Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGÕ CHUNG

Nguyễn Hùng Sơn

NGÕ CHUNG   
                                                       
        Tên đầy đủ của gã là Lê Thư Sinh, người vợ hờ tên là Đỗ Thị Dự nhưng người dân của cái ngõ có 12 gia đình chung sống cứ gọi là Sinh Sự.
    Ban đầu thì mọi người cũng chỉ thì thụt với nhau để mà cười, cười đến chảy nước mắt vì cái tên sao mà hợp với hai người đến thế. Dự với Sự thì khác gì nhau? Đến cả vợ chồng họ khi nghe gọi Sinh Sự cũng cũng hồn nhiên trả lời mà không biết cái sự xách mé nữa là? Đấy là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là cả hai người đều ăn nói lỗ mãng, chẳng chịu nhỏ nhẹ với nhau bao giờ. Đi vắng thì thôi, hễ cùng ở nhà là chan chát như bổ củi, như là sắp đánh nhau đến nơi. Mấy người kéo đến định can ngăn, nhưng lắng nghe biết là không có chuyện gì, liền rút lui. Đấy là chuyện một năm trước, khi vợ chồng họ mới nhập xóm. Bây giờ thì mọi người đã quen tai nên không ai quan tâm cái sự chan chát nữa. Nhưng lý do chính để mọi người gán cho Lê Thư Sinh cái biệt hiệu sinh sự là việc làm điên rồ muốn biến cái ngõ chung của hơn chục hộ thành ngõ riêng nhà mình.
    Gã kết căn nhà này vì vừa túi tiền mà được cái ngõ rộng lát gạch đỏ, quá đẹp, lại là căn trong cùng. Căn trong cùng người ta chê thì gã lại ưng ý nhất. Ngõ thì chung nhưng mình lại có cái quyền mà bảy nhà kia không có được. Chỉ cần chắn khúc trong cùng là có được cái kho chứa ve chai vô cùng tiện lợi.
       Cả ngõ có 12 căn nhà mà dãy bên gã chiếm tới tám căn, y chang kiểu dáng, nhà nào cũng 4 mét mặt tiền, chiều sâu 10 mét, cũng 4 tầng 1 tum trông oách xà lách lắm. Dãy đối diện chỉ có bốn nhà, cũng thống nhất kiểu dáng nhưng mặt tiền rộng tới 8 mét mà chiều sâu chỉ có 4 mét. Không được cân đối như dãy tám nhà, bù lại, dãy bốn nhà lại có ban công khá đẹp. Bọn tín chủ trước ngu như bò. Nó le sao mình không le? Bây giờ nhìn dãy bên kia mà thèm. Những chậu hồng, thược dược, trà mi…lúc nào cũng roi rói. Lại còn búi trúc mây xòe tán phe phẩy như trêu ngươi. Tức thì tức nhưng không thể không ngửa cổ nhìn lên. Đó là khi ở dưới tầng trệt. Còn khi lên tầng trên, nhìn qua cửa sổ lại càng mê, một dải hoa lá mướt mát thế kia. Mình ngắm ké thích, bọn chúng còn sướng vạn lần.                 
   “Tao sẽ làm cửa sắt chặn lại, không cho thằng con nào xâm phạm giang sơn của tao. Cũng chỉ là đòi lại sự công bằng. Thằng con nào ngứa mồm cũng mặc”. Nhưng gã chưa kịp làm cửa sắt thì ở ngôi nhà đối diện bổng xuất hiện cái cửa phụ, khiến ý tưởng “vĩ đại” của gã sụp đổ. Cái cửa phụ rộng một mét bằng khung nhôm và kính màu nước mắm, trong nhà nhìn ra rất rõ mà ngoài nhìn vào không thấy gì. Chả lẽ mụ Dự để lộ kế hoạch của mình?
- Mày có nói với mụ Là, tao làm cửa sắt không?
- Rỗi hơi. Mà em biết đ…gì cửa giả mà nói?
- Sao lại đ… biết. Tao nói với mày rồi, mày ừ ừ, gật gật, bây giờ lại chối như chó ăn bún? Mày không hở ra làm sao hắn biết mà làm cửa hả?
- Đ… tin thì sang hỏi bà ý.
    Chị Dự sầm sập leo cầu thang. Như lúc khác thì gã đã xồng xộc chạy theo, tranh đấu cho ra nhẽ nhưng lần này đang nóng lòng gặp bà Là, gã lắc đầu cho qua.
 Tuy mưu đồ làm cửa sắt chắn khúc ngõ trong cùng làm kho, gã giữ kín bưng nhưng bà Là vẫn biết. Ca mê ra nhà bà đã ghi được hình ảnh gã ngắm nghía, đo đạc. Lại còn đón cả thợ sắt đến chỉ chỉ, trỏ trỏ. Đã có ý định mở thêm cái cửa phụ từ trước nhưng các con cứ đi làm suốt, được ngày nghỉ cuối tuần thì cũng bận việc nọ, vướng chuyện kia nên cứ lần lữa. Nhưng lần này thì bà quyết tâm. Đặt thợ làm cửa sẵn, chờ hôm Sinh Dự đi vắng, bà gọi thợ đến đục tường, lắp cửa vài tiếng đồng hồ là xong.
- Ai đấy? Sao không bấm chuông lại đập cửa sầm sập thế?
Không thèm trả lời gã đốp luôn:
-        Ai cho bà mở cửa phụ, hả hả?
Bà Là cũng không trả lời mà vặc lại:
-        Theo ông thì ai cho phép?
Gã gãi tai, lúng túng trong giây lát rồi nói cứng:
-Tôi. Nếu tôi không đồng ý thì bà không được mở cửa này.
 - Vậy thì ông cho phép chứ, ông hàng xóm tốt bụng?
“Khá lắm. Chữ tốt đặt trong ngoặc kép phải không, thưa bà? Bà cũng biết hài hước đấy”. Gã thầm nghĩ vậy và không thay đổi “lập trường” yêu cầu bà Là dỡ bỏ cánh cửa, xây lại tường gạch như ban đầu. Cố nhiên là bà không nghe. Gã tuyên bố sẽ kiện. “Nếu ông thích thì cứ việc”. Bà Là mát mẻ.
   Sau mấy ngày hì hụi soạn thảo, Lê Thư Sinh vác đơn đến Ủy ban Phường, xin gặp chủ tịch hoặc phó chủ tịch. Cô nhân viên “Một cửa” trả lời: Chủ tịch đi họp trên Quận, còn hai phó chủ tịch và bộ phận tư pháp đang trực tiếp đôn đốc các tổ dân phố diệt lăng quăng, bọ gậy vì số người bị sốt xuất huyết của phường hiện đang cao nhất Quận. Ông cứ nộp đơn chúng tôi sẽ trình lãnh đạo xem xét.
  Nó nói đúng. Hôm qua có đoàn vào kiểm tra đã bới tung cái đống vỏ chai, can nhựa của mụ Dự, nhiều cái có bọ gậy và gã đã phải ký cam kết không để tái diễn tình trạng này.
- Có xác nhận tôi mới nộp?
- Có giấy biên nhận. Ông yên tâm.
Tuy nhiên, cô nhân viên trả lại đơn vì chữ quá xấu,  lại rất khó đọc. Cô yêu cầu phải đánh máy trên khổ giấy a4. Thế là mất toi một ngày. Gã lầm bầm rồi thất thểu ra khỏi trụ sở ủy ban.
    Hôm sau gã đến nộp đơn, cô nhân viên vào sổ và hướng dẫn gã sang bộ phận tư pháp. Cán bộ tư pháp xem đơn rồi hỏi:
- Người ta mở cửa phụ nhà người ta thì can hệ gì đến ông mà ông kiện?
- Nhưng cửa nhà ấy lại hướng sang nhà tôi.
- Hai dãy nhà hai bên ngõ, cửa không hướng vào nhau thì hướng lên trời chắc?
Sau câu hỏi có phần sắt đá ấy, người cán bộ tư pháp hạ giọng:
-  Chắc là ông phật ý khi họ mở cửa mà không nói với ông chứ gì?
    Gã gân cổ:
-        Có nói thì tôi cũng không đồng ý. Không đời nào.
 - Bà Là quê Yên Bái, ông Lào Cai, có xa xôi gì đâu. Lại cùng cảnh vì con cái mà về Hà Nội, có gì không phải thì bảo nhau, kiện cáo làm gì cho mất tình, mất nghĩa.
- Tôi bảo rồi họ không nghe, tôi phải kiện. Thành phố chứ phải thôn quê đâu mà nhà mở hai cửa. Đấy là cái sai thứ nhất. Cái sai thứ hai là các căn nhà xây hơn 10 năm trước theo bản vẽ được phê duyệt, mấy nhà đã sang tên chủ mới mà không thay đổi gì. Bà Là tùy tiện trổ thêm cửa mà ông cho là đúng à? Chả lẽ ông cán bộ tư pháp không biết điều đó? Hay là?
- Hay là … chúng tôi nhận hối lộ chứ gi?
- Đó là ông nói đấy nhé.
  Kết thúc buổi làm việc, cán bộ tư pháp phường khẳng định bà Là không sai và khuyên ông Sinh hãy thôi kiện tụng nhưng gã đâu có chịu. Gã đòi gặp bằng được chủ tịch Ủy ban. Nhân viên «Một cửa» trả lời chủ tịch đi vắng, gã không tin cứ xồng xộc leo lên tầng hai, tìm đúng phòng chủ tịch thấy cửa đóng  mới chịu. Hôm sau gã lại đến nhưng chủ tịch đang điều hành hội nghị, gã quyết định ngồi chờ. Nhưng chờ đến gần hết giờ làm việc mà cuộc họp vẫn chưa kết thúc, đành ôm cặp ra về.
   Phải mất ba ngày kiên trì ngồi chờ gã mới gặp được chủ tịch phường. Hôm đó chủ tịch đang làm việc thì gã xộc vào. Chủ tịch bảo công việc rất bận nhưng Ủy Ban vẫn bố trí lịch tiếp dân.  Ngày mai mới đến phiên Chủ tịch tiếp dân nhưng bác đã vào đây thì tôi lắng nghe. Có điều kết luận của chủ tịch cũng không khác tư pháp. Thấy gã vẫn chưa chịu, chủ tịch hứa sẽ chỉ đạo cho tổ dân phố họp những gia đình trong ngõ 12 nhà để nghe ý kiến của bà con. Nghe nói đến họp hành gã không muốn nhưng chả lẽ nói mình sợ. Gã tự trấn an: Sợ gì, toàn bọn trẻ ranh với mấy bà già. Mình có lão Bính hói rồi. Lão ấy biết phong thủy, nói phô cũng lưu loát. Nhất là lão đã nhận tiền của mình, tư vấn cho mình vụ này.
  Từ khi trổ thêm cửa phụ bà Là thấy thật tiện lợi, đi chợ về mở cửa vào bếp luôn không phải diễu qua phòng khách. Ba hộ có mặt tiền 8 mét như bà đều tấm tắc, muốn trổ cửa phụ nhưng đang bận nhiều việc nên chưa làm. Có phải do bận hay họ thấy làm thế là sai nên thôi? Bà muốn hỏi ý tứ của họ ra làm sao nhưng ngặt nỗi ba nhà đều đi vắng, chiều tối mới về. Nếu phải bịt thì chán ngắt. Chi phí vào cái cửa cũng ngót nghét năm triệu chứ ít đâu. Nhưng mất tiền không bằng mất mặt.
 Chiều hôm đó, cô Liên hàng xóm kề cận, vừa mở cửa vào nhà là bà sang luôn.
-        Cô mong cháu như trẻ con mong mẹ đi chợ về.
  • Thế ư cô? Có việc gì ạ?
  • Cô hỏi thật cháu, cô mở cửa bếp như thế có sai không?
  • Không có gì là sai cả. Tháng sau nhà cháu cũng mở đấy.
  Bà Là thở phào. Nỗi lo như tảng đá đè ở ngực được dỡ bỏ. Bà kể lại việc ông Sinh lên ủy ban phường về tuyên bố được chủ tịch ủng hộ. Sẽ triệu tập họp xóm, đích thân chủ tịch thông báo kết luận ông ta thắng kiện. Cô Liên bảo đòn gió, đừng tin. Chẳng qua lão cay cú vì cái cửa của cô mà lão không làm được kho để ve chai, đồng nát thôi. Nhưng lão ngu lâu quá. Không có cửa của cô cũng không ai cho lão biến ngõ chung thành nhà kho của lão được.
-        Ai bảo mày tao, tao biến ngõ chung thành kho hả, hả ?
 Hai người đàn bà giật mình khi ông Sinh Sự xộc vào. Cô chủ nhà lên tiếng :
-        Thì ra ông rình ngoài cửa ? Cả xóm ai mà không biết nhà ông luôn có đống vỏ chai, can nhựa, bia lon…choán hết một góc ngõ.ngo-cut
  • Mày đừng có mà mà vu oan giá họa.
-        Oan hả ông ? Ông không có ý định làm kho thì hà cớ gì lại nhảy choi choi khi cô Là trổ cửa phụ ?
Thấy Sinh Sự có vẻ lúng túng, bà Là dấn tới : Bà không cơi nới, không xây thêm tầng thì chẳng có gì mà lo.  Còn ý đồ lắp cửa sắt chặn một góc ngõ thì cả xóm không ai lạ. Bà không giấu gã, camera nhà bà đã ghi lại việc gã đón thợ về đo đạc, định dựng cọc sắt lắp bản lề cửa ngay thềm nhà bà. Còn việc bà có ý định trổ cửa phụ từ lâu thì cả ba hộ cùng dãy đều biết. Ba hộ cũng sẽ mở cửa phụ đấy. Ông có kiện thì kiện luôn thể.
   Bị vạch mặt, Sinh Sự cứng họng, hậm hực bỏ về. Mẹ cha nó chứ, ca mê ra với ca mê vào làm đ… gì được tao ? Gã giật phắt cái áo may ô ra khỏi người, ném xuống chiếc bàn còn đầy cốc chén. Chưa hả dận, gã cởi luôn cả chiếc quần đùi rồi tồng ngồng đi ra đi vào trong nhà. Mẹ kiếp. Mày đặt máy theo dõi bố mày hả, hả.  Đây này, b…tao đây, mông tao đây, chúng mày thỏa sức theo dõi. Gã ra chính giữa cái ngõ vắng hoe, chổng mông, nguẩy đít và trật cả cái « của nợ » vào nhà bà Là. Xong việc, vào nhà mặc quần áo uống cốc nước lọc, bình tâm lại gã cũng hơi ái ngại. May mà các nhà đều khóa cửa. Hai con mụ kia đang mải buôn chuyện cũng chẳng biết. Chỉ có cái camera thì sợ qúe gì. Có tức nổ con ngươi thì mẹ con nhà mày cũng bấm bụng mà chịu nhé…he…he.
       *
  Thấy vợ nửa chiều đã về, đằng sau xe không đèo hàng, cũng không có túi nọ, bao kia treo hai bên xe như mọi lần, Lê Thư Sinh thấy chán. Hôm nay không có xái. Mà cái xái vợ gã chở về mỗi ngày cũng đáng giá lắm. Ngoài bao tải căng phồng vỏ chai, lon bia, nước ngọt là những cá rán, gà quay, tôm, mực béo ngậy…  Gã quay mặt vào trong vờ như không biết vợ về. Nhưng chị Dự biết tỏng gã kém vui vì không có mồi. Mồi có đầy nhưng thà đổ cho chó, cho lợn ăn còn hơn để hắn ăn rồi rửng mỡ. Chùm chìa khóa rơi xuống mặt bàn nghe khô khốc. Tiếp đó cái túi xách xẹt bên tai rồi rơi xoạch xuống ghế cạnh chổ gã ngồi.
 - Mày điên à? - Gã gầm lên.
  -Tao đang điên đây.
 -Vớ vẩn. Tự dưng nổi đóa.
  Tự dưng hả ? Tại thằng đĩ đực. Tại thằng ngu. Đã chơi gái lại còn quay với chả cóp. Nhưng mà nó không quay, không cho lên mạng thì còn lâu mình mới biết. Chị Dự nghĩ vậy mà chưa thèm nói ra. Chị rót nước uống rồi dằn mạnh cái cốc xuống bàn nghe như dao chém, may mà kính dày 5 ly không thì vỡ toang. Gã đứng lên, giang tay tát bị chị hất ra, gã lảo đảo. Chị vội uồm người đỡ chồng. Tưởng là mụ vợ đánh mình, gã chụp tay kéo mạnh khiến chị Dự đổ ụp xuống bàn. Cốc chén tung tóe, loang choang khắp nhà. Cú ngã sấp bất ngờ, mắt tóe đom đóm, tưởng tắc thở luôn, nếu vú vê không « vĩ đại » thì xương ngực đã gãy vụn. Đấy là sau đó chị Dự nói với mọi người thế. Còn lúc ấy khi được chồng đỡ dậy, lấy dầu gió xoa bóp ngực mãi chị mới nói được. Chị tra gạn chồng vào nhà nghỉ với con đĩ nào, ở đâu ? Cố nhiên là gã chối. Gã bảo nhà được mỗi cái xe máy vợ đi thì chồng đi được đâu. Hệt như chị. Khi mấy đứa bạn tố chồng đưa bồ vào nhà nghỉ, đã nói thế.  « Cần gì xe máy. Ta xi, xe ôm đầy. Có khi chả cần xe. Cách nhà vài trăm mét ối nhà nghỉ ». Chị bê nguyên câu bạn nói, nhét vào tai chồng. Mấy đứa lại còn trêu: « Này Dự ơi, anh Sinh nhà mày cởi bỏ áo quần, múi nào ra múi ấy. Mày không quản chặt là mất chồng đấy ». Bạn bè thì cứ anh Sinh ngọt xớt, nhưng cư dân ngõ 12 nhà thì cứ bà  Dự mà kêu. Khi có cả ông Sinh đã đành, khi chỉ mỗi mình mình cũng cứ bà Dự, bà Dự ... Chả tế nhị gì cả.
  Tuổi 35, nhan sắc nào đã kém ai, chẳng qua nhà nghèo không được ăn học, không bằng cấp phải chạy vạy buôn bán, kiếm tiền, đến khi khá giả chút thì đã quá lứa, nhỡ thì…phải cam phận làm vợ hờ của gã chồng bằng tuổi cha chú mà vẫn bị phụ bạc. Nghĩ mà tủi phận, nước mắt cứ lả chả, không còn lòng dạ nào mà làm việc nữa, chị xin phép chủ tiệm nghỉ buổi làm.
     Chị Dự thành vợ hờ của Lê Thư Sinh sau ngót ba trăm chuyến xe ôm an toàn, trót lọt. Một người dáng vẻ thư sinh không có tướng mạo lái xe ôm chút nào mà  khỏe như vâm lại đầy mưu mẹo. Mấy lần bị công an phát hiện, gã lượn vào các ngõ ngách thoát nạn. Có lần bí quá không kịp chạy trốn, gã ném bao hàng đựng 10 con trút (tê tê) bên cạnh một ả bán trái cây cạnh đường. Ả nhớn nhác, mắt chữ a miệng chữ o định kêu lên thì gã xòe bàn tay che miệng mình ra hiệu, ả im bặt. Chờ cho công an và cán bộ thị trường đi khỏi, gã đưa cho ả 100 nghìn đồng rồi đỡ bao hàng đáng giá vài tỷ đồng lên xe.
      Gã chỉ chạy xe ôm vào ban đêm và hầu như mỗi đêm chỉ chạy một chuyến, một khách hàng duy nhất, là Dự. Nhanh nhẹn, mưu mẹo nhưng phải gặp vận may mới được thế. Gã nói vậy và khuyên chị nên chuyển nghề kẻo « Đi đêm lắm, có ngày gặp ma ». « Nhưng bỏ nghề cũng tiêng tiếc. Tiếc nhất là không được gặp anh Sinh ngày ngày ». Gã bảo, gã quyen hơi bén tiếng Dự rồi, không đời nào xa Dự nữa. Câu nói khiến chị ngập tràn hạnh phúc. Những lăn tăn về phận vợ hờ biến mất. Từ giã nghề buôn bán, làm chân bưng bê, rửa bát cho một nhà hàng đặc sản cũng tốt chán. Tiền lương chỉ 7 triệu đồng một tháng, không nhiều nhưng không phải thức khuya dậy sớm, không phải canh cánh lo bị bắt bớ, tịch thu hàng. Lại còn khoản vỏ lon, vỏ chai và xái ông chủ cho tận thu nữa.  Lê Thư Sinh thì vẫn chạy xe ôm chở người đêm khuya. Người mà gã chở bây giờ tuổi đã gần 50, nhan sắc lại kém nên không lo. Hơn nữa, đã làm ăn ai lại làm chuyện ấy. Chị với gã gắn bó thế mà lúc khát nhau cháy bỏng ruột gan cũng chỉ hôn hít tý thôi. Chỉ khi chuyển nghề, hai người mới thỏa sức mây mưa, rồi có con với nhau. Tuy vậy, gã vẫn ở cùng con trai đang học đại học trong căn hộ chung cư 45 mét vuông. Còn chị và đứa con gái còn đỏ hỏn thì vẫn nhà trọ như trước. Được vài năm, họ mua căn nhà này 1 tỷ rưỡi. Gã góp 500 triệu. Bổng chốc có con, có chồng, có nhà, tuy chỉ là chồng hờ lại già, bị mọi người gọi là bà Dự, thì vẫn là may mắn lớn.
     Khi nghe thủng, hiểu ra cái clip không phải quay tại nhà nghỉ, chị Dự mừng hơn bắt được của.  « Ôi! chàng ngốc của em. Cứ như trẻ con thôi ». Nựng chồng thế rồi chị thỏ thẻ : « Bà Là thì biết gì mà mạng với múng, chắc là con làm mẹ không biết thôi. Bà ấy hiền lành đức độ, có mất lòng ai bao giờ. Tiếng là công nhân nhà nước mấy chục năm mà không dám nhận lương hưu, xin nhận một cục lấy tiền mua nhà. Nhưng bà ấy thật may, mua nhà thời ấy còn rẻ. May lại có thằng con trai khôn sọi, con dâu cũng có học, có việc làm tử tế. Lại có thằng cháu nội thật kháu khỉnh nữa chứ.  Có phúc, có phận anh ạ ». Thấy chồng lẳng lặng, chị bàn rút đơn kiện, nhưng   gã  đâu có chịu.
           *

    Nghe Lê Thư Sinh trình bày chuyện bị mẹ con bà Là tung clip lên mạng, lão Bính hói lắc đầu, lên giọng kẻ cả :

  • Sao chú ngu thế ? Ngu dại thì phải chịu, tôi không giúp gì được đâu.
  Câu nói nửa cảm thông, nửa trách mắng khiến Sinh thêm bối rối, hoang mang.  Lão Bính cũng cảm thấy bí rì rì. Tuổi gần tám mươi, theo nghề phong thủy, bói toán ngót bốn chục năm, lão chưa gặp chuyện mạng mủng thế này bao giờ. Cái vụ kiện bà Là mở cửa là sai nhưng cũng còn chút mơ hồ giữa sai và đúng mà mình cứ kiên trì theo đuổi khiến cái mơ hồ ấy lớn dần. Người ta còn cảm thấy mình có lý. Còn cái vụ này…
  • Bác không ở vào tình thế của em không biết, em thấy mình bị xúc phạm ghê gớm.
 Đang bí bách được câu nói của Sinh gợi mở, lão Bính reo lên :
  • Chú mày bị xúc phạm, bị sỷ nhục. Đúng không ?
  • Dạ đúng ạ.
  • Một người cao tuổi bị sỷ nhục. Đau lắm. Xã hội mình đang đề cao người cao tuổi mà.
Gã chưa hiểu ý Bính hói nhưng cũng gặc gặc đầu.
  • Chú năm nay sáu mấy ?
  • Dạ. Năm chín ạ. Cả tuổi mụ là sáu mươi.
  • Thế cũng là người cao tuổi rồi. Ta kiện nó về tội sỷ nhục người cao tuổi.
  Thế là bà Là lại bị đơn lần thứ hai. Đơn chồng lên đơn. Thật khốn khổ cho bà, lại thêm một lần bị mời lên phường. Cũng như lần trước bà không công nhận mình có lỗi. Không những thế bà tuyên bố sẽ kiện lại ông Sinh về tội quấy rối tình dục. Nghe mà kinh hãi. Gã lại cầu cứu sư phụ. Lão Bính tháo cái kính cận, đôi mắt ốc bươu cứ trừng trừng nhìn gã đến cả chục phút. Cứ như mọi đáp số hóa giải tình thế đã hiện lên ở trán Lê Thư Sinh. Rồi lão vuốt vuốt cái đầu hói, cái mũi đã to lại luôn đỏ như củ cà rốt cứ khịt khịt khiến gã lo thót tim.
  • Bà ấy không kiện đâu.
  • Nếu bà ấy kiện thì sao thầy ?
  • Thì chú mày thua là cái chắc.
  Sinh Sự rùng mình, mặt bạc như lá gai gặp bão. Lão Bính vẫn điềm nhiên nhâm nhi chén nước, hắn càng lo âu, càng tốt. Dường như không thể chịu đựng thêm, gã lập cập đặt thêm hai tờ xanh (năm trăm ngàn đồng) vào cái đĩa đã có hai tờ xanh gã đặt trước đó. Lúc ấy lão Bính mới phán :
  • Nếu kiện, mình phản biện : Người có hành vi quấy rối tình dục chính là bà Là. Vì bà ấy chõ camera vào nhà người ta rồi tự tiện tung lên mạng. Mình có nóng nảy, có sai một chút nhưng là ở chổ không người, nên mình không phạm tội.
Gã vỗ tay, miệng không ngớt khen thầy cao tay.
  Giữa lúc hai thầy trò đang hí hửng thì nhà Sinh Dự có khách. Khách chính là người vợ chính thức của gã. Đã mấy lần cự nự, khuyên can mà chồng không chịu rời bỏ con bồ trẻ, nay lại tồng ngồng như thằng điên trên mạng, bà thấy nhục nhã quá. Ra đường không dám nhìn mặt ai. Phải bắt chúng nó trả nỗi nhục này. Đừng tưởng gái già nhà quê không biết gì nhé.
   Đang định mở cửa bếp để đi chợ, thấy có người đàn bà lạ vào nhà Sinh Dự, sinh nghi, bà Là dán mắt nhìn. Chợt mùi xăng sực lên, linh cảm có chuyện chẳng lành, bà lò dò sang, hé cửa nhìn vào thấy đống quần áo, chăn, ga cao ngất và người đàn bà đang bật lửa xoạch, xoạch. Chết rồi, nó đốt nhà ! Bà Là mở toang cửa, xông vào hất văng cái bật lửa khỏi tay người đàn bà xa lạ. Bà ta vội chồm theo lấy bật lửa liền bị bà Là túm tóc giữ lại.
  • Sao bà lại đốt nhà người ta ?
Tiếng quát đanh thép khiến người đàn bà lạ bật khóc tu tu. Bà Là hạ giọng :
  • Bà là vợ ông Sinh. Đúng không ?
Tuy không nhận được câu trả lời nhưng bà Là biết người này đích thị là vợ ông Sinh.
  • Sao chị liều thế. Dại thế. Đốt nhà rồi vào tù thì chúng nó càng sướng.
  • Nhưng em nhục quá. Nhục không chịu được ..ư…hư. Ông ta nói suốt ngày chạy xe ôm nuôi con ăn học. Ai ngờ…hư…hư.
Nghe tiếng quát, tiếng người lao xao, Lê Thư Sinh chẳng kịp chào thầy Bính, chạy về thấy bà Là và bên cạnh là vợ mình đang khóc, gã đứng ngây như trời trồng. Bà Là giục :
  • Ông Sinh vào thu dọn đi.
  • Vâng…Vâng! Cảm ơn chị! Không có chị thì…
Luống cuống và có lẽ là xúc động nữa, gã bỏ dở câu nói, rồi lao vào thu dọn đống áo quần, chăn ga sặc sụa mùi xăng.
                                               Triều Khúc ngày 27/11/2017
                                                            N.H.S
  
   
 
  
 
 
.
 
 
 
 
 
 
 
   
 
       
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 98
Trong tuần: 1183
Lượt truy cập: 436213
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.