngoài chuyện “ trả kiếm”. Ngay cái chuyện đó cũng  kì kì “ Rùa vàng xưa/ Đứng xem đòi trả kiếm”. Ô hay, Rùa đòi trả kiếm chứ sao Rùa lại “đứng xem”! Hay là cụ  Đa đã quá già nên kể…lẫn!

            

            Mặc dù có vài nhược điểm như vậy, nhưng phải  khách quan công nhận rằng đây là một cố gắng rất đáng ghi nhận của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” thể hiện tình yêu Hà Nội sâu đằm và lòng biết ơn  của  tác giả, ra đời đúng dịp kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ Đô, lại đúng thời gian Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội phát động đợt sáng tác  “ Hà Nội và tôi”. Thật vô cùng ý nghĩa!

            Chúc mừng tác giả Phạm Thị Phương Thảo!

                                                  Hà Nội, ngày 4 tháng 9 năm 2024

anh_bia_pt

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 86
Trong tuần: 760
Lượt truy cập: 452765
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.