Trương Ngọc Hùng
ÔNG GIÀ QUẢN TRANG
Chiến tranh ngày một lan rộng với đầy rẫy đau thương, mịt mù khói súng đồng nghĩa với việc bắt lính ngày càng mạnh mẽ. Tuy thế, ở miền quê heo hút ven sông Hậu này không thay đổi nhiều lắm, chỉ khác là mỗi năm lại vơi đi những thanh nam, nữ tú khỏe mạnh. Người ra thành phố kiếm việc làm, người “nhảy núi” tham gia cách mạng, người bị bắt quân dịch, còn lại ông bà già và lũ choai choai đang mài đũng quần vá chằng chịt trên ghế nhà trường.
Ngồi trong lớp Trần Quang gõ nhẹ chiếc dép vào cạnh bàn đầu nghĩ đâu đâu. Chiều qua, ông Hội đồng tới nhà thông báo: “Con ông bà sẽ đi trong đợt quân dịch này”. Và “Ông bà quên đã khai rút tuổi từ năm ngoái năm kia rồi à, mà nếu thiếu thì vay tuổi năm sau. Ha há…” Lão Hội đồng cười đểu giả khi bố mẹ Quang nói con mình chưa đủ tuổi và ngầm nhắc món tiền lo lót mấy năm qua.
Thế là hết, một khi họ đã công khai nghĩa là mọi việc đã an bài, “Hừ, chiến tranh là cái quái gì mà ta phải lao vào kia chứ”.- Bật lên thành tiếng, gõ mạnh chiếc dép lên mặt bàn đúng lúc ông Hiệu trưởng đi tới. Lập tức Trần Quang bị đứng trước lớp, không nhịn được Trần Quang bỏ đi thẳng, trước khi đi còn quay lại nói:
- Đây cóc cần học, đừng tưởng doạ được thằng này, chào nhé.
Cả lớp ngơ ngác nhìn theo. Từ trước đến nay không ai dám láo thế, không ai có gan thế, chuyến này đuổi học là cái chắc, cuộc đời sẽ gắn liền với làm thuê làm mướn, với con trâu cái cày. Vậy mà chỉ sau ít bữa Trần Quang nhận lệnh vô quân trường lại được biểu dương tinh thần “xả thân vì Nước”, là học sinh ưu tú. Trần Quang cười buồn bã: Mới mấy hôm trước còn là học sinh cá biệt là dạng bất trị, hôm nay họ đã tâng bốc lên tận mây xanh như làm điếu văn cho ngưòi chết. Thì ra đẹp đẽ, xấu xa, dũng cảm, hèn nhát phụ thuộc vào từng hoàn cảnh nhất định, vào cái nhìn của mỗi người. Đó chính là bài học đầu đời, trở thành phương châm sống: “Cái gì có lợi cho mình, đó là chân lí”. Phương châm ấy đi cùng Trần Quang đến gần hết cuộc đời...
Đi lần này cả ấp chỉ có mình Trần Quang vì đồng lứa họ đã đi mấy năm nay rồi. Kể ra cũng còn một ngưòi nhưng đang ở dạng miễn quân dịch. Đó là Nguyễn Tân. Anh là con trai duy nhất còn lại của dòng họ có tiếng ở miền quê này. Bố anh chết khi anh còn bé tý nghe đâu có công cứu sống một vị quan chức nào đó đang làm rất to ở chính quyền cấp tỉnh. Nghĩ đến việc phải đi một mình, phải sống với những người xa lạ, Trần Quang thấy sợ. Cần phải có ai đó đi cùng, Trần Quang nghĩ ngay đến Nguyễn Tân. Nhưng hèm nỗi, đang ở dạng miễn quân dịch lại có người đỡ đầu nên hội đồng cấp xã không dám động đến. “Phải vận động nó làm đơn và phải được mẹ nó đồng ý” – Ông bố vốn túc trí đa mưu bày cho Quang. Vận động Nguyễn Tân chắc không khó lắm vì Tân vốn là người thật thà cả nể, hay chiều lòng người khác, luôn chịu thiệt về mình. Vấn đề là bà mẹ. Trần Quang chưa biết thuyết phục thế nào nhưng cuối cùng việc ấy lại trở thành đơn giản vì đó không phải việc riêng của Trần Quang.
Nhận được đơn của Nguyễn Tân, ông Hội đồng mừng như bắt được vàng. Đây là cơ hội để ông ta có cơ thăng tiến, với ông ta, “bắt” được nhiều người đăng lính đồng nghĩa với cất nhắc, lên chức. Vì thế phải hợp thức cho tờ đơn của cái thằng “ngu như ngựa này”. Ngay lập tức, ông ta cho phát loa biểu dương tinh thần xong phong của Nguyễn Tân. Là chương trình đặc biệt nên thay vì một ngày một lần ở đầu làng, bây giờ ba lần một ngày vừa đi vừa phát, lôi cuốn một lũ lau nhau đi theo, thoạt trông như một đám rước, lâu lắm mới có người tình nguyện, thông thường người ta trốn đi lính như trốn dịch. Đúng là một sự kiện và cũng thật là vinh dự. Đợi đến lúc cái vinh dự đó ngấm vào từng người trong khóm ấp ông ta mới đến gặp bà mẹ để lấy chữ kí vào đơn xin đi lính của Nguyễn Tân. Một việc lẽ ra phải làm trước khi khuấy động ầm ỹ, nhưng đó chính là chủ ý của “ông Hội đồng”. Ông đã tạo ra sự đã rồi để buộc bà mẹ phải đồng ý, nhếch mép cười khi bà mẹ ngồi lặng lẽ, run run điểm chỉ vào góc đơn được chuẩn bị sẵn. Trong thâm tâm, Bà không muốn cho Nguyễn Tân đi. Lẽ thường tình vì nơi đó là nơi khó khăn nguy hiểm không biết sống chết thế nào, một mình chồng bà là đủ lắm rồi nhưng tình thế bắt buộc bà phải làm như thế. Điều làm Bà buồn đau, day dứt là Nguyễn Tân chưa xây dựng gia đình, chưa có người nối dõi cho dòng họ Nguyễn, “liệu ông ấy có tha thứ cho không?”
Trần Quang và Nguyễn Tân lên đường. Những ngày huấn luyện ở quân trường qua rất nhanh. Họ được đưa ngay vào chiến trường. Những trận chiến liên miên, ác liệt. Chiến tranh dạy cho mỗi người lính cuộc sống sinh tồn. Người thì hăng hái, kẻ thì hèn nhát, riêng Trần Quang với phương châm sống được định hình từ khi rời mái trường nên lúc nào cũng tính toán lợi hại: Lúc nào thì xung phong, khi nào thì lẩn tránh và lúc nào cũng có thể tìm ra được người thay thế mình để nhận lấy phần khó khăn nguy hiểm. Không ai biết được điều đó nên Trần Quang luôn được quan trên tín nhiệm.
Trong lúc Trần Quang đang mải mê tính toán khi nào xung phong lúc nào thoái thác thì Nguyễn Tân sống cuộc sống khá bình lặng trong cái gian lao khốc liệt của chiến tranh. Anh chưa một lần xung phong nhưng cũng không bao giờ từ chối, phân việc gì, làm việc ấy, làm đầy đủ chức phận của người lính không dũng cảm cũng không hèn nhát, không xuất sắc cũng không yếu kém. Điều anh mong mỏi là chiến tranh nhanh kết thúc anh sẽ trở về chăm sóc mẹ già, cưới cô bạn gái đang chờ anh ở quê, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Ứơc mơ giản dị đó cũng chẳng dễ gì thực hiện. Cũng vì không có ước muốn cao siêu gì lắm nên anh cũng chẳng buồn lòng khi 3 năm ở chiến trường, đánh hàng chục trận, bị thương không ít, vẫn là lính trơn. Không ai nghĩ đến cất nhắc dù anh được gửi gắm, dù tình nguyện đăng lính. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, số lần tự tay anh chôn cất hoặc chuyển chiến hữu về phía sau ngày càng nhiều lên. Có lúc anh tự hỏi: Nếu anh không về mẹ sẽ sống ra sao, người con gái anh yêu sẽ thế nào. Mang tấm lòng thương cảm ấy, anh không khỏi bùi bùi khi chứng kiến mỗi ngày những người lính đã nằm xuống và xót thương cho thân phận con người: Không biết cha mẹ vợ con có biết họ đã chết vô nghĩa và thảm thương ở cái nơi nhiều cát hơn đất, nhiều gió, nhiều nắng, nhiều bom đạn hơn mưa không? Nếu có điều kiện anh đều cố gắng đào hố chôn và đánh dấu cẩn thận phần mộ của những người lính xấu số đó. Không phải ai cũng hiểu cho anh, họ dè bỉu cho rằng anh bị hâm, bị chập mạch vì thông thường những việc ấy là của những người “lao công đào binh” không phải của những người lính chiến... Anh không mấy bận tâm, anh nghĩ khi còn sống ăn ngủ cùng nhau, vui vẻ, buồn thương cùng nhau thì khi chết phải được chu toàn không phải phơi mình cho cát nắng.
… Trận chiến hôm qua may mắn không có thương vong. Sau khi thu dọn chiến trường đơn vị rút về quân doanh, tổ chức liên hoan mừng thắng lợi, nói là liên hoan mừng thắng lợi thực chất là liên hoan mừng toàn bộ anh em đều sống và trở về an toàn, điều mà rất ít khi có trong nhiều năm qua. Đang lúc cao trào, giữa tiếng “dô dô” liên tiếp, Trần Quang được Đại đội trưởng gọi lên:
-Heelo chiến hữu. Tôi mang vinh dự cho chiến hữu đây. Hãy chọn lấy vài người lên điểm cao đơn vị mới tiến đánh hồi hôm, chốt lại chờ tiểu đoàn cho một bộ phận lên thành lập tổ trinh sát chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.
Rời nhà chỉ huy, Quang lẩm bẩm: “Vinh quang cái con tiều…” Một luồng khí lạnh thốn lên đỉnh đầu khiến Quang choáng váng. Về lí thuyết đây là nhiệm vụ khá dễ vì lực lượng “Cộng quân” đã rút đi sau trận đánh, chắc chắn chưa có khả năng chiếm lại. Linh tính như mách bảo đây sẽ là cái bẫy chết người. Không thể chủ quan, những người lính phía bên kia luôn là ẩn số, chỉ một người cũng có thể kìm chân cả một đội quân, không biết họ lấy đâu ra sức mạnh để có thể làm được cái tưởng như không thể. “Có nói các người cũng không thể hiểu được đâu”. Câu nói của người tù binh Việt cộng hôm nào lại vọng lại: “Không được, ta không thể mạo hiểm với mạng sống của mình”. Ngay lập tức Quang nhớ đến Nguyễn Tân, kéo Tân ra ngoài, Quang nói:
- Ông nên đi chuyến này, sẽ rất an toàn nhưng là tiền đề để thăng tiến. Đi bao nhiêu năm về vẫn lính trơn dễ bị khinh thường, kỳ vọng của người đỡ đầu tan vỡ khó ăn khó nói lắm,
- Nếu là công vụ tôi chấp hành, còn xung phong thì không. Ông biết tôi mà, Cứ thưa lại với sếp như thế.
Chỉ cần có thế, Quang quầy quả quay lại nhà chỉ huy đại đội.
*****
Nguyễn Tân lôi cuốn sổ nhỏ lướt qua những dòng anh ghi chép qua từng chặng đường, từng trận đánh, nhận xét về những người từng sống và qua nhiều trận chiến trong đó không ít dòng về người cùng quê, cùng đăng lính, nhiều hơn hết là về mẹ về cô bạn gái. Anh nắn nót viết đậm nét: “Trận này có lẽ ta không về, thế là mình lại tình nguyện để bị lợi dụng, hy vọng đây là lần lừa dối cuối cùng đối với mình và người thân của mình”. Anh cất cuốn sổ xuống tận đáy balô xếp tư trang gọn gàng buộc cẩn thận, rồi chuẩn bị vũ khí sẵn sàng.
Đêm cuối thu, trời se lạnh. Trăng suông hắt ánh sáng nhờ nhờ, đùng đục xuống ba cái bóng như nhảy múa trên nền cát trắng. Họ đi lặng lẽ giữ khoảng cách vừa đủ để tránh “chết chùm” vì mìn hoặc đạn cối, vừa không để lạc nhau và có thể chi viện hỗ trợ khi có biến. Càng gần điểm cao họ càng thận trọng. Cái thận trọng của những người lính dạn dày trận mạc. Chỉ vài chục mét nữa là hoàn thành công việc tẻ ngắt nhưng vô cùng nguy hiểm này, xung quanh vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Đến dải yên ngựa cuối cùng họ dừng lại lấy bản đồ kiểm tra điểm đến, chuẩn bị vượt dốc. Cùng lúc đó ánh lửa nháng lên, những tiếng nổ liên hoàn chát chúa. Cả mảng đồi vụt biến mất, chỉ còn lại bãi đất đá lổn nhổn, lở loét... Họ lọt vào trận địa phục kích và hứng trọn bãi mìn định hướng của đối phương.
Đích thân Trần Quang dẫn Tiểu đội đi tìm kiếm, nhìn vạt đồi đỏ loét nham nhở, ứa máu, khẽ lắc đầu dẫn quân trở về. Tự nhiên thấy ớn lạnh, bứt rứt không yên. Thu dọn tư trang của Nguyễn Tân, Trần Quang chú ý đến cuốn sổ, lật giở và không khỏi giật mình mồ hôi toát ra dù lúc này trời đang lạnh lắm, thì ra nỗi bứt rứt không yên là ở quyển sổ này. Nếu cuốn sổ rơi vào tay quan trên, mọi mánh khoé được che giấu bao năm nay hỏng hết, biết đâu con đường tiến thân chẳng vì thế mà đóng lại hoặc giả được chuyển về quê nhà thì làm sao sống nổi với mọi người nhất là bà mẹ và cô người yêu của Nguyễn Tân- Người mà từ lâu Quang đã từng mong ước. Giấu nhẹm quyển sổ, Trần Quang mang di vật còn lại của Nguyễn Tân chuyển lên trên để gửi về gia đình. Tuy nhiên sau lần đó Trần Quang luôn ở trạng thái bất an, lúc nào cũng cảm như Nguyễn Tân hiện về và kinh nhất là cái chết như treo lơ lửng trên đầu. Nhân chuyến về phép, Trần Quang lên gặp vị quan chức đỡ đầu của Nguyễn Tân. Quang đã thêu dệt cái chết oai hùng, bịa ra câu chuyện Tân muốn vị quan chức giúp đỡ cho Quang. Tin lời, vị quan chức cho Quang về làm việc dưới quyền mình. Không lâu sau Quang được tin tưởng, trở thành một mắt xích trong đường dây. Những cú buôn lậu của vị quan chức được thực hiện chót lọt. Quang như chiếc phễu hút những đồng tiền chảy vào hầu bao của gia đình quyền quý đó. Có điều vị quan chức đó không biết là Quang cũng kiếm được kha khá qua việc bán “hàng cấm” cho phía “bên kia”. Hàng bị coi là “cấm” thực tế là hàng khá thông dụng với những người ở vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà, lợi nhuận cũng rất khá nhưng không phải ai cũng có thể buôn bán được, phải là những quan chức có máu mặt trong chính quyền. Với vẻ ma lanh sẵn có, mỗi làn giao hàng Quang đều yêu cầu được phía cách mạng xác nhận. May mắn hơn, Quang còn được đề nghị là cơ sở. Dù chưa làm được điều gì nhưng cái mác “cơ sở” và người “có công” ủng hộ Cách mạng là điểm tựa là bệ đỡ cho thăng tiến sau này. Đúng là một công đôi việc, một mũi tên trúng hai đích...
Chiến tranh rồi cũng đến hồi kết. Những ngườì trong bưng biền trở về lập nên chính quyền nhân dân. Lơi dụng lúc chính quyền mới lực lượng còn mỏng và nắm chưa chắc. Quang mang những giấy tờ xác nhận và nhanh chóng được trọng dụng. Sự nghiệp của Quang lên như diều vì biết cách luồn lách, hơn thế đã có công chỉ điểm để chính quyền cách mạng vây bắt người quan chức chế độ cũ trốn trình diện- Người một thời cưu mang hắn.
Sang nhà Nguyễn Tân, chứng kiến nỗi đau giằng xé của bà mẹ. Trần Quang cũng có chút áy náy nên nói để Bà yên tâm: Nguyễn Tân chiến đấu rất dũng cảm, chết rất vẻ vang và Trần Quang đã tự tay chôn cất. Mắt Bà chợt sáng lên, Bà chẳng mấy quan tâm đến chiến đấu dũng cảm hay chết vẻ vang. Bà mừng, con Bà được chôn cất chu đáo, thân thể còn lành lặn. Thế là đủ, Bà không mong cái gì hơn thế.
Cô gái, người yêu của Nguyễn Tân dọn sang ở hẳn nhà Anh sau khi bố mẹ qua đời. Cô không muốn lấy ai dù bao nhiêu người muốn đựơc cùng cô xây dựng hạnh phúc. Với cô tình yêu với Nguyễn Tân là duy nhất, tình yêu ấy bây giờ cô dành cho bà mẹ già đã chịu quá nhiều đau khổ. Cô chăm sóc bà như con gái, như con dâu, ngày ngày lo hương khói cho hai người đã khuất. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của cô. Biết không lay chuyển được, Trần Quang van xin bà mẹ tác thành. Nghĩ hoàn cảnh đơn côi của mình mà lo cho tương lai của cô vả lại cô cũng lớn tuổi rồi nên bà đã cố thuyết phục. Nể bà, cô đồng ý với điều kiện: “Được chăm sóc bà mẹ và Trần Quang phải đưa đựơc hài cốt của Nguyễn Tân về”. Chăm sóc bà mẹ thì không có vấn đề gì nhưng đưa hài cốt thì quá khó, tưởng chỉ nói cho bà mẹ yên lòng ai ngờ thành chuyện, giải quyết sao cho ổn đây? Vốn là người ma lanh lọc lõi dám làm tất cả. Trần Quang trở ra Quảng Trị mảnh đất một thời máu lửa. Ngày ấy các đội quy tập được thành lập, nhiều hài cốt Liệt sỹ được đưa về các nghĩa trang. Nhiều gia đình cũng đi tìm hài cốt thân nhân. Trong vai người đi tìm hài cốt, Quang đi một vòng qua các nghĩa trang. Rất nhiều ngôi mộ mới được đưa về. Trần Quang quyết chọn ngôi mộ phía ngoài vừa mới được quy tập, đất xốp dễ đào, gần đường, tiện ra ga tàu. Do chưa có chủ trương nên nhiều người cả trong Nam và ngoài Bắc đã lén mang hài cốt người thân trở về và thường phải làm vào ban đêm vì vậy việc làm của Quang không có trở ngại gì. Công việc xuôn xẻ. Nguyễn Tân được đặt nằm cạnh người cha trong nghĩa trang của địa phương. Bà mẹ hài lòng, cô gái không còn lý do gì để từ chối. Với Quang mọi việc diễn ra thật tuyệt vời.
Điều kiện của cô đã được đáp ứng. Cô trở thành vợ Trần Quang, cô là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, chịu thương chịu khó, hiền thục, đảm đang, hết lòng vì chồng, mọi người đều quý mến. Tuy nhiên sau hai lần sinh nở không thành. Gia đình, họ hàng và cả Trần Quang nữa đua nhau ruồng rẫy cho rằng cô ăn ở thất đức cô vẫn cắn răng chịu đựng... Rồi, bà mẹ đột ngột ra đi, trước khi qua đời, nắm tay cô bà nói: “Bộ hài cốt ấy không phải của thằng Tân, nó nhỏ bé còn bộ hài cốt thì quá dài. Mẹ vờ đồng ý vì muốn con có một gia đình đầy đủ không muốn con vì mẹ mà phải hy sinh cuộc sống của mình, dù sao thì thằng Tân cũng không thể trở về. Nhưng con phải chăm lo phần mộ cho chu đáo dù sao cũng đã qua một kiếp người dù họ là ai, làm gì khi còn sống”. Từ đó cô chú ý hơn, cô thấy Trần Quang có chiếc hòm nhỏ luôn khoá kín dấu kĩ dưới gầm giường, chìa khoá luôn được Trần Quang cất trong người. Cô bí mật lấy mẫu chìa khoá bằng cách in lên bánh xà phòng mang ra phố chợ đánh. Cô run người khi mở chiếc hòm, nhìn thấy quyển sổ- Quyển sổ cô tặng Nguyễn Tân trước ngày đăng lính. Lật giở từng trang cô bàng hoàng run sợ khi đọc những dòng Nguyễn Tân ghi trong đó. Thì ra người đã đẩy người yêu cô vào cái chết chính là anh ta, nó đã lừa dối tất cả mọi người, tiến thân bằng sự lọc lừa. Điều mà Nguyễn Tân lo ngại trước khi mất vẫn bị hắn- Người cô gọi là chồng vi phạm. Cô gói ghém đồ dùng cá nhân để lại bức thư. Bức thư vẻn vẹn có mấy dòng: “Tôi đã cố gắng để sống vì mẹ của anh Nguyễn Tân nay bà mất rồi tôi không còn lí do gì để ở lại. Tôi mang theo cuốn sổ của anh Tân và để lại đơn xin li hôn đã kí sẵn. Anh yên tâm, tôi không nói với ai chuyện này vì dù sao có thời tôi và anh là vợ chồng”. Cô rời làng ra đi vào đêm cuối đông tối đen, lạnh lẽo.
Chiến tranh lại xảy ra. Nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng do người tái ngũ, người nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Quang không nằm trong số đó vì có thời khoác áo “nguỵ binh”. Tưởng chừng bất lợi, lại thành cơ hội để bù vào chỗ thiếu hụt và cũng chính vì thiếu hụt nên cơ quan tổ chức cũng châm chước phần nào về công tác cán bộ. Tuy vậy cũng không phải dễ dàng vì không cơ quan tổ chức nào chịu nhận người chưa hết trung học, chưa qua một lớp đào tạo quản lý. Rồi dịp may cũng đến, người bạn một thời đựơc tiếp nhận vào làm ở phòng hành chính cơ quan tổ chức chính quyền tỉnh. Không giấu được niềm vui đã chạy vội đến để khoe. Thế nhưng thật bất ngờ, thay vì nhận quyết định lên công tác tại tỉnh lại đi dân công hoả tuyến. “Cứ đi rồi khi về sẽ tính”. Người cán bộ tổ chức thông báo. Chừng nửa tháng sau Quang được thế vào vị trí của người bạn cùng thời ấy. Anh bạn chẳng có lý do gì để trách, anh ta đâu có biết cú đi đêm ngoạn mục vừa rồi. Nếu có trách thì trách sự nhẹ dạ cả tin và số phận hẩm hiu của mình mà thôi.
Biết rằng thời đại này là thời đại của bằng cấp nên Trần Quang đăng kí học bổ túc văn hoá, vài tháng hoàn thành chương trình cấp 3. Học tiếp Đại học tại chức ngành Lâm nghiệp. Học Lâm nghiệp, đây không phải là nghành mũi nhọn của Tỉnh và cũng không liên quan gì đến chuyên ngành Trần Quang đang công tác nhưng đầu vào và chương trình đào tạo của trường này khá nhẹ nhàng đảm bảo cho Trần Quang có thể theo học. “Cứ học đã rồi sau tính tiếp”- Trần Quang tự nhủ. Sau bốn năm từ một anh trơn nhẵn về bằng cấp chuyên môn bây giờ thì đủ cả: Có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến, bằng cấp đầy đủ thật là vừa hồng vừa chuyên và chỉ vài động tác, Trần Quang đựơc đề bạt làm phó thủ trưởng rồi thủ trưởng một cơ quan cấp tỉnh. Một chức vị mà nhiều người nằm mơ cũng không có được. Cũng vì cái chức vị quyền nghiêng thiên hạ như thế mà chỗ ấy trở thành nơi cạnh tranh khốc liệt. Dưới quyền có hai vị phó: Một vị có học hàm Phó Tiến sĩ học ở Liên xô về. Một vị tốt nghiệp Đại học Kinh tế. Đây là mối nguy tiềm tàng đối vớí Trần Quang vì yêu cầu trong giai đoạn này người đứng đầu cơ quan phải được đào tạo đúng chuyên ngành. Nghĩa là sẽ phải nhường chiếc ghế quyền cao chức trọng cho một trong hai cấp phó của mình, điều mà mới chỉ nghĩ đến thôi đã thấy đớn đau. Và kế hoạch lại được phác ra, Trần Quang gặp riêng từng người, người nào cũng được Trần Quang “rỉ tai”: “Tớ làm không đúng chuyên ngành nên sẽ phải chuyển đi. Cậu cố lên tớ ủng hộ”. Chỉ thế, hai người vốn từ trước đến nay là bạn bỗng chốc trở thành đối thủ của nhau. Cũng dễ hiểu, ghế có một mà cả hai cùng muốn ngồi vào. Vị phó Tiến sỹ học ở Tây về có cách sống khá thoáng trong quan hệ nam nữ. Từ lâu Trần Quang biết anh ta có quan hệ với một nữ nhân viên, nên thường cho người theo sát. Biết chắc họ gặp nhau tại khách sạn, Trần Quang cho người ngầm “thông báo” với vị Phó thủ trưởng đang trực cơ quan. Dĩ nhiên anh ta phải điện xin ý kiến. Trần Quang lấp lửng: “Hôm nay anh trực toàn quyền giải quyết, việc ấy phải có bằng chứng, nói xuông chẳng giải quyết được gì, phải người có chuyên môn mới làm được”. Vẫn nghĩ Trần Quang ủng hộ, anh ta gọi Trưởng phòng bảo vệ lên giao. Công việc hoàn thành, biên bản được kí, hơn cả mong đợi nếu không có sự cố tay Trưởng phòng bảo vệ bị bọn bảo kê ở khách sạn “tẩn” cho một trận cẩn thận vì làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của chúng. Tổ chức họp kiểm điểm vị phó Tiến sĩ. Báo cáo Tỉnh xong xuôi chờ Trưởng phòng bảo vệ đi Viện về, Trần Quang quyết định cho thôi việc vì làm việc sai nguyên tắc, vượt quá thẩm quyền gây hậu quả xấu. Anh ta không chịu, làm đơn kiến nghị khắp nơi vì cho rằng mình làm là thực hiện mệnh lệnh của trên, trong khi anh ta bị đánh, bị thôi việc thì người ra lệnh không hề bị ảnh hưởng gì, như thế là bất công, như thế là cậy trên ức hiếp dưới. Các đoàn nườm nượp kéo về. Tỉnh đành giữ Trần Quang ở lại.
Tổ chức một bữa ăn nhỏ mừng chiến thắng tại nhà với những người tâm phúc. Khi rượu vào đủ Trần Quang nói: “Các chú ấy (Chỉ hai ông phó) hỗn, “đánh đá” nhau làm mình “phải” ở lại. Rồi đây chỗ ấy sẽ phải nhường cho các chú ở đây thôi”. Tin ấy thật vui, họ uống thật nhiều, sự vui vẻ cũng tăng thêm nhiều lắm. Không biết lúc nào tàn cuộc nhưng hôm sau không ai có thể đến cơ quan riêng Trần Quang mấy ngày sau phải nhập viện. Viện Tỉnh, viện Trung ương đều thống nhất đây là bệnh lạ cần phải có thời gian nghiên cứu. Bệnh thật lạ, lúc nóng như thiêu lúc lạnh như nước đá, khi nhớ khi quên, khi đau như xé, lúc lại hoàn toàn bình thường. Mãi sau Bệnh viện mới kết luận được đây là di chứng của chất độc hoá học. Hơn năm năm lăn lộn ở chiến trường rất giỏi tránh né nên chưa từng bị vết xước nào dù bom đạn mù trời. Vậy mà cái chất lỏng tưởng như vô hại, tháng tháng máy bay Mỹ rải xuống đều đều khắp núi rừng. Cái chất lỏng ấy ngấm vào đất, hoà vào nước, tan vào không khí. Những người lính cả hai bên ăn, uống, hít thở cái chất vàng ệch ấy và bây giờ nó đang tàn phá, gậm nhấm từng xăng-ty-mét vuông lục phủ ngũ tạng của Trần Quang. Mới một tháng nằm viện mà Trần Quang đã xơ xác lắm, cái đầu chỉ còn vài chiếc tóc lơ thơ bạc trắng, mắt trũng sâu, chân tay lòng khòng run rẩy. Về đêm nỗi đau thể xác, nỗi thống khổ tinh thần lại kéo đến giằng xé, bao nhiêu mưu mô, bao nhiêu thủ đoạn kết cục là thế này đây. Cái tâm hồn méo mó bệnh hoạn nằm trong thể xác uột ẹo, đau đớn. Đêm đêm Trần Quang thấy cả đoàn người vây quanh giường, Nguyễn Tân đứng đó nhìn, đôi mắt buồn thăm thẳm lặng lẽ xoa lên trán, vỗ nhẹ lên ngực, tay Nguyễn Tân xoa đến đâu Trần Quang hết đau đến đó. Trong đoàn người đó, có người dáng to cao râu quai nón, mặc quân phục Vệ Quốc đoàn, súng Cônbạt đeo trễ ngang hông. Chỉ mặt Trần Quang quát oang oang: “Thằng kia, vì mày mà ta trở thành vô thừa nhận, phải nằm dưới nấm mồ với cái tên của người khác, từ ngày bà mẹ mất, cô ấy bỏ đi không ai thắp cho một nén hương. Ta trở thành vô danh, vô gia cư, vô gia đình, vô quê hương bản quán”- Đó là người bị Trần Quang “bốc trộm hài cốt” mang về năm nào. Lại có cả những người mặc quần áo rằn ri, đội mũ sắt, súng AR15 cầm một bên tay. Họ nói: “Ông đã lừa để chúng tôi chết thay ông...” - Đó là những người lính Việt Nam cộng hoà, những người đã thay Trần Quang vào chỗ chết.
Nhiều nhiều lắm những lời trách cứ, những tiếng hét não lòng từ những bóng ma ấy. Trần Quang quỳ lạy xin sám hối, cầu xin tha thứ và chợt ngộ ra rằng cõi đời này là trốn gửi mà sao lại tranh giành thủ đoạn khốc liệt đến thế...
Sau lần đi viện ấy Trần Quang tĩnh trí nhiều lắm, sức khoẻ cũng hồi phục dần dần. Tỉnh bố trí công việc phù hợp nhưng Trần Quang xin nghỉ mất sức...
Bây giờ người ta thường thấy một ông già sống một mình trong căn nhà nhỏ tựa lưng vào bờ tường nghĩa địa, mưa cũng như nắng cặm cụi nhổ cỏ, quét sân trồng hoa trong nghĩa trang. Đêm đêm người dân trong vùng thường nghe tiếng nói chuyện cười đùa vui vẻ trong căn nhà nhỏ đó. Họ cũng quên cái tên của người đàn ông ấy chỉ gọi là: “Ông già quản trang”
Trại sáng tác Cần Thơ ngày 18 tháng 5 năm 2022
T.N.H
Người gửi / điện thoại