Nguyễn Quốc Hùng
QUÁN KHÁCH
1
Lão Hạnh kéo lùi chiếc bàn vào giáp chân tường để tránh nắng. Tiếng chân bàn miết xuống đất khồng khộc làm thức tỉnh cơn mê của những con bạc khát nước ngồi gần, rằng nắng rát lưng rồi đấy dịch vào chỗ mát mà chơi. Tấm lưng trần đen cháy của con bạc ngồi ngoài không tránh khỏi nắng loang những dòng mồ hôi như vết con sên bò trên tấm gỗ mục. Tụ tập nhau đã mấy tiếng, gần đến giờ vào ca, nhưng có kẻ đang thua đậm phải gỡ, cố chờ tới nước bài thuận. Còn chút cấn trà trong chiếc chén ngàu bụi đường táp vào chúng vẫn thưởng thức ngon lành, nhìn cái miệng tem tép sau khi chiêu miếng nước thì thấy. Lão Hạnh muốn giục hội bạc này vào làm để quán nước của lão thêm chỗ ngồi mát nhưng chả dám. Góc khuất ấy là của riêng chúng. Cũng như quán nước của lão chiếm diện tích khá nhiều, đã chiếc xe đẩy cồng kềnh lại thêm hai bộ bàn ghế nhựa, trong khi đó các quán khác chen đứng chen ngồi bên nhau chỉ bằng mấy thanh gỗ tận dụng đen bẩn như vừa móc dưới cống lên hoặc là mấy tảng đá, vài viên gạch xếp vào, chẳng ai dám tị nạnh, thậm chí lão có nghỉ hàng vài ngày cũng chẳng ai dám lấn sân. Lão Hạnh ngồi chỗ này dễ gần hai chục năm.
Hàng quán phong tỏa kín cổng xí nghiệp, thế mà không đủ chỗ phục vụ công nhân. Người đến sớm may mắn vạ được vào chỗ mát khề khà chén nước, tào lao vài câu chuyện cho đến sát giờ làm. Người đến chậm chịu hẩm hiu đứng giữa trời để cho cái nắng vắt nước lên đầu, xoàn xoạt uống vội chén trà như húp bát canh nóng, xong rồi chạy trốn khẩn trương vào sau cổng xí nghiệp. Không được chén trà trước khi vào làm mồm miệng thấy tanh tưởi, tâm trí cồn cào cứ như quên cái gì đó chẳng nhớ nổi. Lão Hạnh đờ đẫn đứng nhìn dọc hàng hiên, chẳng còn khoảng trống nào để dồn lui cái bàn ra một chút. Mấy khách uống phải ngồi ôm sát vào nhau như cặp tình thân khiến lão khó chịu, nhìn tức mắt. Luồng gió hiếm hoi giữa trưa hè chạy tạt qua cổng xí nghiệp khiến cho lũ giấy ăn, túi ni lông của hàng ăn đêm thải ra được dịp đuổi nhau như quân trận trên mặt đường, chúng còn bạo gan quẩn vào ẩn nấp ngay trong lòng những kẻ lê la quán xá.
Và cơn gió muốn chọc tức lão Hạnh bằng cách hất đổ lọ hoa bằng thủy tinh nhỏ xíu cắm một bông hồng đỏ thâm, lúc nào cũng có chỗ giữa những chai lọ, cốc chén trên quầy hàng. May mà lão đỡ kịp không thì lọ hoa đã rơi xuống đất.
-Chết người ta không, gió máy vô duyên như con Chột. Biết ngay mà, nó vừa uống nước xong, chai cốc bày bừa thế này. - Lão Hạnh lầu bầu trong miệng.
Bọn cờ bạc réo gọi:
-Nước sôi rồi đây này! Đã nóng còn để ngay bếp lò ở đây. Nhanh lên! Ngạt thở chết, ông phải đi tù vì tội gây ô nhiễm môi trường đấy.
Lão Hạnh chạy lại bếp lò, người nhỏ bé, cái lưng cong cong, bước chân lật khật, trông chẳng khác gì con cá ngựa di chuyển. Lão chế nước sôi vào chiếc ấm sành để hãm trà.
Chế xong ấm nước, lão Hạnh uốn lưng kêu lắc rắc, nặng nhọc thở, kéo vạt khăn mặt vắt trên vai lau mồ hôi đọng ở nếp da cổ. Đấy, có tầu đang cập cầu cảng, tiếng còi gì mà lụ khụ như lão già ho khan. Con Chột cũng như bao người đàn bà khác, coi nhà lão như bến cảng, ghé vào đổ ngập căn phòng nhỏ bé mùi khét của bùn đất trộn với dầu mỡ quện trong mùi mồ hôi chua khẳn chẳng kém gì mẻ thiu. Tiền lương hưu, tiền bán quán không đủ nuôi ăn bọn chúng nó. Dại gái, cánh đàn ông ở cổng xí nghiệp này coi khinh lão ở cái tính ấy. Nếu không có cách hãm trà trong ấm sành ngon hơn quán khác thì quán của lão chẳng ai thèm ghé vào. Lại còn làm dáng nữa, đồng bóng, bàn ghế sạch bong ai cần, hoa gì thâm thèo như hoa thối, thế mà bọn đàn bà cứ xán vào. Lão Hạnh biết người ta nhìn mình thế nào.
Đói rồi. Lão nhìn quanh tìm gương mặt nào có thể nhờ cậy trông quán hộ một lát để sang đường mua suất cơm. Lão mở ngăn kéo lấy tiền. “Chết thật, tiền bán hàng từ sáng sao không còn đồng nào!” Lão buông người xuống ghế, thẫn thờ nhìn ngăn kéo rỗng không. Lão cố nhớ lại các khoản thu nhập liệu còn để sót ở đâu đồng nào. Lương hưu trả tiền hàng hôm qua, còn thừa con Chột giật ngay trên tay bảo vay nay sẽ trả, thế là chẳng còn đồng nào. “Chỉ có con Chột nãy giờ ngồi đây, tệ thật!” Lão quay ra đám cờ bạc rụt rè đề nghị:
-Này mấy chú, cho tớ xin tiền nước mua bát cơm, tiền để trong đây đứa nào lấy mất, tệ thế!
-Ông đổ cho bọn này đấy à? Chờ đấy, đang đen như quạ!
Thằng mặt nhọn, lão gọi gã như vậy bởi khuôn mặt bẹt, hai bên lưỡng quyền bạnh ra, cái cằm nhỏ như củ khoai bi, nối ba điểm ấy tạo thành tam giác lộn ngược, lừ lừ ánh mắt lườm lại phía lão. Nhìn vào đôi mắt nhỏ lẩn dưới lần mi mọng hùm hụp, vô hồn như mắt lợn chết của gã khiến lão chờn chợn không dám nói thêm. Gã đang thua bạc, ngồi chồm hỗm như cóc, gằm mặt vào lá bài. Chẳng khách nào thấy tình cảnh của lão thế mà trả tiền ngay. Lão ngồi lặng trên ghế chờ đợi. Thằng được bạc ngồi ngả ngớn dưới nắng, quân bài hờ hững kẹp trong kẽ tay, vo viên tờ hai nghìn búng lại phía lão. Lão Hạnh vuốt tờ giấy bạc cho phẳng, nhìn xăm xoi vào hàng chữ viết bằng mực bút bi trên đó.
-Này! Đồng này tôi vừa viết chữ vào, sao lại ở chỗ các chú?
-Muốn đổ điêu hả! Đã thấy thằng nào lại gần đấy chưa, hỏng mẹ ván bài chỉ vì ông! - Gã mặt nhọn hằn học vứt quân bài xuống lườm mắt lại phía lão, đôi mắt đỏ sọng.
Im lặng là biết điều, cách tốt nhất để chúng trả tiền nước, lão tồn tại được ở đây gần hai mươi năm sao không biết điều đó. Hàng cơm bên đường đã thu dọn, lão gọi cô gái bán bánh mì rong tính mua một chiếc ăn với kẹo lạc cho dễ nuốt. Lọ kẹo lạc không còn chiếc nào. Không gọi mà lão thấy gã mặt nhọn đang nhai lộc khộc, miệng trẹo đi trẹo lại như trâu nhai cỏ, mẩu kẹo lạc chẩy nước còn đặt trên đầu mũi dép. “Chào thua thằng mặt nhọn!” - Lão lẩm bẩm rồi vạ người xuống ghế, vặn từng mẩu bánh mỳ khô cho vào miệng. Nóng và mệt gọi cơn buồn ngủ tới kéo trĩu mắt lão xụp xuống, cái miệng nhai trễ nải phập phồng như bụng con ếch thở, miếng bánh nát trào ra bên mép. Mái tóc tướp tơ vì được gió và bụi chải cho, nước da được nắng tôi luyện đen bóng, hõm má tóp lại đong đầy bát nước, đường gân trên cổ nổi gồ lên như nét chạm vụng, lão chẳng khác bức tượng đồng hun dở. Lão ngủ gà gật, để mặc cho nắng tự do bò lên đôi cẳng chân sắt seo như gộc tre đực.
Lão Hạnh choàng tỉnh, tưởng rằng có kẻ nào lấy trộm hàng bởi tiếng chai lọ va vào nhau xoang xoảng. Con Chột rơi mình xuống ghế, xuýt xoa đầu gối đầu gối vừa húc vào cạnh bàn. Lão Hạnh liếc nhìn con Chột, nó vẫn thế, rồi lại nhắm mắt tính ngủ tiếp. Nhưng con Chột chẳng cho lão ngủ, cái môi cong thâm như cái mộc nhĩ chĩa về phía mấy tay bảo vệ chửi té tát:
-Thằng chó! Mày ra ngoài này, tao xé xác mày ra! Thử hỏi những thứ rác rưởi ấy không cho chúng tao lấy để tầu nó mang ra ngoài biển đổ à. Chúng mày tưởng tây mà tử tế á, nó thiếu hàng cẩu trộm ở dưới bãi lên, không có tao phát hiện nó khuân cả cảng chúng mày cũng không biết, chúng mày còn mải rục đầu vào cờ bạc. Có phải hàng hóa nhà chúng mày đâu mà giữ. Mày ra ngoài này xem tao có sợ mày không!
- Khiếp! Mồm miệng xoe xóe, điếc tai, chửi thế ai nghe. - Lão Hạnh cấm cảu với con Chột.
Con Chột đứng bật dậy, tuột tung cúc áo ngực để lộ những vết lằn đỏ đang rỉ máu trên bầu vú, mắt long lên giận giữ:
-Anh xem, nó đánh em, sắt sáu vụt dứt thịt ra đây này!
-Chết thật, ác thế! - Lão Hạnh nhìn vú con Chột xuýt xoa.
-Mặt xấu như ma mà vú vê đẹp thế, khổ thân! Này, cái mắt hiêng hiếng nhìn lên thế là chửi trời đấy à, phải tội chết. - Tay bảo vệ có cái miệng chúm chúm như vỏ hến đứng nhìn chằm chặp vào vú con Chột: - Trong xí nghiệp không đánh chúng mày để tao mất việc à. Như mấy thằng kia, đánh bạc trong xí nghiệp chết bỏ mẹ, ra ngoài này vô tư. Tao với mày ra ngoài này hòa, tối có cấn cá gì đến tao giải quyết, anh già kia còn nước nôi gì nữa.
- Thằng chó! - Con Chột đạp vào bụng dưới tay bảo vệ, không để cho hắn kịp thọc tay vào ngực mình.
Gã mặt nhọn ngửa cổ mút mấy bã trà dưới đáy chén. Chuyện chẳng để hội bạc phải để tâm.
2
Đã ba giờ đêm, tiếng khậm khọt ngáy ngủ của con Chột lẻ loi quẫy đạp trong vũng lặng của đêm. Lão Hạnh chưa hề chợp mắt, ngồi bất động, cái lưng cong như chiếc ghế nhựa bên cạnh. Vật vào nhà lão được đến dăm tháng nhưng chưa lần nào con Chột ngủ say sưa, có giấc dài như đêm nay. “Ầm ầm như con ngựa động đực, không phải của không sót!” – Lão vẫn rủa con Chột vậy mỗi khi ngồi xuống ghế ở quán. Con Chột sinh ra là để phù hợp với công việc bây giờ của nó, leo thang dây lên tầu thoăn thoắt, gỗ kê, đai sắt của kiện hàng công nhân bốc xếp tháo ra được con chột mua lại vác trên vai chạy huỳnh huỵch rung vỏ tầu, gồng người ném qua be xuống thuyền mủng như lực sĩ cử tạ, những khi không muốn chi đẹp bị bảo vệ đuổi lao người từ trên boong cao hơn chục mét xuống sông như vận động viên nhẩy cầu. Đi đêm về hôm ào ào như gió lốc, lão chưa được một lần ngồi nói chuyện lâu với con Chột, thân phận thế nào chưa được biết. Có lẽ nó đau lắm, sắt sáu quật dứt thịt ra thế cơ mà. Lão liếc nhìn con Chột đang nằm nghiêng, đường cong cơ thể nổi gồ như yên ngựa, đôi vú đẫy đà trồi hẳn ra ngoài khuy áo để tuột. Thế kia thì thằng trai nào chả thích. Những kẻ háu gái trong ngõ này đi qua vỗ vỗ vào bộ mông tròn căng lần vải, đi lại huých vai vào đôi vú thây lẩy của con Chột khiêu khích, có kẻ trợn trạo thọc hẳn tay vào trong quần con Chột. Nhưng con Chột chẳng phản ứng gì, thậm chí không một nét nhăn biểu cảm trên khuôn mặt đen nhẫy.
Lão Hạnh thề độc chưa hề đụng chạm tới người con Chột, cũng như tất cả những người con gái khác qua đây. Ngày ấy đi làm về, trên giường lão trong gian phòng tập thể của xí nghiệp có một cô gái nằm trên đó ngủ say sưa, gương mặt phờ phạc mệt mỏi. “Mày gọi về đấy à?”. “Tao với mày làm cùng với nhau cả ca, biết đâu!”. “Gọi dậy, đuổi đi, không lại mang tiếng”. “Cứ để nó ngủ, giường tao chứ có phải giường chúng mày đâu sợ mang tiếng. Tội nghiệp nó, ngủ say quá.” Ba đồng nghiệp tìm nơi khác ngủ, còn lão trải chiếu xuống đất. Chuyện đó thành tiếng thơm cho lão, bao người đàn bà đã nương nhờ căn phòng như quán trọ, rồi khi ra đi chẳng để lại dấu tích gì.
Mảng trắng mịn màng qua khoảng hở ngực áo con Chột khiến lão bất an không dám ngủ, sợ hình ảnh ấy trôi tuột mất trong mộng mị khủng khiếp hàng đêm vẫn tới. Lão thấy tiếc, bao người đàn bà dễ dãi thế mà không thử, để bây giờ so sánh xem ai hơn con Chột. Trong tâm trí lão cố xóa đi những vết lằn đỏ trên ngực con Chột mà không được, thế thì ích kỷ quá. Lão thương đời con Chột vất vả, đời lão chưa một lần bị đau như vậy. Lão thở dài, kéo bộ ấm chén lại trước mặt.
Tiếng tráng ấm lanh canh đánh thức con Chột dậy.
-Dậy sớm thế? - Con Chột xúc miệng bằng ca nước lã để trên bàn, nhổ toẹt xuống nền nhà rồi ngồi xuống cạnh lão. Mùi gỉ sắt cùng mùi dầu mỡ khét nồng.
-Còn đau không? Thương em quá không ngủ được. Có tầu sắt thép vào, quang cáp nhiều thế mà không ra à? - Lão Hạnh buột miệng nói thật lòng nhưng con Chột chẳng phản ứng gì, khác nào những cái động chạm của bọn đàn ông trong xóm này.
-Thằng chó ấy dã man, thế mà tối qua còn mở mồm gạ gẫm em. Đói quá!
-Tối anh bảo ăn cùng sao không, ý tứ làm chó gì, hay có chuyện à?
Con Chột lảng tránh ánh mắt nhìn thương cảm của lão Hạnh.
-Ăn ở đâu rồi phải không? Sáng có bao nhiêu tiền của tôi cô lấy hết để tôi phải ăn bánh mỳ khô.
-Có được tiêu đâu. Tiền vay, tiền lấy của anh, thằng chồng em lột sạch, có cái kẹo lạc ăn giở nó cũng giật ra khỏi mồm. Mua được ít hàng phải nợ khi nào bán xong mới trả. Mấy hôm nay nó vào dây đen.
Im lặng. Có tiếng chuột chạy lúc rúc nơi góc tối. Gió đêm vỗ vào cánh cửa bầm bập.
-Em có chồng à? Con cái đâu? Khổ thế! Các em qua lại đây như người nhà khiến mấy người cùng phòng hãi bỏ đi, đến khi thanh lý thành nhà riêng của anh, nếu thằng chồng không đoái hoài tới đem con đến đây mà ở. Về hưu, định về quê với vợ con, nhưng đàn ông xấu tính thế vui đâu chầu đấy, các em chiều quá thành quen chẳng bỏ được. Thế mà anh chưa đụng tới đứa nào.
-Nói dối không sợ phải tội. Chó nó nghe. Chắc vợ quê xấu không muốn về. - Con Chột đổi giọng làm bộ ngọt ngào rồi sượng sùng ngồi dịch sát vào gần lão Hạnh.
Có tiếng lịch kịch ngoài cửa.
-Hình như có trộm, ra xem thằng nào.
-Đừng anh! Gió đấy. - Con Chột hoảng hốt kéo tay lão lại.
-Thôi mặc, nhà chỉ có cái xác. Không có các em thì anh tích cóp lại cũng xây được ngôi nhà tử tế.
- Ngày anh kiếm được bao nhiêu? Pha nước thế nào mà bọn bốc vác khen ngon thế? - Con Chột rụt rè hỏi thăm dò.
-Có gì đâu, mấy chục năm làm ở xí nghiệp sao không biết, uống trà như trâu uống nước sông biết gì là ngon. Nóng bỏng môi, đắng khé cổ là ngon. Bớt lãi đi một chút. Cũng tại cái ấm sành kia, ngày còn đi làm, vợ anh ngâm rượu thuốc bắc với trứng gà cho dễ rót, hết bình này có bình khác thay thế, đều đều. Khi nghỉ hưu anh không về, bà ấy cắt luôn. Chả biết bà ấy ngâm thế nào mà ngon lắm, uống không đâu bằng. Còn cái ấm bỏ không, mở quán nước thấy tiện dùng để hãm trà. Thế mà mấy thằng uống khen ngon là nhờ cái ấm sành. Em uống thử, nước xanh, ngọt xin xít trong cổ thế này mới ngon.
-Anh uống rượu nhiều thế sao em chưa thấy? Trưa nay về nhà, em nấu cơm cùng ăn. Con cái chả có, vợ chồng đi khám rồi, vẫn nghiêm chỉnh cả. Ăn bờ ngủ bụi nhiều khi tủi.
Lần đầu tiên lão Hạnh nhìn thấy ánh mắt buồn của những người đàn bà đi ngang qua căn nhà của lão.
Trưa, lão Hạnh dọn hàng sớm. Bọn đánh bạc vẫn cay cú mài quân bài trên tay. Con Chột tắm rửa thơm tho, quần áo tươm tất, khác hẳn mọi ngày. Lão Hạnh khen đẹp, giống như cô gái di-gan. Không phải lâu không uống mà lão Hạnh đã quên rượu, lão chỉ nhấp một chút cho thơm miệng, luôn tay gắp thức ăn cho con Chột.
-Anh cho em cái quán nước mà kiếm tiền đỡ vất vả. - Lão nói đắn đo.
Từ đầu bữa con Chột vẫn im lặng, có điều gì suy nghĩ căng thẳng, lời đề nghị có hời của lão Hạnh cũng chẳng nghe thấy. Lão Hạnh nghĩ, đã tìm được góc khuất trong con người con Chột.
Cơm nước xong, lão Hạnh ngồi tựa ghế, mắt lim rim theo thói quen chứ tuyệt nhiên không muốn ngủ. Gần hai chục năm lão mới lại có được buổi trưa thảnh thơi thế này. Con Chột ngồi đối diện, vô tình hay cố ý gió quạt thổi bung hết hàng cúc áo. Lão Hạnh cũng chẳng che đậy ý đồ, nhìn chòng chọc vào đôi vú trắng hồng không được áo lót che chắn của con Chột. Con Chột kìm tiếng thở dài.
-Em còn đau không? - Lão Hạnh đặt tay lên những vết lằn đỏ trên ngực con Chột.
Con Chột rùng mình, bụng dưới thót lại, chiếc áo tuột xuống.
-Xuống dưới bếp, trên nhà cửa rả tông hống thế này, nhỡ có ai...!
Con Chột chủ động xuống dưới bếp trước. Lão Hạnh hút theo sau.
Xong chuyện, con Chột lên giường ngủ. Hơi thở đều đặn, êm như gió nam. Linh cảm cào vào trí não khiến lão Hạnh bồn chồn không muốn ngủ, hết đứng lại ngồi, quẩn quanh trong gian nhà tồi tàn. Chẳng biết sẽ có chuyện gì biến đổi trong đời đây? Trà đã nhạt, dốc ngược ấm chỉ còn vài giọt nước lạnh nhỏ xuống nhưng lão vẫn luôn tay rót.
Bỗng lão Hạnh giật mình, bừng tỉnh cơn mê bởi cánh cửa bị đạp tung, ánh nắng ùa vào lóa mắt. Con Chột vẫn say sưa ngủ. Thằng mặt nhọn xộc vào, kéo tóc con Chột dựng dậy.
-Ông dặn mày phải làm thế nào! Cả đêm qua ông thức để rình mà không được, nãy mày đi đâu mà bây giờ ngủ như chết thế này!
Thì ra chúng nó là vợ chồng. Lão Hạnh biết chúng muốn gì rồi, thảo nào mấy hôm nay thằng mặt nhọn hay nhìn trộm lão.
-Lấy loại đàn bà như mày phí cả đời!
Thằng mặt nhọn gầm lên, co chân định đạp vào bụng con Chột cho hả cơn giận rồi bỏ đi. Nhưng cú đạp của gã bị chặn lại bởi lão Hạnh nhoài người ra đỡ trước bụng con Chột. Lão Hạnh oằn người đau đớn.
-Mày đánh ông ấy thế à! - Con Chột nhào lại ẩy thằng mặt nhọn ngã dúi vào góc tường.
Thằng mặt nhọn hộc lên, tay vớ cái ấm sành pha trà định ném con Chột. Lão Hạnh bật dậy giữ tay hắn lại.
-Mày biết bên trong cái ấm sành này có gì không? Mày bỏ xuống tao bảo. Thôi, tao không nói nữa, đây là bí mật. Tao sẽ cho vợ chồng mày tất cả nhà cửa, quán xá, cái ấm này, để mà sinh sống. Nhưng mày phải tử tế với vợ nếu không tao đập vỡ cái ấm sành này, khi ấy chẳng ai vào quán chúng mày nữa, đồng lương của mày không đủ cho cờ bạc đâu.
ĐOẠN KẾT
Sáu tháng sau, những đợt gió mùa đông bắc tràn về khiến cho đám công nhân thỏa thích ngồi tràn xuống cả lòng đường, quên hẳn cái nắng ngày hè khiến họ phát ốm để thưởng thức chén trà. Mới vậy mà người ta cũng chẳng nhớ là đã có lão Hạnh ngồi đây mà chỉ biết tới quán thằng Quân “nhọn”. Thậm chí cả thành tích thằng mặt nhọn, tức Quân “nhọn” tự phịa ra là đủ tiền mua nhà, mua luôn cả quán của lão Hạnh cũng chẳng ai còn đắn đo suy sét tại sao. Hết giờ làm trong xí nghiệp, Quân “nhọn” lại quẩn quanh bên cái ấm sành rót nước phục vụ khách. Nơi góc tường kê thêm bộ bàn ghế. Quân “nhọn” tuyên bố “Tao thôi rồi, bàn ghế đấy, chúng mày ngồi vô tư, thâu đêm tao cũng phục vụ trà thuốc đầy đủ.” Ngồi xúi xó mới là chất men kích thích cờ bạc được lâu, thằng Quân nói thế khác nào giải tán hội.
Tay bảo vệ có cái miệng chúm chúm như vỏ hến ngồi rung đùi bên chén trà nóng quyện khói đề nghị với Quân “nhọn”:
-Gọi số cho đỡ buồn!
Quân “nhọn” đắn đo rồi cũng rút tờ một nghìn trong ngăn kéo đặt lên bàn.
-Một giữa ăn ngay, bé ăn! - Tay bảo vệ xướng.
-Mày gọi bịp hả!?
-Bịp thì mày lấy tờ của tao.
Quân “nhọn” nhặt tờ tiền nhưng số lại to hơn phải thua.
-Mẹ mày! Ngày trước tao bảo mày vụt nhẹ thôi, đánh thế à!
-Thằng chó! Thì ra là khổ nhục kế của mày. Lấy đâu ra tiền mua nhà đến giờ tao mới tường.
Con Chột giả vờ ra xem ấm nước để tránh xa câu chuyện của hai gã đàn ông. Cái thai trong bụng quẫy đạp. Nghe nói ngoài sáu tháng đứa trẻ trong bụng có thể hiểu bên ngoài người ta nói chuyện gì. Chả biết nó có giống tính bố nó. Khổ thân ông ấy, không biết về quê thế nào.
N.Q.H
Người gửi / điện thoại