Bùi Thanh Minh
Tâm đeo ba lô bước trên con đường đá gập ghềnh, không để ý đến quán nước ở ngã ba, Tâm rẽ con đường đất vào làng thì có tiếng gọi:
- Tâm ơi ! có phải Tâm đấy không?
Tâm quay lại . Người đàn bà trạc bốn mươi tuổi trong quán nước bước vội ra, chị sựng lại như rụng rời, kêu:
- Đúng rồi ! chú Tâm con bà Hằng thật, các bà ơi!
Trong quán có tiếng :
- Tâm con bà Hằng báo tử rồi kia mà.
- Thì ban ngày, ban mặt, rành rành thằng Tâm đây, chứ còn ai nào.
Mọi người chạy ra, đổ xô lại kéo Tâm vào trong quán, hạ ba-lô xuống, kéo ghế cho anh ngồi . Bà chủ quán rót cho anh một bát nước chè xanh. Giọng hoan hỷ:
- Thế thì mẹ cháu mừng lắm đấy. Còn ...
Tiếng “còn” đọng lại ở thanh quản khiến mọi người đang hào hứng bỗng im bặt. Vài người phụ nữ kín đáo đưa mắt cho nhau. Linh tính của người lính trinh sát cho anh biết đã có điều chẳng lành. Bà chủ quán phá tan bầu không khí im lặng bằng giọng rành rẽ:
- Cháu ạ, chẳng nói thì chốc nữa về cháu cũng biết. Ở nhà báo tử cháu được một năm thì mẹ cháu gả chồng cho cái Mận, vợ cháu. Chồng nó cũng khá. Hai vợ chồng ở luôn với mẹ cháu, săn sóc, trông nom chu đáo lắm. Thật chúng nó sống có tình có nghĩa cháu ạ.
Không ai góp thêm lời, họ nhìn Tâm với con mắt ái ngại. Người ta sợ không dám khơi sâu thêm điều mà ... chỉ cần đụng sâu một chút nữa là Tâm có thể triệt tiêu hết nhiệt huyết về phép thăm mẹ và vợ.
Tâm choáng váng khi nghe tin sét đánh này, anh đặt bát nước xuống bàn, cố gắng nhấn cái vị đắng chát của miếng nước chè xanh cứ lập lờ ở cổ họng, hai ngón tay run run nhón đầu điếu thuốc lá đưa lên môi. Không biết vì khói thuốc đựơm vào mắt hay xúc động mạnh mà nước mắt Tâm cứ chực ứa ra.
Tâm chào mọi người, xin phép về. Khoác chiếc ba-lô trên lưng, mà đôi chân Tâm cứ lâng châng vô định. Thì ra, Tâm nghĩ : con người ta từ quả đồi hạnh phúc rơi xuống vực thẳm bất hạnh chỉ qua mỗi vạch khấc. Tâm không ngờ cuộc đời anh lại có thể trượt qua cái vạch khấc trớ trêu, tàn nhẫn nhanh như vậy. Gia đình đã tách anh ra khỏi cái tổ ấm tình yêu rồi sao? nụ hôn cháy bỏng dài bất tận, như không bao giờ có thể bứt ra được của vợ chồng Tâm hôm chia tay giờ vẫn còn hơi ấm của làn môi...thế mà bây giờ làn môi ấy đã thuộc về người khác. Tại sao Mận không để tang mình hết ba năm, chẳng hạn? Tại sao họ không mang nhau đi chỗ khác mà ở? Thì ra, người ta sống là vậy, không may chết đi là trần thế nhanh chóng xoá hết mọi dấu vết(!). Bây giờ, về chứng kiến cảnh họ hú hí ở nhà mình, buồng mình ư ? Đời, trớ trêu đến thế là cùng. Tâm ơi !...anh tự gào thét, tự nguyên rủa đời, nguyền rủa mình, nhưng chỉ bằng tiếng thét trong lồng ngực, trong đáy họng, cho đến khi anh thấy kiệt lời thì ngồi phịch xuống vệ cỏ bên đường. Tâm gỡ ba-lô, xuống sông vã nứơc lên mặt cho tỉnh táo. Theo thói quen nghề nghiệp của người lính trinh sát từng trải, Tâm tĩnh tâm suy nghĩ, lần giở đầu mối để xác định cho mình một quýêt định chính xác trước khi về nhà. Bắt đầu từ đâu nhỉ ?...Tháng 8 năm 1978 thành lập sư đoàn của quân khu 7 sang Căm-Pu-Chia chiến đấu . Tháng 1 năm 1979, một trận chiến đấu ở Krchel làm mình bị thương và bị lạc. Được đơn vị bạn cứu, đưa về bệnh viện . Điều trị khỏi vết thương lại bị sốt rét. Sốt tưởng không sống đươc. Đến khi cắt sốt lại bị liệt đôi chân. Hết viện này đền viện khác, thoát khỏi thần chết trở về đơn vị, thì sư đoàn đã chuyển qua Quân khu 9 từ lâu. Tâm được Quân khu đưa về làm đại đội phó trinh sát của một mặt trận. Thấm thoát gần hai năm trôi qua, Tâm không còn điều kiện ghi thư về nhà. Ngoài thời gian ốm đau nằm ở bệnh viện, phải giành giật sự sống hàng giờ, hàng phút, rồi đời thằng lính trinh sát phải sống chui lủi trong rừng, chủ yếu ở bên đất địch, thì làm sao còn gửi được cái thư về nước. Mặt khác, Tâm thấy mọi cái cũng đã ổn, bằng lòng và yên tâm với hậu phương. Lại nữa, đã lỡ cho lỡ một thể...Tâm cũng không ngờ, sau khi tìm kiếm một thời gian không thấy, đơn vị đã làm thủ tục báo tử Tâm gửi về gia đình trước khi sư đoàn rời địa bàn Quân khu 7 chuyển sang bổ sung cho chiền trưòng Quân khu bạn. Chắc là khi báo tử, mẹ đau khổ lắm... Bố Tâm hy sinh khi mẹ anh mới 23 tuổi . Mẹ chỉ có một mình Tâm. Tâm hiểu, anh là tất cả của đời mẹ. Mất Tâm là mẹ mất hết, đời mẹ chỉ còn là cái bóng, cái xác không hồn . Hai năm qua mẹ sống ra sao? Mẹ sống, mẹ chứng kiến người ta hạnh phúc... Ôi! mẹ hiền từ hãy tha thứ cho con, hãy tha thứ cho sự lơ đãng, bồng bột tuổi trẻ của con.
Hình ảnh người mẹ rất đỗi kính trọng, yêu thương, chịu đựng mất mát suốt đời cứ xoáy vào trí não, khiến Tâm như quay cuồng. Nước mắt ứa ra lúc nào không biết, đến khi một giọt thấm vào miệng mằn mặn, Tâm mới chợt tỉnh, cảm nhận nỗi đắng cay như ngấm vào đường gân thớ thịt. Anh đứng dậy xốc ba-lô, miệng khẽ thốt “mẹ”...và anh bước dứt khoát để trở về nhà mình.
Người quân nhân chững trạc, da xạm nắng, khuôn mặt từng trải buông cái bay trong chậu vữa, đứng dậy nhìn Tâm, sựng đi giây lát, rồi điềm tĩnh nói:
- Anh Tâm phải không? Anh vào nhà đi.
Tâm bước vào nhà. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt làm Tâm choáng váng: một bàn thờ trang nghiêm với bức chân dung Tâm viền đen cỡ 18x24 đặt trang trọng ở giữa, khói hương như một làn mây trắng phủ ngát tấm hình. Chỗ này, trước đây anh treo tấm ảnh anh và Mận chụp chung ngày cưới. Mận ngả đầu vào ngực anh cười âu yếm, thì nay không còn nữa, người ta đã chuyển sang thế giới bên kia rồi.
Tâm chưa bao giờ chứng kiến cảnh người ta thờ mình như thế này.Sao mà ghê gớm và bi thương...Bị bất ngờ về tâm thế, Tâm đứng ngây như người mộng du. Tâm muốn khóc nhưng không ra lời, con tim anh như có bàn tay ai bóp nghẹt.
Người quân nhân đỡ Tâm ngồi xuống ghế, lấy nước cho anh uống. Thái độ bình tĩnh, ân cần của anh ta phần nào làm Tâm thăng bằng trở lại. Tâm hỏi:
- Mẹ tôi đâu?
- Mẹ và cô Mận đi giỗ bên ngoại, tối mới về, anh Tâm ạ.
Bây giờ thì Tâm và anh ta ngồi đối diện với nhau. Họ nhìn nhau, rồi lại lảng tránh ánh mắt nhau. Họ đang phán xét nhau, rồi lại nghĩ về mình. Ở đâu đó như vang lên câu hỏi: “ai là chủ ngôi nhà này?”.Im lặng một lúc, người quân nhân cất lời:
- Tôi là Đức... chắc anh Tâm đã biết...
Tâm hơi gật đầu, mím môi như sợ phải bật ra lời không đúng lúc. Đức rủ rỉ kể:
- Quê gốc tôi ở Nam Hà... cha tôi ngày trước cũng là bộ đội. Khi rời quân ngũ ông đưa mẹ tôi lên định cư ở Điện Biên từ những năm 60. Bây giờ ông bà đều mất cả rồi.Tôi có vợ và một cháu gái nhỏ. Họ đều bị giết chết trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vừa qua. Bà cụ nhà, tôi, cô Mận đều là những người mất mát, đơn côi nên nương tựa vào nhau để có gia đình.
Tâm hỏi:
- Anh vẫn còn trong quân ngũ ?
- Đơn vị đang chiến đấu ở Cao Bằng. Nhận được điện cụ ốm, tôi xin nghỉ tranh thủ. Nay cụ khỏi rồi, anh Tâm ạ.
Tâm muốn nói điều gì, nhưng không biết chọn lời nào cho phải. Đã vài lần anh định cất lời nhưng rồi lại lặng thinh ở tư thế chủ không ra chủ, khách không ra khách. Nhà mình đây, mà sao Tâm như vừa quen, vừa lạ. Bộ bàn ghế mình mua hồi cưới Mận mà sao như ai mới đặt vào.Anh bước lại nơi treo chiếc bằng tổ quốc ghi công. Đôi môi của Tâm mấp máy:
“ Liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm.
Quê quán...
Đã anh dũng hy sinh ở mặt trận phía tây nam của tổ quốc”.
Tâm bỗng nhận ra, tấm bằng- cái vạch khấc để phân định giữa dương gian và âm phủ. Nó là dấu ấn chiến tranh còn lại ở mỗi gia đình; tờ thông điệp báo cho mọi người biết đây là ngôi nhà mất nhiều máu và nước mẳt trong cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua của dân tộc.
Tâm ngậm ngùi, rớm nước mắt, tủi phận nhìn bát nhang với ba nén hương nhả những sợi khói ngoằn ngèo. Thế là họ đã tách anh khỏi dương gian, khỏi cái tổ ấm rất đỗi thân thương máu thịt này rồi.
- Chuyện đâu ta tính sau anh Tâm ạ- Đức nói - bây giờ anh nghỉ ngơi đi, tôi làm cơm đây. Ta sẽ liên hoan mừng anh sống sót trở về.
Đến tối bà Hằng và Mận vẫn chưa về, nên bữa cơm liên hoan chỉ có hai người đàn ông. Đức thắp chiếc đèn toạ đăng, rồi tiện tay dẹp luôn bàn thờ Tâm . Tâm bảo:
- Cứ để đó, anh Đức ạ, mai hẵng hay. Nhỡ tôi không phải Tâm thật thì sao.
Đức làm xong công việc, trở lại nâng chén cùng Tâm. Chừng nửa tiếng sau, hai người đã ngất ngưởng say. Tâm ôm vai Đức giọng đã lè nhè. Họ kể cho nhau nghe những trận chiến đấu họ đã tham gia ở hai mặt trận; những kỷ niệm không thể nào quên trong những ngày hành quân đánh gịăc. Không biết vì ngấm men, hay ngấm tình người mà xem ra hai người tâm đắc lắm. Trong căn nhà, khi thì bùng lên tiếng cười vô tư, khi thì im bặt lặng ngắt. Họ chợt cười, chợt lặng.
Khoảng tám giờ tối bà Hằng và Mận về. Vừa bước vào sân, bà Hằng chợt như có luồng điện chạy qua tim, đôi chân bà như tê đi, hai cánh tay đưa ra phía trước rồi như cứng lại, mười ngón tay khẳng khiu run lẩy bẩy, khuôn mặt đờ đẫn. Bà chỉ kịp thốt lên một tiếng “con!”, rồi đổ vào vòng tay Mận, nhưng đôi tay vẫn đưa ra phía trước như muốn nắm lấy báu vật bị mất từ lâu, nay thoáng nhìn thấy được. Sự chấn động mạnh thần kinh gây căng cứng của các cơ đã làm bà kiệt sức, khuỵu xuống sau những cố gắng đột ngột. Còn Mận, cô muốn chạy vào buồng vùi đầu xuống gối để khóc, để rủa mình, để trốn chạy, nhưng vì còn bà Hằng nên cô phải kìm nén, cố sức dìu mẹ vào nhà.
Tâm và Đức, mặc dù đã được chuẩn bị tâm thế từ trước, nhưng sự xuất hiện đột ngột của bà Hằng và Mận, lại ở tư thế dìu níu nhau, nên hai chén rượu trên tay hai người đang cụng bỗng tuột, rơi xuống mâm vỡ đánh “ choang”. Đức và Tâm cũng nhảy suống đất, lao đến đỡ lấy bà Hằng. Hai bàn tay khô đét của bà Hằng ôm ghì lấy hai mái đầu của hai người lính như sợ kẻ khác giằng cướp mất. Chỉ chờ có thế, Mận buông mẹ lặn vào buồng. Cô vùi đầu xuống để nước mắt chan xuống chiếu. Khuôn mặt thanh tú của cô cứ vật vã như ăn vạ với chiếc gối mềm. Cô khóc vì vui, hay khóc vì buồn? cô cũng không biết nữa. Cô được hay mất? nào cô có hay. Cô nhớ lại, cô và Tâm yêu nhau từ ngày còn đi học. Tình yêu của họ gắn liền với trang sách học trò. Hết cấp ba, Tâm đi bộ đội, Mận ở lại làm “ cô gái đảm hậu phương”. Hai năm sau họ làm lễ cưới. Đám cưới hầu như có mặt đủ cả lớp. Mười lăm ngày họ quấn quyện bên nhau như vừa tìm thấy nhau sau một trăm năm bị mất; họ tan vào nhau làm một. Ở họ chưa bao giờ có khái niện “mất” hoặc “chia cắt”. Đùng một cái, tin Tâm hy sinh làm cô sững sờ, không thể tin đó là sự thật. Cô suy sụp tinh thần đến ghê gớm. May thay, trời ban cho cô một điểm tựa vững chắc và tin cậy đó là bà Hằng. Bà chăm chút cô, cuốn cô vào công tác xã hội. Sau một chuyến đi thăm và tặng quà các chiến sỹ ở biên giới cùng bà Hằng, Mận đã tìm được cái mảnh vỡ bên kia-đó là Đức. Cảm nhận cảnh goá bụa đời mình, bà Hằng vun vén, đôn đốc và đứng ra tổ chức đám cưới cho họ . Gần một năm trôi qua, tưởng rằng an phận với sự hàn gắn này, nào ngờ có ngày hôm nay. Tâm còn sống trở về...
Khi bà Hằng đã nắm giữ được hai mái đầu của hai người lính trong khuôn ngực gầy tóp của mình thì bỗng dưng tỉnh hẳn. Cuộc đời đau khổ đã hơn một lần trải qua những cú sốc tương tự, thành ra bà cũng không phải không có kinh nghiệm làm chủ tâm lý, ít ra cũng không để kéo dài trạng thái.
Bà tĩnh tâm ngay lại. Với tác phong còn nhanh nhẹn của tuổi hơn 50, bà tuyên bố:
- Ta vào mâm liên hoan mừng thằng Tâm trở về, mừng cả nhà xum họp. Nào, các con. Mận ơi, con ơi.
Mận lau nước mắt, thưa mẹ, rồi lặng lẽ sắp lại mâm cơm.
Bữa cơm cũng kết thúc chóng vánh, ấm trà được bày ra. Đức tỉnh táo vào đề ngay:
- Mẹ và vợ chồng em rất vui mừng khi anh Tâm còn sống trở về... Nhưng đứng trước thực trạng mối quan hệ gia đình, cả nhà ta cần phải giải quyết cho hợp tình, hợp lý.
Đôi môi Tâm chợt mím lại trong chén nước đang nghiêng ở miệng. Từ “ vợ chồng em” phát ra nơi miệng Đức như một lưới lam tách bóc Tâm ra khỏi tổ ấm vốn dĩ của mình; bứt mất Mận của anh. Làn khói của chén trà nóng xông vào mũi, nước mắt Tâm như muốn trào ra, cảm giác tủi tủi váng vất trong đầu.Nhưng liền đó cái bản lĩnh đàn ông trỗi dậy, kết hợp với tâm thế người lính chiến, tạo cho Tâm hành động vừa quyết đoán, vừa cao thượng. Tâm tợp gọn ngụm trà, đặt chén dứt khoát xuống bàn nói:
- Không việc gì phải “ giải quyết” anh Đức ạ. Theo tôi, chúng ta không nên thay đổi hiện trạng.
- Nhưng mà- Đức ngẩng lên phản ứng-một hiện trạng không hợp lý.
-Tâm nhìn thẳng vào mắt Đức triết lý:
- Chiến tranh đã tạo ra nhiều điều vô lý và ngược lại.
- Như vậy ... chúng ta phải chấp nhận cái hợp lý do chiến tranh tạo ra từ cái vô lý ?
- Có những cái cũng cần như vậy nó tốt hơn, anh Đức ạ.
Mặc dù cuộc đời bà Hằng đã từng trải qua những tấn kịch bi phẫn nhưng chưa bao giờ chứng kiến tình huống phức tạp này. Nó vừa bi, vừa hùng, vừa hài, vừa phẫn; nó vượt quá nhận thức của bà làm bà khó xử. Bà không nỡ bứt đôi trẻ vốn là nạn nhân của chiến tranh, họ thương đau, mất mát tìm đến nhau, hàn gắn cho nhau đang an phận để bù đắp lại mất mát cho con đẻ mình. Nhưng bà cũng không thể can ngăn con mình khi nó từ chối trở lại với Mận. Trước mắt bà, dưới ánh đèn dầu bây giờ là hai người đàn ông- hai người lính nhường vợ cho nhau. Nhưng dẫu gì, chúng nó cũng không có quyền xúc phạm lòng tự nguyện của Mận. Nó là con dâu bà, nó cũng là con gái bà và về phương diện nào đấy, nó chính là bà. Điều này đã được khẳng định qua mấy năm trời Mận chia cay, sẻ ngọt với bà.
Hai người đàn ông thoả thuận không xong, cuối cùng họ thống nhất để hỏi ý kiến Mận. đến đây, bà Hằng nhả bã trầu lên tiếng:
- Các con ạ. Các con đêù là những chàng trai xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Không ai có thể tưước mất cái quyền ấy của các con. Nhưng ở đây, trong trường hợp này mẹ chỉ xin góp ý với các con là không nên hỏi ý kiến cái Mận. Là đàn bà, mẹ hiểu lòng Mận hơn các con. Hỏi nó, các con sẽ không nhận được câu trả lời mà các con mong muốn đâu. Theo mẹ... trước mắt ta cứ giữ nguyên thế này, rồi ra...
Đức như đỉa phải vôi:
- Không được đâu mẹ ơi. Sống với Mận con biết tình nghĩa của anh Tâm với Mận sâu nặng như thế nào.
Câu chuyện phải chấm dứt ở đây vì bà con trong xóm sang chơi thăm Tâm. Họ vui vẻ chúc tụng, khen Tâm béo khỏe, chỉ có điều tóc hơi dài, môi hơi thâm nên nhìn có già đi một ít .Họ hỏi Tâm làm sao lại " chết"?" Vậy mà, hai năm qua rằm, mồng một nào tao cũng thắp hương khấn mày phù hộ cho tao tai quan nạn khỏi, ăn nên làm ra... té ra mày cũng chết dở, sống dở với đời lính trinh sát của mày". Không ai nỡ chạm đến cái điều phức tạp đang bày ra. Ai cũng thấy vắng Mận, nhưng không ai dám hỏi rằng cô âý đi đâu? Họ chuyển sang chuyện đồng áng, chuyện bọn trấn lột ở đâu đó.v.v... rồi cáo lui về đi ngủ.
Đêm ấy, Đức ý tứ nằm lại gi¬ường ngoài với Tâm. Bà Hằng vào buồng nằm với Mận. Suốt đêm, cả nhà không ai trở mình hoặc dậy. Nhưng sự thật thì cả đêm không ai chợp mắt.
Mận dậy trước nấu nướng chuẩn bị bữa sáng. Tiếp đó là bà Hằng dậy cho lợn, gà ăn. Đức và Tâm vẫn ngủ, họ ngáy đều, nhưng tai vẫn lắng nghe từng tiếng động trong nhà. Mọi ngày, giờ này Đức đã dậy tập thể dục, làm lụng một số việc buổi sáng theo thói quen của mình. Nhưng hôm nay anh ngại, vì như vậy vô tình đẩy Tâm thành vị khách và khẳng định vai chủ của mình, hơn nữa Mận cũng đã dậy rồi, Đức cũng dậy nữa thì Tâm sẽ nghĩ sao? Vì vậy anh cố nằm giả vờ ngủ chờ cho Tâm dậy tr¬ước.
Còn Tâm, mặc dù đi đ¬ường xa rất mệt, nhưng cả đêm anh có ngủ chút nào đâu. Hoàn cảnh đặc biệt đẩy anh đến trạng thái thần kinh mất thăng bằng, gây căng cứng trí não. Dù vậy, Tâm cũng cố nằm đóng vai vị khách. Nỗi khát khao vợ chồng gần nhau, được áp vào khuôn mặt xinh đẹp của vợ giờ đã nhường lại cho ý tưởng vô định trong Tâm. Anh không thể dậy sớm khi Mận đã dậy mà Đức còn nằm đây. Anh cố gắng không làm một cử động nào, khiến cuộc sống của Đức và Mận bị xáo động...
Những công việc sáng sớm của người phụ nữ trong gia đình đã xong, Mận mang ghế ra thềm ngồi chải tóc. Mớ tóc dài, đen mượt xòa phủ kín khuôn mặt đang lúng túng của cô. Bà Hằng bước lại gần Mận, hai tay chống đầu gối khó nhọc ngồi xuống:
- Này, con... - bà Hằng cất tiếng.
Hai ngón tay Mận rẽ đôi mớ tóc, khuôn mặt trắng trẻo ló ra, cô khẽ " Dạ".
Bà Hằng ngập ngừng:
- Con tính sao... Mận?
Mận cầm lược đưa lên đầu chải xòa đường ngôi danh giới giữa hai mớ tóc. Khi khuôn mặt cô đã đ¬ược giấu kín sau bức mành bằng tóc thì ở đấy cũng phát ra âm thanh yếu ớt:
- Con... cũng không biết nữa...
Cả hai mẹ con im lặng, lát sau bà Hằng chống gối mệt mỏi đứng dậy nhìn vào nhà. Chúng nó vẫn chưa dậy.
Mận ngồi chải tóc để che đi cái ngổn ngang của lòng dạ. Cô không dám nghĩ sẽ trở lại với Tâm hay vẫn ở vậy với Đức. Nghĩ cách nào cô cũng cảm thấy xấu hổ, không phải với phận mình và có lỗi. Nhiều khi nhát lược đang chải bỗng ngưng lại giữa mái đầu.
Và rồi cái buổi sáng khó xử ấy cũng chấm dứt bằng tiếng kêu của chiếc ống bơ đong gạo mà bà Hằng để rớt. Thời cơ để Đức và Tâm bật dậy giải tỏa sự kìm nén.
Cơm sáng xong, Tâm xin phép gia đình đi chơi thăm bà con xóm giềng, như¬ng mặt khác là anh cố gắng không xâm phạm đến cuộc sống tự do của Đức và Mận. Tâm nghĩ, anh sẽ không để một phút nào chỉ có anh và Mận bên nhau. Chỉ có làm như¬ vậy thì Đức và Mận mới an phận được.
Tâm còn đang chuẩn bị, thì Đức đã đi ra ngõ. Đức nghĩ anh không thể ở nhà cùng Mận khi Tâm không có mặt. Làm như vậy là nhẫn tâm, là xúc phạm đến hạnh phúc của Tâm. Nhà của Tâm, vợ của Tâm, Tâm xứng đáng được hưởng hạnh phúc với người vợ xinh đẹp, nết na. Đức cảm thấy mình không còn lý do gì để nấn ná lại ngôi nhà này nữa. Nhưng chả lẽ, Đức lại ra đi về đơn vị ngay. Tâm có đi đâu thì trưa cũng phải về. Nào ngờ chạng vạng tối, Đức về đến đầu ngõ thì cũng gặp Tâm về đến đó.
Tấn bi kịch diễn ra trong mái ấm nhỏ nhoi này được một tuần thì Đức hết phép phải trở lại đơn vị. Bất ngờ trước thực trạng, Tâm phản ứng bằng cách níu giữ Đức ở nhà thêm một vài ngày nữa, nhưng Đức một mực nhất quyết ra đi với lý do là đã hết phép mà đơn vị đang làm nhiệm vụ chiến đấu.
Đức ra đi buổi sáng thì buổi tối Tâm bắt được thư Đức để lại đầu giường. Đọc xong thư,Tâm lẳng lặng sắp ba lô rồi xin phép mẹ sáng mai cho anh lên đường tìm đơn vị Đức có việc gấp.
Tiễn Tâm đi rồi, Mận lui vào giờng ép vầng trăng xuống gối để vắt nước mắt.
Bà Hằng lặng lẽ đến bên Mận nói:
- Cứ để chúng đi , rồi chúng lại về con ạ.
Nhưng rồi, họ đi mãi chưa thấy họ về. Ngôi nhà còn lại hai bóng người đàn bà đơn chiếc như nó vốn có.
Một năm trôi qua, hai người đàn bà đã như lửa đốt thành than. Họ né tránh không dám đụng vào lòng nhau. Họ hiểu, chỉ cần một sơ xuất là có thể họ tan ra, òa vào nhau rồi biến thành nước mắt hết. Mận âm thầm duy trì một ngọn lửa chờ một người, chỉ một người thôi. Nhưng cô không nỡ nói ra sợ phạm tội với người khác. Đã bao lần cô định cầm bút để có cánh thư bay đi trao gửi mong nhớ của lòng, nhưng cô sợ có lỗi với một người. Vả lại, Tâm không để lại địa chỉ.
Rồi một hôm không thể kìm được nữa, Mận đến bên giường bà Hằng khẽ khàng run run nói:
- Mẹ ơi, không ai trở về...
Chỉ chờ có thế, sự kiên nhẫn của bà Hằng được cớ bỏ cuộc. Bà ôm choàng lấy Mận. Hai người đàn bà tan vào nhau, tắm nước mắt cho nhau.
- Con hãy viết thư cho chúng nó - Bà Hằng nói sau khi buông Mận.
-Nhưng... (cô định nói chỉ có địa chỉ của Đức thôi).
- Đứa nào cũng được... chỉ cần có tin của chúng nó.
Tất cả mọi cố gắng của mẹ con bà Hằng đều vô ích.
***
Hơn một năm sau khi Tâm và Đức ra đi, gia đình bà Hằng nhận được tin Đức hy sinh ở mặt trận phía Bắc của Tổ quốc. Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân tổ chức lễ truy điệu Đức ngay tại gia đình bà Hằng. Bà Hằng đón nhận cái lễ báo tử đến bàng hoàng. Quấn vòng khăn trắng lên đầu mình và đầu con dâu, bà đau đớn nghĩ:" có ở đâu trên thế gian này... người phụ nữ chưa kịp làm mẹ thì đã phải hai lần đội tang chồng?" Nghĩ đến Đức, bà thương nó quá. Nó mất hết trong cuộc chiến tranh. Tìm được Mận chúng nó gá lắp vào nhau, nương tựa với bà đề có một gia đình, một tổ ấm, một quê hương mà tiếp tục chiến đấu. Thôi, cũng may nó còn địa chỉ này để báo tử. Bà bỗng nghẹn lại, một âm thanh vang lên trong tim. Bà nguyện ghi nhận hình ảnh Đức vào bia lòng- nó sẽ là con đẻ của bà mãi mãi. Trời còn cho bà khỏe mạnh, bà sẽ đưa hài cốt của Đức về đây để nó nằm trong vòng tay ấm của gia đình.
Lễ báo tử Đức được một tuần, một buổi sáng có anh bộ đội đi xe đạp đèo chiếc ba - lô hỏi thăm vào nhà bà Hằng. Trẻ con kháo nhau, anh Tâm về rồi, giờ thì chị Mận yên tâm nhá. Lại có người nói, khéo thằng Đức lù lù về cũng nên, chiến tranh nó buồn cười vậy đấy.
Nhưng anh bộ đội đó không phaỉ là Đức, cũng không phải là Tâm. Bà Hằng ngừng nhai trầu. Còn Mận hồi hộp đưa mắt nhanh sang bà Hằng, rồi nhìn anh bộ đội chờ đợi.
Anh lính chào và gọi đúng tên hai mẹ con bà Hằng. Anh gỡ chiếc ba- lô trên xe bước vào nhà. Nhìn thấy chiếc bàn thờ nhỏ, khói hương nghi ngút, một tấm bằng Tổ quốc Ghi công đặt sâu bên trong, người lính hốt hoảng hỏi:
- Thế ra họ báo tử rồi, hả mẹ?
- Báo tử một tuần nay rồi, anh ạ- bà Hằng buồn rầu trả lời.
Người lính giãi bày:
- Con cùng đơn vị, lại cùng tỉnh với anh ấy, nên các thủ trưởng cho con được phép mang di vật của anh ấy về trao tận tay mẹ.
Bà Hằng buồn rầu nói mà mắt vẫn nhìn ra nơi vô định:
- Con hãy kể cho mẹ và em nó đây nghe... lúc hy sinh nó có dặn gì không?
Người lính uống ngụm trà nóng rồi buồn rầu nói:
- Anh ấy hy sinh trong một trận chiến đấu truy quét bọ tàn quân Pôn Pốt ở mặt trận Bát-Đom - Boong…
Bà Hằng ngắt lời:
- Hả! con bảo sao? Đứa nào ở Bát- Đom-Boong?
- Ấy là con nói, anh Tâm ấy. Anh Tâm hy sinh ở Bát- Đom-Boong ngày...
- Trời!
Bà Hằng hét lên như tiếng kêu của quả chuông bị đứt dây, rớt xuống. Cùng với tiếng thét động trời, bà vụt đứng dậy, hai tay bà đưa ra phía trước như níu bắt báu vật của mình vừa bị kẻ cắp lấy đi. Dáng gầy đét nghiêng nghiêng của bà như¬ cái dấu chấm than buông giữa trời...
B.T.M