Nguyễn Viết Lệ
LỜI RU CỦA MẸ
(Tiến tới Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ)
Sau một giấc ngủ dài, Liên tỉnh giấc nằm lắng nghe những âm thanh bên ngoài. Hơi thở của mùa Xuân đã về, tiết trời ấm áp hơn. Tiếng côn trùng đua nhau rỉ rả, tiếng mưa rơi lắc thắc trên nhũng tàu tiêu… chợt từ đâu đó vẳng lại: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh / Ai lên phố Lạng cùng anh / Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”. Tiếng ai ru con ngọt ngào đến thế! Trong sâu thẳm Liên nghĩ tới mẹ. Cũng những câu hát ru ấy, mẹ đã đưa Liên vào giấc ngủ êm đềm từ thuở còn nằm nôi cho đến khi trở thành người con gái…
Mẹ Liên là cô giáo dạy cấp một trường làng. Mẹ rất hiền, không đẹp nhưng nhiều người khen là phúc hậu. Liên được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương, dạy dỗ của mẹ. Anh trai Liên đang học năm thứ tư Đại học y Hà Nội. Còn Liên học xong phổ thông, thi vào Học viện quân sự không đỗ. Nhưng có sự ưu tiên gia đình: bố Liên là liệt sỹ, hy sinh thời kỳ chống Mỹ ở chiến trường Mìền Nam nên Liên được gọi vào học hệ Cao đẳng thông tin của quân đội. Sau ba năm học, tốt nghiệp vào loại giỏi khoa vô tuyến, Liên được điều về phục vụ cho ban chỉ huy C24 thuộc tiểu đoàn 32, sư 355 quân khu Tây Bắc.
Cùng thời gian đó, không hiểu nguyên nhân từ đâu mà bọn giặc bên kia biên giới ồ ạt kéo quân sang đánh phá miền Bắc. Chúng ngang nhiên tuyên bố: “Dạy cho Việt Nam một bài học…!”. Nửa đêm đánh úp bệnh viện Mường Khương, sát hại một số bệnh nhân rồi chọc sâu đến Lào Cai, Phố Mới… phương châm của chúng là “lấy thịt đè người, mũi nhọn khoan sâu!”.
Lúc đầu bị bất ngờ nên hơi lúng túng. Nhưng sau đó ta lấy lại được cân bằng, rồi chuyển sang thế chủ động. Trận ở Bản Lầu, Bến Đền, cầu Làng Giàng xảy ra rất ác liệt, giành nhau từng tấc đát. Trong khi đang làm nhiệm vụ thông tin liên lạc với ban chỉ huy Quân khu thì Liên bị một mảnh pháo găm vào phía sau lưng. Liên ngất đi và không hiểu chiến sự xảy ra như thế nào nữa…
Đến lúc tỉnh lại Liên mới biết mình đang nằm ở Bệnh xá Dốc Đỏ cách mặt trận khá xa.
Sau một tuần điều trị, vết thương không còn đe dọa đến tính mạng nữa. Nhưng một lần Liên nghe được các Bác sỹ trao đổi với nhau: “Vết thương chạm vào dây thần kinh tủy sống, phải chuyển về tuyến sau mới đủ điều kiện phẫu thuật”. Liên rất buồn, ý thức được rằng có lẽ rồi đây mình sẽ bị tàn phế!
Cùng thời gian đó, anh trai Liên tốt nghiệp trường Y, được điều về bệnh viện tỉnh nhà, làm bên khoa nội. Bà giáo Hạnh (mẹ của Liên) cũng vừa nhận sổ hưu.
Vào những ngày cuối năm, bà con hàng xóm nhộn nhịp chuẩn bị đón tết. Riêng bà Hạnh chưa sắm sửa gì. Bà nghĩ lẩn thẩn: “Nhà có ba mẹ con, mỗi người một nơi. Ừ, thằng Hải thể nào nó cũng về nhưng còn con Liên từ khi mặt trận phía Bắc ngừng chiến đã gần một năm rồi mà chả có tin tức gì. Nói dại nhỡ nó…! Không, không thể thế được. Nếu làm sao thì họ phải báo tin cho gia đình biết chứ”. Bà tự an ủi vậy nhưng trong lòng vẫn lo lo, cảm thấy trống trải.
- Mẹ ơi!
Tiếng Hải từ ngoài cổng gọi vào cắt ngang suy nghĩ của bà giáo. Đằng sau chiếc xe đạp, Hải buộc lỉnh kỉnh những túi, những hộp…, vừa vào đến cửa nhà anh đã nói: “Mẹ mua sắm gì chưa? Đây là hàng tết cơ quan con phân phối đấy, ít nhưng cũng đủ thứ. À mà lúc đi ngang chợ tiện thể con mua lá dong và lạt dang nữa mẹ ạ”.
- Ờ! Thế thì tốt, mẹ chưa sắm sửa gì đâu.
- Kìa! Sao mẹ lại khóc?
- Mẹ nhớ con Liên quá Hải ạ!
Trong mấy ngày tết anh em họ hàng, làng xóm đến mừng tuổi mẹ con bà giáo rất đông. Tuy nhiên bà vẫn thấy buồn và trống vắng.
Tối hôm mồng hai bà bảo Hải: “Gần một năm nay chẳng có tin tức gì về em Liên. Con phải đi hỏi xem sự thể thế nào? Mẹ thấy sốt ruột quá!”. “Mẹ ạ, con cũng nhớ em lắm. Vừa rồi con có nghĩ tới điều rủi ro… nên đã đến các bệnh viện vùng xuôi nhưng đều không có. Con định kỳ nghỉ phép này sẽ lên một số bệnh viện phía Bắc xem sao”. “Ừ, con nghĩ được thế là phải. Mẹ chỉ còn trông cậy vào con!”. *
Chiều mồng 4 tết, Hải lên chuyến tàu ngược Lào Cai. Anh ngồi cùng ghế với một cô gái trẻ. Tàu chạy đến quãng đường cong, ánh nắng chiếu qua kính cửa sổ làm cho cả toa tầu sáng rực. Ánh nắng nhảy múa lung linh tôn thêm vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt trái xoan của cô gái: “Quả là xinh thật!”. Linh tính như mách bảo, Hải gợi chuyện:
- Này cô gái! Cô đi Lào Cai hay xuống ga nào đấy?
- Không, em xuống ở một ga xép thôi.
- Chắc là cô về quê ăn tết lên? Cô dạy học trên đó à?
Cô gái nhìn Hải mỉm cười:
- Anh hơi tò mò đấy! Anh thấy em giống cô giáo à?
- Là tôi đoán vậy thôi!
- Anh đoán chỉ được một nửa. Em về quê ăn tết lên. Em là nhân viên phục vụ ở K100, trại điều dưỡng thương binh. Còn anh về đâu?
Nghe cô gái nói, tự nhiên trong óc Hải lóe lên ý nghĩ: “Biết đâu đây là một dịp may…”. Anh ngồi xoay hẳn người lại, nhìn thẳng vào đôi mắt của cô gái. Anh kể mục đích của chuyến đi rồi anh hỏi với một giọng khẩn khoản: “Thế số thương binh nữ ở K100 có ai tên là Liên không cô?”.
Cô gái hơi chau mày: “Đúng ra không được tiết lộ, tuy nhiên với hoàn cảnh của anh thì em thông cảm. Em là y tá phục vụ cho số nữ thương binh ở đó nhưng không có ai tên Liên. Chỉ có một cô là Li mới hai mươi mốt tuổi đẹp lắm, quê ở Vĩnh Phú. Cô ấy có đề nghị với lãnh đạo trại Điều dưỡng đừng cho gia đình biết vội. Em có động viên nên viết thư về nhà nhưng cô ấy cũng từ chối”.
Nghe cô gái nói, Hải nhẩm tính: “Quê và tuổi thì đúng rồi. Em anh nó cũng rất đẹp… nhưng mà tên Li thì không phải!”. Anh vội hỏi:
- Liệu có sự nhầm lẫn nào không cô?
- Cũng không biết nữa, em nghĩ anh nên vào Trại xem sao. Vì em thấy Li có những nét hơi giống anh!
Cho là phải, Hải cùng với cô gái xuống một ga xép. Đến khoảng 7giờ tối thì đến K100. Trại điều dưỡng này được xây dựng trên khoảng đất rộng bằng phẳng, cách khu dân cư và đường quốc lộ khá xa. Ánh điện sáng trưng, không gian thật yên tĩnh. Nhà cửa thiết kế theo kiểu cấp 4 nhưng rất bề thế khang trang.
Theo sự hướng dẫn của cô gái, Hải nghỉ chân ở phòng khách một lúc rồi đến gặp văn phòng thường trực, được đồng chí trực ban đưa đi gặp lãnh đạo trại. Sau khi xem giấy tờ, đồng chí Trại trưởng niềm nở nói: “Anh cứ yên tâm nghỉ ngơi. Sáng mai giao ban xong sẽ có người hướng dẫn…”
Nhà khách còn có mấy người ở mạn ngược cũng về thăm người thân. Họ chuyện trò với nhau khá cởi mở.
Đêm đã trở về khuya, Hải không ngủ được. Anh trăn trở: nếu sáng mai đến thăm không phải em mình thì rất buồn. Tuy nhiên anh lại hy vọng … cũng có thể lắm! Hồ sơ quân nhân không thể sai tên được nhưng trong khi ghi bệnh án điều trị, mấy ông bác sỹ chữ viết hơi khó đọc. Biết đâu tên “Liên” viết láu quá bỏ mất vần “ên” nên cô y tá đọc là “Li”. Giả thiết đúng như vậy thì may cho anh vô cùng!
Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ có ba nhân viên hướng dẫn khách. Cô y tá hôm trước gặp Hải: “Em tên là Xuân. Nào anh đi theo em…!”.
Cô y tá đưa anh sang dãy nhà bên phải, đến phòng số 6 thì dừng lại và bảo: “Anh đợi ngoài này, lúc nào em gọi anh hãy vào!” rồi cô gõ cửa:
- Li ơi! Chị Xuân đến làm thuốc cho em đây, chị vào nhé!
Từ trong phòng có tiếng đáp lại nhỏ nhẹ:
- Em dậy rồi chị ạ.
Hải hồi hộp quá, đứng ở ngoài cửa nhìn vào: căn phòng rộng chừng hơn chục mét vuông tường quét vôi màu xanh nhạt. Tất cả từ cái tủ đựng đồ dùng cá nhân, chiếc rèm cửa sổ, chiếc ga trải giường…đều trắng tinh sạch sẽ. Tiếng Xuân nói thật dịu dàng:
- Li ơi! Đêm qua em ngủ có ngon không? Ừ thế thì tốt. Bây giờ em uống thuốc nhé! Nào…nào, tốt lắm. Dạo này em rạng rỡ hơn nhiều. Em rất đẹp Li ạ!
- Chị cứ động viên, em xấu hổ lắm.
- Chị nói thật đấy! À này, hôm nay em có khách dưới quê lên thăm đấy.
- Không, em không có khách quen nào cả. Chị bảo người ta đừng đến!
Hải lắng nghe những lời đối thoại của hai chị em. Anh biết chắc chắn người thương binh là Liên, em gái anh. Không thể chờ đợi được nữa vội bước vào phòng, anh xúc động nói:
- Liên ơi! Anh Hải của em đây mà.
Liên nhìn qua một lượt rồi quay mặt đi, nói qua hơi thở:
- Không, tôi không phải là Liên, cũng chẳng quen ai cả!
Tuy trả lời vậy nhưng trên khuôn mặt xinh đẹp của Liên giàn giụa hai hàng nước mắt. Cô Xuân lấy chiếc khăn bông lau nước mắt cho Liên và nói:
- Thôi nào! Đừng thế nữa, em có biết anh Hải đã tìm em bao nhiêu bệnh xá, bao nhiêu trạm điều dưỡng không? Lần này thật may mắn.
Hải nói thêm: “Anh hiểu em không muốn báo tin cho gia đình vì thương mẹ, thương anh nhưng như vậy là không phải. Em có biết mẹ ngày đêm thương nhớ mong ngóng em đến mức nào…”
Bỗng cô y tá Xuân xua tay, nhìn Hải rồi nói: “Chẳng ai có lỗi đâu do chiến tranh cả thôi! Gặp nhau phải vui mừng lên chứ! Bây giờ hai người cứ chuyện trò nhé! Em phải sang phòng khác làm thuốc cho bệnh nhân đây”.
Gặp được em gái, Hải mừng lắm. Suốt buổi sáng hôm đó, anh kể rất nhiều chuyện… Liên nghe hiểu hết sự tình, biết được những đổi mới của quê hương, cô cảm thấy vui vui phần nào bớt đi mặc cảm!
Sau một ngày thăm em ở trại điều dưỡng, Hải chia tay với mọi người rồi trở ra ga xuôi chuyến tàu đêm. Đi đường dài hành khách có vẻ mỏi mệt nên phần lớn họ chập chờn trong giấc ngủ. Còn Hải vẫn thức, anh nghe những âm thanh “rầm rầm, ken két” của bánh sắt nghiến trên đường ray… một bóng đèn nhỏ vàng nhạt gắn trên trần toa cứ chấp chới, lắc lư như trêu ngươi, như thách thức một điều gì đó! Anh mệt mỏi nhắm mắt lại và cũng dần dần chìm vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ…
Hải xuống sân ga Phú Thọ vào lúc trời sáng rõ. Khi về đến nhà thấy cánh cửa khép hờ, Hải gọi nhưng không thấy mẹ đâu. Anh quăng túi hành lý vào góc một chiếc ghế, lăn ra giường ngủ mê mệt cho đến lúc nghe tiếng gọi: “Trưa rồi, dậy ăn cơm thôi con!”. Hải vục dậy, thấy mắt mẹ ngân ngấn nước. Anh thương mẹ quá!
Sau bữa cơm, Hải kể đầu đuôi chuyến đi tìm em cho mẹ nghe. Bà giáo Hạnh mừng mừng, tủi tủi. Bà là người có nghị lực đã từng phải gánh chịu bao vất vả, đau thương, mất mát của cuộc đời! Nhưng khi nghe kể đến đoạn Hải bảo sẽ đưa Liên về nhà chăm sóc thì Liên trả lời: “Anh Hải ạ, em không về! Đời mẹ đã khổ cực lắm rồi. Em không muốn làm mẹ khổ hơn nữa…” bà bật khóc. Nhìn nước mắt mẹ rơi, lòng Hải như bị xát muối…
- Mẹ ơi! Là em nó sợ mẹ vất vả nên nói thế, chứ chả có ý gì. Theo con biết nếu đón nó về gia đình chăm sóc thì nhà nước sẽ cấp kinh phí cho người phục vụ.
Nghe Hải nói, bỗng nhiên bà phát khùng:
- Giời ơi! Bây giờ khôn lớn rồi các anh, các chị nghĩ về tôi như thế à? Tôi có coi tiền bạc hơn người đâu. Tôi chỉ cần có mẹ, có con thôi!
Bà giáo không nói gì thêm, ngồi im như một pho tượng.
Một lúc sau, bà dịu giọng: “Hải ạ! Mẹ hiểu các con thương mẹ, không muốn mẹ thêm vất vả. Nhưng không thể thế được. Ngay trong thời gian nghỉ phép này con phải làm thế nào đón được em Liên về đây cho mẹ!”. Hải cười làm lành: “Vâng, mẹ yên tâm. Nhưng mà ngay ngày mai mẹ phải viết một giấy cam kết (có thị thực của chính quyền địa phương) là tự nguyện đón người thân về gia đình chăm sóc. Còn mọi thủ tục con lo. Con hứa sẽ đưa em Liên về cho mẹ!”.
Từ ngày đón được con gái về, bà giáo Hạnh rất vui vẻ. Trông bà rạng rỡ như trẻ ra mấy tuổi. Không khí gia đình ấm cúng hẳn lên. Một hôm Hải nói với bà:
- Mẹ ạ, con đã chuyển nơi làm việc rồi!
- Sao lại thế, ở đâu?
- Bệnh viện của huyện, cách nhà mình có hai cây số. Con xin về đấy cho tiện, hàng ngày hết ca trực, con sẽ về đỡ việc cho mẹ!
- Anh khéo tính nhỉ! Con Liên dạo này khá hơn rồi. Nó đã tự lật nghiêng người và có lúc còn tự ngồi lên được. Có gì nặng nhọc lắm. Chỉ cần anh thuốc men cho em nó là đủ. Cái quan trọng bây giờ là anh phải lo lấy vợ cho tôi nhờ!
- Vâng…! Con có anh bạn làm bên khoa ngoại, hướng dẫn con cách chỉnh hình cho bệnh nhân. Rồi đây con tập luyện thêm cho em, chắc chỉ một thời gian nữa sẽ ổn cả thôi.
Nửa năm sau, Liên được mẹ và anh chăm sóc nên sức khỏe hồi phục khá nhanh. Nếu chỉ nhìn gương mặt xinh đẹp, những đường cong nở nang của Liên thì không ai bảo là người bị tàn tật.
Liên tỏ ra rất có nghị lực. Hàng ngày chăm chỉ luyện tập tự đứng lên, lần từng bước theo tay vịn bằng cây tre buộc từ trong nhà ra tới ngoài sân. Tuy vậy tập đi khá vất vả, có nhiều khi nhắc được bước chân lên thì toàn thân run lên bần bật, buốt nhói tận tim…
Vào một ngày chủ nhật, Hải ở nhà trông em cho mẹ về bên ngoại ăn giỗ. Anh đã để cho Liên tập đi một mình, còn anh ra giếng tắm giặt. Lúc quay vào thì thấy Liên ngã bệt xuống đất, mồ hôi vã ra như tắm. Anh hoảng quá kêu lên: “Trời ơi! Làm sao thế này!”. Hải chạy vội lại đỡ em lên: “Rõ khổ, anh xin lỗi! Nào, anh cõng em vào trong nhà”.
Đặt em ngồi xưống giường, Hải mở hòm lấy bộ quần áo đưa cho em và bảo: “Thay đi! Để mồ hôi ngấm vào người khó chịu lắm”. Liên lắc đầu nói: “Em không thay, chờ mẹ về…”. Chợt Hải nghĩ ra: nó đã tự làm được đâu. Anh xuê xoa: “Vô tâm quá, để anh thay cho em nhé!”. Liên giẫy nảy: “Em không thay!”. Hải bật cười và nói: “Hiểu rồi! Bây giờ là con gái lớn mà. Này, em có nhớ ngày còn bé không? Em thường bắt anh làm ngựa cho em cưỡi rồi công kênh em lên cổ. Có lần em tè ướt cả vai anh, có sao đâu! Anh vẫn là anh trai, còn là thầy thuốc của em kia mà. Nào bệnh nhân phải nghe lời thầy thuốc chứ!”. Liên không nói gì, cũng không phản đối nữa, mặc cho nước mắt chảy ròng ròng xuống hai gò má…
Hải lấy khăn khô lau người, thay quần áo rồi lấy lược chải tóc cho em.
Bỗng nhiên Liên gục đầu vào vai anh, nói trong nước mắt: “Trời ơi! Sao ông trời không cho tôi chết đi. Tôi đã làm khổ cho mọi người quá rồi. Anh Hải ơi! Em có sống cũng bằng thừa, không thể báo hiếu được cho cha mẹ, cũng không trả nghĩa được cho anh…”. Hải không khóc nhưng nước mắt cứ trảo ra. Anh nắm chặt tay đứa em gái, nói vẻ cứng cỏi: “Này, em đã đọc Thép đã tôi…rồi đấy. Phải mạnh mẽ lên, phải có nghị lực chứ! Thương mẹ, thương anh thì đừng nghĩ quẩn. Thôi bây giờ em nằm nghỉ cho đỡ mệt. Anh đi thổi cơm đây, cũng trưa lắm rồi”.
Tối hôm đó Liên nằm nghiêng ôm lấy mẹ, thủ thỉ: “Mẹ ơi, mẹ hát ru cho con ngủ đi, hát những bài ngày xưa mẹ thường ru con ấy!”. Bà giáo Hạnh vỗ vỗ nhẹ vào lưng con gái:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…
Cái bống là cái bống bang/ Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ…
Bà hát hết bài này rồi tiếp đến bài khác. Tiếng ru của bà trong trẻo, ngọt ngào đã đưa Liên vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng.
*
Một năm nữa trôi qua. Được mẹ và anh trai hết lòng chăm sóc nên đôi chân của Liên cứng cáp dần, với đôi nạng đã đi lại được trong nhà. Những lúc chiều buông, Liên ngồi trên chiếc xe lăn dạo quanh ngõ xóm, Liên cảm thấy yêu đời hơn và nghĩ mình phải làm một việc gì đó có ích…để sau này không phải ân hận! Nhiều đêm trăn trở, biết bao vui buồn từ trong ký ức của Liên được hiện về. Những kỷ niệm trong trẻo của một thời áo trắng…. Đặc biệt là thời gian đóng quân ở vùng Tây Bắc: những cảnh núi rừng hùng vĩ, những con người chân chất dễ thương đã để lại cho Liên một ấn tượng tốt đẹp. Tất cả những hình ảnh đó đã gieo vào tâm hồn Liên tạo nên một cảm xúc đến lạ lùng! Thế là Liên tập viết thơ văn…
Khi bắt tay vào việc, Liên mới hiểu lời nói của ai đó: “Muốn bài thơ, bài văn được độc giả chấp nhận thì người viết trước hết phải có vốn sống, phải lao động cực nhọc, chắt lọc trong kho từ vựng, phải biết sử dụng những lời nói bình thường trở thành ngôn ngữ nghệ thuật…”. Quả là đúng vậy! Lúc đầu viết bài Liên thấy chật vật quá. Sửa chữa, gạch xoá mãi nhưng đến khi đọc lại vẫn chẳng ra làm sao! Liên nản chí và buông bút.
Bà giáo Hạnh biết việc làm của con gái là chính đáng, thích hợp nên bà đã tìm cách động viên, khuyến khích…
Được mẹ tiếp thêm sức, một lần nữa vượt lên chính mình Liên lại tiếp tục viết. Cuối cùng cô cũng hoàn thành được hai bài thơ ngắn. Viết xong đưa anh Hải đọc. Anh chỉ cười chẳng nói gì!
Sau đó hai tuần. Một hôm đi làm về, anh đưa cho Liên tờ báo ngày chủ nhật của tỉnh và bảo: “Em đọc đi!”
Theo thói quen, Liên lật từng trang đọc những đầu đề của bài viết trước rồi mới xem nội dung sau. Giở đến trang thứ tư, bài thơ in trong một khung hình chữ nhật:
Nhớ
Trở về thăm lại chốn xưa
Bứa giang trong vắt đò trưa vắng người
Lao xao con sóng bồi hồi
Nhớ ai thuở ấy chân trời còn vương.
Đọc xong, Liên ngỡ ngàng tưởng mình mơ. Dụi mắt đọc lại, bỗng cô reo lên: “Đúng rồi! Thơ của mình thật”. Liên cảm thấy sung sướng vô cùng. Giá mà có mẹ ở nhà thì cô sẽ gọi to: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!”
Cũng từ đó Liên chăm chỉ viết, gửi bài đều đặn đến tờ báo cuả tỉnh. Ngoài ra cô còn dành thời gian và tâm trí để viết văn xuôi. Nhà xuất bản Kim Đồng đã in của Liên một truyện dài 100 trang cho Thiếu nhi, với số lượng tới ba ngàn cuốn. Đó là phần thưởng quý giá trong quãng đời thanh xuân của cô tàn nhưng không phế!
Gần đây, Liên định viết một bài thơ dài nói về mẹ nhưng không hiểu sao khó quá! Vật vã mãi mà chỉ viết được có hai câu: “Mặc bao giông bão sóng dồn / Lời ru của mẹ trong con suốt đời!”
N.V.L