Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TIỂU LUẬN VỀ CHU VĂN SƠN

MIÊN MAN CÙNG CHU VĂN SƠN

PHẠM CÔNG TRỨ

pham_cong_tru

Vậy là nhà giáo, nhà văn, tiến sĩ Chu Văn Sơn về an nghỉ tại VanSon Garden đã tròn hai năm. Suốt thời gian anh bị bạo bệnh, tôi cũng ốm dài nên không chia sẻ được gì nhiều, anh ra đi tôi cũng không thể có mặt. Tháng tư năm nay, đúng vào ngày giỗ sau của anh, tôi mới có dịp lên lại vườn xưa và  kỷ niệm sống dậy, ùa về, miên man không dứt.

Ký ức “Làng Vòng” xưa

Tôi quen rồi kết bạn với Chu Văn Sơn, Ngô Văn Giá đã khá lâu, dễ có đến ngót ngoét 40 năm, nghĩa là từ thuở chúng tôi còn “hàn vi”. Về tuổi đời, tôi hơn Sơn đến gần chục tuổi, hơn Văn Giá dăm tuổi, nên họ gọi “bác” xưng “em”, song lại lấy vợ sau Sơn đến hàng chục năm, sau Giá đến dăm năm. Có chăng, do tuổi tác nên tôi xuất hiện trên văn đàn có sớm hơn hai người tí chút. Chúng tôi quen rồi thân nhau có lẽ do cái sự “hữu duyên”. Có lần, Sơn bảo: “Em với bác cứ so tuổi thì hợp nhau đấy”, chả là tôi tuổi Quý Tỵ (1953) Sơn tuổi Tân Sửu (1961), phải rồi, cứ theo Tử vi thì các tuổi “tỵ-dậu-sửu” thuộc về “tam hợp”. Trong đời thực, chúng tôi chưa bao giờ to tiếng đến mức giận nhau cả, dù bộ dạng và tính khí hai người khá xa nhau, một thô tháp có lúc đến cực đoan mà dễ mủi lòng, một thì nhỏ nhẹ, tinh tế, song lúc cần lại khá quyết đoán. Nhưng có lẽ chúng tôi gắn bó lâu dài với nhau ngoài tính khí, còn là bởi “cái duyên văn tự” và cả “cái duyên địa lý”, như cách nói của Xuân Diệu. 

Văn Giá với Chu Sơn đến với nhau như là lẽ dĩ nhiên, họ đều là dân gốc văn, trước sau đều trưởng thành ở “lò” sư phạm Hà Nội cả. Tôi dân Luật yêu văn chương, nếu không có chiến tranh tôi cũng là sinh viên Văn khoa Tổng hợp Hà Nội, bởi có giấy gọi vào khoa này năm 1972. Song,  thay cho giảng đường, tôi đã có mặt ở Trường Sơn vào những năm cuối chống Mỹ. Sau 1975, xuất ngũ về trường, tổ chức xếp vào khóa đầu tiên của Khoa “Pháp lý” (nay là Khoa Luật), vì “đất nước đang cần người có luật, mà anh lại có lý lịch tốt” (bố đảng viên, bản thân đã tôi luyện qua chiến trường). Thời ấy, tổ chức đã sắp xếp thì đừng có cãi! 

Khoảng giữa những năm 80 thế kỷ trước, tôi rời bỏ giảng viên Đại học Pháp lý sang làm báo Pháp luật, sống độc thân tại một căn hộ tập thể ở khu Nghĩa Đô (nay tách ra thành phường Nghĩa Tân, trên đất làng Vòng xưa), nằm rất gần Đại học sư phạm Hà Nội, nơi Sơn công tác. Làng Vòng thuở ấy đã chỉ như còn cái tên thơm mùi ký ức, dù tiếng chày giã cốm đâu đó vẫn còn vang vọng trong tôi“Đất này xưa gọi làng Vòng/ Tiếng chày giã cốm uốn cong trăng vàng/ Từ ngày phố nuốt mất làng/ Những em giã cốm chuyển sang... làm đầu”.

Chính trong cái không khí “vui vẻ trẻ trung” của Đại học sư phạm hồi ấy, đã hình thành nên một Câu lạc bộ văn học “Làng Vòng” (dù không có điều lệ, tuyên ngôn gì) đối trọng của Câu lạc bộ thơ “Thanh Xuân” - một thương hiệu khá nổi tiếng thời đó. Trần Hòa Bình, tác giả  “Thêm một”, đang sống cùng ca sĩ Q.L, và con gái nhỏ Q.T, thì cố thủ trong một căn phòng nhỏ của trường, nên mặc nhiên là chỗ lui tới của nhóm đam mê viết lách. Hoàng Thế Sinh, Nguyễn Hiền Lương cùng nhiều vị khác... từ “xứ mù”, “xứ mưa”, “xứ gió Lào, cát trắng” về học cao học, rồi thì đạo diễn phim trẻ Nguyễn Anh Tuấn, nhà giáo Châu Hồng Thủy, Văn Giá... gốc sư phạm văn, thỉnh thoảng tạt qua, góp mặt. Không khí thêm phần rôm rả, hào hứng vì có đông đảo các nữ sinh khoa văn trẻ xinh hâm mộ các văn thi sĩ ở “thì tương lai” làm “phông nền”, mà tôi, Văn Giá... thì vẫn như còn độc thân. Nói “vẫn như” vì thực ra anh nào cũng ôm ấp một bóng hồng nào đấy trong tâm tưởng, lấy làm “nàng thơ” của riêng mình. 

Thuở ấy nghèo khổ nhưng mà vui. Chỉ vài cốc bia hơi với một nhúm lạc, mấy cái kẹo dồi, kẹo vừng, là ai nấy mặt đỏ tưng bừng, thơ phú tuôn ra dào dạt. Trần Hòa Bình kính cận dầy cộp, tóc trùm gáy, có khách là cứ xoa xoa tay, rất trịnh trọng “rước bác, rước bác vào”. Văn Giá, với bút danh “Văn Hoàng Thương” mùi mẫn, bụng lép kẹp ôm cây đàn ghi-ta tróc vỏ tay bật bông, miệng nghêu ngao mấy câu tự ứng tác “Ăng - pa - rô/ Chỉ có em mặc toàn áo trắng…”. Chu Sơn, chẳng biết gia đình tạm trú ở đâu, cũng thường lánh vợ con góp mặt trong các cuộc vui, khi thì ở căn phòng của đám cao học, khi thì ở mấy quán nước quanh đó. Tối tối, dưới ánh sáng chập chờn lúc đèn điện, lúc đèn dầu, lúc tối om, người ta uống và nói, nói say sưa cười nghiêng ngửa, cướp lời nhau. Những cụm từ nghe rất hàn lâm, như “hình tượng nghệ thuật”, “thế giới nghệ thuật” “quan niệm nghệ thuật”, “phong cách học”, thi pháp học”… cứ tự nhiên mờ chồng lên những  “cấu thành tội phạm”, “tình tiết tăng nặng”, “bồi thường hợp đồng”…vẫn thường trực trong tôi.

Cũng góp mặt ở các cuộc vui ấy song Sơn rất ít khi cao giọng, một tấc bốc trời như số đông. Trong cái ồn ã, Sơn vừa nhâm nhi vừa ngắm nghía người ta và ngẫm nghĩ, thỉnh thoảng mới đế vào một câu. Sơn không thuộc số lợi khẩu kiểu “anh hoa phát tiết ra mồm”, mà phát tiết ở bài viết, kiểu “ở trong còn lắm điều hay”, dù anh cũng là một kẻ nói năng khúc chiết, giao tiếp có duyên và đặc biệt là rất lịch thiệp, không cướp lời ai bao giờ. Những giờ giảng văn, ôn tập văn của Tiến sĩ Chu Văn Sơn trên truyền hình một thuở đã là một thương hiệu “đốn tim” đám học sinh trung học đang ôm giấc mộng trở thành sinh viên khoa văn một đại học học nào đó. Do có uy tín trong làng sư phạm văn, mà trong nhiều năm anh đã được Bộ giáo dục mời tham gia vào Ban ra đề và chấm thi tuyển sinh đại học, môn văn. Vì sinh kế, một thời Sơn có tham gia  “lò luyện thi” đang tưng bừng mở ra xung quanh đại học sư phạm, song sớm bỏ vì anh thấy rằng đây không phải là đất dụng võ của mình.

Ký ức làng Vòng thuở nào đã được tôi tái hiện trong “Làng phố giao duyên” (2010): “Quên được sao/ Thuở tụ tập văn chương đám bạn làng Vòng/ Cùng Trần Hòa Bình, Châu Hồng Thủy, Văn Giá, Chu Sơn tập tành thơ phú/ Nay đứa thành “nhà”, đứa thành “ma” ngoài nghĩa địa/ Đứa lặn lội xứ người tuyết trắng rợn chiều đông…”. “Nhà” là Văn Giá, Chu Sơn…họ trước sau đều là hội viên Hội nhà văn, “ma” là Trần Hòa Bình, anh đột quỵ trong một chuyến du ngoạn ở vùng biển Hải Hậu, quê tôi. Châu Hồng Thủy, biệt danh là “lềnh phềnh sĩ” lúc đó đã tốt nghiệp Viện văn học mang tên M.Gorky, nhưng vẫn còn đang lênh đênh ở xứ Bạch dương xa xôi.

Làng Quan Hoa thuở ấy

Vào khoảng đầu những năm 90, do nhu cần bức bách có nhà riêng để ổn định gia đình vì đã “quá niên trạc ngoại tứ tuần”, tôi dạt về làng Quan Hoa ngay cạnh Cầu Giấy, bắc ngang sông Tô Lịch. Tô Lịch cái tên thơ mộng còn sót lại của đất đế đô xưa, thế mà quanh năm nước xanh đen, bốc mùi xú uế, ai qua cũng phải đi cho nhanh. Gặp tôi với vẻ quan trọng, Sơn bảo: “Bác về Quan Hoa là gần nhà cụ Mạnh đấy”. “Cụ Mạnh” là cái cụm từ  mà đám học trò gọi thân mật Gs. Nguyễn Đăng Mạnh, thầy mình. Ái chà, cái tên Nguyễn Đăng Mạnh - bậc “tiên chỉ” trong làng văn, tôi đã có đọc đây đó, còn người thì chưa tường mặt.

“Cụ Mạnh” một địa chỉ văn chương, mà Sơn, và nhóm Đỗ Ngọc Thống ra vào thường xuyên, khi thì vì công việc, khi chỉ là cái cớ để thăm thầy. Rồi do tiện đường họ thường rẽ vào nhà tôi nói vài ba câu chuyện phiếm. Phải nói Sơn là học trò yêu hàng đầu trong số rất nhiều sinh viên mà Gs. Mạnh hướng dẫn luận án tiến sĩ. Và, cũng chính Sơn, sau này đã được thầy Mạnh tin tưởng giao phó việc làm tuyển tập cho mình, vào cuối đời. Vui miệng, có lần Sơn tếu táo “sau này ngõ 68 Quan Hoa sẽ là ngõ Phạm Công Trứ đấy”, tôi cười “đường còn chẳng ăn ai nữa là ngõ, mà nếu có thì đó phải là ngõ Nguyễn Đăng Mạnh chứ!”. 

Làng Quan Hoa (đặt theo tên của một vị quan thời trước, vẫn còn mộ ở đây) lúc ấy tá túc khá đông các văn nhân, mà toàn vào loại có “tem mác” cả. Ngoài Gs. Mạnh thì còn là Gs.Phương Lựu, tức Bùi Văn Ba, cũng đại học sư phạm Hà Nội - thầy hướng dẫn luận án của Văn Giá, rồi Ts.Trương Đăng Dung, nhà thơ, sau làm đến chức Viện phó Viện văn học. Nhà viết ký Minh Chuyên, đạo diễn phim truyền hình của VTV, người Thái Bình, không rõ từ đâu đó cũng tấp về đây. Ấy vậy mà chỉ mấy năm sau, số đó cũng lại tứ tán cả, đâu như chỉ có Minh Chuyên còn trụ lại. Người dân ở đây thường bảo “Quan Hoa là đất đãi khách”, đúng, nhưng chỉ đãi khách thuở “hàn vi” thôi, chứ đủ lông cánh là khách vỗ cánh, sớm nói lời chào tạm biệt.

Cũng tại đây, tôi có cái gọi “Quan-Hoa-Các” của mình. Ấy là một cái gác vài mét vuông, trông như cái chuồng chim “bự” của chủ cũ để lại, lợp fibro xi-măng, về mùa hè nóng như rang, mà tối tối tôi thường quần đùi, áo lót leo lên...hóng gió, thưởng nguyệt, tìm tứ thơ. Có lần do tò mò, Sơn trèo qua mấy bậc xi măng, ghé mắt quan sát cái gác đó tủm tỉm cười, rồi ngâm nga mấy câu hoa lá cành, trêu tôi“Có người với ấm nhân trần/ Ngồi Quan-Hoa-Các ngâm vần thơ quê”, ... “Lãng nhân buổi ấy bỗng có nhà/ Có sân cây cảnh gác Quan-Hoa”. Nếu không “mục sở thị”, mà tin vào thơ thì người ta cứ ngỡ như hắn đang ngự ở một lầu son gác tía nào, kiểu như mấy ông tiến sĩ-nhà thơ vương giả bên nước Tàu thời Thịnh Đường, với những là Hoàng Hạc lâu, Đằng Vương các, Hàn San tự...vang bóng đến tận bây giờ.

Rồi, cũng do thời vận đưa đẩy, vài ba năm sau để cải thiện chỗ ở, tôi đã bỏ Quan-Hoa-Các nằm trong hẻm để chuyển ra mặt ngõ, rộng hơn, bề thế hơn. Cuộc “đổi đời”này còn để nhằm “trả thù” cái thời “cơm bụi nằm bàn” nhiều tập, cùng với lời phán độc địa của thế nhân: hâm hâm dở dở thì rồi sẽ không nhà, không vợ, cho mà xem! Tính toán chuyển đổi khó nhọc thế mà rồi cũng chẳng trụ được ở nhà mới bao lâu, sớm phải bán sới đi. Tiếc đứt ruột khi phải chia tay một “biệt thự” làng, cùng lũ cau bưởi trong sân vườn đang độ xanh um, bắt đầu bói quả.

Thấy tôi nhăn nhó phàn nàn về cái sự nhọc nhằn mà trời không cho thụ hưởng, Sơn tỏ ra có võ vẽ phong thủy giải thích “Bác mệnh Thủy - “trường lưu thủy” kỵ thổ rồi, dòng nước dài lớn sẽ cuốn phăng thổ đi là cái chắc”. Nghiệm ra mà đúng, bởi sau này tôi cũng phải bán lỗ vốn hàng nghìn mét vuông đất tậu được ở Hòa Lạc cùng thời với vợ chồng Sơn. Thế là mưu toan sẽ làm trang trại - một “địa chỉ văn học”- đối trọng với VanSon Garden thành chuyện của “thời xưa vắng”. Còn Sơn “mệnh thổ”, là cái lẽ thuận thiên để Vân Anh “mệnh kim” săn lùng đất, mà xem ra chỗ nào kiếm được cũng đều đắc địa, như trời giúp cả. Tôi tin là phần lớn các “sĩ” (“văn sĩ”, “báo sĩ”, “giáo sĩ”) thời ấy ai cũng phải gồng mình vật lộn, bon chen với đời để có một chỗ cắm chân ở cái nơi gọi là “đất Thánh” đắt đỏ, như tôi, có điều do tế nhị họ không nói ra mà thôi.

Người chọn văn, văn chẳng phụ người

Tôi biết, trong thâm tâm Chu Văn Sơn khá hài lòng với nghề sư phạm văn đại học, được xem như là nghề “thầy của thầy”. Với ai, vào sư phạm là “chuột chạy cùng sào”,  dậy văn là gánh nặng, chứ với Sơn thì không, mặc dù chính anh đã có lần than vãn rằng nhiều lúc phải “ngậm sâm” để lên lớp vì dậy nhiều “cua”, mệt quá. Và, có lẽ cũng do nhiều năm trên bục mà có đận Sơn bị thoát vị đĩa đệm ở sống lưng, cực đau đớn, bi quan, tưởng như rồi phải bỏ nghề. Sơn yêu văn học, quý sinh viên, lứa tuổi mắt trong tâm sáng, xem văn chương như một đền đài đầy bí ẩn, còn những người ra vào “hương khói” thì như những vị Thánh sống.

Ý thức cao với nghề dậy, nên làm sao để mỗi giờ học văn của sinh viên là một giờ thăng hoa, chứ không phải là giờ bị đầy ải, tra tấn nhau, là điều canh cánh trong anh. Không chỉ chuẩn bị kỹ càng bài giảng, mà trên lớp anh còn dụng công “tung hứng” diệu nghệ để giờ giảng sống động, đầy tính truyền cảm, cộng hưởng, khơi gợi. Làm sao để mỗi bài viết ra không bị bạn đọc chê là “nhạt”, là vô bổ, cũng là nỗi ám ảnh thường trực, khiến anh vắt sức mỗi khi đặt bút viết bài. Với Sơn, văn học là cả một thế giới, rộng rinh, sâu thẳm, dù có mấy cuộc đời cũng không hy vọng khám phá hết, trả hết cái “nợ văn chương” mà mình tự nguyện mang vác.

Ngoài nghiệp nói và viết, thầy giáo trẻ Chu Văn Sơn cũng còn dụng công cùng khoa văn tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ấy là mời một số các “nhà”, hay tác giả đã thành danh, hay đang có tác phẩm gây ấn tượng vào trường giao lưu, tương tác với sinh viên. Còn nhớ, vào những năm đầu chín mươi, Nguyễn Thị Thu Huệ và tôi, một văn, một thơ, đã từng là những nhân vật chính tại một buổi giao lưu như thế. Không còn nhớ cụ thể nhưng ấn tượng nhất là sinh viên ngồi chật kín hội trường, đứng trên sân khấu nhìn xuống mà phát hãi, dù tôi cũng đã từng làm thầy đứng bục. Rất may, tác giả “Hậu thiên đường” văn đã hay lại xinh đẹp, dẻo miệng, nên đã “cứu” được buổi giao lưu. Chứ cứ như tác giả “Lời thề cỏ may” đã già khú đế lại còn vụng về trong giao tiếp thì hỏng cả việc, phí cả công người tổ chức, kết nối!

Làm ông giáo văn đại học, Sơn có dịp thỏa mãn cái gọi là “ba trong một”: nói, viết và đi. Với những giờ lên lớp, anh có dịp truyền giảng cái hay, cái đẹp, của các áng văn thơ, mà đối tượng tiếp nhận lại rất chọn lọc - toàn là sinh viên văn khoa, hoặc học viên cao học. Dậy văn cũng là chất xúc tác kích thích anh viết bài đăng báo, đăng tạp chí đều đều. Lại cũng do giảng dậy, anh có dịp xách cặp xê dịch đến nhiều vùng miền đất nước, quen biết nhiều bè bạn. Gặp anh, tôi thường đùa tếu, bằng hai câu nhại Kiều: Bình tán quen thói xưa nay/ Nghề này thì lấy ông này tiên sư”. Nghe thế anh chẳng những không tự ái mà còn có vẻ thích thú nữa, cứ cười hi hi!

Vào sư phạm văn, Sơn là trò của nhiều bậc giáo sư, tiến sĩ anh hằng hâm mộ, và sau đó anh lại trở thành đồng nghiệp của họ. Đến lượt mình, thầy giáo trẻ Chu Văn Sơn lại có nhiều lứa sinh viên thụ học hâm mộ, thậm chí ngưỡng mộ. Trong thâm tâm Sơn rất biết ơn, và tự hào nhận mình là học trò của cụ Mạnh, cụ Sử, cụ Hiến (Gs.Ts.Trần Đình Sử, Ts. Hoàng Ngọc Hiến), cùng nhiều “cụ” khác - những “cây đa”, “cây đề” trong làng giáo, làng văn. Cụ Mạnh, cụ Sử thì đã đành, cụ Hiến không trực tiếp dậy Sơn nhưng anh vẫn kính phục, vì có nhiều “phát kiến, phát ngôn có tầm”, xem như thầy mình. Với tác giả “Nhà văn - Tư tưởng, phong cách”, Sơn tâm đắc với câu của thầy, đại ý rằng: Một nhà tư tưởng lớn không chắc là một nhà văn lớn, song một nhà văn lớn trước hết phải là một nhà tư tưởng, tất nhiên là tư tưởng nghệ thuật. Nghiên cứu một nhà văn, nhà thơ là phải tìm ra, nắm bắt cho được cái phong cách nghệ thuật của họ, tức cái thần thái, cái hồn vía của nhà văn đó, khu biệt với các nhà văn khác.

Trong các bài nghiên cứu, phê bình của mình, Sơn đã thể hiện đậm nét cái điều đã thụ đắc đó. Chẳng hạn, với Xuân Diệu thì là “tù nhân của chữ tình”, với Nguyễn Bính thì là “kiếp con chim lìa đàn”, Hàn Mặc Tử là “một định nghĩa bằng máu về thơ”, Hoàng Cầm là “gã phù du Kinh Bắc”, Xuân Quỳnh là “cánh chuồn trong giông bão”, Nguyễn Duy là “thi sĩ thảo dân”, Vi Thùy Linh là “thi sĩ của nữ quyền”… Một lời khuyên nữa của thầy, mà Sơn lấy làm phương châm hành nghề, là viết gì cũng phải gắng hết sức như con mãnh thú thu mình lấy đà để nhảy vồ miếng mồi... văn chương. Để có trang văn hay, bài giảng cuốn hút, chẳng dễ dàng gì, năng khiếu trời cho có hạn. Biết thế, Chu Sơn đã có ý thức mở rộng kiến văn, trau dồi sức bút bằng đọc, bằng đi, bằng nghĩ, và nhất là đóng cửa để luyện chữ, chẳng khác gì võ sĩ luyện công, hiệp sĩ luyện chưởng xưa. Có thể nói mà không sợ thất thố rằng, không ở đâu, cái gọi là “quyền lực của chữ” lại thể hiện rõ như trong các trang viết của Sơn. “Chữ bầu lên nhà thơ” cái mệnh đề trứ danh của Lê Đạt cũng ứng nghiệm với nhà phê bình họ Chu.

Với cụ Sử, thì Sơn tiếp thu được rất nhiều về lý thuyết nghiên cứu, phê bình hiện đại. Có điều là những lý thuyết này được Sơn vận dụng rất nhuyễn. Có lần ngồi cà phê, cà pháo với nhau ở quán “Mộc” gần chợ Nghĩa Tân, tôi ướm hỏi giữa lối phê bình tạm gọi là theo cảm xúc, mà đại biểu là Hoài Thanh, và lối phê bình thi pháp học đang thịnh hành, mà Gs. Sử là “cha đỡ đầu”, thì ông thiên về lối nào. Sơn tiết lộ rằng mình tiếp thu và kết hợp cả hai lối phê bình ấy, cũng như tham khảo lý thuyết của các trường phái khác, tuy nhiên theo cách của Sơn. Với Sơn, mỗi lối đều có mặt mạnh mặt yếu của nó. Nếu chỉ thuần túy dựa vào cảm xúc trực giác thì dễ mang nặng cảm tính, không tránh khỏi chủ quan, hời hợt, còn nếu chỉ thi pháp đơn thuần thì đọc một vài bài thấy hay, thấy mới, thấy khoa học, còn nếu xâu chuỗi lại thì khó tránh khỏi cảm tưởng máy móc, công thức.

Phục các thầy, tiếp thu, kế thừa các “thao tác”, các “thủ pháp” cùng các “mảng miếng” của các thầy, song, tôi biết anh đang âm thầm đi tìm một lối nghiên cứu, phê bình riêng, mà tôi đồ là mang phong cách Chu Văn Sơn. Phong cách ấy hiểu một cách đại thể và có phần thô thiển, là sự kết hợp hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật. Khoa học giúp đi vào chiều sâu, chiều khám phá, “chỉ mặt đặt tên”, còn nghệ thuật hướng lên chiều cao, chiều thăng hoa, “có nhung có tuyết”. Điều này chẳng có gì mới, song vận dụng nó sao cho nhuần nhuyễn, cho hiệu quả thì lại không dễ chút nào. Và, trên thực tiễn Chu Sơn đã từng bước ghi dấu ấn riêng mình trong ba tác phẩm “Ba đỉnh cao Thơ mới”,  “Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm” (in chung), “Thơ - Điệu hồn cấu trúc”.

“Phong cách lớn nhất là không có phong cách nào cả”, có lần trong khi vui chuyện tôi đã buột miệng thốt ra câu này, dù chẳng nhớ đích xác câu ấy của ai. Sơn gật gù “câu này thoạt nghe tưởng rằng ngụy biện, song ngẫm ra cũng có lý”. Cũng có lúc cao hứng Sơn nói ra miệng “mình làm phê bình, song phê bình của Chu Văn Sơn có văn”. “Có văn” là thế mạnh, cái mà chúng bạn, trong đó có tôi, thường khen Sơn mỗi khi đọc bài viết của anh, và Sơn cũng có vẻ rất khoái. Theo Sơn, các “cụ” kiến văn rất rộng, suy tư rất sâu sắc, đúc rút thật chí lí, đúng là các bậc thầy, bậc “trưởng lão”, nhưng nhìn chung họ không thật mạnh về mặt viết sao cho có văn, tức cũng là có hồn vía. 

Quả thật, văn nghiên cứu, phê bình của Chu Văn Sơn đọc rất cuốn hút, thậm chí ám ảnh, chẳng những bởi ý sâu, mà còn ở bút lực thâm hậu, bút pháp sinh động. Nói về sự sâu sắc, lại nhớ đến cái lần vài ba anh rỗi hơi ngồi tán tếu về cái sự hào phóng lời khen của nhà thơ Hữu Thỉnh - đương kim Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam, ấy là khi gặp Sơn lần đầu, ông rất ngạc nhiên đã “vỗ đùi đánh đét”, kêu lên: “Chu Sơn đấy à, trẻ người mà sao viết sâu sắc thế!”. Cũng không là quá đáng khi có thể xếp một số trang, số đoạn trong tùy bút và tản văn của Chu Sơn vào hàng “tuyệt bút”, thậm chí “thần bút”, nó thăng hoa, lung linh bay bổng như thơ.

Mà thực ra, trong gia tài chữ nghĩa khá dầy dặn của mình, theo chỗ Văn Giá, thì Sơn có độ hơn chục bài thơ, phần lớn là chưa công bố, có chăng chỉ là loáng thoáng vài bài trên mạng. Vậy là anh vẫn âm thầm bắt tứ, gieo vần mỗi khi “nàng thơ” bất thần đến thăm, mỉm cười liếc mắt đưa tình. Tôi nghĩ, ngoài cảm hứng, thần hứng tìm đến, thì cái việc Sơn viết tùy bút, tản văn, và âm thầm làm thơ còn bởi một điều thôi thúc nội tâm là: “người làm nghiên cứu, phê bình cũng cần phải biết sáng tác”. Bởi đâu đó trong giới sáng tác có định kiến rằng “bọn phê bình có viết văn, làm thơ đâu mà hiểu được chuyện bếp núc của dân sáng tác, nên nhiều khi chỉ phán bừa”. Trong khi đó, Văn Giá, ngoài giảng dậy, viết phê bình, đã cho ra đời vài tập truyện ngắn khá dầy dặn, và nhất là cái “sự kiện” Nguyễn Thị Miền (bút danh của Vân Anh), cũng đã bất ngờ ra mắt tập văn xuôi “Cúc tần”, và sau đó là tập “Đá nhọn vực sâu”, gây ấn tượng.

Việc Sơn có thơ tôi không bất ngờ, bởi đã từng nghe anh đọc bài “Bói tay cho em” từ lâu lắm rồi, chỉ nghĩ là anh đã chia tay nàng thơ hoặc nàng đã bỏ anh. Điều tôi bất ngờ là cái sự công bố thơ. Mươi bài là đủ một tập mong mỏng rồi. Thơ hay cần gì nhiều. Một bài có khi đã lưu danh hậu thế. Ấy vậy mà, nghe đâu Chu Sơn-Vân Anh đã giao kết miệng với nhau một “hợp đồng”, trong đó có điều khoản “chết người” là sẽ không xuất bản những bài thơ đó, còn lý do việc đó là gì thì có lẽ chỉ hai người biết, hoặc là trời biết (?). Thôi thì cứ tạm xếp những bài thơ đó vào số “di cảo” của Chu Sơn, hy vọng vào một dịp nào đó chúng sẽ được công khai ra mắt, kiểu như người ta “giải mật” các tài liệu quan trọng ở cấp nhà nước, sau cái khoảng thời gian luật định, ở đây thì là trời định.

Dù chỉ loáng thoáng đây đó vài bài, song thơ ấy là của người ấy, tài hoa mà nặng suy tư, chiêm nghiệm, tự vấn ở tuổi “tri thiên mệnh”. Chúng đủ gây ấn tượng, nhất là ở những câu kết đầy ám ảnh “tuyết chập chờn một kiếp/ ta vô duyên một đời/ bao người đi tìm tuyết/ gặp tuyết được bao người?/ những bông tuyết/ cứ âm thầm/ trắng buốt…” (Tuyết Mẫu Sơn).“Trái núi nào/ cũng mộng mị Mẫu Sơn/ sắc hoa nào/ cũng tái nhợt/ Layơn…” (Hoa Layơn đỉnh Mẫu Sơn). “Đó là loài hoa nở vào cuối năm/ Đó là loài hoa mọc nơi cuối đất/ Đó là loài hoa đợi ở cuối đời” (Phận hoa bên lề)“Trắng buốt”, “tái nhợt”, “cuối đất”, “cuối đời”, tả cảnh, ngụ tình thì đã hẳn. Đó còn là thứ thơ rút ruột ký thác, chúng mạng nặng hồn cốt của người thơ phong vận như thơ ấy: cô đơn mà không cô độc, kiêu hãnh mà không kênh kiệu.

Người săn tìm cái đẹp, hay cái đẹp tìm đến để “ký thác” phận mình?

Đọc văn Chu Sơn, tôi cứ lẩn thẩn, tự hỏi: Sơn đi tìm cái đep, hay cái đẹp tìm Sơn để ký thác “phận” mình? Cái đẹp trong những tùy bút, tản bút của Sơn không tươi tắn, phồn thực, viên mãn mà là mong manh, dễ vỡ, đang mai một, lép vế trước cuộc sống ngày càng phồn tạp, thực dụng, bon chen. Ai đó nói rằng “đại công nghiệp giết chết thi ca”, chẳng lẽ điều đó lại ứng nghiệm sao? Chẳng lẽ cứ cái này lên ngôi thì cái kia phải tàn lụi đi? Với Sơn, cái đẹp, như một định mệnh, bao giờ cũng song hành cùng cái mong manh, cái bất an. “Đối cực” của cái đẹp không chỉ là cái xấu mà có khi còn là cái vô cảm, cái tưởng như đẹp. Khi viết, Sơn như có ý lựa chọn những đối tượng mà mình có thể gửi gắm tâm sự, suy tư, mà luận về đời, về nghề văn. Đã là hang thì phải là Sơn Đoòng, là tháp phải là Ăngkor, là nước phải là Bhutan, là tượng phải là nhà mồ Banar...

Ở chiều ngược lại, là những thân cò, thân vạc, những cỏ lau, cánh hoa, cánh bướm mỏng manh đâu đó bị đời lơ đãng bỏ qua, hay thô bạo chà đạp lên. Dù mỏng manh hay kì vĩ thì dưới mắt Sơn chúng cũng ít nhiều đều như có “phận số”, có “căn kiếp”... “như kiếp tôi chẳng hạn” (Lão Hạc). Vậy nên đọc anh, gấp sách lại lòng cứ man mác một nỗi buồn, như mất một cái gì đó rất quý giá, mà rất khó gọi rõ thành tên. Có lẽ đó là nỗi buồn muôn thuở cần có của sự tự vấn, tự thanh lọc chăng? Văn hào Đotxtoiepxky chẳng đã bảo: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” đó sao!

Tôi ít thấy những cây chuối, cây mít… dân dã cùng những con người bình thường, dung dị trong văn Sơn. Là người quê, nhô lên từ bùn đất, nên tôi rất phục Nguyễn Bính đưa những dậu mùng tơi “xanh rờn”, hoa xoan “lớp lớp rụng vơi đầy” vào thơ, hay Nam Cao tả cái tàu lá chuối cứ ưỡn cong rồi “giãy lên đành đạch như là hứng tình” trong cái đêm trăng bên bờ sông quê, nơi Chí Phèo thăng hoa cùng Thị Nở. Song biết làm sao được. Chu Sơn là cây bút có thiên hướng duy mỹ, thậm chí là “bi mỹ” (chữ của Phạm Xuân Nguyên). Người ta thấy cái Tâm đang điều khiển cái Tài, cái Tài đang phụng sự cái Tâm . Nói đúng hơn cái Tài cái Tâm đang hòa vào nhau để tạo nên cái Đẹp”. Thiết nghĩ, những dòng này Chu Văn Sơn viết về Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, song cũng như dành cho chính tác giả của nó, người không mệt mỏi trong cõi chữ trên hành trình săn tìm cái đẹp, nâng niu cái tài, đề cao cái tâm.

Phục bạn, song tôi cũng cho rằng, do quá chú trọng vào việc tóm bắt thần thái của một tác giả - đối tương nghiên cứu, Sơn thường “cấu trúc” bài viết theo lối “nêu mệnh đề” rồi “chứng minh”. Mệnh đề nằm ở “tít” bài, mà anh đã “rút” ra từ sớm, sau khi đã dày công “rình” con mồi - đối tượng mà mình nhắm tới, còn chứng minh thì ở các tít phụ anh triển khai. Mà hại thay, Sơn chứng minh lại quá sâu sắc đến cùng kiệt, nên không còn mấy đất cho người ta suy nghĩ, tưởng tượng thêm nữa. “Sau ông quả là khó viết”- ấy là câu mà L.Tolxtoi dành cho I.X.Turghenhev khi nói về thiên nhiên Nga, mà trong một chừng mực nào đó, cũng có thể dành cho cả Chu Sơn.

Cũng do vốn liếng chữ nghĩa phong phú, sung mãn lại đi đến cùng kiệt mạch văn và dòng cảm xúc, mà đôi khi văn Sơn không tránh khỏi có chỗ như sính chữ, khoe chữ, có đoạn còn nhuốm mùi “biền ngẫu” nữa. Có lần Sơn thú nhận, bảo cái “tạng” của mình thế, và nói chung là của dân sư phạm, thích giảng giải, bình tán. Tâm huyết của Sơn chỉ dành cho thơ, mà phải là thơ trữ tình thuần túy. Nhìn chung, Sơn kỵ thơ hài, thơ trào phúng, kể cả thơ thế sự sống sít. Sơn biểu dương phần quê kiểng của thơ tôi, đã hướng dẫn vài sinh viên cao học làm luận văn, song anh cũng cảnh giác, khi thấy tôi rẽ sang mạch “phồn thi”.

Theo Sơn, thì phải là “Em đi để lại chuỗi cười/ Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê”, “Con sông không ốm mà gầy/ Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn”, “Mùa thu khoác áo sương mù/ Đầu đội mây trắng ngồi tu nắng vàng” hay “Đường làng bề bộn rơm phơi/ Trong rơm rúc rích tiếng cười trẻ con”, “Tình tôi như một mũi tên/ Đã ra khỏi nỏ là quên đường về”… mới ra Phạm Công Trứ”. Sơn không thích ai thì thôi, chứ rất ít khi “phê”, mà có khen hay chê thì cũng rất tế nhị, kiểu như “Nét quê này là vốn hương hỏa ông cha chia cho cả Nguyễn Bính và Trứ”, hoặc như “Bông may về sau có cứng cáp hơn, nhưng cái run rẩy của hoa may xem chừng vơi hơn”. Trong giới viết lách, tôi tin là sẽ có người không thích Sơn, đó cũng là điều bình thường, song anh không có “kẻ thù”. Anh không chủ trương “dĩ hòa vi quý” nhưng với “tính bản thiện”, anh không muốn làm đau ai. Với anh, ai mà đã vướng vào nghiệp văn thì là khổ rồi, là thành “tóp” rồi, mà nếu còn bị mũi dao phê bình lạnh lùng đến tàn nhẫn mà lách, mà chích vào nữa thì khiến kẻ cầm bút dễ  thành “thân tàn ma dại” như chơi. 

Trong nghiên cứu, phê bình Chu Sơn rất kỹ tính, thậm chí khó tính, song cũng lại khá “dân chủ”.  Anh không nệ chuyện cũ mới, truyền thống hay cách tân, người thành danh hay chưa thành danh, miễn là thấy hay, thấy thích theo ý anh. Cứ đọc lại bài “Sức sống mãnh liệt của lục bát” mà xem. Trước Chu Sơn chưa có ai xưng tụng lục bát chí lý đến thế, sau Sơn chẳng biết có ai còn tâm đắc với thể thơ thuần Việt đến như vậy nữa không? Trong “Ba đỉnh cao của thơ mới”, theo tôi, thì bài về “Nguyễn Bính - kiếp con chim lìa đàn” là có hồn vía hơn cả. Văn Thùy một tác giả thơ dân gian gây ấn tượng, cũng được anh dành cho sự ưu ái đúng mực trong một bài viết. Văn Thùy cảm động lắm vì “rơm rác như Văn Thùy mà được một tiến sĩ văn chương “sờ” đến”.

Trong khi vui chuyện, Sơn không giấu giếm ý tưởng là dần dà sẽ dụng bút đến hầu hết các tác giả thơ mà anh cho là đáng kể, là quan trọng để rồi sau đó đúc rút ra một cái gì đó, có tính nhận định, về nền thi ca Việt Nam hiện đại. Tôi tin rằng với tài năng đã ở độ chín, lại dồn hết tâm lực và đầu tư  thời gian thích đáng, mà trời còn cho sống, thì nhất định anh sẽ có một công trình chuyên sâu, dài hơi về thơ mang đậm dấu ấn Chu Văn Sơn, như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, thầy anh, đã làm cho văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Còn nhớ, tôi có lần đọc anh nghe bài “Vườn thơ” viết tặng Vũ Nho, tác giả tập “Đi giữa miền thơ”, trong đó sau khi diễn tả cảm xúc của cái người thung thăng đi giữa miền thơ dài và rộng như một “miền đất hứa” vào một sáng mùa xuân đẹp trời, tôi khép lại“Bông nào người cũng quý/ Cũng trân trọng nâng niu/ Nhưng rồi người lẩm bẩm/ Chưa bông nào thật siêu”. Nghe song, anh kêu lên: “Bài này chính nhẽ ra dành cho Chu Sơn mới phải chứ!”. Tôi đành chống chế: “Chu Sơn không “đi giữa miền thơ” mà “đi giữa rừng thơ” thì biết làm sao! Tôi ứng khẩu hai câu thơ của Xuân Quỳnh mà tôi ngờ là dành cho Lưu Quang Vũ “Cánh đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”, có điều là khi đọc, tôi đã “tháo cáy” đổi chữ “em” = chữ “tôi”. Nghe thế, Sơn có vẻ ngờ ngợ song cũng gật gù ra dáng suy tư lắm.

Thực ra trước đó, trong “Cỏ may thi tập”, tôi đã có đề tặng C.V.S bài “Trong đầm”, trong đó có bóng hình của một “Lung linh  trinh nữ khỏa người bên sen” vào một buổi chớm hè cũng lại đẹp trời, để khẳng định“Trong đầm đẹp nhất là em”, rồi thì hoa sen và mặt người cùng “tương ánh hồng”: “Lá xanh dấu nửa nét cười/ Nõn nà búp trắng đỏ tươi chúm hồng”. Biết chuyện, Vân Anh có vẻ khó chịu, cằn nhằn: Đúng là thơ thẩn, tặng gì không tặng lại tặng “chúm hồng” (!). Thì đã bảo Sơn thuộc trường phái duy mĩ, đa cảm và lãng mạn mà. Tôi biết chính cái số “tài hoa/đào hoa” trời cho này mà nhiều lúc đã khiến Chu Sơn lâm vào cảnh oái oăm khó xử ở cái chốn nhiều khi lẫn lộn giữa văn trường và tình trường, lắm hoa thơm, cỏ lạ và cũng nhiều phiền toái, lại không thiếu những giọt nước mắt.

Chân dung tự họa và nhìn gần

Là người quảng giao, hiếu khách, nên Chu Sơn -Vân Anh có rất nhiều bạn, phần lớn là bạn văn chương. Thạc sĩ Vân Anh, “hiền thê” của Chu Sơn, một nhà báo sắc sảo, cá tính mạnh, có thời cầm bút, cầm “mic” tung tẩy kinh qua mấy tòa soạn báo, cả báo viết lẫn báo nói trên đất Hà Thành. Song, mấy chúng tôi chơi với nhau khá thân và lại có thâm niên, là còn do gốc gác đều là dân tỉnh lẻ về Hà Nội, sau một thời gian “biệt xứ”. Tôi thì Trường Sơn về, Văn Giá thì Sơn La xuống, Chu Sơn thì Quy Nhơn ra. Vân Anh thì Thường Tín lên. Chu Sơn với Vân Anh vừa là bạn đời, bạn tâm giao, tâm phúc, vừa là đối trọng, duyên nợ của nhau, với đủ cả “hỷ nộ ái ố”.

Sơn gắn bó với Gía như một “cặp bài trùng”, bất cứ cái gì viết ra họ cũng đều trao đổi với nhau, cho nhau đọc trước, sửa sang kỹ càng, rồi mới gửi đăng báo hay tạp chí. Tôi dân Hải Hậu (Nam Định), gần biển, ăn sóng nói gió, dáng vẻ thô tháp, đôi khi cực đoan, giọng lưỡi chất chưởng. Văn Giá người Kinh Bắc, đất Phật, nên có vẻ hiền lành, đôn hậu. Nhìn chung thế thôi, chứ cứ sau vài chén đưa cay là Văn Giá cũng “mặt đỏ lên rồi cứ chết ngay” như câu thơ Nguyễn Bính. Giá vóc người đậm, mặt mũi đầy đặn, tóc lúc nào cũng loăn xoăn mấy sợi trước trán, rồi đa phần tràn ra thành đám tung tẩy sau gáy, chứ không bồng bềnh quái “dị” như Sơn. Chính Sơn đã tự họa, bằng cách dùng bút sắt cách điệu cái đám tóc bẩm sinh như mây nổi trên đầu mình thành những búp sen xếp nếp trông như một vương miện hoa, rất điệu nghệ.

Họ Chu dân xứ Thanh, đất vua chúa, song lại không có máu làm “quan”, dù là quan văn. Tôi biết, có lúc đã xuất hiện thời cơ có thể ứng cử vào chức này, chức kia của khoa văn sư phạm, song Sơn không mặn mà lắm. Trước hết phải có “đỏ” mà Sơn lại chỉ thích chuyên môn đơn thuần. “Cho nó nhẹ người”, Sơn bảo thế, giống như “cho nó lành” là câu của Trần Hòa Bình, thuở sinh thời. Chuyện làm Phó giáo sư nghe nói là anh cũng không tha thiết gì, dù rằng nếu anh làm hồ sơ thì thừa tiêu chuẩn. Đến giải thưởng văn học cũng chưa một lần mỉm cười với Sơn, dù anh đã cả đời lao động sáng tạo, vắt kiệt mình cho thơ, sách phê bình, tiểu luận của anh đọc rất ấn tượng, in ra sách bán rất chạy. Ô hô, hóa ra những “phận hoa bên lề” lại vận vào đời Chu Sơn sao? Đúng là “người ta vẫn trông mà đâu có thấy”, như câu anh dành cho phận lau trắng bạt ngàn chốn thảo dã, hay cho một kiếp lay-ơn vô chủ nở lẻ loi, cô độc trên đỉnh Mẫu Sơn!

Nhìn bề ngoài thì Sơn dáng cao ráo, lịch thiệp, song anh chỉ đóng bộ comple-cavat khi cần phải “diễn” đẹp, còn thường là khoác áo bu-dông, loại giả da, màu đen. Vóc mai mình hạc, nhưng nếu anh cởi trần thì cơ bắp ra phết, cầm tay lái thì cũng “lụa” như ai. Dưới mái đầu bồng bềnh mây nổi là khuôn mặt có nét góc cạnh, trán cao, mắt sâu hơi lộ, miệng tươi, thoáng nhìn hao hao như Nguyễn Lương Ngọc, song cả vóc người lẫn mắt, môi thì Ngọc trông dữ dằn, vẻ “gây sự” hơn. Người ấy “thân” nhàn song “tâm” không nhàn, bởi đã sâu sắc mà còn đa đoan, nhậy cảm, hay động lòng trắc ẩn, thì nhàn làm sao được!

Ngắm nghía cái bộ tóc khác người đó đã khiến tôi nảy ra cái ý đùa, bảo Sơn: “Lão Trư lôm lam lắm, sang cả Tây, com lê-cà vạt cao giọng trước sinh viên mà dáng vẻ lúc nào cũng như “có lỗi với đời”, thơ văn cũng cỏ rả, nhếch nhác lắm. Chu Quân thì bẩm sinh đẻ ra đã là nghệ sĩ, phong vận còn có vẻ “sang trọng” nữa (chữ của cụ Mạnh). Tôi ngờ rằng ông là hậu duệ nhiều đời của vua chúa nào ở xứ Thanh ngày trước còn sót lại, chứ không phải con nhà bình dân. Sơn nào cũng tài, những là Trịnh Công Sơn, Đặng Thái Sơn, rồi Chu Văn Sơn...”. Nghe vậy, Sơn phá lên cười: “Bác cứ bốc thơm em lên thế, chứ nhà em cũng vất vả bỏ mẹ lên ấy chứ. Bố mất sớm, mẹ nuôi một lũ con, em vừa đi học vừa gánh chum, vại, nồi đất cho HTX thủ công nghiệp ở làng Đông Sơn, ngoại ô thị xã Thanh Hóa, cũng nhem nhuốc, nhếch nhác lắm”.

Trong số những anh chị em, Sơn là con út có tư chất được ăn học đến nơi đến chốn, mà lại học giỏi nên sớm được vào trường chuyên, lớp chọn. Năng khiếu, đam mê là trời cho, chứ trong truyền thống gia đình, họ hàng Sơn chẳng có ai theo nghiệp văn chương, nghệ thuật cả. Trong lứa bạn bè tập tành viết lách thuở “Làng Vòng”, Sơn được xếp vào hàng “tài hoa/đào hoa”, như Trần Hòa Bình. Có điều là Bình tài hoa kiểu lãng tử, lơ mơ, bay bướm bao giờ cũng áo phông quần bò, túi thổ cấm, kính cận, dáng vẻ hơi bụi, lúc nào cũng như sắp có chuyến du hý đâu đó cùng với mấy đàn em bám theo. Sơn cũng tài hoa, bay bướm, nhưng theo kiểu nho nhã, chỉn chu, nắn nót của dân “ăn như sư, ngủ như phạm” làm gì cũng kỹ càng ra tấm, ra món. Tôi tin là văn chọn Sơn, cụ thể hơn là thơ chọn Sơn, chứ nếu không dính nghiệp sư phạm, Sơn rất có thể thành công với nhạc, với họa, bởi anh có năng khiếu với các môn nghệ thuật này.

Với nhạc, người anh mê nhất là Trịnh Công Sơn. Có lần ngồi luận chơi về “chiếu nhạc” xứ ta, Sơn cứ khăng khăng “Trịnh là số một”, cho dù tôi bảo ngoài Trịnh còn có vài “bậc” khác cũng lớn. Sơn bảo dần với thời gian rồi người ta sẽ ít hát họ, chỉ có Trịnh là lâu dài, là đáng kể. Vì sao? Vì nhạc Trịnh có triết, đậm chất Thiền, lại hầu như không dính gì đến chính trị, chính em gì cả. Anh bảo là đang thai nghén một quyển sách dành cho Trịnh Công Sơn. Theo anh, về ca từ thì Trịnh Công Sơn là thơ chứ còn gì nữa, nó còn thơ hơn nhiều thứ thơ nửa mùa khác. Tôi bảo Trịnh thiên hạ đã chiều đến “nhàu nát rồi”, ông viết liệu có nảy ra điều gì mới không? “Kệ họ chứ, đây là Trịnh Công Sơn của Chu Văn Sơn cơ mà”.

Nói đoạn, với giọng trầm ấm, anh ngẫu hứng mấy câu nhạc Trịnh, cái đoạn có con sáo trong khe nước nguồn khá vui nhộn. Rồi, chẳng hiểu sao, anh lại chuyển làn sang “tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...”, và rồi đã lại “xuống xề” ở “dòng Lô trôi”. Vừa hát Sơn vừa mơ màng làm động tác diễn tả dòng Lô trôi xa, xa nữa, xa mãi... Cái thằng “tai trâu” như tôi, chẳng có chút khiếu nhạc nào cũng phải đung đưa, gật gù theo Sơn, cứ như là đồng điệu lắm. Đọc Sơn, thấy cái chất Phật, chất Đạo, chất thương đời càng ngày càng lộ rõ trong văn, nhất là sau những biến cố dồn dập xảy ra với gia đình anh: Chị ruột mất vị bạo bệnh, con Sơn, cháu Linh Thi đột tử, Vân Anh mắc bệnh nan y, rồi bản thân Sơn có đến vài năm bị chứng thoát vị đĩa đệm rất đau đớn. Để ý thấy những loại sách nặng về tâm linh, như sách Phật, sách Lão, Kinh Dịch, Phong thủy... được bày trong tủ, chất trên giá ở nhà Sơn ngày càng dầy thêm lên, nặng thêm ra. 

Chu Sơn thuộc loại người có “hoa tay”. Chính bức tự họa cùng chữ ký rất độc đáo của anh đã là cảm hứng để người ta lấy làm bìa cuốn “Tự tình cùng cái Đẹp”, in ra sau khi anh mất. Còn chân dung Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính trong cuốn “Ba đỉnh cao...” hiện ra dưới cái nhìn và nét bút của Sơn khá độc đáo. Gặp dịp, Sơn ký họa một số bạn văn, chủ yếu bằng bút sắt hoặc bút bi. Có lần anh đã tặng tôi bức ký họa, trong đó có ký độc một chữ “Sơn” rất bay bướm. Tôi nâng niu, giữ gìn bức ký họa này, sau đó đã đưa vào trang đầu “Cỏ may thi tập” in năm 2000. Sinh thời, Trần Hòa Bình cứ nắc nỏm “sao Sơn ký họa Trứ giống thế”.

Thích vẽ, mê màu, Sơn có ý sưu tập sách, tranh về hội họa. Tôi cũng có mấy quyển in tranh của các họa sĩ Nga khổ to, dầy cộp, Sơn thích hỏi “mượn”, rồi tôi cũng không đòi lại, bởi nghĩ rằng “sách ấy phải vào tay người ấy, mới xứng”. Không thỏa mãn giấc mơ nhạc họa thì Sơn dồn nó vào trang viết. Đọc các tùy bút của Sơn về Sơn Đoòng, về Angkor… những đoạn nói về cuộc tình kỳ lạ giữa núi và nước, vũ điệu vật lộn giữa cây và đá, mạch văn cứ phảng phất kết cấu của nhạc giao hưởng nhiều bè, có cao trào, khoảng lặng, đối âm, đảo phách của L.Betthoven, hay đan xen, tương phản sắc màu nóng lạnh như trong tranh sơn dầu thuộc trường phái ấn tượng, nhuốm màu siêu thực của các họa sĩ Châu Âu vậy.

Một kỷ niệm nữa khiến tôi nhớ mãi, ấy là khi ở Quan-Hoa-Các, có lần anh ghé qua bảo “tặng bác một độc bản của Chu Sơn”. Độc bản này đã khiến tôi cảm động “suýt khóc”. Thì ra, để tặng bạn, Sơn đã tỉ mẩn cắt bài thơ “Đường vào chùa Hương” in ở quyển tạp chí Văn hóa mà Sơn có được, sau đó mang ép platic, bên trên lồng bức ký họa tôi. Đến nay tôi vẫn lưu giữ kỷ vật đơn sơ mà nặng tình nặng nghĩa “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Lại nhớ sau khi in “Cỏ may thi tập”, gặp dịp tôi có tặng một nhà phê bình đàn anh, đương thời khá nổi tiếng, vị này có ý chê, cằn nhằn trên báo chí rằng “Cỏ may thi tập” cái tên nửa Nôm nửa Hán nghe chẳng ra làm sao! Biết chuyện, Sơn có ý bênh tôi: “Ông ấy làm phê bình chuyên nghiệp mà chẳng hiểu gì, có dở tỉnh dở quê, nửa Nôm nửa Hán mới là Phạm Công Trứ chứ!”.

Có lần Sơn bảo anh sẽ viết về tôi, đó sẽ là bài viết “để đời”. Tôi xin cứ thư thư cho đã, vội gì, mà tinh hoa chữ nghĩa về lục bát Chu Sơn đã phát tiết hết cho Nguyễn Bính, Nguyễn Duy rồi, đến lượt Trứ thì chẳng biết có còn “nhung tuyết” gì nữa không? Anh cười “Sao bác lại đánh giá Chu Sơn thấp thế”. “Bởi để dành nên mất cắp cả tình yêu” nay mới thấy câu thơ Nguyễn Duy tưởng như đùa mà có lý, có điều không mất cắp tình yêu, mà là mất đứt một bài viết… để đời (!). Dù trước đấy anh đã vài lần nắn nót mấy dòng về bạn, chẳng hạn như:“... vậy mà thơ Trứ thật ít khói súng và cơ hồ không có chút luật nào. Say mê tác giả "Lỡ bước sang ngang", Phạm Công Trứ chủ trương trở về khơi tiếp tiếp mạch hồn quê. Bên cạnh điệu than buồn có tự ca dao, hồn quê ở Trứ còn đậm thêm một điệu vui say, khỏe khoắn, tươi trẻ. Giữa thời thơ trẻ đang tung tẩy canh tân, tìm kiếm những điệu thức mới, Trứ lại giấu chiếc đàn bầu xưa trong những hàng lục bát về "gảy khúc  trăng vàng ngõ quê" mà gửi vào đó những buồn vui của thời mình. "Lời thề cỏ may (I)", 1990, "Lời thề cỏ may (II), 1993,… là những khúc trăng vàng xưa ấy với nhiều biến tấu, cải biên khá cập nhật”.

Phải nói viết rất trúng và khéo, dù chỉ là chấm phá đôi nét.

Hạc trắng vẫn bay về

…“Ấy vậy mà tôi ốm, có dễ mà đến mấy năm, ông giáo ạ”, tôi bắt chước giọng Lão Hạc trong một lần Sơn và Giá đến thăm ở trong ngách đường Hoàng Quốc Việt. Lần ấy, hai vị động viên tôi, đại thể là nhất định sẽ sớm hồi phục như Sơn trước đây, rồi phải ra tuyển tập, rồi sẽ phải làm sống dậy cái trang trại ở Hòa Lạc nữa. Người ta đến thăm VanSon Garden rồi sẽ rẽ sang thăm trang trại của Lão Trư. Về làm tuyển thì Chu Sơn sẽ viết giới thiệu, Văn Giá sẽ viết lời bạt, in đẹp xứng đáng là “tác phẩm để đời”. Chao ôi, lại “để đời”! Tôi biết là các bạn quý mến, mong mình sớm hồi phục, mà động viên thế, chứ mình thì ngày ngày quay mặt vào tường, đi còn không vững, trong người như có ma ám, và thơ mình cũng vầy vậy thôi, thậm chí còn bị chê là cũ nữa, thì mơ gì...

Nghe tôi phàn nàn vì cái số Lão đen đủi, vừa hồi hưu, chưa kịp triển khai gì thì đã bị trời phạt, Sơn bảo, nhà mình, bố và anh em ông đều không thọ, bố mất khi Sơn còn bé nên chỉ nhớ láng máng. Được cái là Sơn giống mẹ nên sẽ được hưởng cái sự thọ của cụ. Anh thường nói đùa với mẹ rằng “thằng Sơn con út giống U, không đẹp trai nhưng chắc sẽ được hưởng cái sự thọ của U”. Mẹ Sơn thượng thọ. Anh ký họa cụ bằng bút sắt rất sắc nét, dọn nhà đến đâu cũng mang bức ấy theo, treo trang trọng, như vật gia bảo. Ấy vậy mà...

…Sau vài bận cấp cứu thập tử nhất sinh, nhúc nhắc đi lại, tôi cùng họa sĩ Lê Thanh Minh, nhà thơ Hoàng Xuân Tuyển lên thăm lại mảnh đất bỏ hoang, trâu bò ỉa ở Hòa Lạc. Sau đó rẽ ngang sang thăm VanSon Garden. Sơn đích thân dẫn khách đi tham quan vườn tược, ao chuôm nhưng thần sắc xem ra có vẻ mệt mỏi. Sau đó tôi mới biết là Sơn bị “K” phổi, mà đã ở giai đoạn đầu di căn. Cuộc chiến một mất một còn với bạo bệnh bắt đầu. Thỉnh thoảng hỏi thăm, nói Sơn xạ trị đều, vẫn yêu đời, vẫn đi dạy học, tôi yên tâm. Những ngày Sơn chữa bệnh, tôi không dám gọi điện nhiều, sợ bạn bệnh phổi, phải nói nhiều sẽ không tốt.

Nhưng rồi không kìm được, có lần qua điện thoại tôi đọc mấy câu nôm na kiểu “vừa là thăm hỏi, vừa là động viên”: “Tưởng rằng trời phạt mình tôi/ Bạn tôi tài thế mà trời chẳng tha... Ông Trời có mắt bạn ơi/ Biết đâu trời phạt rồi trời lại tha/ Nhược bằng cùng hóa ra ma/ Bạn của Công Trứ vẫn là Chu Sơn”. Nghe xong, Sơn bảo thích hai câu cuối và còn động viên tôi là đừng quá bi quan, phải vui lên để đối đầu với bệnh tật. Rồi, bỗng nhiên nghe nói là bệnh Sơn nặng lên, chỉ ở nhà không đi lại nữa. Qua Văn Giá biết rằng anh đang gấp rút hoàn thành một số công việc còn dang dở. Quỹ thời gian không còn nhiều.

Rồi Sơn vào nằm dài ở bệnh viện E. Hôm tôi cùng vợ đi tắc-xi, chống gậy vào thăm, thì Vân Anh buồn rầu bảo rằng khối u đã di căn lên não, “chỉ còn tính từng tuần”. Sơn nằm thiêm thiếp, dây nhợ chằng chịt. Cái người đã từng đây đó khắp nơi để thỏa mãn thú xê dịch, và săn tìm cái đẹp, bây giờ nằm thoi thóp đó ư? Ung thư là gì, mặt mũi kẻ sát nhân như thế nào mà ghê gớm, tàn bạo vậy? Tôi cũng đã nhiều năm nằm quay mặt vào tường, song vẫn phải lén chùi nước mắt cứ chực trào ra, khi nắm tay bạn nói lời từ biệt, dù chẳng biết bạn có cảm nhận gì không. Vân Anh, Văn Giá, rồi anh trai Sơn ở quê lên, thay nhau túc trực bên người bệnh.

Đám tang, rồi giỗ đầu Sơn tôi không thể có mặt. Mãi đến tháng tư vừa rồi, tôi mới lên lại VanSon Garden. Ngợp trong cây cối xanh om, tôi thấy tâm trạng bần thần khó tả, đúng là “trông cây lại nhớ đến... người”, như lời một bài hát. Nhìn hàng cây quế sau nhà nay đã cao lớn, nhớ lần tôi đã từng đùa bảo rằng “Hoa thanh quế” (quê Thanh Hóa), còn Sơn thì cười bào “Hoa Thanh Táo” chứ, vẫn như còn văng vẳng đâu đây. Bữa giỗ đó bạn bè văn chương tề tựu khá đông. Sơn nằm trong vườn nhà, mộ phủ đầy hoa, hương khói nghi ngút.  

Thương bạn, thương mình, thương đời, tôi cứ tự hỏi, chẳng nhẽ cái câu “tài hoa thì mệnh bạc” lại đúng. Trần Hòa Bình đột tử, giờ đến Chu Sơn, thêm một tài hoa cùng nhóm Làng Vòng xưa ra đi. Sao không là Công Trứ mà lại là Chu Sơn? Ông trời là ai mà quá bất công, tàn nhẫn, lại nhè đúng cái lúc người ta đang thăng hoa, thành tựu, để mà giáng họa. Song, bình tĩnh nghĩ lại thấy Trời cũng đâu có quá bất công. Trời cho anh tài hoa, và cùng với tài hoa là một nghị lực tự vượt lên vô bờ bến. Những gì cần làm thì về cơ bản anh đã làm rồi, cả về cơ nghiệp và văn nghiệp.

Những gì anh viết chưa công bố thì gia đình anh lần lượt xuất bản. Bạn bè, học trò, bạn đọc nhiều mà lại toàn là những người tử tế, cứ nhìn đám tang, đám giỗ anh thì thấy. Không thật đồ sộ, song với chúng tôi, thì một đời người, đời văn như thế, cũng là điều đáng mơ ước, có thể có điều còn nuối tiếc, chứ không có gì phải ân hận. M.Gorky bảo rằng “Cái đẹp thì vẫn đẹp ngay cả khi nó đã úa tàn”, nhân cách cùng với những trang văn của anh sẽ vẫn mãi lấp lánh trong lòng bè bạn, lòng bạn đọc vì nó đạt tới cái cái hay, cái đẹp, cái lâu dài, chưa dám nói là cái “bất tử”. Nghĩ như thế nên tôi không quá buồn, bởi chính mình chẳng đã từng tiên liệu rằng “Cuối cùng thì đất lên ngôi/ Tôi hóa thành cỏ hát lời hư vô” đó sao?

“Khi tôi đến Chu Sơn bay như hạc”. Ấy là câu trong bài “Nhà Chu Sơn” nhại
“Nhà Lê Nin” của cụ Tố Hữu, mà tôi đã vui miệng tếu táo khi khắc họa quãng đời ngót hai mươi năm của Chu Sơn, từ thuở hàn vi đến thời khởi sắc:“Nhà Chu Sơn ở Đồi Bò/ Khi tôi đến Chu Sơn như còn lo/ Nhà Chu Sơn ở Văn Chỉ/ Khi tôi đến Chu Sơn như còn bí/ Nhà Chu Sơn ở Thăng Long/ Khi tôi đến Chu Sơn sắp hóa rồng/ Nhà Chu Sơn ở Hòa Lạc/ Khi tôi đến Chu Sơn bay như Hạc”.

 Hạc ấy là “Bạch hạc”, dù có vân du đâu đó ở miền trời xanh, mây trắng vô định, thì rồi cũng sẽ quay về, vừa bay vừa thanh thản ngắm nhìn vẻ đẹp an vui, hài hòa của vùng đất có tên là Hòa Lạc. Nơi có VanSon Garden - một vườn “địa đàng” giữa trần thế, bốn mùa ngát hương hoa trái, ríu rít tiếng chim, tiếng trẻ, chứ đâu phải là “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” trong thơ Thôi Hiệu xưa, hay “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” trong văn Nguyễn Huy Thiệp nay.

Được làm bạn với Chu Văn Sơn, một hiền tài, bằng ấy năm, đã chẳng là điều hạnh ngộ, một sự hữu duyên đó ư? Một mai trời gọi, cùng là ma, gặp lại nhau thì “Bạn của Công Trứ vẫn là Chu Sơn” cơ mà!

                                                Khu Ngoại giao đoàn, đầu Hạ, 2021.

hoamuop

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
27-06-2024 07:47:54 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 51
Trong tuần: 703
Lượt truy cập: 415034
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.