Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHỐ NHỎ

Nguyễn Quốc Hùng


PHỐ    NHỎ

 

Mưa tạnh đã lâu, nước không kịp thoát còn ngập trắng đường phố. Những ngôi nhà dầm chân dưới nước như một đường phố Vơnidơ mới xuất hiện nơi đây, nhưng chẳng cổ kính chút nào bởi những kiến trúc chưa có tên, chẳng thơ mộng chút nào bởi những bè rác trôi nổi dật dờ. Thỉnh thoảng có ô tô chạy qua, nước dào lên vỗ vào chân tường oàm oạp. Những con sóng tức tối ném những sản phẩm thải ra của con người lên hiên nhà. Lập tức, không ngần ngại gì con người ném trở lại.

Cái phố nhỏ này xưa kia vốn dĩ hiền lành, những dãy nhà xây theo kiểu kiến trúc nhà tập thể lưng quay ra đường, im lìm đứng tựa vào nhau không ganh đua, không gen tị. Cho đến nay, dưới cơ chế mở, tất cả đều bung ra chiếm lĩnh “thị trường”. Tất cả đều đồng loạt ngoảnh mặt lại bám sát vào mặt đường. Đã có không ít ngôi nhà vặn vẹo vươn lên bằng những kiến trúc nhặt nhặnh khắp trên thế giới mỗi nơi một tí tô đắp vào để khoe khoang ta đây kiến thức phong phú. Những nhà hàng, khách sạn mini hằn học nhìn nhau không muốn ai hơn mình, cái xây sau bao giờ cũng phải cố cho cao hơn cái trước. Những chủ nhân của ngôi nhà mình sở hữu đều muốn vươn cao hơn nữa, muốn xuyên thủng cái không gian nặng nề của buổi sáng ảm đạm vì mưa gió này. Người ta đặc biệt hãnh diện khi được khen nhà mình cao hơn nhà khác.

Các hàng ăn uống nhỏ phục vụ đa số người dân ở đây cũng vào cuộc, chen chân nhau chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Những cái cọc chống liêu xiêu như những chàng Átlax gầy còm đang cố chống đỡ bầu trời là những mảnh nilông muôn màu để che chắn cho những người ăn kẻ uống lê la khắp hè đường. Còn sót lại vài ngôi nhà cũ kĩ xưa, nay như càng thấp bé lại do dòng nước ngày càng dâng cao.

Mới có năm giờ sáng, đường phố đã cựa mình tỉnh giấc, tiếng cửa sắt mở ken két như mẹ đĩ đêm qua không được yên giấc, tiếng xô chậu va vào nhau xoang xoảng bực tức, những đụn khói than tổ ong run rẩy bay lên tìm chỗ ẩn nấp trong tán lá. Màu xanh của hàng cây trở nên nhợt nhạt trong ánh sáng mờ đục của buổi sớm, cành lá tướp táp vì bị trận mưa đêm qua hành hạ. Trên đường tất bật người qua lại, người ta gò lưng đạp xe để mau chóng đi cất hàng sớm cho kịp buổi chợ, tiếng bánh xe xé nước xè xè.

Thuân đẩy tủ kính trưng bầy mấy đôi giầy mặt da đã mốc trắng và dụng cụ sửa chữa đóng mới giầy dép sát tận mép nước. Công việc này không đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm nhưng cả đêm qua Thuân dằn vặt, day dứt nằm nghe tiếng mưa, tiếng gió chạy rào rào trên mái tôn. Thuân muốn gặp ai đó hiểu mình để nói vài lời cho nhẹ lòng. Những vạt rác dập dình dưới chân, Thuân hất đi nhưng không lâu nó lại trở lại cọ vào chân buồn buồn. Điều dằn vặt của Thuân không chỉ hôm nay mới có mà đã hình thành từ lâu, đó là việc bán ngôi nhà nhỏ như cái cái chuồng chó nhưng có giá ở mặt đường này đi để mua lấy một ngôi nhà rộng rãi, có mảnh vườn nho nhỏ ở ngoại thành, còn dư chút nào thì để làm vốn kiếm sống. Về vùng ven thì làm gì được đây? Cái nghề đóng giầy mạt hạng mà Thuân học mót được, cái nghề mà mọi người cho rằng chỉ kiếm được đồng tiền thừa của khách, vào thời buổi này lại kiếm ăn được mà nhàn hạ. Dân tình bây giờ lịch sự hơn, không chỉ bằng bộ cánh đẹp mà cả đôi giầy dưới chân. Cho dù trời có nóng rộp nhựa trên đường thì cũng phải giầy tất đàng hoàng, cho dù đường có ngập ngụa nước như hôm nay thì cũng đầy đủ giầy tất, ai ra mồ hôi chân nhiều thì đã có xăngđan. Mà xăngđan bây giờ có ra gì đâu, nếu không khâu lại chỉ đi ít ngày là tung hết quai. Các ông thợ giầy có thêm việc làm. Năm nghìn một đôi khâu lại, hôm qua Thuân nhận gần hai chục đôi, anh mong cái nhà máy giầy dép nào đó cứ làm ăn thế này mãi. Người ăn uống qua lại đây nườm nượp. Họ có hai lý do để về đây bù khú với nhau, đó là: Cái phố nhỏ này xa nơi cơ quan xí nghiệp, tránh phải gặp mặt các xếp cũng đỡ được một khoản tiền không nhỏ nhưng lý do quan trọng hơn là thịt chó ở đây đặc bịêt thui rơm thật sự chứ không phải bôi kẹo đắng và bia ở đây cũng ngon hơn. Trời nóng quá, đến cái ghế ngồi cũng như phải bỏng khiến cho không ít khách phải tụt giầy ra ngồi chồm hỗm trên ghế, đầu gối quá tai và tiện thể ném đôi giầy cho Thuân đánh xi lại cho đôi chân thêm phần sang trọng. Thuân làm không hết việc.

Rồi còn hàng bún đêm của Nhâm nữa, chỉ bán từ bẩy giờ tối đến một, hai giờ đêm cũng kiếm được vài dăm chục ngàn tiền lãi. Bây giờ người ta quan tâm tới cái dạ dày nhiều hơn, còn thức lúc nào là còn phải bắt nó hoạt động lúc ấy. Những kẻ ăn đêm ngồi xì xụp cạnh cái bóng của mình ngả xuống, ngọn gió đêm làm cho họ loãng ra, chơi vơi trên đường phố trống vắng, buồn tẻ.

Đã có không ít người dạm hỏi mua nhà, giá cả có lợi cho Thuân nhưng anh chưa dám quyết. Về vùng ven làm gì có giầy mà khâu, làm gì có khách ăn đêm, phải sống thế nào đây? Buôn to bán lớn, buôn tranh bán cướp thì hai vợ chồng không đủ dũng cảm. Cách đây chục năm, vợ chồng Thuân đều làm ở rạp chiếu bóng. Thuân là nhân viên máy chiếu còn Nhâm bán vé. Các buổi chiếu phim đều đông kín người. Trước quầy bán vé thực sự là điểm nóng của rạp, người nào người nấy nhễ nhại mồ hôi sau một trận vật lộn để mua được chiếc vé. Thưởng thức văn hóa chẳng dễ dàng chút nào. Ngày nào cũng như thế, không biết bao nhiêu bàn tay mọc ra từ chiếc cửa bán vé con con cầm đồng tiền huơ huơ trước mặt Nhâm, những khuôn mặt méo mó sau tấm lưới sắt nhìn Nhâm như kẻ háu đói muốn được ban ơn. Còn Thuân cặm cụi bên chiếc máy chiếu chạy rè rè buồn tẻ. Sau buổi chiếu, cả Thuân và Nhâm đều đứng ở cửa ra vào nhìn những nét mặt hồ hởi của người xem mà thấy vui cùng mọi người. Nhưng rồi hai vợ chồng buộc phải xin nghỉ việc sau khi các đồ điện tử cũ của Nhật bán ngập thị trường. Thuân vẫn đắn đo như mọi khi trước lời đề nghị nhượng lại căn nhà cho Vui, chị dâu mình. Bất giác Thuân nhìn vào trong nhà, Nhâm đang ngủ ngon lành sau một đêm vất vả. Đã lâu lắm rồi, từ ngày cái Hoa biết để ý những chuyện của người lớn, hai vợ chồng chưa được tình cảm với nhau bởi hai cái giường kê sát cạnh nhau mà nhà vẫn còn thấy chật....ngonho

-Chà, nước mát quá!

Tiếng nói ngay cạnh khiến Thuân giật mình nhìn lại. Ông Điệp chống gậy dò dẫm lội ra ngoài nước, chiếc quần ngủ kẻ sọc được vén lên tận bẹn. Nhà ông Điệp ở trong ngõ, sát ngay sau nhà Thuân. Ông Điệp năm nay lăm nhăm tuổi, không biết ông có bị mù thật không bởi Thuân thấy ông cần đến vị trí nào cũng rất chính xác không phải quơ tay sờ soạng, hay ông cố tình đeo chiếc kính đen cho hợp với nghề thầy bói của ông. Thực ra hồi trẻ mắt của ông cũng kém thật, đã vài lần Thuân cùng bố mẹ đến thăm ông ở bệnh viện mắt. Hiếm khi thấy ông bước ra khỏi nhà. Hầu như cả ngày ông nằm dài trên giường, đầu gối cao trên chiếc gối gỗ được mồ hôi đánh bóng như sừng để xem bói cho khách. Có hẳn như thế mà khoé mếp ông trễ xuống, hai bên má bung bủng xệ xuống như chứa nước ở bên trong. Ông xem bói được tiếng là hay, người ra vào nườm nượp, mỗi ngày kiếm không dưới trăm ngàn, với Thuân ông thổ lộ thực là vậy. Mấy đứa con ông chẳng phải đi làm đâu, chỉ ở nhà phục vụ khách cũng không hết việc và khoản thu nhập thêm này cũng không nhỏ. Bà vợ ông Điệp cũng đã vài lần ướm hỏi mua lại nhà Thuân để mở hàng vàng mã phụ thêm với việc của chồng. Thuân hỏi tại sao ông không mua hẳn nhà to mặt đường cho tiện làm ăn, khách xem thấy mình sang trọng càng thêm phần tin tưởng, cái gian nhỏ của này thì đáng gì càng thêm úi xùi. Ông cười hềnh hệch mà rằng, đây là đất lộc, thánh ban cho không thể bán được. Nhà ông xây thành nhà ba tầng khiến cho nhà Thuân mãi tới tận trưa mới có được chút ánh nắng mặt trời.

-Sao hôm nay có điềm gì mà ông thầy ra ngoài sớm thế? - Thuân hỏi.

Ông Điệp vén áo để lộ cái bụng tròn vo, gãi sồn sột vào lớp da chẩy nhẽo nhẹt đầy mẩn đỏ, ngửa mặt lên trời vừa nói vừa cười hềnh hệch:

-Mấy hôm rồi nóng quá, di chứng vẫn để lại trên người đây này, dầm nước mưa tí cho khoái. À này, bán được nhà rồi phải không, đã tìm được nhà mới chưa tôi mách cho? Tháng sau có ngày mồng mười là ngày đẹp, hợp với cậu đấy, dọn nhà nhớ phải mua ít vôi sống, khi đến nhà mới cho vào cái âu đất đặt giữa nhà, đổ nước vào để vôi nở bắn tung tóe xuống nền nhà, có thế mới ăn gia làm nên được. Đấy là ông thầy tàu truyền cho tôi, không phải ai tôi cũng mách cho, nhớ chưa!

-Sách vở gì, tôi chả tin chuyện ấy, ăn nhau ở cái đầu đây này.

Soạn từ trong nhà bước ra nói đế vào. Tay hắn xách con chó đã bị cắt tiết, máu trên cổ con vật rơi xuống thành từng đốm hồng, loang rộng dần như đua nhau nở rộ trên mặt nước. Một tay “làm chó” lành nghề, chỉ cần con dao lá lúa nhỏ, với động tác thành thạo miếng da cổ con vật được lật ra như miếng giẻ, hai que tăm chọc vào hai tia máu được tách ra, con vật chỉ còn những tiếng rên đứt đoạn thảm thương không lâu. Trên cái thân thể trần trục của hắn lủng liểng những dây chuyền vàng, vòng vàng, nhẫn vàng, đồng hồ cũng mạ vàng. Soạn có nước da nâu, nét mặt rắn rỏi từng trải, đặc biệt đôi mắt của hắn dài và đen, hàng lông mi cong tình tứ đã làm không ít phụ nữ xiêu lòng. Hắn không lấy vợ nhưng lại là một giống đực mẫu mực, những đứa con có rải rác ở mọi nơi. Trước kia, Thuân và Soạn cùng một tiểu đội trong ba năm nghĩa vụ quân sự, tuy vậy hai người cũng không mấy khi hỏi nhau. Thuân cố tình tránh phải tiếp xúc với Soạn, anh coi thường những câu chuyện bao giờ cũng phải chêm chất giáo lý luôn thường trực trên đôi môi mỏng ướt rượt của Soạn để rao rảng cách làm người cho người khác.

Vào những năm ấy, bố mẹ Thuân nghèo lắm, nghèo hơn cả vợ chồng Thuân bây giờ. Đơn vị cho phép về chơi sau đợt huấn luyện, Thuân không dám về, sợ bố mẹ phải lo tiền tầu xe cho mình. Thục anh trai Thuân cưới vợ được ít ngày, hai vợ chồng lên thăm em. Đường xa gần năm chục cây số, thế mà vì tình cảm anh em, anh chị đèo nhau bằng chiếc xe đạp hàng ngày Thục vẫn đi dạo mua chó để bố mẹ làm thịt bán. Cả đơn vị đón vợ chồng Thục như đón một sự kỳ lạ mang tính hài hước. Mấy anh em Thuân ngồi âm thầm nhìn nhau trong góc phòng, thấy mình bị tách ra xa mọi người trước những lời bình phẩm châm chọc cùng tiếng cười khinh bạc kẻ nghèo của Soạn. Ngoài sân, Soạn gò lưng đạp chiếc xe của Thục, ngửa cổ nhìn ngáo ngơ cùng lời rao:

-Bán chó ơ...!

Khi vợ chồng Thục về, Soạn bá cổ Thuân, nhăn nhở nói:

-Mày thấy tao để ý thấy gì không. Đôi chân của chị dâu mày mọc đầy lông đen xì như chân đàn ông. Loại đàn bà như thế đều tính toán, tham lam nhưng suy nghĩ của họ nông choèn choẹt. Tuyệt vời đấy!

Không biết có phải cái ý nghĩ tuyệt vời về người đàn bà có lông chân mà hắn đã tìm đến Thuân sau khi xuất ngũ để làm quen với chị Vui, hay là hắn muốn phát huy cái nghề đồ tể thành thục của hắn để có thêm việc làm buổi sáng trước khi đến xí nghiệp.

Thuân cưới vợ sau khi xuất ngũ một năm. Theo sáng kiến của Vui, gian nhà được chia làm bốn phần, vợ chồng Thuân một phần, còn ba phần kia là của vợ chồng Thục và bố mẹ. Giấy tờ phân chia được làm đúng thủ tục pháp lý. Vài năm sau bố mẹ qua đời, ba phần của ngôi nhà được vợ chồng Thục sở hữu hợp pháp.

Từ đời ông đến đời cha Thuân đều làm nghề thịt chó, cũng phải dùng đến bao ngón nghề để lừa khách ăn nhưng vẫn chưa khi nào dư dả để ngẩng mặt lên sánh cùng thiên hạ. Mặc dù từ lúc sinh ra đã phải ngửi mùi thịt chó nhưng Thuân vẫn có cảm giác miếng thịt hôi hôi, buồn nôn khi phải nuốt miếng thịt vào mồm. Có lẽ vì thế mà Thuân không thể mở hàng thịt chó, mặc dù biết rằng nghề này bây giờ đang phát đạt bởi dân nghiền thịt chó ngày càng đông.

Cơ ngơi ba tầng khang trang của Thục có được như ngày hôm nay đều do tay Vui làm nên. Phải công nhận rằng Vui học được nghề thịt chó rất nhanh và là người lanh lợi, có đầu óc kinh doanh. Chị ta cho rằng: Có vui vẻ thì người ta mới tụ tập ăn uống với nhau, thế là tấm biển hiệu có sơn hai chữ “Thục chó” màu đỏ, to choán hết phần trên mặt tiền và hàng chữ màu xanh nhỏ hơn ở phía dưới “đặc biệt thui rơm” được trưng lên gây tiếng cười thu hút khách. Thịt chó ở phố này thực sự được thui bằng rơm chứ không phải bôi kẹo đắng cho đỡ hao thịt như bố chồng Vui ngày xưa vẫn làm. Giá bán có cao hơn nhưng ai chẳng muốn ném đồng tiền của thật. Khách ăn kéo đến quán “Thục chó” ngày một đông hơn. Trong nhà rộng rãi, có phòng lạnh mà không ít hôm phải trải chiếu ra sát lề đường mới đủ chỗ cho khách ngồi ăn. Thục không phải hàng ngày đi rao mua chó đến khan cả tiếng nữa, đã có lái chó mang tận nơi. Thục béo trắng ra. Công việc của Thục bây giờ chỉ việc ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa, phanh cúc áo ra để khoe cái bụng đầy ngấn thịt, nở nụ cười mời chào khách. Có lẽ nụ cười nhau nhúm, ngờ nghệch của Thục cũng là điều thu hút được thêm khách. Mọi việc từ việc mổ chó, pha thịt đến việc mua bán gia giảm đều có người làm thuê.

Giờ này đang lúc triều cường, nước rút chậm. Vui cùng Soạn loay hoay mãi mới kê được chiếc bàn sắt vẫn để phòng những lúc nước lụt thế này có chỗ thui chó. Những túm lông chó trôi nổi phập phồng quanh chân hai người như những con sứa. Mấy con chó đã thui xong vàng rộm, nằm đè lên nhau, bốn chân cong queo giơ lên như muốn tự vả vào hàm răng trắng ởn của mình. Soạn cầm thanh cời gõ vào hàm răng con vật miệng í a hát:

-Mình về mình có nhớ ta - Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.

Hắn cố rặn ra nụ cười cầu tài rồi nhìn xung quanh xem có ai đồng tình với câu hát của mình. Vui phát nhẹ vào tấm lưng ướt rượt mồ hôi của hắn, nhấm nhẳng:

-Thôi đi bố ạ! Sắp đến giờ đi làm rồi đấy.

Vui cời cho ngọn lửa xung quanh con vật bốc to hơn, miệng lẩm bẩm:

-Mô phật, hóa kiếp cho mày để kiếp sau được làm người!

Ông Điệp khua gậy đi lại sát Thuân, ghé xuống thì thào:

-Tình tứ quá nhỉ. - Quay về phía Vui ông Điệp hỏi to: - Có phải chú Soạn với cô Vui định chung vốn mua lại nhà chú Thuân phải không? Mở rộng nhà hàng cho khang trang, bây giờ lắm kẻ nghiện thịt chó như nghiện thuốc phiện, tháng không được dăm bữa không chịu nổi. Đâu như thời ông bà cụ nhà chú, ngày nào bán được hai con là may lắm rồi.

Soạn quay lại nói chuyện với Thuân và ông Điệp, giọng kẻ cả:

-Ông bác có thấy ai sướng như thằng Thuân không nào, vừa bán được giá lại vừa còn chỗ kiếm sống. Đây vẫn coi như nhà nó. Mày tìm được chỗ nào rộng rãi, nấu rượu cho cả phố này bán, bao nhiêu cũng hết. Điều kiện thế đã thỏa đáng chưa chú mày?

Thuân đang khó chịu với mùi khét của thịt chó thui, trước câu nói của Soạn anh trở nên cáu bẳn đứng dậy đi vào trong nhà. Đúng là không còn dịp nào hơn thế nữa, nhà thì bán được, hàng ngày vẫn còn chỗ ngồi ở đây làm nghề kiếm sống, nhưng Thuân bây giờ lại cảm thấy trong lòng trống vắng, thiếu hụt, nhớ cồn cào những hình ảnh thân quen từ tấm bé, nhớ lại tâm trạng ngày đầu nhập ngũ chỉ mong có được một lần về. Thuân muốn tránh xa cảnh sống chật chội đáng ghét, dễ khiến con người ta hằn học với nhau, muốn tránh xa những tiếng rên ư ử suốt đêm của lũ chó bị nhốt trong lồng, muốn tránh xa mùi phân chó đến ngột thở, mùi khét nôn nao của thịt chó thui nhưng còn tình cảm anh em, bạn bè, xóm láng thân thiện với nhau đã bao năm dễ gì có được ở nơi ở mới thì sao?

Tiếng xe máy trong nhà Thục rú lên. Thành con trai Thục từ trong nhà phóng xe lao xuống đường, nước bắn tung tóe làm tắt cả đống lửa thui chó.

-Thằng khốn nạn, mày đi đâu vào giờ này? - Vui gào lên chửi với theo thằng con: - Đấy bác xem, cho nó ăn học tử tế mà có chịu học đâu, đú đởn suốt ngày.

-“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá, giáo bất nghiêm”. Lỗi ở bố nó, có bao giờ để ý tới con đâu, cứ như ông phỗng ngồi ngoài cửa: - Soạn nói, ánh mắt khinh miệt.

- Trai mồng một, gái hôm rằm, trời đã định cho nó cái tính ấy rồi. Tôi về đây, bữa trưa nhớ mang cho tôi đĩa luộc nhá. - Ông Điệp dò dẫm quay về.

Tới tận chiều nước mới rút hết. Đường phố được lau rửa sạch sẽ. Trời vẫn còn xầm xì bởi những đám mây nặng nề nhưng không khí thì mát mẻ dễ chịu. Ngày đẹp trời để tụ vạ. Đủ các loại bàn ghế nhựa xanh đỏ của các hàng cơm, quán bia chen nhau mọc lên như nấm sau mưa để đón khách tan tầm. Những cốc bia sủi tràn bọt trắng được chuyển ra ngày một nhiều hơn. Men đã bốc lên ai cũng cho rằng mình nói quá nhỏ, người nghe không hiểu tình cảm của mình, cố phải gào cho to hơn, đường phố trở thành một dòng sông âm thanh của những lời chúc tụng nhau chẩy không ngớt.

Vẫn như mọi ngày, Thục ngồi uể oải trên ghế để đón khách, nét mặt ngái ngủ còn đọng lại trên khuôn mặt phì phị. Hôm nay vừa là ngày cuối tháng, trời lại mát, một ngày may mắn để Vui hốt bạc. Dân sành thịt chó cũng có những điều cấm kị. Thục luôn phải đứng lên ngồi xuống để hướng dẫn cho khách xếp xe. Soạn dẫn theo một tốp bạn dừng lại trước quán, người nào cũng đầy khẩu khí khi hôm nay có được đồng tiền dư dật. Soạn lớn tiếng:

-Này Thuân, sang uống cốc rượu cho vui, có việc muốn bàn với ông đây! Chủ quán, trong nhà chật rồi hả, trải cho cái chiếu ra đây, hít thở khí trời cho khoái!

-Đang bận, để khi khác. - Thuân không ngẩng đầu lên, cấm cảu nói: - Việc nhà cửa chứ gì, để tối thảo luận lại với bà xã, cả cái Hoa nữa, có gì sáng mai trả lời dứt khoát.

Chiếc chiếu hoa còn mới được trải ngay xuống hè đường. Đám bạn của Soạn xà xuống, khoanh tròn chân trịnh trọng cho đúng tư thế của những viên chức áo trắng.

-Ông Trang, gắp từ từ thôi nào! Các cụ đã dạy: “Thực bất tri kì vị” phải biết thưởng thức cái ngon... Cho thêm cái đầu chó nữa, Thục! - Soạn cầm đũa giơ cao lên vẫy gọi Thục.

Đường phố đang huyên náo kia, chuyện hàng ngày bận tâm làm gì, những mũi khâu hút hêt tâm trí Thuân. Bỗng nhiên Nhâm sầm sập chạy từ dưới bếp lên kéo Thuân ra phía sau nhà.

-Khẽ thôi, lại đây! - Nhâm thì thào.

Nhâm làm hiệu im lặng rồi chỉ tay sang bếp nhà Thục. Thuân lắng tai nghe những tiếng động bên kia tường. Tiếng nước đái chẩy ồ ồ xuống hố, tiếng Soạn chen vào:

-Nhớ tối đến sớm, mai anh đi công tác một tháng, nhớ lắm đấy. Còn chuyện nhà cửa nữa, chuẩn bị tiền đến đâu rồi, thằng Thuân thể nào cũng phải bán.

-Thôi đi ông ạ, đòi gì đòi lắm thế, mới hôm qua. - Tiếng Vui tình tứ.

Soạn đi lên nhà. Chỉ còn tiếng rên ư ử của lũ chó trong chiếc lồng chật chội.

Nhâm kéo chồng lên nhà, tiếng rít lại, đôi mắt long lên vẻ đanh đá chưa từng gặp ở cô.

-Lúc nãy chúng còn đú đởn với nhau. Gớm thật! Ông Thục cứ như ông đụt ngồi ngoài cửa. Khốn nạn!

Từ lúc xảy ra chuyện, Thuân như người mất hồn, hết ngồi bần thần trên giường lại quanh quẩn xuống bếp xem vợ chuẩn bị bữa cơm chiều. Thỉnh thoảng Thuân lại ngó ra cửa xem bọn Soạn đánh chén xong chưa. Thuân muốn nhảy bổ ra, hất tung mâm thịt chó vào giữa bộ mặt lúc nào cũng tỏ ra tử tế của Soạn. Nhưng rồi Thuân lại sợ cái ý nghĩ xô sát ấy. Cuộc đời Thuân đã bao giờ biết tranh chấp với ai đâu.

Tám giờ tối, khách ăn đã vãn, tiếng gõ mõ tụng kinh từ chiếc đài cát xét được Vui bật lên như thường ngày, khi nãy bị những tiếng hò hét của kẻ say át đi giờ đã rõ từng tiếng đều đều, khô lạnh, buồn thảm. Thuân thấy sót xa cho anh mình. Cả hai vợ chồng không ai bảo ai, kẻ trước người sau cùng kéo sang nhà Thục.

-Bà Vui đâu rồi? - Thuân hỏi gay gắt.

-Có chuyện gì thế? Chị chú đem tiền ứng trước cho bọn lái chó từ sớm. - Thục ngạc nhiên trước thái độ hôm nay của chú em.

-Có mà đem tiền cho trai! Anh ơi là anh, tối nào chị ta cũng đi thế mà anh không biết đi đâu. Nó xỏ mũi anh rồi anh biết không!

Có tiếng gậy khua lọc cọc ở ngoài cửa. Ông Điệp dò dẫm bước vào.

-Các anh các chị biết thì quá muộn rồi, đừng tưởng tôi mù mà tôi không biết gì. Tôi nói cho anh Thục biết, anh tính lại ngày đi, thằng Thành chưa chắc đã là con anh đâu. Thằng Thành mồm mép như tép nhẩy thử hỏi nòi giống nhà anh có ai thế.

Ông Điệp vừa dứt lời thì thằng Thành rồ ga phóng xe thẳng vào trong nhà. Nó nghênh ngang bước xuống xe, đầu tóc rối bời, hất hàm hỏi mọi người:

-Có chuyện gì mà vẻ mặt ai cũng tỏ ra nghiêm trọng thế?

-Mẹ mày ngoại tình với thằng Soạn chứ sao nữa! Đẹp mặt cho nhà này nhỉ! - Nhâm rít lên.

-Sao?! Bà già tôi ngoại tình với thằng Soạn! Có thật thế không? Không thể để chúng nó phá tán hết gia sản nhà mình được, tôi phải cho chúng biết tay! Chú Thuân, chú biết nhà nó dẫn cháu đến!

Chiếc xe máy chở Thành và Thuân lao đi. Có lẽ do nóng giận, Thành cua xe lao cả vào chiếc bàn thui chó khiến cho nó bị đổ nghiêng xuống đường. Đầu gối Thuân va vào bàn đau điếng.

-Có sao không chú?

-Không sao, cứ đi đi! - Thuân trả lời dứt khoát, không hề do dự trước một việc xô xát sắp sảy ra.

Mưa lại ào ào trút xuống. Thục và Nhâm đứng trong hàng hiên ngóng theo. Thục lẩm bẩm:

-Không thể để thế này được, rồi thằng Thành sẽ cho nó trận nhừ tử chừa cái thói khốn nạn ấy!

-Đã chắc gì thằng Thành dám đánh, rồi các anh các chị thấy.

Tiếng ông Điệp khe khé phía sau.

                                                                                     N.Q.H

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 95
Trong tuần: 1182
Lượt truy cập: 436209
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.