Đào Hiền - Phan Anh
QUAN LẠN DU KÝ
Ra Vân Đồn lần này chúng tôi đến làng Vân (tức trang Vân Đồn, tên gọi thời xưa của xã đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh bây giờ) vào đúng dịp các ngư dân nơi đây đang nhộn nhịp chuẩn bị lễ hội “chèo bơi” để tưởng nhớ thành hoàng làng Trần Khánh Dư cùng những chiến binh Đại Việt từng hy sinh trên dòng sông Mang thủa xưa mà lòng đầy háo hức. Theo hướng mũi con tàu ra khơi, chúng tôi rời cảng Ao Tiên và bắt đầu mê mải ngắm nhìn những núi non trập trùng trên biển biếc trong nắng vàng ban mai lấp lánh để nước non Vân Đồn cứ thế mà hiện dần lên trước mắt như những thước phim và gợi lên trong lòng biết bao cảm xúc trước non nước và con người trên vùng biển trời phên dậu của Tổ quốc. Giữa những nỗi niềm trào dâng, giữa bao nhiêu miên man suy tư như thế trong tôi bất chợt lại sống dậy hình ảnh của một thương cảng trên bến dưới thuyền thủa nào từng tấp nập vào loại bậc nhất của đất nước với muôn ánh hào quang vang dội của những chiến công rực rỡ nơi cửa biển tiền tiêu khiến trong lòng vừa rạo rực vừa bâng khuâng khó tả. Dẫu vẫn biết vàng son và hào quang một thủa của ngày xưa bây giờ đã trở thành quá khứ từ rất lâu rồi nhưng bởi lòng còn nhiều luyến ái về cảnh sắc nơi này mà những âm vang rực rỡ nơi cửa biển Đông Bắc cứ hiện lên làm cho tâm hồn không khỏi thổn thức và khao khát khám phá.
Bắt đầu từ cái tên Vân Đồn, tức làng Vân hay bây giờ gọi là Quan Lạn. Làng ấy, đảo ấy, tính từ ngày vua Lý Anh Tông lần đầu đặt chân đến để tuần tra vùng biển Đông Bắc đến nay vừa tròn 875 năm. Cũng từ ấy (năm 1149) trang Vân có tên gọi chính thức là Vân Đồn. Nghe kể cái tên Vân Đồn được triết tự từ đặc điểm tự nhiên của hòn đảo và sự kiện nhà vua cho lập tiền đồn ở nơi đảo xa lúc đương thời mà có. Đồn là trạm gác vua đặt ngoài hải đảo để canh phòng vùng biển trời nơi xa xôi biên viễn của Tổ quốc, gọi là tiền đồn, đồn ở phía trước, nơi đầu sóng ngọn gió. Tiền đồn ở vùng biển Đông Bắc này bắt đầu có từ thời vua Lý Anh Tông, sau lần ra tuần tra lần đầu. Trong hai tiếng Vân Đồn thì Vân có nghĩa là mây, một hiện tượng tự nhiên thường thấy trong mỗi buổi sớm mai thức dậy trên hòn đảo nhỏ, trên những đỉnh núi bao quanh. Từ làng Vân người ta chỉ nhìn thấy tiền đồn của triều đình ở ngoài khơi xa sau khi mặt trời lên, xua tan hết mây mờ che phủ cùng những cơn mưa không hẹn mà đến rồi lại đi ngay. Có lẽ từ cái đặc điểm tự nhiên ấy mà cái tên Vân Đồn được hình thành, cả vùng biển đảo trên vịnh Bạch Long Vĩ từ ngày ấy và huyện Vân Đồn bây giờ cứ thế mà gắn liền, song hành cùng với Quan Lạn bắt đầu từ cái tên của làng Vân.
Khởi đầu cho chuyến du ngoạn nơi tiền đồn Đông Bắc chúng tôi đến bến Đình thăm và dâng hương tại cụm di tích quốc gia ở đình, chùa, đền, nghè Quan Lạn vốn là những nơi tâm linh thờ tự và lưu dấu tài hoa của những chiến công hiển hách của dân tộc trên xã đảo xa xôi. Đình Quan Lạn là nơi thờ đức Lý Thiên Tộ, tức Lý Anh Tông vị vua thứ sáu của triều Lý, người được sử sách ca tụng là vị vua tốt có lòng lo cho nước cho dân và cũng là vị vua đầu tiên có cái nhìn hướng ra biển. Chùa Quan Lạn là nơi thờ Phật và chúa Liễu Hạnh. Đền Quan Lạn là nơi thờ ba anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công, Phạm Thuần Dụng). Ba anh em họ Phạm này xuất thân ở Quan Lạn, vốn là những bộ tướng của Trần Khánh Dư có nhiều công lao trong những trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược của nhà Trần. Nghè Quan Lạn là nơi thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người có công lao to lớn trong trận thủy chiến với Trương Văn Hổ trên dòng sông Mang để góp phần quyết định và làm nên đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba của quân dân Đại Việt vào mùa xuân năm Mậu Tý (1288). Giữa bao nhiêu náo nức, cứ tưởng được hòa mình vào cái hương vị mặn mọi nơi biển xa để tưng bừng xem hội nhưng rồi bất chợt nhận được hung tin từ đất liền truyền ra cụ “Tổng” (cách gọi thân mật mà người dân dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) từ trần, cả nước quốc tang. Mọi hoạt động vui chơi trên phố biển trở nên trầm lắng. Lễ hội tạm dừng trong muôn vàn cảm xúc. Chúng tôi lang thang dọc theo các bãi biển nơi miền đảo xa, lặng ngắm sơn thủy hữu tình với nguyên vẻ hoang sơ, yên bình giữa sóng nước xôn xao cùng những công trình cổ kính linh thiêng của người xưa bên bờ biển cả và lặng lẽ lắng nghe những câu chuyện kể để suy ngẫm về vùng đất và con người nơi đây trong bao lẽ mất còn, hưng phế của tạo hóa.
Giữa những nắng mưa thất thường, biển trời non nước Quan Lạn hiện lên lúc nào cũng thơ mộng làm ngây ngất lòng người. Núi non trập trùng xanh biếc bao quanh hòn đảo, ở phía ngoài khơi xa tựa như những bức trường thành làm cho xã đảo Quan Lạn và Minh Châu dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn bao nét hoang sơ của thủa hồng hoang. Bãi tắm Quan Lạn, Sơn Hào, Biển Ngọc, Minh Châu … nằm nghiêng nghiêng, uốn mình theo những triền núi cong cong để làm thành những dáng hình thơ mộng đầy quyến rũ. Đêm ngày, mặt biển trong vắt, xanh màu ngọc bích trào dâng muôn ngàn con sóng bạc; khi thì ầm ầm, cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa chồm lên những bãi đá, vách núi như ngấu nghiến chẳng muốn rời xa; lúc lại êm đềm, dịu dàng, du dương như thể đang nâng niu, vỗ về, ve vuối những bãi bờ cát trắng bằng phẳng, mịn màng. Những bãi bờ và muôn ngàn con sóng như thế khiến cảnh biển sớm mai hay buổi chiều hôm trên hòn đảo Quan Lạn hiện lên trong những khuôn hình sống ảo đẹp đến không tưởng. Bấy nhiêu sự lãng mạn như thế dường như vẫn chưa đủ nên tạo hóa còn ban thêm hòn đảo mộng mơ này một bãi đá tình yêu sóng đôi, song hành bên đồi vô cực và đôi tay con người trên đảo lại làm thêm ra những những “bờ sông” đôi bờ cát trắng lấp lánh ánh mặt trời cùng đôi hàng phi lao thẳng tắp vi vu gió biển trên dọc trục đường huyết mạch nối liền hai xã trên đảo khiến vạn người mê mẩn.
Bờ biển Quan Lạn chất chứa những cảm xúc. Nếu bãi đá tình yêu hiện lên với vẻ đẹp của những bãi cát rộng mịn màng cùng các ghềnh đá nhấp nhô vươn mình ra phía biển khơi như thể đang ngóng đợi, chờ mong muôn ngàn con sóng xô bờ làm vang lên khúc tình ca bất tử, đặc biệt tạo hóa còn khéo bày đặt cho bờ biển nơi này hai mỏm đá lớn, uốn cong giống như hình trái tim xếp cạnh bên nhau để gợi lên trong trí tưởng tượng một tình yêu vĩnh cửu cho những cặp đôi đưa nhau đến thề non hẹn bể thì trên đồi vô cực trời đất lại tạo nên những góc ngắm núi non biển cả đẹp như tiên cảnh. Từ trên đồi vô cực người ta thấy có rất nhiều góc nhìn cực chất để có thể phóng tầm mắt tận hưởng bức tranh đảo Quan Lạn và vịnh Bái Tử Long với những cảnh sắc hùng vĩ của một vùng trời biển mênh mông, núi rừng xanh thẳm, dài rộng vô cùng bên những bờ cát trắng mịn, mềm mại trải dài lấp lánh khi thì trập trùng xa xa lúc lại ở ngay trước mặt phía dưới chân đồi. Cái bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc của núi non biển cả hiện lên trong mắt người xem như thế chẳng có bút nào khắc họa cho vừa. Và rồi, cùng với vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng ấy, hình ảnh của một dòng sông đôi bờ cát trắng và hai hàng phi lao trên cái cung đường xuyên đảo, khi thẳng tắp như hút vào tim, lúc lại khẽ uốn mình mềm mại để làm mê mẩn bao tín đồ sống ảo khiến người ta không khỏi lịm người. Cảnh đẹp huyền ảo của dòng sông cát trắng lung linh, huyền ảo. Nói là dòng sông cho có vẻ mơ mộng thôi nhưng thực ra đó chỉ là một lạch nước nhỏ có hai bờ trải cát trắng phau, màu kem sữa tựa như màu cát ở bãi Khem trên đảo Phú Quốc. Đến với đôi bờ cát trắng trong sớm ban mai hay buổi hoàng hôn, ngắm nhìn dòng sông với khung cảnh mênh mang của đất trời Quan Lạn người ta thấy đôi bờ cát trắng cùng mặt nước óng ánh, lấp lánh như thể luân phiên thay sắc theo màu mây ráng trời trong lóng lánh các tia sáng đẹp đến mê hồn khiến cho người ta không khỏi khao khát được sở hữu những bức hình đẹp đến ma mị và đậm chất liêu trai.
Giữa ngoài trùng khơi xa, Quan Lạn dường như không chỉ là hòn đảo được tạo hóa sắp đặt cho những cảnh sắc nước non kỳ tú để không ít người phải thốt lên và gọi đó là viên ngọc của vùng biển Đông Bắc mà còn là nơi kết tụ linh khí đặc biệt của đất trời, một hòn đảo linh thiêng của Tổ quốc. Chẳng biết có phải vậy hay không nhưng tôi thấy trên đảo nhỏ có rất nhiều các công trình tâm linh với tuổi đời có đến hàng vài ba trăm năm, được hiển hiện, lưu dấu trên rất nhiều những đường nét chạm khắc rồng, phượng, hoa, lá vô cùng tinh xảo, uyển chuyển ở các bức cốn, đầu bẩy, cửa võng, bờ nóc, đầu đao cùng các sắc phong của các triều đình phong kiến ban tặng qua các thời kỳ lịch sử. Lệ thường những vùng đất như vậy chẳng sinh ra những anh kiệt thì cũng có một sức hút đặc biệt đối với những nhân tài trong thiên hạ. Cứ suy ngẫm và chiêm nghiệm về đảo Quan Lạn như thế người ta mới thấy sự huyền diệu và công phu của trời đất trên xã đảo ở ngoài khơi xa. Quả thực ta thấy đảo xa Quan Lạn đúng là vậy. Hòn đảo ấy không chỉ là nơi sinh thành bộ ba tài tướng họ Phạm của Trần Khánh Dư mà còn là một vùng chiến địa đặc biệt trên dòng sông Mang để góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông và làm nên tên tuổi cũng như góp phần cứu tội cho vị thủy tướng số một của Việt Nam mà tên tuổi muôn đời vẫn được sử sách lưu danh: Trần Khánh Dư. Đấy là một đảo Quan Lạn thời Trần gắn liền với những chiến công hiển hách nhưng phải biết rằng, trước đó vài trăm năm, vị trí chiến lược đặc biệt của hòn đảo này được chính đức vua Lý Anh Tông nhận ra và cho xây dựng thương cảng Vân Đồn khi người lần đầu đi tuần thú vùng biển Đông Bắc để trải dài suốt bảy trăm năm nơi đây luôn là một trung tâm buôn bán với nước ngoài sầm uất vào loại bậc nhất ở trong nước và trong khu vực.
Bây giờ, hình bóng của thương cảng trên bến dưới thuyền sầm uất một thời không còn nữa nhưng dấu tích của một đệ nhất thương cảng thì vẫn còn đó. Bến Cái Làng nằm sát chân núi Man vẫn còn ngổn ngang những mảnh sành, mảnh sứ của Trung Hoa, Nhật Bản và cả Âu châu đang nằm phơi mình dưới nắng mỗi khi thủy triều rút nước. Hẳn vẫn còn đó dưới lớp bùn sâu hay dưới đáy biển vô số kho báu cổ vật của những thuyền buôn xấu số phải lưu lại đất này. Chưa hết, dấu tích một thời của thương cảng thời Lý còn được lưu truyền trong dân gian qua những huyền thoại về giếng nước nàng Tiên (giếng Hệu, đọc chệch từ giếng Hợi) ở Cái Làng. Nghe kể, giếng nàng Tiên thời ấy là giếng nước ngọt duy nhất của đảo. Giếng này không bao giờ cạn và là nguồn cung cấp nước cho cư dân nơi đây và các thuyền buôn khắp mọi nơi qua lại buôn bán giao thương. Người ta bảo giếng nàng Tiên vừa trong vừa mát. Nước giếng không những ăn ngon mà còn làm cho các cô gái trở nên xinh đẹp trẻ trung hơn khi dùng nước giếng để gội đầu, tắm rửa; tóc mọc dài và đen óng ả. Chẳng thế mà nơi đây có câu ca truyền tụng “Khi đi tóc chấm ngang vai/ Gội đầu giếng Hệu tóc dài ngang lưng”. Giếng ấy nay vẫn còn và được người dân gìn giữ như một báu vật của làng.
Sau bảy thế kỷ hưng thịnh, thương cảng Vân Đồn nay đã hoang tàn. Bây giờ ở Quan Lạn không còn cái không khí sầm uất của một trung tâm buôn bán nổi tiếng một thời. Và cái thế trận chiến thắng quân Nguyên tưng bừng trên dòng sông Mang cũng đã lùi rất xa vào trong lịch sử. Trên hòn đảo xinh đẹp ấy giờ đây chỉ còn lưu dấu các công trình tâm linh với những ngôi đình, ngôi chùa, ngôi miếu, ngôi đền từ trăm năm xưa để lại như để khắc ghi công lao các vị anh hùng và tưởng nhớ về một thời oanh liệt của hòn đảo kiên trung ở nơi đầu sóng ngọn gió. Những công trình tâm linh ấy cổ kính, uy nghiêm, trầm mặc đêm ngày soi bóng xuống biển xanh làm nên đán hình xứ sở và linh phù muôn đời cho đảo nhỏ. Trải theo thời gian, thương cảng không còn, người Cái Làng cũng thay đổi chỗ ở và chuyển sang nghề biển nên những công trình tâm linh của dân làng cũng được di chuyển theo về thôn Thái Hòa. Ngôi đình cổ kính được chuyển vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX. Ngự trên bến Đình nhìn ra phía vịnh biển, ngôi đình có năm gian hai chái, hình chữ công mang đậm phong cách kiến trúc nhà Nguyễn với các đầu đao cong vút bay bổng, thanh thoát hướng lên bầu trời cao rộng khiến người ta cứ ngỡ như đã từng trông thấy ở đâu đó giữa đồng bằng Bắc Bộ. Thờ chính ở đình là đức vua Lý Anh Tông, người đã từng đặt chân đến Quan Lạn vào năm 1149 và thành lập nên Thương cảng cùng trang Vân Đồn. Trong đình, ở hậu cung hiện còn có tượng vua Lý Anh Tông. Ngôi đình hiện lên trước biển cả mênh mông thật bề thế, vững trãi. Trông từ xa lại ngôi đình như thể dựa lưng vào năm ngọn núi cao tạo thành hình ngũ nhạc. Chẳng thế người Quan Lạn tin tưởng và tự hào khoe với khách thập phương về cái thế “Tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc” (phía trước có ba đảo làm thành bức bình phong che chắn, phía sau có năm ngọn núi làm chỗ dựa vững chắc) của ngôi đình làng mình. Cách đình không xa, khoảng chừng một cây số, là nghè thờ Trần Khánh Dư - người đã chỉ huy và tiêu diệt bảy mươi thuyền chở mười bảy vạn thạch lương của tướng Trương Văn Hổ trên dòng sông Mang vào mùa xuân năm 1288; với trận đánh này Trần Khánh Dư cùng đội quân thủy chiến ở làng Vân đã giáng một đòn hiểm yếu vào “dạ dày” quân xâm lược khiến thế trận của giặc Nguyên Mông bị rúng động, đảo lộn; làm cho đội quân của Tổng chỉ huy Thoát Hoan lâm vào tình trạng quân đến mà lương thực chưa đến, thiếu đói đến nỗi phải đi ăn cướp, hàng ngày phải lên núi ngóng chờ và cuối cùng là thất bại thảm hại, không dám động binh quay lại thêm lần nào nữa. Cũng như đình, nghè thờ Trần Khánh Dư cũng được chuyển từ Cái Làng về Thái Hòa. Nghe kể nghè được làm cùng với đình vào quãng thế kỷ XVIII. Rồi di chuyển, rồi theo thăng trầm của thời gian, nghè cũ cũng bị mai một, đến đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI nghè được làm lại. Hiện nay nghè thờ Trần Khánh Dư đã hoàn chỉnh, bề thế gồm nghè chính, tả vu, hữu vu, hồ bán nguyệt, miếu Tứ vị Thánh Nương,... Trong đó ở nghè chính có bái đường gồm ba gian, hai chái; bốn mái lợp ngói mũi hài, các góc có đầu đao uốn cong, trang trí đầu rồng. Hậu cung cũng có ba gian, hai chái. Kiến trúc của nghè bên trong được làm bằng gỗ lim, chạm khắc theo phong cách thời Trần. Hiện trong nghè đang lưu giữ được rất nhiều hiện vật có niên đại từ thời Hậu Lê, thời Nguyễn cùng pho tượng Trần Khánh Dư. Ngắm nhìn các công trình tâm linh ở Quan Lạn người ta thấy những mái đình, mái đền làng biển sao cứ thấy rất gần gũi và thân thương, đáng yêu đến thế. Phải chăng ngay từ những ngày xưa bóng dáng của làng Việt ở Kinh Bắc nói riêng hay đồng bằng Bắc Bộ nói chung đã từng được các triều đình phong kiến rất quan tâm đưa đến nơi này để khẳng định chủ quyền của đất nước ở nơi đảo xa. Mái đình, mái nghè kia đâu chỉ là cái đình cái đền đơn thuần như những ngôi đình, ngôi đền trong đất liền, ở mỗi ngôi làng. Hẳn phải có ý nghĩa hơn thế, những công trình tâm linh trên biển ấy chính là những cột mốc tâm linh, cột mốc văn hóa Đại Việt ở ngoài khơi xa. Hiểu thấu điều đó ta mới thấy ý nghĩa và tầm vóc của mái đình, mái đền làng biển.
Miên man theo dòng lịch sử ta sẽ nhận thấy tầm nhìn trác tuyệt của vua Lý Anh Tông khi hướng ra biển. Thương cảng Vân Đồn vừa là nơi giao thương quốc tế nhưng đồng thời cũng là phòng tuyến đầu tiên chặn thù. Nó là nơi buôn bán với nước ngoài nhưng đồng thời cũng là cách không cho người ngoại quốc đặt chân lên thăm dò trên đất liền. Trên phòng tuyến ấy mọi điều bất thường ngoài khơi xa đều có thể kịp thời báo về cho đất liền chủ động ứng phó. Cứ thế, bất chợt ta lại nhớ về cơn bĩ cực của nhà Lý khi hết vận. Nhớ lại khi xưa nhà Lý từng cắt cử hoàng tử Lý Long Tường trấn thủ trên đảo Vân Đồn. Đến khi biết nhà Trần thoán ngôi, để thoát khỏi hiểm họa, năm 1226, hoàng tử Lý Long Tường bắt đầu từ đảo Vân Đồn dẫn vợ con và những người thân vượt ngàn trùng khơi xa đến miền đất Cao Ly lánh nạn trên núi Hoa Sơn. Ở trên xứ người, hoàng tử nhà Lý đã giúp triều đình Cao Ly đánh bại giặc Nguyên Mông và trở thành người hùng của xứ sở Kim Chi. Sau chiến công đánh bại giặc Nguyên Mông, đặc biệt là kế đổ nước sôi giết thích khách trong rương vàng khiến cho quân Nguyên Mông chấp nhận đại bại trên đất Cao Ly, Hoàng thúc nhà Lý đã được người Cao Ly trọng dụng và yêu quý. Ở nơi chân trời xa, Lý Long Tường được triều đình Cao Ly phong tước, được dựng “Thụ hàng môn” để ngợi ca và khắc ghi công tích. Nhưng hỡi ôi đất Nam xa xôi vẫn làm cho Lý Long Tường ngày đêm thương nhớ. Truyền rằng, trên núi Hoa Sơn có đỉnh “Vọng cố hương” là nơi mỗi ngày hai buổi Lý Tường Long đến đó nhìn về phương Nam mà ôm mặt khóc cho bớt nỗi nhớ quê nhà. Và cuộc ly hương ấy kéo dài cho đến hơn bảy trăm năm sau mới có ngày tái ngộ (năm 1994, Lý Xương Căn về Việt Nam và đến bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế - Bắc Ninh. Ông đã viết lưu bút tại đây rằng: “Cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt”).
Đứng bên sông Mang trong buổi chiều tà, con sông này, hòn đảo này, chao ôi sao bỗng dưng lại lưu luyến vấn vương tơ lòng đến vậy. Dòng sông ngày xưa vẫn thế, đêm ngày thủy triều lên xuống đều đặn theo nhịp hải hà nhưng mang trong mình biết bao nỗi buồn vui kể sao cho siết. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, dòng sông không đầu không cuối, chẳng thượng nguồn và cũng chẳng có hạ lưu, chỉ có con nước khi ra khi vào theo mỗi nhịp triều lên xuống. Lặng lẽ vậy thôi nhưng lại chính là một chứng nhân cho cả một ngàn năm lịch sử. Nếu có thể bới dòng sông lên biết đâu sẽ còn biết bao câu chuyện mà ta chưa hề được biết. Thương cảng xưa không còn, đảo Quan Lạn không còn tấp nập trên bến dưới thuyền muôn khách thập phương buôn bán giao thương nhưng vẫn tấp nập trên cảng dưới tàu trở khách du lịch vào ra. Ngẫm chuyện xưa, con người làm nên lịch sử của vùng đất. Nghĩ chuyện nay người tốt sẽ làm sang đảo đẹp. Những ngày trên đảo tôi đã gặp không ít người bản địa chất phác, thân thiện, tốt bụng; từ cô lái xe dạo chở khách cho đến người trong làng gặp trên đường đi. Phải chăng mạch ngầm văn hóa trượng nghĩa của dòng Mang vẫn âm thầm, lặng lẽ nhưng bền bỉ, liên tục để nuôi dưỡng những tâm hồn xứ sở. Cứ vậy, bảo sao người ta mến làng Vân. Đã không ít lần đến Vân Đồn, lần nào cũng vậy, trong lòng không khỏi bâng khuâng suy nghĩ về bao chuyện của đất và người ở nơi cửa biển Đông Bắc, cái nơi tiền đồn khơi xa của Tổ quốc thân yêu.
Quan Lạn, những ngày bão về, 22 tháng 7 năm 2024
Đ.H – P.A
Người gửi / điện thoại