Nguyễn Tùng Minh
ĐỨNG DẬY SAU CÚ NGÃ
Chiều, nắng đã ngả xuống ngọn Đá Phiến. Mặt trời đỏ lựng, tròn to như cái quạt mo cau của ông cả Đĩnh. Chủ quán nước ngay góc sân nhà Văn hóa bản Đồng Lươn. Gọi là quán cho oách, chứ chỉ có bộ bàn ghế bằng xi măng kê dưới tán cây bông gòn quanh năm xanh mát bóng trùm kín mặt sân. Vào những buổi trưa hè, gió nam thổi về mát rượi, sướng hơn ngồi trong phòng điều hòa.
Giờ này cũng là giờ cánh thanh niên, các ông, các bà nhóm trẻ, nhóm già ra sân nhà Văn hóa của bản chơi bóng chuyền, cầu lông... Riêng cánh trung tuổi, trước khi chơi bóng, thế nào cũng có một khoảng thời gian vào quán tụ bạ, uống nước chè, hút thuốc lào tán gẫu.
Cứ đến giờ, là ông Cả Đĩnh pha sẵn một ấm nước chè ngon. Tuy là đất chè, nhưng ông không dùng chè bản địa, lúc nào cũng phải là chè Thái móc câu. Nước vàng sánh, thơm hương đặc biệt. Thưởng thức chè ngon lâu ngày cũng thành nhớ. Ông có cái điếu cày, tiếng giòn như tiếng còi, tiếng rít vang xa, như chào mời… Lại sẵn hộp thuốc lào Thái Bình say tê mê, khoái khẩu của các ông đứng tuổi nên quán đã đông lại thêm đông… Con cái ông đi làm ăn xa nên ông trà nước tiếp đãi mọi người cho vui cửa vui nhà. Người làng quen gọi là quán vì người ra vào đông như quán, chứ ông Cả Đĩnh chẳng bán gì.
Dục là một tay chuyền hai của đội bóng Đồng Lươn, nó có thân hình rắn chắc, chiều cao khiêm tốn 1,60 m. Nó không nhảy được cao nhưng búng đâu dính đấy. Đội bóng Đồng Lươn có tay chuyền như nó cùng với tay đập như trời giáng của thằng Thỏa là đã cầm chắc tới bảy mươi phần thắng trong tay. Ấy là nói nếu thi đấu giao hữu với các đội bóng trong xã. Chứ thi đấu với các đội mạnh của huyện thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Thỏa, tay đập số một của đội bóng Đồng Lươn là con ông Thuận cán bộ hưu trí. Thỏa học đại học Lâm Nghiệp Thái Nguyên, ra trường ông Thuận chu cấp một khoản vốn, kết hợp vay vốn ngân hàng. Nó mở xưởng chế biến ván ép. Công đoạn gồm bóc gỗ và ép thành ván theo đơn đặt của khách hàng. Chính vì thế, có quy mô doanh nghiệp nhỏ. Có kế toán, kỹ thuật và công nhân cho từng bộ phận dây chuyền, làm việc theo ca. Chỉ mấy năm thôi, xưởng của nhà Thỏa - Thu đã trở nên uy tín, có nhiều đơn đặt hàng giá trị xuất khẩu. Công nhân được tuyển chọn kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, hưởng tiền lương cao, phấn khởi, gắn bó với doanh nghiệp.
Hôm nay, xong việc sớm Thỏa ra sân bóng. Thấy mọi người còn uống nước trong quán ông Cả Đĩnh, nó cũng vào uống nước, góp chuyện. Thằng Vận, đang khoác lác nói chuyện trên trời, dưới đất, thao thao bất tuyệt bình luận mùa Wond cúp 2023 rồi nhảy sang chuyện chơi số lô đề:
- Hôm qua tao đã bảo đánh con 01 chẳng thằng nào nghe. Nếu chơi hôm nay lại chẳng có bữa liên hoan nhòe!
Bọn thằng Thức, bà Dung Toác chêm vào:
- Ừ hôm qua thằng Vận nó nói đúng thật! Thế hôm nay mày thích con gì?
- Tao chẳng chơi, hôm nào thích thì văn nghệ, giải trí cho vui. Như hôm nay kiểu gì cũng lên đầu 3, cứ chơi mạnh con 36.
Cũng có mấy đứa, trước khi ra sân nháy ông Cả Đĩnh vào nhà trong thì thầm to nhỏ. Thằng Dục nghe chúng nó tán gẫu, cũng tham gia mấy câu:
- Thôi đi các bố! Người ta bảo: “Chơi đề, ra đê mà ở” 99 bát cứt mới có một bát cơm, chỉ có ngu như con thiêu thân mới lao vào?
Thằng Dục nói thế, chả có đứa nào đáp nhời. Ai lại đi nhận là mình chơi số đề cơ chứ. Ở cái bản Đồng Lươn này, cũng loáng thoáng có người chơi số đề. Ai cũng nghĩ là có chơi chỉ chơi cho vui, để khi vô tuyến báo kết quả xổ số thì có chút hồi hộp. Chứ cũng chẳng ai nghĩ mình đã tham gia vào tệ nạn!
Đêm sập xuống cũng nhanh, đội bóng sắp giải tán, thì đã thấy bà Dung toác chạy đến ghé tai thằng Vận:
- 36, mày có chơi không? Tao nghe mày cũng được cái đầu 3.
Hết hiệp bóng, thằng Vận lại choang choang:
- Giờ chúng mày về nhà ông Cả Đĩnh, tao đãi bia nhé!
Xưởng Ván ép Thỏa – Thu đang vào giai đoạn sản xuất thuận lợi cả đầu vào lẫn đầu ra. Công nhân phấn khởi, tiến độ nhịp nhàng. Đang được mọi người đánh giá là một doanh nghiệp có uy tín và triển vọng nhất trong toàn xã.
Cũng trong lúc này thì cô Thu kiểm tra sổ sách phát hiện có những biến động lạ về tài chính của xưởng. Cân đối những khoản chi, thu thấy bất hợp lý. Rõ ràng tiền nhận nguyên liệu gỗ đầu vào đã thanh toán cho khách mà sao lại lòi ra các khoản nợ khó tin. Kiểm tra lại đồng loạt, thì chỗ nào cũng có thâm hụt tài chính, không cánh mà bay. Thu trao đổi với Thỏa về những thắc mắc trên để tìm ra lỗ hổng về quản lý tài chính.
Biết không thể giấu vợ, Thỏa đã nói cho Thu biết mình đang mắc một khoản nợ lớn. Khoản nợ từ việc chơi lô đề, nó giấu vợ vay mượn bạn bè, đến khi không còn chỗ vay nóng thì vay nặng lãi. Khoản vay nặng lãi đã làm cho Thỏa điêu đứng, xoay xỏa như gà mắc tóc mà không tài gì lo được. Mở mắt ra đã phải lo làm sao trong ngày phải có hàng triệu để trả lãi mới được yên. Buộc phải vay chỗ nọ đập chỗ kia, đầu óc mỏi mệt, ăn không ngon, ngủ không yên… Đến nay, nói ra được với vợ để cùng tìm cách khắc phục, trong đầu nó cũng nhẹ đi phần nào…
Chị Thu nghe chồng nói về khoản vay nặng lãi thì mặt biến sắc, thốt lên một câu:
- Đến nước này thì tôi làm sao sống được đây, hả trời!
Thu như người mất hồn, chân tay bủn rủn rồi ngã quỵ. Thỏa vội dìu vợ vào nhà trong, miệng lắp bắp:
- Tha cho anh, em ơi. Đừng bỏ anh, anh trót dại…
Không khí trong nhà Thỏa trùng hẳn xuống như nhà có đám, im lặng khác thường. Chị Thu mọi ngày ngoài việc theo dõi sổ sách thu chi thì hồ hởi phục vụ nước nôi, ăn ca cho các tổ thợ. Nay nằm bẹp mất mấy hôm, còn Thỏa ngồi như một pho tượng bên góc bàn nước đờ đẫn và bế tắc. Mọi người tưởng vợ chồng nó ốm đến thăm hỏi, động viên. Tuy vậy nhưng Thu không hé răng đả động tới việc của Thỏa.
Thỏa đau khổ và hối hận nhớ lại. Thằng Dục nói đúng: “99 bát cứt mới có một bát cơm mà vẫn cứ hục vào”. Công việc làm của vợ chồng Thỏa đang ổn định và phát triển, lại được chọn là mô hình triển vọng của xã. Đang ăn nên làm ra, bản thân nó chẳng có ý định làm giầu bằng cách chơi số đề. Ban đầu chỉ là sẵn mấy chục đồng tiền lẻ chơi vài số cho vui theo thằng Vận. Không ngờ hôm ấy nó lại trúng, mười nghìn ăn bảy trăm. Giải trí thôi nhưng vui phết!
Sau hôm được đề nó nghĩ, không biết thằng Vận tính toán bằng cách nào? Mà nhiều hôm nó đoán rất đúng. Đúng như nhìn thấy. Đã có lần nó nghe thằng Vận thao thao với mọi người: “Xổ số không phải quay ngẫu nhiên đâu mà được xếp đặt rất khoa học. Thế mới là Lê Bá Khánh Trình chứ! Tao theo dõi mười mấy năm nay rồi, đúng lắm! Nếu mình phát hiện ra cầu thì hãy chơi. Chúng mày thấy có phải hôm nào tao cũng đoán đâu, chỉ hôm nào đúng cầu tao mới phán, đã phán là chính xác tới 90%. Chúng mày thử hình dung xem, đến con tàu vũ trụ đang bay vun vút mà chỉ cần nhấn nút dừng là dừng nữa là quả bóng trong lồng…”
Câu nói vô tình của thằng Vận đã lọt vào tai nó. Thế rồi, vì tò mò, thích nghiên cứu. Sau hôm ấy Thỏa cũng lên Google tra kết quả sổ số, nó thống kê kết quả trong mười năm gần đây in ra giấy để nghiên cứu. Nó nghĩ, nghiên cứu cũng là một cách để giải trí. Tự dự đoán những con số ra ngày hôm sau rồi tự chơi với mình xem có bao nhiêu lần dự đoán đúng trong một tuần. Đúng thì vui như bắt được của, không đúng thì cũng chẳng sao. Có chơi đâu mà mất cứ thế rồi đâm mê…
Nó nghiên cứu, rồi dự đoán ngấm vào máu lúc nào không biết, Thỏa mon men chơi, chia thành sân để chơi, nghĩ chẳng hại gì? Để không ai biết, nó chơi với nhà cái trên mạng. Chiều chuyển tiền đi tối tiền chuyển về. Tiền vẫn ra ra vào vào đều đặn, cũng có lần trúng lớn, được hẳn mấy chục triệu… cứ thế Thỏa ngày một tự tin. Cho đến khi nó phát hiện thấy đến chục ngày không ra đầu thấp. Qua theo dõi, nó thấy biên độ không quá mười ngày, chậm lắm không nay thì mai đầu thấp cũng phải ra. Nó hạ quyết tâm, không tính toán gì cả, nuôi đầu thấp tăng theo cấp số nhân. Không có lẽ nào nuôi hẳn 50 số lại không ra! Cứ thế vô tư ra tiền và vô tư hy vọng. Nuôi được 3 ngày vì phải tăng gấp mới có lãi nên hết tiền trong túi. Khi không còn tiền để chơi nó đi vay bạn bè. Việc vay mượn nóng để làm ăn với nó không khó, ai cũng tin tưởng giúp đỡ. Vay mãi cũng hết chỗ. Tới mức này thì không thể bỏ được. Nó quyết định lấy nhà xưởng để thế chấp vay nặng lãi của dân xã hội đen. Chơi thêm được vài hôm thì khoản tiền vay nặng lãi cũng cạn… đến khi hết tiền thì đầu thấp mới ra! Vẫn trúng, cạn tiền nên chơi vớt vát, tiền thưởng chỉ đủ trả lãi được mấy ngày. Nó như người bị tụt xuống vực thẳm, không lối thoát. Lãi thì vẫn phải trả hàng ngày, nó loay hoay nợ lại tiền khách hàng đầu vào, ứng trước đầu ra cho tới khi bị vợ phát hiện…
Chị Thu nằm bẹp mất hai ngày, rồi cũng dậy. Chị lẳng lặng cầm tờ đơn xin ly hôn chìa ra trước mặt Thỏa:
- Anh đọc đơn đi rồi Ký. Mình chia tay đi!
Thỏa không nghĩ sự việc lại đến nông nỗi này, nó lắp bắp, khẩn thiết, một xin hai xin:
- Anh biết lỗi của anh rồi, tha cho anh đi. Anh hứa xẽ chỉn chu làm ăn để vực dậy, trong lúc này em bỏ anh thì nhà ta mất xưởng!
- Tôi suy nghĩ kỹ rồi, chúng ta chưa có con. Đây là cách tốt nhất để giải thoát cho nhau. Vừa ngo ngoe làm kinh tế, chưa đâu vào đâu. Anh đã vung tay cờ bạc hại gia đình đến nước này, tôi không thể chấp nhận được. Nói rồi Thu vùng vằng bỏ vào trong buồng, khóa trái cửa lại. Đứng bên ngoài Thỏa một mực xin vợ tha thứ…
Mấy ngày bặt tin, chiều hôm sau một toán người ăn mặc hổ báo rằn ri, săm trổ đầy mình kéo tới nhà Thỏa. Thằng dẫn đầu trông dữ tợn, những cục thịt bằng ngón tay sần sùi nổi đầy mặt. Mắt sâu hoắm răng vừa to vừa vàng trông dễ sợ, nó hất hàm hỏi trống không:
- Thằng nào là Thỏa?
Thỏa khúm núm:
- Dạ, là em…
- Mấy ngày nay mày đi đâu? trốn hả? Giờ định sao đây?
Thỏa chưa kịp phân bua, nó đã nháy cho đám đàn em đấm đá phủ đầu. Rồi nó túm lấy cổ áo Thỏa kéo sát vào mặt nó. Mắt sáng quắc, răng nghiến lại, tiếng nói thoát ra gằn trong cổ họng:
- Ông cho mày thu xếp ba ngày, lo hoàn trả đủ cả gốc lẫn lãi. Nếu không đừng trách ông là ác!
Nói rồi nó đẩy Thỏa nằm ngã xõng xoài giữa sân. Thỏa vội ôm lấy chân nó mếu máo van xin:
- Anh cho em khất chục hôm nữa, em bán xưởng em trả
- Mày nhớ đấy, nếu không đúng hẹn thì không có cơ hội gặp vợ con nữa đâu!
Nghe tiếng đấm đá thình thịch ở bên ngoài, Thu đang nằm bệt trong buồng vội vùng dậy mở cửa đi ra ngoài, tru tréo làng xóm. Thằng dẫn đầu liền rút dao đe dọa:
- Mày kêu to lên! Tao xin cái tai thằng này xem dân làng có trả nợ thay cho nhà mày được không?
Một thằng trong nhóm chìa cái giấy vay nợ cho Thu coi, rồi nói:
- Mười ngày nữa, nếu không trả đủ cả gốc lẫn lãi, chúng ông sẽ đến nhận bàn giao xưởng như thỏa thuận! Nhớ đấy, không đùa với bọn ông được đâu!
Nói rồi bọn chúng kéo nhau ra về, Thỏa mặt tái xanh, cắt không còn giọt máu. Bị đòn đau mà không dám kêu, ngồi bệt dưới nền nhà đau khổ, bất lực.
Thu vùng vằng cuốn gói quần áo về nhà ngoại kể lại sự tình, tìm cách tháo gỡ. Nhưng khổ nỗi, bố mẹ Thu làm ruộng lại đông con. Thu là cả, hai đứa kế tiếp Thu đi làm cho Thỏa còn chưa nhận được lương. Bìa nhà đất nếu đem vay ngân hàng mà không có phương án kinh doanh thì họ cũng chỉ cho vay ở một mức nhất định, không thấm vào đâu. Thu lại về nhà bố chồng là ông Thuận. Ông Thuận hưu trí, lương ba cọc ba đồng. tiết kiệm được đồng nào thì đã đầu tư cho vợ chồng nó mở xưởng. Có giúp nữa cũng chỉ giải quyết được khoản thằng Thỏa vay nóng của bạn bè…
Thu lủi thủi ra về, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Nó không thể ngờ, việc làm ăn của vợ chồng nó đang phát triển thuận lợi, giờ phải giải tán. Uất ức nghẹn lên, chỉ muốn tìm đến cái chết…
Được tận mắt chứng kiến cảnh bọn đầu gấu hành xử rất tàn nhẫn với Thỏa. Nó nghĩ lại, việc đã rồi, có trách móc nặng lời với nhau cũng không thể lấy lại được. Giờ phải tìm cách trả món nợ nặng lãi cho bọn chúng không chúng cũng không để cho được yên. Chúng hùng hổ, dữ tợn lắm, coi mạng người như con sâu con bọ. Về tới nhà, thấy Thỏa ngồi tiều tụy một chỗ góc bàn nước. Mới có mấy ngày mà trông người gầu sọp, râu đâm ra tua tủa, hai hố mắt sâu hoắm, tối om, vô hồn... Biết chồng bị đánh đau, lại bị bỏ mặc hai ngày chẳng biết ăn uống ra sao. Thu thấy thương, cơn giận cũng tan biến mất. Thu lấy lại bình tĩnh, mình phải mạnh mẽ quyết đoán thôi. Nó ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, đặt tay lên đầu gối Thỏa rồi nói:
- Việc đã rồi, có nói thế nào cũng không lại được. Tôi đã về bên nội, bên ngoại cũng chỉ vay được hơn trăm triệu, và trong két còn một số tiền bán hàng. Anh lấy đem trả những khoản vay nóng của mọi người, và thanh toán lương cho anh em thợ đi. Còn khoản vay ngân hàng và khoản vay nặng lãi thì thu xếp bán máy móc đi mà trả nợ. Mình phải làm lại từ con số không thôi…
Nói đến đây, nước mắt Thu cứ chực trào ra. Thỏa thấy hối hận định nói gì đó, nhưng Thu đã chặn lại, nén nước mắt, nói dứt khoát:
- Ngay từ ngày mai, Anh có thể đi đâu đó thật xa, tìm việc làm thuê và làm lại cuộc đời. Còn mọi việc ở nhà tôi sẽ lo. Mình không ăn cướp được ở đâu mà trả lãi cho chúng nó như thế được. Tôi sẽ đứng ra xin bọn chúng khoanh số tiền nợ không tính lãi, hoặc có lãi cũng phải theo mức pháp luật cho phép, và phải đợi bán xong máy móc sẽ trả. Nó không có cớ gì để đánh tôi, anh cứ yên tâm! Quá lắm thì tôi báo công an!
***
Mới đấy, mà đã bảy năm trôi qua. Thỏa ra thành phố để tìm việc làm. Sau bao ngày tìm kiếm, cuối cùng Thỏa cũng được nhận vào làm chân bảo vệ cho một tòa nhà Trung cư, tiền lương đảm bảo. Nhưng chi phí cho việc thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền điện nước… cuối cùng cũng không tiết kiệm được bao nhiêu.
Cũng trong thời gian làm bảo vệ, nó gặp Bình người bạn thời còn học đại học. Biết Thỏa có tay nghề thợ mộc giỏi nên giới thiệu với ông Thái là chủ xưởng mộc lớn ở ngoại ô nhận vào làm. Xưởng Mộc của ông Thái chuyên gia công, sản xuất đồ mộc dân dụng bằng ván ép công nghiệp. Xưởng có một bộ phận thiết kế tạo ra những mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Có bộ phận sản xuất, đóng, lắp, ghép theo thiết kế. Có công việc phù hợp, tiền lương cao, lại được ăn nghỉ ở nhà tập thể không mất tiền trọ. Được nhận vào thử việc, Thỏa mừng lắm nó hết lòng tận tụy làm việc. Vốn có đôi tay khéo léo, lại thông minh, tháo vát, lễ độ nên được ông Thái để mắt tới.
Thỉnh thoảng ông Thái cho Thỏa đi cùng vào nhà máy để nhận ván ép gỗ. Đó là nhà máy chế biến ván ép gỗ công nghiệp. Ông Thái thường xuyên đặt hàng theo quy cách ở đây. Vào tới nhà máy, nó chú ý quan sát và rất muốn tìm hiểu về sản xuất ra ván ép gỗ công nghiệp. Trước đây, xưởng của nó đã sản xuất ván bóc ép. Về công nghệ cơ bản giống nhau, nhưng quy trình thì khác hoàn toàn.
Điều mà Thỏa quan tâm là ở chỗ sản phẩm này tận dụng được nguyên liệu, thứ hàng hóa ở quê nó gần như bỏ đi.
Trên đường về, ngồi gần ông Thái, Thỏa mon men hỏi ông về nhà máy Ván ép gỗ công nghiệp. Nó tâm sự và lấy làm tiếc, ở quê nó chưa có nhà máy nào sản xuất dòng sản phẩm này. Mà nguyên liệu lại được tận dụng từ mùn cưa, từ ruột thừa của ván bóc, từ sản phẩm loại ra không đủ quy cách ở nơi khai thác trên rừng, đem băm nhỏ. Chỉ cần trả công lao động thu gom là đã có nguyên liệu. Nó mơ ước sẽ có ngày nó về quê mở lại xưởng, nó sẽ đầu tư vào dòng sản phẩm này. Giá thành thấp, có thu nhập cao, lại tạo ra được việc làm cho nhiều người.
Nghe nó tâm sự ông Thái mới được biết Thỏa đã từng có xưởng sản xuất ván ép. Do cú vấp ngã, sảy một ly, đi một dặm nên mới sa cơ lỡ thế phải đi làm thuê. Trong thời gian làm công cho ông. Ông đánh giá Thỏa là người có ý chí, nghị lực biết cầu thị. Biết chịu đựng gian khổ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông càng quý nó hơn, và có ý giúp đỡ. Nên ông nói:
- Anh có muốn tôi giới thiệu anh vào nhà máy làm công nhân không?
- Cháu rất muốn, được làm việc và học hỏi ở nhà máy, cháu càng có kinh nghiệm để thực hiện ước mơ, bác giúp cháu nhé!
Qua ông Thái giới thiệu, Thỏa được nhận vào làm việc tại nhà máy. Hai năm trời làm việc ở đây, Thỏa đã làm việc ở hầu hết các phân xưởng của nhà máy: Từ Xử lý nguyên liệu gỗ - Phân xưởng băm dăm – sàng dăm – rửa dăm – hấp dăm – Trộn keo – Sấy sợi – Trải thảm – Ép sơ bộ - Cắt tấm – Ép nhiệt – Xử lý kích thước đánh nhẵm bề mặt ván – Đóng gói.
Không những thế, nó còn gọi bạn bè cùng làm ăn với nó khi còn ở quê đem mùn cưa, gỗ băm về cho nhà máy. Nó suy nghĩ đơn giản Nhà máy hoạt động thuận lợi, thì thu nhập của chính người lao động cũng được cải thiện. Có thêm nguồn nguyên liệu đầu vào, Ông Hòa càng tin tưởng, giao cho nó vào tổ thu mua nguyên liệu đầu vào của nhà máy. Thỏa giúp việc tận tâm, tận lực lại thật thà nên ông Hòa càng thêm quý mến coi như con cháu.
Trong hai năm làm việc ở nhà máy, Thỏa mua thêm các sách chuyên nghành chế biến gỗ để nghiên cứu thêm về thiết bị máy móc, quy trình sản xuất của dòng sản phẩm này…
Sau bảy năm đi làm thuê, Thỏa tiết kiệm được một khoản tiền. tuy không lớn, nhưng bù lại nó đã có trong tay kinh nghiệm, kỹ thuật để mở xưởng Ván ép gỗ. loại sản phẩm mà nguyên liệu được tận thu triệt để, giá thành hạ, thu nhập cao. Giải quyết cho phần đông lao động dư thừa ở địa phương. Lúc này Thỏa cũng lấy lại niềm tin được vợ và gia đình hai bên ủng hộ.
Thỏa trình bày với giám đốc nhà máy, xin nghỉ việc để về quê mở xưởng băm gỗ. Ông Hòa giám đốc nhà máy là em ông Thái. Do ông Thái giới thiệu và có ý gửi gắm nên ngay từ những ngày đầu được nhận vào làm việc, ông Hòa cũng đã ngầm theo dõi và quan tâm tới nó. Nay nghe nó trình bày nguyện vọng của bản thân và nộp đơn xin nghỉ việc. Trong lúc này nhà máy cũng đang có kế hoạch phát triển mở rộng thêm xưởng máy vệ tinh tới vùng nguyên liệu. Ông đồng ý và đưa ra gợi ý, nếu Thỏa thành lập nhà máy, ông sẽ cho chuyên gia đến giúp đỡ cố vấn lắp ghép. Tới khi Nhà máy đi vào hoạt động, tôi cho người đến giúp đỡ và hướng dẫn về khâu kỹ thuật sản xuất. Đồng thời ông sẽ ký hợp đồng đầu ra với Thỏa. Ông nghĩ, trong việc này, cả đôi bên cùng có lợi. Nếu Thỏa thành công, trong tương lai vô hình nhà máy của Thỏa sẽ nằm trong dự án phát triển của ông.
Lời nói của ông Hòa giúp cho Thỏa thêm vững niềm tin hạ quyết tâm thực hiện mơ ước. Ông đứng dậy bắt tay, nhắc Thỏa sang phòng Kế Toán làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán tiền lương. Ông cũng không quên mời Thỏa buổi tối tới gia đình dùng bữa cơm chia tay.
Tối Thỏa mua một túi quà đến chào và cảm ơn sự giúp đỡ của ông Hòa trong suốt thời gian nó được làm việc với ông. Đến nơi, nó gặp Bình ra đón:
- Mày làm tốt lắm, chúc mừng thằng bạn!
Thỏa ngớ người, chưa hiểu chuyện gì? Sao thằng Bình lại có mặt ở đây và bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho nó…
Bữa cơm liên hoan ông Hòa tiếp Thỏa không có cao lương mỹ vị, nhưng đầm ấm mà Thỏa có cảm giác như đang ở nhà mình, bên những người thân. Tại đây, Thỏa được biết Bình là đứa con độc nhất của ông Hòa. Ngay từ những ngày đầu nó và ông Hòa đã ngầm theo dõi, giúp đỡ mà Thỏa không hề hay biết gì cả.
Thỏa và Bình vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Thỏa tâm sự với nó không hề giấu giếm những uẩn khúc, những ước mơ, ý tưởng của mình được làm giầu trên chính mảnh đất quê hương nó. Trong việc làm, đôi khi ông Hòa còn vô tình tạo những kẽ hở để Thỏa lợi dụng. Nhưng không, thỏa tận tâm, tận lực, thẳng thắn thật thà. Luôn nỗ lực hoàn thành tốt những công việc ông Hòa giao.
Cũng trong bữa cơm này, ông Hòa giao cho Thỏa một nhiệm vụ mới. Nó về quê chuẩn bị mặt bằng, liên hệ làm các thủ tục pháp lý để mở nhà máy vệ tinh cho nhà máy của ông. Ông sẽ cho xây dựng nhà máy và giao cho Thỏa quản lý.
Như con chim tự giam cầm nay được vẫy vùng trong bầu trời đẹp nắng. Trở về quê hương, bản Đồng Lươn của nó đã đổi mới trông thấy. Bảy năm trôi qua Thỏa trở lên tụt hậu, giờ mới bắt đầu khởi nghiệp. Một bài học đắt giá thấm vào tận xương tủy, thầm ghi tâm khắc cốt không một phút giây nào được phép quên đi…
Vào một sớm mùa thu tháng tám, nhà máy ván ép gỗ dân dụng Thanh Tân long trọng ra mắt đi vào hoạt động. Có mặt lãnh đạo Đảng ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương tới dự và cắt băng Khánh thành nhà máy. Ông Hòa, với tư cách là tổng giám đốc công ty mẹ lên trao quyết định bổ nhiệm cho Thỏa chức danh giám đốc công ty thành viên trực thuộc nhà máy của ông.
Những bó hoa được trao cho tân giám đốc, những tiếng vỗ tay vang dội kéo dài. Bầu trời mùa thu đầy nắng. Nhưng hôm nay bầu trời trên bản Đồng Lươn cũng xanh trong hơn, nắng cũng tươi hơn và đẹp hơn… báo hiệu một khởi đầu mới phát triển và bền vững.
N.T.M
Người gửi / điện thoại