Bạch Thảo
Tôi khá ấn tượng với cách đặt tên truyện của tác giả Đinh Văn Tháit trong tập truyện ngắn vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành quý 2 năm 2024, tập sách có tên Dưới lớp cỏ gai. Tôi chọn chùm tác phẩm anh viết về chiến tranh, về những người lính và hậu phương mà anh đã đi qua.
Một số truyện ngắn anh đăng tải trên báo chí tôi đã đọc và thấy cái mạch ngầm của người lính từng tham gia mặt trận biên giới Tây Nam đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 nhiều những ẩn ức chiến tranh. Đã trải qua đời lính nên anh vẫn lặng lòng với đề tài người lính. Anh chọn trình làng 11 tác truyện ngắn, thì gần như là những khoảng lặng chiến tranh cứ bảng lảng trong tất cả các truyện như Màu phù sa, Mắt lá trong đêm, Con đường hiến sinh, Hoa dã quỳ nở muộn, Vân đá biên thùy …
Mạch văn trong truyện ngắn của tác giả Đinh Văn Thái là cách viết chậm rãi, nhẩn nha kể chuyện, như không vội vã, chẳng quan tâm đến việc độc giả sẽ sốt ruột về cái cách nhẩn nha ấy, mà anh cứ kể. Rồi sự chậm rãi đã bùng lên khi câu chuyện được mở ra như những ô cửa đầy gió, đầy nắng và mang theo chi tiết đắt của truyện để độc giả thỏa mãn câu chuyện mà tác giả đã chắt lọc, công phu dùng ngôn ngữ để hóa thân vào nhân vật, vào từng tình tiết truyện. Đọc hết 11 truyện ngắn trong tập của Đinh Văn Thái, tôi nhận thấy anh là người rất cẩn trọng trong sáng tác của mình. Mảng truyện về đè tài chiến tanh, dù trực diện hay ở nơi hậu phương, bằng lao động ngôn ngữ anh tạo nên những truyện ngắn ấn tượng. Ta hãy đọc một lát cắt trong tình huống chiến tranh trong cuộc chiến ở biên giới Lạng Sơn năm 1979: “... Tôi với tay bật radio trên xe, vừa lúc bản tin chiến sự… trưa 22 tháng 2 năm 1979 lính Trung Quốc phun hơi độc vào pháo đài Đồng Đăng làm hơn bốn trăm dân thường và thương binh binh ta chết ngạt… Cả xe im phăng phắc. Tôi cảm giác có gì ứ nghẹn ở cổ, liếc nhìn sang Cục trưởng, ông vẫn ngồi im như pho tượng, hai mắt vằn đỏ.” Đó, chỉ một lát cắt bằng ngôn ngữ rành rẽ, không cần tô son, điểm phấn thì những câu chữ đó đã khiến độc giả phải tiếp tục đi theo câu chuyện của tác giả. Sự khốc liệt chiến tranh đang ở ngay cạnh chúng ta. Trong những dòng chữ của nhà văn đã tái hiện lại khoảnh khắc “im lặng” giữa thời bình mà những người lính vẫn phải xông pha ở tuyến đầu chống giặc… Mỗi truyện ngắn là một bức tranh đẹp bằng ngôn từ. Là những bức tranh đẹp ở làng quê khi nhà văn đã gắn bó, đã đi qua. Mỗi truyện ngắn đều là một khắc họa về nhân tình thế thái với nhiều day dứt đầy thương yêu của những người lính trong chiến tranh và khi trở lại với đời thường.
Tôi khá ấn tượng với các truyện ngắn Màu phù sa, Mắt lá trong đêm, anh đã dùng phương ngữ Nam bộ mô tả lại những ngày là người lính đã lăn lộn với bà con nơi đây trong cuộc chiến ở biên giới Tây Nam năm 1978. Không phải ai đã sống ở nơi đó mà có thể hòa nhập và tiếp nhận được văn hóa miền sông nước Nam bộ, nhưng khi trở thành nhà văn, người viết như cựu chiến binh Đinh Văn Thái đã hóa thân vào từng nhân vật với ngôn ngữ đậm chất Nam bộ. Đó cũng là một thành công không nhỏ của tác giả khi lao động chữ nghĩa, khi ngồi trước trang viết của mình. Nhờ sự nghiêm cẩn trong tư duy, trong cách sử dụng ngôn ngữ mà các truyện ngắn chiếm được cảm tình của tác giả ngay từ những dòng đầu câu chuyện. Ví như trong truyện Màu phù sa anh mở đầu những dòng thế này: “… Rừng tràm mênh mông xanh thẫm, tiếng sóng vỗ ì oạp vào hàng dừa nước bên bờ kênh. Có tiếng mái chèo lạch cạch va vào mạn xuồng. Ông Sáu Lai nhảy một bước lên bờ…”. Và ta hình dung ra ngay về khung cảnh miền quê đó, mạch truyện mở ra, tên nhân vật gọi theo số thứ tự anh Sáu, anh Tư… và ngôn ngữ Nam bộ, phong cảnh Nam bộ cùng những câu chuyện đẹp như màu phù sa châu thổ hiện ra, cuốn độc giả đi theo mạch văn tuôn chảy đó…
Ở truyện ngắn Mắt lá trong đêm, vẫn là câu chuyện về miền sông nước Nam bộ ấy, với chất giọng kể nhẩn nha khung cảnh miền sông nước mênh mang kênh rạch, rồi anh nhìn chăm chăm vào cái đồng hồ Omega trên tay cô gái chèo đò… Và anh đã “giấu” chi tiết đến cùng, để cho nhân vật nhận nhau trong một hoàn cảnh đầy…thương yêu day dứt. Là cô hướng dẫn viên du lịch ở đồng bằng Tây Nam bộ và người cựu binh trở lại thăm chiến trường xưa, họ tình cờ họ gặp nhau trong chuyến du lịch ấy và tình cờ…chiếc đồng hồ Omega đeo trên tay cô gái kia là tín vật mà anh đã trao cho cô gái của anh gần 30 năm trước. Rồi niềm vui òa vỡ. Họ đã nhận ra nhau họ là Cha và Con giữa miền nắng gió Nam bộ bời bời ấy. Hạnh phúc và nỗi đau như luôn song hành, dù gì anh- nhân vật Khái trong truyện - đã có kết thúc có hậu. Ngôn ngữ trong truyện khá nhuyễn, kết cấu chặt chẽ, và cái kết khiến độc giả thật…bằng lòng khi tác giả đã đưa đến cho chúng ta về một câu chuyện tình yêu trong lửa đạn chiến tranh đẹp và buồn, nhưng đầy tự hào của những người lính. Dù họ đã hy sinh thì đồng đội của họ vẫn làm sáng lên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.
Là cách biểu đạt ngôn ngữ trong truyện ngắn Dưới lớp cỏ gai mà tác giả lấy là tên tập sách. Khi tôi đọc truyện ngắn này trên báo, tôi đã nhận ra năng lực văn xuôi của tác giả Đinh Văn Thái thật giàu nội lực. Cách anh lựa chọn để xây dựng truyện ngắn là một lát cắt về triết lý nhân sinh. Các truyện ngắn đều gửi gắm những thông điệp của nhà văn trước thế thái nhân tình. Thời buổi xã hội phát triển quá mạnh mẽ với nền công nghiệp hóa, đến cái nơi không ai muốn đến cũng đã không còn như cách nói của chị bán dưa ở cánh đồng đầy cỏ gai nói với ông lão nhân vật tên Chiến: “Cụ ơi, cụ chậm chân rồi. Kể ra cụ chết từ mấy năm trước thì còn kịp. Chỗ ấy sau khi quy hoạch nghĩa trang người ta bán hết cả rồi…giá cao lắm…Bây giờ chết cũng khó.”
Thời kỳ đô thị hóa đã lấn sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, việc tìm chỗ…chôn cho mình cũng là nỗi day dứt ám ảnh của người đang sống. Là cảnh báo sự chế ngự đồng tiền đã và đang can thiệp sâu vào đời sống xã hội, đã vô tình hoặc hữu ý tước đoạt một cái quyền bình thường nhất của con người là khi chết được nằm ở cánh đồng làng quê mình đã trở thành một việc…khó!
Là bạn viết của tác giả, tôi chỉ xin mạn đàm một số truyện của anh mà tôi tâm đắc, là những đồng cảm về nhân vật truyện, là văn phong của anh mà tôi trân trọng lao động chữ nghĩa cùng tác giả Đinh Văn Thái.
Chúc anh sẽ tiếp tục trình làng tập truyện tiếp theo thành công hơn tập Dước lớp cỏ gai.
B.T
(C.S)
Người gửi / điện thoại