Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

EM VÀ TÔI

Nông Văn Kim
 
EM VÀ TÔI
 
          Học hết mười hai, thi đại học mới đạt tám điểm, mấy bạn rủ nhau nộp tiền đi học hệ B. Nhà nghèo, lại còn hai đứa em đang học phổ thông, tôi thấy không ổn. Cuối cùng, đưa ra quyết định “thôi, ta thử vận may bằng cách khác vậy”. Đúng lúc, có đợt tuyển nghĩa vụ, thế là thành người lính. Với sức khỏe xếp loại A1, là con nhà lao động, nhanh nhẹn tháo vát trong việc nông tang nên từ những ngày huấn luyện, tôi đã được lãnh đạo đơn vị “chấm” ngay làm lính hậu cần, sau khóa huấn luyện được thăng luôn tiểu đội phó phụ trách tổ tăng gia. Tổ tăng gia của trung đoàn huấn luyện có sáu cậu, thì hai cậu luân phiên chăn đàn bò của tỉnh đội ba mươi con. Ba mươi sáu tháng làm lính hậu cần. Ao cá, vườn rau xanh mùa nào thức ấy đủ cho đơn vị, ngay cả các đợt tập trung huấn luyện hơn trăm người. Riêng đàn bò con nào cũng béo mập, sinh sôi thành đàn lớn. Tổ tăng gia liên tục được tuyên dương.
        Chưa hết mười ngày nghỉ chờ làm thủ tục ra quân thì đơn vị tăng gia gặp rắc rối, hai cậu lính mới không biết chăn dắt thế nào mà đàn bò tan tác cả, mấy con lạc sang cả thôn khác ăn hoa màu của dân, có con để lạc mất bê con trong rừng. Thế là đơn vị tức tốc cho người về địa phương tìm, mời tôi tạm trở lại công việc, ký hợp đồng làm tiếp đến khi nào đào tạo được người thay thế. Phải mất sáu tháng sau tôi mới bàn giao được.
     Ra quân với trợ cấp mười tám triệu, cộng thêm mười hai triệu tiền làm thêm thời gian sáu tháng do đơn vị yêu cầu. Cầm trên tay số tiền khá lớn, có đứa bàn đem đặt cọc đi lao động xuất khẩu. Nhiều đêm trăn trở, chẳng lẽ quê mình không còn công việc gì làm để nuôi thân ư? Rồi tự nhủ, hãy tĩnh tâm một thời gian xem sao đã. Trong một lần gặp ông Lai, giáo viên nghỉ hưu, tôi bộc bạch hết nỗi trăn trở của mình, ông khẳng định:
    - Làng ta vẫn còn một cửa làm ăn nữa mà mọi người đều bỏ qua, đi phấn đấu tận đẩu tận đâu ấy.
    - Vậy là cửa nào hả ông? Thấy tôi chăm chú lắng nghe, ông giảng giải:
    - Quê ta vốn từ xưa có thế mạnh về chăn nuôi gia súc ăn cỏ, vào những năm thập niêm sáu, bảy mươi, thế hệ các ông đã có lúc tự hào là địa phương có đàn trâu, bò đông nhất, tính trên đầu người, mỗi nhân khẩu có một con trâu hoặc bò.
    - Vậy nguyên nhân gì bây giờ nó teo tóp đi hả ông. Ông trầm ngâm: trước chăn nuôi theo lỗi cũ cần đồng cỏ rộng để chăn, nay đã giao đất giao rừng để trồng cây và bảo vệ rừng đầu nguồn, đồng cỏ không còn. Về lao động, xưa chỉ tận dụng lao động phụ, nhà nhà đông con, lứa anh lớn lên, lứa em thay thế, ngày ngày lên núi chăn trâu. Nay ít con, không còn trẻ chăn trâu nữa. Đến thời cơ giới thay thế sức trâu, vả lại những năm cuối thế kỷ hai mươi thịt trâu rẻ hơn thịt lợn vì vậy con trâu ở vào thế yếu. Cách đây hơn mười năm bốn con trâu mới mua được một xe máy Tàu. Nay con trâu năm tuổi hơn bốn mươi triệu mua được ba xe máy. Người nông dân đã để lỡ cơ hội chỉ trong mười năm loay hoay. Bây giờ phải chăn nuôi theo cách của bây giờ, chỉ tội không ai dám dẫn thân học hỏi…Được lời như cởi tấm lòng, tôi nói với bố những phân tích về thời cuộc của thày Lai, về ba năm kinh nghiệm gắn bó với đàn bò thời gian quân ngũ của mình. Ông đã nói với tôi như với người bạn:
    - Vậy là con đã thực sự trưởng thành, bố mẹ sẽ tạo mọi điều kiện cho con trong khả năng có thể.
     Vừa đúng dịp nhà được cấp một con nghé theo chương trình VOI. Con nghé vừa cai sữa trị giá năm triệu đồng, thế là những ngày đầu ra quân đang lấn cấn tìm hướng đi, tôi nghiễm nhiên trở thành anh “mục đồng”. Có người trêu tôi bằng một trích đoạn truyện thơ “Phạm Tử - Ngọc Hoa”:
 trau_bac_1
Pắt lan pây hết khỏi liệng vài
Tón chin, tón nòn đai, chẳn giác
(Bắt cháu đi làm tôi tớ chăn trâu
Bữa được ăn, bữa nằm xuông nhịn đói)
 
      Có người thực tâm ái ngại “Thanh niên sức dài vai rộng, lại đi chăn một con nghé, coi sao được”. Tôi mạnh dạn dùng số vốn đang có mua thêm năm con nghé, số tiền còn lại dựng hai gian chuồng gỗ, lát nền bằng xi măng.
      Thế là ngày ngày cùng đàn trâu lên núi. Tối, mở Google, gõ:
      “Tôi cùng đường, sức dài vai rộng phải đi chăn một đàn trâu, trong khi bãi chăn thả không còn, bạn bè cũng không. Ai có kế gì mách tôi với” Với địa chỉ: Mucdong80@... Mấy hôm sau, có mấy hồi âm, có một hồi âm làm tôi chú ý. Với địa chỉ Bioóc loỏng81@...“Xin chào chàng mục đồng, chàng không cô đơn đâu, hãy vào “Kỹ thuật chăn nuôi gia súc ăn cỏ nuôi nhốt”,
       Tôi mới vỡ ra, quanh ta nguồn thức ăn còn rất dồi dào mà lâu nay bỏ phí. Đất quay vòng ba vụ thân, lá, rễ, củ tận dụng có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cỏ đồi, vấn đề là biết chế biến để dự trữ. Thấy tôi chăm chỉ cặm cụi với đàn trâu, nhiều bà con khi tỉa ngô, tỉa lá mía, tuốt lúa họ dành rơm, gọi tôi đến lấy. Từ đấy, ngày chăn hai tiếng, lên đồi cho ăn cỏ non, vận động và tắm sông còn lại cho ăn tại chuồng.
      Sau đúng một năm, đàn nghé lớn lên, người ta trả bình quân mỗi con mười tám triệu, trừ gốc năm triệu, vậy vị chi lãi ra gần tám mươi triệu, hóa ra, ngày công đạt ngót hai trăm ngàn. Chưa kể được bao nhiêu phân bón ngô, bón lúa, thời gian còn lại nửa buổi trong ngày phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.
       Nhiều người vỗ tay chúc mừng, nhiều người lặng lẽ quan sát rồi nhận định: “Nếu đầu tư thích đáng, thành quả không chỉ có vậy”.
       Vào năm thứ ba thì tôi gặp nạn, số là do nhiều người thấy chương trình có hiệu quả, đã bàn nhau cùng thực hiện, nhu cầu nghé tại địa phương không đủ nên sang tỉnh bạn giáp biên mua. Đã đã mua phải gần chục con trâu còi cọc, nuôi mãi không lớn.
      Lại vào mạng hỏi: “tôi chăn một đàn nghé, chăm rất tốt mà sau sáu tháng
không lớn thêm chút nào, bạn nào biết giúp tôi với!”. Hôm sau, có hồi âm:
     “Hãy nói rõ hơn, số nghé đó mua ở đâu, xem có mấy răng?”
      Lại địa chỉ Bjoóc loỏng81@, tôi nhận ra chắc là một cô gái mới lấy tên như vậy vì Bjoóc loỏng là một loài hoa đẹp, cánh to hơn mọi loài hoa khác, nó chỉ mọc ở lũng sâu nơi có khí hậu trong lành. Đặc biệt nó được dùng vào dịp lễ kỳ yên, cầu phúc của đồng bào Tày, Nùng nên còn được hiểu là loài hoa chúc phúc. Bèn viết tỷ mẩn hết một trang giấy về đàn trâu rồi email đi.  
       Hôm sau, nhận ngay được phản hồi:
     “Vậy là anh mua phải những con nghé còi cọc, bệnh tật họ đem vỗ bằng thức ăn tăng trọng. Với răng lợi như vậy thì đấy là những con “nghé cụ” rồi đó! Hãy bán đi cho hội bê thui, càng nhanh càng tốt”
      Tôi lẳng lặng bán hết đàn nghé, vừa được bằng số tiền mua vào, với sáu tháng làm mục đồng không công”
     “Cám ơn Bjoóc loỏng đã mách bảo, nếu không tôi sẽ nuôi không công các “cụ nghé” đến bao giờ? không biết trả ơn bạn bằng gì được đây?”
     “Tuổi trẻ mà được như vậy là tốt rồi, hãy kiên trì, không vội cám ơn đâu chàng trai ạ” thấy giọng hơi kiêu kiêu, tự nhiên nóng mặt, tôi gõ:
     “Xin lỗi đã không nói rõ từ đầu, đã để cháu ngộ nhận, nếu theo tuổi tôi là chú đấy, cháu gái ạ. Từ đây, xin xưng hô là chú cháu cho phải đạo nhé!
    “Vậy cũng được, từ nay chúng ta nâng tuổi lên một giáp thành ông mãnh và bà cô, Vui lòng chứ, vì tuổi chỉ vênh nhau một phần mười hai con giáp thôi mà”
      Tôi chợt giật mình, hiểu ra, cái địa chỉ Mucdong80@ đã vô tình lộ bem ra mọi điều mất rồi, bèn xuống giọng:
    “Nếu gọi bà cô tạm nghe được, nhưng gọi ông mãnh sợ bọn trẻ nghe được, chúng hãi quá, thôi xin quay về anh em nhé”
   “Ok anh!”.
      Gây dựng lại đàn trâu, lại ngày ngày cần mẫn gây trồng, thu cắt, phơi, ngâm cỏ giả. Mẹ, vừa mừng thấy tôi chăm chỉ việc nhà, việc đồng nhưng lại ái ngại, thương cho tôi không có thời gian giao lưu với bạn bè. Có lần, tôi nghe được, mẹ nói với ông giáo:
    - Cứ thế này, thằng con nhà này ế vợ mất thôi thày à! Ông giáo cười:
    - Bà đừng lo bò trắng răng, thời buổi này những chàng trai như con nhà ta là mì chính cánh đó!
      Đã mấy lần, tôi email cho Bjoóc loỏng
     “Hãy cho địa chỉ người thật đi, dẫu ở xa đến đâu anh cũng sẽ tìm đến gặp em bằng được” vẫn một câu trả lời:
     “Gặp mặt em, e sẽ làm anh thất vọng, hãy chỉ làm bạn trên “đường trời” thôi. Lại tiếp:
   “Anh hãy lo chuyện lấy vợ đi, nghe nói mẹ anh bắt đầu nhắc về chuyện này rồi đó”.
      Tôi vay thêm vốn, nâng đàn trâu lên gần bốn mươi con, mở rộng bãi chăn sang khe suối xa.
      Sau mấy năm gặt hái được kha khá, định bàn với bố chuyện xây nhà. Nhưng, bất ngờ, tai họa lại giáng xuống, trong đàn trâu, một số con tự nhiên gầy rộc đi, lông xù, chỏm tai, chỏm đuôi rụng hết lông, phân lỏng, dính bết vào đuôi. Với đàn trâu trị giá gần tỷ đồng, tôi như ngồi trên đống lửa. Lần nữa phải cầu cứu đến Bjoóc loỏng.
       “Đàn trâu của anh gặp rắc rối khá lớn rồi đó! đến nước này, anh phải lên trạm thú y huyện rồi, ở đó họ có chuyên môn và đủ thuốc chữa, anh hãy lên đó nhanh đi kẻo không kịp”
       Tức tốc lên thị trấn, tìm đến trạm thú y. Tiếp tôi là ông trưởng trạm đã có tuổi và một cô gái trẻ. Hai người chăm chú nghe trình bày, cô gái đã làm tôi thoáng cảm giác khó chịu vì lỗi vặn vẹo rất kỹ, cả những chi tiết nằm ngoài những con trâu. Ông trạm trưởng phán:
    - Đây là cô Thanh Giang, kỹ sư thú y, Trạm cử Thanh Giang xuống chỗ anh để xem cụ thể đàn trâu và các yếu tố liên quan đến dịch tế. Thầm nghĩ, ông trạm trưởng đích thân xuống may ra còn được, chứ cô gái trẻ này để thi hoa khôi có thể nhất khối chứ chuyện trâu bò thì giải quyết được gì. Tuy vậy, tôi cũng nói lời cám ơn và hẹn ngày mai đón ở nhà.
       Khác với vẻ nghiêm trang ở trạm, cô gái tỏ vẻ thân thiện và vui tính, vừa bước xuống xe, đã nhanh nhẹn cởi bỏ áo khoác chống bụi, áo phao treo lên giá, mặc áo Blu trắng, đeo găng cao su như một bác sĩ ở bệnh viện. Xem xét kỹ niêm mạc, lông, da mấy con trâu, lấy mấy mẫu phân phết lên tấm kính tiêu bản, soi lên kính hiển vi. Tươi cười vẫy tôi lại:
      - Anh xem đi, toàn trứng sán lá gan đó! Hình ảnh phóng to rõ mồn một, lẫn những mẫu vật thể dài, xanh của lá cỏ là những hạt tròn như mắt cá nằm rải rác. 
      - Anh hãy đưa em xem nơi chăn thả hàng ngày, bãi cỏ và suối nước uống! Tôi đưa cô gái vượt đồi, xuống khe nước. Cô gái sắn quần quá gối lội xuống lấy tay mò, lấy lên mấy con ốc.
      - Anh xem, đây là ký chủ của sán lá gan, nó là một mắt xích trong vòng đời truyền bệnh cho đàn trâu của anh đó. Bất giác, tôi đỏ mặt vì những nhận xét ban đầu của mình về cô gái, đang định tìm mấy lời tán dương chữa thẹn, thì bỗng, “ối”, rồi “bùm” cô gái trượt chân ngã xuống vũng nước, ngập ngang đến ngực, vội chạy lại bế thốc cô gái lên, phụng phịu như một đứa trẻ:
     - Ướt hết quần áo rồi, bây giờ làm thế nào đây anh! Trời mười lăm độ C, cô gái run lên vì lạnh. Tôi trấn an:
     - Em yên tâm đi, ba chục phút sau mọi việc sẽ ổn. Khe sâu, vắng, đầy củi khô, chỉ một loáng, lửa đã cháy đùng đùng. Chặt mấy que thẳng bắc cạnh đống lửa làm sào phơi. Thấy cô gái đang xoay xoay mình về phía đống lửa, hơi nước bốc lên nghi ngút, tôi không nhịn được cười, trêu:
   - Em làm vậy chốc nữa chín thành củ sắn, anh sẽ bóc ăn đó! vội cởi áo khoác ngoài, quần dài.
   -  Em thay tạm đi! Cô gái trố mắt:
   -  Anh bảo em thay ở ngay đây á!
   - Anh ra ngoài kia chờ đến khi quần áo em khô!
   - Thế anh không sợ chết rét à!
   - Anh không chung lửa với em! Cô gái cười:
   - Ờ nhỉ em không nghĩ ra.
    Tự nhiên phì cười, nghĩ, không biết bộ dạng cô gái ra sao trong bộ quần áo rét rộng thùng thình của mình. Chợt nghe tiếng gọi:
    - Anh ơi, vào đi! Cô gái đứng bên đống lửa với quần dài áo trong đã khô, chỉ còn chiếc áo phao đang bốc khói trên sào phơi. Tôi ngẩn người trước người con gái với dáng hình cân đối, đang vận trên mình chiếc quần mút Thái và chiếc áo len màu tro, bó trọn lấy khuôn ngực tròn lẳn. Tai chợt nóng lên, nhận ra cái nhìn quá chăm chú của mình, vội vàng quay mặt đi.
       Đàn trâu được cứu. Thiệt hại không đáng kể. Tôi được cánh thanh niên phong lên hàng đại gia của làng. Trong những ngày làm con đường bê tông vào làng, người hiến đất, hiến vật liệu, tôi bàn với bố việc đóng góp, ông nói: “con đã đủ chững chạc rồi, hiến bao nhiêu cho làng là do con”, tôi đã hiến 10 triệu đồng cho làng. Con đường vào làng khang trang, ai ai cũng phấn khởi, hả hê nhất là những người cao tuổi.
        Một hôm, vừa đi rừng về, thấy chiếc xe máy đỏ của Thanh Giang đậu ở sân, cô gái tươi cười:
      - Về chuyên môn em hết việc rồi, em đưa về cho anh số báo tỉnh có bài viết về thôn bản mình và anh. Bài báo viết về chuyện xây dựng đường nông thôn, về kinh nghiệm cuộc vận động đóng góp sức người, sức của của cộng đồng. Nêu tên tôi là người đi đầu trong công cuộc phát động phong trào, ghé thêm vào chuyện đàn trâu, cho đó là mô hình làm giàu ngay tại quê hương. Đưa thêm một chi tiết làm tôi đỏ mặt “…theo dư luận, hậu thuẫn đằng sau thành quả của người thanh niên quả cảm, thấp thoáng hai bóng hồng”. Giời ạ, là do tôi dại miệng, khai với cô nhà báo trẻ về những chi tiết được tư vấn trên email, về chuyện Thang Giang đã cứu được đàn trâu. Thế mà cũng đưa lên báo được. Hai bóng hồng trên bài báo đã làm thức dậy nỗi thầm nhớ, thầm mong về hai người con gái mà tôi cố kìm nén bao lâu nay. Với Thanh Giang, tôi không thể quên, lần gần đây nhất, sau mấy lần mẹ mời, đã ở lại ăn bữa trưa với gia đình, cố gái nhanh nhẹn sắn tay vào bếp thành thạo như người trong nhà. Khi cô ta chào ra về, tôi đọc thấy ánh mắt đầy lưu luyến của mẹ. Nhưng, bằng lý trí, tôi đã ém chặt, đóng băng lại được do độ dài khoảng cách về học vấn, công việc đang làm. Còn Bjoóc loỏng vẫn nằm trong tấm màn bí hiểm.
        Sau mấy đêm trằn trọc, tôi quyết tâm liều một phen.
       “Anh đang khó khăn trong chuyện gia đình. Hãy cho anh gặp một lần, nếu không anh ở vậy suốt đời”
     “Sao chuyện đến nỗi to tát thế anh, thôi, đành chiều anh vậy, nhưng chỉ gặp một lần thôi nhé, vì em cũng sắp đi xa”. Tôi giật mình “xa là đâu?” tựa như sắp để mất điều gì hệ trọng, vội vàng:
      “Gặp ở đâu, thời gian nào, làm sao anh nhận ra em được”!
       “Lại lần nữa, chiều anh về thời gian, ngày mai, mười bảy giờ, tại gốc cây long não, ngay đường rẽ vào xã Long Dương, em mặc áo len màu tro, vạt trước có con gấu bông”.
       Sau đó là những giờ phút dài nhất trong đời tôi.
       Gốc cây long não. Sau hơn năm phút có một cô gái đi xe máy đến, dừng lại, bỏ mũ che mặt. Giật mình, Thanh Giang, sao em lại ở đây, tai tôi chợt nóng bừng lên, không biết Thanh Giang có biết mình đang hò hẹn với Bjoóc loỏng không?
 
       Người con gái, bỏ chân chống xe, quay người đi. Như vô tình, phanh áo khoác ra, từ từ xoay mình lại. Chiếc áo len màu tro, có hình con gấu bông ngộ nghĩnh đang phập phồng trên khuôn ngực. Tôi bàng hoàng thốt lên:
      - Tr…ờ…i! là em đấy ư !
      - Ái! gẫy xương em bây giờ! 
                                                                                      N.V.K
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 78
Trong tuần: 1176
Lượt truy cập: 436192
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.