TÂN ĐÔNG KI SỐT
Truyện ngắn của Nguyễn Đình Gấm
1.Khi về trường trung học phổ thông của thị xã này, người ta gọi y là
Tân cận, có lẽ vì cái dáng vẻ thư sinh với cặp kính trắng lúc nào cũng dính ở
mắt. Không hiểu từ lúc nào cái tên Tân Đông ki sốt xuất hiện và kỳ lạ thay nó
được mọi người thừa nhận. Có lẽ vì cái vẻ bề ngoài của y với khuôn mặt trắng
trẻo thông minh cứ ngồ ngộ, lúc nào cũng ngơ ngác như từ trên trời rơi
xuống. Hay bởi người y rất mỏng, cao lòng khòng trong bộ quần áo lúc nào
cũng sạch sẽ thơm tho: mùa đông thì com lê đen, ghi nê xanh và cavát đỏ; hè
thì lúc nào cũng sơvin nghiêm chỉnh, áo trắng với cà vạt đen. Ai biết trong
túi ta có tiền hay giấy báo, ai mổ bụng ta mà biết no hay đói? Ta cứ lịch sự,
cứ đàng hoàng. Ta làm thầy cơ mà, lại là thầy dạy văn mới oách chứ. Thầy
dạy văn cũng là văn nhân đấy. Y tâm niệm thế và lấy phương châm ta là
thầy, là văn nhân mà xử thế với thiên hạ. Bạn bè, đồng nghiệp lại khen y rất
điển hình của giới trí thức ta: cái đầu to, tóc ít cõng cặp kính trắng nặng trĩu
lắc lư trên trên một thân hình rất là thanh mảnh của một tâm hồn vị tha và
cao thượng. Y tự nhủ lời tán dương ấy thật chí lý. Do vậy, khi có cơ hội là y
ban phát ý đẹp lời hay, đọc thơ, bình văn từ cái kho kiến thức đông tây kim
cổ mà y có được khi còn học đại học. Người ta bảo y là “mọt sách”, hay “ lý
sự cùn” nhưng y bỏ ngoài tai. Y biết mình không phải là người thầy mẫu
mực nhưng được cái học trò rất yêu quý. Đã nhiều năm là giáo viên dạy giỏi
cấp tỉnh nhưng từ mấy năm gần đây y quyết không đăng ký nữa. Có ai hỏi
thì y cứ tưng tửng: “dạy giỏi gì mà như đánh vật, như giời hành nào là phải
gò theo qui chế, gọt chân cho vừa giày; bài giảng thì khô khốc, nhạt hoét.
Mua mệt vào người làm gì, tôi cứ giảng hay từng bài, dạy tốt từng ngày”.
2
Học trò kháo nhau, thầy Tân Đông ki sốt ấy à, giảng văn cứ gọi là tuyệt
cú mèo, mê ly luôn; há mồm, tròn mắt mà nghe, nuốt lấy từng lời quên cả ghi
chép. Những tay học gạo, lúc thi ngồi cắn bút lại nguyền rủa, oán trách thầy,
ngồi viết “Tân Đông ki sốt” đầy trên mặt bàn. Nghe trò phàn nàn không ghi
chép được đầu tôm, đầu cá để làm phao làm phỏm thì y tròn mắt, giương mục
kỉnh lên. “Giảng văn chứ có phải đọc văn đâu? Các anh chị thưởng thức văn
chứ có phải chép văn đâu? Chép thì cần gì đến tôi, thiếu gì, vô thiên lủng,
hằng hà sa số sách tham khảo, bài văn mẫu ngoài kia. Chỉ sợ không có sức”.
Người ta nói “thế gian được vợ hỏng chồng”.Tuyết Mai, người vợ
dường như là sự đối lập với y. Có lẽ ông trời xe duyên nàng với y là để bù đắp
những thiếu hụt, khiếm khuyết của y. Nàng thật duyên dáng, sắc sảo cả từ
cách trang phục luôn hợp mốt đến lời ăn tiếng nói đều toát lên vẻ đẹp xuân
sắc, mặn mà, đằm thắm mà kiêu sa của thiếu phụ tuổi ngoài bốn mươi. Y như
người trong mơ, lúc nào “ tâm hồn cũng treo ngược trên cành cây” còn nàng
rất nhạy cảm, thực tế, giỏi quyền biến và lại quảng giao. Phương châm của
nàng là “thích nghi thời đại”. Ngày trước, nàng rất khoái khi nghe bọn trẻ
truyền tụng nhau câu vè “ đẹp trai đi bộ không bằng thằng rỗ đi lơ, lành đi xe
không bằng thằng què đi cúp”. Đến què cụt rồi mà có xe cúp là ăn đứt kẻ lành
ngồi xe đạp rách, mình là “hoa khôi của trường”, ngồi trên xe cúp sẽ “tăng lên
bao nhiêu chân kính”. Nàng đã mua bằng được con “Cúp 81 ốc biêu, kim
vàng giọt lệ”. Thời mở cửa hội nhập, thì nàng sắm ngay một con Attila mới
cho bằng chúng bạn. Y phản đối yếu ớt bằng cái lý sự cùn rằng “xe pháo chỉ
là phương tiện”. Không hiểu sao y rất hứng thú với xe đạp ngay từ thời bao
cấp khó khăn mà bây giờ y vẫn thấy xe đạp là nhất. Thế là oách rồi, “mình dị
ứng với tốc độ” không đi xe máy được.
Trong gia đình y, sự phân công trách nhiệm cũng khác thường. Nàng
biết đi xe máy, là người thực tế, quảng giao nên phụ trách tài chính và công
tác đối ngoại còn y phụ trách nội bộ, nghĩa là mảng “ văn hoá giáo dục” như
3
đưa đón con, dạy kèm con cái và nội trợ gia đình. Y có đam mê về những
việc được giao phó. Khi các đồng nghiệp nam, hết giờ là thể thao, bia bọt,
hứng lên rủ nhau hát karaoke, thư giãn cho xứng mặt nam nhi thì y gò lưng
đạp xe lần mò vào các ngõ ngách, các khu phố thăm học trò ốm, gặp gỡ trò
chuyện với các vị phụ huynh của học sinh cá biệt trong lớp. Về đến nhà là y
dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, sắp sếp lại đồ đạc trong nhà. Cứ một tháng là y lại hì
hục kê lại bàn ghế, giường tủ cho nó mới lạ để thay đổi tâm thế. Y nói với con
trai người lao động trí óc không có gì thư giãn tốt bằng làm việc chân tay, một
liệu pháp tâm lý tuyệt vời. Y muốn treo một tấm gương sáng cho con cái, rằng
không phải cứ bù khú, nhậu nhẹt bia bọt ở hè phố đầy bụi mới là đàn ông. Y làm
việc nhà một cách say mê vừa lau dọn nhà vừa hát “ cuộc đời vẫn đẹp sao, tình
yêu vẫn đẹp sao”. Khi nào thấy y hùng hục làm, miệng lầm bầm thì ắt là có
chuyện. Một trò bỏ học, gây gổ cãi lộn hay một xích mích không đáng có xảy ra
ở tổ văn làm y phải băn khoăn, nghĩ ngợi.
Trong khi y đóng vai nội tướng ở nhà thì Tuyết Mai đang “ trên tầng
cây số”. Khi thì nàng đến thăm chị Hiệu phó, khi thì rẽ vào nhà bà Chủ tịch
công đoàn. Gần đây, nàng mới tiếp cận và giao du với cả một số cán bộ trên
sở giáo dục của tỉnh nữa. “ Thời mở cửa hội nhập, đầu tư cho mối quan hệ là
khôn ngoan nhất”. Nàng thường nói với chồng như vậy. “ Anh nhớ cho, chơi
với mười khi cần dùng một là thắng rồi. Khi có công, có việc mới xách quà,
khúm núm đến gõ cửa người ta thì có mà mặt mo”. Cho nên, dù có bận dạy
thêm nàng cũng không bao giờ quên cái khoản đối ngoại. Có lần nàng nói với
chồng . “Nếu chỉ dạy thêm nhà ta làm sao có được cơ ngơi đàng hoàng thế
này, mua sắm được tiện nghi nào là tủ lạnh, bếp ga, máy giặt…Cứ như ông
thì có đến đời tam hoàng ngũ đế. Lúc nào cũng nói giải phóng phụ nữ mà đến
ngày mồng 8 tháng 3, chui vào bếp nấu ăn rồi tặng hoa thôi à? Không phải
đến mồng 8 tháng 3 mới giải phóng phụ nữ, tôi đã tự giải phóng rồi. Không
có tiền, không có xe thì giải phóng cái gì, làm chủ cái gì”?
4
Y không muốn tranh luận với vợ. Những điều mà nàng cho là “dại”,
“không thức thời”, “hâm tỉ độ”…thì y nghĩ đơn giản đó là việc nên làm, việc
phải làm.Khi mọi thành viên của Hội đồng nhà trường biểu quyết một học
trò của y phải chịu hình thức kỷ luật thì y lại kiên quyết phản đối và đứng ra
bảo lãnh không hạ em xuống mức hạnh kiểm loại kém. “Đó không phải là
học sinh cá biệt mà là một đối tượng cần quan tâm, cần đến tình thương và
trách nhiệm của chúng ta”. Y hùng hồn dẫn chứng hoàn cảnh gia đình em
khó khăn; bố liệt sĩ, mẹ không có việc làm sống bằng gánh hàng rong. Y xúc
động nói trong nước mắt như van xin như thỉnh cầu. Hội đồng kỷ luật nhà
trường cuối cùng đã bị y thuyết phục. Một vài tiếng ho, ai đó nháy mắt e
hèm, ai đó cười sau lưng y. “Thật là ôm rơm nặng bụng, rồi xem, tội vạ đâu
lão ta chịu”.
Y không sợ trách nhiệm. Cái chính là y thấy lương tâm mình được
thanh thản. Có lẽ do y không bị những thói quen, nguyên tắc ràng buộc mà y
có cái nhìn đơn giản và tươi mới với sự việc xảy ra, có hứng thú làm ngược
lại những suy nghĩ và hành động của mọi người. Ví như chuyện đám tang
mẹ cô Hiền, Hiệu phó nhà trường vừa qua. Nào vòng hoa của Đảng uỷ, Ban
giám hiệu, rồi Công đoàn, Phụ nữ…thôi thì đủ cả. Nào phong bì chung của
tập thể, rồi mỗi người đều có phong bì riêng, gọi là lễ đen kính viếng hương
hồn cụ. Thói đời nay là như vậy nhưng y thì nghĩ khác. “ Sao lại nhiêu khê
thế nhỉ? Chỉ cần bỏ mũ xuống, thắp cho cụ một nén nhang là được. Nghĩa tử
là nghĩa tận, miễn là thành tâm”. May sao, những chuyện như thế vợ y lại rất
nhạy cảm và chu đáo nhờ vậy mà cái tính “vô tâm, vô tình” của y vẫn được
tha thứ. Ngay cả chuyện tày đình cuối năm ngoái, khi mà ai cũng tán thành
“ chi bộ đạt trong sạch vững mạnh toàn diện” riêng chỉ một mình y không
giơ tay biểu quyết thì lãnh đạo vẫn chấp nhận được phần vì đó là quyền của
y, phần vì mặc dù y có hâm hâm, ngân ngất như thế nhưng xét kỹ ra chẳng
có bụng dạ nào.
5
Câu chuyện mới nhất về y mà cả trường, cả tổ dân phố ai cũng biết,
người khen kẻ chê lan khắp Thị Xã. Ấy là chuyện y làm đơn gửi thanh tra
tỉnh, khiếu nại ngành giao thông “đã rút vật liệu làm đường ẩu, đến nay
nhiều chỗ sụt lún, gồ ghề gây ra tai nạn nghiêm trọng”. Y dẫn ra đã có ba tai
nạn trong năm ở đoạn đường ấy, có trường hợp suýt chết giờ bị tàn phế.
Trong khi chờ đợi dài cổ mà thanh tra và cơ quan chức năng chưa vào cuộc,
y đã bỏ tiền túi ra mua xi măng, cát sỏi tranh thủ ngày nghỉ chủ nhật san
sửa, vá lại đường. Khi thấy y làm, các thầy cô nhìn thấy cười thầm vội tránh
đi đường khác. Duy chỉ ông Váng xe ôm và bà Tiêu đồng nát là hăng hái
ủng hộ làm cùng y.
2.Cuộc sống vẫn trôi chảy theo dòng thời gian. Nhưng rồi có một
chuyện xảy ra đã làm thay đổi tất cả. Ngay từ sáng, cả trường xôn xao lên về
chuyện “Đường quậy” đã hành hung cô Lam giáo viên dạy địa lý. Đường
đang học lớp 11A do y làm chủ nhiệm. Y bực bội và bất bình lắm, cho tiến
hành ngay những việc phải làm là họp lớp kiểm điểm em Đường, gặp gỡ xin
lỗi cô Lam và báo cảnh sát. “Thật là con đồ. Không để cho tình trạng vô kỷ
luật, coi thường pháp luật chạy rông được. Cậu ta vừa đăng ký nghĩa vụ quân
sự, vừa làm chứng minh thư rồi đấy. Cậu ta phải chịu trách nhiệm về mọi
hành vi của mình”. Mọi người không ngờ y lại phản ứng quyết liệt như thế.
Người ta càng bàn tán nhiều về chuyện Đường quậy đánh cô giáo tím cả mặt,
về lời tuyên bố và cách giải quyết của y. Đến chiều, không khí trong trường
đã lắng xuống, bớt đi cái sôi sục nhưng có gì đang âm ỉ, có gì không bình
thường. Giờ chơi, học trò vẫn túm năm tụm ba xầm xì to nhỏ. Các thầy cô thì
vừa trao đổi vừa lấm lét nhìn ngang, nhìn dọc như sợ có ai gi âm chụp hình.
Y thấy ai cũng khác. Buổi trưa, vợ y mắng y xa xả. “Anh mất trí rồi à ?
Không biết nó là con ông phó Chủ tịch tỉnh hay sao mà làm ầm ĩ lên ? Định
rước họa vào thân à ?” Y bỗng quát to: “Con ông phó Chủ tịch thì cũng là
6
học trò, đang học làm người mà hành hung cô giáo của mình. Thế mà làm ngơ
được à ? Lương tâm cô để ở đâu ?”
Buổi chiều đến trường, y càng ngạc nhiên. Cả trường ai cũng trở mặt
với y. Mọi khi, qua cổng, tay Phồn bảo vệ reo lên “ chào thầy Đông ki sốt”
hôm nay chẳng nói chẳng rằng, mặt còn vác lên trời. Mấy thầy cô tổ văn của y
thì ai ngồi đâu ở đó, chẳng hỏi han trò chuyện gì cứ như y vừa mắc bệnh
truyền nhiễm phải cách ly. Ngay cả tay Thành, bạn thân của y bên tổ toán nay
cũng khác, y giơ tay bắt thì bỗng dưng hắn rụt tay lại như phải bỏng, khoanh
tay trước ngực, nhìn chằm chằm vào mặt như y là gián điệp không bằng. Thế
rồi, công an thị xã vào làm việc và nói với Hiệu trưởng: “Chuyện của cháu
Đường lớp 11A ấy mà. Các đồng chí cứ yên tâm đi. Chúng tôi đã cho kiểm tra
lại, không có vấn đề gì cả”. Y thấy không bình thường, lẩm bẩm một mình.
Quái lạ, cứ như đang xem diễn kịch thế này.
Tuyết Mai lòng rối bời, bồn chồn lo lắng. Ngay sau cái vụ ầm ĩ mà
chồng gây ra, nàng bỗng nhiên trở thành đối tượng gặp gỡ, trao đổi của lãnh
đạo nhà trường, là cái túi để cho họ trút giận. Ông Hiệu trưởng sau trận phủ
đầu hùng hồn đã trấn tĩnh lại, nhỏ nhẹ : “ Cô về lấy tình nghĩa vợ chồng đầu
gối tay ấp mà lựa lời khuyên bảo anh ta. Vì nhà trường mà cũng là vì cô, vì
gia đình cô đấy. Sắp tới trường ta được công nhận là trường chuẩn quốc gia
rồi. Công sức của bao người không khéo thì ra xôi hỏng bỏng không”. Chị
Hiệu phó thì nhắc nhở rằng bằng mọi cách phải giữ gìn uy tín cho nhà trường,
đừng có vạch áo cho người xem lưng. Bà Chủ tịch công đoàn tỏ ra là người có
kinh nghiệm hòa giải khuyên nàng phải mềm mỏng, cố mà thuyết phục,
rằng việc đã xảy ra rồi, thôi chín bỏ làm mười… Nàng nhớ lại tất, lấy lại sự tự
tin vốn có rồi nhẹ nhàng nói với y, rằng “anh hãy cho nó một cơ hội để rút
kinh nghiệm trước tập thể, anh cứ ngơ đi là xong”. Không ngờ, nghe xong
mặt y đỏ bừng lên đầy vẻ giận dữ. “ Tôi nói cho cô biết. Yêu trò, thương trò
thì phải trung thực, phải chỉ cho nó biết cái sai và chịu trách nhiệm về việc
7
làm sai trái của mình. Lờ đi ư. Yêu theo kiểu ấy, giúp theo kiểu ấy là hại nó,
là giết nó đấy. Lương tâm người thầy không cho phép tôi làm như vậy”.
“Lương tâm gì, vì tự ái cá nhân, vì sĩ diện to tổ bố của anh thì có”.
Không tự chủ được vừa nói xong với y nàng đã cảm thấy mình lỡ lời, liền hạ
giọng năn nỉ. “Thôi, em xin anh, em van anh. Anh không vì anh thì cũng vì vợ
con chứ? Làm người ta mất mặt thì liệu người ta có để cho yên không? Rồi sẽ
không ngóc đầu lên được đâu. Anh thức thời lên chứ. Thời buổi khó khăn này
ai cũng sợ mất việc, cũng sợ đổ sợ vỡ, ai cũng lo cho bát cơm manh áo của
mình cả. Chuyện anh làm ầm lên xôn xao cả tỉnh, anh có biết không? Anh
Phong, bạn cũ của anh vừa gọi đến. Giờ người ta đã là phó Ban tổ chức tỉnh
ủy rồi mà còn lo cho anh, khuyên anh chín bỏ làm mười cho êm chuyện”.
Nghe nhắc đến Phong, y càng khó chịu ra mặt, nói cộc lốc: “Thôi đủ rồi, tôi
không muốn nghe nữa” rồi vùng vằng bỏ đi.
Khi y đi rồi, Tuyết Mai bỗng nhận ra một điều rằng y không chỉ hâm,
thích làm chuyện ngược đời mà y là người kiên định, đã làm gì thì theo đuổi
đến cùng. Điều này có thể gây ra bùng nổ, gây nên đổ vỡ…Nàng cứ tưởng lâu
nay mình đã hiểu rõ y, đã làm chủ y, điều khiển được y nhưng thực tiễn
những ngày qua làm nàng băn khoăn khó hiểu. Đang phân tâm không biết xử
trí thế nào thì tiếng còi toe toe ngoài cổng kéo nàng trở lại với thực tế. Thật
ngạc nhiên, chiếc xe con đen láng bóng đậu ngay trước nhà. Một vị khách tuổi
trung niên trông đài các và quý phái mà trang phục và dáng vẻ một mệnh phụ
phu nhân, đang tươi cười rất tự nhiên bước tới.
“ Tôi là mẹ của em Đường. Nhiều lần định đến thăm thầy cô nhưng bận
tối ngày, chẳng hở ra một chút nào. Tôi làm ở bên Sở công thương”. Bà khách
cất lời, giọng nói trầm vang làm cho người ta vừa thông cảm vừa thán phục.
Tuyết Mai rót nước mời khách, ngắm nhìn khuôn mặt đẹp thể hiện sự mãn
nguyện được trang điểm rất khéo đã che dấu hết những nếp nhăn tuổi tác của
người từng trải. “ Đây là vợ ông phó Chủ tịch. Một cơ hội trời cho. Mình phải
8
nắm lấy mới được”. Một ý nghĩ mới mẻ lóe sáng trong đầu nàng, nó đang lớn
lên và xâm chiếm tâm hồn nàng. Nàng bỗng trở nên dửng dưng, giọng bình
thản: “Ra chị đây là mẹ của em Đường. Nhà tôi là chủ nhiệm lớp, nay không
có nhà”. Rồi nàng nhìn nhanh lên cầu thang tầng hai có vẻ lấm lét không bình
thường, nói khẽ:“ Chuyện lớn đấy chị ạ. Đường gây gổ, đánh cô giáo thâm
tím mặt mày. Đây là một vụ hành hung xúc phạm nhân phẩm, vi phạm pháp
luật đấy. Nhà tôi bất bình và phẫn nộ lắm”. Bà khách nhìn vào chủ nhà, cười
xuê xoa, đưa gói quà : “ Tôi biết rồi. Con dại cái mang, trăm sự nhờ thầy cô,
đây tôi có chút quà cho các cháu”.
“ Chị thông cảm, lúc này nhận quà thật không phải”. Tuyết Mai liếc
thấy trong gói qùa có chai rượu tây, cân nho Mỹ còn có thấp thoáng một cái
phong bì.
“ Có gì đâu. Việc gì rồi cũng có cách giải quyết, chuyện đâu còn đó”.
Bà khách lại nói, giọng tự tin và nhỏ nhẹ. Tuyết Mai nhận thấy vẻ lo lắng,
hoảng hốt thoáng lướt qua trên khuôn mặt tự tin và kẻ cả của khách. Nàng
không ngờ chỉ một câu nói lại có hiệu quả mạnh như thế. Với cái nhìn không
còn lạnh lùng, thờ ơ nữa mà đã có sự hài lòng, ấm áp trong ánh mắt, Tuyết
Mai cười nói: “ Thôi được, tôi sẽ cố gắng để sao cho êm thấm mọi bề”. Bà
khách vui vẻ thay đổi cách xưng hô, giọng vang hơn như khích lệ, như thúc
giục: “ Chị biết là em sẽ làm được. Cùng cảnh chị em phụ nữ với nhau, chị
nói thật đôi khi các ông ấy vô tâm lắm, cứ chạy theo cái hão huyền. Nào
chuyện ăn mặc, nào nhà cửa, học hành của con cái …tất cả đều trông vào bàn
tay thu vén của chị em mình cả”. Bà dừng lại thăm dò, bà ta đã đánh trúng tim
của Tuyết Mai, đã tìm được đồng minh cho mình.
“ Em sẽ cố gắng giúp chị, nhưng em chỉ xin gói quà, còn cái này xin
gửi lại chị”.Tuyết Mai đưa cho bà khách chiếc phong bì khá dày từ trong túi,
giọng trở nên thân thiết hơn.“ Hôm nay mới quen biết chị, nay mai biết đâu
em cũng có việc nhờ chị giúp đỡ”. Bà khách sững lại giây lát như cảnh giác
9
do một thói quen đã hình thành khi có ai đó nói đến sự nhờ vả, rồi lại cười rất
tươi, trả phong bì vào túi quà nói rất tự tin : “ Không thành vấn đề. Có gì em
cứ nói với chị một câu. Chị không giúp được thì anh ấy giúp được. Anh ấy
không giúp được thì bạn bè anh ấy giúp được”. Ý tưởng xin một xuất đất ở
khu qui hoạch thị xã lên thành phố nay đã sáng rõ, nóng bỏng hơn đang thúc
giục Tuyết Mai nhưng nàng đã kìm được để không nói ra thành lời khát vọng
của mình. Nàng tự nhủ phải bình tĩnh, chớ có vội vàng, con trai bà ta còn học
một năm nữa cơ mà, học thì dốt lại hay quậy phá.
“ Không có gì phải ngại cả, chị sẽ giúp em”. Bà ta lại cười rất tươi và
bắt tay nàng để lên xe. Tuyết Mai nhìn theo chiếc xe xa dần rồi mất hẳn mà
lòng dạ vẫn bồi hồi. “ Thế là cầu đã bắc xong. Nghe nói ông phó Chủ tịch này
hách lắm, phụ trách khối kinh-tài đang là siêu Chủ tịch. Nhưng lệnh ông
không bằng cồng bà.Dần dần rồi mình sẽ tính. Trong cái rủi lại có cái may, tự
nhiên cơ hội trên trời sa xuống. Nhưng làm thế nào bây giờ? Chỉ sợ cái lão
Đông ki sốt, lão hâm ấy làm hỏng việc thôi”.
3.Y một mình lang thang trên phố như vô định, như mộng du. Y cảm
thấy bế tắc, day dứt và đau buồn. Nỗi đau cứ bám riết lấy y, thiết chặt trái tim
y trở thành sự thất vọng từ buổi họp chiều nay. Y không ngờ ông Hiệu trưởng
lại tổ chức ngay cuộc họp hội đồng kỷ luật nhà trường. Nói là dân chủ bàn bạc
nhưng chỉ có ông ta nói từ đầu đến cuối. “Mỗi người tự xem lại mình, chuyện
nhỏ chỉ cần nhắc nhở, rút kinh nghiệm mà làm to lên để làm gì. Tôi đã trực
tiếp thăm cô Lam, không có chuyện hành hung đánh đập cô giáo như tin đồn.
Vết thương trên mặt cô Lam là do ngã xe trên đường về nhà. Xin các vị nhớ
cho chúng ta sắp được công nhận trường chuẩn quốc gia, chớ làm gì ảnh
hưởng đến uy tín của trường”.
Mọi người ngồi nghe đều gật gù tán thành, không ai có ý kiến gì. Tất cả
đều nhìn vào y, vừa là chủ nhiệm lớp 11A, vừa là “người gây chuyện”.
Dường như chỉ có một mình y một phe, là đối trọng của cả tập thể đạo mạo và
10
trang nghiêm kia. Cũng như mọi lần, y hùng hồn và tự tin lập luận, chứng
minh chuyện rõ như ban ngày rằng Đường quậy là một học trò hạnh kiểm
yếu, đã gây gổ đánh nhau với học sinh khối 12, bây giờ lại hành hung cô giáo
là không thể chấp nhận được, là sự báng bổ đạo đức nhà giáo, là vi phạm
pháp luật. Y phẫn uất, bất bình, y kêu gọi lương tri người thầy, y thuyết phục
hội đồng với giọng nghẹn ngào xúc động. Nhưng họ chỉ nhìn nhau, họ để y
nói, y xả hơi và cuối cùng lại một mình y không giơ tay biểu quyết. Thế cũng
chẳng sao, với mọi người cái chính là vấn đề đã được giải quyết.
Y gò lưng đạp xe trên phố tấp nập người và xe. Một xe máy kềnh càng
hầm hố phanh kẹt cháy đường trước mũi xe của y. “ Củ chuối, ông muốn chết
hả?’’. Hai thằng choai choai cỡ tuổi con y, một thằng tóc xanh đỏ, một thằng
đầu trọc mặt non choẹt, cứ câng câng. Chúng vù đi, khói phụt xanh lè, khét lẹt
làm y bừng tỉnh. Những khuôn mặt, nụ cười của buổi họp chiều nay cứ chập
chờn, ám ảnh y. Vài người gật gù, có kẻ còn nháy mắt khích lệ y, lại như riễu
cợt y. “ Chẳng làm gì được đâu. Đông ki sốt đang đánh nhau với cối xay gió,
khác nào đấm vào bị bông”.Đến giờ, y càng cảm nhận nỗi xót xa và sự bất lực
của mình. Họ biết cả đấy nhưng mà ngơ đi. Họ nhân danh vì nhà trường mà
bỏ cả kỷ cương và công lý. Họ vô cảm, vô trách nhiệm với học trò...
Như vô thức điều khiển, không biết thế nào chiếc xe đạp đã dẫn y đến
nhà thầy giáo cũ. Cái cổng cổ với cây si già cuốn quýt rêu phong, những viên
gạch sỉn màu loang lổ, mòn vẹt lỗ chỗ chứng tích thời gian. Một vườn cây
xanh tốt những cây cổ thụ như mít, bưởi, nhãn, ổi. Một sân đầy những cây
cảnh nào lộc vừng, sung, trà hoa nữ, uất kim cương…Một ông già dáng mảnh
khảnh, lưng hơi gù trông rất hiền từ, thong dong ra đón y. Thầy Sáng, một
thần tượng thời học trò của y. Cái nghiệp văn chương, cái nghề sư phạm này
cũng là từ thầy Sáng khích lệ và hun đúc. Y luôn cảm thấy mình chịu ảnh
hưởng phong cách của thầy giáo già, sống thiền với vườn cây cảnh. Có điều
thầy gàn mà khí phách còn y thì gàn mà lãng mạn như người ta vẫn so sánh
11
như vậy.Thầy tiếp y ở bàn ghế đá tại vườn. “ Thế nào, hiệp sĩ mặt buồn, có
chuyện gì vậy?” Y giật mình cảm thấy nỗi buồn, sự bực dọc day dứt đang
hiện trên khuôn mặt đã không giấu nổi con mắt của thầy. “ Thầy có khỏe
không, em vẫn bình thường, nhưng mà buồn lắm ạ, em không thể hiểu được
bây giờ…”.
Y dốc bầu tâm sự, kể ra nỗi uất ức bị ghìm nén ở trong lòng. Y như trút
gánh nặng sang thầy, đặt câu hỏi cho thầy những điều mà y đang cảm thấy
phân tâm và bế tắc. Thầy nhìn đăm đắm vào một cây lộc vừng như đang nhìn
vào cõi hư vô, như không có y đang tồn tại. “Chán đời à, bế tắc à ? Có gì mà
phải đau khổ như vậy. Vui buồn, bất như ý là chuyện bình thường ở đời. Bây
giờ lẫn lộn thật giả, trắng đen à? Thực ra, thời nào cũng thế vẫn có cái thật, có
cái giả, có cái trắng cái đen; vẫn có những con người đáng thương và lầm lẫn,
ngộ nhận cố sức nhuộm trắng cái đen, biến đen thành trắng. Vở tuồng đời vẫn
vậy, có gì mới đâu’’. Thầy uống một ngụm trà nói tiếp.
“Nhiều người vẫn biết cái gì đúng, cái gì sai, đâu là thật, đâu là giả đấy
chứ. Có thế trời đất mới xoay vần đắp đổi, con người, xã hội mới sinh sôi,
phát triển...Điều đáng buồn là chính sự thiển cận làm mù con mắt và làm hỏng
trái tim con người. Họ lao theo cái ảo, chạy theo cái giả mà cứ tưởng cái thật,
cứ tưởng mình hạnh phúc. Hôm vừa rồi tôi ra Hà Nội thăm triển lãm cây cảnh
càng ngộ ra về cái giả cái thật, cái tốt cái xấu ở đời. Cậu nhìn xem, đây là cây
sung, đã hơn 50 tuổi rồi từ ông cụ nhà tôi truyền lại. Nó xù xì, nó mốc trắng
mốc xanh, mình đầy thương tích với bao nhiêu vết sần vết sẹo do sâu đục, do
bão táp phong ba, sương gió… mới có được vẻ đẹp phong trần. Thế mà người
ta đem trưng ra những cây đẹp mã, da láng bóng, sạch sẽ trơn tru, lá xanh ngắt
rồi lại chắp ghép nào đầu hổ mình rồng bằng keo dán. Một công nghệ làm giả,
nếu không tinh ý, không am hiểu thì làm sao biết được”.
Y há mồm, tròn mắt như hồi nào còn nghe thầy giảng bài trên lớp.
Thầy nhìn y, vẻ trìu mến. “ Người ta bảo anh là Đông ki sốt quả không sai.
12
Tôi thì cứ nghĩ đời nay cần nhiều những Đông ki sốt, những Bao Công. Tôi
không dám dăn dạy gì cả, các anh bây giờ giỏi hơn, tinh nhuệ hơn thời của
chúng tôi nhiều, nên chớ có đau khổ, tuyệt vọng. Đời vẫn còn nhiều tốt đẹp
hơn ta vẫn tưởng. Cái đã trắng thì nhuộm cũng không thể đen được. Người
thầy mà mất niềm tin là tự sát nghề nghiệp. Có điều chớ làm gì vì sĩ diện, vì
tự ái cá nhân mà hành động vì niềm tin vào công lý, vì lòng tự trọng. Chớ có
làm gì một mình, người đơn độc không bao giờ làm nên chuyện lớn cả. Em cứ
chính đạo mà làm, đường sáng mà đi thì ắt là sẽ tới đích”.
Chia tay thầy ra về, lòng y đã nhẹ nhõm hơn. Có cái gì đó trong y lờ
mờ nay đã dần sáng tỏ, như được sâu chuỗi lại, được kết tinh lại, nó hòa tan ra
mang một bản sắc mới và đang tỏa ra sức nóng. Niềm tin lại sáng lên trong y.
Ngày mai, y sẽ gặp riêng Lam để thuyết phục cô ấy nói ra sự thật. Cần phải
đánh thức niềm tin và lòng tự trọng của cô ấy. Mai mình sẽ có cách, còn bây
giờ một việc phải làm ngay là ngồi vào bàn viết. Mình phải làm đơn khiếu nại
gửi Thanh tra giáo dục mới được. Nghĩ vậy, Y thanh thản ngồi vào bàn viết.
Ngoài cửa sổ, ánh trăng lấp loáng. Gió đêm mùa hè tràn vào mát rượi.
Hà Nội Ngày 20 tháng 11 năm 2014
N Đ G
13
Người gửi / điện thoại